watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Phản Trắc-Phần 29 - Chương 16 - tác giả Hoàng Đình Quang Hoàng Đình Quang

Hoàng Đình Quang

Phần 29 - Chương 16

Tác giả: Hoàng Đình Quang

Sản Huê được một phen hết hồn khi thằng Bèo Chột chạy đến sòng bài thông báo: "Có một ông quan bự lắm, từ nhà ông Năm vào quán mình!".
-Hả? Từ trong nhà ông Năm đi ra? Có công an theo không? Sản lo lắng.
-Em không biết, nhưng xe hơi láng coóng! Biển số quốc doanh!
Sản vuỗi quần đứng dậy, giọng thì thào:
-Mày thấy có anh tiến sĩ ở nhà chứ?
Thì ra, dù là ma cô hay mặt rỗ, đầu gấu, đâm thuê chém mướn… đều sợ quyền lực. Quyền lực ở đây không phải là dao găm, mã tấu như của cánh thằng Tư Khỉ hay thằng Bé Lãi Hầm cá dồ. Những cái đó là đồ bỏ, đồ chơi con nít. Đây là xe hơi, là quốc doanh. Quyền lực thể hiện ở uy vũ, không bày ra cho người ta nhìn thấy, nhưng có sức nặng ghê gớm, có thể đè bẹp cả một cuộc đời, thậm chí một giòng họ, một dân tộc. Sản Huê tức tốc chạy về, nhìn thấy Kha, hắn cười hắt ra:
-Tưởng ai? Xe của anh Hai hả?
Kha kéo ghế mời Sản Huê ngồi trước mặt bộ trưởng:
-Đây là anh Sản, người Hà Nam, chủ quán!
Bộ trưởng chìa tay ra cho Sản Huê, hắn bối rối chùi tay vào bụng áo thun, rồi đứng lên chìa cả hai tay ra. Mắt liếc nhìn sang Kha vẻ cầu cứu. Kha cười:
-Đây là ông Đức Hoàn, thủ trưởng cũ của mình. Thủ trưởng của mình và của tiến sĩ Han. Này, anh Sản, không biết ông tiến sĩ có nhà không nhỉ. Chú nào đi kêu giùm, bảo có anh Kha…
-Con đi!
Thằng Bèo chỉ đợi có thế, nó phóng ngay đi, như một con thỏ con lủi biến vào bụi rậm, thật dễ mến.
Sản Huê tỏ ra lịch sự bất thường, hắn uốn giọng theo những câu học được trong phim võ hiệp Hồng Kông:
-Dạ… chả mấy khi sếp, à dạ… thủ trưởng đến thăm tệ quán. Chẳng hay thủ trưởng dùng món gì để "tiểu nhị" phục vụ…
Trong khi Kha nín nhịn thì bộ trưởng Hoàn cười rất to. Ông cười hồn nhiên như trẻ thơ, như lính tráng. Hình như đã từ rất lâu, ông không được cười như thế. Mãi sau, ông gỡ kính, lấy khăn mù-soa ra lau, mà vẫn còn cười. "Tiểu nhị" cứ nghệt người ra, không hiểu, khiến cả Kha cũng không nhịn được cười.
-Chờ chút nữa, tiến sĩ Han ra sẽ gọi nhé! Ông tiến sĩ là tay sành ăn lắm, Sản nhỉ?
Sản Huê "vâng dạ" rất lễ phép vào nhà. Kha nhìn theo và bắt gặp bộ mặt đỏ lòm vết chém của thằng Tư Khỉ. Nó chưa chết, Kha thầm nghĩ, chả thuốc thang gì. Hay thật! Anh nghe nó hỏi Sản: "Anh Hai, thủ trưởng là gì?". Tiếng Sản Huê: "Đồ ngốc! Có thế mà cũng phải hỏi. Là Sếp, hiểu chưa? Ngày xưa, cán bộ cộng sản gọi sếp của mình là thủ trưởng. Còn bây giờ họ kêu thủ trưởng của mình là sếp". Thằng Khỉ: "Anh Hai giỏi quá ta, cái gì cũng biết". Sản Huê: "Chuyện! Tao có ăn có học nó khác với mày chứ".
Hai thầy trò bộ trưởng nhìn nhau cười. Kha bỗng thấy có gì không phải với thủ trưởng cũ của mình. Đường đường là một ông bộ trưởng, ai lại ra ngồi ở cái quán thịt chó bờ sông như thế này, coi sao được. Hình như nhận thấy vẻ băn khoăn của người lính cũ, ông Đức Hoàn chủ động:
-Ở Hà Nội, thỉnh thoảng có lúc rỗi rãi, các cậu ấy cũng rủ mình lên đê sông Hồng. Ở đó tập trung nhiều quán, họ đặt là "Liên hiệp cầy tơ", nhưng không ngon. Hơn nữa, ăn thịt chó mà cầu kỳ quá, như ăn tiệc Tây Âu, mất hết hương vị…
Kha nhìn bộ trưởng nói bằng một giọng biết ơn:
-Tôi sợ anh ra đây không hợp…
-Vẽ! Cậu nhớ câu của Mác chứ: "Không có gì thuộc về loài người mà xa lạ với tôi". Mình còn hơn các cậu, được ăn thịt chó Triều Tiên rồi, chả ngon. Trung Quốc toàn thuốc bắc. Sang Liên Xô, đến nước cộng hoà Tatgich cũng có thịt chó. Thế mới hay chứ…
Bỗng đâu có tiếng thằng Bèo Chột ngân nga:
-Tiến - sĩ - tơ… ới!
Lê Quốc Hán có cái vẻ tề chỉnh của một anh xe ôm bất đắc dĩ phải đi ăn đám cưới. Áo sơ mi kẻ ca rô màu cà phê dàu dàu, mái tóc chải rẽ đường ngôi lật sang bên để lộ một bên trán gồ ghề. Han đứng sững lại nhìn bộ trưởng Đức Hoàn, rồi dường như đứng nghiêm hẳn lại:
-Anh!
Bỗng dưng trong giọng nói ấy biểu lộ sự nghẹn ngào. Hán đưa cả hai tay nắm lấy bàn tay của bộ trưởng, rồi ngồi xổm xuống trước mặt ông:
-Anh! Nghe các cháu nói cậu Kha này đưa ông "sếp lớn" nào đó từ nhà Năm Tụ đến. Em nghĩ một nhân vật nào đó không ngờ lại là anh!
Bộ trưởng đỡ Hán dậy, chỉ vào ghế:
-Ngồi lên đây! Cậu vẫn nhận ra mình à? Giỏi nhỉ!
-Anh không khác ngày xưa bao nhiêu. Chỉ có mái tóc bạc trắng và sức khoẻ thì có vẻ như là tốt hơn!
Kha gọi Sản Huê ra nói mấy câu vắn tắt, rồi quay sang nói với Han:
-Anh Hoàn bây giờ là bộ trưởng của chúng mình!
-Cậu nói lạ! Bộ trưởng của nhân dân, của chính phủ chứ sao lại của các cậu. Anh thấy nó nói có "chuẩn" không?
Bộ trưởng xua tay:
-Chuyện đó có gì là quan trọng. Này, có phải cậu là cái tay đi học trường H10 rồi lấy trộm sắn của Kinh tài không?
Han cười hềnh hệch:
- Đạ đúng! Anh đã kỷ luật đưa em xuống làm tiểu đội trưởng…
-Không phải mình kỷ luật cậu, mà đó là kỷ luật quân đội. Cậu giận mình à?
-Sao lại giận anh được, vì anh đúng, em sai. Kể ra thì ngay lúc đó chưa nhận ra cái sai ngay đâu. Nhưng sau này…
Bộ trưởng thích thú lắng nghe, còn Han thì đang nghĩ không biết có nên nói ra không?
-Sau này mới nhận ra?
-Vâng! Sau này, sau ngày giải phóng, anh Tính lên thay anh làm chính ủy, đã ra lệnh: làm lại lý lịch quân nhân, xoá hết mọi dấu vết kỷ luật. Ông Tính bảo: "Đi được hết chặng đường này, không ai là người xấu"… (Kha nhớ không?)
Bộ trưởng ngậm ngùi:
-Mình có gặp lại Tính. Cậu ấy bị ung thư gan, nằm Viện quân y 110, đã mất cách đây mấy năm…
Kha nói:
-Bọn tôi có nghe tin, nhưng ở xa quá…
-Với lại cũng nhờ đó mà sau ngày giải phóng, em ra quân dễ dàng. Han vẫn tiếp tục.
-Sao thế? Bộ trưởng hỏi lại, nghi ngờ.
Han cười:
-Vì em là thượng sĩ. Nếu làm cán bộ trung đội em sẽ được phong quân hàm thiếu uý. Là sĩ quan thì năm bảy bảy, xuất ngũ chuyển ngành sao được? Chiến tranh kề ngay trước ngõ biên giới…
Bộ trưởng gật đầu: "Ra thế!". Rồi ông hỏi tiếp:
-Cậu không thích ở trong quân đội à?
-Nói không thích thì cũng không phải. Sau này, phân phối nhà cửa đất đai cho sĩ quan quân đội nhộn nhịp lắm. Ai cũng có phần. Thế là con vợ cũ của em nó nhảy dựng lên: "Sao ông ngu thế? Cứ ở bộ đội có phải giờ này cũng được vài trăm mét đất rồi không? Bán đi một nửa, đắp lên mái thành căn nhà phố mặt tiền!". Em mới điên tiết lên, dộng cho một cái bạt tai: "Mấy trăm mét hay là hai mét? Tham vừa thôi chứ! Hàng ngàn thằng bỏ mạng trên biên giới kia sao không lên đó mà tị?". Han cười, ngân ngấn nước mắt.
Bộ trưởng Đức Hoàn lại gật đầu:
-Cậu nói đúng. Nhưng sao lại đánh vợ? Cậu có vẻ thích đánh nhau lắm nhỉ?
Han đưa tay lùa vào mái tóc bù xù của mình, chữa ngượng:
-Đâu có! Đấy là lần đầu tiên và duy nhất em đánh vợ. Sau đó hai đứa ra toà. Ly hôn!
-Căng thăng đến thế cơ à?
Tiến sĩ cười khùng khục, trái táo ăn vụng từ thời hồng hoang chạy lên, chạy xuống như con thoi:
-Em nói chuyện này anh đừng cười, Kha cũng không biết đâu. Chúng em lấy nhau được mấy tháng, vì không muốn lệ thuộc vào gia đình vợ, (dù gia đình vợ em rất khá giả) nên em ra ở nhờ một căn phòng vốn là nhà gác-dan của ngôi biệt thự, chia ra cho nhiều người. Những năm đó rất gian khó, mọi người ai cũng phải làm cái gì thêm để sống. Nội thành lúc đó Kha nhớ không, người người nuôi heo, nhà nhà nuôi heo. Bọn em tuy vợ chồng son, nhưng cũng thu xếp một góc để nuôi được hai con heo. Tất cả tiền lương tiền thưởng đặt vào đấy. Người thì ráng mà ăn kham khổ, để dành nuôi heo. Vợ em vốn con nhà được nâng niu, nhưng cũng rất ham nuôi heo, vì nó hứa hẹn có một khoản thu nhập kha khá…
Thế rồi đến hôm ấy là ngày giỗ bố em (ông cụ mất từ trước ngày hòa bình năm 1975), em dặn vợ ở nhà ngâm gạo đăt một chõ xôi. Còn mọi thứ chờ em đi làm mua về. Đến chiều em về, anh có biết vợ em nó làm thế nào không?
Tiến sĩ ngừng một lát, rồi anh cười, nụ cười như mếu:
-Vợ em nó làm thế này: nồi nước đáy ở dưới chõ xôi là nồi… cám heo. Rồi đến cái chõ xôi ở giữa! Trên cùng, thấy có hơi nóng, nó đem cái… váy của nó đặt lên hong cho khô!
Kha bật cười sằng sặc, đến nỗi văng cả nước miếng ra bàn khiến anh phải chạy ra ngoài, mà tiếng cười ằng ặc vẫn không dứt. Còn ông bộ trưởng thì ngồi nhìn Han, cười tủm tỉm. Mặt ông đỏ lên, vì cố nhịn cơn buồn cười. Tiến sĩ Han ngơ ngác như một kẻ mất hồn nhìn bộ trưởng:
-Sao anh lại cười? Anh không tin em à?
Ông xua tay:
-Khó tin quá, nhưng mà thôi. Tạm tin câu chuyện của cậu.
Lúc sau Kha vào, vẫn còn cười:
-Cậu làm tớ đến chết cười mất. Bỏ nhau rồi mà còn kiếm chuyện bôi bác!
-Chuyện thật đấy. Thế rồi bữa giỗ cũng êm xuôi. Em sắp một mâm mời mấy anh em thân thiết đến chơi. Cuối cùng thành… hai mâm!
-Đông thế cơ à? Kha hỏi thật tình.
Đến đây thì tiến sĩ cười vô tư:
-Không! Một mâm cỗ với mặt vợ mình một mâm nữa… là hai!
Ông bộ trưởng cầm cái ly lên dứ dứ trước mặt Han:
-Cậu cũng quái đản lắm. Bây giờ thế nào? Là chuyện vợ con của cậu bây giờ ấy?
Han cười cười, gân mặt như giãn ra, hàm răng trắng loá. Kha xen vào:
-Cô vợ sau của Hán còn trẻ và đẹp lắm!
Han quay sang lừ mắt:
-Cậu chỉ đoán mò. Đã gặp bao giờ đâu mà bảo đẹp hay xấu?
-Mình nghe người ta nói. Cái cô Mỹ Liên bán cà phê khen lắm. Đàn bà mà đã khen nhau thì không phải chuyện thường…
-Giỏi nhỉ? Cậu đào hoa thật đấy… Bộ trưởng khen Han một cách nhiệt thành. Có con chưa?
-Em được một cháu gái lên ba, đang đi nhà trẻ. Còn cô vợ trước, ăn ở với nhau hơn chục năm, có một cháu gái. Han bỗng ngậm ngùi. Cháu chẳng may bị mất lúc sáu tuổi vì bênh sốt xuất huyết…
Han im lặng, nỗi buồn rung nhẹ trên hai vai. Lúc sau, anh tiếp:
-Thế rồi cô ấy bỏ em đi lấy người khác, cũng có con rồi. Nói thật với thủ trưởng, vợ em bây giờ vốn là một cô gái bán bia ôm, dân nhà quê Bến Tre… Em nghĩ số mình nó long đong. Cô vợ trước của em là tiểu thư, con nhà đài các, có "nhà mặt phố, bố làm to". Em xin lỗi anh, không phải ai làm to cũng "khó chơi" cả đâu. Mà là, chúng em không hợp nhau. Có lẽ em chỉ hợp với những người ở dưới đáy xã hội…
Thấy bộ trưởng chăm chú lắng nghe một cách căng thẳng, Kha sợ ông phật ý, nói thêm vào:
-Quan điểm của Hán cũng không giống người ta đâu anh ạ. Cậu ấy cho rằng đã lấy vợ thì phải chọn người đẹp. Tính tình đạo đức không thành vấn đề. Vợ đẹp thì con đẹp. Đạo đức có xấu thì sửa, "phần nhiều do giáo dục mà nên". Còn cái đẹp không ai dạy mà cũng chẳng ai học được…
Bộ trưởng trầm ngâm:
-Cũng lạ đấy nhỉ? Thế sao đang làm báo cậu lại thôi việc, để ra chạy xe ôm? Cũng không hợp à?
-Có lẽ thế! Em nghĩ đã đi buôn thì phải ăn gian nói dối, còn làm báo thì phải chấp nhận ăn không nói có. Ăn cắp ăn trộm em có thể chơi được, còn hai cái đó thì không.
Bộ trưởng gay gắt:
-Quá thể! Cậu đúng là một tay gàn. Lính tráng ra về sau chiến tranh đến một nửa là thương tật về cơ thể, còn lại thằng nào cũng gàn dở, thương tật ở tâm hồn! Các cậu như thế thì ai người ta chịu nổi?
Kha thấy lo lo, ngộ nhỡ ông Đức Hoàn phật ý thì chẳng ra làm sao! Nhưng vừa hay Sản Huê bưng một mâm thịt chó đầy đặn ra. Mới nhìn Kha không nhận ra Sản, áo sơ mi trắng, bỏ trong quần tây đàng hoàng. Mọi ngày hắn toàn cởi trần phơi bụng.
Sản Huê, và đặc biệt là hai thằng ma cô Bèo Chột và Tư Khỉ, và cả cô vợ "xương với hoa" của Sản đều bí mật quan sát ba người nhậu. Bọn họ rất cần biết xem ông "thủ trưởng bự" ăn nhậu như thế nào. Và họ càng ngạc nhiên khi thấy ông cùng với tiến sĩ Han và ông bạn Kha của tiến sĩ cụng ly lách cách, rôm rả. Ông ta uống, ông ta gắp, ông ta cười cười nói nói… như hai người kia, nghĩa là cũng y như chúng ta, Sản Huê kết luận và đem nói điều này với đàn em. Lâu nay, nhờ ti-vi, và họ chỉ thấy các ông ấy qua màn hình, rất gần, rất rõ nét nhưng chẳng làm gì được ổng! Có một lần, nhậu say vào, ông già vợ của Sản Huê đã chửi một ông nào đó trên tivi. Ông bị chửi lại cười, cười rất tươi, rất mãn nguyện, khiến cho ông già cụt giò, phế binh Tám Kiệu càng lên cơn tức. Ông ta chửi nữa, tất nhiên ông bắt con cháu phải đóng cửa lại, rất kỹ. Để rồi cuối cùng, ông lão say kết luận: "Chưởi khuất mặt cũng tổn thọ lắm chớ!".
Trong khi đó ở bàn nhậu, mọi chuyện trở nên vui vẻ trở lại. Ông bộ trưởng hỏi:
-Cậu là tiến sĩ từ bao giờ?
-Anh ơi! Tụi trẻ khu này nó gọi em là "tiến sĩ Han", là thấy em giống một nhân vật trong phim Hàn Quốc đấy thôi!
Ông rất khoái chí, còn nói thêm, như một nhận định:
-Quả là phim ảnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là những nơi còn nghèo và lạc hậu, văn hóa thấp. Mà cậu cũng có vẻ là một tiến sĩ thần học. Mình muốn đến thăm chỗ ở của gia đình cậu. Được chứ tiến sĩ?
Han lại gãi đầu:
-Thực tình em cũng muốn mời thủ trưởng đến nhà, nhưng… ngặt nỗi, nhà em chật chội và luộm thuộm quá, nên không dám. Đến thằng Kha đây em cũng chưa dám cho nó biết nhà…
-Thôi được rồi! Ông Đức Hoàn xuề xòa, cậu đã không muốn mời thì chúng tôi cũng chả ép. Phải không Kha?
-Anh ngồi với chúng tôi như thế này là đã phiền cho anh quá lắm rồi. Mà tôi xin hỏi thật anh nhé? Rất nhiều cán bộ, những người danh tiếng và giàu có, kiêng không ăn thịt chó. Mà sao anh không thuộc trong số họ?
-Thế các cậu có biết họ "sợ" cái gì mà phải "kiêng" không? Bộ trưởng hỏi lại.
Cả hai im lặng, trước câu hỏi của bộ trưởng. Đó là một câu hỏi thông thường, rất dễ trả lời, nhưng để trả lời cho đúng, cho hay lại không dễ chút nào.
-Nào! Tiến sĩ Han, ông nói cho chúng tôi nghe đi…
Hán ậm ừ rồi chậm rãi:
-Theo tôi biết, có lẽ xuất phát từ quan niệm Phật giáo. Chó là kiếp sau gần nhất của con người, nó là hệ lụy của một kiếp người. Mà kiếp người vốn đầy rẫy những xấu xa. Anh càng xấu xa khi làm người, thì sau khi "hoá kiếp", anh lập tức trở thành con chó. Đó là quan niệm của thuyết luân hồi. Như vậy, trong quan niệm này ăn thịt chó là ăn thịt người…
Kha tủm tỉm:
-Thuyết này hay đấy…
-Thuyết luân hồi đầy tính đe dọa, biểu hiện sự bất lực của loài người trước mưu ma chước quỷ. Con chó hay chính anh? Tiến sĩ Han bắt đầu hăng. Mà con chó, đặc biệt là ở phương đông, là con vật ăn bẩn - đó là sự trừng phạt. Xin lỗi thủ trưởng, anh em chúng tôi, tôi và Kha đều thuộc thế hệ "cho chó liếm đít"! Ngày xưa (và chắc chắn ngày nay vẫn còn) khi trẻ con bậy ra nhà, người ta gọi chó đến, bằng những cái tên "Tô, tô… Quýt, quýt…" hay đơn giản là "Êu, êu…". Con vật vẫy đuôi mừng rỡ, hăng hái xông vào "dọn dẹp vệ sinh" một cách hồ hởi. Có đôi khi, con chó còn dùng lưỡi của mình làm "giấy vệ sinh" cho đứa trẻ…
-Khiếp! Cậu nói gì nghe ghê quá! Thôi đi… Kha van vỉ.
-Cứ để cậu ấy nói. Đúng đấy! Bộ trưởng cũng tủm tỉm khuyến khích.
-Sự thật là như thế! Nói tóm lại, con chó đại diện cho sự bẩn thỉu, cũng như trong đạo Hồi, người ta quan niệm con heo là đồ dơ dáy, chạm vào chúng, ăn thịt chúng là ô uế! Nhưng, với người dân thường, ở Việt Nam chúng ta chẳng có thuyết giáo gì hết. Thịt chó là món ăn "ngon - bổ - rẻ"!
Han gắp một miếng "nầm" hấp, ba chỉ bỏ vào bát, gói ghém cẩn thận với lá mơ lông. Tiến sĩ nhấp một hớp rượu Ngang, rồi cười:
-Tiện đây em xin hỏi thủ trưởng chuyện này. Dạo em còn làm báo, có lan truyền câu chuyện về một ông Phó thủ tướng. Trong một hội nghị của ngành thương nghiệp, ông ấy phê phán dữ lắm. Đặc biệt là công tác điều hành, quản lý giá cả, thị trường. Ông ấy nói: "Cứ cái gì các anh quản lý thì khan hiếm, đắt đỏ, chất lượng kém, từ quả trứng đến miếng đậu. Cái gì không quản lý thì vẫn phát triển tốt. Không tin, các anh cứ ra quán thịt chó mà xem. Các anh chê, không quản lý, nó vẫn rẻ, vẫn ngon…".
Bộ trưởng lại được dịp cười chảy nước mắt:
-Chắc là từ hồi nào, chứ từ ngày mìmh được họp Hội đồng Chính phủ chưa nghe ai nói thế. Nhưng mà hình như cũng đúng đấy nhỉ? Thôi nào tớ với các cậu làm hết ly này!
Không ngờ, bộ trưởng Hoàn, ông chính uỷ ngày xưa cũng thành thạo trong món ăn dân tộc này. Ông gói ghém, gắp chấm rất gọn ghẽ, sạch sẽ. Trong cái bát của ông hầu như không một chút mắm tôm nào rây ra. Nhìn ông ăn, ông uống ai cũng phải phát thèm, Ngô Kha nghĩ.
-Chuyện ông Phó thủ tướng tớ không biết, nhưng tớ kể câu chuyện này. Có một ông đại sứ của ta ở một nước phương Tây, vốn rất mê thịt chó. Mà ở phương Tây, các cậu biết rồi, họ quý chó lắm, không ăn thịt. Nhưng cánh Việt kiều thì vẫn xơi như thường. Ông đại sứ cứ mỗi cuối tháng, lại xuống khu phố Việt kiều, vừa là để thăm hỏi bà con, chuyện trò cho đỡ nhớ nhà. Và thế nào cũng được chiêu đãi món thịt cầy tơ! Thế rồi ngoại giao đoàn nước chủ nhà phát hiện ra ông đại sứ Việt Nam khoái ăn thịt chó. Họ bèn nhắc nhở, tất nhiên là tế nhị theo kiểu ngoại giao… Các cậu thấy đấy, nào kể gì đẳng cấp. Trong ăn uống, thích thì ăn. Tội gì cứ phải khụng khiệng…
-Thật hả thủ trưởng? Hán hỏi với vẻ thích thú.
-Thật một trăm phần trăm, tớ đã từng gặp ông này để xác minh! Thế còn cậu Kha, phát biểu đi chứ?
Kha đã định chỉ ngồi nghe và lúc nào anh cũng thon thót lo. Đến đây, câu chuyện có vẻ cởi mở, anh cũng tham gia:
-Tôi nghĩ, người ta không ăn thịt chó bởi một lý do rất nghĩa cả. Chó là con vật nuôi trong nhà, nó là con vật trung thành nhất. Từ rất xa xưa, nó giữ nhà, đi săn và còn giúp con người nhiều việc, kể cả cứu mạng. Có bao nhiêu câu chuyện, tác phẩm văn học kể, viết về con chó. Có những con chó sống với chủ, đến khi chủ chết, nó cũng không chịu ăn, nhịn đói để được chết theo. Và có những con chó khôn như người, khi già chết cũng được làm ma, chôn cất như người. Chính vì lẽ đó nên có những người không ăn thịt chó…
Bộ trưởng chăm chú chờ cho Kha nói, khi anh ngưng lời đã lâu, ông gật đầu:
-Quan niệm này cũng rất đáng xem xét, gần với phương Tây. Phải không tiến sĩ?
Mặt, tai, cổ tiến sĩ Han đã đỏ lên:
-Mình hỏi cậu nhé: nếu vậy tại sao thiên hạ vẫn dùng con chó để chỉ những cái gì xấu xa bỉ ổi nhất? Thí dụ như: "đồ chó", "ngu như chó", "đểu như chó"…
Kha cười lảng:
-Cái đó mình không hiểu sao lại thế! Có lẽ vì cái tính "ăn bẩn" của giòng họ chúng như cậu nói.
Bộ trưởng nhìn hai "ông quân" đang gườm gườm nhìn nhau, giàn hòa:
-Thôi được rồi, mình công nhận cả hai cậu đều có lý. Bây giờ các cậu cho mình trình bày ý kiến của mình với chứ. Mình sẽ kể cho các cậu nghe hai mẩu chuyện. Một là mình được chứng kiến, hai là câu chuyện của chính mình. Tất nhiên là xung quanh chủ đề "chó".
Câu chuyện thứ nhất: Sau hòa bình năm 1954, gần nhà mình có một hàng cơm do một bà chủ đứng bán. Sau đó do cải tạo, căn nhà thuộc về nhà nước, và bà chủ đi đâu không biết. Bà ta để quên lại một con chó vằn. Con chó đực, mới thau tháu ở tuổi "vị thành niên", trông nó rất xấu xí. Ngay sau đó, căn nhà được phá đi để xây một cái gì đó, mình không nhớ. Thế là con chó vừa mất chủ, vừa mất nhà, nó lang thang khắp xóm, bới tung các hố rác, vớ được cái gì thì ăn. Đêm đêm nó nằm ngủ dưới đống gạch vụn. Cách đó mấy căn nhà, có cha con ông già người Hoa. Chỉ có hai cha con thôi, không thấy có đàn bà. Anh con trai tên là Chảy, mỗi ngày đi bán bánh quẩy về, nhìn thấy con chó, anh cho nó một mẩu bánh. Lâu dần thành thân thiện, thấy Chảy vừa đeo cái thùng sắt tây về là nó mừng, vẫy đuôi tíu tít. Thương tình, Chảy đem nó về nhà. Từ đấy, con chó nhận Chảy là ông chủ và ngôi này là nhà của nó.
Mấy năm sau, bà chủ hàng cơm trở về. Con chó vằn đánh hơi thấy chủ cũ, nó vẫy đuôi mừng. Cảm kích trước "tình cảm" của nó, bà chủ hàng cơm đến nhà Chảy, xin chuộc lại con chó. Ông lão người Hoa nói với bà ta: "Thằng con tôi đưa nó về, bây giờ nó đã là một thành viên trong nhà này. Bán hay không là quyền của nó. Bà đợi nó về mà hỏi". Chảy về, anh ta nghĩ một lúc rồi nói với bà chủ hàng cơm: "Bây giờ bà cho nó ăn, rồi đi. Nếu nó theo bà, thì con chó thuộc về bà, tôi không lấy một đồng nào. Còn nếu nó không theo bà mà ở lại với tôi thì nó là của tôi".
Bộ trưởng dừng lại hỏi:
-Các cậu thử đoán xem. Con chó nó theo bà chủ cũ hay ở lại với ông chủ mới?
Tiến sĩ Han và Kha nhìn nhau, rồi lại nhìn ông Đức Hoàn dò xét. Lúc sau Kha nói:
-Nó sẽ ở lại!
Tiến sĩ nói:
-Nó sẽ đi với chủ cũ!
Ông bộ trưởng cười dễ dãi, tay cầm cái nậm đựng rượu Ngang để từ bên này sang bên kia mép bàn:
-Thôi được, tạm để cái kết cục của câu chuyện qua một bên. Rồi mình sẽ cho các cậu biết về cách "ứng xử" của con chó sau. Tiếp tục nhé!
Câu chuyện thứ hai:
Sau ngày thống nhất đất nước vài năm, mình từ Liên Xô về nhận công tác ở Bộ Vật tư. Lúc đó gia đình mình vẫn ở trong khu tập thể bên ngoài bãi sông. Tình hình an ninh có vẻ có vấn đề, nên anh em đến chơi khuyên mình nên nuôi một con chó, vừa là để cho vui, cũng vừa để nó giữ nhà. Mình cũng thích nuôi chó. Những năm ở bên Liên Xô, thấy có loại chó Béc-giê, giống Đức lai Nga to, đẹp mà rất hiền. Vào những buổi chiều dân Nga thường dẫn chó đi dạo, có đeo giỏ bịt mõm. Thấy khách lạ, nó chỉ liếc nhìn, chứ không hề hung hãn. Nhưng nếu thả nó ra, bảo nó làm cái gì nó cũng làm, từ việc nhăt cành cây đến bảo vệ quần áo trên bãi tắm, nó đều làm rất đắc lực. Ý mình muốn nuôi một con giống ấy. Tìm mãi vẫn chưa có. Cũng có người khuyên nên mua môt con chó con, nuôi nó từ nhỏ, để dạy dỗ, huấn luyện, thì về sau nó mới trung thành.
Thế rồi một hôm, đi qua khu chợ bán súc vật, mình thấy một con chó rất to, màu xám tro, ngồi cạnh một người đàn ông. Cả hai đều im lặng. Con chó to lớn cao hơn hẳn gã kia đang ngồi đầu gối quá tai. Họ ngồi làm gì nhỉ? Chắc là để bán thôi, chứ khu này là chợ gia súc, chim thú mà! Mình đến gần, hỏi thăm thì quả là tay kia muốn bán con chó.
-Bác mua đi! Đây là giống chó Đức lai Nga. To khỏe mà tinh khôn. Thằng em tôi nó đem từ bên ấy về.
-Tại sao ông lại bán nó? Minh nghi ngờ, biết đâu chả là chó ăn cắp. Mua về không khéo thành vạ.
-Chẳng sao cả! Gã kia nhát gừng. Hoàn cảnh thôi.
Mình đã mê, phải nói là mê con chó này. Thế là quyết định mặc cả. Số tiền bao nhiêu mình không nhớ, nhưng chắc chắn đó là một món tiền to. Đến khi chuẩn bị giao tiền, mình sực nhớ ra:
-Này, nếu ông bán cho tôi mà nó không theo tôi thì làm thế nào?
-Bác cứ yên tâm. Bác giao tiền cho em xong, em sẽ bảo nó. Quân này cũng vô tư lắm!
Quả nhiên, khi mình giao tiền xong, gã kia nắm lấy sợi dây xích đang xích cổ nó đặt vào tay mình, và nói:
-Đây! Từ nay ông này là chủ của mày! Mày phải nghe lời ông chủ mới! Nghe chưa?
Mình có cảm giác như đó là một lời dặn dò, từ biệt của hai con người vì hoàn cảnh phải chia lìa. Nhưng không, con chó từ từ đứng dậy, bước qua mặt ông chủ đi theo mình mà không hề ngoái lại. Các cậu bảo như thế là nó khôn không?
Cả hai cùng im lặng. Nhìn vẻ mặt và ánh mắt của hai người cựu binh, ông bộ trưởng biết, họ cũng đang xúc động. Ông tiếp:
-Trên đường ra xe ôtô chẳng may, sợi xích trên cổ nó tuột ra. Mình lo quá, chết cha, hay là thằng bán chó xỏ mình, cố tình để tuột xích, rồi nó lại quay về với chủ cũ? Mình và cậu lái xe thì sợ, không dám đến gần vì lạ. Nhưng, thật kỳ diệu, các cậu biết không? Con Béc-giê lai đi chầm chậm lại, chờ mình đến móc sợi xích vào cái cổ dề của nó, rồi nó mới nhanh nhẹn nhảy lên xe… Sau đó mình lại chưa về nhà ngay. Đến cơ quan, mình móc sợi xích vào hàng rào, bảo nó "ở đây, chốc nữa về nhà". Nó ngoan ngoãng ngồi xuống. Mình vừa quay đi thì thấy có người thét lên thất thanh. Ngoảnh lại đã thấy con chó nhảy bổ lên cắn chặt cổ tay ông bạn, phó của mình. Thấy mình quay lại, nó nhìn mình, nhưng vẫn ngậm cổ tay áo ông kia. Mình quát: "Béc! Buông ra!". Nó nhả tay ông kia ra, lại quay về chỗ cũ. Ông bạn mình bị một phen khiếp vía, hổn hển:
-Em thấy anh về có con chó, đang định hỏi mua ở đâu. Nào ngờ vừa đến sau lưng anh, định đưa tay lên vỗ vai anh thì nó xông vào! Chắc nó tưởng em định tấn công anh. Thật đúng là chó!
Các cậu bảo đó là một lời khen hay câu chửi?
Kha ngồi im lặng, ngó sang bên kia con rạch. Nơi đó vẫn mịt mùng sau rặng dừa nước đầy muỗi mòng. Tiếng reo hò hoan hỉ ở mấy bàn cách biệt sau tấm liếp lá dừa vọng sang. Hình như có tiếng sấm đầu mùa. Trên cao là bầu trời vòi vọi, lập lòe ánh sao. Bầu trời phố u ám, vô cùng, vô tận. Đột nhiên anh rời khỏi câu chuyện chó mà nghĩ về Mỹ Liên. Hẳn cô bé giờ này đang trong vòng tay một gã đàn ông nào đó. Có thể một ông sang trọng, hào hoa mà cũng có thể một tên sở khanh, đàng điếm. Em! Mỹ nhân dưới đáy, như lời tiến sĩ Han đã phán. Buồn thật!
Tiến sĩ Han thì cúi đầu nhìn xuống đôi dép nhựa tái sinh của mình. Anh đang cố phán đoán ý nghĩa từ hai mẩu chuyện chó. Ông này trải qua thực nghiệm hay sáng tác thành một ngụ ngôn? Câu chuyện đầy tính ngụ ngôn, nhưng cũng rất hiện thực. Cuộc đời đan xen giữa ngụ ngôn và thực tế xanh tươi.
Ông bộ trưởng tự thưởng cho mình một ly rượu nhỏ. Tửu lượng của ông khá, sức bền ngồi của ông cũng không vừa. Nhìn hai cậu học trò tóc bạc lốm đốm đang suy tư, ông cười:
-Thôi, các cậu đừng phải mất công suy nghĩ về câu chuyện bông phèng của mình. Mình không có khiếu kể chuyện của nhà văn, chỉ thuật lại những gì đã chiêm nghiệm mà thôi.
-Em hiểu rồi! Có hai loại thái độ đối với một mối quan hệ. Con chó rất trung thành, nhưng không hề chung thủy. Đó chính là cái chất "chó" của chúng. Có thể suy rộng ra được không anh?
Ông bộ trưởng giục Kha rót rượu:
-Mình uống với các cậu ly này nữa thôi nhé. Đến đây vừa đủ. Cả chuyện chó lẫn chuyện người, đều là chuyện bông phèng lúc trà dư tửu hậu. Không nên để ý nhiều. Ông có vẻ rào đón. Mình mong các cậu hãy suy nghĩ để tỉnh táo mà sống. Phải sống cho có ý nghĩa…
Phản Trắc
Phần I- Chương một
Phần 2
Phần 3- Chương Hai
Phần 4
Phần 5- Chương 3
Phần 6- Chương 3
Phần 7- Chương 4
Phần 8
Phần 9- Chương 5
Phần 10
Phần 11- Chương 6
Phần 12 -Chương 7
Phần 13 - Chương 8
Phần 14
Phần 15 - Chương 9
Phần 16
Phần 17- Chương 10
Phần 18
Phần 19 - Chương 11
Phần 20
Phần 21 - Chương 12
Phần 22
Phần 23 - Chương 13
Phần 24
Phần 25 - Chương 14
Phần 27 - Chương 15
Phần 28
Phần 29 - Chương 16
Phần 30 - Chương 17