Chương một A
Tác giả: Inamori Kazuo
NHỮNG TRẬN KHÔNG KÍCH DỮ DỘI
Sang đầu năm 1945, còi báo động mỗi khi máy bay Mỹ bay vào vùng trời tỉnh Kagoshima cứ rú lên không ngớt. Chính vào thời điểm căng thẳng đó, bỗng một hôm, thầy Doi – giáo viên chủ nhiệm của tôi - đến nhà và thuyết phục cha mẹ tôi: “Các bác nên cho cháu Inamori thi vào trường trung học số 1 Kagoshima một lần nữa, vì cháu có khả năng…”. Không những thế, thầy Doi còn giúp đỡ tôi rất tận tình. Thấy tôi còn rất yếu vì bệnh lao, thầy giúp tôi mang đơn xin dự thi đến trướng trung học số 1 để nộp. Rồi đến ngày thi, thầy còn đến dìu tôi đến tận phòng thì…
Tuy vậy, đến ngày công bố kết quả, vẫn không có tên tôi trong danh sách các thí sinh đỗ vào trường dán trên bảng thông báo. Tôi tuyệt vọng về nhà, nằm vật ra giường. Cơn sốt vẫn chưa dứt. Tiếng còi báo động vẩn vang lên rền rĩ. Thầy Doi đến nhà động viên tôi: “Đàn ông, con trai thì không được nản chí. Vẫn còn những con đường khác để đi…”. Thầy tiếp tục giúp tôi nộp đơn thi vào trường trung học tư thục Kagoshima. Nhưng tâm trạng của tôi khi ấy chỉ muốn từ chối vì đã đi thi hai lần và cả hai lần đều hỏng. Hơn nữa tôi đang ốm. Bố mẹ tôi cũng tuyệt vọng: “Đến nước này rồi... thôi thì đành để nó kiếm việc đi làm vậy.”. Nhưng thấy thầy tận tình quá, tôi cũng đồng ý đi thi lần nữa. May sao, lần này tôi đỗ. Thế là tôi đã có thể lên học trung học.
Nếu không có thầy Doi thì không biết tương lai của tôi rồi ra sao? Nhờ tấm lòng và sự động viên của thầy, mùa xuân năm 1945, tôi đã vào được trường trung học Kagoshima. Tôi học chậm một năm so với bạn bè cùng lứa.
Nhưng, nửa đầu năm 1945 cũng là lúc chiến tranh sắp kết thúc nên những cuộc oanh kích của máy bay Mỹ rất dữ dội. Trong hoàn cảnh bom đạn như thế, chẳng ai còn bụng dạ nào để mà học hành cả. Nhất là trận ném bom “rải thảm” của máy bay B.29, khiến nửa thành phố Kagoshima chìm trong biển lửa. Trước đó hai ngày, chú út của tôi cũng qua đời khi bệnh lao vào gian đoạn cuối. Người chú tôi chỉ còn da bọc xương. Mỗi khi cha tôi dìu chú ra hầm trú ẩn, chú lại thều thào: “Thôi, không phải đưa em ra hầm nữa. Vi trùng lây sang các cháu thì khổ. Cứ để mặc em nằm trong nhà. Anh cứ xuống hầm với các cháu đi.” Khi cái chết gần kề, chú tôi ra ngoài sân nằm sưởi nắng. Khuôn mặt chú điềm tĩnh, bình thản đến lạ lùng, trông cứ như người tu hành đắc đạo vậy. Chẳng bao lâu sau, chú tôi mất. Mẹ tôi và các dì đang ở chỗ sơ tán, trở về nhà để lo tang lễ cho chú. Đúng vào cái đêm sau khi hỏa táng, cả nhà ăn cơm cúng – cũng vừa hết tuần chay – và đi ngủ thì xảy ra trận không tập khủng khiếp của máy bay Mỹ. Cả nhà nháo nhào chạy ra hầm trú ẩn ở ngoài sân. Cha tôi cõng ông nội chạy xuống hầm – ông tôi bị xuất huyết não, lại trúng gió nên chân tay liệt cả. Cha tôi, hồi nhỏ bị viêm tai giữa - hậu quả của một lần bị ngã xuống sông – nên điếc một tai. Nhờ thế mà cha tôi bị loại trong những lần tuyển quân. Ông không phải ra mặt trận. Ở nhà ông làm đội trưởng đội phòng cháy chữa cháy.
Hầm trú ẩn của nhà tôi là hầm chắc chắn nhất trong khu phố. Nóc hầm được chống bằng những thân cây to. Có cả bậc lên xuống. Hầm sâu lút đầu tôi.
Cả nhà đã chui xuống hầm. Các đợt không kích càng lúc càng dữ dội hơn. Cha và anh trai tôi nghiêng đầu ngó ra ngoài trời. Cả hai hốt hoảng kêu lên: “Cả vùng trời đỏ rực, Kagoshima chắc bị san phẳng. Lửa đang lan tới. Nấp dưới này thì sẽ bị chết cháy mất. Thoát ra khỏi hầm mau.” Nói rồi, cha tôi lại xốc ông nội lên lưng, lấy khăn tẩm nước choàng lên người và chui ra khỏi hầm. Tôi cùng với mẹ cũng vội vớ lấy tấm chăn nhúng vào thùng nước phòng hỏa, quấn quanh người và phóng lên mặt đất. Đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy tấm chăn ngấm nước khi ấy sao mà lại nặng đến như vậy.
Cả nhà chạy về phía bờ sông. Từ dưới sông, hàng ngàn con người đang lóp ngóp ngụp lặn, tranh nhau leo lên bờ. Phía bờ sông bên kia chìm trong biển lửa. Dòng người từ bờ sông bên kia tiếp tục lội qua. Máu hoà lẫn nước loang đỏ. Chưa kịp lên tới bờ thì đợt không kích thứ hai, thứ ba lại ập tới. Bom xăng, bom cháy nổ lụp bụp, mảnh văng tứ tung, nhà cửa cây cối cháy đỏ rực. Rất nhiều người bị bén lửa lăn lộn vùng vẫy. Đang đêm mà trông rõ mồn một như ban ngày. Cảnh tượng thật kinh hoàng không khác gì địa ngục. Chúng tôi quay đầu tiếp tục chạy, bỏ lại bờ sông phía sau vì sợ đến lượt bờ sông bên này cũng sẽ bị không tập.
Vừa chạy tôi vừa nghĩ miên man về người chú mới mất. Có lẽ chú tôi – sau những cơn đau đớn do bệnh tật hành hạ, cuối cùng với khuôn mặt bình thản đến lạ lùng – hình như đã linh cảm trước được trận không tập hôm nay nên chú tôi đã trút hơi thở cách đây hai ngày. Những ngày cuối đời, chú tôi nằng nặc không chịu xuống hầm trú ẩn với lý do sợ lây vi trùng cho các cháu. Có lẽ chú tôi cũng muốn làm vơi bớt gánh nặng đang đè trên vai cha tôi. Đó là gánh nặng người em bệnh tình hiểm nghèo và người cha tàn tật. Chú tôi cũng thừa biết tính cách của cha tôi là trong hoàn cảnh nào cũng không thể bỏ mặc cha và em để thoát thân một mình cùng với gia đình. Vì vậy, chú đã chủ động đến với cái chết cách đây hai ngày…
Ngôi nhà của cha tôi không hề hấn gì trong suốt thời gian chiến tranh - quả là một phép lạ, nhưng cuối cùng cũng bị bom cháy biến thành tro bụi vào ngày 13 tháng 8 năm 1945, chỉ hai hôm trước ngày chiến tranh chấm dứt.
Còn tôi vốn yếu ớt vì lao phổi, vậy mà trong khi phải lo chạy loại, tìm nơi ẩn nấp không hiểu sao lại khỏe mạnh ra từ lúc nào không hay!
Nhà cháy. Máy in cũng mất. Cả nhà tôi chỉ còn biết nằm vạ vật ở nơi sơ tán. Nạn lạm phát làm cho số tiền cha tôi tích cóp được mỗi ngày một mất giá. Chưa hết. Chính phủ lại đổi tiền. Mỗi người chỉ được phát một số tiền hạn chế. Thế là bao nhiêu công sức khó nhọc dành dụm của cha tôi biến thành công cốc. Cuộc sống của gia đình tôi ngày một thêm nheo nhóc, cơ cực. Cả nhà gồng mình gánh nước biển về, đổ vào thùng rồi đun lên, lấy muối đem đi bán. Còn manh quần tấm áo nào lành lặn là mẹ tôi lại đem ra chợ, bán hoặc đổi lấy gạo về nấu cháo cho anh em chúng tôi ăn…
VẬT LỘN ĐỂ MƯU SINH
Sau chiến tranh, Nhật Bản chìm trong nghèo đói, người dân cả nước rơi vào tình trạng thiếu đói triền miên. Trong thảm cảnh ấy, lực lượng chiếm đóng Mỹ cung cấp lương thực và những vật phẩm thiết yếu nhất. Ở trường học, học sinh cũng được ăn một bữa không mất tiền. Người ta cưa đôi cái thùng, đổ nước sôi vào để hâm nóng những hộp thịt bò và phân phát cho học sinh. Mỗi học sinh được nhận một hộp. Thời đó, thịt bò hộp là thứ xa xỉ phẩm, chỉ cần tưởng tượng ra là đã thèm rỏ dãi.
Thời đó, cái ăn không có, học sinh cũng phải đi khai hoang, trồng khoai, làm ruộng. Có những ngày đi lao động, trèo dốc, bụng đói, cổ khát, mắt hoa, không có lấy ngụm nước để uống, đứa nào đứa nấy mệt nhoài. Cả nhóm bốn năm đứa rủ nhau đi ăn trộm khoai để nướng. Một đứa ở đằng xa đứng gác. Những đứa khác thì thận trọng nhóm lửa rồi vùi khoai vào. “Thầy giáo phát hiện ra khói thì chết.” Thế là đứa nào đứa nấy ra sức quạt khói. Nhưng nào ngờ, thầy giáo không phát hiện ra khói nhưng lại ngửi thấy mùi khoai nướng thơm lừng. Thế là ông nổi giận lôi đình, tịch thu và lấy chân giẫm nát khoai ngay trước mắt chúng tôi. Sau chiến tranh, trung tâm thành phố Kagoshima chỉ là một đống hoang tàn, đổ nát. Vì thế gia đình tôi phải thuê nhà ở lại nơi đang sơ tán. Cả nhà nấu rượu lậu làm kế sinh nhai. Tôi được sai đi mua men rượu ở tận thị trấn Miyakonojyo thuộc tỉnh Miyazaki bên cạnh. Mỗi lần mua khoảng hai ba lít men, nhét vào ruột tượng, khoác lên vai mang về. Để nấu rượu syochu, đầu tiên phải hấp khoai. Xong rồi nghiền nát và để cho khoai nguội đi. Sau đó trộn lẫn với men, rồi đổ vào chum sành và đậy kín để ủ. Ít ngày sau, khoai lên men sẽ tạo thành đường rồi thành rượu. Nhưng nếu ủ lâu quá, quá trình acid hoá diễn ra và rượu sẽ bị chua. Vì vậy phải chưng cất đúng lúc. Khi chưng cất, lớp rượu đầu nhạt như nước lã chảy ra. Một lúc sau đến lớp rượu có độ cồn cao, nặng như rượu đế. Cuối cùng là lớp rượu nồng độ thấp. Cho cả ba lớp rượu vào thùng hòa lẫn vào nhau để trung hoà nồng độ cồn. Tôi đến cửa hàng bán thiết bị đo lường ở nội thành Kagoshima, mua dụng cụ đo độ cồn về để định cho đúng nồng độ của rượu.
Sau đóm chúng tôi đổ chừng ba bốn lít rượu vào túi cao su, đeo trên lưng và trước ngực, rồi mang đi bán. Thời đó, người mua nhiều hơn người bán, nên nấu được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nhưng cuối cùng, nhà tôi thôi không nấu rượu lậu nữa vì sợ hàng xóm biết vì mùi rượu nồng nặc cứ toả ra trong đêm mỗi khi nhà tôi chưng cất.
Hàng ngày, từ nơi sơ tán tôi đến trường trung học trong thành phố Kagoshima. Vì đường xa nên chúng tôi phải đến trướng bằng cách ra đường cái vẫy xe tải. Có xe lấy tiền, cũng có xe cho chúng tôi đi nhờ. Sáng nào cũng vậy, tất cả lũ chúng tôi nhảy lên thùng xe tới trường. Xe tải ngày xưa, thùng xe không có chỗ bám nên mỗi khi xe cua gấp là chúng tôi lại bị hất văng xuống ruộng lúa hai bên đường.
Một thời gian sau, sức khoẻ của tôi hồi phục hẳn. Tôi không còn mặc cảm, không còn nghĩ ngợi lung tung nữa mà dồn sức vào học, nhất là môn toán vốn là môn tôi kém nhất. Tôi lấy sách giáo khoa môn toán những năm cuối tiểu học ra ôn lại. Từ đó, môn toán là môn khá nhất của tôi.