Chương XXXVII
Tác giả: Hector Malot
Trước sự niềm nở làm thân của tôi, các em tôi Á-Lang cũng như Á-Niên đều ghét bỏ hằn thù. Tất cả những gì tôi làm cho chúng, chúng đều hắt hủi, coi tôi không phải là anh em với chúng.
Sau việc Lãnh-Nhi xẩy ra, tình thế lại càng gay go giữa tôi và các em tôi. Tôi phải ra hiệu bằng hai nắm tay cho chúng biết – vì tôi không diễn đạt được ý của tôi bằng tiếng Anh – rằng nếu chúng động vào con Lãnh-Nhi, tôi quyết chống lại để trả thù.
Em trai bỏ tôi, tôi đành thân với các em gái vậy. Nhưng thái độ của Á-Ninh em gái lớn của tôi, cũng chẳng khác gì thái độ của hai em trai tôi. Ngày nào Á-Ninh cũng kiếm chuyện với tôi và khoa kiếm chuyện đó rất tài.
Các em trai ghét, em gái lại hắt hủi, tôi chỉ còn em gái út tôi, em Cát, mới lên ba, nhỏ quá không biết về bè với các anh chị. Em Cát để tôi vuốt ve em. Trước hết vì tôi bảo Lãnh-Nhi làm trò cho em xem, sau vì tôi thường đem kẹo và cam về cho em ăn. Những quà này, tôi không phải mua. Trong những buổi diễn trò của chúng tôi, nhiều em bé thích Lãnh-Nhi mà trao cho. Buồn cười, khi các em đưa cam và bảo để “cho con chó” thực là vô nghĩa, nhưng tôi rất vui lòng và cảm ơn vì nhờ những thứ đó mà tôi được lòng em Cát.
Xem thế, nội gia đình tôi, cái gia đình mà tôi đã đặt bao nhiêu tình thương vào đó khi bước chân xuống tầu sang Anh-quốc, chỉ có em bé tôi là cho tôi yêu mà thôi. Ông tôi không thôi hằm hằm và nhổ bọt về phía tôi mỗi khi tôi lại gần. Cha tôi chỉ săn sóc đến tôi vào những buổi chiều để thu số tiền mà chúng tôi kiếm được. Mẹ tôi đi vắng luôn. Á-Lang, Á-Niên và Á-Ninh ghét tôi. Chỉ có em Cát là ưa tôi, nói cho đúng là ưa cái túi kẹo của tôi. Thực là chán ngán.
Mặc dầu trước kia, tôi gác bỏ những nghi vấn của Mã-Tư, nhưng trong những lúc buồn, tôi lại tự nghĩ nếu tôi thật là con của gia đình này, người ta đã đối đãi với tôi một cách khác có đâu lại lãnh đạm như thế! Nào tôi đã làm gì để đến nỗi phải ghét bỏ, phải bạc đãi?
Mã-Tư thấy tôi có bộ âu sầu, anh cũng thừa rõ nguyên nhân, liền vừa nói một mình vừa để bảo tôi:
- Nóng ruột quá, mãi không thấy bà Bảo-Liên trả lời.
Muốn kiếm thư đó, chúng tôi phải đến hỏi sở Bưu Điện vì thư gửi lối “lưu trí”, chúng tôi phải đến mà nhận. Vì thế, ngày nào chúng tôi cũng phải về qua sở Bưu Điện hỏi tin, chúng tôi đi lại mất bao nhiêu ngày vô ích. Sau cùng, bức thư mong đợi đó đã đến tay. Sở Bưu Điện không phải là chỗ đọc thư, chúng tôi tìm đến một ngõ vắng, thời giờ đó làm nguôi bớt xúc động của tôi. Đến nơi, tôi mở thư của bà Bảo-Liên, nghĩa là bức thư mà bà đã nhờ Linh-Mục Văn-Ông viết giúp:
Lê-Minh yêu quý của ta ơi!
Tiếp được thư con, ta rất lấy làm kinh ngạc và bực tức. Theo lời ông Bảo-Liên ngày trước nói chuyện với ta sau khi thấy con ở phố Bảo-Tương, cũng như sau khi tiếp chuyện ông khách đến tìm con, thì ta tin rằng cha mẹ con phải là một gia đình khá giả, một gia đình phú quý.
Điều đó rất có thể tin được, căn cứ vào cách ăn mặc của con khi ông Bảo-Liên ẵm con về làng Văn-Ông. Những đồ mặc của con tỏ ra là những đồ mặc của một đứa con nhà giầu. Con có hỏi ta những đồ mặc và những tã bọc đó thế nào. Việc này rất dễ, vì ta còn giữ những vật đó hòng làm chứng khi nào cần đến, mà theo ý ta, chắc cũng có ngày người ta đòi hỏi.
Nhưng trước hết, ta nói cho con biết ngay rằng con không có tã. Đôi khi ta có nói đến tã là do thói quen vì những trẻ sơ sinh vùng này đều quấn vải cả. Còn con, con không quấn bằng vải tã. Trái lại, con có quần áo tử tế. Đây là những thứ đã tìm thấy trên mình con ngày đó: một cái mũ bằng đăng-ten rất đẹp ít khi ta được trông thấy, một cái áo cụt tay bằng vải phim có đính ten ở cổ và ở hai tay, một cái áo lót bằng nỉ mỏng, một đôi bít-tất dài bằng len trắng, một đôi giầy trắng bằng sợi đan có những bông kết bằng lụa, một cái áo dài bằng nỉ mỏng và sau hết một cái áo khoác rộng có mũ trùm đầu, bằng cát-sơ-mia trắng, trong lót lụa, gấu có những đường thêu đẹp. Con không có khăn bọc thuộc bộ đồ đó vì khi ở sở Cảnh-sát người ta đã thay khăn bọc đó bằng một cái khăn vải thường.
Sau cùng, ta nói thêm rằng tất cả những vật đó không có dấu hiệu, những áo lót bằng nỉ và cái áo cụt tay của con chắc có dấu hiệu vì những chỗ vẫn thường để ghi dấu hiệu đều bị cắt đi. Như thế chứng tỏ rằng người ta đã chủ tâm làm mất di tích cho hết tìm tòi.
Lê-Minh, con yêu quý của ta ơi! Đó là tất cả những điều mà ta biết. Khi nào con cần đến, cứ viết thư cho ta, ta sẽ gửi tất cả cho con.
Con ơi! Con đừng buồn vì không thể cho ta những tặng phẩm mà con đã hứa! Con bò của con đã mua bằng tiền là mồ hôi nước mắt của con, quý giá hơn tất cả các thứ quà khác trên đời này.
Ta rất hoan hỷ báo tin con biết con bò quý đó vẫn khỏe mạnh, sữa vẫn nhiều, nhờ nó bây giờ ta dễ chịu. Mỗi khi nhìn đến nó, ta không khỏi nghĩ đến con, đến Mã-Tư người bạn tốt của con.
Khi nào có dịp, con viết thư về cho ta, ta rất sung sướng nhận được tin tức con. Ta mong rằng những tin tức đó sẽ tốt lành. Một đứa trẻ thành thực, trung hậu đáng yêu như con lẽ nào lại không được sung sướng trong gia đình với cha, với mẹ, với các anh chị em; gia đình con lẽ nào lại không yêu thương con vì con đáng được thương yêu.
Thôi! Chào con, ta yêu dấu hôn con.
Người mẹ nuôi của con
Sương phụ Bảo-Liên
Đoạn cuối thư làm cho tôi đau lòng. Bà Bảo-Liên khốn nạn, bà đã thương tôi biết nhường nào! Vì bà yêu tôi nên bà tưởng tượng rằng tất cả mọi người ai cũng phải yêu tôi như bà.
Mã-Tư nói:
- Bà Bảo-Liên đáng kính, bà đã nhớ đến tôi. Nhưng rồi đây bà có quên tôi, tôi cũng không thể không cảm ơn bà vì lá thư kia. Với sự mô tả đầy đủ đó, ông Điệp-Công không thể mơ hồ về số quần áo ở mình anh khi người ta bắt trộm anh được nữa nhá!
- Cha tôi có khi quên chăng?
- Anh đừng nói thế. Quên làm sao được những quần áo người ta đã mặc cho con hôm nó mất tích, vì phải nhớ cách ăn mặc thế nào thì mới hòng tìm được chứ!
- Hãy đợi từ nay đến hôm cha tôi trả lời. Anh đừng đặt những giả thuyết nữa. Tôi van anh.
- Không phải tôi đặt giả thuyết. Đó là ý kiến của anh vì anh bảo cha anh có khi quên chăng.
- Thôi, chúng ta đợi xem.
Hỏi lại cha tôi cách ăn mặc của tôi thế nào khi tôi bị bắt trộm thực là một việc khó khăn. Nếu tự nhiên, không có ẩn ý gì mà tôi hỏi một cách ngây thơ thế thì dễ lắm. Nhưng đằng này, tôi định tâm dò hỏi thì lại thấy chút chát và ngài ngại. May sao, một hôm trời mưa lạnh, chúng tôi về nhà sớm hơn ngày thường. Tôi hết sức lấy can đảm đưa câu chuyện về vấn đề thắc mắc trên đã từng làm cho tôi đau đớn.
Tôi mới thò ra mấy tiếng đầu, cha tôi đã nhìn mặt tôi, soi mói ở mắt tôi như những lần tôi nói câu gì phật ý cha tôi. Tôi cứ bình tĩnh nhìn cha tôi, tự nhiên như thường.
Tôi tưởng cha tôi sắp cáu tiết, tôi liếc mắt nhìn Mã-Tư – lúc đó anh ngồi giả vờ như không để ý gì cả – có ý bảo cho anh biết là anh đã xúi dại tôi. Nhưng cha tôi không làm gì cả. Khí tức đã bốc hết rồi, cha tôi mỉm cười có vẻ thâm độc nhưng cũng là một nụ cười.
Cha tôi nói:
- Cái đã làm cho ta dễ tìm thấy con chính là cách ăn mặc của con trong ngày con bị bắt trộm, một cái mũ vải viền đăng-ten, một cái áo cụt tay cũng có đăng-ten, một tấm lót và một cái áo dài bằng nỉ mỏng, một đôi bít-tất len, một đôi giầy đan, một cái áo choàng có mũ chùm đầu bằng cát-sơ-mia trắng gấu thêu. Ta hy vọng nhiều nhất vào những dấu hiệu Đ.P., nghĩa là Điệp-Công-Phan, tên của con. Nhưng thiếu nữ bắt trộm con đã khôn khéo cắt mất hai chữ đó để mất lối tìm kiếm. Ta đã phải xuất trình giấy chứng thư “rửa tội” xin ở nhà thờ, người ta đã trả lại và hiện giờ ta vẫn còn giữ đây.
Nói xong, cha tôi vui vẻ – cái vui vẻ bất thường – lục ở ngăn kéo và lấy một tờ giấy lớn có nhiều dấu đưa cho tôi xem.
Tôi cố can đảm nói:
- Nếu cha vui lòng, cha cho Mã-Tư xem.
- Tốt lắm.
Mã-Tư dịch tàm tạm đôi câu cho tôi nghe: tôi sinh ngày thứ Năm mồng 2 tháng Tám, là con trai ông Điệp-Công-Tích và bà Mạc-Gia-Lan, vợ ông.
Còn hỏi thêm gì nữa? Tuy nhiên, Mã-Tư vẫn không chịu. Tối đến, khi chúng tôi vào xe ngủ, anh lại ghé vào tai tôi nói nhỏ như còn có điều gì bí mật nữa.
Anh nói:
- Tất cả những điều ta đã nghe đó, hay thực, nhưng chưa đủ giải thích cho ta tin rằng ông Điệp-Công-Tích và bà Mạc-Gia-Lan, vợ ông, giầu có thế nào mà may mặc cho con nào mũ đăng-ten, nào áo cánh đăng-ten, áo dài thêu gấu; những người lái buôn rong không phú quý như thế được!
- Chính vì cha mẹ tôi là lái buôn rong nên những quần áo đó mới dễ kiếm và rẻ tiền.
Mã-Tư lại thở dài và lắc đầu. Xong anh lại nói nhỏ vào tai tôi:
- Tôi còn một ý tưởng nữa nó cứ ám ảnh trong đầu tôi: anh không phải là con của quý ông Điệp-Công, mà chính là đứa con quý ông Điệp-Công đã bắt trộm.
Tôi định cãi lại thì Mã-Tư đã leo lên giường mất rồi. Nếu ở địa vị Mã-Tư, có lẽ tôi cũng có nhiều tưởng tượng như anh, nhưng ở địa vị tôi, tôi không được phép tưởng tượng bừa bãi thế. Người đó là cha tôi. Còn đối với Mã-Tư thì người đó là “quý ông Điệp-Công” như anh vẫn thường nói. Mỗi khi ý tưởng tôi nghiêng về Mã-Tư thì tôi lại cố nắm lại, nắm lại bằng một bàn tay cứng rắn.
Về quý ông Điệp-Công, Mã-Tư có thể tha hồ xét nghĩ.
Đối với Mã-Tư, quý ông Điệp-Công chỉ là một người, anh không bắt buộc có bổn phận gì. Trái lại, tôi, đối với cha tôi, tôi phải kính trọng.
Trong trường hợp hiện thời của tôi, chắc hẳn cũng có sự gì uẩn khúc, nhưng tôi không được phép tự do nhận xét theo quan điểm của Mã-Tư, Mã-Tư có thể được hoài nghi. Còn tôi, cấm chỉ mới phải. Vì thế mỗi khi Mã-Tư ngỏ ý nghi ngờ cùng tôi, tôi có bổn phận bắt anh phải im.
Đó là việc tôi cố gắng. Nhưng Mã-Tư có đầu óc của Mã-Tư. Tôi không tài nào khuất phục nổi anh được.
Anh tức giận bảo tôi:
- Nếu không bằng lòng, anh cứ việc cộp vào đầu tôi đi. Nhưng anh hãy nghe tôi.
Vì thế tôi bắt buộc phải nghe những câu hỏi của anh.
“Tại sao Á-Lang, Á-Niên, Á-Ninh và bé Cát, tóc đỏ cả mà tóc tôi lại không đỏ?”
“Tại sao mọi người trong gia đình, trừ em Cát thơ dại ra, lại bạc đãi tôi như một con chó ghẻ?”
“Những người không giầu có gì lại may mặc cho con những quần áo có đăng-ten, thế là thế nào?”
Để trả lời những “tại sao” và “thế nào” của anh, tôi có những câu đáp rất hay, đồng thời cũng là những câu hỏi:
“Tại sao gia đình Điệp-Công lại tìm tôi nếu tôi không phải là con họ?”
“Tại sao vô cớ gia đình đó lại bỏ tiền ra cho Bảo-Liên và Phòng Cố vấn Pháp luật Greth and Galley?”
Về hai điểm này, Mã-Tư “trả lời” rằng anh chịu không “trả lời” được. Tuy nhiên anh vẫn không chịu thua, anh nói:
- Tôi không trả lời được những câu hỏi của anh, không phải là tôi nhầm trong những câu tôi hỏi mà chính anh cũng không trả lời được. Một người khác vào chỗ tôi, người đó có thể biết rõ tại sao quý ông Điệp-Công cần tìm anh và bỏ tiền ra với mục đích gì. Còn tôi, tôi không tìm ra được vì tôi không tinh khôn và vì tôi không biết gì là gì.
- Anh đừng nói thế. Trái lại, anh là một người rất tinh khôn.
- Nếu tôi tinh khôn, tôi đã cắt nghĩa ngay được những điều tôi cảm thấy mà không cắt nghĩa được: không, anh không phải là con gia đình đó. Một ngày kia, thế nào chuyện đó cũng vỡ tung ra. Tôi tin chắc thế. Có điều bây giờ anh cứ khăng khăng không chịu mở mắt, thành ra anh làm chậm cái ngày giải thoát đó thôi. Tôi biết cái anh gọi là tinh thần gia tộc nó ràng buộc anh, nhưng anh đừng để nó làm mê muội anh.
- Nhưng anh bảo tôi làm gì bây giờ?
- Tôi bảo chúng ta trở về Pháp.
- Không được.
- Không được vì bổn phận bắt anh phải ở với gia đình. Nhưng nếu gia đình đó không phải là gia đình anh thì nó cũng cứ giữ được anh à?
Những câu bàn cãi về loại này không đi đến đâu cả, mà còn làm tăng mối buồn của tôi. Còn có cái gì ghê gớm hơn là cái ngờ, vì tôi đã sinh ngờ.
Người cha đó phải chăng là cha tôi? Người mẹ đó phải chăng là mẹ tôi? Gia đình đó phải chăng là gia đình tôi?
Nỗi lòng nói ra càng đau. Tôi muốn ngồi yên một xó cho đỡ khổ não.
Khi tôi không có gia đình, tôi buồn tôi khóc. Khi tôi đã có gia đình rồi, ai biết rằng tôi buồn, tôi khóc hơn? Tìm đâu thấy tia sáng? Ai đem ánh sáng đến cho tôi? Bao giờ tôi mới biết sự thật?
Trước những câu hỏi đó, tôi vô cùng thất vọng. Tôi tự nghĩ giá trong lúc đêm tối này, tôi có đập đầu vào tường chăng nữa cũng không sao mở được lối ra. Thế mà ngày nào tôi cũng phải nén lòng sầu thảm để đàn, để hát, để nhăn mặt làm trò cười cho thiên hạ xem.
Những ngày chủ nhật là những ngày tốt cho tôi vì người ta không hát rong ở Luân-Đôn trong những ngày nghỉ. Những hôm đó, tôi được tự do trầm lự, tự do đi chơi với Mã-Tư và Lãnh-Nhi. Thân hình tôi thiều tụy trông không giống tôi về mấy tháng trước.
Một chủ nhật kia, khi tôi đang sửa soạn đi chơi với Mã-Tư, cha tôi bảo có việc cần đến tôi, giữ tôi ở nhà và cho Mã-Tư đi chơi một mình. Ông tôi ở nhà trên. Mẹ tôi đưa hai con gái đi chơi. Các em trai tôi cũng ra phố cả. Ở nhà chỉ còn cha tôi và tôi.
Một giờ sau, có tiếng gõ cửa. Cha tôi chạy ra mở. Lúc trở vào, có một người đàn ông theo sau. Ông khách này không giống những bạn hàng ngày của cha tôi.
Ông ta vào hạng người mà ở nước Anh thường gọi là thân sĩ, nghĩa là một nhân vật ăn mặc sang trọng, và dáng điệu cao quý. Ông khách độ năm mươi tuổi, nét mặt hơi mệt nhọc. Cái mà tôi nhận thấy trước nhất ở ông ta là cái cười nhếch đôi môi để lộ hai hàm răng trắng nhọn như gấu con. Cái đặc điểm đó làm cho người ta khi trông thấy phải tự hỏi: không biết có phải ông ta nhếch mép để cười không, hay là chực cắn?
Trong khi nói chuyện với cha tôi, thỉnh thoảng ông lại quay nhìn vào tôi. Nhưng khi gặp mặt tôi thì ông lại trông ra chỗ khác.
Nói chuyện bằng tiếng Anh một lúc, ông quay ra nói tiếng Pháp.
Ông nói rất thạo và nhanh.
Ông trỏ vào tôi và hỏi cha tôi:
- Đây là đứa trẻ mà ông đã nói chuyện với tôi? Nó coi bộ khỏe mạnh đấy.
Cha tôi bảo tôi:
- Con trả lời đi.
Ông khách lại hỏi tôi:
- Em khỏe mạnh chứ?
- Thưa ông, vâng.
- Em không bao giờ ốm chứ?
- Một lần con bị phế viêm.
- A! A! Tại sao thế?
- Vì ngủ đêm trong mưa tuyết và gió lạnh. Thầy con chết rét, còn con bị sưng phổi.
- Đã lâu chưa?
- Ba năm nay.
- Từ đó em có mắc lại chứng đó không?
- Không.
- Không mệt, không lử, không có mồ hôi đêm chứ?
- Không bao giờ có, con chỉ mệt khi nào đi nhiều, nhưng không vì thế mà ốm.
- Em chịu được mệt nhọc?
- Phải chịu.
Ông liền đứng dậy lại chỗ tôi, ông nắn cánh tay tôi, đặt tay trên tim tôi, rồi áp đầu vào lưng, vào ngực tôi, bảo tôi thở mạnh như người chạy nhiều. Ông cũng bảo tôi ho cho ông xem nữa.
Khám xong, ông nhìn thẳng vào mặt tôi hồi lâu, ông mỉm cười, cái cười ghê sợ, tôi tưởng ông sắp cắn tôi.
Không hỏi tôi nữa, ông về chỗ, tiếp tục nói chuyện với cha tôi bằng tiếng Anh. Vài phút sau, hai người đưa nhau ra, không đi cửa trước mà bằng lối cửa sau nhà để xe.
Ngồi một mình, tôi nghĩ mãi không hiểu ông khách hỏi tôi thế để làm gì. Ông muốn dùng tôi làm người hầu chăng? Như vậy tôi phải xa Mã-Tư và Lãnh-Nhi. Không đời nào tôi chịu đi làm đầy tớ ai, không phải tôi sợ ông thân sĩ có vẻ độc ác kia, nhưng nếu có người tử tế khác cần đến, tôi cũng không làm.
Một lúc sau, cha tôi trở về, bảo có việc bận phải đi và tôi có thích thì cứ đi chơi. Tôi không thích, nhưng ở nhà làm gì bây giờ. Đi chơi còn hơn là ở nhà ngồi buồn.
Nhân trời mưa, tôi vào xe tìm chiếc áo da cừu. Tôi giật mình thấy Mã-Tư nằm trong xe! Tôi định hỏi, anh lấy tay bịt mồm tôi lại và nói sẽ:
- Anh mở cửa sau, đi trước đi. Tôi sẽ yên lặng theo sau. Đừng để người ta biết tôi vẫn nằm trong xe.
Chúng tôi ra phố, đi một quãng xa rồi Mã-Tư mới dám nói chuyện.
Anh nói:
- Anh có biết ban nãy ai đến nói chuyện với cha anh không? Ông Mỹ-Giang, chú của An-Tuyên bạn anh đấy.
Tôi sững người ra giữa phố. Anh cầm tay tôi dắt đi và nói tiếp:
- Vì tôi đi chơi một mình thấy phố buồn và ngày chủ nhật buồn quá. Tôi lộn về và lên giường ngủ. Nhưng tôi không ngủ được. Chợt thấy cha anh và ông khách tự nhiên vào nhà để xe. Tôi không chú ý và nghe thoáng thấy ông thân sĩ nói rằng:
“Nó rắn chắc như đá. Sưng phổi, mười đứa khác phải chết, thế mà nó sống”.
Biết là nói chuyện anh, tôi liền chú ý, nhưng câu chuyện lại sang vấn đề khác. Cha anh bảo ông khách:
“Bệnh tình cháu ông thế nào? – Khá, lần này có cơ thoát. Đã ba tháng nay, thầy thuốc đều chê cả. Mẹ nó đã hết lòng săn sóc và cứu được nó. Bà Mỹ-Lưu thực là một người mẹ hy sinh vì con”.
Anh coi: Nghe đến tên bà Mỹ-Lưu, tôi giật mình và cố lắng tai.
Cha anh hỏi tiếp:
“Nếu cháu ông không việc gì thì mọi đề phòng của ông thành ra vô ích cả à? – Ông khách đáp: trong lúc này thì thế, nhưng tôi không tin rằng An-Tuyên sống. Nếu nó sống thì chẳng là một ‘phép mầu’ đó sao! Trong đời này không còn ‘phép mầu’ nữa. Sau này nó chết, phải tránh mọi trở ngại để người độc nhất thừa kế phải là Mỹ-Giang mới được”.
Cha anh nói:
“Xin ông yên tâm. Việc đó tôi xin cam đoan giúp đỡ ông”.
Thân sĩ nói:
“Tôi rất trông cậy vào ông”.
Rồi ông ta nói thêm nhiều tiếng mà tôi không hiểu rõ, đại khái là:
“Hiện thời, ta phải xử trí khoản đó”.
Thế rồi ông ta ra về.
Nghe xong câu chuyện, tôi chực chạy luôn về hỏi cha tôi cái địa chỉ của ông Mỹ-Giang để viết thư hỏi thăm bà Mỹ-Lưu và cậu An-Tuyên. Nhưng tôi nghĩ ngay ra đó là một việc làm rất khờ dại. Tìm đến người đang mong cho cháu mình chết mà hỏi tin tức đứa cháu đó, có phải ngu không? Vả lại làm thế có phải là tự tố giác mình là người đã đi nghe trộm không!
An-Tuyên còn sống và đã bình phục! Hiện thời chỉ một tin đó cũng đủ làm cho tôi mừng lắm rồi.