Chương XVII
Tác giả: Hector Malot
Mặc dầu cảnh tượng ghê tởm, tôi cứ giương mắt, quên cả cái cảnh huống trầm trọng của tôi, nhìn khắp chung quanh.
Càng đi sâu vào, tôi càng thấy mọi thứ trái hẳn với hình ảnh mà tôi đã mơ tưởng và hy vọng. Những rãnh nước đông đặc. Bùn lẫn tuyết biến thành màu đen. Chỗ nào tuyết lỏng, mỗi khi xe đi qua, bắn lên từng mảng dính vào tủ hay cửa kính các hiệu tạp hóa xơ xác, tồi tàn.
Tôi nghĩ Ba-Lê không bằng Boóc-Đô.
Qua phố này chúng tôi đến một phố rộng hơn, càng đi càng thấy các hiệu buôn và nhà cửa đẹp hơn, sạch sẽ hơn. Chúng tôi rẽ vào một ngõ bên tay phải. Những nhà đen và cao như chụm đầu vào nhau. Rãnh nước chảy giữa đường. Những đám đông đi lại trên hè rất thản nhiên, không để ý đến mùi hôi hám ở rãnh đưa lên. Mặt người nào trông cũng xanh xao. Bạo nhất là những trẻ con xông xáo đi lại giữa những đám đông người. Những quán rượu huyên náo hơn cả, đàn ông, đàn bà đứng trước cái quầy bằng kẽm uống rượu và cười nói rất to.
Trên một bức tường, tôi đọc thấy tên phố là Lục-sinh.
Thầy tôi biết lối đi, lách qua những đám người ngổn ngang trước mặt. Tôi theo sát đằng sau.
Thầy tôi bảo tôi:
- Khéo khỏi lạc!
Lời dặn đó hơi thừa, vì không những tôi theo sát gót mà còn bám vào áo thầy tôi nữa.
Sau khi qua một cái sân rộng, chúng tôi vào một cái hẻm tối tăm; hình như mặt trời không lọt vào đây bao giờ, tôi ghê cả người.
Thấy một người đàn ông đang soi đèn và mắc những miếng giẻ rách vào vách, thầy tôi hỏi:
- Ông Phú-Lợi có nhà không?
- Tôi không biết. Ông cứ lên tầng gác thứ tư. Vào cái cửa ngay đầu thang gác.
Chúng tôi lên những bực thang dầy cộm những đất vừa bẩn vừa trơn. Thầy tôi vừa lên thang vừa bảo tôi:
- Phú-Lợi là ông thầy diễn trò mà ta đã nói chuyện với con. Nhà ông ấy ở đây.
Ôi! Phố ấy, nhà ấy, thang ấy làm cho tôi nản lòng. Không biết ông chủ sẽ là người thế nào?
Lúc tới nơi, thầy tôi không gõ, mở luôn cái cửa quay ra cầu thang. Chúng tôi nhìn thấy một căn rộng, như một vựa lúa, giữa nhà để không. Chung quanh có 12 cái giường con. Tường và trần phủ một màu không biết là màu gì, sắc trắng trước kia đã bị khói ám và đủ thứ bụi bẩn dính vào thành đen, nhiều chỗ tường lở, sâu hoắm vào. Lại có vẽ cả cái đầu người bằng than, bên cạnh khắc những bông hoa, những con chim.
Thầy tôi vừa bước vào vừa hỏi:
- Ông Phú-Lợi đâu? Nhà không có ai cả à? Tối quá, ông ở chỗ nào? Tôi đây, Vỹ-Tiên đến thăm ông đây!
Nhờ ánh đèn dầu treo ở tường, người ta nhìn thấy phòng không. Nhưng có tiếng yếu đuối của một đứa trẻ vọng ra:
- Ông Phú-Lợi đi vắng, độ hai giờ nữa mới về.
Ngay lúc đó, đứa trẻ trả lời chúng tôi đã hiện ra. Đó là một đứa trẻ độ mười tuổi, nó bước lò dò đến chỗ chúng tôi. Có thể gọi đó là một quái thai. Nó như không có chân, một cái đầu to tướng đặt trên bộ chân khẳng khiu trông như trong một bức tranh hài hước. Đầu nó hình như chứa nhiều đau khổ, mặt biểu lộ một sự chịu đựng vô bờ. Người nó như thế nên trông rất xấu. Nhưng đôi mắt hiền lành của nó làm cho người ta phải thương và cái miệng của nó trông đáng yêu.
Thầy tôi hỏi:
- Có thực hai giờ nữa ông Phú-Lợi về không?
- Thưa ông, đúng, vì là bữa ăn, và bao giờ ông ấy cũng phải trông nom lúc ăn.
- Vậy nếu ông ấy về sớm thì em nói có ông Vỹ-Tiên sẽ trở lại trong hai giờ.
- Trong hai giờ, thưa ông vâng.
Tôi định theo thầy tôi ra thì thầy tôi bảo:
- Con ở lại đây nghỉ ngơi, lát nữa thầy sẽ trở lại.
Dù tôi mỏi mệt tôi cũng muốn theo thầy tôi, nhưng khi thầy tôi ra lệnh, bao giờ tôi cũng phải vâng lời. Tôi ở lại.
Khi không nghe thấy tiếng chân nặng nề của thầy tôi xuống thang nữa, đứa trẻ ghé tai ra cửa nghe ngóng rồi quay lại hỏi tôi bằng tiếng Ý:
- Anh ở quê lên đấy chứ?
Thầy tôi có dạy tôi ít nhiều tiếng Ý, tuy không nói được nhưng nghe tôi hiểu. Tôi trả lời bằng tiếng Pháp:
- Không.
Đứa trẻ nhìn tôi một cách buồn rầu rồi nói:
- Nếu anh ở quê lên thì hay quá.
- Quê nào?
- Làng Lục-ca. Nếu anh ở làng đó, tôi sẽ được nhiều tin tức.
- Tôi là người Pháp.
- A! Thế thì may đấy!
- Anh thích người Pháp hơn người Ý?
- Không. Tôi nói “may” không phải là cho tôi, mà cho anh vì nếu anh là người Ý đến đây tất để ở cho ông Phú-Lợi. Mà đã ở cho ông thầy diễn trò này thì không bao giờ gọi là “may” được.
Câu này làm cho tôi lo lắng. Tôi hỏi:
- Ông ấy ác lắm sao?
Đứa trẻ không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, nhưng cái nhìn của nó đã là một lời đáp rất hùng hồn. Rồi như không muốn nói về vấn đề ấy nữa, nó quay đi và đến chỗ bếp ở đầu nhà.
Những củi bằng thứ gỗ cũ đang bốc cháy trong lò. Một cái nồi lớn bằng gang đang sôi.
Tôi lại gần bếp để sưởi. Tôi trông thấy cái nồi kỳ quá. Vung nồi một bên có bản lề, một bên có khóa, khóa vào miệng nồi. Trên vung có gắn một cái ống nhỏ để dẫn hơi. Tôi vẫn biết không nên trống trải hỏi về chuyện ông Phú-Lợi, nhưng về cái nồi…
- Tại sao nồi lại có khóa?
- Để cho tôi khỏi ăn vụng. Tôi giữ việc nấu súp mà thầy tôi thì không tin tôi.
Tôi không thể nhịn cười được.
Đứa bé buồn rầu nói tiếp:
- Anh cười vì anh tưởng tôi có tính tham ăn. Nhưng nếu anh ở địa vị tôi anh cũng sẽ làm như thế. Tôi không tục ăn, nhưng tôi đói, mùi thơm của súp ở ống đưa ra làm cho cái đói hành hạ cực khổ.
- Vậy ông Phú-Lợi để anh chết đói à?
- Nếu anh ở đây với ông Phú-Lợi, anh biết người không chết đói nhưng người ta đau đớn vì đói. Tôi chịu đau đớn đã nhiều vì tôi bị phạt.
- Bị phạt! Nhịn ăn?
- Phải đó. Tôi nói thêm cho anh biết. Nếu ông Phú-Lợi là chủ anh, cái gương của tôi sẽ có ích cho anh. Ông Phú-Lợi là chú tôi và ông đã làm phúc đem tôi về nuôi. Mẹ tôi góa, anh có thể đoán được là không giàu có gì. Năm ngoái chú tôi về quê để mộ tập trẻ con, chú tôi bảo mẹ tôi nên cho tôi đi. Điều này làm cho mẹ tôi buồn lắm. Nhưng, cảnh huống phải thế, biết làm thế nào. Nhà tôi có 6 anh em mà tôi là lớn nhất. Chú tôi muốn bắt đứa em liền tôi là Mã-Đô vì em tôi đẹp trai, còn tôi thì xấu xí. Và muốn kiếm tiền, không được xấu, những kẻ xấu chỉ được ăn roi và những lời chủ mắng. Nhưng mẹ tôi không ưng cho em Mã-Đô đi và nói: “Mã-Tư là con cả, Mã-Tư phải đi. Nếu phải bớt một đứa thì trời đã định thế, tôi không dám trái lệnh trời”. Thế là tôi phải đi theo chú tôi. Anh tưởng tượng xem nỗi phân ly của chúng tôi. Mẹ tôi thương con khóc, em Tuyết-Nga cũng khóc vì nó bé nhất được tôi bế ẵm luôn. Rồi các em tôi, bạn tôi và người quen kẻ thuộc cũng buồn.
Nghe Mã-Tư tả, tôi lại nhớ lại ngày tôi phải xa lìa quê tôi và cố nhìn theo cái mũ vải trắng của mẹ nuôi tôi.
Mã-Tư nói tiếp:
- Lúc ra đi chỉ có một mình tôi theo chú tôi thôi, Nhưng tám hôm sau, chúng tôi thành 12 đứa và được đưa về Ba-Lê. Chao ôi! Đường dài biết là bao nhiêu! Cũng như tôi, các bạn tôi đều buồn. Sau cùng, tới Ba-Lê, thì chỉ còn 11 đứa vì một người trong bọn chúng tôi bị ốm ở dọc đường và đưa vào Nhà Thương Dijon. Đến Ba-Lê người ta chọn chúng tôi ra từng loại: đứa nào khỏe mạnh thì cho đi ở với những thợ quét lò sưởi hay thợ thông ống khói bếp, đứa nào không có sức để làm nghề thì đi hát hay đánh đàn rong ở các phố. Còn tôi, tôi yếu ớt không làm nghề được mà lại xấu người, đi đánh đàn cũng không ăn thua. Vì thế Phú-Lợi cho tôi hai con chuột bạch để đi làm trò ở các hè, cùng ngõ và mỗi ngày phải nạp thuế cho ông 30 xu. Ông bảo tôi: “Thiếu mỗi xu là một roi”. Kiếm tiền đã khổ mà những ngọn roi còn khổ hơn, nhất là những khi chính tay Phú-Lợi đánh. Tôi hết lòng hết sức để kiếm đủ số tiền đó, nhưng thường thất bại luôn. Những bạn tôi phần nhiều hôm nào về cũng đủ tiền. Riêng tôi, tôi chẳng đủ bao giờ. Điều này làm cho Phú-Lợi tức giận thêm và quát: “Thằng ngu này không hiểu cả ngày nó làm gì?”. Có một đứa khác cũng đi diễn chuột bạch như tôi bị đánh thuế 40 xu mà chiều nào về cũng đủ. Nhiều lần tôi theo nó để học mánh khóe và tôi hiểu tại sao nó kiếm 40 xu dễ dàng mà tôi kiếm 30 xu lại khó. Khi một ông hay một bà nào cho tiền chúng tôi thì y như bà đó cũng nói: “Cho thằng bé xinh kia, không cho thằng khỉ”. Thằng khỉ là tôi. Từ đó tôi không đi chung với bạn tôi nữa, vì chịu 30 roi đòn ở nhà cũng khổ, nhưng để người ta riễu mình là xấu trước mặt mọi người còn đau khổ hơn. Anh, anh không thấu được cảnh đó vì không ai bảo anh xấu bao giờ, còn tôi… Sau cùng, Phú-Lợi thấy dùng roi vọt không hiệu quả liền dùng cách khác và bảo tôi: “ Mỗi xu mày thiếu ta sẽ bớt một củ khoai bữa tối, da mày dạn roi rồi, ta xem dạ dày mày phải mềm vì đói không?”. Những lời dọa đối với anh có hiệu quả không?
Tôi đáp: Còn tùy.
- Tôi thì chịu. Tôi không thể làm hơn được. Chả nhẽ đi chìa tay xin và nói: “Nếu ông hay bà không bố thí cho tôi một xu, thì bữa tối tôi phải bớt một củ khoai” à? Người ta cho tiền trẻ con không phải vì những lẽ đó.
- Thế vì lẽ gì? Người ta thường cho để làm vui lòng…
- A! Anh còn ngây thơ quá! Trước hết người ta cho để làm vui lòng cho chính người ta. Người ta cho bởi vì đứa trẻ xinh đẹp, lý do này đúng hơn cả. Người ta cho vì có một đứa con đã mất hay người ta muốn có một đứa con. Người ta cho vì người ta ấm mà đứa trẻ rét run ở xó đường, đó là lòng thương. Tôi biết tất cả những loại bố thí đó vì tôi đã có nhiều kinh nghiệm. À! Hôm nay trời rét quá, phải không anh?
- Rét lắm.
- Vậy anh thử ra ngồi dưới một hiên nhà kia chìa tay xin một ông vận áo bành-tô bước vội vàng qua mặt anh, anh sẽ bảo tôi biết ông ta cho anh bao nhiêu; trái lại, anh chìa tay xin một ông ấm áp trong áo ba-đờ-suy hay áo lông cừu đi tản bộ gần anh, may ra anh được một hào bạc trắng. Sau một tháng hay sáu tuần lễ tôi theo quy định ăn uống đó, người tôi không còn béo nữa. Da tôi xanh lướt đi đến nỗi tôi nghe chung quanh có những tiếng kêu: “Thằng bé này sắp chết đói”.
Lúc bấy giờ, những người trong phố trông thấy cũng thương tình. Hôm nào tôi không kiếm được nhiều xu, thì tôi lại kiếm được, khi thì mẩu bánh, khi thì đĩa súp. Những ngày đó là những ngày tươi sáng của tôi. Tôi không phải đòn và nếu tôi bị bớt phần khoai tôi cũng chẳng cần vì đã có cái gì để ăn. Không may một hôm Phú-Lợi bắt gặp tôi đang ăn đĩa súp ở nhà bà bán hoa quả, biết tại sao tôi nhịn được khoai không phàn nàn. Bấy giờ ông ta mới cấm tôi ra ngoài và bắt ở nhà dọn dẹp và nấu súp. Nhưng cho tôi nấu súp lại sợ tôi ăn vụng, ông ta mới sáng chế ra cái nồi có khóa. Sáng nào cũng thế, trước khi ông ta đi, ông ta bỏ thịt và rau vào nồi, đậy nắp và khóa lại. Tôi chỉ việc ninh rừ và được ngửi mùi nước dùng thôi. Còn như múc ra, anh cũng biết, không làm sao được vì cái ống hẹp quá. Mùi súp không nuôi sống người chỉ tổ làm đói thêm. Có phải trông tôi xanh lắm không? Vì tôi không được ra ngoài, không ai bảo cho tôi biết và ở đây cũng không có gương soi.
Tôi không có óc kinh nghiệm, nhưng tôi cũng biết không nên bảo thật người ốm để người ta sợ. Tôi đáp:
- Anh không đến nỗi xanh hơn người khác.
- Anh nói thế để tôi yên tâm, tôi biết, nhưng tôi rất thích xanh xao có nghĩa là ốm. Tôi muốn ốm lắm anh ạ.
Tôi kinh ngạc nhìn anh. Anh cười và nói:
- Anh lấy làm lạ, nhưng rất dễ hiểu. Khi một đứa trẻ ốm, người ta sẽ chữa cho nó hay để nó chết. Nếu người ta cho tôi chết. Tôi thích lắm, vì không phải nhịn đói không phải đánh đòn. Rồi những người chết sẽ được lên trời. Ở trên trời, tôi sẽ nhìn thấy mẹ tôi ở quê nhà và tôi cầu xin với Thượng-Đế, người sẽ phù hộ cho em Tuyết-Nga khỏi khổ sở. Nếu trái lại, người ta chữa cho tôi, thì người ta sẽ cho tôi đi Nhà Thương. Tôi thích đi Nhà Thương lắm, anh ạ.
Chính tôi, tôi có cái thành kiến sợ Nhà Thương. Nhiều lần ở dọc đường tôi mệt quá, nhưng nghĩ đến Nhà Thương thì tôi lại sợ mà tự nhiên thấy tỉnh táo và quên mỏi. Nay thấy Mã-Tư nói vậy, tôi rất lấy làm lạ.
Mã-Tư nói tiếp:
- Anh chưa biết, ở Nhà Thương dễ chịu biết nhường nào! Tôi đã ở đó, Nhà Thương Thánh Ơ-giê-ni. Ở đây có một ông thầy thuốc to lớn; da hơi vàng, lúc nào trong túi cũng có kẹo, thứ kẹo vừng rẻ tiền nhưng cũng không kém ngon. Rồi những bà phước ăn nói dịu dàng: “Em đã bớt chưa? Em thè lưỡi xem, em chịu khó uống thuốc đi!”. Tôi thích người ta nói dịu dàng với tôi vì như thế làm cho tôi muốn khóc. Khi tôi muốn khóc thì tôi thấy dễ chịu. Thế có gàn không, anh? Những bà phước cũng nói dịu dàng như mẹ tôi. Tuy không cùng một tiếng nói nhưng cùng một điệu nhạc. Rồi khi bắt đầu đỡ thì được ăn canh thịt, ăn trứng tráng. Bây giờ tôi thấy sức yếu và không được ăn, tôi rất sung sướng và tự nhủ: “Ta sắp ốm và Phú-Lợi sẽ cho ta vào Nhà Thương”. Nhưng bệnh tôi chỉ đủ làm cho tôi đau đớn không đủ để cho Phú-Lợi bận tâm; nên Phú-Lợi còn giữ tôi. Thực là cực khổ. Còn may là Phú-Lợi không bỏ thói đánh tôi và các bạn tôi. Ấy đã 8 hôm nay, ông ta đã giáng một ba-toong vào đầu tôi. Lần này tôi ăn chắc. Đầu tôi sưng lên, anh xem cái bướu trắng hãy còn đây. Hôm qua ông ta bảo tôi: đó là cái nhọt, tôi biết không phải là nhọt, vì đau buốt, nhức nhối hơn khi sưng mộng răng nhiều. Đầu tôi nặng như bị đá đè, lắm lúc choáng váng và tê dại. Ban đêm tôi không thể nhịn rên và kêu lên những tiếng đau đớn. Cứ tình trạng này chỉ trong vài ba hôm nữa là ông ta cho tôi vào nhà thương, vì anh hiểu một thằng nhãi kêu cả đêm thì ai mà ngủ được, nhất là Phú-Lợi tỏ ra rất khó chịu. Có phải phúc cho tôi đã được cái đòn nặng đó? Vậy anh cứ thật thà cho tôi biết có phải tôi trông xanh lắm không?
Nói xong anh lại ngồi trước mặt tôi và nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi không lẽ ngồi im. Tuy nhiên tôi không dám nói thực là mắt anh đỏ bừng, má anh hóp vào và môi anh nhợt nhạt làm cho tôi phải kinh hoàng. Tôi đáp:
- Tôi tin rằng anh đủ ốm để đi nhà thương.
- Thế thì tôi sung sướng quá!
Nói xong vừa lê chân vừa cố cúi xuống để cám ơn tôi. Rồi anh lại chỗ bàn để lau.
Anh nói:
- Tôi nói đã khá đủ rồi, Phú-Lợi sắp về mà chưa dọn dẹp gì được. Anh xem tôi đã đủ thương tích đi nhà thương rồi, không lẽ lại chịu khổ mà nhận thêm nữa.
Anh vừa nói vừa thất thểu đi chung quanh bàn đặt những đĩa ăn vào chỗ. Tôi đếm được 20 đĩa: thế có những 20 đứa trẻ ở cho Phú-Lợi mà tôi chỉ trông thấy có 12 cái giường, có lẽ chúng phải ngủ hai người một giường. Những giường mới thảm hại! Không có đệm, chỉ có những thứ khăn đỏ nhặt ở chuồng ngựa về, vì cũ nát không thể đắp cho ngựa được nữa.
- Ở đâu cũng như thế này à?
- Ở chỗ nào?
- Chỗ nuôi trẻ.
- Tôi không biết, vì có bao giờ tôi đi đâu. Nhưng anh, anh nên tìm chỗ khác.
- Chỗ khác ở đâu?
- Tôi không biết. Bất cứ chỗ nào, còn hơn đây.
Bất cứ chỗ nào, thực mơ hồ quá, nhưng bây giờ làm thế nào để cho ông Vỹ-Tiên thay đổi ý định được?
Tôi đang nghĩ, thì cánh cửa mở ra, một đứa trẻ bước vào, một tay xách đàn, một tay cầm thanh gỗ cũ gỡ được ở đâu. Miếng gỗ đó giống như những miếng đốt lò mà tôi nhìn thấy lúc mới vào. Tôi hiểu ngay Phú-Lợi đã kiếm gỗ đó ở đâu và giá nó thế nào.
Mã-Tư giơ tay và bảo đứa trẻ mới về:
- Mày đưa thanh củi cho tao.
Nhưng đứa trẻ giấu ở sau lưng và nói:
- Không được.
- Cho tao đun cho súp ngon thêm.
- Mày tưởng tao mang về nấu súp chăng? Hôm nay tao chỉ có 36 xu, tao dùng miếng củi này để thế 4 xu còn thiếu để khỏi phải đòn.
- Không thể thế bằng củi được. Mày phải trả bằng tiền. Mỗi người cần phải đòn một lượt chứ?
Mã-Tư nói một cách hung tợn hình như anh rất sung sướng thấy bạn sắp phải chịu hình phạt. Tôi lấy làm lạ sao lại có một luồng ác khí thoảng qua gương mặt rất hiền lành kia. Chính mãi về sau tôi mới hiểu ở với kẻ ác người ta sẽ trở nên ác.
Đã đến giờ các học trò của Phú-Lợi về. Sau đứa trẻ cầm củi, đến một đứa khác, rồi lục tục về mười đứa khác nữa. Mỗi đứa về đến nhà liền treo nhạc khí vào cái đinh ở chỗ giường mình, đứa này cái vĩ- cầm, đứa kia cái sáo, đứa khác cái thụ cầm hay cái đàn quay. Đứa nào không đi diễn trò thì đem nhốt như con vật vào chuồng.
Có tiếng giầy thình thịch lên thang, chắc là Phú-Lợi về. Tôi nhìn thấy một người nhỏ nhắn, mắt đỏ bừng, bước lảo đảo, không mặc kiểu Ý mà vận một cái bành-tô xám.
Phú-Lợi đưa mắt nhìn tôi trước nhất. Luồng mắt làm tôi lạnh cả người. Ông ta hỏi:
- Đứa này là đứa nào?
Mã-Tư vội trình bày việc ông Vỹ-Tiên đã dặn lại.
Phú-Lợi nói:
- A! Vỹ-Tiên về Ba-Lê. Ông ấy muốn gì ta?
Mã-Tư đáp:
- Con không được biết.
- Tao không hỏi mày, tao hỏi thằng bé kia.
Tôi không dám nói thực và đáp:
- Thầy tôi sắp trở lại. Thầy tôi muốn gì sẽ xin thưa chuyện cùng ông.
- A! Đây là một đứa trẻ biết thận trọng lời nói. Mày không phải người Ý.
- Tôi là người Pháp.
Lúc đó có hai đứa trẻ đến cạnh Phú-Lợi có ý đợi Phú-Lợi nói xong. Tôi không hiểu chúng đứng đấy để làm gì. Tôi được trả lời ngay về câu hỏi đó.
Một đứa nhấc mũ ông ta đem đặt nhẹ nhàng lên giường. Đứa kia nhắc ghế đến bên cạnh. Coi bộ quan trọng và lễ phép của chúng dành cho những việc rất tầm thường trên đời, người ta tưởng tượng như hai cậu bé giúp lễ bên cạnh Đức Cha tại một Nhà Thờ nào. Coi đó, người ta biết đám trẻ sợ hãi ông đến mực nào; chắc chắn không phải vì tình chủ thương chúng mà chúng có những cử chỉ ấy.
Khi Phú-Lợi đã an tọa, một đứa trẻ khác đem cái tẩu nhồi thuốc sẵn đến và đứa thứ tư đưa một que diêm đang cháy.
Ông ta cầm diêm ghé qua miệng tẩu rồi vứt luôn vào lò. Xong ông ta mắng:
- Đồ chó! Cái diêm còn sặc mùi thuốc!
Tội nhân vội vã đánh cái diêm khác và đợi cho cháy hết đầu thuốc rồi đưa lại cho chủ.
Nhưng ông chủ không nhận, đẩy nó ra và bảo:
- Không nhờ mày, đồ ngu!
Rồi ông ta quay lại vừa cười vừa bảo đứa khác, cái cười đó chắc là một sự ban thưởng rất quý báu:
- Cát-Độ, cho thầy chiếc diêm, con!
Cát-Độ vội vâng lời.
Khi điếu của ông ta đã bắt đầu cháy, ông vừa hút vừa bảo:
- Bây giờ các “công tử” ra tính toán cho tôi xem. Mã-Tư cầm sổ ra đây.
Phú-Lợi nói chưa dứt lời thì Mã-Tư đã cầm sổ ra đặt trước mặt chủ, một quyển sổ đầy ghét bẩn. Phú-Lợi ra hiệu, đứa trẻ đánh diêm vụng lúc nãy lại gần. Phú-Lợi hỏi:
- Hôm qua mày còn chịu 1 xu, mày khất đến hôm nay, vậy đã có đủ chưa?
Đứa trẻ ngập ngừng và tái mặt trước khi trả lời:
- Con thiếu 1 xu.
- Thiếu 1 xu là thế nào?
- Không phải một xu hôm qua mà là 1 xu hôm nay.
- Thế là 2 xu cả thảy. Không thấy đứa nào chầy như mày!
- Không phải lỗi tại con.
- Đừng nói lôi thôi. Mày đã biết luật. Cởi áo ra, hai roi nợ hôm qua, hai roi hôm nay và truất phần khoai của mày đi. Cát-Độ đâu, mày là đứa trẻ tốt, ta cho phép mày đánh, cầm roi ra đây.
Cát-Độ tháo ở tường ra một cái roi, cán ngắn, đầu có hai dây da dài kết thành những nút lớn. Trong lúc đó, đứa trẻ thiếu một xu cởi áo ngoài; tụt sơ-mi để trần đến ngang lưng.
Phú-Lợi cười gằn, bảo Cát-Độ:
- Thong thả đã. Nó không phải lẻ loi. Nó sẽ sung sướng có nhiều bạn. Mà mày cũng khỏi bận tay nhiều lần.
Những đứa trẻ im lặng đứng trước mặt chủ, nghe thấy câu khôi hài thâm độc đó, đều phải gượng cười.
Phú-Lợi nói:
- Đứa nào cười to nhất chắc là đứa thiếu nhiều nhất. Vậy đứa nào cười to nhất nào?
Mọi đứa chỉ về thằng bé về đầu tiên với thanh củi.
Phú-Lợi hỏi:
- Vậy mày còn thiếu bao nhiêu?
- Không phải lỗi tại con.
- Từ nay hễ đứa nào nói “không phải lỗi tại con” thì phải phạt thêm một roi nữa đấy. Mày còn thiếu bao nhiêu?
- Con đã mang về một thanh gỗ, thanh gỗ rất đẹp! Xin thầy coi.
- Cái này không đến nỗi vứt đi. Nhưng mày đem thanh củi này đến hàng bánh liệu họ có đổi cho mày tấm bánh không? Mày còn thiếu mấy xu, nói đi!
- Con kiếm được 36 xu.
- Còn thiếu 4 xu, đồ khốn nạn! Thiếu 4 xu thế mà mày còn dám vác mặt về. Cát-Độ, mày được dịp sướng tay nhá! Thằng này bỏ áo ra!
- Nhưng còn thanh củi của con.
- Mày được ăn bữa trưa.
Câu khôi hài vô duyên trên làm cho những đứa trẻ không bị phạt nhe răng cười.
Trong cuộc kiểm điểm của Phú-Lợi, mười đứa lần lượt đến nộp thuế. Trong số này có 3 đứa nữa không đủ tiền.
Phú-Lợi gầm lên:
- Trời ơi! Năm thằng giặc này, chúng mày cướp tao, chúng mày bóc lột tao! Chỉ vì tao nhân nhượng quá. Nếu chúng mày không chịu làm việc thì tao lấy tiền đâu mua thịt, mua khoai cho chúng mày ăn? Chúng mày thích chơi, Chúng mày thích cười. Chúng mày thử nghĩ xem “chìa tay giả cách khóc” hơn hay “chìa lưng khóc thực” hơn? Cởi áo chúng nó ra!
Cát-Độ cầm roi đợi. Năm tội nhân xếp hàng đứng trước mặt nó.
Phú-Lợi bảo Cát-Độ:
- Mày biết rằng tao không muốn nhìn sự hành phạt, nó làm tao đau đớn, nhưng tao nghe được những tiếng roi mạnh hay yếu của mày. Mày phải tận tâm làm bổn phận. Mày làm việc vì bánh mì của mày đó. Nghe không?
Rồi ông ta quay vào lò, như là không dám nhìn cảnh máu rơi thịt nát. Còn tôi, tôi ngồi trong một xó, tôi run người vì phẫn uất và khiếp sợ. Con người ấy sắp thành chủ tôi đó. Nếu mỗi ngày tôi không kiếm nổi 30 hay 40 xu, tôi cũng phải giơ lưng cho Cát-Độ. A! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Mã-Tư lại mong chết. Tiếng roi quất lần thứ nhất làm cho tôi rơi nước mắt. Ngồi trong xó, tôi tưởng mọi người quên tôi nên tôi không nén xúc động, nhưng tôi đã nhầm. Phú-Lợi nhìn trộm tôi và tôi có chứng cớ ngay.
Ông ta lấy tay trỏ tôi và bảo với các học trò:
- Chúng mày hãy trông, kia là một đứa trẻ có lòng tốt. Nó không như chúng mày là đồ giặc cười cợt trước cái đau đớn của bạn và trước cái buồn của thầy. Nếu nó vào đây là bạn chúng mày, nó sẽ làm gương cho chúng mày.
Cái tiếng “bạn” làm cho tôi run từ đầu đến chân.
Roi thứ hai, nạn nhân kêu la thảm thiết. Roi thứ ba, nạn nhân rú lên những tiếng đau xót.
Chợt Phú-Lợi giơ tay lên. Cát-Độ ngừng roi.
Tôi tưởng ông ta ra lệnh tha. Nhưng không phải vấn đề ân xá.
Ông ta nói ôn tồn với nạn nhân rằng:
- Mày nên biết những tiếng kêu của mày làm tao khó chịu vì nếu cái roi nó xé da mày thì cái tiếng kêu của mày nó cũng xé lòng tao. Tao bảo cho chúng mày biết trước, mỗi một tiếng kêu sẽ chịu thêm một roi vì là lỗi tự mày. Mày đừng làm cho tao ốm vì buồn. Nếu mày thương tao, biết ơn tao thì mày im mồm đi! Cát-Độ! Mày đánh nốt đi.
Cát-Độ vung tay, ngọn roi quất vãi vào lưng đứa bé khốn nạn.
Nó rên rỉ:
- Mẹ ơi! Mẹ ơi!
May sao tôi không phải chứng kiến thêm nữa. Cửa cầu thang mở ra, ông Vỹ-Tiên bước vào. Đưa mắt một cái, ông hiểu ngay nguyên do những tiếng kêu khóc mà ông vừa nghe thấy khi lên thang. Ông chạy lại chỗ Cát-Độ giật lấy roi vứt đi. Rồi tiến lại đứng trước mặt Phú-Lợi, khoanh hai tay lại, nhìn thẳng vào mặt Phú-Lợi.
Bị bắt chợt, Phú-Lợi hơi luống cuống, nhưng trấn tĩnh ngay và tươi cười nói:
- Đấy ông xem! Có phải thằng bé ác quá không?
- Một điều đáng xấu hổ!
- Ấy chính tôi cũng nói thế.
Thầy tôi gắt:
- Ông đừng đóng kịch nữa. Ông nên hiểu rằng tôi nói ông chứ không phải nói thằng bé kia. Phải đó, chính là một điều đáng xấu hổ, một sự hèn hạ là đánh đập những đứa trẻ con, chúng nó không thể tự vệ được.
Phú-Lợi đổi giọng nói luôn:
- Việc gì đến ông mà ông dính vào! Rõ điên chửa!
- Việc gì à? Việc trình Cảnh sát, ông có biết không?
Phú-Lợi đứng dậy nói to:
- Cảnh sát à? Ông đem Cảnh sát ra dọa tôi có phải không?
Thầy tôi không sợ vẻ sừng sộ của Phú-Lợi, đáp:
- Phải đó.
Phú-Lợi lại bình tĩnh ngay và nói giọng chế nhạo:
- Ông Vỹ-Tiên ơi! Xin ông, ông đừng làm dữ mà tố cáo tôi vì tôi, tôi cũng có thể tố cáo ông được. Như vậy chẳng có lợi gì cho ai cả. Riêng tôi, tôi không nói gì với Cảnh sát đâu, vì việc của ông tôi không cần biết và nếu tôi kể lại những điều tôi biết hay chỉ nói ra một tên, một tên thôi, lúc đó hỏi ai phải dấu mặt vì xấu hổ?
Thầy tôi đứng một lúc không nói gì. Sự xấu hổ? Tôi sững người ra. Chợt ông cầm tay tôi dắt ra và nói:
- Con theo ta.
Rồi thầy tôi đưa tôi ra cửa.
Phú-Lợi cười sằng sặc và nói theo:
- Thôi nhá! Ông bạn già ơi! Hết giận chứ? Ông có việc gì, ở lại nói chuyện.
- Tôi không có việc gì cả.
Và không nói thêm một câu nào, không quay đầu lại, thầy tôi lẳng lặng dắt tay tôi xuống thang. Tôi khoan khoái quá. Tôi đã thoát khỏi hang hùm. Nếu tôi dám, tôi đã nhảy lên hôn thầy tôi.