watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Phản Trắc-Phần 11- Chương 6 - tác giả Hoàng Đình Quang Hoàng Đình Quang

Hoàng Đình Quang

Phần 11- Chương 6

Tác giả: Hoàng Đình Quang

Bích tỉnh lại vào khoảng ba giờ sáng. Chị biết được là nhờ vào chiếc đồng hồ thạch anh nhảy ton tót, đơn điệu gắn trên tường ngay trước mặt. Loại đồng hồ sản xuất hàng loạt, giống nhau đến mức kỳ lạ, treo đầy ở các cơ quan, công sở. Chưa bao giờ, thời gian lại được quý báu, được nhắc nhở như bây giờ, công lao này chắc chắn có công của những nhà sản xuất, lắp ráp đồng hồ trong và ngoài nước. Ai đã nói vậy nhỉ? Không nhớ, Bích không nhớ được ai nói, chỉ biết người nói là một người vui tính...
Đầu óc trống rỗng, Bích tự hỏi mình đang ở đâu? Cái gì đã xảy ra? Mà sao mình lại đang ở trong một quầng sáng trắng toát như trong bệnh viện nhỉ? Hai tai chị tràn ngập những tiếng u u, và cả những tiếng lục bục như một cái bình chứa đầy nước. Chị nhắm mắt lại, lắc đầu thật mạnh, không có cảm giác đau đớn! Và kìa, một bóng người nhòa nhạt trong bộ áo quần trắng toát đang đến gần. Người đó là một bác sĩ hay y tá... Đúng! Đây là bệnh viện rồi!
Một khuôn mặt quen quen hiện rõ dần, Xuân, cô y tá là học trò của Bích. Khuôn mặt mỏng với cái mũi nhỏ như mũi chim, làm cho người ta cảm thấy cô y tá này là một người ác. Thế nhưng, trái lại Xuân rất hiền, thậm chí một cô gái nhút nhát, luôn mặc cảm về nhan sắc của mình. Xuân đi như chạy lại gần Bích, giọng cô méo mó:
-Cô! Trời ơi, cô tỉnh rồi à? Em lo quá...
Bích mỉm cười:
-Ừ, cô vừa qua một giấc mơ, giấc mơ kinh khủng quá Xuân ạ!
Xuân ngơ ngác:
-Cô mơ à? Cô mơ thấy những gì?
Bích nhắm mắt lại, làm như cố gắng lắm để nhớ lại cơn chiêm bao vừa trải qua. Đột nhiên, chị mở mắt ra, hoảng hốt ngó trừng trừng vào khuôn mặt nhỏ của cô học trò:
-Cô vẫn đang mơ phải không? Em có phải là Xuân không?
-Cô!... Xuân kêu lên, giọng đã ngấm đầy nước mắt:
-Cô tỉnh chưa? Cô...
-Cô vẫn đang mơ đấy! Giấc mơ kinh hoàng lắm. Để cô kể cho em nghe nhé!
Rồi không để cho Xuân kịp nói, Bích nói một mạch:
-Cô mơ thấy mình đang ở nhà mình. Hôm ấy nhà cô có giỗ, giỗ anh Bảo, đông người đến lắm, toàn những người có tiền, có tiếng tăm và quyền uy thôi. Thế nhưng lại thiếu nhiều người, trong số những người bạn, những đồng đội của anh Bảo, của cô và của anh Tụ. Cô có ý chờ anh Kha, cái anh chàng dở người đang làm việc dưới quyền của anh Tụ ấy mà. Đến khi mọi người ngồi vào bàn, không kìm nổi, cô hỏi anh Tụ: "Anh Kha đâu, sao không đến hả anh?" Anh Tụ bảo cô: "Chắc nó đi đâu, bận việc gì rồi!". "Thế anh có mời anh Kha không?". Anh Tụ trả lời cô qua vai: "Việc gì phải mời, biết thì đến chứ!".
Cô thấy buồn quá, anh Tụ là chồng cô, nhưng anh Kha là bạn của anh Bảo, lại là người tìm thấy mộ anh Bảo, một việc mà hai vợ chồng cô đi tìm năm lần bảy lượt không được. Vậy là cô biết, anh Bảo không thích cô lấy anh Tụ, không muốn để anh Tụ tìm mình, mà đợi bằng được anh Kha đến mới chịu lên tiếng. Trước đây, giỗ anh Bảo, anh Kha đều có mặt. Chỉ độ vài năm nay thôi, cô không thấy anh Kha ghé nhà, thậm chí đến cả giỗ anh Bảo, anh ấy cũng không đến. Thế thì nguyên do tại đâu?
Mọi người ăn uống rào rào, liếng ly chạm nhau lanh canh, tiếng hô hét, tiếng hát chật nhà. Họ nói những chuyện khác, những chuyện thời cuộc, chuyện làm ăn, giá đất, giá những chuyến đi nước ngoài, những chuyện săn bắn... Không ai nói gì đến anh Bảo của cô. Em bảo cô không buồn làm sao được?
Em biết không? Quân đảo chính Lon Non - Xirích Matắc đã xông vào giết cả gia đình gồm có ba, mẹ và hai đứa em. May sao hôm ấy, anh Bảo và cô đi học nên không bị bọn khát máu hằn thù đó lôi đi, thoát chết, nhưng tình cảnh thật bơ vơ, không nơi nương tựa. Năm ấy anh Bảo mười tám tuổi, còn cô mới chỉ là một cô bé mười lăm. Hai anh em đưa nhau trốn ra bờ sông, anh Bảo nói:
-Anh em ta còn ở đây thế nào cũng bị giết. Ta phải về Việt Nam thôi, về tổ quốc...
Cô khóc:
-Còn ba mẹ và các em, em nhớ mẹ...
Anh Bảo nhìn xuống giòng sông Mê Kông đục ngầu nước xoáy, giọng kiên quyết:
-Ba mẹ bị chúng đưa đi giết rồi, cả hai em nữa. Chúng ta về Việt Nam, tìm những người Việt Cộng cách mạng, nhờ họ báo thù...
Đêm ấy, hai anh em cô với hai bàn tay trắng đi men theo bờ sông, không dám đi ra quốc lộ, vì sợ quân lính thấy, chúng giết chết. Ba ngày đêm, đói và khát, tìm được cái gì ăn cái ấy, uống nuớc sông, ăn khoai sống. Đến ngày thứ tư, anh Bảo nói không đi dọc bờ sông nữa mà cắt rừng đi về phía mặt trời mọc, cứ đi thế nào cũng đến đất Việt Nam... Thêm hai ngày nữa, hai anh em dừng lại tìm chỗ ngủ, thì có một người mặc quần áo bà ba đen, chân đi dép nhựa, cổ quấn khăn cà ma, ca rô sọc đen, lại có cả súng nữa. Nhìn thấy hai anh em cô, anh ta đi đến gần, lên tiếng:
-Các cô cậu là người Việt phải không?
Trời ơi, cô mừng quá, gặp được người Việt Nam mình rồi, thoát chết rồi! Cô khóc òa lên:
-Anh ơi! Cứu chúng em với, quân đảo chánh giết chết ba má và hai em của em rồi!...
Người kia im lặng nhìn cô, không nói, cô thấy sợ. Anh Bảo can đảm nhìn anh ta:
-Các ông là Việt cộng hay quốc gia?
-Việt cộng thì sao mà Quốc gia thì sao?
Anh Bảo làm ra vẻ cứng cỏi:
-Chẳng sao cả! Chúng tôi là người Việt chạy trốn bọn Lon Non. Chúng tôi muốn về Việt Nam. Anh chỉ đường cho hai anh em tôi với...
Đang nói thì có hai người nữa đi tới, trong đó có một chị nữ, đeo cái túi có chữ thập đỏ, lên tiếng hỏi:
-Ai thế đồng chí Huỳnh?
-Có hai em Việt kiều bị bọn lính Lon Non truy đuổi!
"Việt Cộng rồi!". Cô thầm reo lên, nhưng ngay lập tức lại thấy lo. Biết đâu Việt Cộng lại vào hùa với Lon Non thì sao? Từ lâu, cô đã nghe nói Bắc Việt không ưa chính sách trung lập, làm xiếc đi trên dây của Nhà vua Nôrôđôm Xihanúc, có lúc lập trường theo Mỹ đánh Việt Nam. Nay Lon Non đảo chính lật đổ ông vua này, chẳng là bạn của họ sao? Nhưng "đồng chí" Huỳnh nói với cô:
-Các em đói quá rồi phải không? Rồi anh ta quay lại nói với chị nữ, đeo túi chữ thập đỏ:
-Cô Như ơi, có cái gì cho hai đứa nó ăn, kẻo chúng chết đói mất. Vừa thoát chết khỏi nanh vuốt bọn Lon Non, lại chết vì đói thì uổng quá...
Chị Như cho hai anh em cô một nắm cơm, có một ít muối mè:
-Các em ăn đỡ, lát nữa về cứ ăn nữa. Bọn chị vừa đi công tác về, chả có cái gì để các em ăn...
Mười lăm năm sống trên đời, dù cha mẹ cô không đến nỗi giàu có nhưng anh em cô cũng đã từng được nếm thử những món ăn ngon và đắt tiền của thiên hạ, nhưng chưa bao giờ cô thấy có cái thứ gì ngon bằng miếng cơm nắm muối mè như hôm ấy. Cô cố gắng kềm lòng nhưng vẫn cắn những miếng thật lớn, đầy miệng nhai trệu trạo. Thấy thế chị Như đưa cho cô bình nước (sau này cô mới biết quân giải phóng kêu là bi-đông) bảo uống đi, kẻo nghẹn. Thoáng cái nắm cơm đã hết, cô còn tiếc rẻ, thèm thuồng, nhặt từng hột cơm rơi ra xung quanh chỗ ngồi, bỏ vào miệng!
Từ hôm ấy, anh Bảo và cô, hai anh em trở thành chiến sĩ quân giải phóng. Anh Bảo đủ tuổi nhập ngũ, còn cô theo chị Như về bệnh xá làm những việc lặt vặt!
Cô mơ thấy đám ăn nhậu say sưa tán dương một người nào đó, hình như thủ trưởng cũ của anh Tụ nay là một ông bộ trưởng, đạo cao đức dày. Đúng rồi, ông bộ trưởng này cô biết, ông Đức Hoàn, ông ta đúng là thủ trưởng cũ của anh Tụ và cũng từng là thủ trưởng của anh Bảo, khi anh Bảo làm tài xế xe ôm cho ông ta. Ông bộ trưởng ở thủ đô, ông không biết cô là em gái anh Bảo, mà chỉ biết cô là vợ anh Tụ. Mỗi lần cô định hỏi ông bộ trưởng có biết anh Bảo không, thì anh Tụ gạt đi: "Người ta là quan lớn, bao nhiêu người bao nhiêu việc, làm sao mà nhớ hết được. Chỉ có anh đây là chỗ thân cận, thì ông ấy mới nhớ đến thôi". Cô tin là thế, với lại anh Bảo của cô chết rồi, nếu ông ta có nhớ đến cũng chẳng giúp được gì. Thôi, cô chả nhắc làm gì nữa. Nhưng sao các người ngồi đây lại tung hô ông ta, lại nhớ đến ông ta một cách nhiệt thành thế? Suốt cả đám giỗ kéo dài từ chiều đến đêm khuya, ông bộ trưởng như một thỏi nam châm cực mạnh, hút tất cả đám gỉ sắt xung quanh tên ông vào thành như một đám lông, xù lên làm ông như một con sâu róm khổng lồ. Ông có tài điều binh khiển tướng, ông có tài kinh bang tế thế, ai ai cũng muốn nói một câu gì đó, thậm chí kể hẳn những câu chuyện dài dòng, đầy huyền thoại về mình gắn với ông thủ trưởng vĩ đại.
-Này, ông phó giám đốc một sở huơ tay, cậu Tụ có nhớ cái hôm mình với "cụ" đi săn không nhỉ? Cái hôm bắn được con heo rừng nái, phải đến hơn tạ ấy chứ, bốn thằng vệ binh lồng hai cây "long-đanh" khiêng khệ nệ.
Tụ, đi đi lại lạ với một vẻ bận rộn của chủ nhà, lắc đầu:
-Không! Nhớ thế quái nào được!
-Cái thằng, rõ thật đoảng, chuyện hy hữu thế mà không nhớ thì nhớ cái gì? Đem về sả thịt ra, công nhận thịt heo rừng tuy là nái sề mà ngon kinh khủng. Mổ bụng nó ra, có đúng mười một cái con, đỏ hon hỏn như con chuột, chưa có lông lá gì hết. Các cậu có biết gọi nó là cái gì không?
Không có ai trả lời, ông phó sở tiếp tục:
-Gọi là cái hà nàm, tiếng Tàu đấy. Thế có biết lấy mấy cái hà nàm ấy để làm gì không?
Cô ngồi ở bàn bên với mấy "phu nhân, mệnh phụ", thấy mấy bà cũng nhóng cổ lên để hóng chuyện, để nghe cái ông phó sở đang nhớ lại. Đến cái chuyện mười một cái bào thai đỏ hỏn, các bà đồng thanh rú lên, vẻ kinh hoàng. Thế nhưng, một bà cũng cố hỏi một câu tò mò:
-Làm thế nào hả ông Phan?
-Các bà không biết à? Bào thai loài vật, con gì cũng thế, nhất là heo rừng, ăn củ rừng, lá cây là bổ cực kỳ. Mình bảo nấu cháo đem lên "kính cụ" một ăng gô, "cụ" ăn khen ngon, bảo thấy gân cốt có đỡ ra...
Cô thấy buồn ói quá, em ạ! Là một y tá, rồi trưởng thành lên thành y sĩ, rồi bác sĩ, tiếp xúc với bao nhiêu bệnh nhân, có những căn bệnh hiểm nghèo, rồi những ca sinh nở... tưởng đã vô cảm với tất cả những máu me thê thảm thế nhưng cô không sao chịu nổi cái hình ảnh "mười một cái bào thai, heo con đỏ hỏn" nắm thuồi luồi trong nồi cháo. Rồi những con người chia nhau húp, thi nhau gặm, khen nức khen nở. Cô chạy vội vào nhà vệ sinh, nôn thốc tháo ra, nhìn thấy những miếng thịt, miếng dò chả từ trong miệng mình tuôn ra, cô lại càng lợm cổ, càng ói mửa... Kiệt sức, cô gục đầu vào lavabô, tưởng đến ngất xỉu, phải nằm lịm tại đó, trong đầu mệt mỏi và trống rỗng, nhưng vẫn nghe thấy mọi tiếng nói bên ngoài.
-Thế ai bắn? Một ai đó hỏi bằng cái giọng khiêu khích.
Ông Phan có thể không hiểu, cũng có thể ông rộng lượng bỏ qua câu hỏi xóc óc:
-Thì... mình bắn phát trước, "cụ" bắn phát sau! Thành ra hai thầy trò cùng bắn! Ầy...!
Cả bàn ăn cười ồ. Cái giọng lúc nãy lại lên tiếng:
-Phải công nhận, ông Phan có máu nịnh thủ trưởng từ hồi còn trẻ, nhỉ! Mà thủ trưởng ông làm nhỏ thế mà đã khoái nịnh thế kia à? Chả trách... bây giờ... Anh ta bỏ lửng câu nói.
Ngay lập tức anh phó sở tên Phan gạt cái những cái ly, cái chén trước mặt sang một bên, đứng phắt dậy:
-Này, ông Nghĩa, ông đừng có mà xóc óc nhau thế nhé! Đây là đám giỗ liệt sĩ nhà thằng Tụ chứ không phải văn phòng của ông! Nghe rõ chửa?
-Dạ nghe rồi ạ! Tổng giám đốc Nghĩa cười nhạt. Nhưng mà tôi nghe nó thối quá, bưng mũi không kịp...
-Ông bảo thối chỗ nào? Phan sửng cồ, cái mặt nặng nề của ông ta giật giật.
-Tụ này? Nghĩa gọi chủ nhà lại gần, không trả lời câu hỏi của ông Phan. Khi ông Đức Hoàn làm chính ủy 271, có phải tớ là văn thư ban chính trị không?
Tụ cười:
-Đúng rồi!
-Thế mà tao chả thấy thằng chó nào là thằng Phan? Thế mà nó dám bảo nó đi săn với "cụ", thật nói phét một tấc lên giời. Tớ chúa ghét những thằng nói phét, nổ như bom tấn. Đi ở đâu thì được, chứ ngồi đây mà nổ thì nó... đau bụng lắm, tụt quần không kịp!
Em có hình dung ra các đấng bậc mày râu, áo quần xênh sang, cổ cồn cà vạt, lên xe xuống thảm, chân đi bằng gót, miệng nói oang oang... mà cãi lộn, mà chửi nhau nó buồn cười thế nào không, hả Xuân? Khi cô từ trong nhà vệ sinh ra, cô mơ thấy các ông ấy đang nắm cổ áo nhau. Các bà phu nhân thì kêu lên the thé. Bia bọt, rượu tây, đồ ăn thức nhắm đổ bừa bãi ra bàn, ra sàn nhà. Không hiểu sao cô lại cười chớ! Cô buồn cười lắm cơ, trong giấc mơ, người ta cười thoải mái lắm.
Thế rồi, một con người lặng lẽ như cái bóng, nhưng giống như cái bóng, ở đâu cũng có anh ta, đằng sau, bên cạnh. Đó là Tài, phó của anh Tụ. Tài lao ra đứng giữa hai ông Phan và Nghĩa, giọng năn nỉ:
-Anh! Các anh cho em xin! Làm gì mà nóng thế... Chả gì các anh cũng là bậc tiền bối...
Phan đang giận sôi người, gạt Tài ra:
-A, cái thằng này là thằng nào, mà dám can thiệp vào chuyện chúng tao? Thằng Nghĩa bảo tao không ở trung đoàng 271 phải không? Láo! Tao nói cho mà biết nhé, trong trận càn Xe-đa Phôn, tao ở C2, đánh một trận ra trò. Đến lúc "cụ" chính ủy xuống thăm, tao còn nằm chung hầm với "cụ". Không tin hỏi thằng Tụ. À, mà kỳ đó thằng Tụ không đi với "cụ", chỉ có thằng Bảo lái xe...
Nhắc đến Bảo, mọi người hình như chững lại trong giây lát. Nhưng ông Nghĩa vẫn chưa thôi:
-Mà ông nói toàn chuyện chỉ có thằng chết rồi chứng kiến thì đếch ai tin!
Thế rồi, vì trong mơ, nên cô chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao nữa, chỉ thấy mọi người nhoang nhoáng nắm cổ áo nhau, xô đẩy. Một lúc sau thấy Tài chui từ gầm bàn ra, ôm lấy chân ông Phan, rồi ông Nghĩa lao tới đá ông Phan, chẳng may, thế nào lại trúng vào trán Tài, máu đổ ra, tràn xuống sống mũi. Tài ôm khuôn mạt đầy máu, đứng tựa vách tường.
Thế rồi, anh Tụ, người chủ nhà, người nhân danh ông bộ trưởng vắng mặt hét lên một tiếng. Mọi người quay lại, cô cũng quay lại thấy anh Tụ đứng trên bàn, mặt đỏ gay, hai tay giương khẩu súng săn Calip 2 nòng, nhắm về phía hai con người "tiền bối" đang gằm ghè nhau. Tụ quát:
-Có thôi ngay không nào? Làm gì mà như bọn thảo khấu thế? Ông thì cho mỗi tên một "ria" bây giờ...
Không khí lặng ngắt, cả hai đối thủ ngồi trở lại chỗ của mình. Có người ngồi cả lên tô miến măng đang lật nghiêng dưới ghế. Tụ cười hềnh hệch:
-Toàn là thỏ đế cả! Súng làm đếch gì có đạn!
Rồi như trong một bộ phim cao bồi, bạo lực, anh Tụ quăng khẩu súng mà không nhìn lại phía sau, từ một chỗ nào đó, Tài với khuôn mặt đẫm máu, lao tới tóm gọn khẩu súng.
-Thôi nhé, chuyện của ngày hôm qua, nói lại làm gì chỉ thêm rách việc, xin mời anh em nhậu tiếp. Tài ơi, lấy chai XO của bác Nghĩa ra làm tiếp...
Chả còn vui nữa, ai nấy mắt nhìn nhau đầy ngờ vực. Dù là trong giấc mơ, cô thấy thương anh Bảo quá, ngay cả cái chết của anh, đám giỗ dành để tưởng niệm anh cũng thành cãi cọ, thành đổ máu. Cô đi tìm bông, cồn rửa vết thương cho Tài. Nhìn khuôn mặt to ngang, cằm bạnh ra vững chãi, vầng trắn thấp, cái miệng rộng và những chiếc răng nhỏ, chắc đang nghiến lại trèo trẹo, chống đỡ cái đau, cái rát của cồn sát trùng, cô thấy ở con người này cái gì cũng cứng cáp, chỗ nào cũng vững chắc, có lẽ chỉ có tâm hồn anh ta là mềm dẻo, uốn lượn theo những người bề trên.
Tài là một con người im lặng, ngoan ngoãn và cô thấy tiềm chứa một sự tàn nhẫn ngu muội. Vóc dáng và điệu bộ vừa khệnh khạng, lại vừa có cái vẻ tháo vát, uốn lượn của Tài, cô nghĩ đến một con người tham lam, ích kỷ. Cô chỉ nghĩ thế thôi, bởi với cô, và nhất là với anh Tụ, Tài tỏ ra cúc cung quá đáng. Mỗi lần Tài đến nhà cô, cô luôn cảm thấy mình bị xét nét, bị đưa lên sân khấu. Cô thấy xấu hổ khi Tài xăng xái vào nhà tắm, nơi cô ngâm những đồ lót của mình và Phương, con gái cô. Lúc cô lấy để giặt thì tất cả đã được giặt rồi phơi tươm tất. Cô bảo Tài đừng làm thế, nhưng anh ta cười: "Tiện thể em giặt luôn, có gì đâu chị!". Chị nói với anh Tụ, nhưng chồng chị chỉ cười: "Thì nó là em út, có gì phải ngại". Cô không thể chịu được, chỉ có anh Tụ là quen đi rồi. Anh ấy làm như Tài là một cánh tay thứ ba, hay là cái đuôi của mình.
Một vài cặp khách đã về, cô cố gượng cười mỏi mệt để cám ơn họ. Người ra về gần cuối cùng là ông giám đốc Nghĩa, ông ta về khi trong nhà chỉ còn Tụ và Tài, hai thầy trò vẫn quấn quýt bên nhau như một cặp tình nhân, mà Tài trong vai cô gái nhẹ dạ, lỡ dại, anh ta vừa bộc lộ ra cái vẻ đòi nợ, nhưng lại rất giàu lòng trung thành.
Cô ra cổng nhìn dọc theo con đường tráng nhựa tinh tươm và ánh đèn loang loáng. Gió lặng từ chiều giờ liu riu thổi, nhưng cũng đủ tạt những đám mây tầng thấp, làm ló ra những vì sao nhợt nhạt bởi ánh đèn thủy ngân cao áp dưới trần gian. Tiếng xe ô tô rộ lên từng chặp, thỉnh thoảng, tiếng xe máy lẻ loi nổ lạc lõng, lạch phạch vút qua cổng ngôi biệt thự của cô, chạy sâu vào phía cánh đồng.
Chợt có tiếng chuông điện tọa reo vang. Ai gọi nhỉ? Chắc là các chiến hữu của anh Tụ báo tin là đã về tới nhà, họ vốn cẩn thận lắm, chu đáo lắm. Vừa vào cửa, anh Tụ nhìn cô với con mắt lờ đờ nhưng không giấu nổi sự tự mãn:
-Em nghe điện thoại kìa, của con Phương gọi về đấy!
Phương là con gái cô, nó học năm thứ năm Đại học y khoa. Con nhỏ trực đêm ở bệnh viện:
-Mẹ ngủ chưa?
-Chưa, khách vừa về hết rồi...
-Con định về nhưng hôm nay phụ mổ tới hơn mười giờ, mệt quá. Còn công việc gì mẹ để chút nữa về làm tiếp phụ mẹ.
Cô thấy thương con nhỏ quá, nó thật chu đáo, thật tình cảm với cô:
-Không có gì nhiều đâu, con. Mẹ với Phụng dọn dẹp gần xong rồi. Sáng mai con về cũng được. Đừng đi khya, nguy hiểm lắm...
-Thôi thế cũng được. Chúc mẹ ngủ ngon nhé! À, mẹ ơi, mẹ bảo ba uống in ít thôi nhé...
-Được rồi, mẹ sẽ nói, nhưng chắc gì đã nghe. Con về mà nhắc ông ấy.
-Thế còn cái anh chàng Tài thế nào? Anh ta có ngủ lại nhà mình không?
-Đang ngồi với ba con. Mẹ cũng không biết nữa. Thôi con đừng bận tâm làm gì. Có gì ba con biết cách xử lý...
-Con chán ba quá! Thôi, con cúp máy đây. Bai bai mẹ!
Cô xuống bếp dặn Phụng, cô gái giúp việc nhà của cô mấy việc như cho con Pôghi (con chó béc giê nhà cô đấy) ăn, tắt đèn, khóa vòi nước... rồi lên phòng tắm qua loa. Cô lên giường nằm mà không sao ngủ được. Ký ức về anh Bảo, về gia đình cô hồi ở Cần Ché, về các bạn đồng đội cứ làm cô thao thức... Thế rồi cô cũng thiếp đi. Có khi nào người ta có hai giấc chiêm bao chồng lên nhau không nhỉ? Ngành y đã dạy cô có thể có những giấc mơ như thật, hơn thật và có thể chữa được cả bệnh tật. Nhưng cô chưa nghe nói người ta có thể mơ thấy mình chiêm bao, tức là chiêm bao trong chiêm bao. Chiêm bao thấy anh Bảo của cô về, anh ấy đứng ngoài cửa ngôi biệt thự, mắt rất buồn. Anh hỏi cô: "Bích, trong nhà em có những ai?". Cô đáp: "Chỉ có em và anh Tụ". Anh Bảo đứng nghĩ ngợi một lúc rồi bảo cô: "Thôi thế thì anh đi đây". "Anh đi đâu? Hôm nay là ngày giỗ anh mà!". "Anh đi tìm đồng đội". Thế rồi anh ấy đi thẳng về phía bờ sông, đi tắt qua mấy căn nhà tôn ụp sụp của những người cư trú trong những căn nhà xây dựng bất hợp pháp. Bỗng anh quay lại rất nhanh, bảo cô "Em coi chừng kẻo chúng nó bắn nhau đấy!". Cô giật mình mở mắt, tiếng rì rầm dưới nhà nghe như từ trong cõi nào vọng lại. Cô nhìn mãi vào ngọn đèn ngủ đổ bóng lên bức tường hồng nhạt. Cái vầng sáng của nó vẽ lên tường những vòng tối lờ mờ, nhìn tựa như cái vành nón tơi tả. Chợt có tiếng súng nổ rất to, ngay dưới nhà làm cô giật mình. Cô vội vàng mở của phòng chạy thục mạng xuống cầu thang. Trời ơi, một cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra. Cảnh tượng trong mơ đấy, em ạ! Cô thấy Tài đang đứng dạng chân giữa phòng khách bề bộn ly tách, vương vãi những đầu lọc thuốc lá, nút chai rượu... hai tay cầm ngang khẩu súng các-bin, ánh lên màu thép xanh bóng và màu nâu của báng gỗ, còn ở trên ghế sa ông, anh Tụ đang quằn quại ôm ngực. Máu tuôn ra ướt đầm ngực áo. Cô hốt hoảng chạy đến ôm lấy anh Tụ, một tay cô bịt vết thương ở ngực anh ấy, mắt nhìn vào mặt Tài:
-Chú Tài? Sao lại thế này?
Khuôn mặt Tài lúc này bộc lộ nguyên hình của một con thú dữ. Không, con thú này không dữ, nó cũng hằm hằm khuôn mặt to ngang, có vầng trán thấp, nhưng tỏ ra chịu đựng, nhẫn nhục hơn là hùng hổ tấn công.
-Sao chú im lặng thế? Chú bắn chết anh Tụ rồi! Quân giết người!
Tài tiến lên vài bước, khẩu súng vẫn cầm ngang, tay để ngoài vòng cò, mắt nhướng lên nhìn vào khuôn mặt bắt đầu tái xanh của anh Tụ. Hắn lùi lại, nó với cô:
-Gọi điện thoại cấp cứu!
-Cái gì? Anh ấy làm gì chú? Anh ấy đã cưu mang, nuôi dưỡng chú...
-Quay điện thoại cấp cứu, nhanh lên!
Cô cuống hết cả chân tay, có lẽ trong mơ thường diễn ra những động tác không chịu thực hiện theo ý muốn của mình. Cô cứ ôm lấy cái thân thể nóng hổi, mềm nhũn củaa anh Tụ.
-Đoàng! Tiếng súng nổ từ ngón tay bóp cò của Tài, viên đạn xuyên trần nhà, khói súng nồng nặc. Sau phát súng ấy, cô bỗng linh hoạt hẳn lên. Cô chạy lại máy điện thoại, nhưng không nhớ quay số nào. Bí quá, cô chợt nhớ đến sô 113, cô quay đại:
-A lô! Công an 113 phải không? Xin các anh đến ngay khu phố 20, vâng, đúng rồi, xóm Mả Cùi, biệt thự số 3...
Cô buông máy thẫn thờ nhìn anh Tụ đang thở những hơi thở cuối cùng. Tài quát lên, nhưng giọng quát của hắn vẫn có chút gì như cầu xin:
-Ai bảo chị gọi 113? Gọi cho cấp cứu kia mà! Nhừ... nhừ... nhaa... anh lên! Hắn nói cà lăm, làm cô bực mình.
Cô quay số điện thoại đến cơ quan cô, nói vội vàng với ai đó một câu: "Tôi Bích đây, xin cho một xe cấp cứu đến nhà tôi nhé! Đúng rồi, nhà tôi, bác sĩ Bích!".
Tất cả cứ loang loáng, cô chẳng còn biết làm gì. Bỗng có tiếng chuông gọi cổng, cô chưa biết tính sao, thì Phụng đã từ một hốc tối nào đó chạy ra, mặt nó trắng bợt:
-Cô để con ra mở cổng!
-Con ra nhanh lên, xe cấp cứu đấy!
Tiếng cánh cổng rít lên nhưng không có tiếng xe ô tô, không phải xe cấp cứu, hay xe công an 113. Cô nghe tiếng Phương, con gái cô, hỏi Phụng:
-Nhà có chuyện gì thế? Chị Phụng?
Tiếng Phụng:
-Anh Tài, anh Tài bắn chết chú, bắn chết ba Phương rồi!
Tiếng Phương lanh lảnh:
-Hả? Tài bắn ba tôi hả? Tài đâu? Thằng Tài đâu?
-Đoàng! Tiếng súng thứ ba nổ vang lên ngay ngoài sân! Tài đã nhắm vào Phương! Thằng khốn nạn, tên sát nhân!
Tiếng súng ấy, phát súng thứ ba làm cô giật mình, thoát ra khỏi cơn mơ, nhưng nó lại đưa cô đến nơi khác, đến một nơi để cô gặp lại anh Bảo, cô Như y tá, ba mẹ và hai em cô. Nơi ấy xa lắm, nhưng cô tỉnh rồi...
-Cô! Cô Bích, cô nói gì thế? Cô đang mơ hay tỉnh mà nói những chuyện em không hiểu?
-Em không hiểu là phải thôi, Xuân ơi! Đây là đâu? Bệnh viện hả? Ừ, cô vừa mơ đấy, giấc mơ dài thiệt dài, bây giờ cô tỉnh rồi à?...
Phản Trắc
Phần I- Chương một
Phần 2
Phần 3- Chương Hai
Phần 4
Phần 5- Chương 3
Phần 6- Chương 3
Phần 7- Chương 4
Phần 8
Phần 9- Chương 5
Phần 10
Phần 11- Chương 6
Phần 12 -Chương 7
Phần 13 - Chương 8
Phần 14
Phần 15 - Chương 9
Phần 16
Phần 17- Chương 10
Phần 18
Phần 19 - Chương 11
Phần 20
Phần 21 - Chương 12
Phần 22
Phần 23 - Chương 13
Phần 24
Phần 25 - Chương 14
Phần 27 - Chương 15
Phần 28
Phần 29 - Chương 16
Phần 30 - Chương 17