Chương V
Tác giả: Jonathan Swift
Tác giả quan sát Viện Hàn Lâm ở Lagado - Mô tả chi tiết Viện hàn lâm - Các môn khoa học và nghệ thuật mà các giáo sư nghiên cứu.
Viện hàn lâm chiếm một số căn nhà bị bỏ hoang nằm ở cả hai mặt phố, thích hợp cho công việc của Viện. Vị chủ tịch đón tôi rất niềm nở và tôi đã thăm ở Viện không ít ngày. Trong mỗi một phòng đều có một hoặc một số nhà thảo đề án làm việc. Tôi nhớ là tôi đã đi thăm chừng năm trăm căn phòng.
Nhà bác học đầu tiên mà tôi ghé thăm là một người gầy nhom có khuôn mặt và những bàn tay ám khói, áo khoác ngoài, áo sơ mi và da của ông cũng có cùng một màu như vậy, còn bộ tóc dài rối bù và chòm râu bị cháy xém từng đám. Tám năm trời ông nghiên cứu dự án rút tia nắng mặt trời từ dưa chuột. Những tia sáng ấy ông có ý định tập hợp vào các chai con nút kín mít để trong trường hợp mưa và lạnh của mùa hè thì sưởi nóng bầu không khí bằng các tia sáng ấy. Ông biểu lộ niềm tin rằng qua tám năm trời ông có thể cung cấp tia sáng mặt trời giá phải chăng cho các vườn của viên thống đốc. Nhưng ông than phiền là ông dự trữ không được nhiều và yêu cầu tôi tặng ông cái gì đó để khuyến khích khả năng sáng tạo của ông, hơn nữa dưa chuột năm đó rất đắt. Tôi tặng ông một tặng phẩm nho nhỏ mà vị chủ nhân của tôi đã phòng xa trước giao cho tôi. Vị chủ nhân biết quá rõ thói quen của các nhà khoa học hỏi xin các vị khách đến thăm một tặng phẩm nào đấy.
Tôi cũng gặp một nhà khoa học khác, thử biến đổi băng thành thuốc súng bằng cách nung nó trong ngọn lửa rất mạnh. Ông cũng cho tôi xem công trình do ông viết về tính dễ rèn của ngọn lửa mà ông dự tính công bố.
Ở đó còn có một kiến trúc sư đầy sáng tạo đã nghĩ ra phương pháp xây dựng nhà mới. Công việc xây dựng phải được bắt đầu từ mái và kết thúc ở móng. Ông biện bạch với tôi là phương pháp này xuất phát từ việc học tập hai côn trùng thông minh, ong và nhện.
Ở đó có một người bị mù từ khi mới đẻ. Một số học sinh mù học cách trộn màu cho một nhà hội họa dưới sự hướng dẫn của ông. Giáo sư dạy họ nhận biết màu sắc bằng khứu giác và xúc giác. Tiếc thay những con người này không thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, còn chính giáo sư cũng thường xuyên nhầm lẫn. Nhà bác học ấy lại được các đồng nghiệp của mình hết sức kính trọng.
Trong căn phòng khác, tôi đã hết sức vui mừng khi gặp một nhà lập đề án lớn, khám phá ra phương pháp cày ruộng nhờ lợn. Phương pháp này hẳn đã giảm chi phí cho các nhà trồng trọt vào những công việc cày ruộng, nuôi gia súc kéo và thuê thợ cày. Phát minh đó như sau: trên cánh đồng, bạn hãy đào hố sâu xuống chừng tám inch và cách nhau chừng sáu inch, bỏ xuống đó hạt dẻ, chà là, hạt sồi và các loại rau quả khác mà lợn rất thích. Sau đó bạn hãy đuổi vào cánh đồng ấy một đàn chừng sáu trăm con lợn hoặc hơn nữa. Trong vài ngày, để tìm kiếm các thứ rau quả chôn vùi, chúng sẽ đào xới đất, làm cho đất tơi xốp có thể gieo trồng được. Đồng thời chúng sẽ bón phân cho đất. Sự thật, qua kinh nghiệm cho thấy cách sử lý đất như thế này gây ra khá nhiều phiền toái và các chi phí trong khi năng suất thu hoạch chẳng có gì hứa hẹn. Tuy nhiên, tất cả tin phát minh này nếu được hoàn thiện nữa chắc sẽ cho lợi nhuận lớn.
Tôi rẽ vào phòng tiếp theo, ở đó tường và trần nhà chăng đầy mạng nhện. Chỉ có một lối đi hẹp ở giữa cho nhà phát minh. Khi tôi vừa mới xuất hiện ở cửa, nhà bác học đã kêu lớn để tôi cẩn thận hơn và không làm hỏng mạng nhện của ông. Ông bắt đầu than thở về những nhầm lẫn mà ngày xửa ngày xưa loài người đã mắc phải. Từ trước đến nay, mọi người vẫn phải sử dụng tơ của tằm dâu. Trong khi đó, thuộc quyền sử dụng của chúng ta còn vô số côn trùng mà về khả năng của chúng thì ưu việt hơn tằm dâu rất nhiều, những con tằm thì chỉ nhả tơ, còn chúng thì nhả cả tơ và dệt nữa. Hơn nữa ông nói tiếp rằng, thay thế tơ tằm bằng tơ nhện chúng ta sẽ tránh mọi chi phí nhuộm màu cho vải. Tôi cũng tán thành với ông, khi ông chỉ tôi vô số con ruồi nhiều màu sắc dùng để nuôi nhện. Theo lời ông, màu sắc của các con ruồi ấy phải được truyền cho vải tơ nhện được làm ra. Bởi vậy, nhà bác học sắp xếp ruồi thành các loại màu khác nhau với hy vọng sẽ thỏa mãn sở thích của bất kỳ người tiêu dùng nào. Ông chỉ còn phải đi tìm loại thức ăn thích hợp cho ruồi dưới dạng keo gỗ và các chất khác có thể tạo cho tơ nhện độ dày và độ bền[1].
Ở đó có một nhà thiên văn có ý định đặt đồng hồ mặt trời lên mũi tên lớn chỉ hướng gió của tòa thị chính. Để làm việc đó, ông cần phải tính toán chính xác các trường hợp chuyển động hàng ngày và hàng năm của trái đất cùng các thông số ngẫu nhiên liên quan đến hướng gió.
Tôi còn đi thăm nhiều phòng khác nữa nhưng tôi không muốn làm phiền bạn đọc bởi việc mô tả các vật kỳ lạ mà tôi đã nhìn thấy. Tôi chỉ muốn dừng lại ở hoạt động của một nhà bác học nổi tiếng, được đặt biệt danh là "thiên tài vạn năng". Theo lời ông, ông đã dành ra ba mươi năm để cải thiện cuộc sống của con người.
Ông chiếm trọn hai căn phòng lớn, chứa đầy những vật hết sức kỳ lạ, năm mươi người thuộc hạ làm việc dưới sự điều khiển của ông. Một số thì cô không khí thành một chất đặc, rồi rút từ đấy ra diêm tiêu và chắt lọc các phần tử chứa nước[2], một số khác, nghiền tán đá hoa để làm nệm và đệm cài kim găm, số thứ ba cố gắng bổ sung cho pháo đài những hòn đá làm bằng móng ngựa sống để pháo đài thêm vững chắc. Còn bản phần nhà bác học lúc đó đang bận nghiên cứu hai phát minh vĩ đại. Thứ nhất, đó là gieo thóc lép, mà trong thóc lép theo ý kiến ông chứa đựng một năng suất chính. Ông chứng minh điều đúng đắn của ý kiến này bằng vô số thí nghiệm mà do sự dốt nát của tôi, cuối cùng tôi vẫn hoàn toàn chẳng hiểu gì. Vấn đề thứ hai mà ông nghiên cứu giải quyết, đó là chế tạo một loại mỡ bôi có các thành phần hết sức phức tạp. Nhờ thứ mỡ bôi này mà có thể làm cừu non ngừng mọc lông. Nhà bác học hi vọng một tương lai không xa sẽ nhân giống loại cừu trần trụi trên khắp vương quốc.
Trong những căn nhà ở mặt kia của đường phố đặt phân Viện của Viện Hàn Lâm, ở đó có các nhà lập dự án về nghiên cứu khoa học trừu tượng.
Vị giáo sư đầu tiên mà tôi gặp ở đây làm việc trong một căn phòng lớn với bốn mươi học sinh vây quanh. Chúng tôi chào nhau và tôi bắt đầu đi thăm quan căn phòng. Tôi rất kinh ngạc trước một khung rộng chiếm phần lớn căn phòng. Nhận thấy điều đó vị giáo sư giải thích cho tôi là ông nghiên cứu tạo ra một dụng cụ cơ khí đặc biệt dùng để khám phá các chân lý trừu tượng. Ông cho rằng các ý định loại này ngay từ lúc ban đầu có thể khiến tôi kinh ngạc. Nhưng ông hoàn toàn không nghi ngờ gì về việc ngay lập tức thế giới sẽ đánh giá đầy đủ dự án của ông. Chưa từng có một ý tưởng vĩ đại và cao quý nào hơn nảy sinh ra trong đầu của ai đó. Mỗi người, ai cũng đều biết là nghiên cứu khoa học và nghệ thuật theo phương pháp phổ biến khó như thế nào. Hơn nữa nhờ phát minh của ông, một người dốt nát và bất tài nhất chỉ hao tổn sức lực và tiền của không lớn cũng có thể viết sách về triết học, thơ ca, chính trị, luật, toán học và thần học. Sau đó ông dẫn tôi tới bên khung lớn có các học trò của ông đứng cạnh. Khung này có diện tích hai mươi foot vuông và được đặt ở chính giữa phòng. Mặt của khung cấu tạo từ vô số các bảng gỗ nhỏ, mỗi cái có kích thước bằng con xúc xắc - một số lớn hơn, một số khác nhỏ hơn. Tất cả được liên kết với nhau bởi một dây thép nhỏ. Các bảng có dán một mẩu giấy, trên các mẩu giấy ấy có ghi tất cả các từ bằng ngôn ngữ Balnibarbi dưới các dạng, thời và cách khác nhau, nhưng không theo một trật tự nào cả. Giáo sư yêu cầu thận trọng bởi vì ông định cho cỗ máy của mình chạy. Theo lệnh ông, các học sinh nắm lấy các tay nắm bằng sắt được lắp ở viền khung và quay nhanh chúng. Tất cả các bảng quay chuyển động và sự sắp xếp các từ hoàn toàn thay đổi. Khi đó giáo sư ra lệnh ba mươi sáu học sinh đọc chậm các dòng chữ được hình thành theo trật tự sắp đặt trong khung. Nếu như xảy ra việc ba hay bốn chữ tạo thành một phần của câu có ý nghĩa, thì người ta đọc nó cho bốn học sinh còn lại thực hiện vai trò người chép lại. Sự luyện tập này thực hiện lặp đi lặp lại ba hoặc bốn lần. Cỗ máy được thiết kế sao cho sau mỗi lần quay các bảng và xê dịch chúng thì các từ được sắp đặt lại theo một kiểu mới.
Các học sinh thực hiện các bài luyện tập sáu giờ một ngày và vị giáo sư chỉ cho tôi xem vô số cuốn sách to ghi lại các đoạn câu tương tự. Trên cơ sở các tài liệu phong phú này, giáo sư dự định biên soạn một bài tổng quát chung đầy đủ tất cả các khoa học và nghệ thuật. Hoàn toàn dễ hiểu là nhiệm vụ của ông sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều nếu như ông thu thập đủ số tiền để trang bị năm trăm cỗ máy như thế ở Lagado và bắt những người chỉ đạo thu thập các câu do máy đó thực hiện. Ông kể cho tôi biết rằng phát minh này ngay từ những năm còn trẻ đã thu hút mọi suy tưởng của ông. Hiện nay, trên các bảng con của cỗ máy đã ghi lại được một cuốn từ điển đầy đủ về ngôn ngữ Balnibarbi. Hơn thế nữa ông có thể tính chính xác tỷ lệ các danh từ, động từ và các thành phần khác của ngôn ngữ được sử dụng trong cuốn sách.
Tôi tỏ lòng biết ơn sâu sắc con người đáng kính trọng này vì nhã ý của ông đã cho tôi biết bí mật của phát minh vĩ đại, và tôi hứa rằng khi nào đó tôi được trở về Tổ quốc sẽ suy tôn ông là nhà phát minh duy nhất của chiếc máy kỳ diệu này. Tôi yêu cầu ông cho phép vẽ lại cỗ máy này. Tôi nói với ông rằng mặc dù ở châu Âu giữa các nhà bác học có thói quen ăn cắp phát minh của nhau, nhưng tôi hứa sẽ thi hành mọi biện pháp để danh tiếng của phát minh này sẽ lấn át tất cả đi không ai có thể bài bác nó được.
Sau đó chúng tôi đi sang trường ngôn ngữ. Ở đó có ba giáo sư đang thảo luận những dự án khác nhau để hoàn thiện ngôn ngữ của tiếng mẹ đẻ. Dự án đầu tiên đề nghị làm đơn giản hóa ngôn ngữ hội thoại, chuyển đổi tất cả các từ đa âm tiết thành các từ đơn âm tiết và vứt bỏ các động từ và hình động từ. Tác giả chỉ ra rằng chỉ có danh từ mới phù hợp với các đối tượng danh từ. Dự án thứ hai đòi hủy bỏ hoàn toàn tất cả các từ. Tác giả dự án này vin cớ chủ yếu do lợi ích của anh ta đối với sức khỏe và tiết kiệm thời gian. Hoàn toàn hiển nhiên là phát âm các từ làm mỏi cổ họng và phổi và do vậy làm rút ngắn tuổi thọ của chúng ta. Còn bởi thực chất từ chỉ là gọi tên các đồ vật, vậy tiện lợi hơn cả là mang trên người các đồ vật cần thiết để thể hiện tư duy và nguyện vọng của chúng ta.
Phát minh này rất có lợi cho sức khỏe và chắc chắn sẽ được phổ biến rộng rãi. Nhưng giới phụ nữ thông đồng với đám dân đen đe dọa nổi dậy khởi nghĩa. Họ kiên quyết yêu cầu sao cho ngôn ngữ được tự do hoàn toàn. Sự thật, đám dân đen là kẻ thù không đội trời chung của khoa học. Hơn nữa, nhiều nhà bác học và những con người thông thái sử dụng phương pháp giao tiếp mới nhờ các đồ vật. Tình trạng bất tiện duy nhất của nó là những người cùng nói chuyện gặp nhau ai cũng vác theo một cái tay nải lớn có các đồ vật khác nhau cần thiết cho việc hội thoại. Tôi cũng đã có dịp nhìn thấy hai con người thông thái như thế còng lưng xuống như những người bán hàng rong dưới sức nặng của bao tải lớn đồ vật. Khi gặp nhau trên đường phố, họ bỏ bao tải khỏi vai, mở chúng ra và lấy các đồ vật cần thiết để tiến hành cuộc nói chuyện như vậy. Sau đó họ sắp xếp lại bao tải đồ, vác lên vai, chào nhau và chia tay.
Hơn nữa đối với các cuộc nói chuyện ngắn gọn và không mấy phức tạp lắm có thể mang tất cả đồ vật cần thiết trong túi hoặc dưới nách, còn khi nói chuyện trong tình huống ở nhà thì tất cả những khó khăn tương tự sẽ dễ dàng bị loại bỏ. Chỉ cần xếp đầy phòng những đồ vật đa dạng nhất ở nơi mà những người theo thứ ngôn ngữ này tụ hội.
Điểm ưu việt nhất của ngôn ngữ này là tính quốc tế của nó. Ở tất cả các dân tộc văn minh đồ gỗ và các đồ đạc trong nhà cũng khá giống nhau. Nhờ đó các sứ thần có thể dễ dàng nói chuyện với quốc vương và các vị thượng thư nước ngoài nhờ có các đồ vật trong khi họ hoàn toàn không biết ngôn ngữ của nhau.
Tôi cũng đã đến thăm cả trường toán. Ở đây, việc giảng dạy cũng tiến hành theo phương pháp dường như cũng có ở châu Âu chúng ta. Mỗi một định lý cùng với phần chứng minh được chép lại một cách cẩn thận vào một viên thuốc nhỏ bằng thứ mực là thuốc nước chống đau đầu. Học sinh nuốt viên thuốc đó lúc đói và ba ngày sau đó không ăn gì ngoài bánh mỳ và nước lã. Khi viên thuốc được tiêu hóa, thuốc nước sẽ dâng lên não của học sinh và đưa theo cả định lý. Tuy nhiên đến nay kết quả của phương pháp này cũng không đáng kể. Một phần người ta giải thích là do có sai sót gì đó trong việc xác định liều lượng và thành phần của thuốc nước, một phần, do tính nghịch ngợm của các cậu bé rất thù địch với loại thuốc viên này, chúng thường đi ra một phía và ngay lập tức nhổ nó ra. Hơn nữa đối với chúng không thể nào tuân theo quy tắc ba ngày ăn chay bắt buộc để cho thuốc nước ngấm được.
Chú thích:
[1] Vào năm 1710 một người Pháp tháo vát tên là Bon đã xuất bản một cuốn sách mỏng trong đó đề ra phương pháp sản xuất tất và găng tay từ tơ nhện. Những thí nghiệm tương tự tuy không mang tới kết quả nhưng vẫn tiếp tục cho mãi sau này.
[2] Vào thời của Swift người ta chưa còn biết rõ thành phần của không khí.