Chương Ba b
Tác giả: Inamori Kazuo
Chuyện xảy ra vào một ngày nọ. Lúc đó, khoảng hai giờ sáng. Tôi vẫn còn ở lại nhà máy. Tôi đi quanh các bộ phận để động viên công nhân làm việc. Bất chợt, tôi thấy một nhân viên kỹ thuật đứng khóc trước lò nung điện. Tôi lại gần hỏi nguyên do. Anh ta trả lời: Không sao ổn định được nhiệt độ lò nung, nên các mẻ sản phẩm ra lò luôn bị sai lệch so với quy cách. Tôi bèn bảo: “Thôi hãy về nghỉ đi. Hôm nay tạm thế đã”. Nhưng thấy anh ta có vẻ chưa thuận, tôi hỏi: “Thế trước lúc nung, cậu đã cầu Trời khấn Phật chưa?” Thực ra, tôi muốn khuyên anh ta: đến nước phải “cầu Trời Phật phù hộ độ trì” tức là chỉ còn cách cố nữa, cố đến cùng mà thôi.
Thế rồi, sau một hồi lẩm bẩm nhắc lại lời khuyên của tôi: “Cầu Trời khấn Phật chưa? Cầu Trời khấn Phật chưa?” anh ta gật đầu và đáp: “Tôi hiểu, thưa giám đốc. Tôi sẽ làm lại lần nữa”. Và anh ra làm lại từ đầu.
Lặp đi lặp lại suốt quá trình như vậy, cuối cùng chúng tôi đã khắc phục được các vấn đề nan giải.
Trong công việc cũng như trong học tập, có nhiều người chỉ mới cố gắng một chút mà không thấy kết quả là chán nản bỏ ngang giữa chừng. Nếu như vậy thì đừng mong làm được đều gì. Phải kiên trì, phải nhẫn nại, phải cố gắng đến mức không thể cố hơn được nữa mới thôi. Nhiều người càng không thành công lại càng làm ẩu làm tả, rồi kết quả chưa đâu đã vội hài lòng. Họ là những người hay phải hối hận: “Biết thế thà mình cứ chịu khó và cố gắng thêm một chút thì đâu đến nỗi này”. Cái khác nhau giữa người thành công và người thất bại là ở chỗ đó.
Bảy tháng sau khi nhận đơn hàng, IBM gửi thông báo cho chúng tôi biết: Sản phẩm Công ty Kyocera được chấp nhận đạt quy cách yêu cầu của IBM.
Nhưng bắt đầu từ đây mới là cuộc chơi chính. Phải giao một khối lượng khổng lồ 25 triệu sản phẩm đúng thời hạn cho khách hàng. Nhà máy hoạt động hết công suất. Công nhân làm việc ba ca. Không có ngày nghỉ, kể cả nghỉ đón năm mới, nghỉ lễ Bon (1). Cuối cùng, chúng tôi hoàn thành khối lượng sản phẩm, kịp thời hạn giao hàng. Nhìn chuyến hàng cuối cùng chất lên xe tải rời nhà máy, trong lòng tôi dấy lên một niềm tự hào: Khả năng của con người thật là vô hạn.
Với khát vọng mãnh liệt phải hoàn tất công việc bằng mọi giá, với nỗ lực không biết mệt mỏi, chúng tôi đã biến điều không thể thành có thể.
Nhờ được tôi luyện qua cái lò của một công ty hàng đầu thế giới, niềm tin có thể đạt được mục tiêu trong mọi tình huống đã hình thành vững chắc trong tôi và không có gì có thể lay chuyển được.
Thông tin về việc IBM đánh giá cao sản phẩm vi mạch (IC board) của Công ty Kyocera chúng tôi và sử dụng chúng để việc chế tạo các máy tính chủ lực nhanh chóng lan khắp trong ngoài nước. Không bao lâu sau, nhiều hãng điện tử Nhật Bản kéo đến công ty chúng tôi đặt hàng.
Nhờ thế mà Công ty Kyocera phát triển nhanh chóng. Năm 1971, công ty tham gia thị trường chứng khoán. Mười hai năm sau ngày thành lập, chúng tôi đường hoàng gia nhập nhóm các công ty hàng đầu thế giới.
1.: Lễ hội Bon truyền thống kéo dài vài ngày, vào khoảng rằm tháng 7 âm lịch, nay được tổ chức vào 15-8. Thời gian này người Nhật thường về quê viếng mộ người thân, treo các đèn lồng chỉ đường cho các linh hồn, làm cỗ cúng và thưởng thức điệu nhảy đặc biệc có tên là bon odori.KHIÊU CHIẾN VỚI TẬP ĐOÀN KHỔNG LỒ NTT
Năm 1983, xu hướng tự do hóa ngành viễn thông diễn ra ở Nhật Bản, biểu hiện qua việc tư nhân hóa Công ty điện thoại điện tín nhà nước Denden Kosha (hiện nay là NTT). Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp của hội đồng quản trị Công ty Kyocera, tôi đề nghị các thành viên chấp thuận dự án thành lập Công ty điện thoại Dainhi Denden.
Tôi yêu cầu hội đồng quản trị cho phép tôi được sử dụng 100 tỷ trong số 150 tỷ yên tiền vốn mà công ty Kyocera đã tích lũy được kể từ khi thành lập.
Việc thò chân vào lĩnh vực thông tin viễn thông khi đó bị coi là hành động khiêu chiến vô vọng với NTT. Nhưng hội đồng quản trị Kyocera chấp thuận đề xuất của tôi - bằng cách thành lập Công ty Điện thoại Dainhi Denden (hiện nay là KDDI).
Ở Nhật Bản thời đó, công ty nhà nước Denden Kosha độc quyền thị trường điện thoại quốc nội. Vì thế, giá cước điện thoại khá đắt so với mặt bằng giá cước trên thế giới. Mọi người đều hy vọng với sự xuất hiện của công ty điện thoại mới sẽ có sự cạnh tranh và như vậy giá cước điện thoại sẽ rẻ đi nhiều.
Nhưng không ai dám lập ra một công ty điện thoại mới vì mức độ rủi ro quá lớn khi phải đương đầu với công ty nhà nước khổng lồ Denden Kosha. Chính vì thế, tôi quyết định đứng ra “ khiêu chiến”.
Mặc dù vậy, trước một đối thủ có doanh số hàng năm lên tới 40.000 tỷ yên, tổng số nhân viên 330 ngàn người, sở hữu hệ thống hạ tầng thiết bị từ thời Minh Trị và mạng lưới cáp thông tin có ở khắp mọi miền Nhật Bản thì không ai không ngán ngại. Trong khi Kyocera chúng tôi dù đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng, nhưng doanh số hàng năm vào thời điểm đó mới chỉ là 2.200 tỷ yên, tổng số nhân viên cũng chỉ có 11 ngàn người. Thế mà, chúng tôi lại quyết định lập ra công ty điện thoại mới để cạnh tranh thì chẳng khác nào “châu chấu đá xe”. Đó là chưa kể chúng tôi hoàn toàn “mù tịt” về lĩnh vực thông tin viễn thông. Chuyên môn của bản thân tôi là Hóa ứng dụng, đương nhiên là kẻ nghiệp dư trong công nghệ thông tin. Một người như vậy lại đòi đương đầu với ông độc quyền nhà nước khổng lồ thì có khác gì Đông Ki-sốt đòi vung ngọn giáo cổ lỗ đánh nhau với cối xay gió.
Trong tình cảnh đó, để bắt đầu công cuộc lớn lao như vậy thì phải có ý chí, động cơ và mục đích thật cao cả mới lay chuyển được lòng người.
Đêm nào cũng như đêm nào, tôi luôn thao thức trước khi ngủ, tự chất vấn lòng mình: Động cơ lập công ty điện thoại mới của mình có trong sáng thật không? Tâm địa mình có thật sự “thiện” không? Hay chỉ vì mình muốn chơi trội? Muốn được lưu danh? Có thực sự vì lợi ích của người dân hay chỉ là nói miệng thế thôi?...
Suốt nửa năm trời, kể cả những lúc trở về nhà sau bữa rượu tàn, tôi vẫn cứ lặp đi lặp lại trong lòng những lời tự vấn như vậy. Chỉ sau khi biết chắc lòng mình, ý chí mình gây dựng sự nghiệp này hoàn toàn vì lợi ích của người dân, vì lợi ích của xã hội và không mảy may dao động, tôi mới quyết định đặt chân vào con đường này.
Quyết tâm của tôi được rất nhiều nhà kinh doanh ủng hộ.
Năm 1984, tôi thành lập Công ty Điện thoại Dainhi Denden.
Và chẳng bao lâu sau, làn gió tự do hóa thiết bị thông tin di động - tức là điện thoại gắn trên xe ôtô thời đó, và ngày nay là điện thoại di động – tràn tới, tôi đề xuất dự án “Tiến thẳng sang điện thoại di động” trong cuộc họp hội đồng quản trị của Dainhi Denden.
MOBILPHONE THƯƠNG HIỆU “AU”
Từ thuở bắt đầu kinh doanh chất bán dẫn với các công ty Hoa Kỳ, khi phát minh ra tổ hợp vi mạch IC Package, tôi đã linh cảm thấy việc thu nhỏ linh kiện bán dẫn tính cao nâng cao sẽ sớm thành hiện thực. Tôi tin tưởng rằng không bao lâu nữa sẽ xuất hiện loại điện thoại di động kích thước nhỏ có thể nằm gọn trong lòng bàn tay.
Tuy vậy, thời đó chưa có nơi nào trên thế giới thành công trong lĩnh vực điện thoại di động (điện thoại gắn trên xe ô tô). Vả lại, Công ty Dainhi Denden của tôi cũng mới đi vào hoạt động ổ định. Vì thế, kế hoạch tiến sang lĩnh vực điện thoại di động do tôi đề xướng hầu như bị mọi thành viên trong hội đồng quản trị phản bác. Chỉ có một thành viên duy nhất tán đồng kế hoạch của tôi. Tôi nói với người đó: “Không ai chấp thuận cả. Chỉ có tôi và anh. Dù vậy, chúng ta vẫn cứ làm”. Và thế là chúng tôi bắt tay vào việc phát triển điện thoại. Việc cung cấp dịch vụ điện thoại di động au - hiện KDDI đang thực hiện – đã bắt đầu như vậy đấy.
Rốt cuộc, Bộ Bưu chính cũng cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Dainhi Denden chúng tôi. Lúc ấy, ngoài chúng tôi ra còn có một công ty nữa cũng xin Bộ Bưu chính cấp phép tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ điện thoại di động. Trước tình hình đó, bộ Bưu chính quyết định phân chia thị trường dành cho các công ty mới tham gia – không bao gồm NTT – thành hai Tokyo làm trung tâm) và khu vực Tokai (lấy thành phố Nagoya làm trung tâm). Vùng thị trường thứ hai là các khu vực còn lại không thuộc vùng thứ nhất.
Chọn vùng thị trường nào trở thành vấn đề thương lượng căng thẳng giữa Dainhi Denden và công ty mới kia. Bởi vì giữa hai vùng thị trường có sự chênh lệch rất lớn. Cụ thể là vùng thị trường thứ nhất, còn được gọi là “vùng vành đai Thái Bình dương” nối thủ đô Tokyo và thành phố Nagoya. Các thành phố lớn nhất Nhật Bản đều tập trung ở vành đai này và mọi nhu cầu tiêu dùng cũng dồn cả vào đây. Có thể nói, vùng thị trường thứ nhất là vùng có nhu cầu lớn nhất.
Lẽ dĩ nhiên, Công ty Dainhi Denden chúng tôi muốn dành được quyền cung cấp cho vùng thị trường thứ nhất này. Nhưng đối thủ của chúng tôi cũng muốn như vậy. Kết quả là chẳng ai chịu ai. Trước tình hình ấy, tôi phải đi đến một quyết định đầy khó khăn là chấp nhận nhường vùng thị trường thứ nhất cho đối thủ.
Tại cuộc họp nghe thông báo kết quả thương lượng, các thành viên tham dự - bao gồm rất nhiều người đứng đầu các công ty hàng đầu Nhật Bản, những người đã ủng hộ và cùng góp vốn lập ra Công ty Dainhi Denden – đã nhao nhao đứng lên khiển trách tôi bằng những lời lẽ năng nề. Họ nói: “Có một cái bánh bao thì phần nhân thịt ngon lành anh để đối thủ cướp mất. Chỉ còn cái vỏ mà anh cũng mang về và bắt chúng tôi phải xơi hả? Thế là thế nào?”.
Tuy vậy, về sau bằng những nỗ lực quên mình, tôi vẫn kiên quyết cho triển khai Công ty Điện thoại Di động Kansai Cellular – sử dụng phương thức thông tin vô tuyến. Chúng tôi đứng hàng đầu trong số các công ty mới tham gia thị trường. Tiến đến, chúng tôi còn hợp nhất với IDO – chính là đối thủ được nhường phần thị trường béo bở nhất. Hiện nay, với thương hiệu au, chúng tôi đang cung cấp dịch vụ điện thoại di động tuyệt vời cho người tiêu dùng Nhật Bản. Thương hiệu điện thoại di động au của chúng tôi đang tranh đua vị trí nhất nhì với thương hiệu docomo của NTT.
CỎ DẠI CŨNG CÓ ĐỨC HIẾU SINH
Qua kinh nghiệm kinh doanh hai công ty Kyocera và KDDI, có một điều tôi thường nói với các nhà khởi nghiệp trẻ tuổi. Và tôi cũng muốn truyền đạt điều ấy đến mọi bạn trẻ sẽ gánh vác xã hội trong tương lai. Đó là, vạn vật trên cõi đời này đều phải nỗ lực hết mức để tồn tại.
Như những cây cỏ dại mọc ở ven đường - đến cái tên cũng không được người đời nhớ tới – cũng đang nỗ lực để sống. Những cây cỏ dại ấy, tuy mọc lên giữa vết nứt trên đường nhựa, bị thiêu đốt bởi cái nóng ngày hè, nhưng nó vẫn nỗ lực vượt qua chỗ chật chội, thoát khỏi nóng bỏng để nở hoa, kết hạt. Một nhánh cỏ dại cũng biết chịu đựng hoàn cảnh để tồn tại.
Thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta tồn tại được cũng là nhờ sự nỗ lực của từng nhánh, từng nhánh cỏ dại mọc lên từ khe nứt trên mặt đường nhựa như vậy. Động vật, kể cả côn trùng cũng thế. Để sống còn, tất cả đều phải nỗ lực hết mình. Nỗ lực không phải là điều gì đặc biệt cả. Nỗ lực là lẽ đương nhiên để tồi tại.
Trong học tập, trong công việc nhiều khi nỗ lực rồi mà vẫn không thành công. Những lúc đó, nếu chúng ta thử tiếp tục cố gắng, cố gắng đến mức tối đa mà vẫn không thành thì sau đó có phải bỏ cuộc mới không ân hận.
Nhưng nếu đó là kết quả của sự nỗ lực nửa vời thì thế nào cũng có lúc các bạn phải hối hận và thất vọng: “Biết vậy mình gắng thêm chút nữa thì đâu đến nỗi này”. Không có gì vô nghĩa bằng cuộc đời của những người suốt đời chỉ biết có “lẽ ra…” hay “biết thế…”
Trong mọi cảnh ngộ, dù có bất lợi đến đâu đi nữa cũng phải nỗ lực tối đa. Tôi muốn khẳng định với các bạn: “Nỗ lực tối đa” là điều kiện tiên quyết để chúng ta sống tồn tại được trên trái đất này.
Bất kể kết quả là thế nào, miễn là các bạn hãy coi trọng từng giây, coi trọng từng phút, nỗ lực và nỗ lực không ngừng… Và đó chính là sức mạnh của Tự nhiên.
HỌC CÁI GÌ Ở TRƯỜNG?
“Điều quan trọng nhất đối với trẻ em là học cái gì ở trường. Theo tôi, có lẽ là học cách sáng tạo, học cách nỗ lực và học cách sống làm người. Các em hãy tìm gặp những người tốt bày bảo cho mình những điều như vậy. Và hãy mở ra cuộc đời tuyệt vời cho chính mình.”
TẠI SAO LẠI MẮNG HỌC TRÒ?
Có hai chuyện từ hồi học cấp I đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu.
Chuyện thứ nhất xảy ra trong giờ học môn xã hội. Thầy giáo đặt câu hỏi: “Em nào biết, vì sao gạo của tỉnh Kagoshima ta lại có mặt ở các tỉnh khác trên đảo Kyushu?”
Thường ngày, cứ ngồi vào lớp là đầu óc tôi chỉ mong sao chóng ta trường, chạy ù ra sông câu cá cùng bạn bè. Chẳng mấy khi tôi chú ý nghe giảng bài. Chẳng hiểu làm sao, hôm ấy tôi lại quan tâm đột xuất, hướng lên bảng nhìn thầy giáo. Và câu hỏi của ông thầy chui tọt vào tai tôi. Tôi thầm nghĩ: “Dễ như thế mà cũng hỏi”. Tôi giơ tay xin trả lời. Thấy đứa học trò lười học, hiếm khi nào xin phát biểu nay lại giơ tay, thầy giáo ngạc nhiên, nhưng ông cũng cho phép tôi.
Tôi đứng dậy và dõng dạc nói: “Thưa thầy, đó là vì tỉnh ta thừa gạo ạ”. Chưa kịp ngồi xuống tôi đã nghe tiếng thầy giáo quát: “Trả lời vớ vẩn. Dốt đặc.” Tôi bàng hoàng, chẳng hiểu vì sao lại bị mắng. Sau đó, thầy giải thích một thôi một hồi rồi kết luận: “Vì tỉnh ta thừa gạo nên đem bán cho các tỉnh xung quanh”.
Nếu câu hỏi là “ Em nào biết vì sao tỉnh ta thừa gạo?” thì đã đi một nhẽ. Đằng này, câu hỏi là “Vì sao gạo tỉnh ta lại có cả ở các tỉnh lân cận?” thì câu trả lời của tôi “Là vì tỉnh ta thừa gạo” không thể nào sai.
Bình thường, không có chuyện gì thì tôi cũng đã không muốn học rồi. Lại thêm cái chuyện tôi vừa kể ra đây, khiến cho tâm trạng tôi càng thêm buồn chán.
TÁC PHẨM TRONG DỊP NGHỈ HÈ.
Một chuyện nữa mà tôi không sao quên được xảy ra vào thời chiến, khi tôi mới học lớp bốn. Nhà trường ra bài tập thủ công trong dịp nghỉ hè. Bạn bè trong lớp đều có tác phẩm của mình. Có đứa còn đi thu thập côn trùng làm tiêu bản. Tôi thì chẳng nghĩ ra được điều gì. Có muốn vận dụng kiến thức đã học để làm cũng không được, vì tôi hầu như chẳng để tâm học hành trên lớp. Một ý tưởng bất chợt loé lên trong đầu tôi. Thử làm dụng cụ đo chiều cao vật thể xem sao? Những lúc đi chơi với bạn bè sau núi, vui đùa với nước trên dòng sông nhỏ, đã nhiều lần tôi muốn có một dụng cụ đo độ cao để biết cây cổ thụ này hay mỏm đá chót vót kia cao tới mức nào.
Thế rồi, tôi vào rừng chặt tre, ôm cả bó mang về. Tôi thông mắt tre làm ống ngắm giống như ống kính viễn vọng. Gắn miếng xen-luy-lô vào trong lòng ống và khắc vạch chuẩn, tiếp đến tôi làm cái giá đỡ ba chân, đặt ống tre lên giá và gắn cố định.
Đó là cái dụng cụ đo độ cao mà tôi làm trong dịp hè.
Cách đo như sau: để dụng cụ đo cách vật thể định đo khoảng hai chục mét, rồi cắm một cái cọc cao khoảng một mét bên cạnh vật thể ấy. Sau đó chỉnh ống ngắm. Khi ngắm, thấy vật thể tương đương với vạch chuẩn nào trong lòng ống thì sẽ suy ra được chiều cao của vật thể ấy. Đó là tôi ứng dụng kiến thức tỷ lệ đã học ở trường.
Tôi đắc ý mang tác phẩm đến trường, trong bụng nghĩ thầm: “Đây là một phát minh quan trọng. Có thể đo được chiều cao của mọi vật”.
Thoạt nhìn thì dụng cụ của tôi không có gì bắt mắt cả. Chỉ là một đoạn tre, được gắn trên cái chạc ba chân bằng keo dán. Thầy giáo mới hỏi: “Cái gì thế này?”
Tôi đáp: “Đây là dụng cụ có thể đo được chiều cao của bất cứ vật gì đấy ạ.” Thầy giáo hỏi tiếp: “Đo như thế nào?”. Tôi bèn giải thích: “ Chỉ cần đặt dụng cụ cách xa vật định đo. Nhìn qua ống ngắm là biết được chiều cao của vật thể đó ạ.” Bất ngờ, cái ống ngắm gắn với đế ba chân bằng keo bán bong ra, rơi xuống lăn lốc. Cả lớp cười ầm lên, còn tôi ngượng chín cả mặt.
Trong lúc tôi luống cuống cầm ống tre lên định gắn lại thì thầy giáo bồi thêm một đòn nữa. Ông mắng: “Đồ dốt nát. Thế này mà cũng đòi đo chiều cao à?” Đối với tôi, nó là tác phẩm đắc ý nhất. Vậy mà thầy chẳng cần biết đầu đuôi sự việc ra sao đã vội dè bỉu chê bai. Tôi tức quá, chỉ muốn thét lên: “Thưa thầy, em đã phải bỏ biết bao công sức mới làm ra được nó…”
Của đáng tội, cái “cao trắc kế” tôi làm không thể nào đo được chính xác chiều cao vật thể. Vì muốn đo được thì phải vận dụng toán hàm số, lượng giác. Chứ không chỉ bằng công thức tỷ lệ như tôi vẫn tưởng. Nhưng vì mới học lớp bốn, chưa học về hàm số, lượng giác nên tôi không biết là chỉ dùng tỷ lệ thì không đo được.
Lẽ ra thầy giáo phải biết cách động viên học trò mới phải. Nếu như, lúc đó thầy nói với tôi: “Inamori có tinh thần dám nghĩ dám làm. Tác phẩm của em rất hay. Nhưng nó không thể đo chiều cao của vật thể được. Cần phải có thêm kiến thức về lượng giác mới có thể làm được dụng cụ này. Khi nào lên cấp hai, các em sẽ được học những kiến thức đó. Tuy vậy, thầy cũng khen ngợi em…” thì có lẽ tôi đã phấn khởi mà học hành nghiêm chỉnh sẽ không phụ lòng thầy.
Bây giờ, nói lại chuyện này, tôi muốn nói với các thầy cô giáo là nếu cứ vùi dập sự sáng tạo và nỗ lực của học trò ngay từ mầm mống như thế, thì không những không khơi dậy được tài năng tiềm ẩn ở trẻ em, mà còn làm thui chột tài năng của chúng.