Hồi Thứ Chín Mươi Lăm
Tác giả: Chữ Nhân Hoạch
Từ rằng:
1. Thanh âm kỳ diệu cảm tiên ông
Đêm sáng trăng gặp gỡ giữa rừng
Những tiếc trúc tre còn vướng tục
Giọng cao, điệu gấp vỡ như không.
2. Cờ tiên cao nhã thần thông
Bổ vây, cứu ứng có không nhiệm mầu
Trợ tài công thủ thấp cao
Mới ra tay đã đứng đầu nhân gian.
Theo điệu "Nguyệt trung hành"
N gười ta sinh ra ở đời, không những trung hiếu tiết nghĩa, công nghiệp, đạo đức, văn chương đều có thể để tiếng thơm cho đời sau, trở thành bất hủ, mà ngay đến những tài vặt, những cái khéo nhỏ, nếu biết chuyên tâm gắng chí thì danh tiếng cũng nổi một thời, tài nghệ đến mức "tinh diệu nhập thần", được vua chúa biết đến, cảm động cả bậc thần tiên, khiến bản thân có được những cuộc gặp gỡ hiếm có, truyền mãi mãi đời sau như một thiên giai thoại.
**
Hãy nói chuyện Trương Hạo xử tội chết Lư Khẩu Hiệu xong, liền đưa công văn sang trách tội Hạ Lan Tiến Minh không chịu cứu thành Thư Dương, vừa khi triều đình sai Trương Hạo ra trấn thủ Lâm Hoài, đổi Tiến Minh đi nơi khác. Họ Trương bèn dẫn quân đánh lấy lại Thư Dương. Đang đánh nhau to, thì bốn bề mây đen kéo đến, gió lạnh buốt đập vào mặt Tử Kỳ. Tiếng thần gào quỷ khóc vang dội, từ trên không âm binh kéo xuống, quân Tử Kỳ hoảng sợ, rối loạn bỏ chạy.
Đúng là:
Thân chết làm ma thề phá giặc
Tôi trung hồn phách mãi còn thiêng.
Tử Kỳ thua to, bỏ Thư Dương chạy về Trần Lưu. Ai ngờ trăm họ Trần Lưu lâu nay vần căm hờn quân nghịch tàn ác, thương tiếc những kẻ trung lương bị sát hại bèn rủ nhau nổi dậy, chém ngay Tử Kỳ, mở cửa thành đón quân triều đình.
Trương Hạo vỗ về dân chúng, chia binh đóng giữ các nơi, kể tên những bề tôi tử nạn ở Thư Dương dâng biểu tấu lên. Thượng Hoàng xuống chiếu truyền Túc Tông khen thưởng cho những người tuẫn tiết này.
Thượng hoàng từ ngày vào Thục, vắng hình bóng Dương Quý Phi, lòng luôn tưởng nhớ. Bọn Lê Viên tử đệ thì quá nửa thất lạc, hầu cận cũ còn lại rất ít, nên lúc nào cũng rầu rĩ. May có Cao Lực Sĩ ngày đêm ở bên hết cách khuyên giải. Bỗng được tin An Lộc Sơn thiêu hủy tôn miếu, giết hại hoàng tộc, tàn sát bách tính, thượng hoàng đấm ngực, dậm chân, vô cùng đau đớn. Tiếp đó là tin Lộc Sơn bị giết, thượng hoàng ân hận:
- Trẫm tiếc rằng không tự tay băm vằm thằng giặc này được nữa.
Nhân nhớ tới quan tể tướng đã mất là Trương Cửu Linh, người xưa kia đã từng quyết đoán Lộc Sơn rành rành có tướng phản nghịch, không nên để sống, giờ mới thấy là lời sáng suốt, nếu biết nghe theo thì sao đến nỗi gặp vạ này. Bèn sai thái giám đưa lễ vật đến Khúc Giang, kèm một bài văn tế do thượng hoàng thân soạn ra, để đọc trước mộ.
Bài văn tế như sau:
Nhớ khanh xưa:
Có lời can gián
Rằng An Lộc Sơn
Tướng phản rõ ràng
Chớ nên để sống
Bởi giết chẳng thương
Trẫm không nghe lời
Buông tha đứa gian
Đã không trừ diệt
Sai trấn ngoài phiên
Gây nên vạ lớn
Rất là lỗi lầm
Khanh nếu còn sống
Trẫm càng thẹn thùng
Nhớ tôi trung cũ
Giọt lệ chứa chan
Sai bày lễ tế
Tỏ ý phàn nàn
Khen khanh sáng suốt
Nghĩ trẫm tối tăm
Thượng hưởng!
Thượng hoàng không những truy tế Trương Cửu Linh, lại còn ban thưởng cho gia quyến họ Trương rất nhiều. Xuống chiếu cho tìm hết tên tuổi những trung thần tử nạn tâu lên cho Túc Tông. Nghe đến việc Lôi Hải Thanh tuẫn tiết ở hồ Ngưng Bích, thượng hoàng rất khen ngợi, Trương Dã Hồ nhân dịp thưa:
- Lê Viên tử đệ cũ là Hoàng Phan Xước bị giặc bắt, nay đã trốn được về Đông Kinh, rất muốn vào hầu thượng hoàng, nhưng mình đã thất thân ở nơi hang ổ giặc, sợ bị tội nên chưa dám vào.
Thượng hoàng phán:
- Lũ nhạc công các ngươi, hầu dễ ai theo được Hải Thanh. Bị giặc bắt cũng không đáng trách lắm. Phan Xước trốn được từ trong tay giặc ra, chắc biết rõ chuyện Hải Thanh, trẫm đang muốn nghe tường tận, hãy triệu Phan Xước vào đây.
Tả hữu vâng lệnh, Phan Xước đập đầu xuống thềm khóc lóc tạ tội. Thượng hoàng tha cho rồi hỏi:
- Chuyện Hải Thanh tuẫn tiết ở hồ Ngưng Bích khanh biết rõ cả chứ?
Phan Xước thưa:
- Những việc này thần đều được tận mắt trông thấy đầu đuôi.
Thượng hoàng phán:
- Hãy kể tỉ mỉ trẫm nghe!
Phan Xước liền đem việc An Lộc Sơn thết yến, tấu nhạc, các nhạc công thương cảm khóc lóc, Lộc Sơn giết những ai có hoen nước mắt, Hải Thanh khóc rống cầm nhạc cụ ném, chửi Lộc Sơn mà chết như thế nào, kể lại ngọn ngành. Thượng hoàng than:
- Hải Thanh tận trung như vậy mà anh em Trương Quân, Trương Tự lại không bằng con dê con chó.
Nhân hỏi Phan Xước:
- Thế còn khanh lúc đó có rơi nước mắt không?
Phan Xước thưa:
- Muôn tâu thượng hoàng, mắt thấy lòng đau, làm sao mà không rơi lệ cho được!
Nội giám Phùng Thần Uy đứng cạnh, xưa vẫn thường bị Phan Xước đâm hông, ức không chịu nổi, nay có dịp trả thù:
- Muôn tâu thượng hoàng, Phan Xước nói sai. Kẻ hầu hạ này nghe thiên hạ đồn rằng Phan Xước trổ tài nịnh Lộc Sơn. Một lần Lộc Sơn nằm mơ thấy bao nhiêu giấy dán cửa sổ đều bong rơi ra cả (1), Phan Xước nịnh rằng: "Đó là điềm báo ánh sáng của chúa thượng chiếu rọi khắp nơi!". Lần khác Lộc Sơn mơ thấy tay áo dài, che kín cả bàn tay, thì Phan Xước nịnh rằng: "Thùy y nhi trị thiên hạ" (2). Đều là những lời a dua xiểm nịnh. Làm sao hạng người thế lại có thể rơi nước mắt cho được.
1 Vùng bắc Trung Quốc xưa, mùa đông chưa đủ phương tiện chống rét, thường dùng giấy và hồ dán kín cửa sổ, mùa hè lại bóc ra. Chữ "Hồ”, là keo dán, đồng âm với "Hồ”, là tộc Hồ, chỉ An Lộc Sơn.
2 Áo dài lễ của người Trung Quốc xưa có ống tay vừa dài vừa rất rộng, có thể che kín hai bàn tay, giấu các vật lớn. "Thùy y nhị trị thiên hạ", rũ tay áo ngồi mà thiên hạ yên vui, chỉ cách cai trị thiên hạ của thời Nghiêu Thuấn.
Thượng hoàng liền hỏi Phan Xước:
- Khanh có nói như vậy không?
Phan Xước vốn là kẻ hay khôi hài, nổi tiếng nhanh trí, xưa kia trước mặt nhà vua hay kể chuyện bông đùa mua vui, là nghiệp riêng của quan hề, nên giờ cũng không chút lúng túng, sợ hãi, vẫn điềm nhiên thưa:
- Lộc Sơn mộng thấy hai chuyện này thật, thần cũng có nói như vậy. Thần nghĩ rằng cả hai mộng này đều rất xấu, Lộc Sơn chết đến nơi rồi. Cho nên thần không muốn nói thật để mang họa vào thân, mà tìm lời khéo léo tán dương, chính là để giữ được cái thân hèn này, mong có được ngày hầu hạ thượng hoàng vậy.
Thượng hoàng hỏi:
- Vì sao hai giấc mộng này đều xấu, khanh biết Lộc Sơn tất đại bại?
Phan Xước tâu:
- Giấy dán chặt vững là nhờ có hồ, nay giấy bong, hồ hỏng còn gì. Tay áo lụng thụng thì hai tay còn múa may quay cuồng gì nữa. Há chẳng phải là điềm trời báo trước Lộc Sơn chết hay sao!
Thượng hoàng nghe ra, thích chí cười vang, liền vẫn cho Phan Xước sung chức thị thần như xưa.
Chính là:
Người nghe được dịp cả cười
Người kể trút hết tột đi nhẹ nhàng.
Từ đó Phan Xước lúc nào cũng được hầu hạ cạnh thượng hoàng, kể hết chuyện Đông Kinh đến Tây Kinh, chêm vào những câu vui đùa, làm thượng hoàng bớt phần sầu não.
Một hôm, lại có một người trong đám Lê Viên tử đệ tìm đến, chính là nhạc công nổi tiếng Lý Mô.
Số là, khi xa giá chạy vào Thục, Lý Mô lật đật theo nhưng không kịp. Tàn quân Kha Thư Hãn kéo theo, đường xá càng khó đi, Lý Mô ẩn vào một hang núi, ở nhờ trong một ngôi chùa cổ. Nhà sư trụ trì biết là bậc thân cận của Đường Minh Hoàng, không dám coi thường, ân cần mời nghĩ lại đến năm sáu ngày liền.
Một tối, trăng thanh gió mát, mọi người đã ngủ hết. Lý Mô lòng dạ buồn bực, không tài nào nhắm mắt, lần bước dưới ánh trăng hóng mát, hứng lên bước qua cổng chùa, rút chiếc sáo trong túi ra, ngồi xuống tảng đá, bên một gốc cây lớn, nâng sáo lên thổi. Tiếng cao thấp vi vút du dương, vẳng khắp hang sâu núi thẳm trong đêm thanh vắng.
Chưa hết bài thì từ xa, trong rừng một hình người cao lớn khác thường xuất hiện, từng bước nặng nề đi tới, nhìn kỹ là một con cọp mình người, mặc một chiếc áo mỏng mầu trắng, đùi để trần, đi đất, ngồi lên bậc của cổng chùa, nói rõ từng tiếng:
- Hay! Hay lắm! Thêm một bài nữa nghe xem nào!
Lý Mô sợ hết vía, không dám không vâng lời, cố giữ hơi thở bình thường, thổi thêm một bài.
Người đầu cọp như nửa tỉnh nửa mê lắng nghe, bất giác ngủ thiếp đi, nằm quay ra, chắn ngang lấy cổng vào, tiếng ngáy nghe như sấm dậy. Lý Mô định vào chùa trốn, nhưng sợ qua cổng làm người đầu cọp tỉnh dậy, đành phải đưa mắt nhìn khắp xung quanh tìm nơi ẩn tránh. Vội giấu ống sáo vào đám cỏ rậm, nhẹ nhàng trèo lên cây to leo lên mãi trên ngọn cao tít, kéo cành lá che kín, ngồi thật vững vàng mà rình.
Lát sau, người đầu cọp tỉnh dậy, không thấy Lý Mô, càu nhàu tiếc rẻ:
- Dại quá! Có biết ăn thịt ngay lúc đó, để nó trốn mất rồi?
Đứng dậy, hú một tiếng dài, tức thì có đến chục con cọp hoa gấm từ đâu nhảy tới, quỳ trước người đầu cọp, chẳng khác gì trăm quan chầu thiên tử. Người đầu cọp phán:
- Mới rồi có một thằng bé thổi sáo, lừa ta ngủ quên mà trốn mất. Lúc nãy ta nằm ngang cổng chùa, chắc nó không dám vào chùa, các ngươi hãy chia nhau mà tìm cho ta ngay!
Cả bầy cọp tản ra bốn phía, người đầu cọp vẫn ngồi uy nghi tại chỗ. Sang canh năm, bầy cọp lần lượt trở về, đều thưa bằng tiếng người rõ ràng:
- Chúng con đã tìm kỹ khắp chốn mà chẳng thấy đâu cả.
Vừa lúc ánh trăng tàn chiếu chênh chếch lên ngọn cây, lộ rõ hình Lý Mô, người đầu cọp cười ghê rợn:
- Hà hà! Tưởng chớp tan, mây cuốn mất rồi, ai ngờ nó vẫn ở đây.
Rồi cả bầy hướng lên ngọn cây, hết nhảy lại vồ để bắt. May mà cây khá cao, nên vẫn chẳng ăn thua. Lý Mô hồn vía không còn, run lập cập, chỉ chực ngã nhào, cố bíu chặt thân cây. Đang lúc nguy cấp thì bỗng trên không có tiếng dõng dạc quát:
- Đây là người nhà thiên tử, lũ nghiệt súc chúng bay không được càn rỡ thế!
Bầy cọp sợ hãi, lũ lượt bỏ đi.
Gần sáng, đầy tớ theo Lý Mô tìm đến, Lý Mô mới dám tụt xuống. May mà cây sáo giấu trong cỏ vẫn còn.
Chính là:
Tiếng tiêu gọi phượng xuống lầu vàng
Sáo vẫy vua tôi cọp một đoàn
Thiều Nhạc triều Nghiêu cùng sân Thuấn
Muôn chim ngàn thú múa ca vang.
Lần sợ hãi đó, làm Lý Mô ốm mất mấy ngày, đến lúc bình phục định ra đi thì một viên quan ngày trước ở kinh đô, nay được ra làm thứ sử Việt Châu là Hoàng Phủ Chính vào nghỉ trong chùa, gặp Lý Mô, kể lể chuyện mình rồi hỏi Lý Mô:
- Nay nhạc sư định đi đâu?
Lý Mô đáp:
- Tiểu nhân định đi theo giá vào Thục.
Phủ Chính khuyên:
- Gần đây đường đi vào Tây Thục đầy rẫy binh lính, xe ngựa hỗn độn, chớ nên mạo hiểm. Cứ theo ta tạm về Việt Châu, đợi khi đã ít nhiều yên ổn hãy đi cũng chưa muộn.
Lý Mô bằng lòng, cả hai từ biệt sư trụ trì, dần dà tới Việt Châu, Lý Mô ở luôn trong nhà công của thứ sử.
Vùng này có một hồ rộng, nước trong phẳng lặng như gương, thật là một thắng cảnh. Việc quan thư thả, Phủ Chính rủ Lý Mô cùng ra chơi hồ, Lý Mô khen:
- Hồ đẹp thế này, gặp đêm trăng thì thật là thần tiên.
Phủ Chính gật đầu đáp:
- Ta cũng muốn làm một cuộc chơi hồ đêm trăng lắm!
Bèn chọn một đêm trăng sáng, bày sẵn rượu ngon thức nhắm, mời mấy người trong phủ, cùng Lý Mô lên thuyền chơi hồ. Trăng sánh như nước, nước ngời như trăng, tất cả trong cõi hư, cõi thực khó phân, khác gì cánh Tô Đông Pha tả ở bài "Xích Bích Phú" ở đời Tống sau này:
Này chèo quế, nọ thuyền lan
Nhẹ khua trăng nước, sáng tràn tinh không. (1)
1 Nguyên văn: "Quế trao hề lan tương; Kích không minh hề tố lưu quang."
Ai nấy rượu đã ngà ngà, đều muốn được nghe tiếng sáo huyền diệu của Lý Mô, có kẻ cất tiếng:
- Năm xưa trước lầu Cần Chánh chỉ cần tiếng sáo cất lên, đã ngăn được sự huyên náo của hàng nghìn vạn người, thiên hạ vẫn đồn như một sự lạ. Đêm nay may được gặp gỡ, xin được nghe một lần cho bõ khát khao!
Phủ Chính cũng cười:
- Cái sáo của Lý nhạc sư, ta đã mang theo đây rồi mà!
Ai nấy đều vui mừng:
- Đúng là may mắn quá rồi!
Lý Mô nói vài lời khiêm tốn, rồi cầm sáo thổi, tiếng nghe chẳng khác gì tiêu nhạc, ai nấy xuýt xoa khen ngợi. Khúc đầu vừa dứt, thì thấy phía trước mặt một lá thuyền nhỏ lướt tới. Trên thuyền trông rõ một tiểu đồng bơi chèo, một ông già đứng giữa thuyền lớn tiếng nói:
- Sáo nghe hay lắm, cho lão lên thuyền nghe với có được chăng?
Mọi người, dưới ánh trăng trố mắt nhìn thì thấy:
Óng ả râu dài
Đường đường khuôn mặt
Áo quê khăn lụa, phục sức như tiên
Vạt hở, phất trần, phong lưu khác tục
Rõ ràng là bậc phi phàm
Khoan thai tiếng nói, thành tâm giọng cười.
Ai nấy đều biết không phải người thường, lễ phép vái chào, mời lên thuyền lớn. Ông già cất tiếng:
- Lão già này vốn là người rừng núi quê mùa, đường đột thế này, xin tha lổi!
Mọi người mời ngồi, ông già tiếp:
- Tình cờ dạo chơi dưới trăng, bỗng nghe tiếng sáo thánh thót, xin mạo muội thưa vài điều.
Lý Mô đỡ lời:
- Nghề mọn không đáng làm nhàm tai quý khách. Lão trượng nghe tiếng mà tìm đến, hẳn là bậc tri âm. Kính xin được nghe lời chỉ giáo.
Ông già khoan thai:
- Khúc vừa rồi, chính là điệu "Tử vân hồi", là một điệu trong cung cấm để hầu thiên tử, nghĩa là "Mây tía vây quanh". Nhạc sư đã nắm được hết tài điệu, nhưng trong lúc bay bổng, uốn nắn, có pha đôi chút giọng của nhạc Phiên là sao?
Lý Mô giật mình thưa:
- Lão trượng quả là bậc tinh thông âm luật. Khi xưa tiểu nhân học sáo vỡ lòng với một ông thầy người Phiên.
Ông lão tiếp:
- Sáo tên chữ là địch, nhưng địch cũng còn có nghĩa là gột rửa, tẩy xóa hết tà uế, hướng về cái đúng mực, thanh cao. Thế thì sao lại có thể để tiếng sáo vương vào cái ô tạp của giọng Phiên. Phải tinh lọc cho hết mới được đến mức tuyệt diệu.
Lý Mô chắp tay:
- Xin kính cẩn vâng lời lão trượng!
Ông già lại tiếp:
- Chiếc sáo của nhạc sư vẫn là chiếc sáo dùng từ trước chứ!
Lý Mô đáp:
- Đây là chiếc sáo làm bằng trúc có vân tía ở đầm Vân Mộng, do thiên tử ban cho dùng đã quen lâu nay.
Ông già nói:
- Trúc vân tía ở phía nam đầu Vân Mộng, hàng năm cứ khoảng tháng bảy thì măng mọc. Mọc vào rằm tháng bảy năm nay, thì rằm tháng bảy năm sau phải đốn mà dùng. Nếu để quá thì tiếng sáo nghe nhẹ mà nổi. Vừa rồi, lão nghe tiếng nhẹ mà nổi, đúng là loại trúc chặt trước kỳ hạn. Cây sáo này chỉ có thể dùng để chơi những điệu ôn hòa, tươi mát. Thổi những khúc sắt đá, thanh cao, hùng tráng thì ống trúc không chịu thấu, sẽ nổ tung ra.
Mọi người chưa tin, Lý Mô vâng vâng dạ dạ, nhưng cũng bán tin bán nghi. ông lão liền nói:
- Các ngài chưa tin, xin hãy cho phép lão già này thổi thử.
Bèn cầm lấy ống sáo, thổi một khúc, tiếng nghe trong vắt, hùng tráng như muốn thức rồng thiêng trong vực sâu, như giục tiếng khóc nức nở của người đàn bà góa. Lý Mô cùng mọi người như mê như tỉnh. Đến chỗ cao nhất, xung quanh đang chăm chú thì bỗng tách mấy tiếng liên tiếp, ống sáo vỡ ra làm đôi. Ai nấy giật mình kính phục. Ông lão cất tiếng:
- Hỏng mất sáo của nhạc sư rồi! Lão có đem theo hai chiếc đây, xin lấy đền nhạc sư một cây vậy!
Rồi móc trong túi ra hai chiếc sáo, một cái rất dài, còn một chiếc hơi ngắn, ông già cầm chiếc ngắn trao cho Lý Mô:
- Xin mời nhạc sư thử thổi xem!
Lý Mô cầm lấy, thấy rất vừa tay, lọt hơi, các loại sáo thường không sao sánh kịp, mừng lắm, hai ba lần tạ ơn. Phủ Chính cười nói:
- Xưa nay vẫn có câu: "Kiếm quý thì dành hiệp sĩ, phấn son thì tặng cho giai nhân". Lão trượng đã xem Lý nhạc sư như bậc tri âm, sao không làm quà luôn chiếc sáo dài kia luôn?
Ông già đáp:
- Thật không dám tiếc. Nhưng chiếc sáo này không thể nào dùng trong cõi nhân gian. Dù có tặng, Lý nhạc sư cũng không thể thổi được.
Lý Mô nói:
- Xin cho tiểu nhân thử một lần xem sao!
Ông già đưa chiếc sáo dài cho, Lý Mô xoay đi xoay lại ba bốn lần vẫn chẳng thành điệu thành khúc gì, tiếng thì chẳng rõ.
Ông già nói:
- Của này không phải của cõi trần, khó thổi lắm.
Lý Mô vẫn say:
- Ngoài lão trượng ra, không còn ai thổi được. Vậy xin phiền lão trượng cho nghe một khúc vậy! ông già lắc đầu:
- Cõi trần không nên thổi!
Lý Mô hỏi:
- Thổi thì sao kia ạ?
Ông già cười:
- Ngày trước, Lý nhạc sư thổi ở cổng chùa, bất quá mới là nhạc trần gian thôi, thế mà lũ yêu cọp đã hàng bầy kéo đến. Nay ở giữa hồ rộng mênh mông, vắng lặng, lỡ kích động đến loài giao long thì sao?
Mọi người tranh nhau cải:
- Không thể có chuyện như vậy được?
Ông già đáp:
- Các ngài cứ đòi nghe, lão thổi, nếu có chuyện gì, xin đừng hoảng sợ.
Ông già cầm ống sáo, ghé môi thổi, tiếng rung chói tai, chim ngủ trên cây nhớn nhác bay loạn xạ, tiếng kêu hoảng hốt. Thổi thêm mấy nhịp nữa, thì ánh trăng như nhạt dần, ảm đạm, gió thổi càng mạnh, càng lạnh hơn, nước hồ chao động, sóng dâng ì ầm, cá lớn cá nhỏ nhảy rung. Tất cả trên thuyền kinh hãi thất thanh:
- Thôi! Đừng thổi nữa! Xin thôi cho!
Ông già cười ha hả, cất sáo đi, đứng lên, chào từ biệt. Mọi người cố giữ lại. Lý Mô vội nói:
- Tiểu nhân chưa kịp rõ tôn tính, đại danh của lão trượng.
Ông già cười đáp:
- Đêm trước, giữa không trung, có tiếng quát nạt bầy yêu cọp, chính là lão đó. Còn họ tên thì có làm gì!
Dứt lời, nhảy sang thuyền con, tiểu đồng lập tức khua chèo làm thuyền lướt như bay, nháy mắt đã không thấy đâu nữa rồi! Mọi người vừa sợ vừa phục, ngợi khen Lý Mô thổi sáo mà khiến tiên ông phải giáng trần để nghe.
Đúng là:
Sáo rủ đến bầy cọp
Sáo mới về tiên ông
Cọp sợ tiên mà chạy
Tiếng sáo tiên còn truyền.
Từ khi được tiên ông truyền thụ diệu thuật, Lý Mô ngày càng tinh thông. Phủ Chính biết rõ nguồn gốc Lý Mô, không dám giữ lâu, nên khi được tin đường xá đi lại dễ dàng rồi, vội sắm sửa hành lý, lộ phí cho Lý Mô lên đường vào Thục.
Đến nơi, Lý Mô trước tiên tìm Cao Lực Sĩ, nhờ dẫn vào bệ kiến. Thượng hoàng thương vất vả lặn lội đường dài, liền ban cho áo mũ, ở lại hầu ngay bên mình. Lý Mô đem chuyện gặp gỡ dọc đường kể lại. Thượng hoàng vốn đắm say chuyện thần tiên liền tấm tắc khen mãi, Cao Lực Sĩ nhân đó thưa chuyện Vương Tích Tân cũng gặp tiên, xin được vào chầu.
***
Lại kể, Vương Tích Tân vốn quê Trường An, dòng dõi gia thế, từ bé đã thích đánh cờ, từng được học với nhiều thầy nổi tiếng làng cờ, có danh lớn ở kinh đô. Lúc thanh niên, Tích Tân chơi bời với năm bảy công tử, có lần tụ tập ở một khu vườn tiệc rượu. Ngà ngà say rồi, một người lạ vào, đến cổng, xuống ngựa, thân nhiên bước tới bàn tiệc, nhìn trang phục, văn không ra văn, võ không ra võ, bái chào xong cất tiếng:
- Các ngài tụ họp ở đây đông vui, trang nhã, lẽ ra không dám quấy phiền. Nhưng vì lỡ đường, cổ khô miệng khát, mong chén rượu thấm giọng liệu có được chăng?
Tích Tân thấy người này phong thái, hiên ngang biết ngay không phải kẻ tầm thường, chẳng đợi mọi người bằng lòng, đã đứng dậy vái chào, mời ngồi lên trên. Người này chẳng nề hà ngồi xuống. Tích Tân rót rượu vào một chén lớn bưng tới trước mặt. Người này đón lấy, uống một hơi cạn sạch, lại đòi rót thêm. Tích Tân rót nữa, đưa thêm các thức nhắm lại mời.
Bọn công tử xung quanh, đều là con cháu các nhà quyền quý, quen thói ngông nghênh, không coi ai ra gì, nay thấy người này cử chỉ, nói năng đường đột, cao ngạo, đều tỏ ý bất bình, rất muốn biết lai lịch người khách, nhưng chưa tiện hỏi. Một công tử cầm chén rượu nâng lên, cố ý ra một tửu lệnh rằng:
- Từng người trong chúng ta, hãy kể về gia thế mình, ai thuộc loại quý hiển nhất, sẽ uống ba chén rượu lớn. Xin mời quý khách nói trước!
Người này nói:
- Ta xin uống ba chén trước rồi sẽ nói sau nhé!
Tích Tân sai rót rượu. Người này uống hết ba chén lớn, đứng dậy, ra khỏi bàn tiệc, giơ tay, nói với tất cả:
- Tổ tiên ta, cao tổ làm thiên tử, tằng tổ làm thiên tử, ông nội làm thiên tử, cha làm thiên tử, hiện ta cũng làm thiên tử.
Nói xong, bước thẳng ra cửa, lên ngựa phi nước đại. Mọi người chưa kịp kinh ngạc, bỗng quan nội giám cùng mấy thị vệ dắt ngựa tìm đến. Thì ra, thời ấy, Đường Huyền Tông thường giả trang vi hành ngoài thành, rồi ngẫu nhiên gặp bọn công tử này.
Hôm sau, Cao Lực Sĩ tới hỏi cặn kẽ, biết người dâng rượu là Tích Tân, Huyền Tông liền triệu vào cung, thường rất hậu rồi phán:
- Bọn kia toàn lũ công tử kiêu ngạo, khoe khoang gia thế, trâng tráo chẳng khác gì lũ ăn mày. Riêng nhà ngươi nhã nhặn, thật đáng khen!
Rồi cho phép Tích Tân vào Viện hàn lâm đọc sách. Sau biết Tích Tân giỏi cờ dịch, liền ban cho chức Dịch kỳ cung phụng.
Chính là:
Nếu không nhờ chén rượu
Sao có chuyện gần vua.
Tích Tân từ ngày có cuộc gặp gỡ khác thường ấy, được hầu cận đấng chí tôn. Đến khi An Lộc Sơn nổi loạn. Huyền Tông cùng các quan cuống cuồng chạy vào đất Thục, Tích Tân cũng đem một lão bộc chạy theo, nhưng đường Thục hiểm trở như đường lên trời. Mỗi đêm tìm nơi nghỉ lại thì bao nhiêu hàng cơm, quán trọ, các nhà rộng rãi ven đường, đều bị vương tôn, đại thần dùng quyền, dùng sức mạnh chiếm sạch. Tích Tân cứ đành phải tìm sâu vào những nhà nghèo.
Một chiều, đi quanh co, men mãi theo khe suối, vô tình lọt vào một thôn hoang vắng, trời đã gần tối, cả thôn chỉ có mỗi một nhà, ba gian tranh nứa, nửa khép nửa mở. Gọi xin ngủ trọ, một bà già từ trong cửa ra nói:
- Nhà chỉ có mỗi già này với đứa con dâu thôi. Lẽ ra không nên để khách lạ nghỉ lại. Nhưng quanh đây chẳng còn nhà, trời lại đã tối, nếu khách bằng lòng ngủ ngoài thềm thì xin vâng.
Tích Tân cảm tạ:
- Vậy cũng may lắm rồi!
Bà già đưa trà nước cùng mấy cái bánh bao ra đãi khách. Xong xuôi vào nhà, đóng cửa lại. Tích Tân lắng tai nghe, biết bà già gài cửa xong thì hai mẹ con mỗi người một buồng. Hai thầy trò Tích Tân cũng dọn chỗ nằm ở thềm, người lão bộc mệt đã ngủ ngay, riêng Tích Tân vẫn trằn trọc không nhắm mắt được. Bỗng nghe mẹ chồng gọi nàng dâu:
- Đêm hôm chẳng có việc gì khuây khỏa, mẹ con ta đánh một ván cờ nhé!
Người nàng dâu đáp:
- Thế thì hay lắm!
Tích Tân lấy làm lạ, thầm nghĩ: "Đàn bà rừng núi, sao lại biết đánh cờ nhỉ? Mà hai người ở hai buồng đánh thế sao được?". Tích Tân nhổm dậy, đến bên khe cửa lén nhìn trộm vào, thấy đèn đóm chẳng có tối như bưng, bèn áp sát tai vào nghe.
Bà mẹ cất tiếng:
- Mẹ cho con đi trước!
Nàng dâu đáp:
- Con đi con Đông năm tới Nam chín.
Im lặng một lát, bà già lên tiếng:
- Mẹ đi con Đông năm tới Nam mười hai.
Lại yên lặng, rồi nàng dâu nói:
- Con đi con Tây tám tới Nam mười.
Lại im lặng, rồi bà già tiếp:
- Mẹ đi con Tây chín đến Nam mười bốn.
Cứ mỗi lần đi, lại yên lặng nghĩ ngợi một hồi. Đêm đã sang canh tư, mới đi được cả thảy ba mươi sáu nước. Tích Tân gắng nhớ kỹ từng bước. Bỗng nghe tiếng bà già cười vui vẻ:
- Con dâu lão thua rồi, thế là mẹ thắng chín ván nhé? (1)
1 Loại cờ này nguyên chữ Hán là "Dịch kỳ", cũng gọi là cờ vây, không giống cờ tướng của ấn Độ, Việt Nam, cũng không phải cờ vua của Tây phương. Theo "Quảng sự loại" thì chính vua Nghiêu nghĩ ra cờ dịch này để dạy con là Đan Chu. Cách đánh là làm thế nào vây, chẹn đường đối phương. Bàn cờ hình vuông, ngang dọc đều mười bảy đường, cộng thành 289 ô vuông nhỏ, con cờ tròn, chia hai loại trắng đen, mỗi loại những 150 con. Đời sau, thêm thành mười chín đường. 361 ô nhỏ (Từ Hải). Cách đánh của hai mẹ con như kiểu dùng tọa độ để xác định từng con bằng lời mà không cần bàn, như kiểu đánh cờ tướng không cần bàn của ta chăng? Tất nhiên phải nhớ tài nhiều hơn.
Nàng dâu thưa:
- Con tính nhầm một nước, thua là phải rồi. Sau đó thấy im lặng.
Sáng ra, mở cửa, Tích Tân sửa lại áo mũ vào chào. Bà già tóc bạc như cước, nhưng phong thái rất thư thái, tuyệt không một chút quê mùa. Tích Tân xin được lạy chào người nàng dâu. Bà già gọi ra, Tích Tân nhìn lên, thì thấy:
Tuy là trang phục lối quê
Nhác xem phong vận nhiều bề cao sang
Ra vào cử chỉ thư nhàn
Phòng khuê đào mận lại càng khác xa
Trang nghiêm đượm vẻ nhu hòa
Cầu Lam thần nữ phải là Vân Anh?
Tích Tân thi lễ xong, hỏi sang bí quyết của cờ dịch, bà già nói:
- Mẹ con già này đêm khuya đánh cho đỡ buồn không ngờ làm phiền tới quý khách!
Tích Tân ba bốn lần nài nỉ xin học, bà già bèn nói:
- Cờ dịch chính là một phép toán nhỏ, nhưng bên trong chứa đựng nhiều lẽ huyền diệu. Quý khách đã say mê như thế, thì tất cũng đã giỏi lắm rồi. Bây giờ xin hãy tự sắp xếp các con cờ, để già này xem qua, nếu xem có điều gì cần bàn thêm chăng?
Rồi sai lấy bàn cờ cùng quân cờ ra. Tích Tân cố đem hết tài nghệ ra để khoe. Vừa bày được bốn năm chục con thì nàng dâu tủm tỉm cười nói với bà già:
- Quý khách đây cũng hiểu biết, có thể học được những thế cờ ở cõi trần đấy!
Bà già liền này cho Tích Tân đủ cách công thủ, sát, đoạt, cứu ứng phòng ngự. Ý thì đại lược nhưng đều là những điều xưa nay chưa nghe, chưa nghĩ tới bao giờ, Tích Tân xin học thêm. Bà già cười:
- Chỉ cần chừng ấy cũng đủ là vô địch trên cõi nhân gian rồi đấy! Xa giá thiên tử đã đi xa rồi, quý khách nên nhanh chân mới kịp.
Tích Tân tạ ơn mà lui ra. Đi mới được vài mươi bước, quay nhìn lại thì nhà cửa, sân vườn, cổng ngõ không thấy đâu nữa, mới thấy là mình được gặp tiên, lấy làm kinh dị.
Đúng là:
Huyền vi cờ dịch lẽ âm dương
Bí quyết xem ra chẳng phải thường
Vô địch cõi trần, cười nghĩ lại
Mục rồi cán búa, nợ duyên vương. (1)
1 Theo "Thần tiên truyện": Xưa có người vào núi hái củi, thấy hai ông tiên ngồi đánh cờ, đứng lại xem. Xong một ván, anh ta lại nhìn, thì thấy cái cán búa của mình đã mục nát.
Tích Tân từ đó tài nghệ đến mức nhập thần, Cao Lực Sĩ tâu với thượng hoàng, gọi Tích Tân vào kể hết đầu đuôi. Hoàng Phan Xước đứng nghe xong liền tâu:
- Cờ gọi là "thủ đàm", tức là nói chuyện bằng tay. Hai mẹ con bà tiên đánh cờ bằng miệng, thật là chuyện kỳ quặc xưa nay.
Thượng hoàng cười phán:
- Người trần tục đánh cờ, lấy tay thay miệng, lại phải có mắt nhìn. Người tiên đánh cờ, lấy miệng làm tay, mà chẳng cần mắt nhìn.
Tích Tân thưa:
- Hạ thần cứ theo nước cờ của hai mẹ con bà tiên đem bày ra xem xét, tính toán mãi cạn lòng nát óc mà vẫn không hiểu ra câu:
"Thế là mẹ thắng chín ván nhé?", là nghĩa ra làm sao?
Thượng hoàng phán:
- Chắc không phải là những thế cờ ở dưới trần này thường biết. Nhưng cứ ghi nhớ lấy, đợi có lúc gặp người tài giỏi hơn sẽ rõ được cũng nên!
Cao Lực Sĩ tâu:
- Tích Tân ngày trước nhân cuộc rượu mà được gặp thái thượng hoàng. Nay nhân giỏi cờ mà được gặp tiên nữ, đều là những cuộc gặp gỡ tuyệt diệu cả!
Thượng hoàng phán tiếp:
- Lý Mô gặp tiên ông dạy thổi sáo. Tích Tân gặp tiên bà dạy cờ Tiên cả, nhưng chẳng rõ loại tiên nào. Trương Quả, Diệp Pháp Thiện, La Công Viễn, chỉ cần một trong ba người mà có ở đây, ắt biết rõ lai lịch các vị tiên ngay.
Đang chuyện phiếm, bỗng sứ giả của Túc Tông đến tâu rằng Vĩnh Vương Lý Lân phản nghịch, tiếm hiệu xưng hoàng đế ở Giang Nam. Thượng hoàng giận lắm, ra lệnh cất quân đánh dẹp.
Ít hôm sau, Túc Tông sai thái giám Đạm Đình Giao dâng biểu báo tin thắng trận, ngợi khen Quảng Bình Vương cùng Quách Tử Nghi thắng nhiều trận vẻ vang, lại được tướng sĩ, binh lính Hồi Hột tiếp viện đã khôi phục được Tây Kinh, chẳng bao lâu nữa Đông Kinh cũng sẽ thu về, Thượng hoàng mừng lắm.
Chính là:
Tin mừng nối nhau tới váng tai
Cờ nghĩa phất hai kinh rộn mắt.
Muốn biết công việc hai kinh rõ ràng, xin xem tiếp hồi sau.