Chương XXXVI
Tác giả: Hector Malot
Đến chập tối chúng tôi mới trở về bãi Hồng-Sư. Suốt ngày chúng tôi quanh quẩn ở công viên nói chuyện với nhau. Chúng tôi đã dùng một tấm bánh mì để thay bữa ăn trưa. Lúc đó, cha tôi đã về rồi và mẹ tôi cũng đã khỏi mệt. Cha và mẹ tôi chẳng ai kêu chúng tôi bỏ nhà đi chơi cả ngày. Mãi sau bữa chiều, cha tôi mới ngỏ ý, muốn nói chuyện với hai chúng tôi. Cha tôi đưa chúng tôi đến chỗ lò sưởi. Ông tôi lại càu nhàu, quá bảo thủ phần lửa của mình thành ra dã man.
Cha tôi hỏi:
- Các con ở Pháp làm gì để kiếm ăn?
Tôi kể lại cách mưu sinh của tôi ở Pháp.
- Như vậy các con có bao giờ lo chết đói không?
Mã-Tư quả quyết đáp:
- Không bao giờ, không những chúng tôi đủ ăn mà còn có tiền mua được một con bò nữa.
Rồi đến lượt anh Mã-Tư, anh kể chuyện mua bò.
Cha tôi bảo:
- A! Thế các con là tài tử cả. Thử diễn qua tài nghệ ta xem.
Tôi lấy thụ-cầm ra gẩy một bài, bài đó không phải là bài Tình ca Ý.
Cha tôi nói:
- Tốt. Tốt lắm, còn Mã-Tư biết nghề gì?
Mã-Tư liền kéo một bài vĩ-cầm và thổi một bài kèn. Các em trai, em gái tôi đứng vây lấy chúng tôi trố mắt nhìn, nghe bài kèn lấy làm thú vị, vỗ tay khen.
- Còn Lãnh-Nhi làm được trò gì? Chắc không phải là các con nuôi để chơi. Tất nó cũng có ít nhiều tài để sinh sống được?
Tôi hết sức khoe khoang tài nghệ của nó để đề cao giá trị của nó và cũng để làm vẻ vang cho thầy tôi, ông Vỹ-Tiên. Tôi bảo nó diễn một trò vui. Các em trai, em gái tôi lại được dịp reo cười vui thích.
Cha tôi nói:
- Con chó này, thực là một kho tiền!
Đáp lời khen đó, tôi khoe thêm rằng con Lãnh-Nhi này rất thông minh dạy gì nó làm được ngay, cả đến những điều con chó khác chịu không sao học được mà nó vẫn làm được một cách dễ dàng.
Cha tôi dịch câu nói đó ra tiếng Anh. Và hình như nói thêm gì nữa, tôi không hiểu, những câu đó làm cho mọi người cười ồ lên: mẹ tôi, các em trai, em gái tôi và cả ông nội. Ông tôi cứ nháy nháy mắt và nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Fine dog”, nghĩa là con chó đẹp. Nhưng con Lãnh-Nhi không thấy đắc chí hơn.
Cha tôi nói tiếp:
- Nếu vậy thì ta định thế này. Nhưng trước hết Mã-Tư cần phải cho biết có muốn ở lại nước Anh và bằng lòng ở đây với chúng ta không?
Mã-Tư có tính giảo hoạt mà anh vẫn không tưởng đến. Anh đáp:
- Tôi muốn ở với anh Minh và anh Minh đi đâu tôi cũng xin đi.
Cha tôi hiểu sao được hàm súc trong câu nói của Mã-Tư, nên tỏ ra rất mãn ý.
Cha tôi nói:
- Nếu như vậy, ta trở lại ý định của ta. Nhà ta không giầu, chúng ta phải lại việc để kiếm ăn. Về mùa hè, chúng ta phải đi khắp nước Anh để đem hàng đến tận nơi cho những khách không có thì giờ đi mua. Nhưng về mùa đông, chúng ta không có mấy việc để làm. Vậy trong thời gian ta còn ở Luân-Đôn, Lê-Minh và Mã-Tư có thể đi đánh đàn trong các phố. Ta chắc kiếm ăn khá được vì gần đến ngày lễ Giáng-Sinh rồi. Nhưng ở đời này, không nên lãng phí, Lãnh-Nhi sẽ đi với Á-Lang và Á-Niên để diễn trò.
Tôi vội kêu:
- Lãnh-Nhi cần phải đi với con mới làm được việc. Con phải rời nó thì không tiện.
- Con cứ yên tâm. Nó sẽ học làm việc với Á-Lang và Á-Niên. Chia ra như thế, các con sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
- Nhưng con chắc chắn là nó không thể thành công được, mà rồi Mã-Tư và con cũng kiếm sút đi. Đi với Lãnh-Nhi, chúng con có thể thu được nhiều tiền hơn.
Cha tôi bảo:
- Nói thế là đủ. Khi ta bảo điều gì, điều đó phải được thi hành và ngay tức khắc. Đó là luật lệ của nhà này. Ta muốn rằng con phải tuân lời như các người khác.
Cãi sao được nữa. Tôi đành im lặng. Cái mộng sung sướng, tôi từng mơ tưởng cho tôi và cho Lãnh-Nhi nay đành tiêu tan cả. Chúng tôi sắp phải chia rẽ nhau. Buồn cho Lãnh-Nhi và buồn cho tôi biết bao!
Chúng tôi về xe để ngủ. Đêm đó cửa xe không bị khóa nữa.
Tôi vừa nằm xuống giường, Mã-Tư ghé vào tai tôi nói nhỏ:
- Anh đã thấy chưa? Cái người mà anh gọi là cha, không những cần có “nhiều trẻ con” để làm việc, lại cần cả những con chó nữa. Bây giờ anh đã mở mắt ra rồi đấy chứ? Sáng mai, chúng ta phải viết thư cho bà Bảo-Liên ngay đi.
Nhưng sáng hôm sau, tôi phải cắt nghĩa cho Lãnh-Nhi. Tôi ôm nó vào lòng, áp má vào đầu nó, bảo cho nó biết công việc bây giờ phải như thế và tôi mong nó chịu khó. Con chó đáng thương kia, nó nhìn tôi, nghe tôi rất chăm chú! Khi tôi trao dây cho Á-Lang, tôi lại dặn dò một lần nữa, nó thông minh và dễ bảo quá, nó buồn rầu lẳng lặng theo hai anh em Á-Lang không kháng cự gì.
Còn Mã-Tư và tôi, cha tôi muốn đích thân đưa chúng tôi đi đến những phố có thể kiếm được nhiều tiền, chúng tôi đi qua khắp thành phố Luân-Đôn để đến một khu phố phong phú nhất, có những dinh thự tráng lệ, những lâu đài nguy nga, những hoa viên thanh thú. Trong những phố đẹp, hè rộng đó, không có những người rách rưới xanh xao, toàn những thiếu phụ xinh tươi, áo quần rực rỡ, những xe ngựa sơn bóng như gương, những con ngựa đẹp và những người đánh xe to béo. Mãi đến tối mịt, chúng tôi mới về đến nhà, vì từ phố Went-End đến xóm Hồng-Sư xa quá, tôi mừng rỡ trông thấy Lãnh-Nhi, lấm láp nhưng vui vẻ.
Tôi lấy rơm lau chùi cho chó, lấy chiếc áo da cừu quấn cho nó rồi đặt nó vào giường tôi. Trong hai kẻ, nó và tôi, ai sung sướng hơn cả? Điều đó khó trả lời được.
Hơn hai tuần, chúng tôi cứ làm việc như thế. Sáng, Mã-Tư và tôi, chúng tôi đi đánh đàn rong hết phố này đến phố khác, đến chiều lại về. Còn Lãnh-Nhi thì theo Á-Lang và Á-Niên diễn trò. Nhưng một buổi tối kia, cha tôi bảo anh em Á-Lang phải ở nhà có việc, chúng tôi có thể đem Lãnh-Nhi cùng đi được. Chúng tôi sung sướng quá. Mã-Tư và tôi bảo nhau phải cố kiếm nhiều tiền hơn mọi ngày để từ sau được đưa Lãnh-Nhi đi mãi. Là việc tranh thủ lại con Lãnh-Nhi, chúng tôi không hề tiếc công tiếc sức.
Sáng hôm sau, chúng tôi chải chuốt sạch sẽ cho Lãnh-Nhi. ăn sáng xong, chúng tôi lên đường tìm đến những phố có nhiều quý khán quan ăn tiêu rộng mà chúng tôi đã biết. Muốn thế, chúng tôi phải đi khắp thành phố Luân-Đôn từ đông sang tây và qua những phố Old; phố Holborn và phố Oxford.
Không may cho dự định của chúng tôi, đã hai hôm nay sương mù không ngớt, bầu trời Luân-Đôn bao phủ một lớp hơi nước nhuộm mầu da cam. Trên các đường phố lửng lơ những đám khói xám làm cho khách đi đường dù chỉ cách nhau mấy bước cũng không nhìn rõ được. Người ta ít ra ngoài. Đứng sau cửa sổ, người ta nghe được tiếng đàn, tiếng hát nhưng người ta không nhìn thấy Lãnh-Nhi. Người ta không nhìn thấy Lãnh-Nhi làm sao mà ra tiền được? Bực quá, Mã-Tư chưởi cả sương, thứ sa mù khốn nạn đã ngăn trở mình, không ngờ trong lát nữa chính tấm màn sương khó chịu đó rất có ích cho cả ba chúng tôi.
Chúng tôi đi nhanh, Lãnh-Nhi theo sau. Thỉnh thoảng tôi gọi một tiếng để nó khỏi lạc, cho nó đi tự do như thế còn chắc chắn hơn là cầm dây.
Chúng tôi tới phố Holborn, ai cũng biết là một phố buôn bán sầm uất nhất Luân-Đôn. Chợt tôi không thấy Lãnh-Nhi theo chân tôi nữa. Nó đi đâu rồi? Thực là một sự hãn hữu.
Tôi liền đứng ở đầu một ngõ con để đợi. Tôi huýt sáo để gọi nó vì sương dầy quá không trông xa được. Đợi mãi, tôi đã sinh buồn, sợ ai trộm bắt nó rồi, chợt Lãnh-Nhi ở đâu sầm sầm chạy lại, miệng ngậm một đôi bít-tất len và ve vẩy đuôi. Nó chồm lại, hai chân trước bá lấy tôi giơ đôi bít-tất cho tôi và đợi được khen thưởng. Nó có vẻ đắc chí như người vừa làm được công chuyện gì rất khó khăn. Tôi đứng trơ ra không hiểu gì, thình lình Mã-Tư giật phắt lấy đôi bít-tất và cầm tay tôi kéo vào trong ngõ.
Anh bảo tôi:
- Chúng ta đi nhanh lên nhưng đừng chạy.
Một lúc lâu, anh mới bảo tôi tại sao chúng tôi phải tiến vào lối ấy.
Anh nói:
- Lúc nãy tôi cũng kinh ngạc như anh, đang nghĩ đôi bít-tất đó ở đâu ra, chợt có tiếng người đàn ông kêu: “có kẻ cắp, nó đâu rồi?” Kẻ cắp chính là Lãnh-Nhi, anh có hiểu không? Nếu không có sương mù thì chúng ta đã bị bắt giam như những kẻ cắp rồi còn gì!
Tôi hiểu lắm. Tôi tức nghẹn lại, không nói lên được. Người ta đã luyện con Lãnh-Nhi, con Lãnh-Nhi ngay thẳng thành một con chó đi ăn cắp.
Tôi bảo anh Mã-Tư:
- Chúng ta trở về đi. Buộc dây vào cổ nó mà dắt.
Mã-Tư không nói câu gì hơn nữa. Chúng tôi bước nhanh về xóm Hồng-Sư. Đến nhà, cha mẹ và con cái đang mải gấp vải quanh bàn. Tôi ném đôi bít-tất mới vào bàn. Á-Lang và Á-Niên cười ầm lên.
Tôi nói:
- Đây là đôi bít-tất mà con Lãnh-Nhi vừa ăn cắp được, vì người ta đã dạy nó ăn cắp. Con tưởng dạy thế để chơi thôi.
Tôi nói giọng run run nhưng không kém phần cương quyết.
Cha tôi hỏi:
- Nếu dạy thế không phải để chơi thì mày làm gì? Nói cho ta nghe.
- Con sẽ lấy dây buộc cổ nó. Mặc dầu con thương nó, con quyết dìm nó xuống sông Ta-Mi nếu nó còn làm thế. Con không muốn con Lãnh-Nhi thành kẻ cắp và con cũng không muốn cả con là đứa ăn cắp. Nếu mai mốt việc đó xẩy đến cho con, con quyết sẽ gieo mình xuống sông theo Lãnh-Nhi ngay lập tức.
Cha tôi trông thẳng mặt tôi, giận dữ, trợn mắt nhìn để áp bức tôi. Tôi cũng giương mắt nhìn lại. Nét mặt cha tôi bỗng dịu dần. Cha tôi bảo:
- Con nói phải đấy, dạy thế để chơi thôi. Muốn cho việc đó không xẩy ra nữa, từ nay cho Lãnh-Nhi đi kèm với con.