watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tùy Đường Diễn Nghĩa-Hồi Thứ Mười Lăm - tác giả Chữ Nhân Hoạch Chữ Nhân Hoạch

Chữ Nhân Hoạch

Hồi Thứ Mười Lăm

Tác giả: Chữ Nhân Hoạch

Thơ rằng:
Tình bạn dẫu rằng trong
Nghĩa nhà đâu dám khinh
Lưng còng luôn tưởng nhớ
Tóc bạc vấn vương tình
Lòng rối như mây cuộn
Ơn dày tựa cỏ xanh
Mẹ già đứng tựa cửa
Như giục bước hành trình.



Trong ngũ luân (1), sinh ra ta là cha mẹ, biết ta là bạn bè, chỉ có bạn không thì chưa phải là người con hiếu, suy cho cùng cũng không thể là người bạn tri kỷ được. Thúc Bảo khi ở soái phủ với La Nghệ, chỉ vì lòng thương nhớ người thân, công danh cũng chẳng thiết, vốn là do chữ hiếu ấy, Đơn Hùng Tín giữ không cho Thúc Bảo cùng về quê với Phàn Kiến Uy vội, chính vì thế để đến nỗi Thúc Bảo về một mình, mới xảy ra việc đáng tiếc ở rừng Tạo Giác, Thúc Bảo phải đi đày ở U Châu, khiến càng phải cách xa mẫu thân, lòng càng băn khoăn. Xung quân ở U Châu, đi đứng nào được tự do, Hùng Tín dẫu có lòng, cũng không thể nào lo được.
1 Ngũ luân: năm quan hệ lớn của người ta, theo đạo đức phong kiến: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè.


Nay nghe tin Thúc Bảo về Lộ Châu lấy hành lý, Hùng Tín trong lòng nghĩ thầm: "Lần này thế nào Thúc Bảo cũng tới thăm ta". Sắp sẵn tiệc rượu, tựa cửa mong chờ Ba người vì đi bộ, nên cũng dằng dai mãi mới tới. Lúc này, trăng đã mọc trên dãy núi phía đông, hoa lá loáng choáng, lại nghe ra tiếng ngựa hí trong rừng, Hùng Tín cao giọng hỏi:
- Có phải hiền huynh Thúc Bảo chăng?
Bội Chi thay lời thưa vội:
- Dạ đúng!
Hùng Tín vỗ tay cười ha hả, đúng là "Nguyệt minh thiên lý cố nhân lai", trăng sáng, bạn cũ ngoài nghìn dặm trở về. Dắt tay cùng về trang trại, mặt mày ai nấy rạng rỡ, lại được thêm Đổng Hoàn, Bội Chi, vui càng thêm vẻ. Về đến sân. Hùng Tín sai người cởi yên cương, đem hành lý vào thư phòng, mọi người cùng nhau giao bái. Đầy tớ bưng rượu thịt ra, bốn người cùng ngồi.
Thúc Bảo đưa thư của Trương Công Cẩn, Hùng Tín lên tiếng:
- Năm ngoái, hiền huynh tới U Châu, Hùng Tín này vẫn thắc thỏm không yên, mãi đến khi có thư về, cũng có kể sơ qua về việc hiền huynh gặp lại La tướng quân cùng Tần phu nhân. Nay hiền huynh hãy kể tỉ mỉ, hai năm qua, làm những gì, gặp những ai?
Thúc Bảo ngừng chén đáp:
- Tiểu đệ thật có muôn tiếng nghìn câu để nói cùng Đơn nhị ca, nay thấy mặt, một câu không nhớ nữa. Lòng lúc nào cũng mong được cùng ngồi chung bàn, nằm chung chỗ để giải bày gan ruột.
- Không phải Hùng Tín này, hiện không muốn giữ khách, mà có ý đuổi khách đi đâu. Sau khi đã cùng nhau cạn chén rượu mừng, xin hiền huynh lại lên đường cho, Hùng Tín này quả không muốn giữ lâu thêm nữa!
Thúc Bảo vội hỏi:
- Có chuyện gì thế, Đơn nhị ca?
Hùng Tín vội đáp:
- Hai năm qua, từ ngày hiền huynh đi U Châu, bá mẫu gửi tới Nhị Hiền trang này mười ba lá thư, mười hai thư đầu, đều là nét chữ của bá mẫu, Hùng Tín này cũng đã gửi quà, gửi thư an ủi bá mẫu. Nhưng cách đây chưa đầy tháng, thơ thứ mười ba tới, thì không phải nét chữ của bá mẫu, mà là viết theo lời bá mẫu dặn, trong thư có nói bá mẫu bị ốm, không thề cầm bút viết. Theo ý Hùng Tín này, hiền đệ nên tức tốc về quê, gặp bá mẫu, để trọn vẹn đạo hiếu.
Thúc Bảo nghe thế, tay chân rã rời, nước mắt lã chã:
- Đơn nhị ca, sự thể đến thế này, tội của đệ không thể tha. Nhưng con ngựa của đệ cưỡi ở U Châu về lại yếu quá, đường còn dài, lòng thì muốn nhanh, nhưng ngựa lại chậm, làm thế nào bây giờ?
Hùng Tín nói:
- Ngày hiền huynh đi U Châu, phủ Lộ Châu mang con hoàng phiêu ra bán. Hùng Tín bèn đem ba mươi lạng, mang nạp vào kho phủ, mua con hoàng phiêu về Nhị Hiền trang này. Cứ mỗi lần nhớ tới hiền huynh, lại ra tầu ngắm hoàng phiêu, thấy vật nhớ người. Hôm qua ra tầu ngựa, con hoàng phiêu hình như cũng biết chủ cũ của nó sắp về vừa nhảy vừa hí mãi không thôi, như muốn mách với người điều gì. Quả thật hôm nay hiền huynh có mặt ở đây.
Nói rồi gọi đầy tớ dắt con hoàng phiêu ra. Thúc Bảo bái tạ, Hùng Tín đem yên cương của phủ Lộ Châu trả lại, vốn là Hùng Tín đo kích thước con hoàng phiêu mà đặt, lau chùi sạch sẽ, tu sửa cẩn thận, đem hành lý buộc chu đáo. Rồi không quay lại bàn rượu nữa, Thúc Bảo từ biệt ba bạn, lên ngựa ra khỏi trang trại, giục ngựa ra roi, như một luồng gió:


Thi đậu ngựa về quê
Thuyền buồm căng gió bay
Một mạch thẳng vun vút
Như tên nỏ buông dây.


Vó ngựa ruổi giong, bên tai chỉ nghe ù ù tiếng gió, qua Phùng Châu, trời vừa sáng rõ , vượt được một nghìn ba trăm dặm đường, giữa giờ ngọ ngày hôm sau thì đã đến đất Tế Châu. Tính cả đầu lẫn cuối, Thúc Bảo đã xa Tế Châu cũng đã ba năm, mãi nay mới được nhìn quê lòng quả như có cánh, đề mau về tới nhà mình. Về đến đường phố, Thúc Bảo xuống ngựa, lấy khăn chùm kín đầu sợ người quen nhìn thấy, chân bước vội men theo tường thành, vào nhà theo cửa sau. Ba năm xa vắng, cửa ngõ tiêu điều, Thúc Bảo tay dắt ngựa, tay gõ cửa. Trương Thị ở trong nhà nghe thấy, bèn cao giọng hỏi:
- Ai! Chồng ta ba năm nay đi xa nhà chưa về, ai lại phá cửa sau nhà ta thế trời!
Thúc Bảo nhận ra tiếng Trương Thị, nước mắt như muốn ứa, liền vội lớn tiếng hỏi:
- Mình ơi! Mẫu thân ta bệnh tình ra sao? Ta đã về đây!
Trương Thị đã nhận ra tiếng chồng mình, mà vẫn chưa dám tin là thật, tuy vậy vẫn đáp:
- Thân mẫu bệnh tình vẫn chưa bớt!
Rồi vội vàng ra cổng, Thúc Bảo dắt ngựa vào. Trương Thị đóng cổng lại, Thúc Bảo buộc ngựa. Trương Thị lâu nay giữ trọn đạo nhà, thấy chồng về, cũng chẳng cần biết chồng đã làm đến chức quan gì, trong lòng vừa mừng vừa lo. Vợ chồng lạy chào nhau. Trương Thị lên tiếng:
- Thân mẫu uống thuốc xong, vừa mới chợp mắt. Người gầy yếu lắm, mình hãy khoan vào.
Thúc Bảo nhón chân nhẹ nhàng vào phòng ngủ của mẫu thân, thấy hai hầu gái, giờ đã lớn hẳn, Thúc Bảo cúi xuống giường, thấy mẫu thân thở rất yếu, chân tay gầy như củi khô. Biết hết sức mình, Thúc Bảo chỉ khẽ nắm tay mẫu thân rồi gõ nhẹ vào chiếc ghế dựa mặt bên giường, và gọi nhẹ nhàng:
- Mẫu thân tỉnh dậy nào?
Ninh Thị như vừa tỉnh mộng nhưng không đủ sức quay người lại gọi Trương Thị, Trương Thị lên tiếng:
- Con đây!
Ninh Thị thong thả từng lời:
- Con này, chồng con có lẽ không còn trên đời này nữa. Ta vừa nhắm mắt, chợp được một giấc ngắn, thấy nó đứng bên giường gọi ta rất nhỏ nhẹ. Tưởng như người ở suối vàng, từ ngàn dặm trở về để thấy thân mẫu vậy.
Trương Thị liền đáp:
- Thân mẫu, đây không phải là con hiếu của thân mẫu đã về sao?
Thúc Bảo cúi đầu thưa:
- Con Thái Bình đã về đây!
Ninh Thị đang ốm đau, nhớ con, lòng lúc nào cũng nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, nay thấy con trở về, bệnh tình như trút được hơn nửa. Mọi hôm, mỗi khi cần dậy, Trương Thị cùng hai người hầu gái phải đỡ mãi mới ngồi dậy dược, nay vừa thấy con về, đã tự ngồi dậy, nắm hai tay Thúc Bảo. Người già khóc không có nước mắt, chỉ mở miệng mấp máy như muốn gọi tên con, cứ vuốt ve mãi bàn tay to khỏe của con. Thúc Bảo đứng dậy, lạy tạ mẫu thân. Ninh Thị thấy thế bảo:
- Con chẳng phải lạy tạ làm gì. Hãy tạ nàng dâu của ta kia kìa. Ba năm con đi ra đồng đất nước ngoài, nếu không có nàng dâu hiếu thảo, thì ta chết lâu rồi, chẳng còn dược trông thấy mặt con nữa đâu.
Thúc Bảo vâng lời mẹ, quay sang lạy Trương Thị. Trương Thị vội quỳ xuống thưa:
- Phụng dưỡng mẹ chồng, đó là đạo tự nhiên của phận dâu con, có gì đâu mà mình phải lạy tạ.
Vợ chồng bèn bái nhau bốn bái, rồi cùng ngồi trước giường Ninh Thị. Ninh Thị mới thong thả hỏi chuyện. Thúc Bảo đem chuyện điên đảo ở Lộ Châu, cho đến chuyện gặp cô ở U Châu kể một lượt. Ninh Thị hỏi:
- Chú con làm tới chức quan gì? Cô con sinh được mấy em, đã lớn chưa?
Thúc Bảo thưa:
- Chú con hiện làm U Châu Đạo hành đài. Cô con có một em trai La Thành, hiện đã mười ba tuổi.
Ninh Thị vui mừng tiếp:
- Mừng cho cô con đã có được người nối dõi.
Rồi bắt thay áo sạch, gọi hầu gái đem nước rửa tay, gọi Trương Thị thắp hương, lại đòi dậy để quay về hướng tây bắc mà lạy tạ ơn Đơn Hùng Tín ở Lộ Châu, đã cứu con mình mấy lần thoát chết.
Thúc Bảo cùng Trương Thị đều can:
- Bệnh chưa bớt, chưa thể làm lễ được!
Ninh Thị vẫn nói:
- Nay mẹ con được đoàn viên, vợ chồng gặp mặt, đều nhờ ở đại ân nhân, làm sao ta không bái tạ cho được.
Thúc Bảo can:
- Để con cùng Trương Thị thay lễ tạ là được rồi. Đợi hôm nào mẫu thân khỏe hơn, hãy lễ tạ cũng chưa muộn.


Ninh Thị đành nghe theo.


Ngày hôm sau, bạn bè tới thăm, Thúc Bảo tiếp đãi, chuyện trò, mừng vui khôn tả, mãi mấy tuần sau, mới có dịp nhìn đến thư tiến dẫn của La Nghệ. Thúc Bảo nai nịt võ phục gọn gàng, tìm tới soái phủ Lai Tổng quản.


Lai Tổng Quản vốn người Giang Đô, mới đầu được thế tập chức của ông cha, sau đánh nhà Trần có quân công, nên được phong Hoàng Huyện Công, được dựng phủ như tam ty, giữ chức Sơn Đông đạo hành đài, kiêm Tế Châu tổng quản. Hôm ấy, đúng lúc Tổng quản bắn pháo mở cửa soái phủ, lên công đường làm việc. Thúc Bảo vào trình thư. Lai Tổng quản xem xong thư tiến cử của La Tổng quản, mới gọi Thúc Bảo lên đài bán nguyệt để xem xét. Thúc Bảo liền lớn tiếng đáp:
- Có!
Tiếng vang như sấm dậy mùa xuân. Lai Tổng quản ngước mắt nhìn, thấy Thúc Bảo thân cao hơn trượng, hai thanh giản mạ vàng lấp lánh dưới tay, dáng hình lẫm lẫm, tướng mạo đường đường, đôi mắt sáng quắc như sao, đôi mày đen tựa sơn, đúng là một kẻ trượng phu ngang tàng. La Tổng quản mừng lắm, nói:
- Tần Quỳnh, dưới trướng của La Tổng quản, ngươi là một kỳ bài quan tên tuổi. Nay dưới trướng của ta phải theo công trạng mà đề bạt, không thể có chuyện thân thích, nay tạm để ngươi giữ chức kỳ bài quan như cũ, ngày sau có công trạng, sẽ thăng thưởng sau.
Thúc Bảo cúi lạy thưa:
- Được tổng đại nhân thu phục dưới trướng, thật xin hết lòng đền đáp ơn sâu.
Lai Tổng quản truyền lệnh trong quân, cấp sắc phục kỳ bài quan cho Thúc Bảo, rồi đánh trống đóng cửa soái phủ.
Thúc Bảo về nhà, sắm sửa lễ vật, đến vái chào các bạn đồng liêu trong quân ngũ. Hai mươi lăm người lính dưới quyền cai quản của Thúc Bảo cũng đều đến chào. Thúc Bảo vốn là người biết lo lắng công việc gia đình, đem tiền bạc từ U Châu về ra tu sửa nhà cửa, làm quang cảnh khác hẳn xưa. Vào làm kỳ bài quan ở soái phủ họ Lai đã ba tháng, hôm ấy là một ngày mùa đông giá rét, sau khi túc trực ở công đường xong xuôi. Lai Tổng quản dặn Thúc Bảo đừng ra về vội, mà vào hậu đường. Thúc Bảo vào, quỳ lạy xong xuôi, Lai Tổng quản lên tiếng:
- Ngươi về dưới trướng ta, đến nay cũng được ba tháng, ta chưa từng giao việc gì lớn. Sang năm ngày Tết nguyên tiêu, Việt Quốc Công Dương đại nhân làm lễ lục tuần thọ khánh. Ta đã sai người đi Giang Nam, đặt dệt may mấy bộ sắc phục, muốn sai ngươi đem lễ đến Trường An. Nhưng giữa lúc thiên hạ loạn lạc, trộm cướp như ong khắp nơi, sợ dọc đường có chuyện sơ suất. Ngươi là kẻ có sức, dũng cảm hơn người, liệu có đương nổi việc này chăng?
Thúc Bảo cúi lạy thưa:
- Nuôi quân nghìn ngày, dùng quân một giờ, được đại nhân sai khiến. Tần Quỳnh này không dám từ lao.
Lai Tổng quản sai gia tướng, đem lễ vật ra, sắp xếp đóng thành hai gói lớn màu đỏ. Cứ theo đúng giấy tờ, giao cho Thúc Bảo nhận đủ, rồi bỏ vào bao làm dấu niêm phong cẩn thận.
Kể từng thứ có:
Áo phẩm phục ngũ sắc có thêu hoa tròn bằng chỉ vàng mười bộ, Bạch ngọc linh long để đeo một vòng, Quang bạch ngọc để đeo một vòng, Ngọc minh châu tám viên, Ngọc để bày chơi mười thứ, vàng đúc hình móng ngựa một nghìn lạng, Tranh vẻ mừng thọ một bức. Biểu mừng thọ một tờ.


* * *


Lại nói Việt Quốc Công Dương Tố làm lễ lục tuần thọ khánh, tướng ngoài phiên trấn chỉ làm đến lễ quan tước, làm sao lại có cả thọ biểu. Họ Dương cũng chẳng phải anh em gì của Văn Hoàng đế nhà Tùy, mà vốn mang dòng máu Kha hãn Đột Quyết, lập được quân công với nhà Tùy, nên được ban họ Dương là họ vua Tùy. Ra ngoài thì làm đại tướng, từng đánh dẹp Giang Nam, về triều làm tể tướng, mang chức bộc xạ, được sủng ái đứng đầu bá quan văn võ, quyền nghiêng trong ngoài. Văn Đế vốn Dương nói thì nghe, bày kế thì theo, vì vậy mà Dương đã phế Thái tử Dũng, bỏ tù Thục Vương. Trong triều trăm quan văn võ, các phiên trấn bên ngoài, quá nửa là từ cửa Dương mà ra. Bởi vậy quan viên thiên hạ, lấy lễ vương hầu để nịnh Dương; sai người mừng thọ, đều dùng thọ biểu.


Lai Tổng quan đưa Thúc Bảo mã bài lệnh tiễn, thưởng tiền bạc để gia quyến tiêu pha trong thời gian Thúc Bảo vắng nhà, truyền lệnh trong quân, chọn ba ngàn tốt, hai người lính dẫn ngựa, thồ hàng hóa, một ngựa để Thúc Bảo cưỡi. Vì Thúc Bảo người cao lớn nên cấp thêm tiền cỏ ngựa, lại nhắc chọn hai người lính thật khỏe, hai túi thồ hàng thật chắc chắn. Sau đó Thúc Bảo về nhà, làm lễ cầu mát, vào phòng cáo từ mẫu thân. Ninh Thị thấy Thúc Bảo mang dáng vội vã của kẻ sắp đi xa, đã hiểu ý nên rơi nước mắt, dặn dò:
- Con đừng quên, ta cũng sắp đến tuổi, chỉ thích sum họp, rất ngại xa cách. Con vừa biền biệt ba năm, ở nhà chưa lâu lại phải ra đi, trước mất là cả một cuộc hành trình dài, đừng như lần trước, khiến lão thân đằng đẵng tựa cửa trông chờ.
Thúc Bảo thưa:
- Con nay đã khác xưa nhiều. Vâng mệnh tổng quản lên đường, vổ ngựa ruổi rong. Sang năm ngày rằm tháng giêng là lễ sinh nhật thì đầu tháng hai đã có mặt ở nhà rồi.
Lại dặn dò Trương Thị phải chăm sóc mẹ già chu đáo.
Trương Thị đáp:
- Mình không phải nhắc nhở chuyện này.
Thúc Bảo sai lính đem hàng ra, khoác lên lưng ngựa, còn mình thì cưỡi con hoàng phiêu ra đi.
Ra khỏi Sơn Đông, đến Hà Nam, vào giữa vùng ba huyện Đồng, Quan, Vị, rồi đến núi Thiếu Hoa của huyện Hoa Am thuộc Hoa Châu, thế núi hiểm trở, rậm rạp, Thúc Bảo bảo hai người lính:
- Hãy đứng chờ, để ta lên trước xem sao.
Hai người lính hỏi:
- Tần đại huynh lúc nào cũng giục chúng tôi đi nhanh, sao giờ lại bảo đứng chờ phía sau?
Thúc Bảo đáp:
- Hai người không biết, quãng này trông âm u, hiểm trở, sợ có kẻ xấu chọn làm sào huyệt, nên phải để ta lên trước xem sao.
Hai người nghe ra, vội tránh sang, nhường Thúc Bảo cầm dây cương ngựa màu tía của con hoàng phiêu đi lên trước, hai người lính dựa theo sau, cả ba người ngựa đi sát nhau từng bước thận trọng đi vào đường men chân núi um tùm gai góc.
Bỗng trước mặt, một chàng trai trẻ, toàn thân nai nịt gọn gàng, mặt mày sáng sủa, ngồi trên lưng ngựa, cầm ngang ngọn giáo, đứng ngay giữa đường, lớn tiếng quát:
- Hãy nạp tiền mãi lộ đi?
Thúc Bảo vốn gan dạ, đã từng đụng độ với nhiều loại lâu la thế này, nên cả cười hỏi:
- Xa nhà chưa đầy ba bước đã là xa, cảnh vật tình người đã là khác. Ở Sơn Đông, Hà Nam, bọn lục lâm cường đạo chỉ cần nghe đến tên ta, đã bỏ chạy như chuột rồi, nay vào tới ải này, chúng mày lại đòi tiền ta sao. Ta chưa xưng danh vội, nếu không chúng mày sợ mà chạy mất thôi!


Thúc Bảo cầm hai thanh giản, nhảy lên ngựa, cứ nhắm giữa đầu đối phương mà bổ xuống, thiếu niên cũng giơ kim bối đao lên đỡ. Giản đánh trúng sống đao, tóe lửa, chói tai, cả hai cùng lăn vào nhau, đao qua giản tới, bên đánh bên đỡ, đến hơn cả ba mươi hiệp mà vẫn bất phân thắng bại.


Trong núi Thiếu Hoa, nguyên vẫn còn hai hào kiệt khác, trong đó có một người vốn quen biết Thúc Bảo, chính là Vương Bá Đương. Bá Đương sau khi từ biệt Lý Huyền Thúy, đi qua vùng này, gặp các hào kiệt, không áp đảo được Bá Đương, bèn mời cùng nhập bọn. Người xuống đường chặn Thúc Bảo là Tề Quốc Viễn, người đang cùng uống rượu trên trại là Lý Như Khuê.


Đang uống rượu say sưa, bỗng thấy lâu la vào cấp báo:
- Trình Nhị vị đầu lĩnh. Tề đầu lĩnh xuống núi gặp một võ tướng đi công cán, cùng nhau quần thảo, có đến ba bốn chục hiệp rồi, mà không phân được thua. Chúng con ở bên ngoài nhìn ra, thì thấy đường đao của Tề đầu lĩnh đã có vẻ rối loạn, khó mà địch nổi viên tướng này, xin nhị vị đầu lĩnh mau mau ứng cứu!
Bọn này vốn còn mang đầy lòng nghĩa hiệp, nghe tin báo Quốc Viễn khó lòng thủ thắng, liền gọi lâu la dắt ngựa, đeo khí giới, tức tốc xuống núi. Từ xa nhìn giữa bãi bằng, cuộc đấu vẫn đang tiếp diễn, Vương Bá Đương trên mình ngựa nhìn kỹ, thì thấy người kia có vẻ giống Tấn Thúc Bảo, chỉ sợ bạn bè với nhau, xảy ra chuyện đáng tiếc, nên từ xa, Bá Đương gào lớn:
- Quốc Viễn hãy dừng tay!
Nhưng đứng từ xa, ngoằn ngoèo cũng gần mười dặm, làm sao mà nghe ra, lại thêm sườn núi nhấp nhô, tiếng nghe vang dội, núi gầm sông ứng, Quốc Viễn lại đang quyết đấu, chẳng biết có ai gọi cũng chẳng biết gọi ai. Bá Đương cùng Lý Như Khuê vội lao xuống, đến đất bằng, Bá Đương la lớn:
- Đúng là Thúc Bảo hiền huynh rồi!
Cả hai vứt binh khí, xuống ngựa, lạy chào tạ lỗi, rồi mời Thúc Bảo về sơn trại. Sợ hai tên lính hoảng hốt, Thúc Bảo vội giảng giải:
- Các ngươi không có gì phải hoảng hốt, không phải ai xa lạ, cũng là chỗ bạn bè quen biết, tụ họp nhau ở đây cả thôi.
Hai người lính mới đỡ lo sợ.
Lý Như Khuê sai lâu la đem hành lý của Thúc Bảo lên sơn trại. Các đầu lĩnh cùng Thúc Bảo lên ngựa về núi Thiếu Hoa, qua cửa trại, vào sảnh tự lễ, Bá Đương chắp tay tạ lỗi lần nữa, rồi bày tiệc rượu khoản đãi. Thúc Bảo cùng Bá Đương kể lể mọi chuyện từ lúc xa nhau ở Lộ Châu, cho đến những chuyện ở rừng Tạo Giác, đi U Châu, trở về quê nhà ra sao rồi tiếp:
- Nay Lai Tổng quản sai đi áp tải lễ vật, để kịp mừng thọ Việt Quốc Công Dương Tố ở Trường An vào rằm tháng giêng sắp tới, may gặp Tề Đại huynh nên lại có duyên gặp chư huynh, thật là sự may mắn ba sinh.
Nhân hỏi đến tung tích Lý Huyền Thúy, Bá Đương đáp:
- Huyền Thúy nhân có công tử con Việt Quốc Công mời, nên hiện nay cũng đang ở Trường An.
Thúc Bảo hỏi:
- Bá Đương có duyên nợ gì mà lại ở đây?
Bá Đương đáp:
- Tiểu đệ nhân đi qua núi này, ơn Tề, Lý nhị vị giữ lại. Cũng đã gửi thư cho Đơn viên ngoại, hẹn sẽ tới chuyện trò ở Nhị Hiền trang. Nay gặp đại huynh đi công cán ở Trường An, khiến tiểu đệ cũng nổi hứng giang hồ, chẳng muốn đi Nhị Hiền trang nữa, mà cùng đại huynh đi Trường An, xem hội đèn nguyên tiêu, tìm Lý Huyền Thúy nhân thể.
Thúc Bảo vốn là người giàu tình cảm bạn bè, bèn đáp:
- Hiền huynh đã cao hứng như thế, thì thật là vui vẻ cho cả hai.
Quốc Viễn, Như Khuê cùng nói:
- Vương đại huynh đã đi, chúng tiểu đệ xin theo cùng!
Thúc Bảo ngoài mặt không dám ngăn cản, nhưng trong lòng thầm nghĩ: "Vương Bá Đương chẳng qua chỉ là khách trong đám lục lâm thôi, vẫn còn giữ được cốt cách văn nhân nho nhã, dẫu có đến Trường An cũng chẳng ai nhận ra. Nhưng Tề Quốc Viễn với Lý Như Khuê, vốn mang tính nóng nảy, lỗ mãng của đám thảo dã, nếu cùng đi Trường An, nhất định sẽ lộ ngay cái vẻ khác thường này, rồi lại liên lụy đến ta mất thôi!". Nhưng không thể nói thẳng ý nghĩ đó, nên Thúc Bảo đành tìm cách nói xa xôi:
- Nhị hiền đệ không nên đi. Vương hiền huynh vốn là người không thiết tha gì với công danh phú quý, chẳng nghĩ gì đến tương lai, theo thói giang hồ lãng tử. Tiểu đệ xem ra núi Thiếu Hoa này hiểm trở, lại có thành trì, nhà cửa hẳn hoi, quy mô rất là hùng vĩ, kho lương đầy đủ, lại thêm nhị vị bản lãnh cao cường, bọn lâu la đều khỏe mạnh dũng cảm. Nhà Tùy lại sắp loạn lạc đến nơi, một dãy Thiếu Hoa này, mai kia trong cuộc chia năm xẻ bảy, sẽ là nơi không dễ có được, có thể làm kế lâu dài. Nếu cùng với tiểu đệ đến Trường An để xem hội đèn Nguyên Tiêu, chẳng qua chỉ là chuyện vui chơi trẻ con, ít ra cũng phải mất một tháng mới về được, người vật tan tác, nhị vị về làm sao mà thu hồi được gốc cũ, lúc ấy thì xin đừng oán Tần Quỳnh này.
Tề Quốc Viễn thì tin là Thúc Bảo nói thành thực, còn Lý Như Khuê nghi ngờ, cười mà rằng:
- Tần đại huynh lại đùa anh em chúng tôi rồi. Thật cũng khó nói. Anh em đều là những kẻ võ biền, suốt đời làm nghề lạc thảo, ai cũng thô lỗ, không quen ăn nói hào hoa phong nhã, cử chỉ đều ngang ngược. Nhưng gần đây gian thần tác quái, anh em chúng tôi còn biết làm gì hơn, là tập hợp nhau ở những nơi rừng núi thế này, đợi thời cơ mà hành động. Đại huynh cũng ngại nói thẳng ra rằng anh em chúng tôi chuyên cướp của giết người, dã tính đã quen, theo đại huynh về Trường An, sợ phạm phải những điều cấm kỵ của đại huynh, xảy chuyện lôi thôi, thì đại huynh cũng vạ lây. Mà không thấy rằng, anh em chúng tôi có đi cũng là chính đáng. Nói rằng chúng tôi không còn chỗ về, thì chẳng nhẽ anh em tôi làm nghề lục lâm suốt đời sao?
Những lời này nói đúng những tính toán của Thúc Bảo, Thúc Bảo đành phải hiện bạch:
- Nhị vị hiền đệ, nếu đã nghi ngờ thế, chúng ta cùng đi là hơn cả.
Quốc Viễn phụ họa:
- Đúng rồi! Cùng đi cả thì chẳng còn điều gì phải suy nghĩ nữa!
Các đầu lĩnh bèn sai lâu la thu nhập chiến mã, chọn lấy gần hai mươi người trai tráng, khỏe mạnh, đeo hành lý trên vai, đem theo tiền bạc. Số lâu la khác ở lại trông coi sơn trại, không được phép tự tiện xuống núi. Thúc Bảo cũng chú trọng giữ gìn hai bao hàng của mình, không dám tiết lộ với ai, sợ sẽ mang họa lớn.
Canh ba hôm ấy, bốn người cưỡi ngựa, cùng với thủ hạ rời Thiếu Hoa Sơn, đi về Thiểm Tây. Đến cách Trường An khoảng sáu mươi dặm, thì trời vừa chiều, Bá Đương cùng Như Khuê, từ trên mình ngựa nhìn về phía trước, thấy một ngôi chùa cổ mới được trùng tu, điện các lợp đầy ngói vàng lấp lánh, dưới ánh vàng chiếu rực rỡ. Bá Đương nói:
- Lý hiền đệ, chuyện đời đúng là khôn lường, lúc thành lúc bại. Vừa năm nay, tiểu đệ đi Trường An, thì ngói chùa cổ này còn hoang tàn, đổ nát, trông thấy đã rầu cả lòng, nay lại thật chỉnh tề, rực rỡ bao nhiêu!
Như Khuê bàn:
- Chúng ta hãy vào chùa, vừa là nghỉ chân đêm nay, vừa là ngoạn cảnh, xem người, để biết ai đã đứng ra trùng tu ngôi chùa đổ nát ấy của đại huynh.
Thúc Bảo từ lúc ra khỏi Thiếu Hoa Sơn, không dám rời Quốc Viễn cùng Như Khuê lúc nào. Trên đường cái quan, khách buôn bán, kẻ việc công, người việc tư đi lại rất nhiều, chỉ sợ hai người bắn một mũi tên, giật của khách một gói hành lý, thì thật là tai họa không chừng. Cũng tính trước rằng, hai người này lên Trường An, chỉ cần ở hai ba ngày là nhiều, nhược bằng ở lại lâu hơn, nhất định sẽ có chuyện lôi thôi không nhỏ. Hôm nay chỉ mới mười lăm tháng mười hai, đến Tết Nguyên Tiêu còn đúng một tháng nữa, chi bằng vào ngôi chùa bên đường này, thuê trưởng lão một căn phòng, ở tạm cho đến tận hết năm cũ, đợi đến ngày vào hội hoa đăng hãy vào thành, khoảng năm ba ngày còn dễ quản thúc họ. Vì vậy, Thúc Bảo giục ngựa lên trước, nói với Quốc Viễn, Như Khuê:
- Nhị vị hiền đệ, năm nay Trường An nơi trọ có lẽ khó kiếm lắm.
Quốc Viễn đáp:
- Đại huynh không ra vẻ kẻ đại trượng phu. Khó thì cứ cho nhiều tiền vào là xong thôi. Tính toán làm gì!
Thúc Bảo:
- Hiền đệ có chỗ chưa biết. Việc ăn ở Trường An đều có số mệnh cả đấy. Mỗi năm, mỗi người, giá tiền trọ mỗi khác. Khách buôn bán quen thuộc, cứ như lệ cũ mà trả, mà ăn ở. Năm nay, bạn bè đông như đám chúng ta đây, riêng tiểu đệ đã có ba người cả thảy, thế thì dù bạn bè quen thuộc của Tần Quỳnh này, hay là khách tới mừng lễ sinh nhật, trong lúc mọi người khắp nơi ùn ùn kéo về Trường An xem hội đèn, thì dẫu có được biệt đãi riêng một phòng nữa, thì cũng tha hồ mà chật chội, mà bị trói buộc nữa. Chứ đâu chỉ có tiền là được thôi đâu.
Nghe Thúc Bảo giảng giải, hai người lâu nay vốn quen phóng khoáng, tự do, cũng sợ thấy bị tù túng, bèn hỏi:
- Tần đại huynh, nếu thế thì làm thế nào cho phải bây giờ.
Thúc Bảo đáp:
- Cứ như ý tiểu đệ, ta tới ngôi chùa vừa mới trùng tu bên đường kia, mượn một gian ở tạm. Anh em ta có thể ruổi ngựa bắn cung giữa chốn thảo nguyên hoang vắng này, chẳng hề bị ai trói buộc, ung dung tự tại chờ năm hết, đến tuần hội đèn rồi tiểu đệ thì vào thành dâng lễ vật liệt vị thì vào xem hội.


Bá Đương cũng hiểu ra nên cực lực tán đồng. Vừa đi vừa bàn bạc, chưa gì đã tới cửa chùa, mọi người đều xuống ngựa, sai bọn thủ hạ trông nom ngựa, hành lý, cả bốn người chỉnh đốn y phục, cùng bước vào cửa, nhìn lên Đại hùng bảo điện, đường vẫn còn xa, bốn phía chung quanh vẫn chưa xây tường xong, mặt trước Phật đài vẫn ngổn ngang vật liệu. Trên một cái giá buộc rất cao trước Phật đài, thợ vẫn đang làm nốt mái trước. Nhìn ra ở bên ngoài giá thấy một cảnh tượng rất trang trọng: chính giữa cắm một cái lọng vàng, dưới lọng là một chàng trai trẻ ngồi, mặc áo tía, năm sáu người vây chung quanh, đều mặc áo xanh, đội mũ rộng đứng hầu, rất uy nghi. Hai bên thềm cao hai viên hổ đầu tướng võ phục nai nịt gọn gàng, màu sắc sặc sỡ, sau là gươm giáo, hình cụ bày đầy, trông càng oai nghiêm. Vị quan ngồi đó, chẳng biết là ai,

Thúc Bảo cùng mọi người không biết nên vào nữa hay ra, xin xem hồi sau sẽ rõ.
Tùy Đường Diễn Nghĩa
Lời Nhà Xuất Bản
Hồi Thứ Một
Hồi Thứ Hai
Hồi Thứ Ba
Hồi Thứ Tư
Hồi Thứ Năm
Hồi Thứ Sáu
Hồi Thứ Bảy
Hồi Thứ Tám
Hồi Thứ Chín
Hồi Thứ Mười
Hồi Thứ Mười Một
Hồi Thứ Mười Hai
Hồi Thứ Mười Ba
Hồi Thứ Mười Bốn
Hồi Thứ Mười Lăm
Hồi Thứ Mười Sáu
Hồi Thứ Mười Bảy
Hồi Thứ Mười Tám
Hồi Thứ Mười Chín
Hồi Thứ Hai Mươi
Hồi Thứ Hai Mươi Mốt
Hồi Thứ Hai Mươi Hai
Hồi Thứ Hai Mươi Ba
Hồi Thứ Hai Mươi Bốn
Hồi Thứ Hai Mươi Lăm
Hồi Thứ Hai Mươi Sáu
Hồi Thứ Hai Mươi Bảy
Hồi Thứ Hai Mươi Tám
Hồi Thứ Hai Mươi Chín
Hồi Thứ Ba Mươi
Hồi Thứ Ba Mươi Mốt
Hồi Thứ Ba Mươi Hai
Hồi Thứ Ba Mươi Ba
Hồi Thứ Ba Mươi Bốn
Hồi Thứ Ba Mươi Lăm
Hồi Thứ Ba Mươi Sáu
Hồi Thứ Ba Mươi Bảy
Hồi Thứ Ba Mươi Tám
Hồi Thứ Ba Mươi Chín
Hồi Thứ Bốn Mươi
Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt
Hồi Thứ Bốn Mươi Hai
Hồi Thứ Bốn Mươi Ba
Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn
Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm
Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu
Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy
Hồi Thứ Bốn Mươi Tám
Hồi Thứ Bốn Mươi Chín
Hồi Thứ Năm Mươi
Hồi Thứ Năm Mươi Mốt
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Hồi Thứ Năm Mươi Ba
Hồi Thứ Năm Mươi Bốn
Hồi Thứ Năm Mươi Lăm
Hồi Thứ Năm Mươi Sáu
Hồi Thứ Năm Mươi Bảy
Hồi Thứ Năm Mươi Tám
Hồi Thứ Năm Mươi Chín
Hồi Thứ Sáu Mươi
Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt
Hồi Thứ Sáu Mươi Hai
Hồi Thứ Sáu Mươi Ba
Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn
Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm
Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu
Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy
Hồi Thứ Sáu Mươi Tám
Hồi Thứ Sáu Mươi Chín
Hồi Thứ Bảy Mươi
Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt
Hồi Thứ Bảy Mươi Hai
Hồi Thứ Bảy Mươi Ba
Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn
Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm
Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu
Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy
Hồi Thứ Bảy Mươi Tám
Hồi Thứ Bảy Mươi Chín
Hồi Thứ Tám Mươi
Hồi Thứ Tám Mươi Mốt
Hồi Thứ Tám Mươi Hai
Hồi Thứ Tám Mươi Ba
Hồi Thứ Tám Mươi Bốn
Hồi Thứ Tám Mươi Năm
Hồi Thứ Tám Mươi Sáu
Hồi Thứ Tám Mươi Bảy
Hồi Thứ Tám Mươi Tám
Hồi Thứ Tám Mươi Chín
Hồi Thứ Chín Mươi
Hồi Thứ Chín Mươi Mốt
Hồi Thứ Chín Mươi Hai
Hồi Thứ Chín Mươi Ba
Hồi Thứ Chín Mươi Bốn
Hồi Thứ Chín Mươi Lăm
Hồi Thứ Chín Mươi Sáu
Hồi Thứ Chín Mươi Bảy
Hồi Thứ Chín Mươi Tám
Hồi Thứ Chín Mươi Chín
Hồi Thứ Một Trăm