Chương 19
Tác giả: Chinua Achebe
Những trận mưa lớn cuối cùng đã đổ. Hồi này là hồi người ta nện đất để xây tường. Không thể làm sớm hơn được vì lúc đó mưa lớn quá, trôi hết các đống đất nện; mà cũng không thể làm trễ hơn vì sẽ nhằm mùa dỡ khoai, dỡ khoai xong thì tới mùa nắng.
Mùa này là mùa dỡ khoai cuối cùng của Okonkwo ở Mbanta. Thế là gần hết bảy năm bỏ phí mà mệt nhọc ở đây. Tuy tại quê ngoại, Okonkwo cũng làm ăn thịnh vượng đấy, nhưng ở Umuofia bên quê nội, làm ăn tất còn phát đạt hơn, bên đó người ta bạo dạn và hiếu chiến. Và trong bảy năm đó, ông đã lên được những địa vị cao nhất trong làng rồi. Vì vậy ngày nào bị đày là ông tiếc ngày ấy. Bà con bên ngoại cư xử với ông rất tốt, ông mang ơn họ. Nhưng ông vẫn là bị đày. Đứa con đầu tiên sanh ở nơi đất khách này, ông đặt tên là Nneka - “Mẹ cao cả hơn hết” - để tỏ lòng quí mến bà con bên ngoại. Nhưng hai năm sau, sanh đứa con trai, ông đặt tên là Nwofia, có nghĩa là “Sanh tại nơi hẻo lánh”.
Bắt đầu qua năm cuối cùng, Okonkwo gởi tiền về cho Obierika, nhờ dựng trước cho hai cái chòi, trong trại cũ của ông để gia đình về đó ở tạm trong khi cất những cái chòi khác và bức tường rào. Không thể nhờ người khác cất cái obi và tường rào cho mình được. Những cái đó phải đích thân mình cất lấy nếu không được hưởng của cha.
Khi đó những trận mưa cuối cùng bắt đầu đổ, Obierika nhắn người cho hay rằng đã cất xong hai cái chòi, và Okonkwo chuẩn bị để hết mùa xuân thì về. Ông muốn về cho sớm hơn, cất trại cho xong trước mùa mưa năm đó, nhưng như vậy là về trước khi hết hạn lưu đầy, không được. Cho nên ông kiên nhẫn đợi tới mùa nắng mới về.
Mùa nắng tới chậm. Mưa nhẹ hạt hơn, sau cùng chỉ còn những giọt phất phất, nghiêng nghiêng. Đôi khi đương mưa mà nắng và gió hiu hiu thổi. Thứ mưa đó dễ chịu, hạt rất mịn. Cầu vồng bắt đầu hiện ra, có khi hai cái cùng hiện một lúc, như mẹ với con, một cái trẻ đẹp, cái kia như một bóng già, mờ mờ. Người ta gọi cầu vồng là mãng xà của trời.
Okonkwo kêu ba người vợ lại, bảo chuẩn bị một tiệc lớn để “tạ ơn bà con bên ngoại, trước khi ra đi”.
Ekwefi còn để dành ở ngoài ruộng một ít khoai mì từ trước mùa. Hai người vợ kia không còn chút nào, không phải vì họ làm biếng mà vì họ đông con. Vậy Ekwefi sẽ lo cung cấp bánh tráng, còn hai người kia cung cấp những thứ khác như cá xông khói, dầu kè, hồ tiêu cho món canh. Okonkwo sẽ lo về thịt và khoai mài.
Sáng hôm sau Ekwefi dậy sớm, cùng với con gái là Ezinma và con gái của Ojingo ra ruộng đào khoai mì. Mỗi người mang một cái rổ dài, một cái rựa để chặt thân cây mì và một cái cuốc nhỏ để đào củ. May làm sao, đêm trước mưa nhỏ, nên đất không cứng lắm.
Ekwefi bảo:
- Chỉ đào một lúc là có dư dùng.
Ezinma bảo:
- Nhưng lá còn ướt. (Em đội rổ lên đầu, tay khoanh trước ngực. Em thấy lạnh). Con không muốn nước lạnh chảy từng giọt xuống lưng. Đợi cho mặt trời lên, lá khô rồi hãy đào thì hơn.
Obiageli đặt tên cho Ezinma là “Muối”, vì em nói em không thích nước. “Bộ chị sợ tan trong nước sao?”
Công việc làm dễ dàng, như Ekwefi đã nói. Ezinma dùng một cây gậy dài lắc mạnh mỗi cây rồi mới cúi xuống chặt và nhổ củ. Có khi không cần phải đào. Họ nắm một khúc lòi trên mặt đất, kéo mạnh, đất bung lên, rễ kêu rắc rắc ở dưới, lòi củ ra.
Khi đào được một đống khá lớn rồi, họ chở làm hai chuyến xuống sông, tại đó mỗi người đàn bà đã đào sẵn một lỗ để ủ khoai mì lên men.
Obiageli bảo:
- Những củ này non, chỉ bốn hay ba ngày là dùng được rồi.
Ekwefi bảo:
- Không non lắm đâu. Ruộng này tôi trồng đã gần hai năm. Đất xấu nên củ nhỏ đấy.
*
* *
Okonkwo làm cái gì cũng đàng hoàng. Khi người vợ hai Ekwefi bảo hai con cừu con cũng đủ bữa tiệc rồi, ông rầy: biết gì mà nói.
- Tôi muốn làm một tiệc lớn vì tôi có đủ sức mà. Tôi không muốn sống ở bờ sông mà chùi tay bằng nước miếng. Bên ngoại tôi đối với tôi tử tế, tôi phải tỏ ra biết ơn chứ.
Thế là họ giết ba con cừu con và vô số gà. Lớn như một tiệc cưới vậy. Có món foofoo , món canh khoai mài, món cháo egusi , cháo thịt cá và rượu kè.
Tất cả những umunna đều được mời, tất cả những con cháu cụ tổ Okala sống hồi hai trăm năm trước. Người già nhất trong cái họ lớn đó là cụ Uchendu, cậu của Okonkwo. Người ta đưa cụ trái cola để đập bể, và cụ khấn vái tổ tiên, xin phù hộ cho con cháu. “Chúng con không cầu được giàu có, vì người nào khỏe mạnh và có con thì sẽ giàu có. Chúng con không cầu được nhiều tiền hơn mà cầu được nhiều bà con hơn. Chúng con hơn loài vật ở chỗ biết bà con, họ hàng. Một con vật hễ ngứa sườn thì cà nó vào thân cây, còn người thì nhờ bà con gãi cho”. Ông đặc biệt cầu nguyện cho gia đình Okonkwo. Rồi ông đập trái cola, liệng một mảnh xuống đất để mời tổ tiên hưởng.
Khi các trái cola đã chuyền tay khắp vòng rồi, vợ con Okonkwo và các người giúp bắt đầu bưng thức ăn lên. Tụi con trai thì bưng các bình rượu kè. Thức ăn và rượu ê hề, tới nỗi nhiều người huýt gió, tỏ vẻ ngạc nhiên. Khi mọi người ngồi vào chỗ rồi, Okonkwo đứng dậy thưa:
- Tôi xin mời bà con cô bác nhận cho trái cola nhỏ này. Không phải để trả ơn bà con đã giúp đỡ tôi trong bảy năm nay đâu. Con làm sao trả được sữa của mẹ. Tôi mời bà con tới chỉ để được cái vui gặp gỡ nhau thôi.
Món canh khoai mài được dọn ra trước hết vì món đó nhẹ hơn món foofoo , và cũng vì khoai mài bao giờ cũng quan trọng hơn hết. Rồi tới món foofoo . Có người ăn nó với món cháo egusi , có người ăn với cháo thịt, cá. Kế đó, người ta cắt thịt phân phát cho mỗi người một phần. Người lớn tuổi trước, người nhỏ tuổi sau, đứng dậy để lãnh phần. Khi phát tới phần người nào vắng mặt, không thể tới được, thì người ta để riêng ra sẽ mang biếu tại nhà người đó.
Trong khi uống rượu, một người vào hạng già nhất trong umunna đứng dậy để cảm ơn Okonkwo:
- Nếu tôi nói rằng chúng ta không ngờ có một bữa tiệc lớn như vậy thì chẳng hóa ra chúng ta không biết rằng cháu Okonkwo của chúng ta vốn rộng rãi sao. Chúng ta đều biết điều đó chứ, và đoán rằng tiệc sẽ lớn. Nhưng bây giờ mới biết tiệc còn lớn quá điều mình đoán nữa. Cảm ơn cháu. Ước ao hết thảy bà con sẽ được nhận gấp mười như vậy nữa. Thời này thế hệ trẻ tự cho là khôn hơn người già, mà được thấy một người (như Okonkwo) giữ đúng tục lệ xưa, thì thật là đáng mừng. Một người mời họ hàng lại ăn uống đâu phải là để bố thí cho họ khỏi đói. Nhà ai mà chẳng có đủ ăn. Khi chúng ta tụ họp nhau ở sân làng dưới ánh trăng đâu phải là để ngắm trăng. Ở nhà mình cũng ngắm trăng được mà. Chúng ta tụ họp là vì bà con nên tụ họp với nhau. Bà con chắc tự hỏi tại sao tôi lại nói vậy. Tôi nói vậy vì tôi ngại cho thế hệ trẻ, cho các cháu đây (Cụ đưa tay vẫy vẫy phía có nhiều thanh niên ngồi). Còn như tôi, tôi chẳng còn sống bao lâu nữa, cũng như cụ Uchendu, Unachakwu và Emofo. Tôi ngại là ngại cho bọn trẻ các cháu, vì các cháu không biết tình gia tộc có sức mạnh ra sao. Các cháu không biết được chỉ một mình mình cất tiếng nói thì hậu quả sẽ ra sao. Một tà giáo khả ố đã dựng cơ sở ở đây.
Bây giờ người ta có thể từ bỏ cha và anh em. Người ta có thể nguyền rủa thần thánh của tổ tiên, như một con chó săn thình lình hóa điên quay lại cắn chủ. Tôi ngại cho các cháu đấy, ngại cho thị tộc chúng ta. (Cụ quay trở lại, nói với Okonkwo): Cảm ơn cháu, nhờ cháu mà có cuộc hội họp này.