Phần 19 - Chương 11
Tác giả: Hoàng Đình Quang
Tài nằm mãi cũng đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, hình như y bắt đầu nhận thấy một cảm giác hối hận dù rất mong manh mà suốt từ khi y nuôi rắp tâm bắn vào ngực Tụ, chưa bao giờ xuất hiện trong bộ óc đặc sệt sự ngoan ngoan ngu muội của y. Sự buông trôi, chán ngán và còn xen cả cảm xúc hoan hỉ như kẻ tử vì đạo trong lòng Tài khiến cho khi vào căn phòng tạm giam này, y chỉ muốn ngủ một giấc thật dài, thật sâu, thật đã đời, để rũ sạch mọi nỗi muộn phiền, âu lo, để rồi khi thức dậy có đủ tinh thần và sức lực đón nhận sự phán xét của tòa án, sự trừng phạt của công lý.
Hai hôm đầu Tài không muốn ăn, y không muốn ăn phần vì y nghĩ không cần ăn, không cần sống. Y thích một cái chết đến càng nhanh càng tốt, càng nhẹ nhàng không cần thủ tục rườm rà, càng tốt. Y không sợ chết, lòng mong đợi cái chết y đã chực sẵn, như một sự can đảm phi thường, mà thực ra chỉ là sự chán ngán, sự lo sợ sự sống. Nhưng y không tự tử, lại càng không dám tự tử, vì như thế sẽ mất đi một dịp để y thỏa lòng thù hận. Y biết và chấp nhận sự đền mạng, vì đằng nào thì cũng thế, đằng nào thì cũng là cái chết, vì có sống y cũng chẳng ra hồn người, ra thằng người, mà chỉ là một cái thây bèo nhèo bám vào sự vinh hoa do người ta ban phát.
Tài tự nhận thấy mình không phải là kẻ hèn mọn, mà đáng ra y phải là một con người đàng hoàng, có thể không có chức vụ, quyền hành và quyền lợi nhưng phải đàng hoàng, để không một ai có thể coi thường y. Nhưng con đường tham lam và cầu tài, cầu lợi đã đưa y đến một tình thế nhục nhã. Người đời đã coi y như một kẻ ăn bám mà không phải ăn bám bình thường, không phải chỉ vì miếng cơm hay manh áo mà ăn bám lợi danh lòe lọet đấy, sa hoa đấy, nhưng chỉ là con chó giữ nhà của một nhà giàu (tội nghiệp, nhà chủ cũng không đến nỗi giàu lắm)... Vì sao y lại sa đà đến thế? Y không hiểu được, y không lý giải được vì từ bao giờ tới giờ Tài không quen lý giải, không có cái đầu suy xét mà chỉ có một nếp suy nghĩ duy nhất là làm thế nào để thực hiện được ý muốn, tất cả mọi ý muốn (nói xin lỗi, cả ý muốn đi đái) của cấp trên…
Chợt kẻ sát nhân cảm thấy lạnh toát từ đâu đó trong cơ thể. Y sực nhớ ra lời người công an già, từng trải và bình thản nói với y "sẽ có người vào thăm anh ta". Ai nhỉ? Lần đầu tiên, kể từ khi vào căn phòng tạm giam này, Tài cảm thấy hồi hộp, dù trước đó không lâu, y đã gạt sang một bên cái ý nghĩ khiến y hồi hộp ấy bằng cách cho rằng cái lão công an cáo già kia chỉ đánh đòn cân não y thôi. Nhưng bây giờ thì không thể thế, không thể thế được nữa. Đúng là có người sẽ vào thăm y. Nhưng mà ai?
Không lẽ lại là Nhung? Tài nhớ đến Nhung, cô vợ quái đản của y. Đúng là quái đản, và còn hơn thế nữa, sự ma mãnh, quá quắt của Nhung, cô vợ hiền của y đã làm tan nát cuộc đời Tài, mà theo y, đáng lẽ đời y không đến nỗi tan nát như thế.
Tài bỗng thấy chập chờn, trong mắt y như có hàng trăm, hàng trăm con bướm đủ màu đang chấp chới. Những con bướm hăng hăng mùi nước đái ngựa cứ lởn vởn. Không cưỡng nổi, Tài nghiêng người nằm xuống, nhưng đôi mắt vẫn he hé nhìn qua khoảng trống dưới chân cánh cửa, tiếng loạt xoạt của lá cây chạy trên sàn xi măng, và thỉnh thoảng, tiếng gót giày nện khô khốc xuống đất, nghe đều đều, buồn chán. Y đang đợi, đợi nhiều thứ, đợi một người nào đó đến thăm, đợi một tiếng quát khô khan gọi lên thẩm vấn, và… y đợi chết. Dứt khoát y phải đợi chết!
Đột nhiên, y nhớ đến Nhung, nỗi nhớ cồn cào và cay đắng. Một ngày đẹp trời đầu thu, Tài gặp Nhung. Lần đó, theo chân Tụ đến thăm một cán bộ quân đội. Đó là một ông tướng. Ông bệ vệ, khề khà và khá chân thành tiếp Năm Tụ. Qua câu chuyện, Tài biết đó là một cán bộ cấp tiểu đoàn thời kháng chiến, bạn hữu và cũng là đàn em của Bộ trưởng Đức Hoàn. Vì thế, qua sự giới thiệu ưu ái của Bộ trưởng, Năm Tụ nghiễm nhiên trở thành đàn em của ông tướng. Bây giờ, Tài lại là đàn em của Năm Tụ, lúc đó, nghĩ đến điều đó, Tài lâng lâng hạnh phúc, thứ hạnh phúc như có người gãi vào đâu đó, chỗ nhạy cảm nhất của da thịt. Đó chính là cái tầm thực dụng của y…
Nhung là con gái của ông tướng, và ông tướng sau này là bố vợ của Tài. Định mệnh là thế, định mệnh hay là sự vun đắp khéo léo, đầy nghệ thuật thu phục đàn em của Năm Tụ đã thu phục được cả trái tim cô tiểu thư đài các, mà chỉ trong vòng không lâu sau đó, cuộc hôn nhân đã tàn phá cả hai cuộc đời.
-Thưa anh, anh Đức Hoàn có gọi cho em, nói sức khoẻ anh mấy hôm nay không được khá…
-À… thế hả? Anh Hoàn gọi cho cậu lúc nào?
-Mới lúc bốn rưỡi chiều nay. Em phục các anh thật đấy… Tụ buông một câu lửng lơ trước ông tướng giỏi trận mạc nhưng cũng khá khờ về nghề đãi bôi.
-Anh Hoàn anh ấy cứ làm cho quan trọng lên thôi, chứ cánh mình bây giờ, sức khoẻ lúc nào chả có vấn đề. Nhưng cậu bảo phục cái gì?
Năm Tụ nâng tách trà dâng cho ông tướng:
-Phục cái tình của các anh. Bao nhiêu năm gắn bó sống chết với nhau trên chiến trường, lúc có tuổi, về chiều mà còn lo toan đến từng cơn biến động trong đời sống của nhau. Phục! Em phục quá… Không biết đến khi như các anh, liệu chúng em có được như thế không?
Năm Tụ bỗng không nén nổi thở dài, đầu hơi cúi xuống, một cách rất tự nhiên. Thấy thế, Tài cũng cúi đầu nhìn xuống mặt bàn sa lông chặn kính, lòng y hình như đượm buồn, những tấm ảnh con nít bụ bẫm cười toe toét dưới lớp kính cùng với Tài, lây cái buồn tự vấn của Năm Tụ. Nhưng Tài hiểu thấu cái cụm từ của Năm Tụ nói ra: đến khi "như các anh", câu này không phải để nói đến khi tuổi tác và sức khoẻ "như các anh", mà ở đây là quyền lực và chức vụ "như các anh", là những ông tướng, những ngài bộ trưởng…
Yêu thương, hẹn hò và cả những hờn dỗi làm nên hạnh phúc đầy ắp tâm hồn vốn rất xôi thịt của Tài. Đã nông cạn lại bị che lấp bới hào quang bóng vía của Năm Tụ, nên Tài không nhận ra khoảng cách không cân xứng, không "môn đăng, hộ đối" của mình và Nhung. Tiểu thư Nhung đẹp lạnh lùng, kiêu hãnh lạnh lùng đã chiếm đoạt toàn bộ con người Tài. Rồi đám cưới và cuộc sống "chó chui gầm trạn" ngắn ngủi của Tài làm bật dậy một thứ tình cảm vốn lâu nay bị dằn xuống. Đó là lòng căm hận mù quáng và sự khao khát trả thù.
Đứa con được sinh ra không may lại bị một thứ bệnh quái ác: quái thai! Đứa con gái ngay từ lúc sinh ra nó đã có cái đầu quá to, dường như la di truyền của cha nó, là Tài. Nhưng cái đầu của Tài dù có quá to so với những cái đầu người thông thường, cũng chưa đến nỗi sần sùi, gồ ghề, và càng lớn nó càng lớn nhanh một cách kỳ lạ, khiến cái cổ của nó không đủ sức cất nổi. Bộ tóc đen, hai con mắt to và cũng đen nhánh luôn nhìn bất động làm thành khuôn mặt già nua, chứa đầy chất hận thù.
Ba tuổi, đứa con gái của Tài và Nhung vẫn co quắp như một con ấu trùng khổng lồ, nằm gọn lỏn trong chiếc giường trẻ sơ sinh, bởi hai chân và hai tay của nó như những cái chân của loài nhện, những mạch máu li ti, những đoạn xương bé tẹo hiện rõ dưới lần da thịt mỏng dính của con bé, như thể được rọi trước ánh đèn điện. Điều đặc biệt kỳ lạ và cũng rất hãi hùng là cái bướm của nó, của một đứa con gái mới ba tuổi mà đã mọc chằng chịt những sợi lông đen nhánh, và cứ đều đặn, mỗi tháng một vài giọt máu đỏ tươi lại xuất hiện. Nó ăn khoẻ, có lẽ cần tập trung dinh dưỡng và năng lượng của cái đầu, nhưng tiếng nói của nó chỉ toàn những đoạn be be đứt nối, mỗi khi nó có nhu cầu gì đó. Cái miệng móm mém và với cái lưỡi dài, luôn thè ra, màu hồng nhạt.
Ông tướng, ba của Nhung thật rầu rĩ mỗi lần nhìn thấy con gái xinh đẹp và thằng chồng khoẻ mạnh của nó ngồi ngây ra nhìn đứa con, sản phẩm tình yêu của chúng. Ông đau buồn vì không biết bất hạnh từ đâu lại rơi vào đúng gia đình ông. Suốt một thời chinh chiến liệt oanh, ông xông xáo và tận tuỵ để mong có hạnh phúc. Vợ ông đã khuất. Bà ra đi thanh thản nhưng lại rất phức tạp. Cả đời bà là một người, ăn ở, hoạt động, hưởng thụ những vinh quang… dưới tư tưởng vô thần. Chính bà đã tự tay truy quét đến tận gốc rễ sự mê tín dị đoan bám sâu vào trong đầu óc những người đàn bà thôn quê, khi bà làm chủ tịch Hội phụ nữ một tỉnh ngoài Bắc. Đầu tượng bụt, bát hương, độc bình bằng gỗ mít dưới tay bà lần lượt thành tro bụi. Thánh giá nhà thờ, cờ hiệu, hoa xoan và những nghi lễ Thiên chúa luôn làm bà tức tối, vì nó cản bước tiến bộ của bà. Thế rồi, khi chiến tranh kết thúc, ông bà ca khúc khải hoàn vào nhận được một căn biệt thự của một tay thiếu tá chế độ cũ. Tự nhiên mà có, như cuộc đời binh nghiệp của ông, không đánh trận nào mà nên công trạng, danh giá, bất chiến tự nhiên thành, ai ai trong số bạn bè, người quen, kể cả họ mạc của ông bà cũng đều nói như thế.
-Sao lại tự nhiên mà có? Đây là công lao, mồ hôi xương máu của chúng tôi! Kẻ địch thua trận phải tháo chạy, phải vào tù, thậm chí phải chết, thì tài sản của chúng, chính là của chúng tôi, của những người chiến thắng.
Sau hai sự kiện ghê gớm xảy ra trong gia đình ông bà: thằng con trai thứ hai chết tan xác trong một trận đua xe với bạn bè. Nó tự giết nó, hay ai đã giết nó? Mới mười sáu tuổi đã không hề biết thế nào là thiếu, là nghèo, là luật pháp, là sợ. Ông bà lần lượt đi xin cho nó thoát khỏi tội. Nó ham xe phân khối lớn, tốc đô cao, bà cho nó mua, để rồi nó phạm luật, ông đi xin cho nó ra khỏi chốn lao lý... Nhưng đến khi nó vỡ đôi đầu trên mặt đường, thì chính bà lại đến đem xác nó về. Đám ma thằng con đầy những nghi lễ tôn giáo, nhưng không có tiếng khóc. Đứa con gái lớn, là Nhung xinh đẹp như một bông hoa quý. Nhưng cũng giống như bông hoa quý, càng quý, càng phải bảo vệ, giữ gìn, chăm sóc… Bà và ông cùng nhau chăm sóc, trau chuốt, nhưng không thể giữ gìn. Nó là con gái, nó không thích tốc độ, nhưng nó lại thích những thứ khác mà hồi trẻ bà có nghĩ đến, nhưng không bao giờ được thưởng thức. Đó chính là thuốc ngừa thai.
-Đó chính là sự lạm dụng thuốc ngừa thai!
Bà lạnh lùng nhìn đứa cháu ngoại quái thai, nói với con gái.
-Không phải. Cô con gái xinh đẹp cãi lại. Đó là sự quả báo!
-Ai? Quả báo ai? Mày hay tao?
-Còn ai nữa mà mẹ phải hỏi? Mẹ thử nhớ lại xem đã bao nhiêu chùa chiền, tượng phật bị mẹ chẻ làm củi đun? Bao nhiêu ngai bệ bị mẹ đưa vào làm hố xí hai ngăn...
Hai tai họa giáng xuống ngôi biệt thự thâm nghiêm. Ngôi nhà càng ngày càng được giá, nhưng tinh thần và sức lực của bà tướng ngày càng suy sụp. Bà chết! Trước khi nhắm mắt, bà có nguyện vọng được làm ma tại nhà thờ!
-Cả đời tôi có làm một số việc thất đức, nhưng suy cho cùng, tôi không gặp được Đức Chúa. Bây giờ tôi biết có Nước Chúa. Ở đó có sự phục sinh, nghĩa là có thể sống lại… Sau khi tôi chết, các người hãy đưa phần xác tôi cùng vối linh hồn tôi vào nhà thờ để được ban phước… Để xin được Cha xứ làm phép giải tội cho tôi!
Điều đó không khó, cánh cửa nhà thờ dưới mặt đất, cũng như cánh cửa thiên đường của Thánh Pi-e trên Trời luôn rộng mở cho những ai thích thú và có tiền... Một kẻ vô thần, thậm chí chống đối quyết liệt, chợt một ngày muốn được vào nhà thờ, có lẽ không khó, thậm chí đến cả cửa Thiên đàng cũng co thể "lót tay" được, nhưng với một bàn tay chàm, chắc không bao giờ trắng trở lại.
Trong ánh sáng lung linh của hàng trăm ngọn nến rực chiếu, giọng của Chúa ngân nga:
..."Nhờ công ơn lân tuất của Chúa ta, Đấng đã từ cao cho ''Mặt trời mọc" đến thăm viếng. Và soi sáng cho những ai còn ngồi trong u tối và trong bóng chết, để dắt chúng ta trên con đường an lạc".
Không có tiếng khóc, không có tiếng nhạc "bát âm" với bản hoà tấu Lưu thuỷ, bản Hành vân… theo điệu ra bộ, bước nhịp Boléro, buồn nhưng không rã rời theo lễ nghi phong tục của những người ngoại đạo… Còn ở đây, những bản thánh ca trong sáng, như bay như lướt trên cỗ quan tài, đậu xuống vai các con trai, con gái, con dâu con rể người chết bằn những lời có cánh:
"Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta thì dù có chết sẽ được sống lại, và ai sống mà tin ta thì không phải chết đời đời".
Tài không thiết tha gì với đạo Chúa, cũng chẳng đau xót gì nhiều cho sự ra đi của bà nhạc. Thậm chí, trước khi ông tướng quyết định làm ma cho vợ theo nghi lễ Nhà thờ Thiên chúa giáo, đã đem chuyện này ra "bàn lại một lần nữa", Tài có được hỏi ý kiến, nhưng y chỉ ậm ừ:
-Tôi sao cũng được! Nhưng mà… làm đếch gì có chuyện phục sinh với chả sống lại. Thật vớ vẩn!
Câu trả lời vừa mất dạy, vừa bất hiếu đã gây ra không biết bao nhiêu sự bực tức ghét bỏ. Tất cả đều trút lên đầu Nhung mắt nai. Nhưng khi cần buồn, Tài buồn da diết, buồn nẫu ruột, thấu gan. Ăn không được, bưng lên lại đặt xuống. Nói không được, mở miệng là cà lăm! Y hùng hục, y quần quật làm những việc tạp vụ cho tang chế. Cái băng tang màu đen trên tay áo Tài, to nhất, nổi bật nhất. Tiếng Cha xứ, vẫn ngân nga:
"Lạy Chúa, xin thương người quá cố này là tôi tớ Chúa. Xin đừng theo việc làm mà phán xét họ, họ vốn một lòng một ý với Chúa. Lạy Chúa xin cho linh hồn được yên nghỉ muôn đời và được hưởng ánh sáng nghìn thu…".
Lập tức Tài hát theo:
-Nghìn thu…u… uuu! A-men!
Tài ngồi bó gối trong tư thế chờ được gọi. Ai gọi cũng được, đi đâu cũng được, càng nhanh càn tốt, càng nhiều càng hay, chứ cứ ngồi thế này... Có tiếng bước chân, tiếng các giày sắt nện trên sân xi măng. Tiếp theo là tiếng sợi xích sắt va vào cánh cửa. Khi cánh cửa mở, luồng ánh sang tràn vào, Tài thấy hai mắt như bị một nắm muối ném vào. Nước mắt xót, mặn tràn xuống, y lấy ống tay áo che. Khi mở ra, tạm nhìn thấy người công an, y nghe được.
-Đứng dậy!
Chiếc còng và sợi xích được tháo một đầu khỏi cây cột sắt, để còng vào chân thứ hai của Tài, có cảm giác nhói đau nơi cổ chân, nhưng lại làm cho y thấy thoải mái hơn, khi được tháo khỏi cái bàn kính sắt. Xong xuôi, Tài nghe được:
-Đi ra!
-Đi đâu?
-Tôi nhắc lại, không được hỏi trống không thế!
-Thưa cán bộ, tôi được đưa đi đâu ạ?
-Cứ đi sẽ biết!
Tiếng xích sắt khua dưới chân làm Tài hơi mỉm cười. Y đã học được rất nhanh cách trả lời, và cả cách đi đứng trong nhà tạm giam.