Phần 12 -Chương 7
Tác giả: Hoàng Đình Quang
Kha vô cùng kinh ngạc khi anh tỉnh dậy lại thấy trước mặt mình là một cô gái trẻ, trang điểm có phần thái quá, đôi môi mọng đỏ, cặp mắt long lanh tô đậm, tạo một vẻ tối quầng thâm. Lại càng ngạc nhiên hơn nữa, khi thấy mình chỉ mặc độc có chiếc quần lót, nằm trên giường, trải tấm nệm cũ kỹ, bọc bằng tấm vải hoa bạc thếch. Anh ngượng nghịu hỏi cô gái:
-Cô là? Có phải cô là vợ anh Hán, à tiến sĩ Han không? Kha hỏi mà không tự tin lắm.
Cô gái cười thân mật với Kha và tỏ ra rất chủ động:
-Hổng phải đâu! Em mà được làm vợ anh tiến sĩ thì còn nói gì! Đây là nhà em, tên em là Mỹ Liên!
Kha cảm thấy mình trơ trọi vô duyên trước vẻ tự nhiên của cô gái. Và càng lo lắng hơn, bởi nơi đây, nơi anh ngủ đêm qua lại không phải là nhà của Lê Quốc Hán, bạn anh. Vậy ra đêm qua, trong lúc mình say quá, Lê Quốc Hán đã không đưa mình về nhà mà dẫn vào ngôi nhà này, một ngôi nhà không bình thường và cả cô chủ nhà này cũng không bình thường chút nào.
-Xin lỗi cô, tôi muốn được mặc quần áo và làm vệ sinh. Trong nhà có phòng toa-lét chứ?
Mỹ Liên nguýt Kha:
-Thì ai bắt anh không được mặc quần áo mà lỗi với phải! Đêm qua anh tiến sĩ đã dặn tụi em rồi...
-Đêm qua tôi say quá phải không? Chết thật... Kha bày tỏ sự hối hận của mình, nhưng cô gái vẫn tự nhiên sắp lại mùng mền, trong khi Kha thì lại ngồi co ro trên mép giường. Nhà này là thế nào? Sao lại là "tụi em" chứ không phải một mình em? Mà xem ra cô gái này có vẻ nguỡng mộ anh tiến sĩ của cô lắm, chả thế mà lại bảo "được làm vợ tiến sĩ Han thì còn gì bằng".
-Đêm qua anh không say, mà chỉ sỉn thôi, sỉn "quắc cần câu". Anh có biết "quắc cần câu" là thế nào không?
Kha thành thật:
-Không hiểu! Cô nói xem nào.
-Là... hí hí, cái cần câu nó xuội lơ thế này nè!
Kha lắc đầu:
-Này, thế Mỹ Liên ở đây có một mình thôi sao?
-Có nhỏ em của em nữa, tên nó là Mỹ Châu. Nó đang pha cà phê cho anh ở ngoải...
-Có hai cô em thôi?
-Dạ! Hai cô em nương nhau sống qua ngày, anh ơi!
-Thế đêm qua anh tiến sĩ của Mỹ Liên dặn làm những gì để chăm sóc tôi.
Mỹ Liên cười hồn nhiên:
-Dặn đủ thứ. Này nha: trước nhất là cởi đồ ra cho anh, lấy khăn nóng lau nguời, nếu anh bị ói thì lấy chậu thau, thoa dầu gió, giăng mùng, đắp mền... Nửa đêm qua coi anh còn muốn gì nữa không? Đó, dặn vậy đó!
Kha thấy ngượng, bên tai trái cảm thấy nóng ran. Anh cười nhạt:
-Ông bạn "tiến sĩ" hại tôi quá thế này, thì có ngày tôi tiêu mất thôi. Thôi, Mỹ Liên ra ngoài đi, để tôi vô nhà tắm.
Thực ra khi nghe thằng Bèo chạy đến báo: chuẩn bị một chỗ cho khách, Mỹ Liên hỏi lại:
-Khách nào?
Thằng Bèo kên cái vẻ mặt đắc chí của nó:
-Không hỏi lôi thôi! Khách của chú tiến sĩ, một Hoàng tử chịu chơi, dám xoa đầu tiến sĩ Han, thì không phải người thường...
Mỹ Liên và Mỹ Châu đứng ngẩn ra, rồi vội vã vô chuẩn bị giường, cái giường của Mỹ Liên vẫn nằm. Lúc thấy Han đưa Kha tới, anh đã lảo đảo, dựa vào Han để khỏi té. Han bảo Mỹ Liên:
-Khách của anh! Anh ấy là bạn của anh, hơi quá chén, em trông giùm, có gì sáng mai anh sẽ nói!
Nói xong, Han đưa bạn vào giường, rồi đi luôn.
Mỹ Liên quay ra, tay vén tấm ri-đô bằng ny lông, làm cửa nhà tắm, chỉ cho Kha:
-Có nước nóng sẵn trong trỏng, anh tắm rồi lấy đồ máng trên dây mà thay, để đồ cũ tụi em giặt...
Kha tắm xong, theo lời dặn của Mỹ Liên, anh mặc vào cái quần soọc trắng, áo thun xanh thẫm, ra soi ở tấm gương lớn phòng ngoài, gật đầu, cảm thấy hài lòng. Trận rượu đêm qua cũng còn để lại một ít "di chứng", làm đầu óc Kha lâng lâng, nhưng anh bỗng cảm thấy vui vui vì sự chu đáo của bạn, và vì thái đô thân ái của cô chủ nhà Mỹ Liên. Trông thấy Kha ra, cô em Mỹ Châu gần như reo lên:
-Trời đất ơi! Em nói hổng có sai mà! Đêm qua anh tiến sĩ kiếm về cho chị Hai em một "hoàng tử" thứ thiệt. Vậy mà chị Hai hổng chịu tin. Anh Hai, ngồi đây em làm cà phê cho anh. Trời ui! Nhìn anh Hai đẹp trai quá chừng...
Kha không thể biết được những lời cô gái này nói chơi hay nói thiệt, nhưng anh cảm thấy được tấm lòng chân thật của các cô. Có lẽ vì anh là bạn của "tiến sĩ" Han, thần tượng của họ, nên anh cũng nhận được sự quý trọng mà họ vẫn dành cho vị "tiến sĩ" này.
Kha ngồi vào cái ghế mây cũ kỹ, kiểu sa lông có tấm tựa lưng. Tiếng cọt kẹt chuyển động dưới lưng anh, khiến Kha có cảm giác là lạ, chung chiêng, như bay lượn, nhất là trước mắt anh, hai "bông hồng đen", đang nhún nhảy, uyển chuyển, (Không hiểu sao, Kha lại bất ngờ nghĩ ra và thầm đặt cho hai cô em Mỹ Liên và Mỹ Châu cái biệt danh "hoa hồng đen"). "Tại trận rượu đêm qua", anh thầm nghĩ. Nhưng dù sao cũng được một dịp sống vơi những kỉ niệm của bạn bè.
-Em này, Kha gọi cô em Mỹ Châu, có thân hình mảnh mai hơn cô chị, đầu gối hở ra dưới tấm váy ngắn, thấy cả những vết sẹo màu nâu. Anh tiến sĩ của em đâu rồi?
-Ảnh qua uống cà phê sớm lắm, anh Hai. Ảnh nói có cuốc xe ra chợ, dặn em khi nào anh thức dậy làm cà phê cho anh, đợi ảnh về...
Cà phê bưng ra, thơm phức, một thứ hương vị khác lạ, chắc chắn là của riêng cái quán bình dân mà lại có tên xa xỉ "Hai Chị Em" này. Cà phê vốn là thứ khó tính, kén người pha, kén cả người bưng. Quả vậy, nhiều người bỏ tiền ra mua cà phê rất đắt, rất ngon, nhưng pha ra uống cứ lào phào, nhạt thếch hoặc đắng ngắt, hương vị đi đâu mất. Thấy cà phê quán ngon, thơm, có người xin mua lại một lạng đem về nhà, uống thử, nhưng không ra sao. Thì ra, cà phê chỉ là cái xác, cái xác thì cũng khác nhau giữa các phẩm cấp, hạng loại, nhưng không khác nhau là mấy, cái hồn mới quan trọng. Cái hồn nằm ở cái quán, cái bàn tay người pha, người chế biến, thậm chí cả người mang nó từ bên trong quầy ra, cũng khác rồi. Kha vừa nghĩ ngợi lẩn thẩn vừa ngắm nhìn cái xóm xô bồ, hấp hoảng này. Chỉ cách vài chục thước bên kia con đường đã là khu VIP. Hàng cây mới lớn được chăm sóc hời hợt, khiến con đường như được dặm vá, hay là được mang từ đâu đến, mới cấy vào đây hôm qua, hôm kia. Cảm giác màu sắc héo úa, thiếu sinh khí hiện ra trong từng cái lá nhỏ.
-Nhà anh tiến sĩ ở đâu, Mỹ Châu ơi?
-Dạ, nhà ảnh ở hẻm bên kia, cách đây mấy chục bước chân thôi à.
-Em biết vợ anh ấy không?
-Dạ, biết chớ! Chỉ hiền lắm, sáng nào cũng ra chợ sớm, chỉ bán rau ngoài ngoải...
-Bán rau?
-Dạ, bán rau Đà lạt. Mà chỉ có dan hàng bán hàng lắm đó, anh Hai biết không? Chỉ vừa bán ngoài chợ cho khách, vừa nhận cung ứng rau sạch cho mấy trường mẫu giáo nữa đó!
-Giỏi nhỉ! Kha khen một câu chẳng ăn nhập vào đâu. Cô ấy có đẹp không em?
-Chỉ đẹp lắm đó… cô gái kéo dài thườn thượt tiếng "đó...", đầy vẻ ngưỡng mộ. Hoa hậu của xóm Mả Cùi, cả mấy cô tiểu thư, mấy bà mệnh phụ nhà giàu bên khu VIP, may nhờ được cái giàu sang, áo quần hàng hiệu mắc tiền, vòng vàng đeo đầy mình chớ hổng đẹp bằng chỉ đâu, anh Hai. Anh mà thấy anh mê liền, tụi em đàn bà con gái còn thấy mê chỉ. Nè, tóc đen dài chấm mông, bóng mượt còn hơn săn-siu quảng cáo trên ti vi, nước da trắng tươi, miệng lúc nào cũng cười duyên, như trái mận hồng đào, lại có cả núm đồng điếu nữa. Nhìn chỉ ai cũng khen... cứ tưởng bà nhà giàu nào chớ ai dè là bà bán rau ngoài chợ, vợ của ông già chạy xe ôm!
-Bán rau cũng tốt, chạy xe ôm cũng ngon lắm chứ? Em không thích à?
Mỹ Châu chớp chớp đôi mắt đen láy, mơ màng nhìn lên ngọn cây dừa lão:
-Không phải em không thích, nhưng mà đẹp như chị Han, phải làm việc cực quá để sống, thấy uổng!
Đang chuyện, Kha thấy Mỹ Liên bưng từ đâu về một tô phở, cô đi rón rén, nhún nhẩy đến trước măt Kha, chậm chạp cúi xuống cẩn thận đăt tô phở xuống. Kha bất chợt nhìn vào cáo cổ áo trễ xuống, thấy cái khe giũa hai bầu vú cô gái, sâu thẳm như một vết nứt của kỷ Juda, thời tạo thiên lập địa, thiết lập trật tự thế giớ hồng hoang. Mỹ Liên ngẩng lên, thấy Kha cười mỉm, cô biết anh cười về cái gì rồi, vẫn hỏi:
-Anh Hai cười em hả?
-Không! Kha cười thành tiếng. Anh chỉ cười cái dáng đi như khiêu vũ của em thôi. Sao không kêu họ mang vô mà em phải ra tận ngoài ấy mà bưng?
Mỹ Liên ngồi xuống cái ghế đói diện với Kha, tay cầm tờ báo cô mang theo về, quạt phe phẩy lên khuôn mặt đỏ bừng, lấm tấm mồ hôi.
-Em kêu cũng được, mà em thích ra lựa cho anh, em thích bưng vô cho anh, không được sao?
-Được rồi! Được rồi! Cám ơn em nhé! Em ăn chưa?
-Ối, tụi em ăn tối ngày, ăn lúc nào chẳng được. Ăn riết muốn nghèo luôn, anh ơi!
Kha nhẩn nha thưởng thức miếng thịt bò, húp một miếng nước, cắn một cọng hành của Mỹ Liên, (anh dứt khoát tin rằng cái món ăn, đồ uống ngon hay không, ngon đến mức nào, còn tùy thuộc ở người bưng đến), thỉnh thoảng lại khen:
-Phở ngon quá, Mỹ Liên ạ!
Mỹ Liên thật thà:
-Ở trong xóm này có quán phở của ông Bảy Cọng là ngon có tiếng. Cả khu VIP bên bển cũng ra mua đem về ăn sáng. Có điều quán dơ quá, họ không ngồi. Em mới gặp Phụng, con nhỏ người làm bên nhà biệt thự kia kìa.
Theo tay Mỹ Liên, Kha biết đó là nhà của Tụ. Như sực nhớ ra, Kha hỏi:
-Em gặp cô làm công cho nhà đó à? Hai người có biết nhau không? Có chơi thân với nhau không?
Mỹ Liên lắc đầu:
-Chỉ biết nhau khi đi ngoài đường, có nhìn nhau thôi, mà hổng chào, Liên cuời khúc khích. Người ở xóm này kỳ quá, ha anh há?
Kha đang mải suy nghĩ theo một hướng khác nên không để ý câu hỏi của Mỹ Liên. Anh hỏi lại:
-Chắc em có nghe cô gái, cái cô Phụng ấy nói gì chứ?
-Có một vài người khách dáng vẻ như thợ thuyền, ồn ào bước vào, họ réo gọi tên Mỹ Châu, cô bé váy ngắn, đầu gối có vết sẹo màu nâu, cười đi ra. Mỹ Liên nhìn sang, rồi quay lại tiếp chuyện Kha:
-Em có hỏi Phụng mua đồ cho ai, nó nói cho bà chủ.
-Vậy là nhà ấy có người rồi! Kha nói một mình.
-Anh ơi! Đột nhiên Mỹ Liên ạ thấp giọng, kéo sát ghế nhích lại gần Kha. Hôm qua kìa, ghê lắm nghe. Tụi cướp có súng, nửa đêm xông vô bắn ông Năm, chủ nhà rồi cướp hết vàng bạc, tiền đô, nó còn bắn bị thương bà chủ và cô con gái nữa! Kinh quá! Mỹ Liên co người lại, lắc đầu rùng mình.
-Sao bà chủ lại ở nhà?
-Ngất xỉu, vì sợ, vì tiếc tiền, đưa đi nhà thương, chắc khỏi rồi mới về nhà. Em nghe hai thằng bên quán thịt cầy của anh Sản chúng nói: công an bao vây nhà đó nguyên ngày hôm qua, lục xét đủ thứ...
Thấy Kha ngồi im không nói gì, Mỹ Liên đặt bàn tay nhỏ và mềm có những cái móng sơn màu nâu đen lên cánh tay Kha, giọng nũng nịu:
-Anh? Anh nghĩ gì vậy?
-Bên đó chắc còn công an?
-Không! Họ rút đi rồi. Thằng Bèo nó nói, công an ém người lại canh chừng bọn cướp quay lại kiểm tra hiện trường...
-"Kiểm tra hiện trường"?
-Em nghe thằng Bèo nó nói vậy, chớ em đâu biết! Mỹ Liên lại cười khúc khích.
Kha nhìn Mỹ Liên:
-Cám ơn em đã cho anh ăn, uống... Anh móc túi áo ngực tìm tiền, nhưng sực nhớ ra không phải áo mình. Hết bao nhiêu để anh tính?
-Khỏi, anh! Có đáng bao nhiêu đâu. Mà anh đi đâu bây giờ? Anh không đợi anh tiến sĩ về à?
-Không biết anh tiến sĩ của em bao giờ về? Kha sốt ruột. Thôi mặc kệ tiến sĩ Han, anh trả tiền cho em chớ, cả tiền ngủ trọ, tiền tắm nước nóng nữa... Kha nhìn Mỹ Liên cười thân thiện, bằng cái cười bè bạn. Mỹ Liên im lặng, tay chống cằm, lát sau cô nói:
-Em không tính mà anh tính, vậy anh tính bao nhiêu?
Kha đang bí với câu hỏi bất ngờ và khá thông minh của cô gái, của "bông hồng đen", thì có tiếng "Ê!..." rất to của tiến sĩ Han. Han chở một cái bao to đùng phía sau xe, giơ tay vẫy về phía quán, rồi chỉ lên phía trước, ý nói đang bận, cứ ngồi đó, tí nữa tôi quay lại.
-Thôi được rồi, cho anh ghi nợ hai em! Thế nào cũng có ngày anh đền đáp. Kha nói xong đứng dậy đi vào phòng trong, may quá, bộ quần áo của anh vẫn treo trên mắc, chưa nhúng nước. Kha thay quần áo rồi đi ra. Mỹ Liên ngơ ngác:
-Anh đi đâu bây giờ? Mà quần áo dơ thế mặc coi sao được? Để em giặt máy rồi ủi khô liền à...
Kha nhìn mình thấy quả có bất tiện, nếu anh tới ngôi nhà đó, tiếp xúc với người đàn bà đó. Anh đứng sững trước cửa, băn khoăn, hỏi Mỹ Liên:
-Lâu không em?
-Lẹ lắm! Liên kéo Kha vô phòng, tay mở nút áo trên ngực anh, miệng liến thoắng. Anh cởi ra lẹ lên! Rồi, mặc bộ soọc kia vô ra uống cà phê, đợi anh tiến sĩ, em giặt xong liền bây giờ! Rồi, ra ngoài đi! Hay...? Cô cười.
-Em cười gì?
-Nếu thấy ra ngoài ngồi không thích, thì anh vô giường em mà nghỉ, chừng nào anh tiến sĩ qua, em gọi!
Thật không ngờ, mình lại ở vào cái thế "lưỡng nan" này, Kha thầm nghĩ. Cứ vác đôi đầu gối củ lạc, đầy sẹo và lông lá này ra ngồi nhóng trước cửa quán một mình thì thật kỳ cục. Là khách lạ, thế mà lại quá thân mật, tự nhiên thế này, chắc phải có bao nhiêu con mắt đổ dồn vào mình. Cuối cùng, Kha chọn phương án "trung dung" nhất là đem chiếc ghế đan ny lông có dựa lưng vào một góc nhà, nửa nằm, nửa ngồi, chờ đợi. Trong nhà tắm kế ngay đó, tiếng ì oạp giặt đồ của Mỹ Liên làm Kha thấy vui vui. Đã lâu lắm rồi, cái tiếng động do người con gái, tiếng phụ nữ trong phòng đã tan biến, đã lùi xa, mất hút trong anh. Cái gì cũng cứng nhắc, cũng hùng hục, lấy lệ... Chói mắt và mệt mỏi xen lẫn căng thẳng, Kha thiếp đi...
Mỹ Liên là một cô gái biết việc. Để biết việc hãy phải biết mình. Không có việc gì quá khó, nếu có người làm được, chỉ có điều mình có làm được không thôi! Cô vừa lần những mẩu giấy vụ, mục nát còn dính trong túi áo Kha, vừa thầm đoán, đó là những gì? Đó là những gì, những mảnh vụn rời rạc, với cô, lúc này có thể là những mảnh thông tin, để chắp nối, để phỏng đoán. Kha là người thế nào? Dứt khoát anh không phải là người bình thường, người bình thường theo một nghĩa thông thường của người đàn ông ở tuổi ngũ tuần: có vợ con, có gia đình, có bạn bè, sự nghiệp, có niềm vui, nỗi lo và một chút kiêu hãnh. Hình như con người này không có những thứ đó, những thứ thông thường. Có một cái bóp và những mảnh giấy ghi chép gì đó, một hai cái cạc-vidit quăn queo. Mỹ Liên không dám đọc. Những người đàn ông khác đi qua đời cô, đi qua trong khoảnh khắc cuộc đời cô thì đúng hơn, là những cuộc mua bán, nó cũng có luật. Đã là mua bán, chí ít cũng phải theo luật thương mại, lại còn luật của dân chơi. Có lần Mỹ Liên đã đọc được hẳn một lời giao hẹn buôn bán, thấy những món hàng quốc cấm, những điểm hẹn khuất tất, cả những món tiền kếch xù... Vào tay kẻ khác, với những mảnh giấy đó có thể là những cuộc sát phạt, có khi đẫm máu. Mỹ Liên thấy nhưng cô để lại cho ông khách mua hoa, và quên ngay.
Mỹ Liên tự tay vò giũ quần áo của Kha, mặc dù chiếc quần jean khá nặng, cứng và gồ ghề. Có cảm giác đôi bàn tay bị xước, rớm máu. Sau cùng, cô cho vào máy giặt, để nó làm nhiệm vụ vắt kiệt nước, cô đem bộ áo quần của Kha ra ủi. Hơi nước bốc lên mù mịt, khiến khuôn mặt cô ửng hồng, trên má, trên vành môi, mồ hôi lấm tấm. Một niềm vui khôn tả tràn ngập. Cái gì làm cô vui nhỉ? Không, chẳng có gì hết, nếu không phải là niềm vui khi mình đem niềm vui đến cho người khác.
Có tiếng tiến sĩ Han làm Liên dứt quãng khỏi ý nghĩ, cô ngó ra thấy Kha không nằm trên giường của cô, mà đang ngoẹo đầu trên ghế nhựa. Cô mỉm cười, thầm nghĩ: đúng, con người này không bình thường thật rồi!
-Kha đâu Mỹ Liên? Han hỏi.
Liên chỉ vào chiếc ghế nan nhựa, nơi Kha đang ngoẹo đầu ngủ ngon lành. Han lắc đầu, rồi cũng cười theo:
-Đêm qua, hắn có quấy rầy em không?
Mỹ Liên lắc đầu.
-Có khi hắn say quá?
Mỹ Liên vẫn lắc đầu.
-Hắn bệnh rồi, hỏng rồi!
Mỹ Liên lại lắc đầu.
-Sao thế? Sao anh nói gì em cũng lắc đầu thế là thế nào?
Mỹ Liên không lắc đầu nữa, cô bặm môi quay mặt đi. Đoạn Mỹ Liên lấy bộ quần áo của Kha là phẳng nếp cẩn thận để lên ghế, rồi chạy ra ngoài. Không nghĩ ngợi, cô lấy chiếc xe gắn máy của mình để sẵn ở góc quán, đề máy, rồi lao ra ngõ. Cứ thế, cô phóng ào ào, chẳng kể ổ gà, chiếc xe nhảy tưng tưng trên đường. Cô cứ chạy, cứ rồ ga, hầu như chẳng cần dùng đến thắng, lạng lách như có ai đuổi đằng sau, gấp lắm...
Han nhìn theo Mỹ Liên , lắc đầu nghĩ: hay là con nhỏ này cảm thằng bạn mình rồi? Dám lắm!
-Này, dậy đi ông bạn!
Kha dụi mắt, nhìn Han rồi ngồi ngay lên:
-Ông đi đâu mà bỏ tôi từ đêm qua? Bảo đưa về nhà ngủ, lại dẫn tôi vô chỗ này. Đây là chỗ nào thế?
Han kéo ghế cười hềnh hệch:
-Động Tiên! Thế đêm qua ông không thấy Tiên Nữ bay vè vè xung quanh chỗ ông nằm à?
Kha cúi xuống nhìn hai đầu gối mình, rồi ngẩng lên ngó Han, với vẻ trách móc:
-Ông liều quá! Biết tôi say mà còn dẫn tôi vào chỗ...
-Chỗ gì? Thì có nhà có giường nệm cho ông ngủ, có người phục vụ còn thế nào nữa. Về nhà tôi hả? Được rồi, tí nữa ông sẽ biết, như cái hũ mắm, ông nằm vào đâu?
-Thế sao không để cho tớ về? Kha cãi. Nhà chật chứ bụng dạ có chật hẹp đâu?
Han cảm thấy mình đùa ác với bạn, anh ân hận:
-Nhà mình chật lắm, thật đấy, chứ không giấu diếm gì cậu đâu. Còn chỗ này là chỗ thân tình, tin tưởng...
-Ngộ nhỡ nửa đêm, công an khu vực đi kiểm tra, họ lôi tớ ra đồn thì ông cười chắc?
Han cười thật:
-Yên tâm đi! Khu này là an ninh lắm, khu của tớ mà!
Nghe nhắc đến hai từ "an ninh", Kha chực nhớ ra:
-An ninh thiệt không? An ninh gì mà nhà Tụ bị cướp, bị bắn?
Han tảng lờ như không biết, giục Kha:
-Thay đồ đi! Áo quần các em giặt ủi đàng hoàng rồi hả? Ra ngoài này ngồi, tớ nói cho mà nghe...
Hai người ngồi bên nhau, nắng bắt đầu lan tới khoảng sân rêu mọc loang lổ. Vài cây rau sam bò loằng ngoằng dưới hàng gạch kê chậu hoa hồng còi cọc. Kha xin một ly trà đá, rồi hỏi:
-Ông đã được một cuốc rồi à?
Han giơ ba ngón tay:
-Tính cả cuốc bã xã là ba!
-Đủ đong gạo chưa?
-Dư sức! Nghỉ nhà nước ra làm ngoài mà không đủ mỗi ngày vài ký gạo thì vứt mẹ nó cái đầu mẩu đi! Này, cậu nói Tụ là sếp cậu à?
-Tối qua, tớ nói rồi, tớ có nhiệm vụ đến xem nhà ông ta có chuyện gì mà không lên cơ quan, lại có công an hình sự đến kiểm tra văn phòng.
-Hình sự hay kinh tế?
-Hình sự rõ ràng, tớ cũng được mời ký biên bản, coi như nhân chứng.
Han trầm ngâm:
-Thế thì đúng rồi!
-Đúng cái gì?
-Cướp!
-Tớ cũng có nghe nói thế. À mà vợ Tụ bị ngất chứ không bị thương, ra viện rồi! Sáng nay còn đang ở nhà.
Han đốt một điếu thuốc, rít vài hơi rồi đặt xuống cái gạt tàn, tay móc túi áo ra một cuốn sổ nhỏ, nhìm chăm chú. Kha thấy thế hỏi:
-Cậu có gì mà ghi chép kỹ thế?
-Chiều chủ nhật, nhà ông Năm Tụ có đám giỗ. Thực khách trong nhà có năm cặp vợ chồng và hai người lẻ, trong đó có Tài là phó của ông Năm. Chín giờ bốn mươi lăm phút có một trận cãi lộn giữa hai ông khách là cán bộ của sở nông lâm. Mười giờ, ông Năm xách súng ra vãn hồi trật tự, không rõ súng gì, nhưng mọi người đều sợ. Mười giờ ba mươi, vợ chồng giám đốc công ty Vật liệu về trước. Mười một giờ người khách cuối cùng ra khỏi tòa biệt thự phấn hồng. Trong nhà chỉ có hai vợ chồng ông Năm, cô con gái đi ở trường. Ngoài ra còn có ông Tài, phó của ông Năm, người thân cận, nô bộc của ông bà chủ nhà, và cô Phụng, một cô gái dưới miền Tây lên làm công trong nhà. Mười hai giờ kém ba phút có tiếng súng nổ trong nhà, sau đó có hai tiếng súng nữa, mỗi tiếng cách nhau ba phút. Rồi xe cứu thương, xe của cảnh sat 113 tới. Không phát hiện ra bọn cướp, Công an canh giữ ngôi nhà suốt ngày hôm sau...
Kha cười phì:
-Cậu định hành nghề thám tử đấy à?
-Làm chơi thôi! Đấy là tất cả những gì đệ tử của tớ nó thu thập được. Bây giờ cậu có định vô đó không?
Kha chống tay lên cằm, nhìn về phía ngọn cây nhô lên khỏi hàng rào của nhà bên cạnh, anh biết ngọn cây đó của ngôi biệt thự phấn hồng. Không biết có nên vô đó không nhỉ? Tình hình trong đó theo như "tiến sĩ" Han thì có vẻ "khủng bố" lắm. Mình hứa với Hảo, và nhất là đối với Bích, vợ Tụ, nghe tin bạn hoạn nạn, mình phải đến chứ. Mặc kệ Tụ với cái chức phó tổng của anh ta, mình đến với Bích, với bạn bè, đồng đội... nhất là khi biết Tụ đang mất tích!
-Tôi sẽ vào đó, ông thấy sao? Kha hỏi Han.
-Nên, rất nên! Có tình hình gì, nhớ thông báo lại cho tớ nhé...
Kha lấy hơi, thở thật sâu, giống như người đi thi vấn đáp, sắp phải đối mặt với giám khảo, kiễng chân, nhấn chuông. Cảm giác tiếng chuông truyền qua tay anh, khiến anh thấy an tâm. Chờ một lúc lâu sau, không thấy động tĩnh, cả tiếng chó cũng không nghe. Kha nhấn chuông một hồi nữa. Có tiếng mở khóa, rất lâu nữa, khuôn mặt một cô gái bợt bạt ló ra. Kha nói đĩnh đạc:
-Bà bác sĩ Bích có nhà không cô Phụng?
-Dạ thưa, bà bác sĩ... cô cháu...
-Cô yên tâm, tôi là bạn của bà chủ nhà đây. Cô vào nói có chú Kha ở công ty đến thăm. Cô khép cổng vào hỏi bà chủ, nếu bà ấy đồng ý tiếp tôi thì cô ra mở cổng cũng được.
Cô gái giúp việc vào một lúc rồi ra mở rộng cánh cổng nói lí nhí "Mời chú vô". Kha đi thẳng vào sân, anh thấy Bích đã đứng trên hè. Thấy Kha, Bích khụyu xuống, tay vịn vào cây cột hiên:
-Anh Kha ơi! Anh Tụ bị bắn chết rồi...
Kha lao tới đỡ Bích:
-Ai bắn?
-Thằng Tài! Thằng sát nhân! Trông nó ngoan ngoãn thế mà lại phản chủ?
Kha sững người, dìu Bích vào phòng khách. Anh lẩm bẩm "quả mình đoán không sai, nhưng không thể ngờ được". Bích nghe thấy thế, hỏi lại:
-Anh đã biết trước à?
-Ồ không! Tôi chỉ phán đoán thế thôi. Thực ra, Kha đã nhớ đến câu anh nói thẳng vào mặt Tụ, trong lúc tranh luận: "Anh còn dùng thằng Tài, thế nào cũng có ngày anh chết vì nó!".