Chương Ba d
Tác giả: Inamori Kazuo
Ở trường học thường có đủ loại học sinh, có em học giỏi, có em học kém. Tôi vốn là đứa không hứng thú học hành ngay từ những năm tiểu học. Bài tập về nhà tôi cũng chẳng buồn ngó tới chứ đừng nói gì tới ôn tập hoặc chuẩn bị bài trước giờ lên lớp. Vì tôi mải chơi nên kết quả học tập ghi trong sổ liên lạc vô cùng kém cỏi.
Nhưng khi lên cấp hai, tôi bắt đầu nghiêm túc học tập. Tôi học lại kiến thức cơ bản của môn toán – môn mà tôi dốt nhất - từ chương trình lớp bốn. Bởi vì không thể xây căn nhà vững chắc nếu nền móng yếu. Vun đắp nền tảng cơ bản là quá trình học tập âm thầm, thường khiến học trò chán nản. Hơn nữa, chắc không ít bạn cười tôi chỉ vì thấy tôi lên học cấp hai rồi mà vẫn phải học lại kiến thức toán lớp ba.
Tuy nhiên, tôi thường tự hỏi tại sao mình không thích môn toán? Khi hiểu rõ là vì hổng kiến thức từ những năm cấp một, tôi quyết tâm học lại từ đầu. Những thay đổi sau này của cuộc đời tôi có thể nói chính là nhờ việc học lại môn toán từ đầu như vậy. Trên thực tế, từ môn học bị tôi ghét nhất, môn toán trở thành môn sở trường của tôi, là cơ sở để tôi theo học đại học khoa tự nhiên. Về sau, nó còn liên quan tới cả việc lập ra Công ty Kyocera – chuyên tạo ra kỹ thuật cao.
LÚA NGẮN NGÀY VÀ LÚA DÀI NGÀY
Con người ta cũng có hai loại, giống như cây lúa ngắn ngày và cây lúa dài ngày vậy. Nghĩa là có người phát triển nhanh, có người chậm phát triển. Trong quá trình học tập ở trường, người thuộc loại “lúa ngắn này” thường đạt thành tích tốt ngay từ đầu. Còn người thuộc loại “lúa dài ngày”, trong lúc người “lúa ngắn ngày” đã có kết quả tốt thì mình vẫn chưa phát huy được đầy đủ khả năng, vẫn cứ lẹt đẹt sau người ta.
Tôi cho rằng, việc hổng kiến thức cơ bản từ lớp dưới dẫn tới tình trạng dù có chăm chỉ học tập ở lớp trên nhưng vẫn không theo kịp chương trình. Bản thân tôi, tuy đã lên cấp hai nhưng vẫn quyết định học lại toán cấp một cũng do xuất phát từ suy nghĩ mình thuộc loại lúa dài ngày, nếu quyết tâm học lại nội dung chương trình cấp một, thì thành tích học tập vẫn cải thiện được.
Ở Mỹ, ngay cả ở bậc đại học, người ta vẫn có chương trình dạy lại cho những người thuộc loại lúa dài ngày.
Trong khi đó ở Nhật Bản, con đường phát triển hầu như được quyết định ngay từ những năm cuối cấp hai dựa trên bảng điểm tổng kết. Nết là tôi thì tôi sẽ nói với em học sinh rằng: Đừng vội nản lòng. Hãy nỗ lực từ bây giờ và sẽ không bao giờ là muộn cả.
Trong số các bạn, có lẽ cũng có nhiều người chán nản vì cho rằng có cố cũng không khá được. Tôi nghĩ hơi khác. Các bạn thử xem lại mình xem: có bị hổng kiến thức không? Và
hổng kiến thức năm nào? Khi đã biết rõ, thay vì dằn vặt trăn trở, các bạn hãy học lại kiến thức cơ bản xem sao.
Cũng có bạn sẽ cho rằng còn thời gian đâu để học lại nữa. Nhưng chính những nỗ lực âm thầm đó sẽ ra hoa kết quả sau này. Cuộc đời tôi, nhờ học lại kiến thức cơ bản nên thành tích học tập được cải thiện và tạo ra con người tôi như ngày nay.
Các bạn trẻ - những người sẽ gánh vác xã hội tương lại - nếu quyết tâm bắt đầu từ bây giờ thì sẽ không bao giờ muộn. Cho dù phải đi đường vòng, nhưng tôi vẫn muốn khuyên các bạn hãy trở về vạch xuất phát và làm lại từ đầu.
HÃY Ý THỨC VỀ VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC
Có một vấn đề mà trong quá trình học tập, tôi mong các bạn trẻ đừng bao giờ quên. Đó là nâng cao nhân tính trong bản thân mình.
Tôi sẽ trình bày cụ thể hơn ở đoạn sau. Trước hết tôi muốn nói với các bạn: Nhận xét có giá trị nhất về một người là “Người đó bản tính tốt”, “Con người đó tốt”. Nhân tính còn quan trọng hơn cả việc có kiến thức hay có tính năng động, sáng tạo trong mỗi cá nhân.
Tôi nghĩ các bạn đang giai đoạn cắp sách đi học đều biết: không nơi nào khó chịu và bất an hơn ở lớp học nếu trong lớp có những kẻ chuyên ăn hiếp, bắt nạt bạn bè. Ngoài xã hội cũng vậy nếu đâu đâu cũng chỉ thấy những kẻ cứ mở miệng ra là nói xấu người khác. Ngược lại, nếu ở trường học cũng như ngoài xã hội toàn những người tốt, luôn có tinh thần giúp đỡ tương trợ lẫn nhau thì ai ai cũng đều vui vẻ học hành và làm việc. Tôi muốn các bạn hãy phấn đấu trở thành những người tốt như vậy.
Tôi hy vọng, sẽ có rất nhiều em nghe theo lời khuyên của tôi, tự mỗi em sẽ cố gắng rèn luyện sức sáng tạo, nâng cao tính sáng tạo.
Nhưng nếu chỉ biết nỗ lực để phát huy tính sáng tạo cho riêng mình, chỉ biết làm theo ý thích của mình, không đoái hoài tới người xung quanh thì cuộc đời cũng sẽ không xuôi thuận. Tôi muốn nhấn mạnh rằng: song song với những nỗ lực cá nhân còn phải nâng cao thêm nhân tính ở bản thân mình nữa.
Muốn vậy, cần phải học một thứ nữa. Đó là học Đạo đức.
Ở các trường học hiện nay, hầu như không có giờ học Giáo dục Đạo đức. Và cả trong sinh hoạt thường ngày, chúng ta cũng hiếm khi nghe thấy hai từ Đạo đức. Phải chăng vì dị ứng với từ này hay sao mà nhiều người muốn tránh nó? Trên thực tế, tôi cảm thấy các bạn trẻ hiện nay phần lớn đều không dành thời gian để suy nghĩ về Đạo đức, kể cả trên phương diện cá nhân.
Nhưng tôi cho rằng ngay từ bây giờ việc nghiêm túc xem xét lại vấn đề Đạo đức trở thành vấn đề rất quan trọng đối với nước Nhật Bản sau này.
Bởi vì - cứ nhìn lại lịch sử là thấy rõ - bất kỳ một quốc gia nào, một xã hội nào nếu ý thức về đạo đức của người lãnh đạo, của người dân sinh sống ở đó bị xao nhãng thì ắt hẳn đất nước đó, xã hội đó sẽ điêu tàn, trị an rối loạn và sức mạnh cũng mất. Ngược lại, nếu ý thức về đạo đức của mọi người ở đó cao thì cho dù trong một thời điểm nào đấy, đất nước đó còn nghèo nàn về kinh tế nhưng nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nhật Bản hiện đang đứng trước khúc quanh.
Từ một nước bại trận, đổ nát sau chiến tranh, nhưng nhờ tinh thần hợp lực và làm việc quên mình của mọi người dân nên Nhật Bản đã tạo ra bước phát triển kỳ diệu. Nổi bật nhất là về kinh tế. Trên lĩnh vực xe hơi hay điện máy gia dụng, các xí nghiệp Nhật Bản đã tạo ra những kỹ thuật và sản phẩm tuyệt vời, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế toàn cầu. Những linh kiện điện tử có tính năng cao do Nhật Bản chế tạo và cung cấp cũng đang góp phần to lớn vào công cuộc tạo ra xã hội thông tin hoá cao độ, xã hội điện toán.
Ngoài ra, cùng với phát triển của ngành cơ khí chế tạo thì các ngành cung cấp dịch vụ như tín dụng và lưu thông cũng trưởng thành vượt bậc.
Từ một nước bại trận, nhờ sự nỗ lực nghiêm túc và quên mình của mọi người dân nên Nhật Bản có được những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế tới mức cả thế giới phải trầm trồ thán phục. Hiện nay, tuy là một quần đảo nhỏ bé nhưng Nhật Bản đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai trên thế giới.
Yếu tố mang đến sự phát triển ở Nhật Bản trong thời gian qua, không có gì khác ngoài đức tính cần cù chịu khó, tinh thần vươn lên trong từng người dân Nhật Bản trên cơ sở nền tảng Đạo đức.
KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ ĐẤT NƯỚC ĐIÊU TÀN
Vậy thì Đạo đức là cái gì? Theo suy nghĩ của tôi thì Đạo đức là chuẩn mực xét đoán để người ta phân biệt được điều tốt, điều xấu trong cuộc sống.
Nhờ có lòng nhiệt huyết, lòng kiên nhẫn, ý chí vươn lên và sức chịu đựng được thúc đẩy bởi những suy nghĩ đúng đắn mang tính người của người lao động, nên nước Nhật bại trận trong chiến tranh đã hoàn tất việc khôi phục lại đất nước trên cơ sở ngành chế tạo sử dụng kỹ thuật siêu việt.
Dù có sức mạnh kỹ thuật đến mấy, nhưng nếu con người sử dụng kỹ thuật ấy không có lương tâm đạo đức thì làm sao có cảnh ai ai cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt làm việc quên mình được. Và như thế cũng đồng nghĩa với việc không thể thắng trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế.
Điều tôi vô cùng lo lắng là trong nền giáo dục kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai ở Nhật Bản, người ta đã không dạy cho trẻ em những gì thuộc về Luân lý, thuộc về Đạo đức - trụ cột nâng đỡ sự phát triển của Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng điều đó, chính là hậu quả nặng nề mà cuộc chiến tranh dù đã kết thúc cách đây cả nửa thế kỷ vẫn còn để lại ở Nhật Bản.
Trong xã hội Nhật Bản hiên tại, những tội ác trước kia không ai có thể tưởng tượng nổi thì nay xảy ra hàng ngày, tội phạm trong tầng lớp thanh thiếu niên ngày một tăng, xã hội đang đi vào con đường điêu tàn. Tôi cho rằng đó là vì trong khi giàu lên về kinh tế thì tinh thần của người Nhật Bản đang ngày một nghèo đi. Cái tạo nên sự phong phú về mặt tinh thần chính là Đạo đức.
Tiêu chuẩn để phân biệt điều tốt, điều xấu là nền tảng căn bản của Đạo đức. Nó bắt đầu từ những việc rất đỗi bình thường đối với con người ta – không được làm điều ác, điều xấu. Thế mà ở trường học, ở gia đình, những quy tắc sống cơ bản với tư cách là con người như vậy cũng không ai dạy, người ta tiếp tục lẩn tránh. Nếu thế thì có lẽ không bao lâu nữa, hai từ Đạo đức sẽ trở thành những từ chết. Trong một xã hội như vậy, ý thức về cái thiện, cái ác trong mỗi con người sẽ mất đi. Khi đó, xuất hiện đầy rẫy những kẻ chuyên cướp bóc, giết người – mà trước đây ai cũng biết đó là điều ác thì giờ đây nhiều người lại làm ngơ: ôi dào, chuyện bình thường ấy mà, có gì đâu phải lo lắng. Tôi lo rằng, cứ theo đà này thì xã hội sẽ biến thành địa ngục.
Ngay đến thế giới loài vật cũng còn có các quy tắc rõ ràng. Đó là trí tuệ tự nhiên đã hình thành sau biết bao triệu năm. Đến loài thú cũng còn hiểu được theo bản năng, rằng nếu vi phạm các quy tắc ấy thì bản thân chúng, con cái chúng khó lòng tồn tại nổi.
Trong xã hội loài người nếu chúng ta không học và không bảo vệ những quy tắc tối thiểu thì từng cá thể con người sẽ làm theo ý thích bừa bãi của mình. Một khi đã rơi vào tình trạng ấy thì xã hội càng ngày càng điêu tàn, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên đều xấu đi và đến một lúc nào đó, nhân loại sẽ đứng trước nguy cơ tồn vong.
Ví dụ, cứ cho là đã bắt đầu lại việc Giáo dục Đạo đức từ bây giờ thì để một đứa trẻ trưởng thành cũng phải đợi mất hai mươi năm. Trong thời gian chờ đợi đó, nếu đạo đức của người Nhật Bản có mỏng dần đi, thì tôi cũng không lo sợ lắm. Nhưng đã đến lúc không thể chậm trễ thêm được nữa.
MONG MUỐN TRỞ THÀNH NGƯỜI CÓ ÍCH
Vậy, các bạn - những người đọc cuốn sách này – các bạn nhận thức ra sao về vấn đề Đạo đức?
Nói tới Đạo đức thì người ta thường liên tưởng ngay tới một cái gì đó vừa nghiêm khắc vừa cứng nhắc. Nhưng thứ Đạo đức mà tôi suy nghĩ và trình bày ở đây là thứ Đạo đức rất đơn giản, hãy chỉ làm việc tốt, đúng với tư cách một con người, được biểu hiện qua những suy nghĩ và hành động rất đương nhiên, vốn phổ biến ở bất cứ đâu trên thế giới này. Ví dụ như “không dối trá”, “phải thành thật”. “không làm ảnh hưởng tới người xung quanh”, “có lòng tốt với mọi người”. Chính vì đó là những gì cơ bản nhất của con người nên nhiều người coi đó là tiêu chuẩn phân biệt giữa thiện và ác trong bản thân mình. Vả lại, vì đó chính là thứ Đạo đức bộc trực và tự nhiên, nên nó sẽ trở thành tiêu chuẩn Đạo đức có sức bao dung mà ở đâu cũng chấp nhận được trong thế kỷ 21 này.
Ví dụ, chàng thanh niên nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, trong lòng liền nảy ra suy nghĩ “Giá cô ấy để ý tới mình thì hay biết mấy”. Suy nghĩ của anh ta là một thứ tình cảm hết sức tự nhiên của con người, vậy mà trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, ở các trường học Nhật Bản, trong giờ Giáo dục Tu thân, người ta đã coi sự luyến ái như thế là một thứ tình cảm độc hại. Tôi nghĩ rằng Giáo dục Tu thân theo cách đó không thể coi là giáo dục Đạo đức theo nhân tính của con người được. Lẽ ra, tính luyến ái có tác dụng nâng cao bản thân phải được thừa nhận là Đạo đức.
Điều quan trọng đặc biệt trong lương tri có sẵn ở con người từ xưa tới nay là luôn suy nghĩ vì người khác. Thế giới ngày nay cần những thứ đạo đức như “muốn làm điều gì có ích cho người xung quanh”, “muốn làm gì đó cho người, cho đời”.
Lẽ dĩ nhiên, dù có tấm lòng thông cảm với nỗi đau của người đời hoặc vì lợi ích xã hội, nhưng nhiều khi người ta không thể làm theo ý nguyện ngay được. Tuy vậy, vấn đề mấu chốt là kiên trì theo đuổi ý nguyện đó. Nếu nỗ lực thực hiện ý nguyện “muốn giúp ích cho đời” thì nhất định sẽ đến một ngày ý nguyện đó sẽ trở thành hiện thực.
Tôi muốn các bạn trẻ - những người gánh vác thế giới sau này – hãy xác định lý tưởng cho mình, hãy hướng tới nó và hãy nỗ lực thực hiện lý tưởng đó. Hoặc tối thiểu cũng phải luôn luôn suy nghĩ sẽ nỗ lực thực hiện nó. Được như vậy thì nhân tính trong bản thân bạn sẽ được nâng lên, tương lai của bạn cũng như tương lại của nhân loại nhất định sẽ tốt đẹp.