CHƯƠNG SÁU
Tác giả: Inamori Kazuo
“Trong giới thể thao cũng như trong giới doanh nghiệp, thành công khi còn trẻ là điều tuyệt vời. Nhưng, con người thường hay ngây ngất trước thành công và không còn tiếp tục phấn đấu nữa. Huống chi thành công quá sớm chứa đựng nhiều mầm mống nguy hiểm. Các bạn trẻ, giả sử các bạn đang mãn nguyện thì cũng hãy khiêm nhường và tiếp tục phấn đấu. Có như vậy, tâm hồn các bạn sẽ trở nên cao thượng và cuộc đời cũng trở nên tốt đẹp hơn.”
TẬP TRUNG SUỐT 90 PHÚT
Công ty Kyocera chúng tôi đang tài trợ và điều hành đội bóng đá Kyota Purple Sunga - đội bóng của cố đô Kyoto. Đội bóng ra đời trên cơ sở trưng cầu ý kiến và lấy chữ ký của người dân Kyoto. Phần lớn nguồn kinh phí cho đội bóng là do Kyocera tài trợ và tôi cũng tham gia vào việc quản lý điều hành.
Từ trước tới nay những đội bóng có thành tích kém cỏi trong mùa giải thường thay máu bằng cách loại bỏ các cầu thủ cũ và bổ sung các cầu thủ mới sau khi mùa bóng kết thúc. Trước khi được chúng tôi tài trợ thì đội bóng Purple Sunga cũng làm như vậy.
Trong bóng đá, tôi chỉ là kẻ ngoại đạo. Nhưng phương châm điều hành hiện thời của tôi là để tăng cường sức mạnh cho đội bóng thì không thể chỉ bằng cách thay thế cầu thủ mà phải đầu tư thời gian và tiền bạc để đào tạo cầu thủ.
Cầu thủ của đội xuất thân từ nhiều nguồn. Có cầu thủ trưởng thành từ các đội trẻ. Có cầu thủ mới vào đội sau khi tốt nghiệp phổ thông và đại học.
Tôi yêu cầu giám đốc điều hành và huấn luyện viên trưởng đội bóng phải nuôi dưỡng và đào tạo họ thành các cầu thủ giỏi.
Tôi muốn đội bóng phải là một tập thể mà ở đó huấn luyện viên trưởng, các cầu thủ cùng nhau khổ luyện, rèn giữa, tích luỹ kinh nghiệm và truởng thành. Đội bóng phải là một tập thể đoàn kết và thống nhất. Huấn luyện viên phải hiểu rõ chuyên môn và tâm tư của cầu thủ. Và cầu thủ phải nắm vững và tuân theo ý đồ của huấn luyện viên.
Tuy nhiên, cho dù phương châm của tôi là phải đầu tư trong một thời gian dài để nuôi dưỡng đội bóng giống như một công ty, nhưng không có nghĩa là tôi sẽ giữ lại cả những cầu thủ chây lười luyện tập. Chỉ có những cầu thủ tập luyện chăm chỉ, những cầu thủ luôn nỗ lực mới có chỗ trong đội bóng. Bởi vì chỉ có những con người biết nỗ lực và nỗ lực hết mình mới phát triển được.
Xem một trận đấu qua màn ảnh nhỏ hoặc xem trực tiếp trên sân, khán giả sẽ nhận ra ngay cầu thủ nào thi đấu thiếu tập trung. Nhất là những cầu thủ khi không có bóng trong chân thì lững thững cúi đầu như đi bộ trên sân.
Đã là cầu thủ thực thụ thì phải hết sức tập trung cho trận đấu. Thật khó chịu khi nhìn thấy cầu thủ bị giật mình khi bóng bay đến chân mình.
Mà việc phải tập trung tinh thần cũng chỉ vẻn vẹn trong có 90 phút chứ phải lâu la gì. Một cầu thủ không thể tiến xa được nếu không thể tập trung tinh thần trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy. Một khi đã bước chân vào con đường chuyên nghiệp thì không thể không tập trung tinh thần vào trái bóng bất kể nó đang ở đâu và tình huống nào xảy ra trên sân cỏ.
Ngoài ra, khi xem nhiều trận bóng đá, tôi thấy việc ghi bàn hay bị thủng lưới thường xảy ra ở cuối hiệp hai từ những phút 70 hay 80. Tôi nghĩ rằng đấy là thời điểm mà cầu thủ cả hai đội đều thấm mệt, vì vậy đội giành phần thắng là đội mà các cầu thủ có tinh thần và sức lực tranh đua cho đến tận những giây cuối cùng của trận đấu. Cho nên tôi bao giờ cũng quan sát các cầu thủ tập trung tinh thần ra sao trong thời gian hơn 90 phút thi đấu. Cầu thủ nỗ lực đến mức nào trong trận đấu là điều quan trọng nhất đối với tôi. Tôi chủ trương giữ lại cầu thủ nào miệt mài cố gắng luyện tập và thi đấu dù có những khiếm khuyết về kỹ thuật như tốc độ bứt phá, khả năng sút bóng chính xác… Những cầu thủ chịu khó chắc chắn sẽ tiến xa. Cuộc đời con người cũng giống như vậy. Tài năng trời phú có thể khỏa lấp nhiều thứ, nhưng dứt khoát không có chuyện cứ thiên tài là thắng được nỗ lực.
Lẽ dĩ nhiên, trong thế giới chuyên nghiệp không có chỗ đứng cho những cầu thủ mà trình độ kỹ thuật và thể lực thua kém cả người bình thường. Nhưng, chủ trương của tôi là coi trọng những người nỗ lực cho dù người đó có khiếm khuyết về năng lực. Quá trình nỗ lực hàng ngày sẽ nâng cao khả năng kỹ thuật, cũng như tính người trong con người cầu thủ.
Giải vô địch quốc gia J- Ieague Nhật Bản có rất nhiều cầu thủ trẻ xuất sắc xuất thân từ các đội bóng trường học. Họ là những cầu thủ được khán giả hâm mộ ngay từ lúc còn rất trẻ. Nhưng tiếc là không ít cầu thủ trong số đó tài năng bị mai một do kiêu ngạo, chây lười tập luyện. Một khi trở nên tự cao tự đại thì người ta cũng thường không còn nỗ lực. Và thế rồi chẳng mấy chốc tài năng cũng mất theo.
Các cầu thủ trong đội Purple Sunga đều là các cầu thủ chuyên nghiệp ngay từ khi còn rất trẻ, vì vậy người nào cũng mong muốn trở thành ngôi sao. Tôi cũng cầu mong cho họ cố gắng trở thành những cầu thủ tuyệt vời, thành ngôi sao nổi tiếng và đi tới đâu cũng được khán giả nhắc tới: “À, đó là ngôi sao của đội Purple Sunga đấy”.
Để được như vậy, bao giờ tôi cũng nghiêm khắc nhắc nhở các cầu thủ phải tập trung tinh thần trong suốt 90 phút thi đấu.
CÓ DŨNG KHÍ CHÍNH TRỰC
Tinh thần tranh đấu là điều cần thiết trong cả thể thao lẫn cuộc đời. Nhưng, tinh thần mà tôi nói ở đây khác hẳn với kiểu tranh đấu chống đối của những kẻ ương ngạnh. Người can đảm thực sự là người biết lắng nghe ý kiến của người đi trước, của cấp trên, là người biết sửa chữa khiếm khuyết và biết bù đắp những gì mà mình còn thiếu.
Người thực sự có tinh thần tranh đấu và can đảm là người bình thường thì rất lặng lẽ nhưng có ý chí tranh đấu bất chấp hiểm nguy. Trong thể thao cũng như trong công việc, những người biết lắng nghe, có tinh thần tranh đấu thực sự là những người sẽ tiến xa.
Về dũng khí theo nghĩa đó, tôi muốn kể một câu chuyện để các bạn tham khảo. Đó là câu chuyện về ông Oba Mitsuo - người đầu tiên trên thế giới một mình đơn độc chu du từ Bắc cực tới Nam cực. Công ty Dainhidenden chúng tôi hân hạnh được cung cấp một số trang thiết bị theo đề nghị của ông Oba khi ông đi xuyên qua Nam cực.
Trở về, ông Oba có đến chỗ tôi để cám ơn sự hợp tác của công ty cho chuyến đi. Tôi có hỏi ông: “Chắc ông phải mạo hiểm lắm trong suốt chuyến đi băng qua Bắc cực và Nam cực. Ông thật sự là một người có dũng khí và lòng quả cảm”. Tức thì ông Oba đáp: “Ông nhầm rồi. Tôi không có được dũng khí như ông nói đâu. Thực sự tôi là một kẻ nhút nhát”.
Ông còn cho tôi biết thêm, phần lớn những thành viên hừng hực lòng quả cảm và dũng khí của đội thám hiểm đều gặp thất bại giữa chừng. Ngược lại, số sống sót và trở về được đều là những người như ông – nhút nhát và luôn sợ hãi.
Nghe chuyện ông kể, tôi nghĩ trong thám hiểm, trong kinh doanh, trong nghiên cứu cũng như nhau. Người đi được đến cùng chặng đường là người thận trọng, thận trọng đến mức nhút nhát, và là người chuẩn bị đầy đủ, tỉ mỉ nhất trước khi bắt tay vào bất cứ việc gì.
CÁI TÂM QUYẾT ĐỊNH GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
Bây giờ tôi muốn nói về việc mà tôi lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuốn sách này, cũng như tôi đã nói rã bọt mép với cả các cầu thủ đội Purple Sunga. Đó là giá trị con người được quyết định bởi cái tâm.
Cuộc đời đá bóng của một cầu thủ nhiều lắm cũng chỉ kéo dài đến tuổi ba mươi. Trong giới bóng đá, cầu thủ ngoài ba mươi hầu như được liệt vào loại luống tuổi. Nhưng đối với cuộc đời một con người thì ngoài ba mươi cũng vẫn là đầu xanh tuổi trẻ. Gần đây, tuổi thọ của người Nhật Bản ngày một tăng, nhiều người trên tám chục rồi mà vẫn khỏe mạnh.
Một cầu thủ bóng đá, giải nghệ vào lúc ngoài ba mươi, nếu thọ đến tám mươi tuổi thì có nghĩa là còn phải sống năm chục năm nữa. Tôi không rõ các cầu thủ trong đội bóng Kyoto Purple Sunga, cũng như các cầu thủ thể thao chuyên nghiệp, ý thức thế nào về cuộc sống của mình trong tương lai. Nhưng, tôi muốn họ sau này phải luôn tự hào về một thời từng là cầu thủ. Vì sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì, tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp ân hận, những thành công quá sớm đã làm hỏng toàn bộ quãng đời về sau của mình.
Ở Nhật Bản, một cầu thủ giỏi dù mới hai mươi tuổi, cũng đã nhận được những khoản lương hậu hĩnh và những lời ca ngợi, tâng bốc. Mức thu nhập tối thiểu của họ là 10 triệu yên, loại cao thì từ 30 đến 40 mươi triệu yên một năm.
Thu nhập cỡ từ 30 triện đến 40 triệu yên một năm thì chỉ có giám đốc các công ty hàng đầu Nhật Bản mới có thể có được. Vậy mà một cầu thủ mới ở độ tuổi hai mươi đã kiếm được hàng chục triệu yên một năm, nếu bản thân anh ta không phải là người thật chín chắn hoặc cha mẹ anh ta không quản lý giúp thì tôi e rằng chính số tiền đó sẽ làm hỏng cuộc đời anh ta về sau.
Người có tài đến mấy, có thu nhập cao gấp vài chục lần so với người cùng lứa tuổi nhưng nếu cuộc đời hỏng thì tài năng và thu nhập đó cũng trở nên vô nghĩa.
Vì thế, tôi muốn rằng những người có tài năng trời phú thì càng phải suy nghĩ nghiêm túc về “Cuộc đời là gì?” và “Lối sống của mình phải như thế nào?”
DẤN THÂN ĐỂ THÀNH NGƯỜI
Các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp thành công từ khi còn bé thường sống ra sao khi kết thúc quãng đời cầu thủ?
Phần lớn các cầu thủ đều từ giã sân cỏ ở tuổi ngoài ba mươi. Trừ một vài người trở thành huấn luyện viên, còn số đông thì mỗi người mỗi ngả. Người thì mở cửa hiệu buôn bán, người thì xin vào làm việc trong các công ty.
Điều quan trọng nhất khi một cầu thủ trở về cuộc sống đời thường là gì? Dứt khoát đó không phải là tài năng và thành tích trong bóng đá của anh ta. Giả dụ anh ta từng là cầu thủ siêu sao, nhưng một khi đã cởi giầy, nếu anh ta vẫn cứ sống trong tâm trạng của một siêu sao thì cuộc đời anh ta chỉ có âm mà không thể là dương được. Không nói ra nhưng mọi người đều thừa hiểu rằng tài đá bóng là một thứ vô ích trong cuộc sống đời thường. Điều có nghĩa nhất đối với cuộc sống là nhân cách. “Anh ta là người có nhân cách. Chúng tôi muốn nhận anh ta vào làm việc…” – đó mới là điều quan trọng nhất.
Người kế tục tôi làm Chủ tịch Công ty Kyocera là Ito Ukensuke. Khi tôi còn làm ở phòng thí nghiệm Công ty công nghiệp Sofu thì cậu ta là trợ lý. Ito tốt nghiệp trường cấp ba ở tỉnh Okayama. Điều kiện làm việc của các trợ lý ở một công ty thua lỗ như Công ty công nghiệp Sofu thì không thể có cảnh áo choàng trắng muốt, thiết bị hiện đại, phòng nghiên cứu sạch bong như trợ lý ở các trường đại học. Cậu ta giúp tôi làm việc trong điều kiện phòng nghiên cứu nhếch nhác, bụi bặm, thiết bị cái có cái không.
Đến tận giờ, tôi vẫn còn nhớ hồi đó vì công ty quá nghèo nên không thể mua nổi thiết bị mới. Ito suốt ngày phải đánh vật với cái máy dập thủ công cũ kỹ để làm linh kiện ti vi cung cấp cho Công ty Hitachi. Người cậu nhỏ thó, phải dùng cả hai tay mới đủ sức đẩy cần dập lên, rồi lại kéo mạnh nó xuống không khác gì cử tạ. Chưa đầy một tháng mà hai cánh tay cậu cơ bắp nổi lên cuồn cuộn.
Lao động cơ bắp là công việc hàng ngày Ito giúp tôi. Một hôm cậu ta nói với tôi: “Em mới hết lớp mười hai, nên muốn theo học đại học ban đêm để nâng cao trình độ”. Lúc đó tôi mới biết cậu ta đã thi và đủ điểm đỗ vào trường đại học ban đêm Doshisha. Tôi khuyên: “Chẳng cần phải học đại học đâu. Cứ ở đây tôi dạy cho”. Và Ito nghe tôi, không vào đại học nữa. Từ đó trở đi, Ito dấn thân vào công việc, phát huy mọi khả năng và trở thành một người có những phẩm chất tuyệt vời.
Tổng số nhân viên ở Nhật Bản và nước ngoài của Công ty Kyocera là hơn 50 ngàn người. Cán bộ trong Công ty phần lớn đều đã tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tuy chỉ học hết lớp mười hai, nhưng Ito vẫn được mọi người kính trọng ở tư cách của một người lãnh đạo. Trong Công ty Kyocera cũng có một số giám đốc các bộ phận quan trọng, nhất là ở các nhà máy đóng ở địa phương, chỉ có trình độ văn hoá cấp hai.
Tại sao những người chỉ có trình độ học vấn hạn chế mà vẫn làm tốt công việc như vậy? Câu trả lời của tôi là do họ có nhân cách. Có nhân cách tuyệt vời mới thu phục được mọi người, mới đứng đầu được tập thể.
Vậy thì làm thế nào để trở thành con người có nhân cách tuyệt vời như vậy? Lời giải đáp rất đơn giản. Đó là, như tôi đã lặp đi lặp lại trong cuốn sách này, dấn thân vào công việc, âm thầm nỗ lực và kiên trì đến cùng.
Nhân cách con người chỉ hình thành và hoàn thiện thông qua nỗ lực, dám đối diện và vượt qua khó khăn, gian khổ một cách âm thầm. Nếu chỉ có đầu óc thông minh và tốt nghiệp đại học danh tiếng không thôi thì chưa đủ.
Người nào từng trải qua gian khổ, từng làm việc cực nhọc người ấy chắc chắn sẽ trưởng thành. Ở họ có sức hấp dẫn đặc biệt.
Vì thế, tôi luôn nhắc nhở các cầu thủ trong đội Pupre Sunga rằng: “Phải mang hết sức mình khi luyện tập hay khi làm bất cứ việc gì. Lúc ban đầu có thể chưa ai biết tới, nhưng nếu nỗ lực thì 5 năm sau, mà có thể 10 năm sau người ta mới biết. Có thể không thành siêu cầu thủ nhưng chắc chắn sẽ nên người. Và chắc chắn sẽ thành công khi ra đời làm việc.