Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm
Tác giả: Chữ Nhân Hoạch
Từ rằng:
1 Việc đời không nên quá độ
Thể tât trời ghen trời phá
Hãy nhìn muôn hoa nở rộ
Báo trước mùa xuân sắp tàn
Lại hòng trên đỉnh Vu San
Ghẹo trăng cột gió, mơ màng khói sương.
2. Đừng cậy rằng trăng sáng tựa gương
Coi chừng gió quạt gãy cành sương
Nghìn ân trăm ái say sưa mãi
Đàn vận căng dây gãy phím hương.
3. Dân đàn đứt nối cậy nhau cùng
Đứt ruột nào ai đoái giúp không?
Giấc mộng năm canh bừng tỉnh dậy
Vi vu gió buốt trùm núi sông
Nắng mưa trời vẫn đạo thường
Tình người ấm lạnh, ghét thương lẽ nào?
Theo điệu "Thủy điệu ca đầu”
Lời xưa nói:
Xẩy chân để hận muôn đời
Quay đầu lại, đã thành người trăm năm.
Chẳng phải nói đàn ông gặp nghịch cảnh, cũng oán trời trách người, ngay cả đàn bà càng lắm điều than vãn.
***
Hãy khoan nói chuyện anh em Tần Vương diễn trò cướp giáo, hãy nói chuyện Tiêu Hậu nhà Tùy cũ, cùng với Sa phu nhân, Tiết Dã Nhi, Hàn Tuấn Nga, Nhã Nương sang nước Đột Quyết. Khi vua Đột Quyết chết, thì Hàn Tuấn Nga, Nhã Nương được vài năm do thủy thổ bất phục, lần lượt qua đời. Nghĩa Thành công chúa thấy chồng đã mất, buồn rầu sinh bệnh, một năm sau cũng khuất núi. Vợ Vương Nghĩa, Khương Đình Đình, chết ngay khi sinh, Sa phu nhân liền đem Dã Nhi gả cho Vương Nghĩa làm kế thất.
La La tuy hơn Triệu Vương có đến năm sáu tuổi, nhưng tính tình đoan trang thùy mị, lại thông hiểu sách vở, lễ nghĩa, Sa phu nhân bèn đem La La làm vợ Triệu Vương. Cũng bởi Đột Quyết không có con trai, Triệu Vương bèn nối ngôi Khả Hãn, lấy hiệu là Chính Thống, đóng giữ Long Hổ quan, trí dũng kiêm toàn, chính lệnh giản dị, ngoài việc triều đình thì về phụng dưỡng Sa phu nhân, cùng vui chơi trong vườn sau, rất là hiếu kính.
Hôm ấy vừa chớm tiết thu, Tiêu Hậu một mình dạo trong vườn, đứng dưới hàng lan can dâm mát, thấy ở phía ngoài vườn, ngay cạnh chuồng ngựa, có một người lính chăn ngựa, tuổi cũng còn ít, đang ngồi cắt cỏ xong xuôi đứng nhìn mấy con ngựa ăn. Tiêu Hậu ngắm tướng mạo, giống như người Trung Quốc, liền gọi lại gần hỏi:
- Ngươi tên họ là gì? Ngươi ở đâu?
Mã phu đáp:
- Tiểu nhân người ở Dương Châu, họ Vưu tên là Vĩnh.
Tiêu Hậu lại hỏi:
- Ta thấy ngươi giống người Trung Quốc ngay từ đầu mà? Ngươi có vợ con gì không? Sao lại lưu lạc tới đây?
Vưu Vĩnh đáp:
- Tiểu nhân đi lính cho Vương Thế Sung, lưu lạc tận Liêu Thành, cùng ở với một người bạn thân là Chu Phùng Xuân, không ngờ lại gặp ba người đàn bà ở trong cung của Vũ Văn Hóa Cập nói là Chu phu nhân ở viện Thần Quang, Phàn phu nhân ở viện Tích Chân, Dương phu nhân ở viện Minh Hà của nhà Tùy cũ. Chu phu nhân lại vốn là em họ của Chu Phùng Xuân, vì vậy, Phùng Xuân mới đem Cho phu nhân gán cho tiểu nhân, còn Dương phu nhân cùng phàn phu nhân thì lấy Phùng Xuân.
Tiêu Hậu kinh ngạc hỏi.
- Lại có chuyện như thế sao? Thế ba vị nhân đâu cả?
Vưu Vịnh thưa:
- Chu phu nhân theo tiểu nhân được vài năm, nhân sinh đẻ mà qua đời, Phàn phu nhân cũng gặp bệnh nặng mà mất. Chỉ còn Dương phu nhân vẫn ở với Phùng Xuân tại Uyên Ương trấn thuộc Lâm Thanh, mở hàng cơm đón khách.
Tiêu Hậu lại hỏi tiếp:
- Ngươi ở với Phùng Xuân, cớ sao lại lưu lạc mãi tới đây?
Vưu Vĩnh thưa:
- Tiểu nhân cũng bởi Chu Thị mất rồi, một mình phiêu bạt, theo mấy người bạn cùng đi lính với nhau mà trôi dạt mãi lên đây.
Tiêu Hậu vẫn hỏi:
- Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi?
Vưu Vịnh thưa:
- Tiểu nhân ba mươi tuổi!
Tiêu Hậu nghĩ ngợi một hồi rồi nói:
- Ta là Tiêu Hoàng hậu nhà Tùy cũ. Ta thương ngươi cũng là người Trung Quốc, lại là chỗ vợ chồng với Chu phu nhân cũ, nên cũng muốn thăm nom đến ngươi ít nhiều, lại còn có chuyện muốn hỏi kỹ, nhưng giữa ban ngày ban mặt ở đây không tiện. Đợi đến tối, ta sẽ cho người ra gọi ngươi!
Vưu Vĩnh lạy tạ vâng lời rồi ra. Đêm ấy Tiêu Hậu đang định sai đi gọi Vưu Vĩnh, có người biết, báo ngay cho Triệu Vương. Triệu Vương ngờ có chuyện tư tình, nổi giận đùng đùng, liền quát đem Vưu Vĩnh ra chém, để cảnh tỉnh Tiêu Hậu một phen, lại ra lệnh nghiêm cấm, gác giữ cung cấm, ra vào tra hỏi rất cẩn thận. Tiêu Hậu thấy thế vừa buồn bực, vừa xấu hổ.
Chính là:
Chỉ vì đã nói loanh quanh
Để người thiệt mạng mà mình danh nhơ.
***
Nay lại nói Sài Tự Xương vâng thánh chỉ, sai làm ngay văn thư, lệnh cho Lý Như Khuê dẫn một nghìn quân, kéo đến U Châu gặp La Thành, báo cho La Thành điều quân tới Mân Châu trước, chống cự với Thổ Cốc Hồn, Tự Xương kéo quân đến sau, cả hai cánh sẽ cùng trước sau công kích quân giặc.
Lý Như Khuê đến U Châu, gặp La Thành. La Thành xé văn thư ra xem, liền thưa với phụ thân Yên Quân Vương La Nghệ. La Nghệ bàn:
- Mân Châu xa xôi, Khả hãn Đột Quyết cũng chẳng bao giờ xuống gần đâu. Lại thêm Khả hãn vừa chết, người thay là Chính Thống, chính là Triệu Vương con của Sa phu nhân, nghe nói Tiêu Hậu cũng đang ở đó, cả Vương Nghĩa cũng làm quan đại thần của Chính Thống, đều là những người cũ của ta thuộc Tùy triều cả. Nay con chỉ nên dẫn một đội người ngựa, đến cùng họ trò chuyện rõ ràng cho yên ổn. Thổ Cốc Hồn không thấy binh của Chính Thống xuống giúp cũng đến kéo quân về.
La Thành thưa:
- Lời của phụ vương đúng quá!
Liền quay về phủ, nói cho Tuyến Nương biết. Tuyến Nương bàn thêm:
- Tiêu Hậu trước đây có đến Lạc Thọ, cũng là một người có kiến thức. Nghe nói Sa phu nhân có chí khí, thiếp cũng muốn gặp, xin cùng đi với tướng quân một phen vậy!
La Thành đáp:
- Được phu nhân cùng đi, càng thêm vẻ oai hùng cho quân ngũ.
Hựu Lan cũng nói:
- Thiếp xin theo cùng và cả hai con nữa, nhân thể thăm mộ phần phụ mẫu một chuyến.
Thì ra, Tuyến Nương đã sinh một con trai, tên gọi A Đại, Hựu Lan cũng vậy, đặt là A Nhị, chênh nhau khoảng nửa tháng, đều tám tuổi. Tính toán xong, liền gọi Kim Đính, Ngô Lương thu thập hành trang, từ biệt Yên Quận Vương lên đường.
Chẳng bao lâu đã tới Đạo Khẩu, Khả hãn Chính Thống nghe tin, liền bàn với Sa phu nhân:
- Thổ Cốc Hồn có ước hẹn cùng ta xuất binh để quấy nhiễu Trung Nguyên, mấy hôm nay con đang tìm tướng tuyển binh. Không ngờ vua Đường đã sai con Yên Quận Vương là La Thành kéo binh tới hỏi tội, bây giờ nên làm thế nào?
Sa phu nhân đáp:
- La Nghệ nguyên là trọng thần của tiên triều ta, nay cũng là đại thần của nhà Đường, lại còn con của Đậu Kiến Đức là Tuyến Nương, được vua đứng ra làm chủ hôn, cả hai vợ chồng vốn quen chinh chiến, không thể coi thường.
Tiêu Hậu góp thêm:
- Chả cần phải nói thế, nếu kẻ khác mà cướp đoạt giang sơn của ta, đừng chờ chúng tới đánh, mà phải xúm lại đánh với chúng một phen. Còn như Lý Uyên, vua Đường hiện nay, các ngươi không biết đâu, với nhà ta còn là anh em nữa kia đấy. Hoàng hậu họ Đậu, cùng với tiên thái hậu nhà Tùy ta (l) chính là chị em ruột, thế là họ hàng còn gần lắm. Lại thêm ta cũng đã một lần gặp Đậu Tuyến Nương, đó là một cô gái thật duyên dáng, nhưng mồm miệng thật chua ngoa, chẳng biết bản lĩnh thì thế nào. Họ mà tới đây, để ta gặp xem sao.
Khả hãn Chính Thống nghe vậy, liền vội thương nghị với Vương Nghĩa, sai Vương Nghĩa dẫn một đội người ngựa đi trước, còn mình từ từ dẫn đội thứ hai ra khỏi thành. Lý Như Khuê làm tướng tiên phong, muốn giành công đầu, bị Vương Nghĩa dùng kế đánh cho thua chạy. Binh mã của Tuyến Nương kịp tới, thấy phía trước cát bụi mù mịt. Tuyến Nương giơ cao thiên phương hoạ kích xông vào, thấy một viên tướng đuổi theo Như Khuê, thương đã gần tới hậu tâm kính của Như Khuê, tiến vội vàng bắn một mũi tên, trúng ngay đầu mũi thương của viên tướng nọ. Lại thấy phu nhân của Vương Nghĩa là Tiết Dã Nhi, múa song đao tiến lên đón đánh, Tuyến Nương giơ thiên phương hoạ kích ra đỡ. Đánh được khoảng hai chục hiệp Dã Nhi liệu thế không nổi, liền quay ngựa nhảy ra khỏi vòng chiến, lên tiếng:
- Nữ tướng quân có phải Dũng An công chúa ngày xưa chăng?
1 Tiên Thái hậu: tức Hoàng hậu của Tùy Văn Đế. Vậy là Lý Uyên, tức Đường Cao Tổ hiện nay, với Tùy Văn Đế là anh em bạn rể. Tùy Dượng Đế gọi hoàng hậu của Đường Cao Tổ là dì ruột. Triệu Vương gọi bà dì!
Tuyến Nương đáp:
- Ngươi đã biết tiếng ta, cớ gì còn đi tìm cái chết?
Dã Nhi hỏi:
-Nữ tướng quân có biết Tiêu nương nương chăng?
Tuyến Nương hỏi :
-Tiêu nương nương nào?
Dã Nhi đáp:
- Là chính cung hoàng hậu của Dượng Đế nhà Tùy.
Tuyến Nương nói:
-Thế thì phụ hoàng ta đã vì họ mà được Vũ Văn Hóa Cập phản nghịch. Tiêu hoàng hậu đã từng đến Lạc Thọ một lần.
Dã Nhi cười, nói:
- Nếu như thế, ta chẳng đánh nhau với nữ tướng quân làm gì. Khả hãn của ta đến kia rồi!
Tuyến Nương cũng cười đáp:
- Ta cũng chẳng bắt ngươi làm gì! Tướng quân của ta cũng tới rồi kia!
Rồi cả hai quay về trận mình.
Dã Nhi thưa chuyện với Triệu Vương, còn Tuyến Nương quay ngựa được một đoạn, đã thấy La Thành phi ngựa tới, Tuyến Nương cũng đem mọi chuyện kể lại. La Thành nói:
- Nếu Triệu Vương dẫn quân ra, ta đã có cách đối phó rồi.
Vội dẫn quân tiến lên phía trước mời Khả hãn ra cùng nói chuyện. Triệu Vương bày thành thế trận bước ra.
Chỉ thấy:
Áo rồng hai cánh mở ngang trời
Mũ tiá đuôi điêu lúng liếng soi
Đai ngọc quanh lưng chèn lá giáp
Dao vàng cắp nách vẫy cây roi
Chưa dày sương tuyết da hồng ửng
Sạch vết kinh nghê mắt sáng ngời
Ấy chính thần thiêng tu sắp mãn
Tạm đưa nhân thế thoát luân hồi.
La Thành thấy, chắp hai tay hỏi:
- Ngài có phải Triệu Vương, con trai út của tiên đế chăng?
Triệu Vương đáp:
- Đúng vậy! Tướng quân là La Thành con trai của Yên Quận Vương phải không?
La Thành trả lời:
- Đúng thế. Ngày xưa vốn là vua tôi, nay là Tần Sở, cũng bởi lệnh trên đã ban. Không thể không đến hỏi, tại sao ngài lại đem binh giúp Thổ Cốc Hồn xâm phạm nhà Đường?
Triệu Vương thong thả:
- Chuyện này chẳng qua Thổ Cốc Hồn nói thế để phô trương thánh đế, chứ thực ra ta nào đã phát binh đâu. Huống chi nhà Đường lấy được thiên hạ từ tay Vũ Văn Hóa Cập, chẳng làm gì nên tội với phụ hoàng ta, vận số là thế, ta cũng chẳng giận gì nhà Đường. Nay mẫu hậu Tiêu Nương đang ở đây, Đậu Công chúa có lẽ cũng đi đây, xin mời phu phụ tướng quân cùng vào gặp mặt, sẽ rõ đầu đuôi.
La Thành hỏi:
- Vị nghĩa sĩ Vương Nghĩa, nay có đây chăng?
Triệu Vương chỉ một viên tướng mũ giáp đầy người ở phía sau đáp:
- Chính là vị tướng này đây!
Vương Nghĩa trên ngựa vái chào, thưa:
- Xin chào tiểu tướng quân!
La Thành nói:
- Xin điện hạ hãy về trước. Vợ chồng thần sẽ cùng với Vương đại nhân theo vào thành sau vậy.
Triệu Vương nghe xong, liền dẫn binh quay về thành. La Thành sai Lý Như Khuê trông coi quân sĩ ở ngoài thành. Vương Nghĩa cùng Dã Nhi đón Tuyến Nương rồi cả đoàn kéo theo sau.
Vào đến nơi, thấy dân cư đông đúc, đường phố chi chít như nan xe, có nhiều nhà dân treo đèn kết hoa lụa, gấm vóc rực rỡ đủ màu. Những con lạc đà nhe răng trông dáng bộ thật kỳ lạ đầy khắp phố phường. Vợ chồng La Thành trên ngựa ngắm nhìn, xuýt xoa khen ngợi.
Triệu Vương về cung trước đã nói ngay với Tiêu Hậu cùng Sa phu nhân mọi việc thật tỉ mỉ, nhất định thế nào vợ chồng La Thành cũng sẽ vào thành gặp Tiêu Hậu. Tiêu Hậu nói:
- Họ đã vào cung, nên sắp sẵn mọi thứ, từ việc tiệc rượu cho đến trần thiết cũng nên thật chu đáo.
Triệu Vương thưa:
- Lẽ nên như vậy!
Triệu Vương quay ra, lệnh cho tân khách, cùng văn võ liêu thuộc, dẫn hai nghìn quân canh giữ các nơi, cho đến tận cửa cung, gươm thương đều phải bày đặt nghiêm chỉnh, lại lệnh cho trăm họ trong thành, treo đèn kết hoa để nghênh đón thiên sứ. Sai ngay hai nội giám ra ngoài thành, báo cho Vương Nghĩa:
- Các ngươi hãy mau ra thưa với Vương đại nhân, nếu Đậu Công chúa cũng vào, thì báo Tiết phu nhân dẫn ngay vào cung nội.
Chưa được bao lâu, đã thấy bốn viên nội giám vào thưa:
- Sứ trời đã đến!
Cũng bởi La Thành hiện là thiên sứ tới nên Triệu Vương ra tận cửa ngoài đón vào. La La Quốc hậu dẫn theo hai cung nữ ra đón Đậu Công chúa, có Tiết Dã Nhi đi theo Tiêu Hậu, Sa phu nhân cùng Tuyến Nương làm lễ vái chào. Còn La Thành thì lên Long Thăng điện, bày sẵn hương án, đem xích phù lẫn cáo mệnh, cung kính đặt lên trên.
Triệu Vương bái lạy. La Thành hỏi:
- Xin Điện hạ vào thưa với Tiêu Hoàng hậu, cùng ra tiếp thánh chỉ.
Triệu Vương vội ra báo với Tiêu Hậu, Tiêu Hậu nghĩ ngợi một lúc rồi thở dài:
- Hà! Trước kia thì người đến lạy ta, bây giờ thì ta phải lạy người. Nhưng nói cho cùng, chẳng phải họ giành đoạt thiên hạ của ta, huống chi lại cũng là thân thích, giờ làm hoàng đế cả thiên hạ, nghiễm nhiên là kẻ cầm cân nẩy mực, dẫu có ra gặp cũng đáng. Nhưng chẳng có triều phục mà mặc, thì làm thế nào bây giờ!
Triệu Vương bàn:
- Pháp phục của công chúa, hiện còn giữ ở trong hòm, thử lấy ra xem, cũng còn tốt chán.
Triệu Vương sai ngay cung nữ lấy ra, mặc cho Tiêu Hậu, thấy khác hẳn những bộ y phục bình thường. Tiêu Hậu liền cùng Triệu Vương bước ra, La Thành xin Tiêu Hậu ngồi lên để mình làm lễ triều bái, Tiêu Hậu rớt nước mắt mà rằng:
- Nước mất, nhà tan. Nay nào phải xưa, còn nói gì đến triều kiến, xin tướng quân thứ cho. Triệu Vương, Vương Nghĩa cũng khuyên nên làm lễ thường, La Thành nghe theo.
Tiêu Hậu bước lên, mời Tuyến Nương vào ngồi bên trong, rồi nói:
- Ta lúc mới chạy loạn, đã từng đến cung Lạc Thọ. Lúc ấy công chúa mới khoảng mười bảy, mười tám, nay lẽ đã trên dưới ba mươi, đã được mấy công tử rồi?
Tuyến Nương đáp:
- Thiếp năm nay đã ba mươi mất, đã có hai cháu trai, đều đã tám tuổi, một là do thiếp sinh, một là do Hoa Hựu Lan sinh.
Sa phu nhân nói:
- Có phải Hựu Lan là em gái Mộc Lan, nghe nói cũng rất nghĩa khí, hiện nay đang ở đâu?
Tuyến Nương đáp:
- Hai cháu rất bướng, thấy thiếp đi như thế này, không đời nào chịu ở nhà, hiện nay đang cùng Hựu Lan ở trong trại.
Tiêu Hậu đon đả:
- Nếu thế, sao không mời luôn vào gặp gỡ.
Sa phu nhân, La La Quốc hậu sai ngay người lấy hai kiệu quý, đến ngay trại quân, đón Hựu Lan cùng A Đại, A Nhị. Tuyến Nương vội sai Kim Đính ra thưa ngay cho La Thành biết, để cùng cho người về đón. Tiêu Hậu nói:
- Trong những năm khắp trời loạn lạc, chẳng kể gì con gái hay con trai, miễn là có nơi làm ăn yên ổn là may lắm rồi. Nhưng chẳng biết bốn vị phu nhân ở Nữ Trinh am xưa, nay ra sao rồi?
Tuyến Nương đáp:
- Nương nương không rõ, bốn vị phu nhân lúc đầu có các nhà họ Dương, họ Từ, họ Tần cung cấp, nay nhân Giang Kinh Ba được gả cho Trình Giảo Kim, Giả Lâm Vân cho Ngụy Trưng, La Bội Thanh cho Uất Trì Cung đều do ơn vua, cả ba nhà đều rất thân thiết với họ Từ, họ Tần, nên đều góp lại, mua cho họ ruộng đất, việc sinh kế cũng tốt hơn nhiều.
Sa phu nhân hỏi:
- Ba vị phu nhân ở đâu, mà lại được triều đình ân sủng đến thế?
Tuyến Nương liền đem chuyện Hựu Lan về Nữ Trinh am gặp mưa, vào trú nhờ trong nhà quả phụ họ Đoàn, gặp ba phu nhân, khâm sai thái giám thấy thế, liền đem về kinh, thuật lại một lượt. Sa phu nhân nói:
- Ba vị phu nhân họ Giang, họ La, họ Giả còn được hưởng phúc lâu dài, nếu như dạo ấy cùng đi với chúng ta, thì nay cũng đang ở đây. Họ đúng là trong mệnh số có quý nhân phù trợ, nên trong bất hạnh lại gặp may vậy.
La La Quốc hậu hỏi:
- Nay các vị phu nhân ấy con cái ra sao rồi?
Tuyến Nương đáp:
- Bây giờ thì ung dung hơn nhiều lắm. Viên Tử Yên sinh một con trai, nghe nói đã đính hôn với con gái Giả Lâm Vân. Giang Kinh Ba cũng sinh một con gái, hứa gả cho con trai La Bội Thanh, tất cả đều rất thân thiết, thương yêu nhau.
Tiêu Hậu ngậm ngùi:
- Ta thường hay mong ước, có ai ở Trung Nguyên tới ta cùng về theo, thăm lại phần mộ của tiên đế. Nay thì gặp may rồi, ta sẽ cùng về với công chúa đây. Có chết cũng chết ở Trung Nguyên vậy.
Mấy nội giám vào thưa:
- Hoa phu nhân đã tới!
Sa phu nhân cùng La La Quốc hậu ra đón.
Tuyến Nương nói:
- A Đại, A Nhị mau cùng Hoa thân mẫu bái chào Tiêu nương nương cùng các vị phu nhân đi?
Hựu Lan mời Tiêu Hậu ngồi để làm lễ, Tiêu Hậu vẫn không chịu:
- Xin cứ chào hỏi bình thường, rồi chúng ta cùng chuyện trò.
Hựu Lan thưa:
- Phận rơm cỏ hèn kém, nhọc lòng nương nương cho gọi.
Tiêu Hậu nói:
- Sao lại nói thế, cũng là ngọc báu như nhau cả, lẽ nào lại sợ dựa tường nhờ sáng hay sao?
Hựu Lan chào bái Sa phu nhân, La La Quốc hậu cùng Tiết phu nhân. Tiêu Hậu thấy hai đứa nhỏ lễ phép, cũng vái cũng chào, liền gọi lại bên, mỗi tay ôm một ngồi trên gối, nói:
- Đúng là hai viên ngọc, chẳng khác gì ngọc quý được cả đôi vậy.
Tuyến Nương nói:
- Xin nương nương cho hai cháu lên được chào điện hạ!
La La Quốc hậu nói:
- Xin được dẫn hai công tử đi!
Tiêu Hậu nói:
- Thế thì tất cả chúng ta cùng đi vậy?
Triệu Vương thấy, rất hoan hỉ, liền sai lấy ghế cho ngồi, các phu nhân đến cùng thứ tự mà ngồi dự tiệc. Tiêu Hậu thấy dáng điệu Tuyến Nương thùy mị khoan thai, Hựu Lan so ra lại cũng chẳng kém gì mặt hoa da phấn, có điều chân to hơn ít nhiều. Tiêu Hậu gọi cung nữ, lấy lịch xem qua rồi nói:
- Ngày mai đúng là ngày xuất hành tốt, ta phải cùng công chúa về Trung Nguyên một phen.
Tuyến Nương cười:
- Nương nương về Trung Nguyên, chỉ sợ người Trung Nguyên không cho nương nương quay lại đây nữa thôi!
Tiêu Hậu nói:
- Trừ có tiên đế ta sống lại mới có thể làm được chuyện này thôi!
Mọi người lại cùng nâng chén. Triệu Vương dẫn hai đứa trẻ vào. Tiêu Hậu nhắc việc về Trung Nguyên thăm lăng mộ tiên đế, Sa phu nhân ba bốn lần khuyên can. Triệu Vương cùng Tiêu Hậu ngồi nói chuyện với Tuyến Nương, rồi thưa với Sa phu nhân:
- Mẫu hậu thấy đã chán đây rồi, thì cũng chẳng nên giữ, cứ để mẫu hậu theo ý mình là hay hơn cả!
Nói rồi, ra báo cho Vương Nghĩa biết. Vương Nghĩa nói:
- Mẫu hậu muốn về thăm phần mộ tiên đế, đó thật một việc làm tốt đẹp. Thần cũng xin cùng về khóc tiên đế một lần vậy!
Triệu Vương quay vào, đúng lúc Tuyến Nương cáo từ, Triệu Vương nói:
- Mẫu hậu chúng tôi định xin cùng về nam, nhờ công chúa nán cho một hai ngày để rồi cùng đi, liệu có được chăng?
Tiêu Hậu, Sa phu nhân cũng hai ba lần mời Tuyến Nương liền ở lại trong cung Tiêu Hậu. Tiêu Hậu hỏi:
- Dạo trước ta từng thấy công chúa trông coi việc quân rất nghiêm khắc, ngay cả khi trong khuê phòng, cũng thấy rất thận trọng, quy củ, không cho qua một sai sót nhỏ nào, sao bây giờ thấy lại nhu mì thuận hòa khiến cho xung quanh dễ yêu mến vậy?
Tuyến Nlơng đáp:
- Lúc ấy là thiếp theo nề nếp của Tào Hoàng hậu. Hoàng hậu trông coi việc trong khuê phòng rất nghiêm túc, nói cười không bao giờ cẩu thả. Nhưng không hiểu sao từ ngày về La tướng quân, được mấy lần trò chuyện, liền thay đổi tính tình, ngày này qua ngày khác dẫu có cười nói, giận dữ đều cũng chừng mực thế cả.
Tiêu Hậu nói:
- Nếu như thế, tình cảm phu phụ có lẽ đằm thắm lắm phải không?
Nói rồi rơi nước mắt, nghẹn ngào tiếp:
- Tiên Hoàng đối với ta cũng như vậy đấy, nhưng giờ bỏ ta lại đây, chẳng ai thèm đoái hoài, khác nào củi mục tro tàn, cảnh già càng ngày càng thảm hại, khó mà chịu nổi.
Tuyến Nương nói:
- Thiếp nghe nói thiên tử nhà Đường hiện nay, sau khi thống nhất được thiên hạ, cũng rất thích chuyện hưỡng lạc, chẳng bao lâu mà đã tuyển khá nhiều mỹ nhân.
Tiêu Hậu gật đầu, sai cung nữ sắp xếp hành trang. Hai ngày sau La Thành sai Phan Mỹ, hẹn hội sư với Sài Thiện ở cửa quan, rồi cùng Tuyến Nương làm tiền đội, Lý Như Khuê cùng vợ chồng Vương Nghĩa làm hậu đội, sắp xếp đâu đó, cáo biệt lên đường. Tiêu Hậu với Sa phu nhân, La La Quốc hậu khóc lóc một hồi, Tiêu Hậu mới lên kiệu. La Thành kéo cờ Triệu Vương như đang đi tiếp ứng cho Thổ Cốc Hồn.
Chuyện không nói nữa.
***
Lại nói Sài Thiệu vâng thánh chỉ, vội thu xếp xong lễ tang, điểm quân lên đường đến Mân Châu, giở bản đồ xem qua, gọi thổ dân đến hỏi tỉ mỉ, không một sai sót bỏ qua, dẫn quân tiến đánh. Thổ Cốc Hồn cũng biết chuyện, chọn ngay núi cao, gọi là Ngũ Cô Sơn. Cảnh núi ra sao, nhìn lên chỉ thấy:
Núi đen lởm chởm
Cây biếc từng từng
Chen chúc loanh quanh đá gấm
Rì rào chen chúc cây rừng
Trời cao gió lặng mây dừng
Đinh tai sấm nổ như rung chân tường
Ráng hồng che nửa vùng dương
Chiêng khua inh ỏi, ngập đường kín khe. . .
Chính thật là:
Giao tranh nếu chẳng vung gươm sắc
Sao khiến người ngựa phải chạy dài.
Sài Quận Vương đến cách núi khoảng một hai tầm tên bắn, liền cho binh sĩ hạ trại. Rồi lấy một số quân sĩ, làm một sàn gác thật cao, trông ra chập trùng núi thẳm, quả thật hùng vĩ vô cùng. Thổ Cốc Hồn thấy vậy, sợ Sài Quận Vương có mưu kế gì chăng, không dám tiến, chỉ trèo thẳng lên vách núi sau trại dùng tên bắn như mưa xuống. Quân lính Sài Quận Vương không hề hoảng loạn vẫn nghiêm dàn thành thế trận, tên bay đến trước mặt cũng mặc, cứ miệng ngậm, tay bắt lấy tên, chẳng hề thương tổn.
Sài Quận Vương lại sai hai cô gái, tuổi khoảng mười bảy mười tám, yểu điệu thướt tha, tay gẩy tỳ bà, tiếng nghe réo rắt, vừa hát vừa múa. Thổ Cốc Hồn cho đến quân sĩ, đều chống giáo đứng ngẩn ra xem, hai cô gái uốn éo đủ kiểu, khác nào sông dời biển lật, bướm loạn hoa bay. Múa hát một hồi, càng về sau càng uyển chuyển ly kỳ, hơn các cô gái Giặc Dương (1), cứ thế mà kéo đến hai ba giờ. Bỗng nghe sau núi, một tiếng pháo lớn, bốn phía la hét. Sài Quận Vương biết ngay là quân La Thành đã đến, liền xuất tinh binh tiến sát chân núi mà lên, trước sau cùng hiệp sức công kích, quân giặc thua to bỏ chạy. Cả hai cánh quân đuổi theo đến ba bốn mươi dặm, thắng lợi trở về.
1 Nữ tướng cướp phía bắc Trung Nguyên.
Vương Nghĩa đến chào Sài Quận Vương, thưa chuyện Tiêu Hậu xin về nam. Sài Quận Vương tới chào Tiêu Hậu, rồi cả đại quân lên đường. Sài Quận Vương sợ triều đình trông tin, lại có người ngờ vực gì chăng, viết ngay sớ báo tin thắng trận cùng là việc Tiêu Hậu về nam thăm mộ Tùy Dượng Đế, sai Lý Như Khuê đem về trình trước. Còn mình thì vì phải về Sơn Đông nên cùng đi với Tề Quốc Viễn. La Thành, Tuyến Nương cũng theo đường này về Lôi Hạ thăm lăng mộ Tào Hoàng hậu.
Hôm ấy, về đến Lâm Thanh, trời đã chiều, Tiêu Hậu hỏi Vương Nghĩa:
- Đã đến Uyên ương trấn chưa?
Vương Nghĩa thưa:
- Nhất định là đây rồi!
Tiêu Hậu nói:
- Nghe nói ở Uyên Ương trấn có một cửa hàng cơm "Chu Gia phạm điếm", chúng ta hãy tới đó nghỉ xem sao?
Mọi người vâng lời đi tìm, thì thấy ngay phía trước chiêu bài viết mấy chữ lớn: "Chu Phùng Xuân khiêu thương khách điểm". Ai nấy cùng dừng lại. Sài Thiệu, La Thành sợ không đủ chỗ, nên kiếm một chỗ nghỉ ngơi khác. Tiêu Hậu vẫn ngồi trong kiệu, nhìn vào cửa hàng thấy có một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi đứng ngay trước cửa, sau quầy có một phụ nữ xinh xắn ngồi, nhìn kỹ, thì chính là Dương Phiên Phiên ở viện Minh Hà ngày xưa. Thấy Dương phu nhân đang nói với người đàn ông:
- Chu chủ nhân hãy ra hỏi xem khách nào thế kia, mời họ vào chứ!
Lúc này Tiết Dã Nhi đã xuống ngựa, nhìn kỹ Dương phu nhân, rồi kinh ngạc:
- Đúng là Dương phu nhân rồi! Sao lại ở đây?
Dương phu nhân ngẩng đầu nhìn, nhận ra Dã Nhi, vội chạy ra:
- Đi đâu bây giờ, ở đâu đến đây? Ngoài cửa kia là ai thế?
Dã Nhi đáp:
- Chính là Tiêu Hoàng hậu!
Dương phu nhân vội vàng:
- Xin mời vào nhà. Đem cả hành lý của Tiêu nương nương vào!
Tiêu Hậu xuống kiệu, Dương phu nhân đón vào nhà sau, lạy chào. Tiêu Hậu chỉ nhận lễ thường rồi cầm tay Dương phu nhân mà rằng:
- Ta tưởng chỉ trong mộng mới gặp được phu nhân. Không ngờ còn có lúc này!
Hàn huyên mãi vẫn chưa hết. Tiêu Hậu hỏi:
- Người đứng ngoài cửa kia, có phải Chu chủ nhân chăng?
Dương phu nhân đáp:
- Đúng rồi? Cũng vốn từ võ biền xuất thân, thiếp đã theo được sáu bảy năm nay.
Tiêu Hậu giả ý hỏi:
- Một mình phu nhân ở đây, hay còn ai nữa?
Dương phu nhân đáp:
- Còn có Phàn phu nhân, Chu phu nhân.
Tiêu Hậu hỏi tiếp:
- Hai phu nhân kia đâu rồi?
Dương phu nhân đáp:
- Phàn phu nhân cùng ở với thiếp, nhưng bị bệnh mất rồi. Chu phu nhân lấy Vưu Vĩnh, hai năm trước đây cũng đã qua đời!
Tiêu Hậu hỏi:
- Phòng riêng của phu nhân đâu?
Dương phu nhân giơ tay chỉ:
- Một gian ngay kia!
Nghe tiếng Phùng Xuân gọi bên ngoài, phu nhân chạy ra. Tiêu Hậu nhớ lại chuyện xưa, tưởng lại cảnh cũ, không giấu nổi thương tâm, nước mắt khôn ngăn, đêm ấy không tài nào ngủ được. Sáng ra người nóng, mắt hoa, ai nấy vào thăm. Sài Thiệu, La Thành sai mời thầy thuốc tới chữa chạy, ở lại đã hai ngày, Tiêu Hậu vẫn thấy tức ngực khó thở, vẫn chưa thể đi lại được.
Sài Thiệu nhận được tin báo ở trong cung Trường An anh em bất hòa, vội cáo biệt La Thành, về trước phục chỉ.
Chưa biết sự thể ra sao, hãy xem hồi sau phân giải.