watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Sherlock Holmes mất tích-Chương 14 - tác giả Jamyang Norbu Jamyang Norbu

Jamyang Norbu

Chương 14

Tác giả: Jamyang Norbu

Ngày hôm sau chúng tôi bắt đầu lên đường đến đèo Shipki. Cả đoàn đi dưới sự hộ tống của một tốp lính và người viên chức trẻ, Tsering, trên đường tới Tholing, thị trấn quan trọng ở hạt đầu tiên của người Tây Tạng phía bên kia biên giới. Tsering có mái tóc dài thắt thành bím, dái tai lủng lăng đôi hoa tai dài bằng ngọc lam chứng tỏ anh ta mang dòng máu quý tộc và có phẩm hàm cao trong giới chức sắc. Đó là một thanh niên trẻ tận tâm, bao giờ cũng để mắt đến mọi nhu cầu lớn nhỏ của chúng tôi vòi một thái độ luôn lo lắng có phần căng thẳng. Không nghi ngờ gì nữa, trách nhiệm chăm sóc vị khách quý của chính Đạt Lai Lạt Ma là một nhiệm vụ vô cùng khó nhọc. Sherlock Holmes lại là người châu Âu đầu tiên mà anh ta từng tiếp xúc nếu không tính Asterman, nhưng dù sao thì cái ông có khuôn mặt chồn sương đó cũng không phải là một quý ngài.

Asterman đã từ giã chúng tôi. Ông ta hẳn phải thấy nhẹ cả người khi đã kết thúc phần việc của mình và phấn khởi nhìn về tương lai, mong đợi gây dựng được một công việc kinh doanh phát đạt với món tiền thưởng lớn cho những khó nhọc của mình.

Về những gì liên quan đến tôi và Sherlock Holmes, ông ta đã nhận được khá nhiều rắc rối và lo lắng rồi. Chúng tôi chúc ông ta may mắn trong công việc đầu tư cho tương lai và nhìn theo khi ông ta cưỡi lên lưng ngựa phi nước kiệu xuống con đường dài khúc khuyu để trở về Simla.

Đèo Shipki không phải là ngọn đèo ấn tượng nhất trong những vùng địa lý mà dãy Himalaya chạy qua, nó chỉ cao khoảng 4694 mét so với mặt nước biển, nhưng cái cảm giác phổi bị ép chặt cùng với trái tim như bị se lại thành từng thớ nhỏ một lần nữa cho biết rằng tôi đang ở trên một vùng đất mà tôi thật sự chẳng có lý do gì phải tới. Trên đèo cao, gió thổi như muốn dúi đầu người ta xuống đất và lạnh thấu xương. Đám người Tây Tạng cùng với Kintup và Jampsel xếp những hòn đá thành một ụ đá hình tháp như làm một lễ vật dâng cho các sơn thần và cao giọng hét lên những câu thản chú.

“Lha Gyalo! Lha Gyalo! Vinh danh các vị thần! ”

Nhiều Phật tử ngoan đạo cột những lá phướn cầu nguyện nhiều màu bằng vải bông rẻ tiền lên những cao cột bạc màu cắm trên các ụ đá. Phong tục này của người Tây Tạng đã bị những du khách châu Âu đến biên giới Himalaya hiểu sai, một số người cho rằng dân bản xứ có thói quen thờ cúng núi non và các tảng đá vô tri. Trên thực tế, người Tây Tạng coi những vật vô tri vô giác như thế là thiêng liêng chỉ vì chúng là trú xứ của một vị thần hay lha vốn hiện diện như là trợ linh (animus assistentis ) chứ không phải hoạt linh (animus animantis) . Một số lha này có những vị tương ứng trong thần hệ của người La Mã.

Sherlock Holmes cũng đặt một Khatag(1) trên nóc một ụ đá.

Bắt gặp cái nhìn chăm chú của tôi, ông quay sang trêu chọc tôi một cách vui vẻ.

“Thôi nào, ông bạn Hurree, hãy thể hiện sự kính trọng cao nhất trước các vị thần như một babu tốt đi nào. Hiện chúng ta đang ở nơi cội nguồn của họ. Bắt đầu từ đây khoa học lô-gíc và ông Herbert Spencer(2) hoàn toàn không tồn tại nữa”. Lha Gyalo!

Trước đây tôi chưa từng thấy ông vui vẻ và an nhiên như thế. Đó có thể là do không khí trên độ cao gần 5000 mét này loãng đi đáng kể. Độ cao của một vùng đất ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách thức rất lạ lùng. Trong khi áp suất không khí ép mạnh vào thái dương, gây cho tôi những cơn đau đầu thường xuyên thì nó lại khiến ông Holmes vui sướng. Ông cũng đã dần dần bỏ được thói quen dùng nhưng loại thuốc có hại trước đây.

Đêm hôm ấy cả đoàn ngủ tạm tại một ngôi làng nhỏ dưới chân đèo. Chúng tôi dựng lều cạnh một con suối nhỏ, ngay trong một tráng rừng mơ tuyệt đẹp. Đáng tiếc lại không đúng mùa ra quả, nhưng làn hương dìu dịu ngọt ngào của những cây mơ nở trắng một vùng cũng đủ giúp cho giấc ngủ chúng tôi thật êm đềm dễ chịu.

Nhưng cũng từ địa hình này trở đi, vùng đất này bắt đầu thiếu nước và trông như một hoang mạc, với những đặc điểm mà các nhà địa chất có thể miêu tả như một Dorsum orbis(3) . Hai ngày sau chúng tôi đến thành phố Tsaparang, từng có thời là thủ đô của vương triều Ciuge cổ xưa, rồi bị bỏ rơi vào khoảng năm 1650 bởi những cuộc chiến tranh liên miên và do hiện tượng mất dần các mạch nước ngầm. Thành quách của các đời vua chúa, một pháo đài bất khả xâm phạm, toạ lạc trên đỉnh một vách đá dốc đứng phía trên phế tích của thành phố. Tôi đã đọc được một tài liệu nào đó trong văn thư lưu trữ của Hội châu Á rằng hội truyền giáo Cơ đốc đầu tiên đã được phát hiện ở đây vào năm 1624. Thầy tu dòng Tên người Bồ Đào Nha, Antonio de Andrade, đã sáng lập ra một cộng đồng Cơ đốc giáo và nghe đâu còn xây dựng cả một nhà thờ. Tôi kể cho Sherlock Holmes về câu chuyện kỳ lạ này và cả hai chúng tôi tích cực tìm kiếm dấu vết của nhà thờ Cơ đốc trong đống đổ nát hoang tàn nhưng không phát hiện được gì cả.

"Có phải đức cha tốt bụng đó đã thành công trong việc cải đạo cho nhiều người bản xứ không?”, Homes vừa hỏi vừa gõ gõ tẩu thuốc lên hông một bức tường vồ để tàn thuốc.

“Không nhiều lắm đâu. Tôi nghĩ thế. Người Tây Tạng nổi tiếng trong giới truyền giáo bởi sự cứng rắn và thái độ ngoan cố, nhất định bám lấy các tượng thần và tín ngưỡng từ nghìn xưa".

"Họ miệt mài trong nguyên tội của mình, có phải không nào?” Holmes cười khùng khục trong cổ “Dù sao thì Phật giáo cũng đã cắm rễ quá sâu trên mảnh đất này rồi. Tại sao mấy nhà truyền giáo kia còn muốn mang đến đây một cái đạo khác kia chứ?”

Ngày hôm sau chúng tôi cưỡi ngựa đi vào Tholing, một cố đô khác của vương quốc Guge. Thành phố này đông dân hơn và tương đối thịnh vượng. Nó có một tu viện đẹp như tranh vẽ với mái vòm và chóp bằng vàng, được xem là tu viện lâu và cổ nhất phía Tây Tây Tạng. Đáng tiếc, chúng tôi không thể đi thăm thú ngay được, vì trước đó phải gặp viên quận trưởng.

Người hầu của ông ta đang đợi chúng tôi ngoài cổng ngôi nhà khách, đó một toà nhà nhỏ quét vôi trắng, xây bằng gạch đất sét phơi khô ngoài nắng. Khi khách xuống ngựa, tất cả đám người hầu nhất loạt bỏ mũ và cúi rạp người chào. Đối với tôi đó là một ví dụ tiêu biểu nhất về "sự tự nguyện từ bỏ bản thân mình trong nghi thức chào đón một cá nhân khác," cái mày như ông Herbert Spencer đã chỉ ra, nằm ở điểm mấu chốt trong thói quen chào đón hiện đại của chúng ta. Họ trao cho chúng tôi nhiều món quà từ ông quận trưởng: cừu nguyên con, những túi bơ và phó mát, các khay trứng, và rất nhiều bao tsampa loại lương thực chủ yếu của người Tây Tạng. Sau khi nghỉ ngơi một lát và ăn uống no nê, chúng tôi đến thăm viên quận trưởng để đáp lễ đó là một ngôi biệt thự bằng đá xám nằm ở rìa thành phố.

Tên ông ta là Phurbu Thondup, có nghĩa là, "ước nguyện ngày thứ Năm được thoả". Ông ta là người có tám vóc ngoại cỡ, thậm chí còn cao to hơn cả tôi. Ông mặc áo choàng bằng lụa màu vàng, đeo đôi hoa tai dài bằng ngọc lam và cũng búi tóc giống như Tsering. Nhưng để chứng tỏ địa vị cao quý hơn - ông thuộc phẩm hàm thứ tư còn Tsering là thứ sáu - ông có một lá bùa hộ mạng nhỏ bằng vàng gài trên búi tóc. Giai cấp quý tộc ở Tây Tạng được chia thành bẩy cấp, trong đó người có địa vị tôn quý nhất chính là Đạt Lai Lạt Ma. Mặc dù tuổi tác và địa vị cao hơn, viên quận trưởng vẫn tỏ thái độ kính trọng Tsering và đối đãi với anh ta một cách rất trọng thị. Quả thật, có một cái gì đó rất đáng trọng nơi người bạn trẻ tuổi của chúng tôi, điều mà mắt thường không thất được. Phurbu Thondup hắng giọng một cách ồn ào và kiểu cách trước khi công báo những chỉ thị mới nhất mà ông ta vừa nhận được từ Thư ký của Đạt Lai Lạt Ma.

Chúng tôi phải đi hết tốc lực để tới Lhassa càng sớm càng tốt. Người ta đã chuẩn bị đón khách rất chu đáo ở tất cả các thôn làng, những chỗ cắm trại dã chiến trên đường, cũng như tại các tasam(4) biệt lập - đó là một kiểu nhà trọ nhỏ bé, ở đó người ta có thể đổi vật kéo xe và có chỗ ngả lưng. Mặc dầu vậy đoàn chúng tôi càng kín đáo và bí mật bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Quận trưởng nhấn mạnh, chúng tôi phải đặc biệt cẩn thận khi đến Shigatse và không được lai vãng gần toà lãnh sự Trung quốc đóng tại đó.

Ô hô? Tôi thầm nghĩ chính trị là vậy đấy. Có thể nào chuyến đi đến Tây Tạng của chúng tôi có mối quan hệ gì đó với những vấn đề mà người Tây Tạng đang gặp phải với Amban đại diện nhà Mãn Thanh tại Lhassa?

Tôi bộc bạch điều này với Sherlock Holmes trên quãng đường từ nhà viên quận trưởng về nhà nghi, nhưng dường như ông không lưu tâm lắm đến những băn khoăn đó.

“Tôi không cho là ông sai, Hurree ạ, nhưng như trước đây tôi đã từng giúp ông hiểu rõ, sai lầm chủ yếu của việc phỏng đoán là ở chỗ ta chưa có đầy đủ dữ liệu cần thiết. Giờ ta hãy xem xét một tiên đề ngược lại. Có thể nào việc mời một người ngoại quốc đến Tây Tạng - nếu việc này bị phát giác - lại gây ra một vấn đề nghiêm trọng hơn với viên đại diện Mãn Thanh, một kẻ mà chủ trương bài ngoại, theo chỗ tôi được biết, là hết sức quá khích kể cả với những người Trung quốc trong diện đáng ngờ thông thường khác. Vì thế ông đừng nên suy luận theo lối đó đi, tôi xin ông đấy.

Sáng sớm hôm sau, run rẩy và làu bàu trong cái lạnh cắt đã cắt thịt buổi ban mai tôi đeo chiếc ô (cột cả hai đầu bằng một sợi dây như quai đeo súng) quay ra sau lưng và mắt nhắm mắt mở nhảy lên lưng ngựa.

Trong khoảng một tuần liền, chúng tôi cưỡi ngựa đi dọc bờ sông Sutlej băng qua một vùng đất vẫn còn khoác vẻ đẹp ban sơ dù có phần hơi cằn cỗi. Nhiều loại chim chân nhỏ vụt bay qua các bụi cây kim tước và những ụ đá, trong khi những con sếu thong thả tìm bắt cá trong các vũng nước nông. Lần đầu tiên chúng tôi được chiêm ngưỡng kiang (tên khoa học là equus hemionus) một giống lừa hoang, sinh trưởng nhiều ở Tây Tạng.

Cả một bầy kiang với nét duyên dáng có một không hai ung dung quan sát đoàn lữ hành chúng tôi đi qua. Khi đã thoả trí tò mò, chúng lập tức quay đi ngay như theo một mệnh lệnh nào đó và phóng đi với bước chạy tuyệt vời thanh nhã.

Thật may mắn cho nhưng con chim và bầy thú nơi đây vì Sherlock Holmes không có ý tận dụng dịp may này để tiêu khiển bằng cách săn bắn thú. Lại một điều khác thường ở nơi ông so với đa số những người Anh khác mà tôi biết, tất cả bọn họ đều đặc biệt say mê trò giết hại hổ, hươu, lợn rừng, chim, cá và bao nhiêu loài khác nữa. Ác cảm tự nhiên của Sherlock Holmes với thú thể thao khát máu đó đã khiến những người Tây Tạng thêm phần kính trọng ông, kể cả những người theo đạo Phật và đạo Ky Nay(5) như Kintup và Jamspel vốn tin vào sự thiêng liêng của sự sống trong mọi dạng thức tồn tại của nó. Chúng tôi cũng đi qua một số trại của dân du mục cùng những đàn cừu và giống bò Tarta nổi tiếng (bos grunions) sau đó, trên đường đến một tasam ở Barga, thình lình hiện ra trước con mắt sững sờ của đoàn lữ hành là một chuỗi sông băng sáng rực lên, lấp lánh dưới ánh chiều tà, ngay dưới chân dinh Gurla Mandatha cao vòi vọi và ngọn núi Kailash tối linh thiêng. Ngọn núi này không chỉ thiêng liêng đối với người theo đạo Phật - họ quan niệm đó là nơi ở của Đức Phật và các vị Bồ tát, Demchog (Skt. Charasamvara) - mà còn cả với người theo Ấn Độ giáo nửa, họ xem nó như chiếc ngai của vị thần tối cao Shiva. Vì thế mà trong suốt hai nghìn năm qua hoặc có thể còn lâu hơn nữa, nhiều Phật tử, thầy tu khổ hạnh Ấn Độ giáo và người hành hương đã lũ lượt kéo đến khu vực này để thờ phụng Linh Sơn (Kailash), thực hành pháp tu khổ hạnh bên ngọn núi và đi quanh núi một vòng. Người Tây Tạng gọi nó là đỉnh Kailash, Kang Tise, hay Kang Rimpoche, Bảo Sơn và nó đóng một vai trò quan trọng trong đạo Bôn (Bon), một tôn giáo của người Tây Tạng ra đời trước Đạo Phật (Samôn tiền Phật giáo). Ngọn núi Tuổi (Meru) - được coi là trung tâm trong vũ trụ luận Phật giáo và Ấn Độ giáo – sở dĩ có một vị trí cao như vậy có lẽ là nhờ những đặc điểm về địa hình và quần thể động thực vật độc nhất vô nhị của Linh Sơn.

Chúng tôi muốn được đi quanh ngọn núi này như nhửng người hành hương - từ lâu tôi đã nuôi một mong muốn thiết tha nhất: được quan sát và đo Linh Sơn từ nhiều điểm khác nhau - nhưng Tsering là người nhất nhất tuân thủ chỉ thị cấp trên nên nhất định không chịu lãng phí dù chỉ một ngày. Cuối cùng, hai bên cũng đi đến một sự thoả hiệp. Đoàn chúng tôi sẽ không ai quanh núi, mà sẽ hành trình vượt qua núi và hồ nước thiêng với tốc độ chậm hơn, làm thế thì ít nhất chúng tôi cũng có dịp thưởng thức cảnh đẹp có một không hai này.

Trong vài ngày sau đó chúng tôi băng qua khu vực đồng bằng rộng lớn của Barga, gần những dãy núi và sông băng kéo dài cho đến khi tới được Manasarover. Đoàn người và vật dựng lều bên bờ Linh Hồ, nơi chắc chắn là cái hồ có khối lượng nước ngọt lớn nhất thế giới. Tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học về hồ nước thiên nhiên này, kết quả của những nghiên cứu đó đã được xuất bản trong bản miêu tả đầu tiên của tôi về chuyến đi này có bên là: Hành trình đến Lahssa qua phía Tây Tây Tạng (Nhà xuất bản Elphenstone, Calcutta, 1894) vốn được tờ tạp chí Statesman quá đề cao với nhận xét: "Đó là một tác phẩm vĩ đại về nghiên cứu khoa học và thám hiểm". Còn trong bản tường thuật này, do khuôn khổ có hạn và cũng không thật thích hợp nên tôi xin mạn phép không đưa vào các chi tiết khoa học về chuyến đi và cuộc thám hiếm của chúng tôi. Vì vậy, néu muốn có những thông tin này bạn nên mua cuốn sách được nhắc tới ở trên, tại bất cứ hiệu sách nào trong Đế chế.

Một dãy núi soi bóng mình trong nước Linh Hồ (Manasarover), cùng cả vùng đất xung quanh, có một vẻ đẹp siêu phàm và chắc chắn không có nơi nào trên thế giới này sánh kịp.

Tôi cảm thấy niềm vui của mình như được nhân thêm với ý nghĩ rằng không có nhiều nhà thám hiểm trên đời này có đủ may mắn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp như thế, ấy là chưa nói có thể nghiên cứu nó một cách khoa học như tôi. Tôi cũng đằm mình trong hồ như những người hành hương khác, mặc dù động cơ của tôi thiên về việc quan tâm đến vấn đề vệ sinh hơn là lòng mộ đạo. Dù sao thì nước hồ tuy trong vắt, nhưng lại lạnh buốt như nước đá. Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi sau cái hồ thiêng là khu định cư có tên là Thokchen hay "Sấm lớn” một nơi mà ngoài cái tên rất ấn tượng ra chỉ có một ngôi nhà duy nhất. Chưa hết, trong nhà lại lổm ngổm nhưng rận là rận, chúng tôi đành phải ngủ đêm trong những căn lều dựng tạm.

Kể từ đây chúng tôi đi theo sông Bramhaputra hay Tsangpo như dân Tây Tạng thường gọi. Được tiếp nước bởi vô vàn con suối nhỏ, con sông càng trôi đi lại càng được mở rộng hơn.

Ngoại trừ một cơn mưa nhỏ và đôi ba cơn giông có kèm mưa đá, chúng tôi may mắn gặp tiết trời nói chung là dẹp. Tôi thường cưỡi ngựa với chiếc ở màu xanh pha trắng xòe rộng để che nắng; vì độ cao của dãy Himalaya và không khí loãng, ánh mặt trời ở đây rất gay gắt. Thỉnh thoảng những cơn gió mạnh bất chợt lại thổi cho chiếc ô lật ngược hoặc giật tung đi chỗ khác, khiến Kintup và đám người vui vẻ cưỡi ngựa đuổi theo chiếc ô như thể nó là một con thỏ hay con gì đó vậy. Tuy vậy, những cơn giông bão dữ dội khắc nghiệt nhất trong mùa đông đã qua đi còn những cơn bão bụi mùa hè thì chưa đến, cho nên ta có thể ung dung thoai mái ngồi đọc sách trên lưng ngựa, dưới bóng mát của chiếc dù xòe rộng, hay rơi vào tâm trạng mơ mộng suy tư về cuộc đời như trường hợp của tôi.

“Tôi dám nói chắc là ông đã đúng, Hurree ạ!” giọng nói của Holmes cắt ngang dòng suy tưởng của tôi trong một lần như thế. "Chỉ một mình khoa học thuần túy thôi thì không thể trả lời tất cả câu hỏi về cuộc sống. Số phận con người chỉ có thể được khám phá qua tôn giáo".

"Hoàn toàn đúng vậy, thưa ông," tôi nhiệt liệt tán thành, "mặc dù nó làm phiền tôi… Trời đất ơi, ông Holmes!" tôi sực nhớ ra và kêu lên. "Làm thế nào mà ông có thể biết những suy nghĩ nội tâm của tôi?”

Sherlock Holmes cười, vẫn cái kiểu cười lặng lẽ rất đặc biệt của mình, ông hơi ngả người ra phía sau, ghì dây cương điều khiển con ngựa của mình di chuyển cùng tốc độ với con ngựa của tôi.

"Ông nghĩ thế nào? Thông qua ma thuật ư? Hay là khả năng giả định? Hoặc chỉ bằng một chuỗi lập luận lô-gic rõ ràng, đơn giản”

"Dù có sống hết đời, ông Holmes ạ, tôi cũng không thể biết dựa trên cơ sở lập luận nào mà ông có thể làn theo quá trình tư duy của tôi. Suy nghĩ của tôi ư, tất cả đều được khoá chặt trong cái đầu chết tiệt này giống như lớp cơm dừa trong quả dừa vậy.

“Không, thưa ngài! Lời giải thích duy nhất là ma thuật. Chắc chắn là ngài đã tranh thủ được sự giúp đỡ của những nhà ngoại cảm đầy phép thuật như Buktamoos hay Dulhan, hoặc Musboot - cũng có thể đó là Zulbazan, con trai của Elbis".

Sherlock Holmes bật cười thành tiếng, nghe giòn tan:

"Tôi thật không muốn phải làm ông tan tành ảo mộng về mối quan hệ thân thiết giữa tôi với những cư dân thần bí nhưng toàn bộ chuyện này đơn giản đến mức ngớ ngẩn. Để tôi giải thích. Tôi đã quan sát ông cách đây chừng mười phút. Ông cầm cuốn Các nguyên tắc sinh vật học của Herbert Spencer đang mở trên tay và chăm chú đọc. Sau đó ông đặt cuốn sách xuống trước lên - mở ra một trang nào đó ở giữa cuốn sách - và ông bắt đầu nghĩ ngợi. Đôi mắt ông nheo lại, khép hờ. Rõ ràng, ông đang suy nghĩ về những gì vừa đọc xong. Nếu tôi không lầm, chắc đó là đoạn Spencer thảo luận về một học thuyết nào đó của ông Darwin và những người khác, ở khúc giữa cuốn sách - về sự tiến hoá của các loài từ hình thức đơn giản đến phức tạp. Tôi thật không dám chắc về điều này, nhưng ông đã giúp củng cố giả thuyết của tôi bằng cách thay đổi kiểu mơ mộng và cách quan sát các loài động vậy và chim hoang dã với dáng diệu tò mò và thận trọng. Dường như ông đi đến chỗ đồng ý với lập luận của Spencer vì thỉnh thoảng ông lại gật gù".

Sherlock Holmes đốt tẩu thuốc Tarta và sau khi thổi ra một luồng khói trắng, ông tiếp tục:

“Nhưng rồi suy nghĩ của ông lại đột ngột bị cắt ngang. Có phải ông nhớ đến những gì đáng thương còn sót lại của một con linh dương gazen bị sói giết mà chúng ta vừa thấy cách đây không lâu. Dường như hình ảnh đó khiến ông hoang mang bối rối. Tất cả nhưng điều đó đều là cơ sở tốt để nói hay viết về “Sự sinh tồn của những loài thích nghi nhất”(6) trong một phòng khách ám áp ở London; nhưng thật may khi chạm trán với khía cạnh này của tự nhiên, dù chỉ trong cái chết không đáng kể của con linh dương tội nghiệp, đó lại chỉ là một kinh nghiệm tầm thường. Vẻ tư lự khiến mặt ông tối sầm lại. Có học thuyết nào ngõ hầu giải thích được những đau khổ, bạo lực và sự tàn bạo của cuộc đời, dường như ông đã đặt ra câu hỏi đó ông nhớ đến những cuộc chạm trán chớp nhoáng của mình với bạo lực và cái chết. Tôi để ý thấy ông nhìn xuống bàn chân phải bị mất ngón giữa và suốt nữa thì mất cả tính mạng, vì thế mà ông hơi rùng mình. Vẻ mặt ông thấm đượm một nỗi buồn sâu sắc, và nỗi buồn ấy đến cùng với sự đốn ngộ về tính vĩnh cửu trong bi kịch của con người.

"Sau đó ông đưa mắt chăm chú ngắm nhìn những ngọn tháp sáng lấp lánh của một tu viện xa xa, hình như suy nghĩ của ông đã được nâng lên một chút khỏi cơn ngã lòng trước đó. Ông ngước nhìn bầu trời xanh cao rộng. Vẻ mặt của ông hơi giễu cợt nhưng không hoàn toàn sầu muộn. Có lẽ ông đang tự hỏi liệu tôn giáo có thể có câu trả lời cho không đau khổ của nhân loại mà khoa học bó tay không thể trả lời chăng. Vì thế tôi mới đánh bạo tán đồng với ông".

"Nói trúng phoóc, hoan hô ông Holmes. Điều này còn đáng kinh ngạc hơn cả ma thuật nữa," tôi thốt lên, vẫn còn ngây ngất về một khả năng kỳ diệu khác của ông vừa được phát lộ. "Ông đã lần theo lộ trình tư duy của tôi một cách chính xác không chệch một ly nào. Thật là một kỳ tích nổi bật nhất của nghệ thuật lập luận, thưa ngài”.

“Úi chà. Chỉ ở cấp độ sơ đẳng thôi, ông bạn Hurree thân mến ạ”.

"Nhưng ông làm thế nào vậy, ông Holmes?”

"Một mẹo nhỏ dùng trong xây dựng chuỗi suy luận từ một tiền đề ban đầu hừm… có thể gọi đó là “duyên khởi”, hay dùng khái niệm cao thâm này của Phật giáo vậy. Phải, từ một giọt nước ông có thể có chăng suy luận lô-gíc về tiềm năng của Thái Bình Dương hay thác Niagara mà không cần phải nghe hay nhìn thấy chúng. Do đó toàn bộ sự sống là một chuỗi mắt xích vĩ đại mà bản chất của nó sẽ được khám phá bất cứ khi nào ta nhìn thấy một mối liên hệ đơn lẻ nào đó của nó”(7).

Tu viện nằm trên một ngọn đồi, bên dưới là khu định cư Tradun. Nhìn chung đây là một nơi khá đông đúc nhộn nhịp gồm hơn hai mươi ngôi nhà, cùng một số lều du mục nằm rải rác trên một vùng tương đối bằng phẳng. Nơi chúng tôi dừng chân khá gần vương quốc Nepal , tôi nhìn thấy ba đỉnh núi phủ băng trắng muốt vươn cao theo hướng đó(8).

Phải mất thêm ba tuần lễ nữa chúng tôi mới tôi được Shitgatse. Thật may mắn khi chúng tôi có dịp đến thăm tu viện vĩ đại Tahsi Lhumpo và tham quan kho tàng của nó; nhưng chúng tôi đã cẩn thận tránh không lai vãng đến gần đại sứ quán Trung Quốc nằm ở phía Tây thành phố. Kintup và tôi đã có quá nhiều kỷ niệm không vui vẻ nơi này trong chuyến đi lần trước.

Chúng tôi nghe đủ loại tin đồn trong chợ về những âm mưu của Amban Mãn Châu ở Lhassa và tay chân của hắn tại Shigatse cùng những điều sắp xảy đến với quân xâm lược Trung quốc. Nhưng chúng tôi không tin vào bất cứ những chuyện tầm phào nơi quán xá ấy.

Từ Shigatse mất khoảng mười ngày đường nữa mới tới được Lhassa.



Chú thích:

(1) Khatag: một miếng vải trắng hoặc một chiếc khăn lụa được sử dụng khắp Tây Tạng như một dấu hiệu chào mừng hay tỏ ý kính trọng.

(2) Hyrbert Spencer (1820-1903), triết gia lớn có ảnh hưởng tris tuệ đặc biệt sâu đậm vào thời Victoria .

(3) Dorsum orbis: bộ mặt thế giới (lưng thế giới)

(4) Tasam: nhà nghỉ.

(5) Kỳ Na giáo (Jainism): một trong những giáo phái Samôn ra đời trước Phật giáo ở Ấn Độ chủ trương không lệ thuộc vào Bà La Môn giáo và Kinh Vệ Đà có những triết lý gần với đạo Phật.

(6) Một câu nói của Spencer năm 1852

(7) Holmes đã diễn đạt một điều tương tự như thế trong bài báo "Cuốn sách của cuộc sống" mà Watson đã nhắc với (có phần chê bai) trong truyện Một nghiên cứu về màu đỏ, tác phẩm được ấn hành lần đầu trên kể về cuộc gặp gỡ của ông với nhà thám tử vĩ đại. Điều đáng lưu ý là cả Watson lẫn những nhà nghiên cứu về Holmes đều không nhận ra những khuynh hướng tinh thần khá rõ ràng trong tính cách của Holmes

(8) Đó là ba ngọn núi có tên: Annapurna, Dhaulagiri và Manaslu
Sherlock Holmes mất tích
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Lời cảm ơn