Chương XXXI
Tác giả: Hector Malot
Đêm đó tôi ngủ ít quá. Trên cái giường cũ yêu quý của tôi, ngày còn nhỏ, đã bao lần tôi thấy sung sướng được nằm êm ấm dưới cái chăn đắp đến cằm không buồn dậy! Đã bao lần khi tôi ngủ ngoài trời, nằm dưới ánh sao! Than ôi: Những sao đó không phải bao giờ cũng sáng, và cũng đã bao lần gió đêm rét đến tận xương, sương sớm buốt cắt thịt! Vì thế tôi vẫn nhớ đến cái chăn êm ấm kia!
Đêm đó đặt mình xuống là tôi ngủ ngay vì cái nhọc phải đi ban ngày và nhất là cái đêm phải nằm ở nhà lao. Nhưng chẳng bao lâu tôi chợt thức giấc rồi không sao nhắm mắt được nữa: lòng tôi bồi hồi, xao xuyến quá. Tôi có một gia đình.
Khi tôi nghĩ đến gia đình đó, dần dần tôi thiếp đi. Trong khoảng thời gian ngắn tôi chợp mắt ấy, tôi chiêm bao thấy một gia đình, nào cha, nào mẹ, nào anh em, nào chị em. Trong mấy phút, tôi sống với những người mà tôi không quen biết bao giờ, với những người mà tôi trông thấy lúc đó là lần thứ nhất. Mà kỳ diệu thay! Mã-Tư, Lệ-Hoa, bà Bảo-Liên, bà Mỹ-Lưu, cậu An-Tuyên đều có mặt trong gia đình và ông Vỹ-Tiên là cha tôi. Thầy tôi đã sống lại. Thầy tôi giàu lắm. Con Hiệp-Nhi, con Thùy-Nhi cũng ở đó, không phải chúng nó bị chó sói ăn thịt. Tôi tưởng ít có một giấc mơ trong một thời gian ngắn, người ta đã sống lại bao nhiêu năm qua và người ta đã đi bao nhiêu đường đất. Ai cũng nhận thấy lúc tỉnh dậy, cái ảo giác vẫn còn sức mạnh và in sâu vào óc người ta. Vì thế, khi tôi thức dậy. Tôi còn rõ mặt tất cả những người mà tôi vừa mê thấy, hình như tôi mới cùng ngồi với họ buổi chiều hôm trước. Lẽ tất nhiên, tôi không sao ngủ được. Nhưng dần dần những ảo giác trong giấc mơ nhạt dần, sự thật lại hiện ra trong óc tôi làm cho tôi tỉnh táo hơn trước.
Gia đình tôi đang tìm tôi!
Tôi muốn gặp gia đình tất nhiên phải nhờ đến Bảo-Liên. Ý nghĩ đó làm tôi kém vui. Nếu Bảo-Liên không dính dáng vào việc này có phải sung sướng cho tôi biết bao không. Tôi quên sao được những lời Bảo-Liên đã nói với ông Vỹ-Tiên năm xưa trong lúc bán tôi: “Nếu tôi không nghĩ đến cái lợi đó thì hơi đâu tôi rước nó về”. Ngay từ hồi đó, tôi đã có cảm tưởng rất xấu đối với Bảo-Liên.
Không phải vì thương tôi mà Bảo-Liên “nhặt” tôi ở ngoài phố, cũng không phải vì thương tôi mà Bảo-Liên rước tôi về nuôi, chính vì tôi được bọc trong những tấm khăn đẹp, chính vì một ngày kia cha mẹ tôi đến tìm thì có lợi. Cái ngày hy vọng đó đến chậm quá, nên Bảo-Liên mới đem bán tôi cho ông Vỹ-Tiên, bây giờ lại sắp sửa bán cho cha tôi. Tính nết ông chồng và bà vợ cách nhau một vực một trời. Bà Bảo-Liên thương tôi không phải vì tiền. A! Giá mà tôi có thể tìm được phương kế gì khiến có lợi cho bà và truất phế được Bảo-Liên thì hay quá!
Tôi trằn trọc trên giường hàng giờ mà nghĩ mãi không ra. Chịu, không có kế gì cả. Buồn quá! Bảo-Liên sẽ đưa tôi về cho cha mẹ tôi, Bảo-Liên sẽ được ơn, sẽ được thưởng công.
Sau cùng, tôi nghĩ nữa vì không thể làm thể nào khác được. Đành ghi gói trong lòng và đợi khi nào khá giả tôi sẽ cảm ơn và trả ơn bà Bảo-Liên.
Hiện giờ, tôi phải theo rõi Bảo-Liên nghĩa là tôi phải đi tìm ông ta, vì ông ta không phải như những người chồng khác đi đâu xa phải cho vợ biết chỗ để thăm hoặc tìm, nếu cần đến. Bà Bảo-Liên cho biết ông chồng đi Ba-Lê, có thế thôi. Từ ngày ông ta đi không hề có viết thư về và cũng không nhắn ai cả, mặc dầu vẫn có người làng làm ở Ba-Lê về quê luôn. Chú ý đến gia đình không phải là nết của ông ta.
Ông ta ở đâu bây giờ? Trọ nhà ai? Bà không biết đích xác để gởi thư. Bà chỉ biết tên hai, ba chủ nhà trọ ở phố Mục-Tảo mà chồng bà thường lui tới.
Vì vậy tôi phải thân hành đi Ba-Lê để tìm người đang tìm tôi. Có một gia đình, thực là một tin vui mừng lớn mà tôi không ngờ đến, nhưng cái vui vẫn còn trắc trở do hoàn cảnh gây nên.
Tôi vẫn tưởng khi về Văn-Ông, tôi sẽ ở lại vài hôm, sung sướng bên cạnh bà Bảo-Liên và cùng anh Mã-Tư chơi đùa như ngày tôi còn nhỏ, nào ngờ sáng hôm sau chúng tôi sẽ phải lên đường.
Trước tôi định thăm bà Bảo-Liên xong, tôi đi ra bờ biển ở Yến-Nam thăm cô Yến-Chi. Bây giờ đành phải bỏ cuộc du hành đó, tôi rất tiếc không được gặp cô, một người chị đã săn sóc và yêu thương tôi.
Sau khi thăm cô Yến-Chi, tôi sẽ đến Mộc-Văn cho cô Lệ-Hoa biết tin tức anh và chị cô. Bây giờ đành phải bỏ cả, không được gặp Lệ-Hoa cũng như Yến-Chi.
Suốt đêm hôm đó tôi trằn trọc không ngủ được, lúc tôi nghĩ không nên bỏ Yến-Chi và Lệ-Hoa, lúc tôi nghĩ trái hẳn lại, nên về ngay Ba-Lê để sớm gặp gia đình tôi. Tôi chưa quyết định bề nào thì tôi ngủ đi mất. Đêm đó, đáng lẽ là một đêm êm ái, sung sướng nhất đời tôi, lại thành ra một đêm bứt rứt và xao xuyến nhất mà tôi còn nhớ mãi.
Sáng dậy, cả ba người: bà Bảo-Liên, Mã-Tư và tôi hội họp bên cạnh lò sưởi, chung quanh những chén sữa nóng, bàn bạc về việc của tôi. Tôi phải làm thế nào bây giờ? Tôi liền đem những nỗi phiền não, sự phân vân của tôi ra hỏi ý kiến bà Bảo-Liên và Mã-Tư.
Bà Bảo-Liên nói:
- Con phải đi ngay Ba-Lê, cha mẹ con đang tìm. Không nên để cha mẹ con phải đợi lâu.
Rồi bà viện nhiều lý lẽ và giải thích cho tôi nghe. Tôi cho bà nói rất phải.
Tôi nói:
- Thế thì con phải đi Ba-Lê.
Mã-Tư ngồi im không nói gì, và trông có vẽ lạnh lẽo.
Tôi liền hỏi anh:
- Anh thấy rằng tôi không nên đi Ba-Lê, sao anh không cho biết lý do như mẹ tôi vừa nói?
Anh lắc đầu.
Tôi nói:
- Trong lúc tôi bối rối thế này, anh cũng nên góp ý kiến giúp tôi.
Lúc đó, anh mới nói:
- Tôi nghĩ rằng những ngày mới không nên làm lu mờ những người cũ. Cho đến ngày nay, gia đình anh là Lệ-Hoa, Yến-Chi, là An-Sinh và Bằng-Mai, đó là anh em và chị em của anh. Những người ấy đã quyến luyến yêu thương anh. Bây giờ một gia đình mới hiện ra. Gia đình này anh không biết và đã chẳng làm gì cho anh hơn là việc vứt anh ra ngoài đường. Đùng một cái, anh bỏ rơi những người đã tử tế với anh để theo những người chưa biết tử tế hay không nhưng đã thấy vẻ không tốt. Tôi cho rằng như thế không là công bình.
Bà Bảo-Liên ngắt lời Mã-Tư:
- Không nên đổ cho cha mẹ Lê-Minh vứt bỏ con mình như thế đâu! Có lẽ Lê-Minh bị người ta bắt trộm. Cha mẹ Lê-Minh đã thương nhớ và ngay từ ngày ấy đã cho người ta đi tìm.
- Tôi không biết. Tôi chỉ biết ông An-Thanh đã nhặt anh Minh hấp hối ở cổng ngoài, đem về cứu chữa và nuôi nấng như con đẻ và các con ông ấy An-Sinh, Bằng-Mai, Yến-Chi và Lệ-Hoa cũng thân yêu anh Minh như tình ruột thịt. Tôi có thể nói rằng những người đã nuôi anh Minh – trừ bà ra – cũng có quyền nhận lòng cảm mến của anh cũng như những người hoặc định tâm hoặc vô ý đã để mất anh. Ở gia đình ông An-Thanh mà tôi biết, mối tình của mọi người yêu thương anh là một tình thành thực phát tự đáy lòng. Đối với anh Minh, họ không có bổn phận gì cả.
Trong khi nói những câu đó, anh hầm hầm tức giận, không nhìn tôi và cũng không nhìn bà Bảo-Liên. Tôi rất buồn, nhưng xét ra những điều anh nói không phải là không hợp lý. Vả lại tôi là người có tính do dự, thường hay về phe với người nào nói cuối cùng.
Tôi nói:
- Anh Mã-Tư nói phải. Nhưng không phải là vô tình mà định đi Ba-Lê trước khi tôi đến thăm Yến-Chi và Lệ-Hoa.
Bà Bảo-Liên nhắc lại:
- Nhưng còn cha mẹ con!
Tôi quyết định bề nào, bèn hòa giải như sau:
- Chúng ta không thể đi thăm Yến-Chi được vì thế thì lâu quá. Vả lại Yến-Chi biết đọc và viết, chúng ta biên thư cho cô vậy. Nhưng trước khi đi Ba-Lê, chúng ta hãy rẽ vào Mộc-Văn ở Đơ-Di thăm cô Lệ-Hoa. Việc này làm cho ta chậm, nhưng không đến nỗi chậm lắm. Vì Lệ-Hoa không biết viết nên tôi quyết vì Lệ-Hoa mà định cuộc hành trình đó. Gặp cô tôi sẽ kể chuyện của An-Sinh. Bây giờ tôi viết thư và bảo cô Yến-Chi trả lời tôi về địa chỉ Mộc-Văn, tôi sẽ đọc thư của cô Yến-Chi cho cô Lệ-Hoa nghe.
Mã-Tư tươi cười nói:
- Hay lắm!
Chúng tôi nhất định sáng hôm sau khởi hành. Rồi cả buổi sáng, tôi ngồi viết thư cho Yến-Chi, cắt nghĩa cho cô biết tại sao tôi không đến thăm cô được như lòng tôi hằng mong.
Đến sáng hôm sau, lại một lần nữa, tôi chịu cái sầu biệt ly ở ngôi nhà này. Nhưng không đến nỗi đau khổ như ngày tôi rời làng Văn-Ông để theo ông Vỹ-Tiên. Tôi có thể hôn từ biệt bà Bảo-Liên và hứa một ngày kia sẽ cùng cha mẹ tôi tới thăm bà.
Suốt cả buổi chiều hôm trước, chúng tôi chỉ có một việc bàn sẽ nên biếu bà một vật kỷ niệm gì cho phải: tôi chả sắp trở nên giàu có là gì?
- Lê-Minh, con ơi! Không còn vật gì quý hơn con bò của con nữa.
- Tất cả những tiền của con cho ta khi con giầu có không làm cho ta sung sướng hơn và không thể nào bằng những vật cho ta lúc còn hàn vi.
Còn con bò nhỏ của chúng tôi nữa, chúng tôi cũng phải từ giã nó. Mã-Tư vuốt ve đầu nó mãi, con bò như cũng hiểu biết thè lưỡi liếm tay anh.
Đàn, túi lên vai, chúng tôi ra đi, Lãnh-Nhi chạy trước chúng tôi. Chúng tôi vui chân bước đều trên đường cái. Không hiểu sao thỉnh thoảng tôi lại rảo bước. Mã-Tư theo tôi một lúc rồi gọi tôi, anh bảo:
- Nếu cứ đi nhanh thế này thì không bao lâu, chúng ta không còn sức mà đi nữa.
Tôi đi chậm lại được một lúc rồi lại quen chân bước dài.
Mã-Tư vẻ mặt rầu rầu, hỏi tôi:
- Anh đi vội thế?
- Phải. Tôi tưởng anh cũng thích đi vội vì gia đình tôi là gia đình anh.
Anh lắc đầu. Tôi rất buồn nhìn bộ điệu đó mà tôi đã nhận thấy nhiều lần từ khi anh biết tôi có gia đình.
- Hai chúng ta chả phải là anh em hay sao?
- Ô! Giữa chúng ta thì như thế vì tôi không ngờ vực lòng anh, hôm nay tôi là em anh, ngày mai tôi vẫn là em anh. Điều đó tôi đã tin chắc và đã cảm thấy.
- Nhưng sao?
- Nhưng tại sao anh lại muốn tôi là anh em với các anh em anh, nếu anh có và là con của cha và mẹ anh?
- Vậy thì nếu tôi về Lục-Ca, tôi không phải là anh của Tuyết-Nga, em gái anh hay sao?
- Có lắm chứ!
- Vậy sao anh lại không muốn là anh em với anh, chị em tôi, nếu tôi có?
- Bởi vì không giống nhau, giống thế nào được, giống thế nào được.
- Về phương diện gì thế?
Mã-Tư nói:
- Vì tôi không được bọc trong những cái tả đẹp.
- Cái đó có “làm gì”?
- “Làm gì” lắm chứ. “Làm gì” nhiều chứ! Anh thử nghĩ mà xem. Nếu anh về Lục-Ca – nhưng bây giờ tôi trông thấy không bao giờ anh đi được – anh sẽ được những người nghèo tức là cha mẹ tôi mừng rỡ đón tiếp vì họ cũng nghèo như anh bây giờ. Nhưng nếu những cái tã đẹp nói thực, nếu lời đoán, bà Bảo-Liên đoán đúng và điều đó tất nhiên đúng, thì cha mẹ anh là những người giầu có và có lẽ sang trọng nữa. Còn tin sao được những người đó đón tiếp niềm nở một đứa trẻ khốn nạn như tôi?
- Còn tôi là cái gì, nếu tôi không phải là đứa trẻ khốn nạn như anh?
- Bây giờ thì thế. Nhưng mai kia anh sẽ là con nhà giầu sang, tôi sẽ vẫn là đứa trẻ khốn nạn như hôm nay. Người ta sẽ cho anh đi học, tìm thầy dạy cho anh. Còn tôi, tôi sẽ thui thủi một mình tiếp tục lang thang nay đây mai đó. Lúc đó, không biết anh còn nhớ đến tôi không? Lê-Minh còn nhớ đến Mã-Tư không?
- Ồ! Anh Mã-Tư thân mến, sao anh lại nghĩ vậy?
- Tôi nghĩ sao nói vậy. Vì thế, tôi không được hoàn toàn sung sướng trong sự vui thích của anh, nhất là vì chúng ta sắp phải xa cách nhau. Anh Minh ơi! Anh có biết đã bao lần tôi tưởng tượng, tôi mơ ước chúng ta sẽ sống với nhau suốt đời như bây giờ. Ồ! Nhưng không phải như bây giờ là những kẻ hát và diễn trò rong khốn nạn. Chúng ta cùng nhau học hỏi thêm, chúng ta sẽ trở nên những nhạc sĩ xứng đáng, có thể trổ tài trên những vũ đài xứng đáng và không bao giờ lìa nhau.
- Anh Mã-Tư ơi! Nguyện ước của anh vẫn không uổng. Nếu cha mẹ tôi giầu là giầu để cho tôi và cho anh. Nếu người ta cho tôi đi học, anh cũng sẽ đi học với tôi. Chúng ta ở bên nhau và học tập với nhau. Chúng ta không rời nhau, chúng ta đều lớn lên, và chung sống với nhau như ý muốn và cũng như lòng tôi mong ước một cách nhiệt liệt như anh. Tôi xin nói chắc với anh như thế.
- Anh phải biết lòng anh cũng mong ước như thế nhưng anh không phải là chủ gia đình như bây giờ anh là đoàn trưởng.
- Đây, anh hãy nghe tôi: nếu cha mẹ tìm tôi, tức là người thương tôi, phải không anh? Người thương tôi, người sẽ yêu tôi. Nếu người yêu tôi, người sẽ không nỡ từ chối những điều tôi xin. Và tôi sẽ xin những gì? Không ngoài việc trả ơn những người đã cứu vớt tôi, thương yêu tôi khi tôi bơ vơ lạc lõng: đó là bà Bảo-Liên, ông An-Thanh cùng các con ông là Yến-Chi, An-Sinh, Bằng-Mai, Lệ-Hoa và anh nữa. Ông An-Thanh sẽ được giúp đỡ để ra thoát chốn lao tù. Lệ-Hoa sẽ được cha mẹ tôi đưa về nuôi, chữa bệnh và cho đi học. Còn anh, anh sẽ học cùng một trường với tôi. Tôi tin rằng mọi việc sẽ được thực hành như thế. Nếu cha mẹ tôi giầu, tôi rất lấy làm thích vì cha mẹ tôi giầu là để gây dựng cho chúng ta.
- Về phần tôi, tôi thích cho cha mẹ anh nghèo.
- Anh ngu lắm.
- Có lẽ đúng.
Rồi anh không nói gì nữa, quay lại gọi Lãnh-Nhi. Lúc đó đến giờ nghỉ để ăn bữa sáng. Anh bế con chó lên tay nói chuyện với nó như với người:
- Có phải không? Lãnh-Nhi cũng thích cho cha mẹ Lê-Minh nghèo, phải không?
Nghe nhắc đến tên nó, Lãnh-Nhi nhẩy xuống kêu kít kít và để chân trước vào ngực.
- Với cha mẹ nghèo, chúng ta tiếp tục sống cuộc đời tự do, chúng ta tha hồ muốn đi đâu thì đi, và chúng ta chỉ lo có một việc làm sao cho các “quý khán giả” của chúng ta được vui thích.
- Ẳng ẳng!
- Trái lại, với cha mẹ giầu, Lãnh-Nhi sẽ bị nhốt vào một cái chuồng ở trong sân và chắc chắn là phải mang xích, cái xích mạ kền, nhưng cũng là cái xích, bởi vì những con chó không được phép vào những căn phòng lịch sự.
Tôi lấy làm giận Mã-Tư lắm, sao anh lại chúc cha mẹ tôi nghèo, đáng lẽ anh phải chia sẻ niềm vui của tôi, cầu nguyện cho giấc mộng của tôi thực hiện mới phải. Nhưng nghĩ lại, tôi rất lấy làm sung sướng nhận ra và hiểu thấu nguyên do nỗi buồn của anh – đó là một tình bạn chân thành, đó là cái đau đớn của cuộc phân ly sắp tới. Nếu chỉ vì thế mà anh buồn thì tôi nỡ nào lại trách anh vì anh đã biểu lộ lòng quyến luyến, dạ yêu thương tôi. Mã-Tư đã quyến luyến tôi, anh chỉ nghĩ đến tình yêu thương, anh không muốn chúng tôi phải xa rời nhau.
Nếu chúng tôi không phải kiếm tiền độ nhật, thì mặc Mã-Tư kêu ca, tôi cũng cứ đi nhanh. Nhưng chúng tôi phải dừng lại ở các làng lớn mà chúng tôi đi qua để diễn trò. Và trong khi chờ đợi cha mẹ tôi chia sẻ tiền bạc cho chúng tôi, chúng tôi hãy cứ tạm nhặt đó đây từng đồng xu nhỏ, kiếm một cách khó khăn và ưa may.
Thành ra từ Văn-Ông đến Mộc-Văn đi mất rất nhiều thì giờ hơn là chúng tôi đã tính trước. Vả lại, ngoài việc ăn hằng ngày, còn một lý do nữa khiến chúng tôi phải cố kiếm tiền thêm cho thực nhiều. Tôi không quên câu nói của bà Bảo-Liên, khi nhận bò đã bảo tôi:
“Tất cả những của cải con cho khi giầu có, không làm ta sung sướng bằng những vật con cho lúc con hàn vi”.
Và tôi cũng muốn cô bé Lệ-Hoa của tôi cũng được sung sướng như bà Bảo-Liên. Tôi sẵn lòng chia sẻ phú quý cho Lệ-Hoa. Nhưng trong khi chờ đợi, nhưng trước khi tôi trở nên giầu có, tôi muốn đem đến cho cô Lệ-Hoa một tấm quà mua bằng tiền tôi kiếm được, theo lời bà Bảo-Liên là thứ quà lúc hàn vi.
Vì thế khi qua tỉnh Đê-Sĩ, tôi liền mua một con búp-bê và một bộ đồ chơi, may sao không đến nỗi đắt bằng con bò.
Từ Đê-Sĩ đến Mộc-Văn, chúng tôi có thể đi gấp được vì những làng chúng tôi đi qua phần nhiều nghèo túng, người dân không dư tiền để đối xử rộng rãi với phường hát rong như chúng tôi. Từ tỉnh Sa-Long, chúng tôi đi ven bờ sông đào. Hai bên bờ, cây cỏ rậm rạp như rừng, nước chảy lững lờ, mấy chiếc xà lan do ngựa kéo nhẹ nhàng lướt trên mặt sông.
Cảnh tượng đó đã làm tôi nhớ lại thời sung sướng ở với bà Mỹ-Lưu và cậu An-Tuyên trên thuyền Thiên-Nga, tôi đã được chu du trên sông đào. Bây giờ, con thuyền Thiên-Nga ở đâu? Đã bao lần mỗi khi sang sông hay đi dọc bờ sông, tôi từng dò hỏi người ta xem có con thuyền du lịch nào có hiên, có buồng diễm lệ và thanh lịch, như thuyền Thiên-Nga qua đó không. Nhưng không ai biết cả. Có lẽ cậu An-Tuyên đã khỏi bệnh, bà Mỹ-Lưu cùng con đã trở về Anh-quốc rồi. Việc này có thể đúng và tin được. Tuy nhiên, lúc đi trên bờ sông Niên, tôi cứ với trông những con thuyền xa xa và tự hỏi không biết đó có phải là thuyền Thiên-Nga đang tiến về phía chúng tôi không?
Lúc đó là mùa thu. Những ngày đường của chúng tôi ngắn hơn về mùa hè. Chúng tôi phải tính toán đi sao cho tới những làng trước khi trời tối để tìm chỗ trú. Chúng tôi thường phải rảo bước, thế mà trong đoạn đường cuối cùng, đến tối chúng tôi mới tới Mộc-Văn.
Muốn đến nhà bà Cát-Tường, chúng tôi phải theo dọc bờ sông vì chồng bà giữ việc coi đập sông ấy. Nhà bà ở ngay bên cạnh đập, chúng tôi tìm thấy ngay. Ngôi nhà đó ở đầu làng giữa cánh đồng cỏ, xa xa có nhiều cây cao lềnh bềnh trong đám sương mù. Tim tôi hồi hộp khi đến gần ngôi nhà đó, một ánh sáng đo đỏ ở lò sưởi chiếu qua cửa xuống mặt đường.
Chúng tôi đến nơi nhà đã đóng cửa rồi. Nhưng nhìn qua cửa sổ không cánh chớp, không màn che, tôi thấy Lệ-Hoa ngồi trước bàn ăn cùng bà Cát-Tường, một người đàn ông có lẽ là chồng bà ngồi quay lưng về phía chúng tôi.
Mã-Tư nói:
- Nhà đang ăn. Rất hay cho ta.
Tôi, một tay ra hiệu cho anh im, một tay vẫy Lãnh-Nhi về phía sau tôi, không được sủa. Nhắc cây thụ-cầm trên vai xuống, tôi sửa soạn để gẩy.
Mã-Tư thì thầm:
- Phải đấy! Anh có ý hay! Dạo một khúc đàn xem sao!
Anh để một mình tôi gẩy.
Rồi tôi bắt đầu gẩy bài “Tình-ca”, tôi không hát vì sợ lộ tiếng của tôi.
Trong khi tôi đánh đàn, tôi nhìn Lệ-Hoa. Cô chợt ngửng đầu lên, tia mắt chiếu ra như một luồng chớp. Tôi cất tiếng hát. Cô vội tụt xuống ghế, chạy ra cửa. Tôi vội đưa đàn cho Mã-Tư xong, thì Lệ-Hoa đã ở trong cánh tay tôi.
Người ta mời chúng tôi vào nhà. Bà Cát-Tường hôn tôi, rồi dọn hai xuất ăn lên bàn.
Tôi xin bà bày thêm cho một xuất thứ ba.
Tôi nói:
- Thưa bà, chúng tôi còn có một người bạn gái nhỏ nữa đi theo.
Rồi tôi lấy ở trong hành lý ra một con búp-bê xinh đẹp, tôi đặt ngồi bên cạnh Lệ-Hoa. Lệ-Hoa nhìn tôi, cái nhìn đã nói rất nhiều, tôi không bao giờ quên được, tôi còn trông thấy bây giờ.