Hồi Thứ Chín
Tác giả: Chữ Nhân Hoạch
Thơ rằng:
Thổi sáo xin ăn bước lạc loài(1)
Chí cao rắp để dạ tài trai
Vợ không biết thì bạn rằng biết
Ngoài dễ sai nhưng lòng khó sai(2)
Hàm Cốc áo the thương chú Phạm(3)
Lâm Cùng chén rượu cảm chàng hai (4)
Trượng phu sắt đá giao tình nặng
Không lẽ sang hèn nghĩa đổi thay.
1 Ngũ Viên, người nước Sở, cha anh bị vua Sở giết, trốn chạy, phải thổi sáo ăn xin giữa chợ, nhưng về sau vẫn phá được Sở, quật mả vua Sở báo thù.
2 Dự Nhượng, chủ bị giết, nuốt than, sơn mặt cho khác bề ngoài để lo báo thù, đến nỗi vợ không nhận ra, sau bị vua Triệu giết.
3 Phạm Thư làm đến tướng quốc nước Tần, giả đói rét đến gặp người cũ, người này thương cho một cái áo mỏng.
4 Tư Mã Tương Như, thuở hàn vi phải mở quán bán rượu ở Lâm Cùng, sau trở nên nổi tiếng văn chương thời Hán.
Kết bạn mà dựa vào gia tư giàu nghèo, thì cũng chẳng khác gì chuyện phường cáo cầy, ruồi nhặng, lúc có tiền sẵn sàng chung cửa nhà vườn rộng, lúc hết tiền coi nhau như mây nổi bèo trôi. Cho nên muốn kết giao lâu dài gắn bó, thì phải tìm đến đạo đức, tài năng.
Đơn Hùng Tín đương lúc đưa gói bạc cho Thúc Bảo, nghe đến hai tiếng Tế Châu, liền nghĩ ngay đến tiếng lành đồn xa, đang muốn tìm cách kết giao, cũng ở Tế Châu nên vội mời Thúc Bảo:
- Xin mời bác ngồi uống trà.
Rồi sai người nhà mang trà nước lên. Ông lão bán củi thấy vậy đứng bên ngoài nghe chuyện, lưng dựa vào cửa sổ. Hùng Tín lên tiếng:
- Xin bác chỉ giùm, ở Tế Châu, có một người tên tuổi rất được mến mộ, không biết bác có biết không?
Thúc Bảo hỏi:
- Xin viên ngoại cho biết tên người đó.
Hùng Tín đáp:
- Người này họ Tần, cũng chả biết tên húy của ông ta là gì nhưng tên hiệu là Thúc Bảo, nổi tiếng trong sáu phủ của tỉnh Sơn Đông, thường được tôn là Trại Chuyển Chư, làm công sai ở phủ đường Tế Châu.
Thúc Bảo thấy mình áo quần lam lũ, lấy làm hổ thẹn, nên không dám nhận: "Chính tôi", nên chỉ nói lấp lửng:
- Thúc Bảo cũng làm với tiểu nhân đây ở phủ đường Tế Châu.
Hùng Tín vội nói:
- Thật đáng tội! Thì ra bác vốn là chỗ quen thuộc của Thúc Bảo, xin được biết quý tính, cao danh.
Thúc Bảo đáp:
- Tiểu nhân họ Vương.
Cũng vì Thúc Bảo trong lòng lúc nào cũng nhớ tới món tiền nợ của Vương Tiểu Nhị phải trả, nên buột miệng, trả lời thế.
Hùng Tín mời:
- Xin bác ở lại uống với chúng tôi một chén rượu nhạt. Chúng tôi còn muốn nhờ bác chuyển đến Thúc Bảo một lá thư nữa!
Thúc Bảo đáp:
- Rượu thì không dám uống, thư thì viên ngoại cứ viết, nhưng xin nhanh lên cho.
Hùng Tín quay vào nhà trong, gói ba lạng bạc, và hai tấm lụa Lộ Châu, đem ra ân cần nói với Thúc Bảo:
- Đáng ra phải viết một vài hàng, nhờ bác đưa cho Thúc Bảo, nhưng vì chưa từng gặp mặt nhau, nên cũng không biết nói năng thế nào, chỉ xin nhờ bác thưa hộ cũng được rồi. Mai kia xin đến tận nhà để được chuyện trò. Tiền mua ngựa ba mươi lạng đã giao đầy đủ, ngoài ra xin biếu bác ba lạng, không tính vào chuyện mua bán. Còn hai tấm lụa này, vốn dệt trên khung cửi nhà, xin nhờ bác đưa hộ Thúc Bảo, gọi là một chút quà mọn.
Thúc Bảo thấy Hùng Tín đối xử như vậy, càng thấy không tiện ngồi chờ ăn uống, chỉ sợ trong lúc nói năng lộ cả chuyện giấu giếm của mình thì không tiện chút nào, nên đứng dậy, cáo từ.
Tuấn mã khi già ốm
Anh hùng vận lao đao
Ngày thường lòng tưởng nhớ
Gặp mặt ngỡ chiêm bao.
Hùng Tín nói chuyện về bạn bè đã xong, nên không khẩn thiết giữ khách nữa, tiễn Thúc Bảo ra cửa trang trại, hai bên vái chào chia tay. Lúc này ông lão bán củi vẫn ngủ say sưa, dãi chảy cả hai bên mép, Hùng Tín phải gọi lớn:
- Sao ông già chưa về à? ông lão đáp:
- Nghe viên ngoại nói chuyện lâu quá, mệt mỏi ngủ lúc nào không biết. Ông khách bán ngựa di rồi sao viên ngoại?
Hùng Tín đáp:
- Vừa mới đi xong.
Rồi quay vào nhà trong. ông lão vơ vội đòn càn, chạy theo Thúc Bảo, nhân lúc nghe Thúc Bảo tự xưng là họ Vương, nên cũng gọi:
- Bác Vương ơi! Tiền bác hứa cho tôi đâu?
Thúc Bảo vốn khẳng khái, mở ngay túi bạc Hùng Tín đưa sau, lấy ra một đỉnh, chẳng biết nhiều ít, đưa cho ông lão. Ông lão mừng ra mặt, cầm lấy, cám ơn rối rít rồi tìm đến hàng đậu hũ xin lại gánh củi. Chuyện không nói nữa.
Lại nói Thúc Bảo đến cửa tây thì chợ ngựa đã không còn hàng quán đã mở cửa cả. Một cửa hàng ăn mới khai trương, thức ăn đồ uống bày la liệt, mùi thơm ngào ngạt. Thúc Bảo vốn thích ăn ngon, thấy thế nước dãi cứ ứa mãi, từ sáng ở trang trại Hùng Tín chẳng ăn uống gì, bụng vẫn rỗng không, bên nghĩ thầm. "Giờ mà ở cửa hàng Vương Tiểu Nhị, ăn bữa ăn vừa nguội vừa vô vị thì chi bằng về ăn trưa ở cửa hàng này, trở về trả nốt tiền cho Tiểu Nhị là lên đường thôi." Thúc Bảo bèn vào hàng. Mọi người thấy Thúc Bảo nách cắp hai tấm lụa, quấn áo rách rưới, vẻ chẳng khác gì một anh xẩm hát rong, bọn tay chân bèn kéo tới ngăn Thúc Bảo lại:
- Cửa hàng vừa mới mở cửa, không cần phải hát hỏng gì cả, vô làm gì?
Thúc Bảo chỉ cần lấy tay đẩy ra, mấy người này lập tức lăn quay ra đất:
- Ta vào mua rượu uống, sao các anh lại ngăn không cho ta vào.
Đúng là:
Thói đời sớm nắng chiều mưa
Lúc xưng xỉa mặt, lúc thưa lạy hoài.
Bên trong bỗng có người nhảy ra:
- Bác muốn uống rượu thì hãy lại quầy nạp tiền, sao lại ầm lên thế?
Thúc Bảo hỏi:
- Sao ta lại phải nạp tiền trước?
Người này đáp:
Bác muốn uống rượu thì đưa tiền rồi cứ đến nơi ấy mà uống chứ ở Lộ Châu này đã có lệ rồi: các cửa hàng mới khai trương, chỉ sợ ăn uống xong, tính toán không rành mạch, cho nên trước tiên hảy giao tiền đã rồi mới ăn uống sau.
Thúc Bảo nghĩ: "Không cậy khỏe mà bắt nạt đám đông được”.
Bèn đến trước quầy, giở gói bạc của Hùng Tín, lấy một ít, còn lại bao nhiêu gói chung vào số bạc bán ngựa, nhưng trước khi đưa, Thúc Bảo vẫn hỏi chủ quán:
- Tiền thì trước sau cũng trả thôi. Nhưng nếu là lệ của cửa hàng đúng như thế, thì xin trả trước vậy.
Chủ quán nãy giờ đã biết mọi chuyện, khẽ cười trả lời:
- Ông bạn ơi! Xin hãy cầm lấy tiền. Thiên hạ ở đâu cũng thế cả thôi, cũng một thứ chữ, cũng một cỡ bánh xe như nhau. Chẳng đâu lại có chuyện đưa tiền trước, rượu uống sau cả, bọn người nhà không rõ hay dở, nên đùa khách ở nơi khác đến về chuyện lệ trước, lệ sau đấy thôi. Xin ông bạn cứ uống đi rồi trả tiền sau. Cứ uống cho đàng hoàng, cho xứng với đồng tiền bỏ ra, ai chả biết nhà hàng buôn bán cũng muốn thu hút được khách tứ phương. Riêng với quý khách lại là bậc phóng túng, cử chỉ, ngôn ngữ đều đường đường, khoáng đạt, cứ như cách nhìn nhận của tiểu đệ thì rõ là một bậc trượng phu, tâm địa ngay thẳng. Xin mời quý khách cứ ngồi vào bàn, tiểu nhân sẽ gọi rượu nóng ra ngay để quý khách dùng.
Thúc Bảo thấy chủ quán nói năng nhã nhặn lịch thiệp, nên quên cả giận dữ:
- Bác chủ nói đúng lắm. Chả cần phải cãi cọ chuyện này làm gì.
Gói bạc lại, cầm hai tấm lụa, Thúc Bảo vào bàn ăn, thì thấy ba gian nhà trong rộng rãi, cao lớn, tất cả đều kê bàn lớn, ghế dựa, bốn xung quanh treo la liệt những bức tranh vẽ, chữ viết rất đẹp, ngay cả cột cửa ra vào, treo đôi câu dối, ngợi cảnh ngăn nắp, thịnh vượng của nhà hàng.
Ấm rót trân châu, phát tiết đất trời, một dòng hòa khí,
Chén tràn hổ phách, nấu nung gan phổi muôn vẻ phong tình.
Thúc Bảo nhìn xung quanh cảnh nhà hàng, lại nghĩ tới bộ quần áo rách rưới của mình, mới thấy bọn họ ngăn không cho mình vào là chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Giờ ngồi đàng hoàng trên ghế, Thúc Bảo mới thấy rõ: "Với một quán ăn như thế này, chỉ là để bán cho kẻ giàu, nào là nơi của kẻ nghèo đâu?". Thúc Bảo đưa mắt nhìn hai hàng lan can bằng gỗ tỳ bà, hai bên là những phòng ngủ, giường tủ, tường cửa, nền trần đều bóng lộn! Thúc Bảo đứng dậy, khẽ cười nghĩ: "Sạch sẽ hơn cả mặt mũi của người nghèo khổ". Rồi đi lại dãy bàn phía đông, chọn bàn đầu tiên, đặt gói lụa xuống bàn, ngồi chờ.
Hoa bởi gió mưa nên kém sắc
Người vì đói rét chí cùn trơ.
Hầu bàn mang tới: Một đĩa cơm đã hết hơi nóng, một bát cá muối, một đĩa thịt trâu cũng lạnh ngắt, hai cái bát chén xấu, rượu cũng chẳng nóng, ông già hầu bàn dọn xong, lặng lẽ bỏ đi. Thúc Bảo buồn rầu nghĩ: "Có lẽ trời đã bắt Thúc Bảo này phải ăn những thức ăn nguội lạnh thế này chăng. Ta có thể cho cả cái dinh cơ của chúng nát ra như cám, cũng chỉ vài lần vung tay là xong. Nhưng chỉ phiền một nỗi, mai kia tiếng tăm sẽ về đến Sơn Đông ngay, bạn bè sẽ truyền nhau: Thúc Bảo đi Lộ Châu, chỉ vì thiếu tiền cơm của quán trọ, mà bị hành đủ chuyện, vào hàng làm chén rượu mà mấy lần cũng không xong. Rồi một thành mười, trở thành trò cười cho mọi người.
Chi cho bằng cố nhịn đi mà ăn uống là hơn". Lúc này, bụng lại đã đói nên mặc bọn tiểu nhân, hãy tự thương lấy bước đường lưu lạc của mình, thế rồi yên lặng uống mấy chén rượu lạnh, ăn mấy miếng thịt trâu nguội. Chính là:
Cục đất đùa Trùng Nhĩ (1)
Vườn hoang khố n Hán Quang. (2)
1 Trùng Nhĩ chạy trốn, đói rét, có người đùa cho một nắm đất. Sau về làm vua Tấn đánh chiếm được vùng đất ấy (Đông Chu liệt quốc).
2 Hán Quang Vũ, thuở hàn vi trốn ở vườn rậm, được Phùng Dị nấu cháo đậu cho ăn.
Bỗng có tiếng huyên náo phía ngoài quầy hàng, rõ lên tiếng chào đon đả của chủ quán:
- Xin mời hai vị vào nhà trong ngồi chờ cho một lát!
Rồi thấy hai người đàn ông xuống ngựa ngay trước cửa hàng, năm sáu người đấy tớ đi theo sau, đi vào trong nhà, vừa đi vừa cởi áo khoác ngoài phủi nhẹ cho sạch bụi đường. Chủ quán đi trước dẫn đường. Người đi trước đội khăn tiến sĩ, khoác áo nâu sẫm, người đi sau chít khăn đầu rìu, mặc áo màu tím. Lúc đầu Thúc Bảo không nhận ra, mãi sau mới nhận ra người đi sau chính là Vương Bá Đương.
Cả hai:
Áo cừu ngựa béo về nghênh ngang
Kẹp nách gươm dài, ánh sáng choang
Ai bảo có tài mà chịu khuất
Nhờ tay hiệp khách thỏa lòng chăng?
Chủ quán vào trước lau ghế, quét bàn, kéo ghế mời hai khách ngồi yên vị, rồi quát nạt tay chân:
- Pha trà ngon, lấy thứ trà cánh nhỏ sao thật vừa than. Rồi dọn ngay tiệc rượu để hai vị quý khách khỏi phải chờ lâu nhé !
Nói rồi, chủ quán cũng thân đi soạn sửa. Chỉ thấy bọn đầy tớ bưng ra hai chậu nước nóng, để hai quý khách rửa tay. Thúc Bảo ngồi ở dãy phía đông, chỉ sợ Bá Đương nhận ra, nên đứng ngồi không yên, định cầm hai tấm lụa đi ra, nhưng cả hai đều đang đứng ngay ở lan can, chặn mất đường ra. Hai người vào bàn, Thúc Bảo chỉ còn cách nhảy qua cửa sổ mới ra được phía ngoài, nên đành xoay lưng ngồi
Bá Đương vừa uống rượu vừa quay nhìn bốn phía, nhưng vẫn chưa nhận ra Thúc Bảo, mãi đến khi đứng dậy định đi đâu đó, Bá Đương mới nhìn thấy, liền hỏi người kia:
- Anh hãy nhìn người đang ngồi bên dãy bàn phía đông kia xem, anh ta giống ai nào?
Rồi quay hẳn người, Bá Đương tiếp:
- Liệu có giống Tần đại huynh ở Lịch Thành không?
Chính là:
Hiên ngang hạc giữa đàn gà
Áo khăn tơi tả vẫn ra anh hùng.
Thúc Bảo nghe Bá Đương nói thế, chột dạ: "Thôi! Bá Đương nhận ra mình rồi!" Bá Đương nói thêm:
- Khổng Tử với Dương Hóa vẫn có thể giống nhau kia mà. Thúc Bảo vốn là con rồng giữa mọi người. Rồng ở đâu, nơi đó có nước. Thúc Bảo sao lại đến nỗi thế!
Thúc Bảo thấy Bá Đương không tin, lòng cũng đỡ lo lắng.
Nhưng chàng trai trẻ đi với Bá Đương nhanh mắt nhanh tay, muốn mọi chuyện rõ ràng nên đứng dậy lại gần Thúc Bảo, đến nỗi Thúc Bảo ngập ngừng không cất nổi đầu, đũa cũng không động đến, co dúm lại như một con hổ đang rình mồi vậy. Thấy thế anh ta bèn nói với Bá Đương:
- Anh này thấy chúng ta nhìn ngó như vậy, mà vẫn ngồi lặng im. Liệu thiên hạ có ai ngồi uống rượu đến thế không?
Rồi lại nói tiếp:
- Có vẻ giống Thúc Bảo lắm. Hãy đợi tôi hỏi kỹ xem sao!
Thúc Bảo thấy anh ta tiến sát lại, nghĩ khi mọi chuyện đã rõ ràng cũng khó coi, nên đành lên tiếng.
- Vương hiền huynh ơi? Liệu có phải là Tần Quỳnh đang khốn khổ ở đây không nào?
Bá Đương thấy đúng là Thúc Bảo, vội đứng dậy cởi áo tím đang mặc, chạy sang khoác vào vai Thúc Bảo, ôm lấy mà khóc. Chủ quán chạy lại, ngạc nhiên thấy ba người xúm lại thành một khối, một người khóc hai người không.
Gặp khốn trượng phu không lẽ khóc
Tuy mừng tri kỷ có lòng thương.
Thúc Bảo thấy Bá Đương thương cảm, liền lựa lời an ủi:
- Vương hiền đệ bất tất phải khóc, tiểu đệ tuy gặp phải nạn này, nhưng cũng chẳng có gì đáng ngại. Chẳng qua vì chờ đợi mãi mới lấy được công văn, thiếu của nhà trọ ít tiền, nên mới phải khổ sở thế này thôi.
Rồi hỏi người đi với Bá Đương là ai, Bá Đương đáp:
- Đây chính là người bạn kết giao từ xưa của tiểu đệ, họ Lý, tên Mật, hiệu Huyền Thúy, nối nghiệp nhà giữ chức quận công ở Bồ Điền, hiện ở Trường An, đã từng cùng tiểu đệ giữ chức Điện tiền tả thiên ngưu, rất thân với tiểu đệ. Vì họ Lý, ứng với lời sấm, sợ thánh thượng nghi ngờ, nên Huyền Thúy bỏ quan đi đây đó. Tiểu đệ cũng nhân Dương Tố chuyên quyền, chính sự ngày càng hôn ám, nên cũng theo Huyền Thúy bỏ quách việc quan.
Thúc Bảo lúc này cùng Huyền Thúy mới vái lạy nhận nhau. Bá Đương lại hỏi Thúc Bảo:
- Đại huynh ở đây đã từng gặp Đơn nhị ca chưa? Sao không lại Nhị Hiền trang của Đơn nhị ca?
Thúc Bảo đáp:
- Tiểu đệ trong lúc vội vàng, không còn nhớ ra Đơn nhị ca. Đến lúc gặp chuyện, thì quá muộn rồi, không còn cách nào khác, phải đến Nhị Hiền trang bán ngựa cho Đơn nhị ca.
Bá Đương vội hỏi: :
- Đại huynh bán con hoàng phiêu cho Đơn nhị ca rồi sao? Được bao nhiêu tiền?
Thúc Bảo đáp:
- Cũng bởi nó gầy ốm quá, nói năm mươi lạng, nhị ca vừa nói ba mươi lạng, tiểu đệ bằng lòng ngay.
Bá Đương vừa ngạc nhiên vừa buồn cười:
- Đơn nhị ca vốn là bậc hào kiệt nổi tiếng, nếu có chuyện mua bán nực cười với đại huynh như thế này, thì quả không còn là Đơn nhị ca nữa rồi. Giờ ta hãy cùng nhau đến đó, ngựa sẽ trả lại đại huynh, rồi đùa nhị ca vài câu chơi.
Thúc Bảo từ chối:
- Hiền huynh, tiểu đệ không đi đâu. Đến Lộ Châu mà lại không đến bái kiến nhị ca, thật là lỗi lớn. Đến lúc phải bán ngựa, hỏi đến họ tên, tiểu đệ nói dối họ Vương. Nhị ca hỏi đến Tần Thúc Bảo ở Lịch Thành, tiểu đệ lại bịa ra đó là bằng hữu thân thiết, nhị ca lại cho thêm hai tấm lụa, cùng ba lạng bạc. Bây giờ mà cùng chư huynh đi Nhị Hiền trang thì chẳng khác gì tự vạch bộ mặt giả dối của mình sao. Hiền huynh đến đó, nói hộ tiểu đệ, kẻ bán ngựa chính là Tần Thúc Bảo, đầu vì chưa đến yết kiến nhị ca, lỗi không chối được, sau vì quá lam lũ nên phải thác ra họ Vương. Nhưng cử chỉ ân cần của nhị ca, xin ghi lòng khắc cốt, ngày khác tới Lộ Châu, xin đến bái tạ.
Huyền Thúy nói:
- Ở đây chúng đệ chọn Nhị Hiến trang làm nơi gặp gỡ anh em tứ phương, thật là thuận tiện muôn phần. Đại huynh thân nương đất khách cũng lâu, ngày mai đệ cùng Bá Đương tới đó mời cho bằng được nhị ca, cùng nhau gặp gỡ, rồi hãy chia tay cũng chẳng muộn gì. Đại huynh hiện đang ngụ ở đâu?
Thúc Bảo đáp:
- Đi lâu ngày cũng nhớ gia đình, lại đã lấy được công văn, ngày mai tiểu đệ thu xếp hành lý phải trở về Tế Châu ngay. Chẳng còn rủ nhị ca đến tìm tiểu đệ làm gì!
Bá Đương cùng Huyền Thúy cùng nói:
- Đại huynh hiện ngụ ở đâu? Thế nào chúng đệ cũng phải biết đã!
Thúc Bảo đành đáp:
- Chếch phía tây, trước cổng phủ đường, quán trọ của Vương Tiểu Nhị.
Bá Đương vội nói:
- Tay Vương Tiểu Nhị này vốn nổi tiếng đen bạc. Anh em giang hồ thường gọi y là Vương hổ già. Y đã làm tình làm tội đại huynh những gì?
Thúc Bảo nghĩ tới sự chăm sóc ân cần của Liễu Thị, nên cũng không muốn kể những việc làm xấu xa của Vương Tiểu Nhị trước mặt hai bạn, bèn trả lời.
- Vương Tiểu Nhị tuy cũng có tính toán chi ly, nhưng cũng là kẻ biết người. Vợ chồng họ đối xử với tiểu đệ cũng khá chu đáo.
Đứa ngu bụng dạ hẹp hòi
Anh hùng nghĩa nặng tình dài ai ơi!
Liễu Thị hiền đức, vì vậy đã đem được tiếng tốt, bớt điều lầm lỗi cho chồng. Vợ hiền, đến chồng đỡ tai họa, thật quả không sai.
Ba người ngồi uống đến tận chiều tối. Bá Đương trả tiền cơm rượu cho chủ quán xong xuôi, nói với Thúc Bảo:
- Giờ thì hãy mỗi người mỗi việc. Ngày mai thế nào cũng phải gặp nhau đã. Đại huynh lưu lạc đất khách này đến thế, chúng đệ nhất định chưa để đại huynh về ngay đâu. Mai gặp nhị ca, phải sắp sửa ít thứ, để tiễn đại huynh, nhất định không được trốn đâu đấy!
Thúc Bảo ầm ừ, rồi cùng ra cửa hàng, chia tay nhau, Vương, Lý lên ngựa ra cửa tây, tìm đến Nhị Hiền trang.
Thúc Bảo cắp hai tấm lụa về quán Vương Tiểu Nhị. Cũng bởi gặp bạn bè nên về chậm, Tiểu Nhị thấy đã quá trưa vẫn chưa về, nghĩ Thúc Bảo vẫn không chịu bán ngựa, lòng càng tức tối, không chờ Thúc Bảo về đã khóa cửa cẩn thận. Thúc Bảo gõ cửa, Tiểu Nhị lạnh nhạt đáp:
- Ông anh phải về sớm hơn chứ. Hôm qua nhiều khách trọ lắm, chỉ sợ cửa không chu đáo, nên đã khóa tất cả. Chìa khóa khách giữ trong phòng ngủ, ông anh chẳng sợ không có chỗ ngủ, có cái sạp quầy hàng ngoài đó, tiểu nhân đã lau quét sạch sẽ, ông anh cứ việc nằm mà ngủ. Canh năm trở dậy nấu nướng, khách trọ cũng thức giấc, cửa mở, ông anh vào ngủ đến bao giờ cũng được.
Thúc Bảo nghiến răng, mắt đục ngầu, chân tay ngứa ngáy, lòng giận dữ nghĩ thầm: "Cái cửa này không đứng nổi sau một cú đấm trời giáng của ta, nhưng cũng cần thế là đã ầm ĩ cửa công đường này, rồi lại thêm rắc rối, không biết đến khi nào gỡ cho ra. Ngày mai, chiều tối hay ngay sáng mặt trời mới mọc, Hùng Tín cùng Bá Đương, Huyền Thúy sẽ tới thăm ta. Còn ta thì gây lộn với chủ quán trọ rồi kéo nhau lên quan, liệu đó có phải là việc làm của kẻ hào kiệt chăng.
Với mồm miệng của Tiểu Nhị như thế, y sẽ kể nào ta thiếu bao nhiêu lạng bạc, lừa dối y như thế nào, phá cửa y ra sao. Chiều nay, trước mặt Bá Đương, Huyền Thúy ta vừa khen y, nay lại kể tội y, liệu có nên chăng. Cái nhỏ mà không biết nhịn thì sẽ không được việc lớn.
Chịu đựng đến thế này cũng là nhất hạng rồi, đã thế thì hãy chịu đựng cho đến cùng. Đối với bọn tiểu nhân này, cứ nói rõ đã có bạc trả, thì nhất định y sẽ mở cửa thôi”.
Tiểu nhân hám lợi, bon chen
Người hiền rộng lượng, không kèn cựa ai.
Thúc Bảo đứng lặng một lát, cố lấy giọng bình tĩnh:
- Bác chủ ơi! Ta bán ngựa rồi, đã có tiền trả bác đây, ở ngoài này ngủ cũng tốt chán, nhưng ta không an tâm, lỡ có xảy ra chuyện gì ta không biết đâu nhé!
Tiểu Nhị thấy Thúc Bảo nói vẻ đúng đắn, biết là đã bán được ngựa, bèn thử nhìn qua khe cửa, ngựa không thấy, bạc tất nhiên có, liền vui vẻ đáp:
- Ông anh ơi! Tiểu nhân đùa ông anh cho vui đấy thôi. Chủ ta ai nỡ để khách ngủ ngoài trời, giữa tiết thu đầy sương giá thế này. Bà chủ đâu rồi, hãy vào phòng trọ lấy chìa khóa cửa ra đây, mau lên.
Liễu Thị vẫn cầm chìa khóa bên mình, nhưng không có lệnh của Tiểu Nhị, không dám mở cửa, nay thấy nói thế, liền đáp:
- Chìa khóa đây rồi!
Tiểu Nhị mở cửa, Thúc Bảo vào nhà đặt hai tấm lụa xuống bàn. Tiểu Nhị liền hỏi:
- Chẳng lẽ đây lại là tiền bán ngựa sao? Ông anh lại bán hời rồi.
Thúc Bảo đáp:
- Đây không phái tiền bán ngựa đâu? Tiền bán ngựa đây kia mà!
Nói rồi giở gói bạc ra. Tiểu Nhị thấy rõ, liền bảo:
- Ông anh xưa nay chu đáo. Tối rồi, đừng giở tiền bạc ra làm gì vội, gói kỹ lại. Hãy ăn cái gì chút đã. Ngày mai tiểu nhân sẽ làm cơm rượu tiễn ông anh vậy.
Thúc Bảo đáp:
- Chẳng cơm nước gì nữa đâu. Bác chủ hãy tính tiền đi!
Thúc Bảo cũng có nhớ những ngày gần đây mình bỏ quán đi cả ngày, chẳng hề cơm nước gì, nhưng tính tình vốn rộng rãi, nên cũng không tính toán cả số bạc ba lạng Sái thái thú cho, trả cả mười bảy lạng cho Tiểu Nhị, lại nói với Liễu Thị:
- Ta vội lên đường về, không biết cám ơn chị thế nào cho phải, mai sau sẽ có dịp đền ơn chị.
Liễu Thị đáp:
- Tần quý khách ở đây, đối xử không chu đáo, thật quả là tội chúng tôi, xin quý khách tha tội cho, nói gì đến việc cảm ơn.
Thúc Báo nhắc:
- Xin cho lại công văn.
Liễu Thị hỏi:
- Bây giờ mà quý khách còn định đi đâu nữa?
Thúc Bảo đáp:
- Giờ cửa thành vẫn còn chưa đóng. Ta nóng lòng muốn trở về, hãy cứ ra được khỏi cửa đông đã rồi hãy liệu sau vậy.
Tiểu Nhị cũng vờ giữ lại qua quýt, rồi đem công văn giấy tờ trả lại cho Thúc Bảo. Thúc Bảo gói ghém hành lý, cầm đôi giản, chào vợ chồng Vương Tiểu Nhị, đi vội ra cửa đông. Chẳng biết rồi sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.