watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Vô Gia Đình-Chương XXVII - tác giả Hector Malot Hector Malot

Hector Malot

Chương XXVII

Tác giả: Hector Malot

Mỗi ngày, chúng tôi thấy bực dọc quá với các bậc hẹp của chúng tôi. Chúng tôi đồng ý khơi rộng bậc ra và mỗi người lại phải bắt tay vào việc. Chúng tôi lại dùng dao moi than và vứt xuống nước. Vì đã có chỗ đứng vững để xoay xở, nên việc làm không khó nhọc lắm. Không bao lâu chúng tôi khoét rộng được cái nhà giam của chúng tôi. Dễ chịu biết bao nhiêu khi chúng tôi được nằm dài và được duỗi thẳng chân không phải ngồi co, tê cả đùi như trước.
Chiếc bánh của Cao-Dĩ dù chia dè sẻn thế nào rồi cũng phải hết. Mẩu bánh cuối cùng đã phân phát cho chúng tôi kịp thời, vì khi Giáo-sư đem cho chúng tôi, con mắt mọi người thợ cuốc cứ nhìn trừng trừng, tôi nhận thấy nếu còn bánh phát lần nữa, thế nào họ cũng không để yên, họ sẽ đòi ăn và cứ lấy phần.
Chúng tôi dần dần chẳng buồn nói chuyện nữa. Lúc mới bị nạn nói nhiều bao nhiêu thì bây giờ im lặng bấy nhiêu. Có nhắc đến chăng thì cũng chỉ hai vấn đề đã nói mãi: họ làm thế nào để xuống tới đây và chúng tôi đã bị giam trong bao lâu rồi?
Nhưng, những câu chuyện này cũng không được bàn cãi hăng hái như trước. Có ai lên tiếng, tiếng đó không người hưởng ứng hay được trả lời bằng một câu vắn tắt. Người ta có thể bảo đêm là ngày, bảo đen là trắng, mà cũng chẳng ai bực tức và phản đối, chỉ nói cho xuôi:
- Được, để xem.
Chúng tôi bị chôn vùi đã hai ngày hay sáu ngày? Khi nào có người đến cứu? Có chắc không? Tôi bắt đầu nghi ngờ.
Chẳng riêng một tôi, thỉnh thoảng một bạn tôi cũng thốt ra những lời chán nản.
Bảy-Nhu nói:
- Có điều an ủi tôi là: nếu tôi chết ở đây, Công ty sẽ phải trợ cấp cho vợ con tôi, không đến nỗi phải vào nhà Tế Bần.
Giáo-sư lãnh trách nhiệm đoàn trưởng, không những có bổn phận bảo vệ chúng tôi để chống với tai họa mà còn bảo vệ chúng tôi để chống với chúng tôi nữa. Vì thế, khi thấy ai tỏ ra chán nản, Giáo-sư liền can thiệp bằng một câu khích lệ:
- Anh không phải ở đây lâu đâu! Thùng nước múc luôn luôn. Nước phải xuống.
- Nước xuống ở đâu?
- Ở những lò.
- Còn các hầm?
- Cũng sẽ đến lượt. Ta phải đợi.
Cao-Dĩ nói:
- Ông Bảy-Nhu ơi! Giáo-sư nói cái gì cũng hay cả. Nếu Công ty này mà phá sản như Công ty của Giáo-sư ngày trước, có phải vợ ông bị người ta bóc lột hết không?
- Im mồm! Mày ngu lắm! Công ty rất giầu.
- Công ty chỉ giầu khi còn mỏ. Một khi mỏ chìm dưới nước thì còn gì nữa? Nếu tôi ở trên đất trông thấy thế này, tôi rất thích!
- Bởi vì…?
- Các Giám đốc và Kỹ-sư kiêu hãnh lắm! Bây giờ thực là một bài học cho họ. Nếu Kỹ-sư hôm đó cũng xuống mỏ nhỉ, thực là buồn cười! Thưa Kỹ-sư, ngài có mang địa bàn không?
- Đồ ngu! Nếu Kỹ-sư có xuống nữa, mày cũng phải ở đây. Chúng ta cũng thế.
- Thưa các vị, các vị có thể yên tâm được. Tôi thì khác. Ai phơi hạt dẻ cho tôi? Lúc đó, tôi mời Kỹ-sư lên cho. Kính chào ngài Kỹ-sư!
Giáo-sư lúc nào cũng trấn tĩnh, không để lộ vẻ lo buồn. Còn Cao-Dĩ thì chẳng biết gì. Riêng chúng tôi, ai cũng lo lắng. Hễ nói đến chuyện đợi cứu là y như những tiếng “chết”, tiếng “bỏ rơi” lại nổi lên tự đáy lòng đưa lên cửa miệng.
- Giáo-sư ơi! Hão lắm! Lấy thùng mà múc thì đến đời nào hết nước?
- Tôi đã tính cho anh nghe mãi rồi thôi. Hãy gắng đợi.
- Những bài tính không cứu ta ra khỏi hầm được.
Ý nghĩ này là của Ba-Điền.
- Ai cứu được?
Giáo-sư đáp:
- Có thể lắm. Nếu Thượng-Đế thương. Người có thể cứu vớt chúng ta.
- Chúng ta bị nạn này, chắc vì trong bọn chúng ta có những người độc ác mà trời muốn phạt.
Bảy-Nhu nói:
- Phải đấy. Thượng-Đế muốn cho một người trong bọn ta có dịp để chuộc lỗi, để đền tội. Có phải Ba-Điền không? Tôi không biết về phần tôi, tôi có thể nói được rằng những ngày gần đây tôi ăn ở không được ngoan đạo lắm, bây giờ lương tâm tôi cắn rứt, tôi dốc lòng cầu nguyện Thượng-Đế tha thứ cho tôi.
Nói xong Bảy-Nhu quỳ xuống và tự đánh vào ngực.
Ba-Điền kêu:
- Còn tôi, tôi không dám nói rằng tôi không có tội lỗi gì trong lương tâm, tôi xin xưng với các bạn như thế. Nhưng Thiên thần hộ mệnh, và Thánh Giăng, thần bổn mệnh của tôi, đều soi xét cho rằng không bao giờ tôi chủ tâm làm xằng và tôi không hề có lỗi với ai cả.
Tôi không hiểu đó có phải là cảm ứng của ngục tối, của cái chết sắp đến, của cái đói dày vò, của ánh sáng huyền bí đang chập chờn kia gây nên hay không, nhưng khi thấy hai người vừa công khai xưng tội, lòng tôi rung động và cảm xúc, bất giác tôi cũng quỳ xuống cạnh Bảy-Nhu, Ba-Điền và cùng xưng tội với họ. Thình lình sau lưng tôi có tiếng khóc, tôi quay lại, thấy Tư-Cổn lù lù ngồi vật xuống đất. Tư-Cổn nói:
- Người tội lỗi không phải là Ba-Điền, không phải là Bảy-Nhu. Người tội lỗi đó chính là tôi. Chính là vì tôi mà trời phạt, nhưng tôi đã biết hối hận rồi, hối hận lắm. Đây là sự thực, xin các bạn hãy nghe cho, nếu tôi thoát khỏi chỗ này mà về được, tôi sẽ tìm cách chuộc tội. Nếu vạn nhất tôi không về được, xin các bạn chuộc tội cho tôi. Cách đây một năm, Duy-Quế bị 5 năm tù về tội ăn trộm chiếc đồng hồ của một người tên Vi-Đan, để ở trong buồng. Duy-Quế bị tù oan. Chính tôi đã lấy trộm. Chiếc đồng hồ đó hiện giấu ở dưới giường của tôi, nhắc viên gạch vuông thứ ba về phía bên trái lên thì tìm thấy.
Ba-Điền và Bảy-Nhu đồng kêu lên:
- Quẳng nó xuống nước đi! Quẳng nó xuống nước đi!
Giáo-sư vội can thiệp:
- Không được! Nếu các anh muốn quẳng Tư-Cổn xuống nước thì xin quẳng tôi xuống trước.
Hai người kia nói:
- Nếu Giáo-sư không cho tôi đẩy nó xuống nước thì chúng tôi xin một điều kiện: cho nó ngồi riêng ra một chỗ, không ai được nói chuyện với nó và cũng không ai được săn sóc đến nó.
Giáo-sư nói:
- Như vậy thì được, vì nó đáng tội đó.
Sau lời tuyên án của Giáo-sư, chúng tôi, ba người An-Thiện, Giáo-sư và tôi, ngồi xít lại với nhau, để cách một khoảng trống giữa chúng tôi và tội nhân, hắn nằm gục trên đám than.
Trong bao nhiêu giờ, hắn nằm gục như thế, đau khổ và không cựa cạy, thỉnh thoảng lại kêu:
- Tôi hối hận rồi!
Ba-Điền và Bảy-Nhu mắng:
- Đã muộn rồi! Bây giờ sợ chết mày mới hối hận, đồ hèn! Đáng lẽ mày phải hối hận từ sáu tháng, từ một năm nay rồi!
Hắn vừa hổn hển vừa nhắc lại những câu trước như để trả lời:
- Tôi hối hận rồi! Tôi hối hận rồi!
Hắn phát sốt, vì thân thể hắn run run, và hai hàm răng hắn lập cập.
Hắn kêu:
- Tôi khát lắm. Cho tôi chiếc giầy.
Nhưng chiếc giầy hết nước rồi. Tôi liền đứng dậy để lấy nước cho hắn. Nhưng Ba-Điền trông thấy bảo tôi ngồi im và An-Thiện cũng giữ tay tôi lại.
Ba-Điền nói:
- Người ta đã thề không săn sóc đến nó.
Tư-Cổn cứ lải nhải kêu khát mãi.
Cuối cùng hắn bò dậy tự múc nước lấy.
Ba-Điền kêu:
- Nó làm lở hết chỗ ngồi bây giờ!
Giáo-sư nói:
- Nên cho nó được tự do một chút.
Tư-Cổn đã nhìn thấy tôi tụt xuống nước đằng lưng, hắn cũng bắt chước làm như thế. Nhưng tôi nhẹ mà hắn nặng. Tôi mềm mại mà hắn vụng về, nên khi hắn vừa để chân xuống thì mẩu than sụt, hai tay hắn quờ quạng trong không khí, hắn lăn tòm xuống vực sâu, nước bắn tóe lên chỗ chúng tôi ngồi. Mặt nước khép lại và không mở ra nữa.
Tôi vội cúi ra phía trước, nhưng An-Thiện và Giáo-sư mỗi người một bên nắm cánh tay tôi lôi lại.
Tôi rủn người và ngã vật về phía sau, khiếp sợ.
An-Thiện nói:
- Nó không phải là người lương thiện.
Ba-Điền lấy chân đá vào vách than mấy cái và nói:
- Bây giờ thì mọi việc đều tốt đẹp!
Nhưng mọi việc chưa được tốt đẹp như lòng Ba-Điền tin tưởng. Đó không phải là lỗi các Kỹ-sư và bọn thợ đang tiến hành công cuộc giải cứu. Người ta đã đào suốt ngày đêm không nghỉ, nhưng việc làm rất khó.
Người ta đang đào đến lớp than rất rắn mà thợ mỏ thường gọi là “gân than”. Vả hầm đào lại hẹp chỉ vừa chỗ cho một người cuốc nên họ phải luân phiên nhau làm việc. Xuống càng sâu, không khí càng khó thở. Người ta phải đặt những ống bằng sắt tây để dẫn khí trời xuống. Một cái quạt tay gia sức thổi không khí xuống… thế mà ngọn đèn chỉ cháy được ở gần miệng ống thôi. Vì những lẽ đó, nên việc làm rất chậm. Đã 7 ngày đêm rồi mà người ta chỉ đào xuống được có 20 mét. Nếu là việc thường phải một tháng mới xong, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, mọi người đều hăng hái, cho nên kết quả có thể đạt sớm hơn được.
Công việc sở dĩ cứ tiến hành được là nhờ ở trí cương quyết của Kỹ-sư, vì theo ý đại đa số việc làm đó rất vô ích. Tất cả những thợ bị chôn vùi đều chết rồi. Chỉ nên múc hết nước bằng thùng rồi ngày một ngày hai, người ta sẽ tìm đủ xác nạn nhân. Thế thì xuống hầm được sớm hơn hay chậm hơn một vài giờ có quan hệ gì? Đó là ý kiến của những nhà có thẩm quyền cũng như toàn thể dân chúng. Những cha mẹ, vợ con các nạn nhân đã để tang cả rồi. Quyết rằng không một người nào lại sống sót được ở hầm mỏ Thụy-Khê.
Để ngoài tai những dị nghị của công chúng và những lời phê bình của các bạn đồng nghiệp, Kỹ-sư không sờn lòng, khăng khăng cho đào đến nơi.
Người ta thấy có ở Kỹ-sư một tính khí cương ngạnh và một lòng tin mãnh liệt, đức tính quý báu đã giúp Kha-Luân-Bố tìm thấy Mỹ-châu.
Kỹ-sư hô hào đám thợ:
- Các bạn ơi! Còn một ngày hôm nay nữa thôi. Nếu ngày mai không tìm thấy gì mới lạ, ta sẽ đình chỉ việc làm. Tôi chỉ yêu cầu anh em cho các nạn nhân những điều mà tôi cũng sẽ yêu cầu cho chính anh em nếu anh em lâm vào cảnh đó.
Lòng tin tưởng của Kỹ-sư đã thông cảm anh em thợ thuyền. Họ đồng tâm, hiệp lực hoạt động không ngừng, nên hầm khoét mỗi ngày một sâu.
Về mặt khác, Kỹ-sư cho chống lại đường hầm ở nhà Đèn sụp đổ nhiều chỗ, cố tìm mọi cách để khám phá xem dưới hầm còn có ai sống sót.
Ngày thứ bảy, một người thợ cuốc vừa thay phiên xuống đào, nghe thấy tiếng lịch kịch nhè nhẹ như có người nện khẽ đâu đây. Đáng lẽ bỏ cuốc xuống, nhưng người thợ đó cứ giơ cuốc lên rồi áp tai vào sườn than. Song còn ngờ ngợ, người này gọi một người bạn nữa xuống để cùng nghe. Cả hai người đều im lặng lắng tai nghe: một lúc sau có những tiếng đập xa xa đều đều, đến tai họ.
Tin này lập tức bay lên bờ. Người ta nửa tin, nửa ngờ. Kỹ-sư được tin liền xuống xem hư thực.
Thì ra Kỹ-sư đã làm một việc hữu lý. Ở đó có những người sống sót mà lòng tin của Kỹ-sư sắp cứu ra được. Nhiều người theo Kỹ-sư xuống chỗ đào, Kỹ-sư rẽ đám thợ ra, dán tai vào sườn hầm. Nhưng vừa run run vừa cảm động, Kỹ-sư chẳng nghe thấy gì.
Kỹ-sư thất vọng nói:
- Tôi không nghe thấy gì cả.
Một người thợ nói:
- Đó là tiếng ma mỏ làm ra. Nó muốn trêu ta, nó gõ để đánh lừa ta.
Nhưng hai người thợ đầu tiên nhất quyết rằng họ không nhầm và những tiếng gõ kia đã đáp lại tiếng gõ của họ. Đó là lời những người kinh nghiệm ở mỏ nói ra nên cũng có một phần uy tín.
Kỹ-sư liền mời tất cả những người tùy tùng lên bờ, chỉ để hai người thợ cuốc ở lại.
Lúc đó hai người lấy cuốc gõ mấy tiếng rất mạnh và cách khoảng đều nhau, rồi ba người đều nín thở áp tai nghe. Đợi một lúc, cả ba người đều nhận một rung động sâu xa trong trái tim họ. Đó là những tiếng nhẹ yếu nhưng dồn dập và nhịp nhàng đã trả lời họ.
Kỹ-sư bảo hai người thợ mỏ:
- Các bạn gõ lại rất thong thả xem có phải đó là âm hưởng những tiếng của ta không?
Hai người thợ cuốc lại gõ thì lại nghe thấy những tiếng nhỏ và nhịp nhàng như trước nghĩa là những tiếng kêu gọi của những người bị vùi lấp.
Không còn nghi ngờ gì nữa: có những người còn sống sót thực và người ta phải xúc tiến việc cấp cứu.
Lập tức tin này lan khắp thành phố như một cái ngòi dẫn thuốc nổ và lôi cuốn đến mỏ Thụy-Khê, một đám dân chúng đông hơn và xúc động hơn ngày đầu xảy ra nạn lụt. Vợ con, cha mẹ và thân thích những nạn nhân kéo đến, hy vọng và hồi hộp trong bộ quần áo tang. Họ xôn xao:
“Sống sót được bao nhiêu người? Dễ thường nhiều lắm! Có cả chồng bác, có cả con tôi nữa, chẳng sai!”
Người ta muốn chạy đến hôn Kỹ-sư. Nhưng thản nhiên trước tiếng hoan hô cũng như trước lời la ó, Kỹ-sư chỉ nghĩ đến việc cấp cứu. Để ngăn những người đến xem cũng như thân nhân các người bị nạn, Kỹ-sư phải nhờ lính ở đồn ra giữ trật tự cho thợ có chỗ làm việc.
Những tiếng kêu cứu nhỏ quá không biết đích từ phía nào đưa đến, người ta đoán chỉ ở trong ba cái hốc của hầm cũ là nơi thợ có thể lánh nạn được. Như vậy đào một lỗ xuống chưa đủ, phải đào thêm hai lối nữa để tới những cái hốc nói trên. Khi lối nào đào đến chỗ nghe rõ hơn thì người ta bỏ hai lối kia và tập trung lực lượng vào một lối cần thiết. Công việc tiến hành hăng hái hơn trước. Các Công ty bên cạnh cũng cho những thợ tinh nhuệ đến giúp sức. Người ta hy vọng vào lối đang đào, đồng thời người ta cũng hy vọng vào lối xuống cũ ở cửa Nhà Đèn vì nước ở các lò đã rút nhiều.
Ở dưới hốc, khi chúng tôi nghe thấy tiếng gõ của Kỹ-sư chúng tôi cuống quít như lúc mới nghe thấy tiếng thùng múc nước ở cửa lò:
- Sống rồi!
Tiếng reo vui vẻ đó đều vuột ra ở miệng mọi người. Chúng tôi tưởng người ta sắp đến dắt chúng tôi lên. Nhưng đợi mãi, cũng như việc múc nước, hy vọng biến dần thành thất vọng.
Những tiếng cuốc kình kịch nghe còn xa, có lẽ còn cách chúng tôi đến hai ba mươi mét. Phải mất bao nhiêu thì giờ để xuyên qua khối than đó? Chúng tôi ước lượng, mỗi người một cách: một tháng, một tuần lễ, sáu ngày. Đợi thế nào được những một tháng? Những một tuần lễ? Những sáu ngày? Bọn chúng tôi, ai còn đủ hơi sức trong sáu ngày nữa? Chúng tôi đã nhịn đói trong bao nhiêu ngày rồi?
Chỉ có Giáo-sư là còn nhuệ khí, nhưng rồi cũng thấy kém dần. Chúng tôi tha hồ uống nước, nhưng chúng tôi đói lắm, không chịu được nữa, đã thử ăn những mẩu gỗ thối vẩn trên mặt nước.
Cao-Dĩ đói háu hơn chúng tôi đã xẻo cổ giầy và nhai những miếng da dai nhách.
Nhìn cái đói đốt ruột đã đưa người ta đến chỗ nào, tôi đâm ra lo sợ. Tôi nhớ lại những chuyện đắm tàu mà ông Vỹ-Tiên đã kể lại cho tôi nghe vì ông đã từng đi bể nhiều cũng như đi trên đất. Trong các chuyện đó, có một chuyện làm cho tôi phải nghĩ đến ngay lúc cái đói bắt đầu. Đó là chuyện mấy người thủy thủ đắm tàu, lạc vào một hoang đảo toàn cát không có một thứ gì để ăn, sau đói quá phải giết một đứa thủy thủ nhỏ để ăn thịt. Khi nghe thấy những bạn tôi kêu đói, tôi tự hỏi không biết tôi có phải chịu như số phận đứa bé kia không? Đành rằng Giáo-sư và An-Thiện là những người bảo vệ cho tôi rồi, nhưng còn Ba-Điền, Bảy-Nhu và Cao-Dĩ, nhất là Cao-Dĩ có những răng dài và trắng đã mài sắc bằng những miếng da, vẫn làm cho tôi ngờ vực.
Có lẽ, sự sợ hãi đó hơi thừa, nhưng ở trong tình trạng chúng tôi, người ta khó mà không rối trí và sinh ra lẩn thẩn.
Điều làm tăng nỗi khiếp sợ của chúng tôi là cái tối dày đặc. Những đèn của chúng tôi lần lượt hết dầu. Khi chỉ còn hai chiếc, Giáo-sư bắt tắt đi để khi nào cần thiết mới thắp. Vì thế chúng tôi hoàn toàn ở trong ngục tối.
Thiếu ánh sáng, không những kinh hồn, lại còn nguy hiểm nữa vì nếu lỡ ai cử động vụng về là có thể lăn xuống nước dễ như chơi.
Mỗi bậc chứa ba người, không đến nỗi chật lắm: An-Thiện, Giáo-sư mỗi người một đầu, còn tôi ở giữa.
Có lúc tôi đang thiu thỉu ngủ, tôi chợt nghe thấy Giáo-sư nói một mình như người ngủ mê.
Tôi thức dậy và lắng tai nghe.
Giáo-sư nói:
- A! Có mây! Không còn gì đẹp hơn mây nữa! Có người không thích mây. Nhưng ta rất yêu mây. À mà lại có gió nữa, ta cũng thích gió.
Giáo-sư mê chăng? Tôi lay cánh tay Giáo-sư, nhưng Giáo-sư vẫn nói:
- Tráng cho tôi một đĩa sáu trứng, đừng làm tám. Làm hai đĩa khi trở về, tôi sẽ ăn.
- Chú An-Thiện ơi! Chú có nghe thấy gì không?
- Có. Giáo-sư đang nói mê.
- Nhưng không. Giáo-sư vẫn thức.
- Ông ấy nói nhảm. Con cam đoan rằng Giáo-sư vẫn thức.
- Giáo-sư ơi!
- Ông An-Thiện ơi! Mời ông đến ăn súp với tôi. Tôi báo trước là có gió to đấy.
An-Thiện nói:
- Ông này mất trí khôn. Đói và sốt sinh ra thế.
Bảy-Nhu nói:
- Không phải. Ông ấy chết rồi! Đó là hồn ông ấy về đấy. Các bạn đã thấy là ông ấy đã không ở đây nữa rồi chứ? Giáo-sư ơi! Gió ở đâu? Có phải là gió Bắc không?
Ba-Điền nói:
- Không có gió Bắc.
Mấy người này mất trí khôn cả rồi hay sao? Họ sắp điên à? Rất có thể họ sẽ đánh nhau, giết nhau. Làm thế nào bây giờ?
- Giáo-sư ơi! Giáo-sư uống rượu không?
- Cảm ơn. Khi ăn trứng, tôi sẽ uống.
Trong thời gian khá lâu, cả ba người cùng nói lảm nhảm với nhau và không trả lời nhau. Trong những câu nói rời rạc đó, tôi nghe lộn đi lộn lại những tiếng “ăn, đi chơi, gió, trời”.
Tôi chợt có ý nghĩ thắp đèn lên. Đèn và diêm để bên cạnh Giáo-sư. Tôi sờ tay cầm lấy. Ánh sáng vừa chiếu ra, mọi người đều im, không nói nữa.
Một lúc sau, họ chợt thức dậy, hỏi:
- Cái gì thế?
An-Thiện đáp:
- Các bạn vừa nói mê.
- Ai thế?
- Cả ba người: Giáo-sư, Ba-Điền và Bảy-Nhu. Các bạn nói các bạn đi chơi ở ngoài trời và có gió.
Thỉnh thoảng chúng tôi lại đập vào tường để báo hiệu cho bên ngoài biết chúng tôi vẫn còn sống. Chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng cuốc vẫn bổ vào than đều đều. Nhưng còn xa lắm.
Nhờ ánh đèn, tôi cầm giầy xuống lấy nước và nhận thấy mực nước đã hạ xuống một vài phân.
- Nước xuống.
- Lạy Chúa!
Lại một lần nữa chúng tôi phấn khởi vì hy vọng. Mọi người muốn để đèn để xem nước xuống, nhưng Giáo-sư phản đối. Tôi tưởng có chuyện sắp cãi nhau, nhưng bất cứ một đề nghị gì, Giáo-sư cũng có những lý do chính đáng nên ai cũng phải nghe.
Giáo-sư nói:
- Chúng ta còn cần đèn. Nếu bây giờ ta dùng đèn vào việc vô ích, đến lúc cần kíp mà hết cả dầu thì làm thế nào? Vả lại ngồi mà nhìn nước xuống tí một thì có sốt ruột mà chết không? Vì nước không thể nào một lúc rút hết ngay được. Thế nào ta cũng sống. Các bạn yên lòng. Chúng ta còn 13 que diêm. Khi nào các bạn cần đến thì có lửa ngay.
Đèn được tắt đi ngay. Chúng tôi đã uống nước nhiều nên không mê sảng nữa. Rồi chưa nằm yên lặng không biết bao nhiêu ngày nữa, đời sống chỉ thoi thóp nương tựa vào những tiếng cuốc đào than và những tiếng thùng múc nước.
Tiếng cuốc dần dần to. Mực nước mỗi ngày một thấp. Người ta đang đến gần chúng tôi. Nhưng không biết có kịp không? Nếu công cuộc giải cứu chúng tôi mỗi lúc một tăng lên thì trái lại, sức khỏe của chúng tôi mỗi lúc một suy tàn đi: thể xác yếu, tinh thần cũng yếu. Từ ngày mắc nạn đến giờ, các bạn tôi không được ăn một mẩu bánh nào vào ruột. Một điều ghê gớm hơn nữa là cái không khí tù hãm mà chúng tôi thở mỗi ngày một độc. May sao, nhờ nước rút dần, áp lực không khí bớt đi. Nếu cứ bị bế tắc như những ngày đầu thì chúng tôi đã chết ngạt hết rồi. Do đó, chúng tôi còn sống dai dẳng đến ngày nay cũng là nhờ các cách cấp cứu mau lẹ từ lúc đầu.
Tiếng cuốc và tiếng thùng chuyển động rất đều như cái quả lắc đồng hồ. Mỗi khi tiếng đó ngừng lại là chúng tôi sốt người lên. Người ta định bỏ chúng tôi hay sao? Người ta đã gặp những khó khăn gì?
Chợt có tiếng cuốc ngừng rồi có một tiếng động lớn nổi lên ù ù dữ dội và liên tiếp.
Cao-Dĩ kêu lên:
- Chết rồi! Nước lại xuống mỏ rồi!
Giáo-sư cải chính:
- Không phải nước.
- Thế là cái gì?
- Ta không biết, nhưng nhất quyết không phải nước.
Mọi khi, gặp việc gì xảy ra, Giáo-sư thường viện chứng và suy luận rất hữu lý, khiến chúng tôi được yên tâm. Lần này, Giáo-sư lại thú nhận rằng không biết nguyên do tiếng động kia – mãi sau này chúng tôi mới biết đó là tiếng quạt máy lùa không khí xuống cho thợ đào làm việc – nên chúng tôi rất hoảng và ngờ rằng sắp lại bị lụt.
- Thắp đèn lên!
- Thắp làm gì, vô ích.
- Thắp lên! Thắp lên!
Vì nhiều người gào quá nên Giáo-sư phải cho thắp đèn. Ánh sáng cho họ biết rằng nước không lên mà đang xuống.
Giáo-sư nói:
- Các bạn nhìn xem.
- Nước sắp lên! Lần này phải chết!
- Thế thì chết ngay còn hơn. Tôi không sao chịu được nữa!
- Giáo-sư ơi! Cho tôi xin cái đèn, để tôi viết lại cho vợ con vài chữ.
- Viết giúp tôi với!
- Viết giúp tôi nữa!
Chính Bảy-Nhu là người đã đòi đèn và viết thư để lại cho vợ con. Trong túi Bảy-Nhu có một mảnh giấy và cái bút chì. Hắn sửa soạn để viết.
- Đây tôi muốn viết thế này: Chúng tôi An-Thiện, Ba-Điền, Giáo-sư, Cao-Dĩ và Lê-Minh bị cầm tù trong hang, chúng tôi đang hấp hối:
“Tôi, Bảy-Nhu, cầu nguyện Chúa phù hộ cho vợ góa và con côi của tôi. Giờ phút cuối cùng, tôi chúc cho vợ con tôi được phúc lành”.
Còn ông An-Thiện?
“An-Thiện đem tất cả của cải đồ đạc cho cháu An-Sinh”.
“Ba-Điền cầu mong vợ con được nương tựa vào Chúa, vào Thánh-Mẫu và Công ty”.
- Còn Giáo-sư?
Giáo-sư thở dài:
- Ta chẳng có gì cả. Chẳng có ai khóc sau khi ta chết.
- Còn Cao-Dĩ?
Cao-Dĩ nói:
- Tôi à? Tôi dặn người ta bán những hạt dẻ của tôi đi, không phải rang nữa.
- Giấy của ta không phải dùng để viết nhảm.
- Không phải nhảm!
- Thế mày không có ai để thương à? Không có mẹ à?
“Mẹ tôi sẽ hưởng của cải của tôi”.
- Còn Lê-Minh?
“Tôi, Lê-Minh, còn có cây đàn và con chó, xin cho cả Mã-Tư. Tôi hôn An-Sinh, nhờ An-Sinh hôn Lệ-Hoa và hoàn lại cô giúp bông hồng héo hiện để ở trong túi áo tôi”.
- Chúng ta ký cả vào giấy này.
Ba-Điền nói:
- Cho tôi gạch chữ “thập chéo” vào thay chữ ký.
Bảy-Nhu nói:
- Bây giờ, tờ di chúc của ta đã ký xong rồi, tôi yêu cầu các bạn cho tôi được chết yên ổn, đừng nói với tôi nữa. Vĩnh quyết các bạn!
Nói xong, Bảy-Nhu đứng dậy lại chỗ chúng tôi hôn cả ba người xong về chỗ hôn Ba-Điền và Cao-Dĩ rồi vun đám than vụn làm gối, đặt đầu lên, nằm thẳng cẳng và không nhúc nhích nữa.
Thư tuyệt mệnh kia và ý chán đời của Bảy-Nhu đã làm cho lòng can đảm của chúng tôi mềm đi.
Tuy nhiên, tiếng cuốc đã nghe rõ nhiều, người ta sắp tới chỗ chúng tôi.
Giáo-sư liền cắt nghĩa và làm cho chúng tôi phấn khởi đôi chút.
- Nếu họ đến gần thì ta đã nghe thấy tiếng họ kêu. Đằng này, chúng ta không nghe thấy gì mà họ cũng chẳng nghe thấy ta. Giáo-sư nghĩ thế nào?
- Rất có thể họ chỉ còn cách xa ta vài mét mà vẫn không nghe được tiếng chúng ta, đó là tùy theo chất của tảng than.
- Hay cũng tùy theo quãng dài ngắn nữa.
Trong khi đó, nước vẫn xuống đều. Chẳng bao lâu chúng tôi có đủ chứng cớ là nước không chấm mái hầm nữa. Chúng tôi nghe tiếng sột soạt ở chân vách và những tiếng than vụn rơi xuống nước.
Chúng tôi thắp đèn lên và trông thấy mấy con chuột đang chạy men vách. Lũ chuột đó có lẽ cũng như chúng tôi tìm được chỗ ẩn ở một hốc đá, bây giờ nước xuống bò đi để kiếm ăn. Chúng sở dĩ sang chỗ chúng tôi được là vì nước không đầy đến mái hầm nữa.
Mấy con chuột hiện ra trong hang chúng tôi chẳng khác chi con bồ câu xuất hiện trên thuyền của Giáo Trưởng Nô-E ngày xưa: đó là điềm hết nạn đại-hồng-thủy.
Giáo-sư nhún vai lên và nói:
- Anh Bảy-Nhu ơi! Hãy can đảm lên! Cố lên! Anh ạ.
Rồi Giáo-sư cắt nghĩa: những con chuột đó báo trước rằng chúng ta sắp được giải phóng.
Nhưng Bảy-Nhu không tin:
- Nếu lại gặp hy vọng để rồi thất vọng như mọi lần thì tôi xin thôi. Tôi vui lòng đợi chết. Tôi cầu vĩnh phúc cho linh hồn tôi.
Tôi muốn xuống thấp để xem mực nước đã rút đến đâu. Hiện đã thấy một khoảng trống lớn giữa mặt nước và mái hầm.
Cao-Dĩ bảo tôi:
- Anh bắt chuột để chúng ta ăn đi!
- Bắt làm sao được, nó chạy nhanh như thế kia!
Nhìn mặt nước tôi nảy một ý tưởng.
Tôi hỏi Giáo-sư:
- Giáo-sư ơi! Nếu chuột chạy trong hầm được thì ta cũng có thể đi qua được. Con muốn bơi ra chỗ cầu thang. Con sẽ kêu cứu. Người ta sẽ xuống rước ta, như thế thì nhanh hơn là đợi lối đào.
- Ta cấm con không được làm thế.
- Con bơi lội dễ dàng như người ta đi trên đất bằng và lặn dưới nước như lươn.
- Gặp khí độc thì sao?
- Chuột chạy qua được thì không khí cũng không đến nỗi xấu lắm.
Ba-Điền nói:
- Anh cứ đi. Tôi cho anh cái đồng hồ của tôi.
Giáo-sư hỏi An-Thiện:
- Ý kiến ông thế nào?
- Nếu có thể tìm đến cầu thang được thì tùy ý nó. Tôi không có quyền ngăn cản.
- Lỡ nó chết đuối thì sao?
- May ra nó thoát nạn còn hơn là ngồi đợi chết ở đây!
Giáo-sư suy nghĩ một lúc rồi cầm tay tôi, bảo:
- Con có lòng tốt, con ạ. Tùy ý con. Ta cho là một việc không thể làm được. Nhưng không phải là lần thứ nhất mà người ta thấy “cái không thể làm được đã làm được”. Con hôn chúng ta đi!
Tôi cảm động, đứng lên hôn Giáo-sư và chú An-Thiện. Xong tôi bỏ quần áo và xuống nước.
Trước khi bơi ra, tôi ngoảnh lại bảo mọi người:
- Các ông gọi luôn luôn nhá! Tiếng gọi đó sẽ chỉ đường cho tôi đi.
Khoảng trống ở dưới mái thế nào? Có đủ chỗ để cử động không. Đó là vấn đề cần thiết. Bơi thử một vài sải, tôi thấy tôi có thể tiến được, nhưng phải bơi thong thả để khỏi đụng đầu: con đường mạo hiểm này có thể đi được nhưng không biết là đến chỗ sống hay chỗ chết?
Tôi quay đầu lại nhìn thấy ánh đèn xuống mặt nước đen. Ở đó tôi yên trí có ngọn hải đăng rồi!
Giáo-sư gọi to:
- Có đi được không?
- Có.
Rồi tôi bơi rất cẩn thận.
Từ chỗ chúng tôi ra đến cầu thang, điều khó nhất là phải biết lối đi, vì gần đó có một ngã tư có thể làm tôi lạc đường được; vì đen tối quá chẳng nhìn thấy gì. Mái và vách hầm không đủ chỉ lối cho tôi bơi, tôi phải nhờ đến đường sắt ở mặt đất, đó là cách chắc chắn nhất. Cứ theo đường sắt là ra đến cầu thang.
Thỉnh thoảng tôi lại đạp chân xuống đường sắt rồi lại ngoi lên. Đường sắt vẫn ở dưới chân tôi, tôi không lạc. Tiếng người nghe yếu dần, tiếng thùng thấy mạnh hơn. Tôi đã đi được nhiều. Tôi sắp nhìn thấy ánh sáng và nhờ tôi, các bạn tôi sẽ thoát nạn: lòng tôi khấp khởi mừng thầm.
Một lát sau, tôi sờ chân không thấy đường sắt đâu cả. Tôi lặn xuống lấy tay mò, nhưng vô ích: Chẳng thấy gì. Tôi lạc lối chăng?
Tôi im lặng một lúc để suy nghĩ và nhận định. Tiếng các bạn tôi thoang thoảng rất khó nghe.
Tôi hít một hơi dài để trữ khí trời, rồi hụp xuống lần nữa. Nhưng kết quả cũng không hơn gì lần trước: không thấy đường sắt.
Tôi đã đi nhầm sang hầm khác mà không biết chăng, tôi lộn lại.
Nhưng nguy quá! Bạn tôi không gọi nữa hay có gọi mà tôi không nghe thấy gì?
Tôi choáng người lo sợ quá, không biết bây giờ đi về lối nào? Có lẽ tôi phải chết trong bóng hắc ám này, dưới cái vòm nặng nề này, giữa làn nước giá lạnh này chăng? Nhưng chợt tiếng gọi lại đưa ra, vì thế tôi mới biết đường về.
Lộn về được mười hai sải, tôi lặn xuống và lại thấy đường sắt. Thì ra chỗ này là ngã tư, đường sắt bị nước cuốn đi thành ra tôi mất tay dẫn đạo.
Trong tình trạng này, dự định của tôi không sao thực hiện được. Tôi đành lộn trở lại vậy.
Đã quen quãng đường này rồi, biết rằng không nguy hiểm. Nên tôi bơi về rất nhanh, những tiếng gọi luôn luôn chỉ dẫn cho tôi.
Tôi càng tới gần, tiếng gọi nghe càng rõ mà có phần hăng hái hơn trước, hình như các bạn tôi đã hồi sức lại. Tôi về đến cửa hang và kêu lên.
Giáo-sư bảo tôi:
- Lên đi! Lên đi!
Tôi đáp:
- Con không tìm thấy lối ra.
- Không cần nữa. Lối đào đã đến nơi rồi. Họ đã nghe thấy tiếng ta mà ta cũng nghe thấy tiếng họ. Hai bên sắp có thể nói chuyện với nhau.
Tôi vội leo lên bậc và để tai nghe. Thực vậy, tiếng cuốc nghe rất mạnh, tiếng người nghe còn nhỏ nhưng đã rõ. Hết cơn mừng, tôi cảm thấy rét run. Vì không có quần áo ấm cho tôi mặc thêm, người ta lấy than vụn vun vào người tôi đến cổ để thay chăn. Than giữ hơi nóng cho tôi, nên tôi chóng lại sức. Tôi kể lại cho mọi người nghe tôi bơi thế nào và tìm đường sắt ra làm sao.
- Em dám lặn à?
- Lặn lắm chứ! Tiếc rằng không tìm thấy đường sắt.
Nhưng đúng như lời Giáo-sư đã nói, bây giờ việc đó không cần lắm, vì nếu chúng ta không ra được bằng đường hầm thì chúng ta cũng sẽ ra được bằng lối đào.
Tiếng thợ nói đã nghe rõ. Chúng tôi đang mong họ nghe thấy tiếng chúng tôi, bỗng có ba tiếng hỏi rất thong thả lọt vào chỗ chúng tôi:
- Bao nhiêu người?
Trong bọn chúng tôi có An-Thiện là tiếng to và rõ hơn cả, An-Thiện được cử để trả lời:
- Sáu!
Ở ngoài thấy im lặng. Có lẽ người ta đã đinh ninh một con số lớn.
An-Thiện nói tiếp:
- Mau lên! Chúng tôi sắp chết rồi!
- Tên các anh là gì?
- Bảy-Nhu, Ba-Điền, Giáo-sư, Cao-Dĩ, Lê-Minh và An-Thiện.
Trong cuộc cấp cứu chúng tôi, giờ phút này là giờ phút hồi hộp nhất và cảm động nhất cho những người ở trên Mỏ. Khi họ biết Kỹ-sư sắp có thể thông tin với chúng tôi, thì những thân nhân các người bị nạn đều chạy đến. Quân lính trong đồn phải khó nhọc mới giữ nổi họ khỏi tràn lấn đến cửa hầm.
Khi Kỹ-sư thông báo chỉ có 6 người sống sót thì một sự vô cùng đau đớn hiện lên trên nét mặt mọi người. Tuy nhiên, họ còn một chút hy vọng mong manh là may ra người họ mong đợi sẽ ở trong số đó. Nhưng đến khi Kỹ-sư đưa ra 6 tên của chúng tôi thì than ôi! Nỗi đau sót như muốn vạch trời kêu lên, những dòng lệ tuôn rơi như suối. Trong số một trăm hai mươi người mẹ, người vợ đứng đó, chỉ có bốn người là may mắn thấy chồng, thấy con; còn bao nhiêu người phải ngậm ngùi đau đớn. Chỉ có bốn gia đình được may mắn vì Giáo-sư và tôi không có thân nhân. Về phần chúng tôi, trong lúc gần đất xa trời này cũng nghĩ thương cho những người xấu số.
An-Thiện hỏi:
- Cứu được nhiều không?
Không thấy trả lời.
Ba-Điền hỏi:
- Hỏi hộ thằng Phi nhà tôi thế nào?
An-Thiện lại hỏi nhưng cũng như câu trước, chẳng ai trả lời.
- Có lẽ họ không nghe thấy.
- Hay không muốn trả lời đấy thôi.
Có một điều tôi vẫn thắc mắc, tôi giục An-Thiện:
- Hỏi xem ta ở đây đã bao nhiêu ngày.
Câu này được trả lời:
- Mười bốn ngày.
Thế mà chúng tôi chỉ tưởng có năm hay sáu ngày là cùng.
- Các bạn không phải ở dưới đấy lâu nữa. Hãy can đảm lên. Đừng nói nữa làm cho chậm việc. Độ vài giờ nữa thôi.
Mấy giờ này tôi tưởng là những giờ dài nhất từ khi giam cầm và cũng là giờ đau khổ nhất. Một nhát cuốc hình như là đến nơi, nhưng hết nhát ấy lại đến nhát khác. Hết nhát khác lại đến nhát khác nữa, và vô tận.
Có tiếng hỏi:
- Có đói lắm không?
- Lả rồi!
- Có thể đợi được nữa không? Nếu các bạn yếu quá thì chúng tôi tạm xăm một lỗ để giong cháo hoặc sữa xuống, như vậy lâu ra. Nếu các bạn cố đợi được, các bạn sẽ chóng được tự do.
- Chúng tôi đợi vậy. Xin làm mau lên!
Thùng múc nước vẫn không ngừng. Nước xuống đều.
Giáo-sư nhắc:
- Bảo họ rằng nước xuống nhiều.
- Chúng tôi biết rồi. Hoặc bằng lối đào, hoặc bằng đường hầm, người ta sẽ đến cứu các anh… không lâu.
Tiếng cuốc thấy yếu đi. Chắc hẳn người ta đang dò chỗ để chọc thủng xuống. Chúng tôi đã tả rõ vị trí của chúng tôi, người ta sợ than đất sụt xuống đầu chúng tôi, có thể đè chết, gây thương tích, hoặc hất chúng tôi xuống nước, nên phải dè dặt.
Theo lời Giáo-sư, chúng tôi còn phải sợ nạn khí trời nổ tung. Một khi lỗ đã chọc thủng, khí bị nén ép ở trong hốc phụt mạnh lên như phát súng đại bác và làm đổ vỡ tất cả. Vì thế ở trong, chúng tôi phải thận trọng cũng như những thợ ở ngoài.
Cuốc bổ chan chát làm cho nóc hang rung động, những mảnh than vụn rào rào rơi xuống nước. Có một điều rất lạ là càng gần đến lúc được cứu, thì khí lực chúng tôi càng suy. Tôi không ngồi vững được nữa, nằm chũi trong đống than vụn, yếu quá không nhắc nỗi cánh tay. Tôi run cầm cập mặc dầu lúc đó không rét.
Sau cùng, mấy miếng than to rơi xuống. Một lỗ sổ hé trên đầu hang. Chúng tôi lóa mắt bởi những ánh đèn. Nhưng ngay lập tức, chúng tôi lại tối mò như cũ. Một luồng gió, một đợt gió rất mạnh, một vòi rồng ầm ầm nổi lên cuốn tất cả những thứ vụn vặt ra ngoài.
Giáo-sư nói:
- Đừng sợ! Đó là những luồng gió mạnh. Người ta sẽ thắp lại đèn và đưa xuống. Ta hãy đợi một chút.
Ôi! Đợi! Vẫn còn phải đợi!
Nhưng ngay lúc đó có tiếng xôn xao ở mặt nước dưới hầm. Tôi ngoảnh lại, nhìn thấy một đám ánh sáng đang tiến đến, trên mặt nước sóng vỗ bập bềnh.
Người ta kêu:
- Can đảm lên! Can đảm lên!
Và trong khi người ta do lối đào đưa xuống tay cho những người nằm ở bậc trên thì do đường hầm người ta cũng vừa tới chỗ ba chúng tôi.
Kỹ-sư đi đầu, leo lên trước tiên, ẵm tôi xuống. Thực là kịp thời vì lúc đó sức tôi đã kiệt, không nói được nữa.
Tuy nhiên, tôi vẫn biết có người đang ẵm tôi. Rồi người ta quấn khăn cho tôi và đưa tôi lên cửa hầm. Tôi vẫn nhắm mắt, thấy chói quá, tôi phải mở ra. Ban ngày rồi! Tôi ra ngoài trời rồi!
Ngay lúc đó, một vật trăng trắng ném vào tôi. Đó là con Lãnh-Nhi nhảy vọt lên cánh tay Kỹ-sư và liếm vào mặt tôi. Đồng thời, tôi thấy có người cầm tay phải tôi và hôn.
Một tiếng nhỏ phát ra:
- Lê-Minh
Đó là anh Mã-Tư.
Tôi nhìn chung quanh tôi. Một đám người đông đặc đứng hai bên lối đi như hai hàng rào kín. Họ đứng nín thít vì đã có lệnh không được kêu gọi làm xúc động chúng tôi, nhưng những dáng điệu của họ, những con mắt của họ đã nói nhiều thay cho họ.
Ở hàng thứ nhất, tôi thoáng nhìn thấy những áo lễ trắng và những chỉ vàng lóng lánh dưới ánh mặt trời. Đó là những vị linh mục ở Văn-Xá đến tận cửa Mỏ để cầu nguyện cho chúng tôi. Khi chúng tôi đi qua, các vị quỳ cả xuống, mặt đất không lầm lội nữa, vì trong mười bốn hôm đã khô ráo như thường.
Có đến hai mươi cánh tay đưa ra để đỡ lấy tôi, nhưng Kỹ-sư không muốn nhường lại: sung sướng và tự hào, Kỹ-sư cứ ẵm tôi về đến văn phòng, ở đó người ta đã sửa soạn tươm tất chỗ nghỉ cho chúng tôi.
Hai hôm sau, tôi cùng Mã-Tư và Lãnh-Nhi đi chơi phố. Mọi người thấy chúng tôi đều dừng lại nhìn.
Có nhiều người đến bắt tay chúng tôi, với những đôi mắt rưng rưng lệ.
Có nhiều người quay mặt đi.
Những người này để tang và chua xót, họ tự hỏi rằng tại sao một đứa trẻ không cha không mẹ lại còn sống, mà những người cha, cột trụ trong gia đình, những người con yêu dấu lại bị vùi sâu trong Mỏ.
Có nhiều người làm phiền chúng tôi, định kéo chúng tôi về nhà ăn cơm hoặc mời chúng tôi vào hàng uống cà-phê.
Họ bảo:
- Em kể lại chuyện bị chôn sống cho ta hay.
Tôi cảm ơn và từ chối tất cả, vì không tiện kể chuyện mình cho người ngoài nghe. Hơn nữa, lẽ nào lại để người ta mua chuyện của mình bằng một bữa ăn hay một ly cà-phê. Vả lại, tôi thích nghe chuyện hơn là kể chuyện. Tôi nghe An-Sinh, tôi nghe Mã-Tư nói lại những chuyện đã xảy ra ở trên mặt đất trong thời gian tôi ở dưới Mỏ cho tôi nghe.
An-Sinh nói:
- Khi tôi tưởng anh chết thì lòng tôi đau xót quá như gẫy một cánh tay vì tôi tưởng thế nào anh cũng chết.
Mã-Tư nói:
- Tôi không bao giờ tin rằng anh chết. Tôi không biết anh sẽ còn sống mà ra khỏi Mỏ hay người ta sẽ cứu được anh kịp thời, nhưng tôi tin rằng anh không thể nào chết đuối được. Công việc cứu nạn làm đến nơi đến chốn thì thế nào cũng tìm thấy anh. Có lúc An-Sinh thất vọng và khóc anh, tôi hăng hái bảo An-Sinh: “Anh không chết nhưng có lẽ đang đợi chết”. Rồi tôi đi hỏi mọi người: “Người ta có thể sống bao lâu không ăn uống gì? Bao giờ thì múc hết nước? Bao giờ thì đào đến nóc hầm?”. Chẳng ai trả lời tôi vừa lòng cả. Khi người ta hỏi tên, Kỹ-sư đọc tên Cao-Dĩ rồi đến Lê-Minh, tôi nằm lăn ra đất và khóc nức nở. Lúc đó người ta xéo cả lên lưng tôi, nhưng tôi coi như không vì tôi sung sướng quá.
Tôi, tôi cũng sung sướng thấy anh Mã-Tư tin tôi, đã không muốn tưởng rằng tôi có thể chết được.
Vô Gia Đình
LỜI NÓI ĐẦU
Phần I - Chương I
Chương II
Chương III
Chương IV
Chương V
Chương VI
Chương VII
Chương VIII
Chương IX
Chương X
Chương XI
Chương XII
Chương XIII
Chương XIV
Chương XV
Chương XVI
Chương XVII
Chương XVIII
Chương XIX
Chương XX
Chương XXI
Phần II - Chương XXII
Chương XXIII
Chương XXIV
Chương XXV
Chương XXVI
Chương XXVII
Chương XXVIII
Chương XXIX
Chương XXX
Chương XXXI
Chương XXXII
Chương XXXIII
Chương XXXIV
Chương XXXV
Chương XXXVI
Chương XXXVII
Chương XXXVIII
Chương XXXIX
Chương XL
Chương XLI
Chương XLII