watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Phản Trắc-Phần 17- Chương 10 - tác giả Hoàng Đình Quang Hoàng Đình Quang

Hoàng Đình Quang

Phần 17- Chương 10

Tác giả: Hoàng Đình Quang

Đưa bé Thúy con gái của mình cùng với bạn nó đi học rồi, khép cánh cổng lại, nghe tiếng rít của chiếc bản lề khô dầu từ cánh cổng rền rĩ như tiếng thở dài của người đàn bà thất vọng, Hảo đứng thẫn thờ, một tay chị loạng choạng vịn vội vàng vào một nhánh cây hoa giấy non mỡ màng, đang phơ phất trong gió chiều mệt mỏi. Mặt trời đã lặn, nhưng đèn đường chưa lên, hoàng hôn như một cái chảo gang từng trải dầu mỡ, loang loáng màu tím sẫm úp xuống một góc thành phố, ngột ngạt. Tiếng cánh dơi bay phần phật trên đầu, ngẩng lên Hảo bắt gặp những con dơi màu đen quái dị như những tùm giẻ ma trơi, giăng chéo, lượn vòng, nhộn nhịp và bí hiểm. Căn nhà càng lúc càng đen lại, bóng tối ụp xuống rất nhanh. Cài chốt cánh cổng lại, Hảo lững thững trở vào. Trong nhà đèn cũng chưa bật, chỉ nghe có tiếng nước chảy long tong từ đâu dó, trong bể trữ nước, nhịp nhàng, cần mẫn và ru ngủ.
Hảo đi thẳng vào bàn ăn, mùi thức ăn quen thuộc cùng với mùi bếp núc chật hẹp lan tỏa, lẩn quất trong những góc khuất, khiến Hảo cảm hấy yên tâm. Chị ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn ăn, tiện tay mở cái lồng bàn, một vài món đậu xào, cá chiên, canh hẹ... hiện ra. Hảo úp lại, rồi im lặng, hai tay để lên đùi, ngó qua ô cửa sổ, thấy ánh đèn chập chờn của cánh đồng như một bầu trời hiếm sao, nhấp nháy...
Có tiếng chuông điện thoại. Thoạt đầu, Hảo vội vã xô ghế đứng dậy, như một người chờ đợi tiếng chuông reo. Nhưng được hai bước chân, chị đứng sững lại, mặc cho tiếng chuông điện tử hối hả. Đến hồi chuông thứ tư hay thứ năm gì đó, Hảo nhấc máy. Quả không sai, tiếng a lô đầu dây bên kia đúng là của Kiệm, chồng chị. Và cũng chẳng cần dài lời, Hảo dạ liên hồi trước những lời giải thích của chồng. Cuối cùng chị hỏi lại như một thủ tục: "Chừng nào anh về?". Thế thôi, cuộc đàm thoại chấm dứt.
Con mèo thấy bà chủ nhà không bật đèn, mà cứ đi lại như một người lạ, nó chạy đến cà cà cái đầu của nó vào bắp chân để trần của Hảo, tiếng gừ gừ trong cái cổ họng nhạy cảm của nó, khiến Hảo chạnh lòng. Chị cúi xuống ôm nó lên tay rồi ra phòng khách, bật đèn, tiện thể mở luôn ti-vi. Hảo ôm con mèo ngồi vào ghế salông, một tay cầm rờ-mốt bấm tìm các kênh truyền hình. Chị bấm lần lượt tám kênh truyền hình và thất vọng khi tất cả đều chiếu phim Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc... Ngước nhìn chiếc đồng hồ treo tường chỉ sáu giờ rưỡi, Hảo để cái điều khiển từ xa xuống mặt bàn, mặc kệ cho màn hình ti-vi đang nhảy nhót, đưa đẩy những hình ảnh sặc sỡ và những câu nói bằng tiếng Việt rõ ràng, nhưng lạ tai, đợt giọng lưỡi, rất khó chịu. Nội dung bộ phim không cần xem kỹ cũng đoán ra, đó là câu chuyện về cuộc tình giữa các nhà doanh nghiệp, họ vờn nhau, khi thì nâng đỡ, tâng bốc, khi thì mạt sát, chửi mắng nhau, nẫng tay trên của nhau, những miếng mồi ngon, một tình nhân xinh như mộng, hay một khoản lợi nhuận kếch sù...
Hảo cứ ngồi một mình như thế, bởi vì con mèo cũng khó chịu, nó phóng khỏi tay chị, lao vào một góc tối nào đó, tìm mồi, tìm bạn, hay đơn giản, nó cũng tìm sự yên tĩnh, cô đơn như bà chủ đài các mượt mà của nó.
Hảo bỗng bàng hoàng tự hỏi: không biết mình ngồi một mình một bóng như thế này đã bao lâu rồi, đã bao nhiêu lần rồi? Cái không khí đầm ấm gia đình đối với chị đã xa vắng từ lâu. Từ khi nào chị cũng không nhớ rõ, chỉ biết rằng, giờ đây chị cảm thấy thích thú, yên tâm khi được đối diện với chính mình, mà không còn cảm thấy bị bỏ rơi, hắt hủi. Cái cảm gác không bị cật vấn, không bị sự quan tâm tưởng như mặn mà, nhưng rồi chỉ là một sự phải phép, hời hợt. Từ lâu rồi, các thành viên trong nhà, chồng và cô con gái, chạy như chong chóng, lao vào công việc, học hành, vui chơi, bầu bạn... Họ cảm thấy mỗi người trong ngôi nhà này đối với nhau chỉ còn ràng buộc bởi nghĩa vụ, bởi tính pháp lý, mà không phải là sự cần có nhau, sự nương tựa vào nhau, tự nhiên như cây rừng, cá bể... Họ lao tới phía trước, tới tương lai như con thuyền gặp gió, lúc nào cũng căng phồng, phần phật, vun vút...
Chồng Hảo là một người tốt, một trí thức được đào tạo dưới chế độ cũ. Khi được trở lại làm công tác giảng dạy ở một trường Đại học, anh đã bộc lộ hết tất cả sự nhiệt tình, chỉ với một mục đích không bị loại bỏ. Đó là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời Hảo, chị được yêu, được làm việc, được sống bằng nỗi khao khát cống hiến của mình. Khi họ lấy nhau, một đám cưới đạm bạc được tổ chức trong một căn phòng nhỏ dùng làm lớp học của sinh viên, nơi anh làm cán bộ giảng dạy. Thời ấy, nhu cầu làm việc, và được làm việc trong cơ quan nhà nước của con người là trên hết, là cứu cánh, dù tiền lương không đủ ăn, thu nhập không xứng với năng lực. Làm việc như đi hội! Sáng ra, ăn uống qua loa, vội vội vàng vàng lao đến bằng cơ quan trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Đến nơi, chào nhau, gật đầu, mỉm cười rồi ngồi vào bàn nghe đọc báo. Ai nhỉ? Hồi ấy ai đã đọc những bài báo vừa hùng hồn, tha thiết, vừa rao giảng, răn đe? Thế nhưng, bao giờ những buổi đọc báo như thế cũng là những giờ khắc nghiêm túc, thậm chí vô cùng thiêng liêng. À, phải rồi, anh Tụ, chính anh Tụ đã nhận lãnh đọc những bài xã luận, có tính định hướng tư tưởng, vạch ra những mục tiêu chiến lược. Giọng Tụ êm ái, chuẩn mực, đanh thép. Tiếng Tụ không ngân nga, mà ròn rã, người ta bảo, anh giỏi tiếng Nga lắm, học những bốn năm bên ấy cơ mà, nên giọng anh dứt khoát, vang lên như những tràng vỗ tay, kiểu nói của người Nga là thế đấy! Hảo học tiếng Anh, cái thứ tiếng bị coi là vô dụng, thứ tiếng chỉ dùng trong buôn bán. Tiếng Nga là tiếng nói của Lê-nin, của chủ nghĩa xã hội.
-"Zờ-đờ-rát-xtvui-che!" Xin chào! Tụ đã dạy Hảo những câu như thế. Rồi Hảo ghi tên, đóng tiền vào những buổi học tiếng Nga ban đêm. Chị vật lộn với những chữ cái lạ lẫm, mà đến cả năm trời vẫn lẫn lộn, cả khi đọc lẫn khi viết. Nhưng Hảo không nản, vì có chủ nghĩa xã hội, có bạn bè, và có Tụ luôn luôn bên cạnh! Khi đã có chồng rồi, Hảo vẫn không ngừng thích thú với công việc. Ngày nào không lên cơ quan chị cảm thấy trống vắng, cảm thấy như mình bị tách ra khỏi cộng đồng!
Hảo học tiếng Nga say sưa cho đến ngày nó không còn được trọng vọng. Cùng với sự tan rã của nhà nước Liên bang Xô viết vĩ đại, tiếng Nga ra đi, giành chỗ bá chủ cho sự trở lại của tiếng Anh. Thời gian mai một, tiếng Nga lùi vào đâu đó trong trí nhớ Hảo, đôi khi, thi thoảng nó lại xuất hiện, nhưng buồn bã, đầy mặc cảm. Hảo biết có nhiều người là giáo viên dạy ngoại ngữ tiếng Nga phải đưa đi "đào tạo lại", coi như một sự lẫm lẫn! Hảo không dạy học, không kiếm cơm bằng tiếng nước ngoài, nên chị lẳng lặng cất nó vào dĩ vãng. Kỳ lạ thật, đến lúc đó, Hảo mới thấy tiếng Nga thân thiết làm sao. Học rồi, biết rồi, làm quen nhau rồi, khi chia tay ai chẳng thoáng buồn.
Trong cái thứ tiếng đa âm tiết xa lạ, cùng với loại mẫu tự khó viết ấy, tự nhiên Hảo thấy thích nhất từ "Tạm biệt!".
-Đa Xviđánhia!
Khi nói "đa...", rồi ngưng lại trong tâm tưởng, trong ý nghĩ, một khoảng thời gian tính bằng centi-seconds, rồi mới nói "xviđá...", đấu sắc lên cao, tựa như một lời hẹn, cao vút, sáng trong... khẳng định ngày gặp lại, để rồi nói "nhi-a..." trầm xuống, trùng xuống, như một sự có lỗi, không ở bên nhau được nữa! Chia tay, nhưng không chia ly...
Vào cái ngày sắp sửa lên xe hoa, Hảo đã ngồi hàng giờ trong phòng Tụ. Chị im lặng nghe anh nói, nhỏ nhẹ nhưng chính xác, ấm áp nhưng khảng khái. Anh nói về hạnh phúc, về những miền tối sáng trong tâm hồn, những đau thương của nhân loại, của cá thể mỗi con người. Hảo nghe những muốn trào nước mắt. Thỉnh thoảng chị lại lật cuốn sổ tay mà trong đó chị đã kẹp sẵn tờ thiếp hồng, báo ngày chị lấy chồng. Gọi là thiếp hồng, nhưng nó được in trên giấy trắng bằng phương pháp in lụa thủ công, lem nhem hàng chữ, lem nhem cả đôi bồ câu, như chúng không chịu nằm im trên nền giấy trắng ngà, mà muốn vung cánh, rời nhau ra, để bay đi, để tìm một khung trời mới. Cuối cùng chị đứng dậy, cung kính và thân ái, dùng cả hai tay đưa cho Tụ tấm thiếp hồng. Tụ nhận lấy, tỏ một chút bất ngờ, rồi lặng lẽ mở ra, đọc những gì viết trong đó. Lâu sau, anh ngẩng lên, nhìn vào đôi mắt mở to của Hảo, môi mấp máy:
-Vậy là...?
Hảo cúi xuống một lần nữa rồi ngẩng lên, nhìn thẳng vào đôi mắt sâu, linh lợi và chan chứa ý nghĩ của Tụ, nói một câu bất thần:
-Đa Xviđánhi-a...!
Những ngày đó, con thuyền nhỏ bé của gia đình Hảo do một tay chị chèo chống. Từ cân gạo, mớ rau, con cá, lạng bột ngọt... đến những chuyện lớn hơn như việc giỗ tết gia đình bên chồng, Hảo đã chắt chiu, so đo, toan tính cho tròn vẹn. Chồng chị, sau những năm tháng nhiệt thành công việc, đến một ngày nào đó, anh bỗng trở nên chán nản.
-Chúng ta sống hay đang chuẩn bị sống? Chúng ta đang phấn đấu cho cái gì đây? Chủ nghĩa xã hội mà như thế này ư? Làm quần quật, con người từ trí não đến cơ bắp bị đem ra làm thí nghiệm, bị vắt kiệt như tấm áo mục, thì cũng có ngày rách toạc ra chứ! Tôi không tin là chúng ta làm được cái gì trên mảnh đất này, ngoài việc tự đào huyệt chôn sống mình. Các người cứ nói "chủ nghĩa tư bản tự đào mồ chôn mình", nhưng từ nay đến khi đó, chúng ta đã tự chôn xong mình rồi...
Hảo thương chồng, thương một anh đàn ông bất lực trước thời cuộc, trước bạn bè và cảm thấy vô dụng ngay cả đối với vợ con. Vượt biên? Anh đã nói với chị như thế. Hảo biết nhưng không dám can ngăn, dù rằng chị không muốn xa chồng. Người đàn bà của chúng ta lạ lùng là thế! Họ yêu chồng, nhưng vẫn có thể thương yêu một ai đó, một người nào đó, có khi đến mức thần tượng. Họ thương chồng, không muốn xa chồng, không muốn chồng khổ ải, nhưng lại sẵn sàng để chồng làm một việc gì đó ngoài ý muốn. Chị để cho anh vượt biên đi tìm miền đất hứa. Rủi thay, (hay may thay?) việc không thành, anh bị bắt lại. Nhờ Tụ, rồi qua Bích vợ Tụ, rồi lại qua bàn tay của một ông lớn nào đó chịu ơn Bích, chồng Hảo không những không bị sa thải, mà còn được xóa tội, nhận về trường cũ. Mối quan hệ là lực lượng sản xuất, sau này Tụ đã nhiều lần giảng giải cho Hảo nghe những điều như thế hoặc tương tự, Hảo càng thấm thía. Nhưng có lẽ người thấm thía sớm hơn lại chính là vị giáo sư tương lai, chồng của Hảo. Anh đã lột xác, và cảm nhận được một điều: số phận! Nếu số phận đã cột anh vào một cái cột nào đó, dù đó là cột tử hình, thì cũng không có cách nào thoát được. "Con người sinh ra để thích ứng với hoàn cảnh", anh đọc được Các Mác câu này, rồi anh còn đọc được từ W. Gớt "Mất của cải là mất hết, mất danh dự là mất nhiều, mất can đảm là mất hết". Anh đã mất gì nhỉ? Người trí thức có gì để mất? Của cải: không! Danh dự: có! Can đảm: có thể có, có thể không! Anh đã suýt một lần để mất danh dự làm kẻ chạy tốn bị bắt quả tang, bị cạo trọc đầu nhốt trong kho chứa phân đạm một tháng. Cố lên! Can đảm lên!
Họ quyết định có một đứa con. Hảo biết quyết định có con vào lúc này là muộn so với cái tuổi hai mươi bảy của chị, nhưng lại quá sớm so với sự nghiệp. Bé Thúy ra đời, gánh nặng càng thêm nặng. Có điều, như một người gánh kệnh, gánh lệch, bên nặng bên nhẹ, bên có bé Thúy nặng chĩu xuống, còn bên kia, bên chồng nhẹ dần, nhẹ dần, khiến chị như người gánh vã đường trường, cứ lâu lâu lâu lại phải dừng lại trở vai, và vô công vít cái đầu nhẹ gánh ấy xuống, cho được cân bằng. Chị gánh mà đâu có biết gánh chính cả cái sức nặng do mình tạo nên.
Quãng nghỉ ấy, Tụ lại xuất hiện!
Nhưng mỗi khi như thế, Hảo tưởng Tụ có sức làm cho cái gánh giang san ấy cân bằng, nào ngờ nó lại càng lệch, khiến chị lại càng phải cố sức vít đầu cái đòn gánh bất minh ấy xuống!
Phản Trắc
Phần I- Chương một
Phần 2
Phần 3- Chương Hai
Phần 4
Phần 5- Chương 3
Phần 6- Chương 3
Phần 7- Chương 4
Phần 8
Phần 9- Chương 5
Phần 10
Phần 11- Chương 6
Phần 12 -Chương 7
Phần 13 - Chương 8
Phần 14
Phần 15 - Chương 9
Phần 16
Phần 17- Chương 10
Phần 18
Phần 19 - Chương 11
Phần 20
Phần 21 - Chương 12
Phần 22
Phần 23 - Chương 13
Phần 24
Phần 25 - Chương 14
Phần 27 - Chương 15
Phần 28
Phần 29 - Chương 16
Phần 30 - Chương 17