watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Quê hương tan rã-Chương 5 - tác giả Chinua Achebe Chinua Achebe

Chinua Achebe

Chương 5

Tác giả: Chinua Achebe

Sắp tới Tết Khoai Mới, và Umuofia sống trong một không khí nhộn nhịp, hoan hỉ. Lúc đó người ta cúng tạ ơn Ani, vị Nữ Thổ Thần ban mọi sự phong phú cho dân chúng. Trong đời sống của thị tộc, thần Ani giữ vai trò quan trọng hơn hết thảy các vị thần khác. Thần phán xét tối hậu hành vi, phẩm hạnh của mỗi người. Hơn nữa, thần còn giao cảm trực tiếp với vong hồn những tổ tiên của thị tộc mà xác đã giao cho thần.
Người ta ăn Tết Khoai Mới vào đầu mùa dỡ khoai mỗi năm để cúng thần Ani và tổ tiên của thị tộc. Phải cúng khoai mới rồi mới được ăn. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, ai nấy đều nóng lòng đợi ngày Tết Khoai Mới vì tết đó mở đầu cho mùa phú túc cho năm mới. Đêm trước, nhà nào còn khoai của mùa cũ đều dùng cho hết đi. Bước qua năm mới thì phải ăn khoai mới, ngon hơn, chứ không ăn những khoai đã teo lại và nhiều xơ của năm trước nữa. Người ta chùi kĩ nồi niêu, bầu, chậu gỗ, đặc biệt là cái cối gỗ dùng để đâm khoai. Món Foofoo khoai và món canh rau là món ăn chính trong lễ đó. Người ta nấu không biết bao nhiêu mà kể, dù người trong nhà ham ăn tới đâu, dù bạn bè, bà con từ các làng bên mời lại có đông tới đâu đi nữa, thì cuối ngày vẫn còn dư vô số thức ăn. Người ta còn kể chuyện một phú ông nọ cho bày trước mặt khách khứa một núi Foofoo cao ngất tới nỗi các người ngồi bên đây không thấy những gì ở phía bên kia, và một người nọ phải đợi tới tối, tàn buổi tiệc rồi mới thấy mặt anh vợ mình, vì người này tới giữa buổi và ngồi ở phía bên kia. Lúc đó hai anh em mới chào hỏi nhau, với tay qua chỗ thức ăn còn lại mà siết tay nhau.


Vậy Tết Khoai Mới là một dịp vui cho khắp Umuofia. Và người nào mà “cánh tay mạnh” như người Ibo nói, cũng phải làm tiệc mời nhiều khách khứa khắp các miền chung quanh tới. Okonkwo lần nào cũng mời bà con bên vợ, vì chàng lúc này đã có ba vợ nên khách khứa cũng khá đông.


Nhưng dù sao chàng cũng không quá ham lễ, tết như phần đông các người khác. Chàng ăn rất mạnh, có thể uống một hay hai bầu rượu kè. Nhưng phải ngồi không mấy ngày trước Tết và trong Tết, chàng luôn luôn bực bội. Ra đồng làm việc vẫn sướng hơn nhiều.


Chỉ còn ba ngày nữa là tới ngày Tết. Mấy người vợ của Okonkwo đã chà cọ tường và các căn chòi bằng đất đỏ cho tới bóng láng, rồi vẽ lên đó những hình màu trắng, vàng và xanh lá cây đậm. Rồi họ lại tự sơn mình bằng cây cam , vẽ những hình đen đẹp đẽ lên bụng và lưng. Trẻ con cũng được trang sức, đặc biệt là được cạo đầu thành những hình đẹp. Ba người đàn bà vui vẻ nhắc nhở tới những bà con đã được mời, còn trẻ thì sung sướng khi nghĩ rằng sắp được bà con bên ngoại nuông chiều. Ikemefuna cũng vui lắm. Nó thấy Tết Khoai Mới ở đây có vẻ linh đình hơn ở làng nó mà bây giờ có lẽ nó chỉ còn nhớ lờ mờ, như xa xắm rồi.


Rồi cơn lôi đình nổi lên: Okonkwo bực mình, đi vơ vẩn trong vườn, bỗng tìm được cơ hội cho cơn giận phát ra. Chàng hỏi:
- Ai đã làm chết cây chuối này?
Cả nhà đều nín thinh tức thì.
- Ai làm chết cây chuối này? Câm hay điếc cả sao đấy?
Sư thực cây chuối vẫn tươi tốt như thường. Người vợ thứ nhì của Okonkwo chỉ chặt vài tầu lá để gói thức ăn, nàng đáp với chàng như vậy. Chẳng hỏi han thêm gì cả, Okonkwo quất vợ một trận nên thân, làm cho người vợ và đứa con gái duy nhất của nàng khóc mướt. Hai người vợ kia không dám can, chỉ đứng xa xa, thỉnh thoảng thận trọng năn nỉ: “Thôi, anh Okonkwo”.
Hả giận rồi, Okonkwo định đi săn. Chàng có một cây súng sét mà một người thợ rèn khéo tay mới lại Umuofia ít lâu nay đã chế tạo cho. Chàng tuy tài giỏi, ai cũng nhận thấy, nhưng không phải là thợ săn, chưa hề giết được lấy một con chuột bằng cây súng đó. Cho nên khi chàng quát thằng Ikemefuna đi lấy súng, thì người vợ mới bị đòn lằm bằm trong miệng: súng với siếc mà chẳng bao giờ bắn được một con mồi. Tai hại cho nàng là Okonkwo nghe được, chạy về nhà như một thằng điên, ôm cây súng đã nạp đạn sẵn, đem ra nhắm người vợ đương leo bức tường nhỏ của cái lẫm. Chàng bóp cò súng nổ “đoành” inh tai, tiếp theo là tiếng đàn bà và trẻ con gào khóc. Chàng liệng cây súng xuống, nhảy vào trong lẫm, thấy vợ sợ hãi, run rẩy nhưng chẳng bị một thương tích nào cả. Chàng thở phào ra nhẹ nhàng, vác cây súng, dông.


Mặc dầu có chuyện lủng củng đó, gia đình Okonkwo năm đó cũng làm Tết Khoai Mới rất vui vẻ. Sáng sớm chàng bày khoai mới và rượu kè để cúng ông vải, cầu nguyện ông vải phù hộ cho chàng, vợ và các con được một năm hạnh phúc.
Buổi trưa, các anh em bên vợ từ ba làng lân cận tới, mỗi nhóm mang theo một bầu lớn rượu kè. Ăn uống, nhậu nhẹt cho tới tối họ mới ra về.




*
* *



Ngày mùng hai là ngày tranh giải của các đô vật ở Okonkwo và các làng chung quanh. Khó mà biết được dân làng thích ngày nào hơn: ngày nguyên đán thì tiệc tùng lắm, thăm hỏi nhau, ngày mùng hai thì được xem đánh vật. Nhưng riêng người vợ hai của Okonkwo, nàng Ekwefi, suýt bị chồng bắn chết, thì không do dự gì cả: không có hội hè nào trong năm mà nàng thấy vui bằng cuộc đấu vật. Đã lâu rồi, hồi nàng còn là một hoa khôi trong làng, đi coi Okonkwo hạ được Con-Mèo trong cuộc đấu lớn nhất chưa từng thấy, nàng đã mê ngay anh chàng. Lúc đó chàng chưa cưới nàng ngay vì còn nghèo quá, không đủ tiền nạp sính kim. Ít năm sau, nàng bỏ chồng, trốn đi ở với Okonkwo. Việc đó xảy ra lâu lắm rồi. Bây giờ Ekwefi đã bốn mươi lăm tuổi, đã trải qua bao nỗi đau khổ trong đời, nhưng lòng ham coi đánh vật vẫn còn mạnh như hồi ba mươi tuổi.


Ngày mùng hai, mặt trời chưa đứng bóng. Ekwefi và đứa con gái duy nhất ngồi bên cạnh bếp, đợi nước sôi trong nồi. Con gà giò mà Ekwefi mới giết còn nằm trong cái cối gỗ. Nước bắt đầu sôi, Ekwefi lanh lẹn, nhấc nồi nước lên, trút nước sôi lên con gà theo từng đợt, rồi đặt chiếc nồi lên cái rế ở một góc, nhìn lòng bàn tay đen nhọ nồi của mình. Em Ezinma luôn luôn không hiểu tại sao má em có thể đưa tay trần ra mà bắc nồi ở trên bếp lửa xuống được. Em hỏi má:
- Ekwefi, khi người ta lớn thì lửa không làm phỏng được phải không?
Trái với đa số các trẻ khác, em gọi mẹ bằng tên tục.
Ekwefi còn bận tay, không muốn giảng giải, đáp lại.
- Ừ.
Đứa con gái đó mới mười tuổi nhưng khôn hơn tuổi nhiều.
- Nhưng má của anh Nwoye đã đánh rớt nồi cháo nóng bỏng hôm nọ và nồi bể tan tành đó.
Ekwefi lật ngược con gà trong cối lên và bắt đầu vặt lông.
Ezinma cũng tiếp tay vặt lông gà, gọi mẹ:
- Ekwefi này, mí mắt con nháy nháy.
- Vậy là con sắp khóc
- Không, cái mí mắt ở trên này kia.
- Vậy là con sắp được thấy một cái gì.
- Con sắp thấy cái gì hở má?
Ekwefi muốn cho con tự đoán lấy, đáp:
- Làm sao má biết được?
Sau cùng Ezinma reo lên:
- À, con biết rồi: thấy đánh vật.
Một lát sau, con gà đã vặt lông xong. Ekwefi muốn tuốt cái mỏ nó, nhưng cứng quá. Ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp, bà quay lại nửa vòng, hơ mỏ gà trên lửa một lát, rồi lại tuốt mạnh, nó bật ra.
Có tiếng gọi ở một chòi bên:
- Ekwefi!
Ekwefi nhận ra tiếng người vợ cả, má của Nwoye, bèn đáp lớn:
- Hỏi tôi đấy hả?
Hễ có tiếng gọi ở ngoài thì người ta đáp như vậy, chứ không bao giờ đáp: Dạ, hay Ừ, sợ nếu lỡ là ma quỷ gọi thì bị nó bắt đi.
- Dì bảo Ezinma đem cho tôi một mồi lửa.
Mấy đứa con của bà và thằng Ikemefuna đều ra ngoài sông cả rồi.
Ekwefi bỏ vài cục than hồng vào một cái mảnh nồi bể và Ezinma cầm đi qua cái sân quét thật sạch, đem lên cho mẹ của Nwoye.
- Cảm ơn, Nma .
Bà đương gọt vỏ khoai mài mới, bên cạnh đặt một rổ đầy rau và đậu.
Ezinma bảo:
- Để con nhóm lửa cho.
- Ừ, cảm ơn Ezigbo.
Mẹ của Nwoye thường gọi Ezinma là Ezigbo có nghĩa là “bé ngoan”.
Ezinma bước ra lấy vài nhánh trong một bó củi lớn đem vô. Em dùng gan bàn chân đè lên mỗi nhánh, bẻ thành những khúc nhỏ, chụm lửa, thổi bằng miệng.
Mẹ của Nwoye đương gọt khoai, ngước mắt lên bảo:
- Thổi như vậy, nổ con ngươi mất. Lấy cây quạt này.
Vừa nói bà vừa đứng dậy, gỡ cây quạt treo ở xà nhà. Con dê con lúc nào cũng quấn quít ở chân bà, đương chăm chú ăn vỏ khoai, ngoạm ngay vào một củ khoai, táp được hai miếng, cong đuôi chạy về chuồng để ăn. Mẹ của Nwoye rủa con vật mắc dịch rồi lại ngồi xuống tiếp tục gọt vỏ. Ezinma nhóm bếp, khói tỏa lên mù mịt, em quạt cho lửa bốc ngọn lên. Mẹ của Nwoye cảm ơn em, và em trở về chòi mình.
Đúng lúc đó tiếng trống từ phía ilo , tức sân chơi trong làng, văng vẳng đưa lại. Làng nào ngay từ khi mới thành lập cũng chừa một chỗ rộng làm ilo để tổ chức các buổi lễ và các cuộc khiêu vũ quan trọng. Tiếng trống đấu vật, bay theo ngọn gió, có điệu nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, vui vẻ, dễ nhận ra được.


Nghe thấy tiếng đó, Okonkwo đằng hắng, chân rậm rật, lòng bừng bừng lên y như hồi trẻ. Ông vẫn ham chiến thắng, khuất phục đối phương. Không khác gì thèm đàn bà vậy.
Ezinma nói với mẹ:
- Chúng mình tới trễ mất, má.
- Mặt trời chưa xế thì họ chưa đấu đâu.
- Nhưng họ đương đánh trống đấy.
- Ừ, người ta đánh trống từ giữa trưa, nhưng đợi lúc xế bóng rồi mới đấu. Lên coi xem ba đã lấy khoai ra cho bữa chiều chưa.
- Rồi má. Má của anh Nwoye đương làm bếp đó.
- Thế con đi lấy phần khoai của mình đi. Phải nấu cho mau kẻo tới sân vật trễ mất.
Ezinma chạy lại lẫm, đem về hai củ khoai mài ở chỗ cái tường thấp.
Ekwefi vội vàng gọt khoai. Con dê con luẩn quẩn chung quanh, hít hít, nhai các vỏ khoai. Bà cắt khoai thành những miếng nhỏ, tính để nấu canh với một phần con gà.
Đúng lúc đó có tiếng ai khóc ở ngoài tường rào khu vườn. Nghe như tiếng khóc của Obiageli, em gái của Nwoye.
Ekwefi bèn cất tiếng hỏi vọng qua chòi của mẹ Nwoye.
- Phải Obiageli khóc đấy không, chị?
- Phải, chắc nó đánh bể vò nước rồi.
Tiếng khóc tới gần, và đám trẻ nối gót nhau tiến vô, mỗi đứa đội một vò nước trên đầu, lớn nhỏ tùy tuổi. Ikemefuna đi đầu hàng, đội cái vò lớn nhất, rồi tới Nwoye và hai em của Nwoye. Obiageli đi sau cùng, nước mắt ròng ròng trên mặt, tay cầm cái đệm nhỏ bằng vải đáng lí phải đặt trên đầu để kê vò nước.
Má nó hỏi:
- Sao vậy?


Nó kể nỗi rầu rĩ của nó. Má nó an ủi, hứa sẽ mua cho nó cái vò khác.
Các em trai của Nwoye tính mách mẹ, kể thực đầu đuôi ra sao, nhưng Ikemefuna nghiêm khắc ngó chúng, và chúng làm thinh. Sự thực Obiageli đã giỡn cái trò inyanga : đặt cái vò thăng bằng trên đầu, khoanh tay trước ngực rồi ngoe nguẩy cái mông như một thiếu nữ. Vò rớt xuống, bể, mà nó còn cười chứ. Khi về tới gốc cây iroko trồng ở ngoài bức tường rào, nó mới bắt đầu khóc.


Tiếng trống thùng thùng liên hồi, vẫn một điệu đó, hòa hợp với nhịp sống của dân làng, như thể trái tim của làng đập vậy. Nó rung rung trong không khí, trong ánh nắng, trong cành lá, kích thích mọi người.
Ekwefi lấy môi múc phần ăn của chồng bỏ vào một cái tô rồi đậy lại, sai Ezinma bưng lên trên obi .


Okonkwo ngồi trên tấm da dê, đương ăn những món người vợ cả nấu cho, do Obiageli đem lên. Em ngồi ở dưới đất đợi cha ăn xong. Ezinma đặt tô thức ăn trước mặt cha rồi ngồi xuống bên cạnh Obiageli.
Okonkwo quát:
- Ngồi cho đàng hoàng như người lớn!
Ezinma khép hai chân lại, duỗi thẳng ra.
Đợi một lát cho cha nguôi giận rồi, em mới hỏi:
- Ba có đi coi đấu vật không?
- Đi chứ, còn con, con có đi không?
- Dạ, đi. (Ngừng một chút, em hỏi thêm). Con mang theo ghế cho ba nhé?
- Không, công việc đó để con trai.
Okonkwo cưng Ezinma lắm. Nó giống má nó, hồi xưa là hoa khôi trong làng. Nhưng họa hoằn ông mới để lộ lòng âu yếm đó ra.
Ezinma mách:
- Hôm nay Obiageli đã đánh bể vò nước.
Okonkwo đương nhai, nuốt xong rồi đáp:
- Ừ, nó đã kể cho tao nghe.
Obiageli bảo:
- Ba, đương ăn không được nói, kẻo nuốt vội hồ tiêu mà sặc, phải không ba?
- Đúng. Ezinma, mày nghe nó nói đấy không? Mày lớn hơn nó mà nó lại khôn hơn mày.
Ông mở cái nắp đậy tô thức ăn của người vợ hai, để ăn. Obiageli dọn tô thứ nhất đem về chòi của mẹ. Lúc đó, Nkechi bước vô, tay bưng tô thứ ba. Nkechi là đứa con gái của người vợ thứ ba.
Tiếng trống vẫn văng vẳng từ xa đưa lại.
Quê hương tan rã
TỰA
PHẦN THỨ NHẤT - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Phần II - Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
PHẦN THỨ BA - Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
DANH TỪ CÁC BỘ LẠC OBI DÙNG TRONG CUỐN NÀY