CHƯƠNG MỞ ĐẦU
Tác giả: Inamori Kazuo
Cuộc đời sẽ như những gì bạn ấp ủ trong lòng
NGHĨ ĐIỀU THIỆN
Trong đời người, không có gì quan trọng hơn câu hỏi: “Ta ấp ủ điều gì trong lòng?” Cuộc đời của một người được quyết định bởi những suy nghĩ, ước mơ, hy vọng, lý tưởng, hoặc quan niệm, tư tưởng mà người đó theo đuổi.
Một người Trung Quốc là Viên Liễu Phàm có để lại cho đời một cuốn sách tựa đề là Âm chất lục. Điểm cốt yếu được nêu trong cuốn sách này là người ta ai cũng có một số phận. Nhưng số phận vẫn có thể thay đổi được tuỳ theo suy nghĩ và tư tưởng của bản thân người đó. Cuốn sách ra đời dưới thời nhà Minh, cách đây hơn 400 năm – tương ứng với thời Tể tướng Toyotomi Hideyoshi (1) cai trị Nhật Bản.
1.: Toyotomi Hideyoshi (1536 – 1598) là người đã dựng nên một chính quyền thống nhất trên toàn cõi Nhật Bản năm từ 1590. Sau khi nắm quyền binh ông tự xưng là Kampaku đại khái như tể tướng.
Tôi xin kể qua một chút về nội dung của cuốn sách.
Hồi nhỏ, Viên Liễu Phàm có tên là Học Hải. Một hôm, có ông lão đầu tóc đến tìm nhà Học Hải. Ông lão nói: “Ta vốn là người nước Nam, rất tinh thông Dịch lý. Hôm nay ta tìm tới đây để thực hiện một Thiên mệnh trời trao. Đó là truyền lại tinh yếu của “Dịch” cho một cậu bé tên là Học Hải sống ở xứ này.”
Ở Trung Quốc, “Dịch” là một môn học từ rất xa xưa, có thể dùng để đoán trước số phận con người.
Ông lão ở nhà Học Hải. Cha Học Hải mất sớm. Gia đình chỉ có hai mẹ con tần tảo kiếm sống. Ông lão gọi hai mẹ con Học Hải đến ngồi trước mặt và nói về tương lai của cậu bé.
“Bà muốn con bà sau này trở thành thầy thuốc phải không?”.
“Vâng. Cụ nói chẳng sai, tôi muốn cho cháu nối nghiệp nhà làm thầy thuốc. Ông nội nó là lương y, cha nó trước khi mất cũng là thầy lang đấy ạ. Vì thế tôi mong cho nó sau này cũng trở thành thầy lang như ông cha…”.
“Không. Thằng bé này không trở thành thầy thuốc như bà mong mỏi đâu. Nó sẽ theo nghiệp khoa cử, sẽ vượt qua tất cả các ký thi và trở thành một vị quan lớn được người đời trọng vọng.”
Khoa cử là một cách thức để tuyển quan lại ở Trung Hoa ngày xưa. Khoa cử gồm nhiều vòng thi như thi hương, thi hội, thi đình… Sau mỗi vòng, thí sinh lại tiếp tục trải qua một cuộc sát hạch khác cao hơn và khó hơn.
Ông lão nói tiếp: “Thằng bé này sẽ thi hương vào lúc chừng này tuổi. Nó sẽ đỗ kỳ thi hương trong số hàng trăm ngàn cống sinh khác. Nó sẽ dự tiếp kỳ thi hội vào lúc chừng này tuổi và cũng sẽ đỗ. Sau đó ít năm, nó đi thi đình, nhưng lần này thì trượt. Song chỉ năm sau nó sẽ thi lại và sẽ đỗ. Đến cuối đời, nó sẽ trở thành một vị quan nhất phẩm trong triều. Và ngoài ra, nó sẽ được bổ làm tri phủ khi còn rất trẻ.”
Ngừng một lát, ông lão nói tiếp: “Thằng bé này sẽ thành gia thất, nhưng đường con cái thì không được may mắn lắm. Và điều cuối cùng, nó sẽ thọ 53 tuổi. Số mệnh của nó là thế đấy.”
Cậu thiếu niên ngồi lắng nghe, trong lòng thầm nghĩ: “Cái ông lão này nói ra toàn những điều huyễn hoặc.”
Nhưng về sau, cuộc đời Học Hải diễn ra quả đúng như những gì ông lão đã nói. Từ việc vượt qua hàng trăm ngàn thí sinh thi đỗ trong các kỳ thi, cho tới việc trở thành quan nhất phẩm trong triều, kể cả chuyện được bổ làm quan phủ từ khi còn rất trẻ, tất cả điều đúng như lời ông lão.
Ngay sau khi nhận chức quan phủ, Học Hải tới viếng ngôi chùa trong vùng. Trong chùa có một nhà sư nổi tiếng, pháp danh là Vân Cốc thiền sư. Đã từ lâu, Học Hải muốn được yết kiến vị thiền sư này. Thiền sư cũng nghe tiếng tăm của vị quan trẻ tuổi, nên ra tận cổng đón rước. Sau khi vào chùa, thiền sư mời Học Hải toạ thiền. Rồi cả hai cùng ngồi thiền. Thiền sư rất đỗi khâm phục tư thế tọa thiền của Học Hải. Vì Học Hải tọa thiền thật đĩnh đạc, khoan thai và không mảy may phân tâm. Thiền sư cất tiếng ngợi khen: “Ngài còn trẻ mà đã có thể tọa thiền đĩnh đạc như thế, hẳn đã tu luyện từ lâu rồi. Xin mạn phép hỏi ngài tu ở chùa nào vậy?” Học Hải đáp: “Bạch thiền sư, tôi chưa từng tu ở đâu cả. Nhưng thiền sư đã có lời khen thì tôi cũng xin được kể câu chuyện xảy ra từ thời niên thiếu, khi được ông lão đoán vận hạn của mình. Và giãi bày nỗi lòng: “Bạch thiền sư, sự thực mọi việc đều xảy ra đúng như lời ông lão: tôi làm quan từ khi còn trẻ; thành gia thất rồi nhưng mãi vẫn chưa có mụn con nào; và lời đoán còn nói rằng tới năm 53 tuổi tôi sẽ chết, số mệnh Trời đã định sẵn vậy rồi, nên tôi cứ thế mà sống, trong lòng chẳng còn chút mảy may ham muốn trở nên thế này hay thế kia. Cũng vì vậy mà tôi không một chút phân tâm mỗi khi tọa thiền”.
Nghe xong lời bộc bạch của Học Hải, sắc mặt hiền từ của vị thiền sư bỗng đanh lại. Và rồi thiền sư nổi trận lôi đình mắng Học Hải: “Ta cứ ngỡ ngươi là một người trẻ tuổi thông tuệ, một hiền nhân đã chứng ngộ. Hoá ra ngươi cũng chỉ là hạng tầm thường ngu dốt mà thôi.”
Rồi thiền sư dịu giọng nói tiếp: “Thật ra, ông lão nói đúng. Mỗi người đều có số phận trời định. Nhưng chẳng có ai cam chịu số phận như thế đâu. Vẫn có câu đức năng thắng số. Nếu luôn nghĩ điều thiện, nếu luôn làm việc thiện thì cuộc đời sẽ tốt đẹp. Nếu chỉ nghĩ điều ác và làm điều ác thì cuộc đời rồi sẽ chẳng ra gì. Luật nhân quả đó có ở muôn vật. Biết luật nhân quả thì con người sẽ thay đổi được số phận.”
Phải là người thông minh thì Học Hải mới được bổ làm quan khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng không chỉ vậy, Học Hải còn là người biết lắng nghe ý kiến người khác.
Học Hải cảm kích ghi nhận lời dạy của vị thiền sư, đứng dậy lễ tạ và rời khỏi chùa. Về đến nhà, Học Hải đem toàn bộ câu chuyện xảy ra trong chùa kể lại cho vợ nghe.
“Hôm nay ta tới thăm chùa. Sau khi yết kiến thiền sư thì được dạy bảo như thế… như thế… Kể từ hôm nay, ta sẽ chỉ nghĩ điều thiện và sẽ chỉ làm việc thiện.”
Người vợ vui vẻ đáp: “nếu chàng đã suy nghĩ như vậy thì thiếp cũng sẽ theo chàng. Vợ chồng ta sẽ cố gắng chỉ nghĩ và làm điều thiện, kể từ những việc nhỏ nhặt nhất trở đi.”
Đến đoạn này thì cuốn Âm chất lục kể sang chuyện khác, không ăn nhập gì với phần đầu. Đó là đoạn Học Hải đổi tên thành Liễu Phàm và ghi lại những lời tâm sự với con trai mình.
“Này con trai của cha. Cuộc đời cha có nhiều điều kỳ lạ như cha đã kể cho con nghe. Kể từ khi cha tới chùa, được thiền sư tiếp đón và chỉ dạy cho luật nhân quả, cha và mẹ con luôn tự nhủ lòng lúc nào cũng phải nghĩ điều thiện, phải làm việc thiện. Nhờ thế mà những điều ông lão đã đoán khi cha còn nhỏ, nào là “sẽ không có con” thì nay cha đã có con, nào là “thọ 53 tuổi” thì nay cha đã ngoài 70 tuổi rồi mà vẫn sống khỏe mạnh.”
Cuốn Âm chất lục là một cuốn sách tôi rất thích đọc và thường hay giới thiệu cho mọi người cùng đọc. Tôi cũng nghĩ rằng: Con người có số mệnh. Thế nhưng số mệnh không phải là thứ không thể thay đổi được. Như câu chuyện đã chỉ ra: Nếu ta nghĩ điều thiện, nếu ta làm việc thiện thì ta sẽ có thể thay đổi được số mệnh và biến cuộc đời ta thành một thứ còn quý giá hơn cả sự sống nữa.
Những lúc như thế, quan trọng nhất là ta phải luôn hiểu rằng: “Tất cả mọi việc xảy ra trong cuộc đời, khi hạnh phúc, lúc bất hạnh…ều là những thử thách”. Thử thách nếu là vận may, là phúc lộc thì cứ tự nhiên mà tiếp nhận, và hãy cảm tạ, chớ có tự mãn, đừng đánh mất lòng kiêm cung mà cứ tiếp tục cố gắng. Ngược lại, nếu thử thách chẳng may lại là hoạn nạn thì cũng đừng có kêu than, oán hận, mà phải nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và hướng về phía trước.
Trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận, lúc nghịch, lòng ta vẫn phải luôn nghĩ tới điều thiện, vẫn phải luôn nỗ lực làm viện thiện. Đó là những gì quan trọng nhất trong cuộc đời.