Chương XLII
Tác giả: Hector Malot
Mười năm qua, đã nhiều nhưng hình như vẫn ngắn vì trong những năm đó toàn là những ngày đẹp và vui.
Hiện giờ tôi ở nước Anh, tại Mỹ-Phủ, là đệ trạch của ông cha tôi.
Đứa trẻ vô gia đình không nơi nương tựa, bỏ rơi, trơ vơ trên cõi đời. Nổi chìm theo vận may rủi, lênh đênh giẫy dụa trong biển khơi, không một ngọn hải đăng chỉ lối, không một bến để ghé chân, bây giờ không những có mẹ, có em, để yêu dấu và được thương yêu, lại còn có danh vọng vẻ vang và sản nghiệp lớn lao do tiền nhân để lại.
Đứa trẻ khốn nạn đã ngủ đêm trong những vựa cỏ, chuồng bò hay ở góc rừng chân núi, nằm dưới ánh sao, bây giờ nghiễm nhiên là chủ một tòa lâu đài lịch sử mà những khách hiếu cổ thường lui tới viếng thăm.
Tòa lâu đài cổ kính đó cách chừng 20 dặm và về phía tây bến Lít-Hăm-Tông – nơi mà chúng tôi vượt sang Pháp tránh nạn ngày nào – ở lưng chừng đồi trong một thung lũng cây cối xanh tốt như rừng mặc dầu ở ngay bờ biển.
Dựng ở trên một nền đất thiên nhiên, tòa nhà hình vuông đứng, bốn góc đâm lên bốn cái tháp tròn cao nhọn. Mặt trước về phía tây và phía nam có những dây đằng hoa và tường vi leo kín. Mặt sau về phía đông, những cây trường xuân cành lá chằng chịt bao quanh, gốc to bằng thân người lớn, tỏ ra trồng đã lâu đời. Những người làm vườn phải luôn xén cắt cho cái màu xanh ấy khỏi lan tràn che kín cả những nét chạm trổ trên khung cửa sổ bằng đá trắng và những bức chấn song hoa mỹ. Một thửa vườn rộng bao quanh, có những cây cổ thụ mà những lưỡi dao, lưỡi búa chưa từng đụng chạm đến và những bồn cỏ tươi tốt như những tấm thảm xanh. Trong lùm cây dẻ gai rậm rạp, những con quạ khoang chiều chiều về đậu, tiếng kêu báo hiệu khi hoàng hôn xuống cũng như lúc triêu dương lên.
Chính ở Mỹ-Phủ ấy, tôi sống trong gia đình với mẹ tôi, em tôi và vợ tôi.
Sáu tháng sau khi về ở đó, nhiều ngày tôi ngồi hàng giờ trong thư viện lưu trữ các gia phả, chứng thư kỷ lục, văn khế và thư từ cũ của ông cha tôi. Tôi cúi mình trên chiếc bàn gỗ đã đen vì năm tháng để đọc, để viết. Không phải tôi ở đó xem kỹ các văn thư, kỷ lục nói trên mà để tìm và soạn lại những tập ký sự về đời phiêu lưu của tôi.
Chúng tôi sắp làm lễ “rửa tội” cho đứa con đầu lòng, con trai chúng tôi, đặt tên là Tiểu-Mã-Tư. Về dịp “Tẩy Lễ” này tôi định hội họp tất cả những thân bằng cố hữu của tôi trong những ngày gian khổ và thân tặng mỗi người một cuốn ghi chép đời lưu lạc của tôi mà những người đó đã xen vào để tỏ lòng biết ơn về sự cứu giúp cũng như tình thương yêu các vị đó đối với đứa trẻ vô gia đình.
Cuộc đoàn viên lớn đó tôi giữ kín, trừ mẹ và em tôi, để làm ngạc nhiên cho khách mời cũng như cho vợ tôi, nàng sẽ không ngờ được gặp cha, các anh chị và bà cô.
Việc trù hoạch của tôi không có điều gì ngăn trở. Chỉ chiều hôm nay là mọi tân khách đều tề tựu dưới mái nhà tôi và tôi rất sung sướng được trông thấy những người thân yêu hội họp chung quanh bàn tiệc.
Trong dịp vui này, thiếu một người! Dù có đem tất cả châu báu trên đời này, người ta cũng không sao chuộc được những người đã mất. Hỡi thầy kính mến của con ơi! Nếu thầy còn đến bây giờ, con xiết bao sung sướng được phụng dưỡng thầy. Thầy sẽ vứt bỏ được mảnh da cừu và chiếc áo nhung, thầy không phải gào thét “Tiến lên! Các con ơi!” nữa. Trong lúc tuổi già nhàn nhã, thầy có thể ngẩng cao cái đầu bạc phơ và phục hồi tên tuổi. Ông già diễn trò rong Vỹ-Tiên kia sẽ trở lại thành Ca-sĩ đại tài Cát-Băng-Giang như trước. Nhưng cái chết vô tình và tàn nhẫn không cho con được đền ơn thầy bằng cách ấy, thì con tìm cách khác để truy niệm thầy. Ở Ba-Lê, trong nghĩa trang Mông-Pác-Nát (Montparnasse), cái tên chói lọi Cát-Băng-Giang của thầy đã được ghi khắc trên tấm bia mộ của thầy – mẹ con rất tán thành – và bức tượng đồng bán thân của thầy tạc theo chân dung của thầy thời danh tiếng cũng đã dựng ở đó để nhắc lại cái vinh quang của thầy cho những khách đã trọng tài thầy tưởng niệm.
Còn bức tượng bán thân thứ hai của thầy nữa vẫn đặt ở kia, trước mặt con. Khi con viết chuyện này, những bước gian nan buổi đầu lần lượt diễn ra trước mắt con, con lại trông vào mắt thầy, tưởng tượng như thầy vẫn ở bên con. Con không quên thầy, không bao giờ con quên thầy được. Xin thầy tin cho như thế. Trong cuộc sống gian nan của đứa con bỏ rơi, nếu con không sẩy chân, con không vấp ngã, cũng là nhờ thầy, nhờ những bài học của thầy, những tấm gương sáng của thầy. Hỡi thầy tôn kính của con! Trong tất cả các ngày kỷ niệm của gia đình con, bao giờ cũng có một chỗ dành sẵn, chỗ ấy là chỗ của thầy!
Nhưng kìa mẹ tôi đang vào hành lang. Tuổi cao không làm tàn nhan sắc của mẹ tôi. Tôi trông mẹ tôi vẫn như ngày tôi gặp lần thứ nhất trên thuyền Thiên-Nga, cũng phong độ cao quý ấy, cũng gương mặt nhân từ dịu hiền ấy, khác chăng là cái nét buồn âm thầm ngày xưa đã biến mất.
Mẹ tôi tỳ trên cánh tay An-Tuyên, vì bây giờ mẹ không phải đỡ đứa con yếu đuối, ẻo lả như trước. Đứa con ấy bây giờ thành một trang thanh niên khỏe đẹp, ham chuộng thể thao, cưỡi ngựa, bơi thuyền và đi săn rất giỏi. An-Tuyên cẩn trọng khoác tay đưa mẹ tôi vào: coi đó, trái hẳn với lời dự đoán của ông Mỹ-Giang, phép mầu đã hiển hiện: An-Tuyên thoát chết, An-Tuyên đã sống và sống mãi.
Phía sau mẹ tôi, tôi trông thấy một bà già ăn mặc như một người đàn bà quê ở Pháp, hai tay ẵm một đứa con thơ bọc trong tã trắng, người đàn bà đó là bà Bảo-Liên, đứa con thơ đó là con tôi, con trai tôi, Tiểu-Mã-Tư.
Ngay sau khi tôi tìm thấy mẹ tôi, tôi giữ bà Bảo-Liên lại, nhưng bà từ chối và nói: “Không, Lê-Minh ạ! Lúc này không phải là chỗ ta ở đây. Bây giờ con còn phải học để trở nên người có học vấn và có giáo dục để nối dõi ông cha. Ở bên cạnh con, bây giờ ta giúp việc gì được? Con để cho ta về Văn-Ông. Cuộc tạm biệt đó cũng không lâu đâu. Con sẽ lớn lên. Con lấy vợ, rồi con có con. Lúc đó, nếu con muốn và nếu ta còn sống, ta sẽ trở lại gần con để trông nom các cháu cho con. Ta không thể làm vú nuôi cho chúng như ta đã nuôi con ngày xưa, vì ta sẽ già lắm. Nhưng người già vẫn có thể săn sóc các trẻ em được. Người ta có kinh nghiệm. Người ta không ngủ nhiều. Rồi ta sẽ yêu đứa con của con và con hãy tin rằng ta không phải là người để cho họ bắt trộm con con, cũng như họ đã bắt trộm con”. Vì ý bà muốn thế, chúng tôi cũng để bà về. Khi con trai tôi ra đời được ít lâu, chúng tôi cho người đi mời bà, bà bỏ cả quê hương, bỏ cả nhà cửa, bỏ cả bạn bè, bỏ cả con bò mà chúng tôi đã mua cho bà, để sang Anh-quốc ở với chúng tôi. Vợ tôi nuôi con lấy, còn bà giữ việc trông nom, chăn dắt và chơi với Tiểu-Mã-Tư thôi. Bà khen đó là một đứa bé đẹp nhất mà bà chưa từng trông thấy bao giờ.
An-Tuyên tay cầm tờ báo Thời sự, để xuống bàn viết của tôi và hỏi tôi đã đọc chưa. Tôi nói chưa đọc. An-Tuyên liền lấy ngón tay chỉ vào một tin ở thành Vienne mà tôi dịch như sau:
“Thành phố Luân-Đôn sắp được hân hạnh đón tiếp Ca-nhạc-sĩ kỳ tài Mã-Tư. Mặc dầu những kết quả rất mỹ mãn đã đạt được ở đây. Nhạc sĩ phải tạm biệt chúng ta để sang Anh-quốc do những hợp đồng mà Nhạc sĩ không thể sai hẹn được. Bản báo đã nói nhiều về những cuộc trình diễn ở đây của Mã-Tư. Những cuộc hòa nhạc đó, với tính chất độc sáng và tài năng xuất chúng của một diệu thủ âm nhạc, đã gây một mối khích động lớn trong công chúng. Tóm lại, Mã-Tư là vua vĩ-cầm”.
Không cần đọc bài báo đó, tôi cũng biết đứa trẻ hát rong các phố, bạn tôi và học trò tôi, đã thành một tài tử trứ danh. Tôi cùng sống với anh, đã trông thấy anh lớn lên và thiên tài anh nẩy nở. Khi ba chúng tôi, Mã-Tư, An-Tuyên và tôi học tập do một vị giáo sư riêng đào luyện, Mã-Tư chậm tiến về tiếng La-Tinh và Hy-Lạp, nhưng anh rất giỏi về nhạc. Nhạc sư do mẹ tôi thuê dạy anh, phải kinh ngạc về năng khiếu lỗi lạc của anh. Lời tiên tri của ông nhạc sĩ thợ cạo Phi-Nam ở thành Măng-Đê thực ứng nghiệm vậy.
Tuy nhiên, tin tức ở thành Vienne vừa rồi đã làm tôi sung sướng và tự hào hình như chính tôi đã được hoan nghênh và được vỗ tay tán thưởng mà tờ báo đó đã mang dư âm đi khắp mọi nơi. Sao tôi lại không được dự phần? Mã-Tư không phải là bạn tôi, em tôi, là chính mình tôi hay sao? Cho nên cái vinh quang của anh là vinh quang của tôi, mà cái hạnh phúc của tôi là hạnh phúc của anh vậy.
Lúc đó, một người đầy tớ vào đưa cho tôi một bức điện văn mà sở bưu chính vừa cho mang đến.
“Cuộc hải trình ngắn nhất, nhưng mệt nhất. Tôi khó ở quá nên mãi đến Red-Hill mới có sức báo tin cho anh. Khi qua Ba-Lê, tôi rủ cả Tuyết-Nga đi. Chúng tôi sẽ đến Chegford hồi 4 giờ 10 phút. Anh cho xe ra đón”.
Mã-Tư
Khi tôi đọc đến đoạn cuối bức điện văn, An-Tuyên tỏ vẻ mừng rỡ bảo tôi:
- Em muốn thân ra đón ở ga Chegford. Em cho lấy xe ngựa lớn nhá?
- Em có ý kiến hay đấy. Em sẽ cùng về với Tuyết-Nga.
Không trả lời, An-Tuyên vội vàng bước ra – tôi liền quay lại bảo mẹ tôi:
- Đấy mẹ xem, em Tuyên không giấu lòng sốt sắng của em. Cử chỉ đó rất có nghĩa.
- Phải, có nghĩa.
Mẹ tôi nói ba tiếng đó với giọng không bằng lòng. Tôi liền lại bên mẹ tôi, cầm hai tay mẹ hôn và nói bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà tôi vẫn làm mẹ tôi nao lòng. Tôi nói như là ngày còn bé:
- Mẹ quý của con! Mẹ đừng buồn vì An-Tuyên yêu Tuyết-Nga, xin mẹ đừng cho thế là một cuộc hôn nhân không tương đối, một cuộc hôn nhân đẹp thì dòng dõi phải kèm theo với bạc tiền. Nhưng cái gương của con đã chẳng chứng minh rằng người ta có thể sung sướng, sung sướng lắm, sung sướng tuyệt vời với người vợ không dòng sang và không có của mà người ta yêu? Mẹ lẽ nào lại không muốn em con được sung sướng như con hay sao? Mẹ đã xiêu lòng vì con, không nỡ từ chối nguyện vọng của một đứa con đã phải khóc trong 13 năm trời, sao mẹ lại không xiêu lòng vì một đứa con khác. Chẳng lẽ mẹ thương con nọ ghét con kia hay sao?
Mẹ tôi vuốt tóc tôi, hôn tôi và nói:
- Ô! Một đứa con quý! Một người anh tốt! Lòng con chan chứa bao tình thương!
- Con để dành chỗ đó đã lâu, không phải để cho con mà chính là để cho em Tuyên. Mẹ ơi! Em con tìm đâu được một người vợ kiều diễm hơn Tuyết-Nga? Tuyết-Nga há chẳng phải là một hoa khôi nước Ý hay sao? Cái giáo dục mà Tuyết-Nga đã hấp thụ được từ ngày mẹ con ta sang Lục-Ca đưa nàng về Ba-Lê, há chẳng xứng đáng giữ một chỗ ngồi, một chỗ ngồi trong cái xã hội khuôn phép nhất hay sao?
- Con quý Tuyết-Nga vì Tuyết-Nga là em Mã-Tư.
- Chính thế. Không dám nói quanh, con xin thú thực với mẹ rằng con hết sức cầu mong vì mối lương duyên đó sẽ đưa Mã-Tư vào trong gia đình ta.
- An-Tuyên có ngỏ ý ấy cùng con không?
Tôi mỉm cười và đáp:
- Mẹ ơi! Có. Vì nghĩ đến gia trưởng, em con có hỏi ý kiến con.
- Thế gia trưởng?
- Hứa sẽ nói với mẹ giúp cho và…
Nhưng mẹ tôi ngắt lời tôi:
- Kìa vợ con đã đến. Việc An-Tuyên sẽ định sau.
Vợ tôi, chắc quý độc giả đã đoán ra rồi, tôi không cần phải nói nữa, phải không? Vợ tôi là một thiếu nữ có đôi mắt dịu dàng, nét mặt tươi cười và mau mắn mà quý độc giả đã biết. Đó là Lệ-Hoa. Nàng không câm nữa. Nàng vẫn giữ được những nét tế nhị và nhẹ nhàng khiến cho sắc đẹp của nàng thêm phần duyên dáng. Lệ-Hoa không rời mẹ tôi. Mẹ tôi đã nuôi nấng và chăm nom sự học của nàng. Nàng thành một thiếu nữ xinh đẹp nhất trong các cô gái xinh đẹp. Dưới mắt tôi, nàng có tất cả những nết hay, tất cả tính tốt và tất cả những tài năng vì tôi yêu nàng. Tôi ngỏ ý với mẹ tôi xin nàng làm vợ. Thoạt tiên mẹ tôi ngần ngại, không ưng thuận, căn cứ vào địa vị của hai bên trái nhau. Cuối cùng, mẹ không nỡ từ chối. Điều này làm cho vài người trong gia tộc tôi rất công phẫn.
Trong bốn người bất bình, đường ăn nết ở của Lệ-Hoa đã được lòng ba người. Còn người thứ tư nữa, chỉ đợi chúng tôi đến thăm là vui vẻ cả. Cuộc đi thăm đó đã định vào ngày mai.
Lệ-Hoa vừa vào vừa nói:
- Có việc gì thế? Anh dấu em và chỉ trình với mẹ? Em thấy An-Tuyên vội vã ra ga Chegford. Rồi lại thấy đánh xe ra ga Phe-Ry (Ferry) nữa. Việc gì thế? Bí mật phải không?
Tôi và mẹ tôi chỉ cười và không trả lời. Lệ-Hoa liền ôm cổ mẹ tôi âu yếm hôn và nói:
- Mẹ yêu quý của con, vì mẹ cũng ở trong việc này nên con không e ngại gì. Con biết trước rằng việc gì mẹ làm cũng là để xây đắp thêm cho hạnh phúc của chúng con. Nhưng con xấu quá, hay có tính tò mò!
Thì giờ ra đi. Chiếc xe ngựa tôi cho ra ga Phe-Ry đón gia đình của Lệ-Hoa chỉ về chốc lát.
Muốn trêu tính tò mò của vợ tôi, tôi liền lấy ống viễn kính vẫn dùng để ngắm các tàu biển qua lại, nhưng đáng lẽ tôi giơ ra ngoài biển, tôi lại quay ống kính về phía đường cái mà xe ngựa đón gia đình Lệ-Hoa sắp về.
Tôi bảo Lệ-Hoa:
- Em nhìn vào kính này, tính tò mò của em sẽ được thỏa mãn.
Lệ-Hoa cầm lấy ống kính nhìn, chỉ thấy một dải đường trắng, không thấy một chiếc xe nào.
Đến lượt tôi nhìn, theo giọng phỉnh khách của ông Vỹ-Tiên ngày xưa, tôi nói:
- Sao? Em không nhìn thấy gì trong kính à? Cái kính này rất thần diệu. Anh nhìn qua biển sang đến Pháp. Kìa, trong một ngôi nhà ở kế cận thành Sô (Sceaux), anh trông thấy một người tóc bạc đang giục hai người đàn bà đứng bên cạnh:
“Nhanh lên chứ kẻo lỡ xe hỏa thì tôi không đến được nước Anh dự lễ Rửa tội cho cháu ngoại tôi. Bà Cát-Tường xin bà mau lên, đã 10 năm nay bà về ở với tôi, bao giờ cũng thấy bà chậm. Sao nữa? Cô Yến-Chi. Muốn nói cái gì? Cô vẫn cứ làm cảnh-sát mãi! Ta trách đùa bà Cát-Tường đấy thôi. Ta biết bà là một người em gái giỏi nhất, cũng như con, Yến-Chi, con là một người con gái giỏi nhất. Tìm đâu cho được một người con gái tốt như con, không chịu lấy chồng để ở nhà phụng dưỡng cha già và cứ đóng mãi vai thần hộ mệnh từ tấm bé, hết lòng săn sóc cho các em trai và em gái? – Rồi trước khi lên đường ông còn dặn những đầy tớ phải trông nom vườn hoa trong khi ông đi vắng – ông nói: Các anh nên nhớ rằng chính ta là một thợ trồng hoa, ta hiểu nghề lắm. Các anh đừng có dối ta!”
Tôi lại quay kính ra chỗ khác như muốn đổi hướng. Tôi nói:
“Bây giờ anh lại trông thấy chiếc tàu biển, một chiếc tàu lớn ở An-Ti (Antille) về và cập bến Hao-Cảng (Havre). Trên tầu có một chàng thanh niên vừa đi du lịch và khảo cứu các giống thực vật ở miền A-Ma-Dôn (Amazone) về: chàng có đem về một lô hoa thảo kỳ dị mà người Âu-châu chưa từng trông thấy bao giờ. Các báo đều đăng tin đó, chàng tên là Bằng-Mai, nổi tiếng là một nhà vạn vật học. Không biết chàng có kịp sang tàu đi Lít-Hăm-Tông để gặp gia đình chàng ở Mỹ-Phủ không? Cái kính thần diệu này đã theo dõi và biết được chàng đã kịp xuống tàu đi Lít-Hăm-Tông và sắp đến nơi.”
Tôi lại chĩa kính về một hướng khác và nói:
“Không những tôi trông thấy mà còn nghe thấy hai người khách đang ngồi trong toa: một chàng thanh niên và một cụ già. Cụ già nói: Cuộc đi chơi này rất bổ ích. Chàng thanh niên đáp: Thưa Giáo sư bổ ích lắm – An-Sinh ơi, chuyến này không những anh được hôn mọi người trong gia đình anh, không những chúng ta được bắt tay Lê-Minh, một người bạn nhỏ không quên chúng ta, chúng ta còn được dịp thăm các mỏ ở nước Anh. Anh sẽ quan sát được nhiều và khi trở về có thể cải thiện cho Mỏ Thụy-Khê. Tài năng của anh tôi xem có thể đem lại cho anh một địa vị xứng đáng ở Sở Mỏ. Còn tôi, tôi sẽ tìm tòi các vật hóa thạch đem về làm giầu cho kho tài liệu của tôi, tức kho bảo tàng của tỉnh Văn-Xá. Tiếc rằng ông An-Thiện nhà ta mắc bận không tới được”.
Tôi định nói nữa, thì Lệ-Hoa lấy hai cánh tay ôm lấy đầu tôi, che mắt tôi và không cho tôi nói nữa.
Bằng một giọng run run và cảm động, nàng kêu lên:
- Ô! Một cuộc ngạc nhiên êm ái làm sao! Em sung sướng quá!
- Không phải anh mà em phải cám ơn. Chính là mẹ, mẹ đã muốn hội tụ tất cả những người xưa kia đã tử tế với đứa con bỏ rơi của bà để tỏ lòng nhớ ơn. Nếu em không bịt miệng anh, thì em sẽ biết thêm rằng chúng ta còn đợi anh Bốp, bây giờ thành một kịch sĩ tiếng tăm ở Anh và anh ruột anh nữa, vẫn chỉ huy chiếc thuyền Nguyệt Thực.
Lúc đó, có tiếng một chiếc xe ngựa đỗ, rồi đến cái thứ hai. Chúng tôi chạy ra cửa sổ nhìn: trong xe thứ nhất, Lệ-Hoa nhìn thấy cha, thấy bà Cát-Tường, thấy chị Yến-Chi, anh An-Sinh và anh Bằng-Mai, đủ mặt nhà nàng. Cạnh An-Sinh lại có một ông già, lưng còng, tóc bạc, đó là Giáo-sư. Trong xe thứ hai không mui, Mã-Tư và Tuyết-Nga giơ tay ra hiệu cho chúng tôi. Sau cùng là một cái xe ngựa nhỏ chính tay Bốp cầm cương. Trông anh trang trọng như một thân sĩ. Anh anh ngồi sau, trông vẫn như xưa, một người thủy thủ can đảm và sốt sắng ở bến Ích-Nhi.
Vợ chồng tôi vội vàng xuống thềm đón khách. Một bữa tiệc linh đình hội họp chúng tôi chung quanh bàn. Tất nhiên ai cũng nhắc đến chuyện cũ.
Mã-Tư nói:
- Mới rồi tôi có gặp ở tỉnh Ba-Đê, trong một phòng giải trí, một thân sĩ răng trắng và nhọn: miệng cười luôn mặc dầu vận rủi. Ông ta không biết tôi, có hạ cố xin tôi một đồng bạc để đánh một tiếng bạc ăn chắc – vì họ thông lưng với nhau – nhưng đã rủi lại rủi thêm, ông Mỹ-Giang bị thua nhẵn.
Mẹ tôi nói:
- Anh Mã-Tư ơi! Sao anh lại nói thế? Thằng Lê-Minh nó dám gửi tiền chu cấp chú nó đấy.
- Đúng thế, mẹ ạ.
- Thế ra không có sự ứng báo à?
- Có, ứng báo chứ! Vì ông chú nham hiểm kia sẽ phải chịu ơn những người mà ông ấy theo lòng tham đã làm cho điêu đứng và muốn cho chết đi.
Anh Bốp nói:
- Tôi có tin tức về bọn đồng đảng của ông ta.
Mã-Tư kêu:
- Về tên Điệp-Công độc ác, phải không?
- Không phải Điệp-Công, vì hắn vẫn bị đầy biệt xứ. Tôi muốn nói đến gia đình hắn. Bà vợ say rượu không gục vào bàn, lại nằm lăn vào đống lửa bị chết cháy. Á-Lang và Á-Niên vừa bị tội đồ, sẽ đi theo cha.
- Thế còn bé Cát?
- Con bé được việc săn sóc ông nó hãy còn sống và vẫn ở bãi Hồng-Sư. Ông già có tiền, không sợ chết đói.
Mã-Tư cười to và nói:
- Thương hại con bé, có lẽ nó bị rét lắm. “Ông già không muốn cho ai đến gần lò sưởi của ông ta”.
Ăn cơm mới nói chuyện cũ. Mỗi người nhắc một chuyện. Chúng tôi ai nấy đều có những kỷ niệm chung và ai nấy đều thích thú gợi ra. Đó là những cái dây vô hình khắng khít ràng buộc chúng tôi.
Tiệc mãn, Mã-Tư lại cạnh tôi, bấm tôi ra cửa sổ nói:
- Tôi có một ý kiến. Từ lâu đến giờ chúng ta hòa nhạc mãi cho người ngoài nghe, bây giờ có nên trình diễn cho những người thân yêu của chúng ta xem không?
- Với anh, thì muốn vui phải có âm nhạc? Bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, phải âm nhạc, phải âm nhạc! Anh còn nhớ cuộc chạy thi của chúng ta với con bò sữa không?
- Bây giờ anh đàn hát bài “Tình ca Ý” đi.
- Vui lòng! Chính bài đó làm cho Lệ-Hoa khỏi câm.
Chúng tôi liền đem nhạc khí ra. Mã-Tư với trên tường một cây vĩ-cầm đựng trong cái hộp bóng loáng, trong lót nhung xanh. Cây vĩ-cầm đó đem bán hai phật-lăng không đắt. Tôi kéo ở trong cái túi vải ra một cây thụ-cầm bằng gỗ mà mưa nắng đã làm bạc mầu.
Mọi người hoan hỉ vây quanh chúng tôi. Lúc đó, một con chó chạy vào: Lãnh-Nhi.
Con chó có nghĩa đó đã già lắm, tai đã điếc rồi nhưng mắt còn trông rõ. Nằm trên cái đệm, chỗ nó ở, trông thấy cây đàn quen thuộc, nó chạy đến để “diễn trò”. Nó ngậm một cái bát trong miệng. Nó muốn đứng bằng hai chân sau để đi trình diện các “quý khán giả”, nhưng sức đã suy yếu, nó ngồi bệt xuống lấy một chân để vào ngực trịnh trọng chào các vị “khán quan”.
Khi chúng tôi hát xong, Lãnh-Nhi đứng dậy bập bễnh đi vòng quanh để lĩnh tiền. Mọi người đều bỏ tặng phẩm vào cái bát. Lãnh-Nhi sung sướng được một bát đầy đem đến cho tôi. Đó là một kết quả rất rực rỡ chưa từng thấy bao giờ. Những đồng tiền vàng, tiền bạc lộn xộn như vẩy hến trong bát: 170 phật-lăng!
Tôi cúi xuống hôn Lãnh-Nhi như ngày nó đến cạnh an ủi tôi. Cảnh đó làm tôi nhớ lại thời thơ ấu gian nan của tôi, một ý nghĩ vụt nẩy ra trong óc. Tôi liền phát biểu: “Món tiền này sẽ là viên gạch thứ nhất để lập một viện Cứu Tế cho những trẻ đánh đàn rong trong các phố có chỗ nương náu. Còn bao nhiêu, mẹ con tôi xin đảm nhận”.
Mã-Tư tiến lại, hôn tay mẹ tôi và nói:
- Thưa bà, tôi xin bà cho phép tôi góp một phần nhỏ mọn vào công cuộc từ thiện mà bà sắp làm. Số tiền sẽ thu được trong buổi tấu nhạc đầu tiên của tôi tại thành Luân-Đôn bao nhiêu, tôi sẽ xin cúng thêm vào số bạc Lãnh-Nhi vừa quyên được.
Bản thảo của tôi đưa in thiếu mất một trang. Đó là trang chép lại bài hát “Tình ca” mà tôi vẫn hát. Tiện đây, có anh Mã-Tư, một nhạc sĩ khác hơn tôi, tôi đã nhờ anh chép lại bài đó, như sau:
TÌNH CA*
Quyết khép cửa sao em độc ác
Khiến bao phen ta nát cõi lòng.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Nghe tên lại nhớ bóng hồng thướt tha
Ta muốn học như là áng tuyết,
Tuyết lạnh lùng mà nết kiên trinh.
Trách em sao khéo vô tình,
Thấy ta vất vưởng em đành làm thinh.
Ta những ước hóa thành trẻ nhỏ,
Xách ấm sành đây đó lang thang.
Giã từ chốn ấy lầu trang:
“Nước đây tôi bán, các nàng có mua?”
Trên gác nọ một cô trông thấy;
Hỏi: “Người nào ngoài ấy đang rao?”
Trông lên ta đáp nghẹn ngào:
“Lệ tình đây chứ, phải nào nước đâu!”
- HẾT -
*Chúng tôi để lời trân trọng cảm ơn Tòa Đại sứ Ý tại Saigon trong thư số 945/F16 ngày 18-5-1958 đã có nhã ý dịch giúp bài Tình ca bằng thổ âm Ý ra Pháp văn, do đó mới có bài ca trên đây. (Dịch giả)