Chương Hai c
Tác giả: Inamori Kazuo
Ngay cả việc học hành, có kiên trì đến mấy mà không thấy được tương lại thì cũng dễ rơi vào tâm trạng thất vọng. Trường hợp của tôi cũng vậy.
Trong đầu tôi luôn có hai luồng suy nghĩ. Một là: nếu cứ như thế này mãi thì e rằng mình sẽ thành kẻ vô tích sự cả đời mất thôi. Một luồng suy nghĩ khác: công việc mình đang làm tuy vất vả, tiến từng bước rất chậm chạp y như con sâu đo, và là cả một quá trình tích luỹ âm thầm kéo dài, nhưng một ngày nào đó nhất định sẽ đem lại thành quả to lớn.
Những kim tự tháp hùng vĩ ở Ai Cập cũng vậy thôi. Người xưa phải tốn biết bao công sức, ròng rã hàng chục năm trời để chuyển hàng triệu tảng đá khổng lồ, tìm cách xếp chồng lên nhau thì mới xây dựng nên chúng.
Những lúc buồn chán, tôi lại phải tự “lên giây cót” cho mình: “Kiến tha lâu đầy tổ, mình cứ âm thầm tích luỹ, nhất định sẽ có ngày công việc nghiên cứu của mình đem lại thành quả rực rỡ. Vì vậy, chớ có nản lòng mới được.”
Suốt một thời gian dài tôi luôn trăn trở: “Nên ở lại công ty? Hay nên bỏ đi là hơn?” Vì công ty quá èo uột nên mọi người đã bỏ đi cả. Chính tôi cũng từng muốn bỏ hết mà đi dù biết rằng mình chẳng có nơi nào để đến cả. Trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại những câu hỏi đáp như thế. Những người ở hoàn cảnh như tôi họ sẽ “lên hương”? Nhưng nhỡ bỏ đi lại là sai lầm, cuộc đời mình xuống dốc từ đây thì sao? Hơn nữa, biết đâu cứ ở lại và cố gắng thì cho dù công ty có èo uột thật nhưng cuộc đời mình vẫn cứ tốt thì sao? Tóm lại thì “đi là đúng hay ở lại là đúng?” – tôi thấy điên hết cả đầu.
Nhưng rồi tôi cũng xác định được rõ một điều quan trọng: “Bỏ đi hay ở lại công ty thì cũng thế cả. Nếu ở chỗ nào mình cũng chỉ kêu ca, than thân trách phận chẳng đâu vào đâu thì cuộc đời mình chắc chắn không thể tốt đẹp lên đuợc.”
Giờ đây nhìn lại những chặng đường đã qua, một lần nữa tôi càng thấy rõ: thành quả to lớn chỉ có được nhờ vào cả một quá trình nỗ lực không ngừng. Có những lúc ta băn khoăn, trăn trở, có những lúc gian khổ, khó khăn, nhưng không vì thế mà ta lại buông xuôi. Tôi vẫn cần mẫn, chịu khó trong công việc.
Có một câu thành ngữ nổi tiếng: “Bền bỉ là sức mạnh”. Tiếp tục công việc, kiên trì theo đuổi sự nghiệp là điều quan trọng hàng đầu trong cuộc đời. Có một điều mà tôi muốn truyền lại cho thế hệ trẻ - thế hệ đang bắt tay vào công việc, bắt đầu xây dựng cuộc sống. Đó là: Hãy âm thầm nỗ lực. Hãy tiếp tục nỗ lực. Và hãy không ngừng nỗ lực. Nói cụ thể hơn thì hãy xem công việc của mình là trách nhiệm được Trời giao phó. Vì vậy, hãy theo đuổi công việc đó trong suốt cuộc đời. Tôi cho rằng, để sống một cuộc đời có ý nghĩa thì đó là điều cần thiết hơn bất cứ điều gì khác.
Nhưng để có thể theo đuổi và duy trì được nhiệt tình làm việc trong một thời gian dài thì cần phải có những “ bí quyết” gì? Các bạn hãy thử suy nghĩ cùng tôi.
THÍCH THÚ VỚI CÔNG VIỆC LUÔN SUY NGHĨ SÁNG TẠO
Điều quan trọng đầu tiên là thấy thích công việc.
Trường hợp của tôi thì sao? Như đã kể ở phần trước, tôi thường xuyên kêu ca, chê bai công việc ở công ty đầu tiên mà mình đi làm. Nhưng rồi vì không thể tìm đuợc nơi nào khác để đi cả, tôi đành vùi đầu vào công việc được giao – nghiên cứu gốm công nghệ cao. Và dần dần tôi thấy thích thú với công việc nghiên cứu đó.
Thật tình thì chuyên ngành của tôi ở đại học là hoá hữu cơ, nên khi được giao đề tài nghiên cứu gốm công nghệ cao, tức là nghiên cứu sang lĩnh vực trái ngành là hóa vô cơ, nên ngay từ đầu tôi đã không thấy thích lắm. Nhưng vì không có nơi nào để “chuồn”, hơn nữa công việc lại đòi hỏi gấp nên “đành” phải thích vậy. Có điều, tôi đã rất cố gắng để dần dần thấy yêu thích nó.
Tôi nghĩ rằng đời người mấy ai có được “ vận may” là được làm công việc mình yêu thích ngay từ đầu. Khi bước vào đời, đa số đều phải làm những việc không như ý muốn. Thực tế là như vậy. Cho nên để yêu thích công việc, người ta chỉ còn mỗi một cách là tự bản thân mình phải cố gắng, phải nỗ lực. Và việc nỗ lực để “thấy thích” là điều quan trọng đầu tiên để bạn có thể kiên trì theo đuổi công việc trong suốt một thời gian dài.
Nhưng kiên trì không có nghĩa là cứ theo đuổi công việc một cách mơ hồ mà không có mục tiêu rõ ràng nào. Kiên trì có nghĩa là liên tục suy nghĩ và sáng tạo không ngừng. Ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Ngày kia phải tốt hơn ngày mai. Phải để tâm sao cho công việc mỗi ngày một tiến lên dù chỉ một chút nhỏ nhoi. Quá trình không ngừng suy nghĩ và sáng tạo như vậy sẽ tạo ra thành quả tuyệt vời.
Trong nghiên cứu, trong công việc hay trong sự nghiệp, tôi thường xuyên đặt câu hỏi cho mình: “Còn có cách nào tốt hơn nữa không?” Vì thế, từ khi ra trường cho tới nay, trong bất kỳ lĩnh vực nào tôi cũng luôn luôn cải tiến chất lượng.
Nhờ thế mà tôi có thể kiên trì theo đuổi lâu dài một công việc và sáng tạo được nhiều thứ trong suốt sự nghiệp của mình.
“ Không ngừng suy nghĩ và sáng tạo mỗi ngày” – đó cũng là điều quan trọng thứ hai tôi muốn nói với các bạn.
NIỀM VUI HỒN NHIÊN LÀ LIỀU THUỐC BỔ TRONG CUỘC ĐỜI
Điều thứ ba là hãy sống vui vẻ hồn nhiên.
Cũng như việc học hành, quá trình nỗ lực dấn thân vào nghiên cứu và làm việc là quá trình lao động khắc nghiệt không kém gì so với người đi tu hành xác để đạt đạo. Nhưng, nếu suốt ngày chỉ nghĩ đến những cực nhọc trong quá trình khổ luyện đó thì sẽ khó mà theo đuổi được suốt cả năm, cả đời. Vì vậy, vấn đề thiết yếu là phải tìm thấy niềm vui, sự sung sướng trong công việc, trong học tập.
Trường hợp của tôi, khi còn nghiên cứu gốm ở công ty èo uột đó, tôi mừng vui khôn tả mỗi khi thí nghiệm có kết quả như trông đợi. Tôi vẫn thường khoái ra mặt mỗi khi được sếp khen ngợi. Chính nhờ những niềm vui nho nhỏ như vậy nên tôi mới có thể tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu suốt chừng ấy thời gian.
Tôi xin kể ra đây một câu chuyện, nó xảy ra vào khoảng thời gian tôi đi làm được chừng hai năm. Khi đó, công việc hàng ngày của tôi là miệt mài phân tích các số liệu thí nghiệm. Cứ mỗi lần kết quả thí nghiệm đúng như dự tính - với những thành phần nguyên liệu như thế này sẽ cho ra vật thể có tính chất như thế ấy – là tôi lại vui mừng tột độ. Những lúc như thế tôi luôn nhảy cẫng lên và reo hò thật to. Hồi đó, Phụ tá cho tôi là một thanh niên tốt nghiệp một trường cấp ba nổi tiếng ở Kyoto, nhưng vì lý do kinh tế nên cậu ta không thể học tiếp lên đại học được. Cậu ta giúp tôi đo đạc và so sánh các kết quả thí nghiệm. Mỗi khi thấy tôi nhảy cẫng lên, cậu ta chỉ thản nhiên đứng nhìn. Tuy nhỏ hơn tôi đến vài tuổi, nhưng lúc nào cậu ta cũng có vẻ trầm tĩnh đến lạnh lùng. Một hôm, cậu ta nói với tôi: “Chẳng hiểu anh là loại người gì nữa?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Có chuyện gì thế?”. Cậu ấy liền đáp: “Cứ hơi một tí là anh lại nhảy cẫng lên. Đời một thằng đàn ông không có nhiều niềm vui tới mức phải nhảy lên như thế đâu. Mới có được một chút kết quả thí nghiệm là anh lại sướng như phát rồ ấy. Xin lỗi, tôi không nghĩ loại người như anh lại là sếp của tôi được.” Lời nói của cậu ấy làm tôi lạnh cả xương sống.
Tôi đành phải nói với cậu ta: “Cứ nhìn sự việc bằng con mắt lạnh lùng như cậu thì cuộc đời này tối tăm lắm. Niềm vui sướng đem lại cho tôi niềm tin trong cuộc sống. Cậu cứ nghĩ xem, nếu không có những niềm vui như thế thì làm sao có thể âm thầm nỗ lực và kiên trì làm cái công việc chán ngắt như cái việc nghiên cứu gốm này? Nếu không có niềm vui đó thì thử hỏi liệu có ai chịu dấn thân vào nghiên cứu khi tiền lương thì thấp, tiền thưởng cũng không ở cái công ty èo uột này? Tôi có là loại người như cậu nghĩ thì cũng chẳng sao cả. Tôi chỉ muốn sống lạc quan với những niềm vui dù nhỏ nhoi cũng được. Cậu hiểu không?”.
Tôi luôn cảm nhận được điều mình nói trong suốt quá trình âm thầm nghiên cứu gốm công nghệ cao. Và cả cuộc đời tôi sau này, tôi luôn luôn vui sướng từ đáy lòng trước mọi thành công dù lớn hay nhỏ. Chính những niềm vui, những cảm xúc như thế có tác dụng như những liều thuốc bổ đem lại niềm tin trong cuộc sống.
Các bạn trẻ! Cuộc đời của các bạn sẽ thay đổi rất nhiều tuỳ theo cách nhìn lạc quan hay bi quan về cuộc sống của bạn.