Chương hai muơi mốt
Tác giả: Jules Verne & André Laurie
Sau khi trở về Xtôckhôm. gần như ngày nào Êrik cũng có nhiều thư từ khắp các nước châu Âu gửi tới. Các Hội khoa học hoặc các cá nhân đã gửi thư chúc mừng chàng; chính phủ các nước ghi nhận công lao của chàng bằng những hình thức tặng thưởng; các chủ tàu và thương gia yêu cầu chàng trả lời những câu hỏi mà họ quan tâm. Tuy nhiên, chàng hơi ngạc nhiên, khi một buổi sáng đẹp trời nọ, trong khi soạn những thư tín trao đổi, chàng đã phát hiện ra hai phong thư có dấu bưu điện Paris.
Trong bao thư thứ nhất chàng bốc ra thấy một tấm thiệp của Hội địa lý Pháp gửi thuyền trưởng "Aljaska" và những người cùng đi với thuyền trưởng, mời họ đến Paris để nhận huy chương danh dự lớn sẽ được trao tặng trong phiên họp trọng thể chào mừng cuộc hành trình đầu tiên đi vòng quanh thế giới trên vùng biển Bắc cực.
Phong thư thứ hai đã làm cho Êrik sửng sốt vì kinh ngạc. Ngoài phong bì có in một lớp bọc bằng cao su giống hình tấm huy chương trên đó nổi lên những chữ viết tắt “E.Đ” và câu danh ngôn "Semperidem"... Những chữ tắt và câu danh ngôn ấy cũng được in trên góc lá thư gấp để trong phong bì. Đó là thư của ngài Đuyren, nội dung viết như sau:
"Cháu trai thân mến của ông! Hãy cho phép ông trong mọi trường hợp được xưng hô với cháu như vậy nhé. Ông vừa mới đọc trên tờ báo Pháp một bài báo dịch từ tiếng Thụy Điển ra nói vê tiểu sử của một người. Bài báo đã làm cho ông xúc động đến nỗi không sao diễn đạt nổi. Nội dung của bài báo ấy nói về cháu. Cháu đã được một ngư dân Na Uy ở ngoại ô Berghen tìm thấy trên biển cách đây hai mươi hai năm. Lúc ấy cháu nằm trong một cái nôi được buộc vào chiếc phao cứu hộ có đề chữ “Cintia”; hành trình lên Bắc cực do cháu thực hiện với mục đích đặc biệt là tìm một người còn sống sót trong vụ đắm tàu “Cintia” xảy ra tháng Mười năm 1858 ở gần quần đảo Farer. Và cuối cùng, cháu đã đi thám hiểm trở về, nhưng không làm sáng tỏ được điều gì.
Nếu mọi việc ấy đều đúng sự thật thì ông xin cháu hãy đánh điện trả lời ngay cho ông biết, đừng để chậm trễ một phút nào cả.
Bởi vì, nếu như vậy thì, cháu ạ, cháu hiểu cho sự sốt ruột của ông, những điều hoài nghi của ông và nỗi sung sướng của ông. Hoá ra cháu lại là cháu của ông đấy, đứa cháu mà bao nhiêu năm trời ông khóc thương, đứa cháu mà ông những tưởng đã phải vĩnh biệt rồi; cháu có nhẽ chính là người mà con gái ông, đứa con gái tội nghiệp của ông, từ sau khi xảy ra tấn thảm kịch trên tàu "Cintia" đã phải ôm trái tim tan nát và không ngớt gọi tên, không ngớt chờ đợi từng ngày - cháu là đứa con trai duy nhất, niềm an ủi và niềm vui duy nhất của con gái ông trong cảnh góa bụa đau xót của nó!...
Tìm được cháu còn sống và tiếng tăm lẫy lừng như thế - thật là một niềm hạnh phúc lớn lao và khó tin là có thật! Nhưng ông không định tin ngay vào điều hạnh phúc ấy, chừng nào ông chưa nhận được sự khẳng định của chính bản thân cháu...Tuy nhiên, mọi việc đều đúng y như sự thật!...Thậm chí trùng khớp đến cả những chi tiết nhỏ nhất. Nét mặt của cháu và toàn bộ phong thái của cháu gợi cho ông thấy cháu giống đứa con rể quá cố của ông một cách kỳ lạ. Lần duy nhất mà ông tình cờ được gặp cháu, ông đã lập tức thấy có cảm tình sâu sắc đối với cháu! Và bây giờ đây ông muốn tin rằng sự cảm tình theo bản năng ấy của ông đối với cháu hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.
Cháu hãy đánh điện ngay cho ông vài lời dù chỉ vài lời thôi cũng được! Ngay ông cũng không biết ông sẽ sống đến cái phút ấy như thế nào nữa. Liệu lúc ấy ông có nhận được một câu trả lời mà ông hằng đau khổ và tha thiết chờ đợi đến thế không? Liệu giây phút ấy có đem đến cho đứa con gái tội nghiệp của ông và ông cái niềm sung sướng để đền bù lại cho công lao của ông trong suốt những năm dài đằng đẵng đau khổ và nước mắt không?
Ê. ĐUYREN
Tổng lãnh sự đã về hưu
104, đường Đêvaren, Paris "
Kèm theo bức thư ấy là một văn bản có chữ ký xác nhận của ngài Đuyren, cũng do tay ông viết, Êrik đọc ngấu nghiến dòng chữ như sau:
“Hồi tôi làm lãnh sự Pháp ở Tân Orlean, đứa con gái độc nhất của tôi là Katêrina đã lấy một thanh niên Pháp tên Zhorzh Đuyren, cháu ngoại xa của chúng tôi, cùng quê Brêtanh với chúng tôi. Zhorzh Đuyren là kỹ sư mỏ. Nó sang Mỹ để thực hiện việc khai thác những nguồn dầu mỏ mới được phát hiện, và dự tính ở Mỹ vài năm. Chàng Đuyren thường lui tới nhà tôi và đã được tiếp đón một cách xứng đáng. Và khi chàng cầu hôn với con gái tôi thì tôi đã đồng ý mà không do dự. Sau đám cưới của con gái tôi chẳng được bao lâu, tôi đột nhiên được cử làm lãnh sự ở Riga và đành phải chia tay với con gái, bởi vì con rể tôi có nhiều công việc quan trọng cần phải ở lại Mỹ. Tại đây con gái tôi đã sinh được một đứa con trai; thằng bé được lấy tên của tôi và tên của bố nó ghép lại để làm tên của mình: Êmil-Anri-Zhorzh.
Nửa năm sau, con rể tôi bị chết trong một tai nạn không may dưới mỏ, Katrina tội nghiệp góa chồng lúc mới hai mươi tuổi, đã vội vàng thu xếp mọi công việc và đáp tàu “Cintia” rời New York đi Hamburg để đến chỗ tôi bằng con đường ngắn nhất.
Ngày 7 tháng Mười năm 1858, "Cintia” bị tai nạn ở phía Đông quần đảo Farer. Bối cảnh của tai nạn đã gây nên nhiều sự ngờ vực, nhưng chưa được làm sáng tỏ. Khi hành khách của chiếc tàu đắm được chuyển lên các xuồng thì đứa cháu trai bảy tháng của tôi được mẹ cháu để trong nôi và buộc chung vào một chiếc phao cứu hộ đã bị rơi từ boong tàu xuống hoặc bị ai đó vứt xuống biển và bị bão cuốn đi mất.
Phát điên lên vì cái cảnh khủng khiếp ấy, con gái tôi định lao theo đứa con của mình xuống vực biển, nhưng người ta đã kịp giữ nó lại và chuyển sang một cái thuyền khác trong lúc nó bị ngất xỉu. Trên chiếc thuyền này có ba người nữa. Chỉ duy có thuyền ấy là còn nguyên vẹn mà thôi. Sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ nó đã tấp vào một hòn đảo thuộc quần đảo Farer. Từ đây, con gái tôi bị kiệt sức sau bảy tuần lễ sốt ác liệt, đã được một người thủy thủ ân cần chăm sóc và đưa về Riga. Người thủy thủ ấy, chẳng những đã cứu con gái tôi thoát chết mà còn đưa nó về với cha. Zhôn Đinmen - tên chàng trai quí hóa ấy - về sau đã chết ở tiểu Á, trong khi phục vụ ở chỗ tôi.
Chúng tôi hầu như đã không hy vọng đứa cháu tội nghiệp của chúng tôi còn sống được sau vụ đắm tàu. Tuy nhiên, tôi đã thực hiện những cuộc tìm kiếm ở các quần đảo Farer và Shetland và trên vùng duyên hải Na Uy về phía Bắc thành phố Berghen. Tôi không nghĩ rằng cái nôi có thể bị cuốn đi xa hơn. Mãi 3 năm sau tôi mới chịu thôi, không tìm tiếp nữa, và làng Nôrôê không nằm trong khu vực khảo sát chỉ vì lý do duy nhất là nó ở khuất và khá xa biển khơi.
Khi mọi hy vọng đều đã bị tiêu tan, tôi hết mình chăm lo cho con gái tôi, bởi vì trạng thái thể xác và tâm hồn của nó đòi hỏi phải có sự chăm sóc chu đáo.
Sau khi tôi đã yêu cầu và được chuyển về miền Đông, tôi vẫn cố tìm mọi cách cho con gái tôi đi du lịch và tham gia các cuộc khảo sát khoa học của tôi để giúp nó khuây khỏa nỗi lòng. Nó đã tham dự vào tất cả các công việc của tôi và là người giúp việc trung thành của tôi. Nhưng than ôi, tôi chưa bao giờ xua tan được nỗi buồn vô hạn của nó cả. Cuối cùng, hai năm sau, tôi xin nghỉ hưu, và chúng tôi đã trở về nước Pháp. Từ đó đến nay, chúng tôi sống thay đổi, lúc ở Paris, lúc ở ngôi nhà cũ của tôi ở Val-Fere gần Brest.
Thế là, phải chăng số phận đã định cho chúng tôi sẽ được gặp lại đứa con trai của mình, đứa cháu mà chúng tôi đã bao năm khóc thương - nó sẽ bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà ấy? Niềm hy vọng hấp dẫn quá, đến nỗi tôi không dám báo cho con gái tôi biết, trong khi tôi chưa nắm chắc hoàn toàn sự việc. Quả thật đây là một cuộc hồi sinh thật sự! Và nếu bây giờ tôi phải từ bỏ niềm mơ ước của mình thì đó sẽ là điều thất vọng cay đắng biết nhường nào!...
Hôm nay là thứ Hai. Ở bưu điện người ta cho tôi biết thứ Bảy tôi có thể nhận được trả lời!...”
Êrik khó khăn lắm mới đọc xong lá thư. Những giọt lệ làm mắt chàng mờ đi. Cũng như ngài Đuyren, chàng sợ vội vàng tin vào niềm hy vọng đột ngột đến với chàng, nhưng chàng cũng nói với mình rằng mọi cái đều trùng hợp: sự việc, ngày tháng và những tình tiết nhỏ nhất… Đó có lẽ là một sự kỳ lạ thật sự! Làm sao chàng có thể tin được vào điều đó sau ngần ấy thất vọng! Cùng một lúc tìm được cả gia đình, mẹ và tổ quốc! Và tổ quốc mới tuyệt làm sao!...Đúng là tổ quốc mà chính chàng đã mong muốn lựa chọn, bởi vì đây là một nơi đã thể hiện được một cách kỳ diệu nhất tất cả những hào hoa, tài năng và sự cao cả của nhân loại. Bởi vì nơi đây qui tụ những thiên tài của nền văn minh cổ đại, tinh thần và ngọn lửa của các thời đại mới!
Chàng cảm thấy như chàng đang nằm mơ thấy tất cả những chuyện đó. Biết bao lần niềm hy vọng đã lừa dối chàng!...Và bây giờ đây, có thể là chỉ cần một lời của bác sĩ thôi cũng đủ để làm tiêu tan niềm mơ ước tuyệt vời. Nhưng dẫu thế nào thì trước hết cũng cần phải hỏi ý kiến bác sĩ đã.
Bác sĩ chăm chú đọc bức thư, nhiều lần phải thốt lên những tiếng reo ngạc nhiên và vui mừng.
- Không có gì đáng nghi ngờ cả - cuối cùng ông nói -Mọi tình tiết đều hết sức khớp với nhau, kể cả những điều mà ông phóng viên không quên nói tới, những chữ viết tắt thêu trên quần áo, câu danh ngôn khắc trên chiếc nhẫn nhỏ, đều y hệt như trên phong bì và thư của ngài ấy… Chú bé yêu quí của tôi, lần này thì con tìm thấy gia đình mình thật rồi! Con phải đánh điện ngay cho ông con đi...
- Nhưng báo cho ông thế nào ạ? - Êrik hỏi, tái người đi vì sung sướng.
- Con hãy báo là ngày mai con đáp tàu tốc hành, và con mong sớm được ôm mẹ và ông!
Chỉ kịp trao đổi một cái bắt tay nồng nhiệt với con người cao thượng ấy, chàng thuyền thường trẻ chạy luôn ra khỏi nhà và nhảy lên một chiếc xe ngựa, để tranh thủ thời gian đến nhà bưu điện sớm.
Ngay hôm đó chàng đáp tầu tốc hành từ Xtôckhôm đi Malmjô ở vùng biển phía Tây Thụy Điển, tăng bo qua một cái eo mất hai mươi phút gì đó, rồi chuyển sang tàu hỏa đi Kôpenhaghen chạy suốt qua Hà Lan và Bỉ, sau đó chuyển lên tàu Bruysel -Paris.
Bảy giờ tối hôm thứ bảy, đúng ngày thứ sáu kể từ khi ngài Đuyren gửi lá thư của mình đi, ông náo nức vui mừng đợi gặp đứa cháu mình ở nhà ga Bắc. Dọc đường, Êrik đã liên tục gửi hết bức điện này đến bức điện khác để rút ngắn cho cả hai người những giây phút chờ đợi mệt mỏi.
Cuối cùng, con tàu đã ầm ầm lao qua những vòm cửa kính cao của nhà ga. Ngài Đuyren và đứa cháu trai của ngài lao đến ôm chầm lấy nhau. Trong những ngày gần đây nhất, họ đã gắn bó với nhau trong những ý nghĩ của mình đến mức cả hai đều đã bắt đầu thấy như quen biết nhau từ lâu lắm ra.
- Thế mẹ cháu đâu ạ? - Êrik hỏi.
- Ông vẫn chưa dám kể hết mọi điều cho mẹ cháu biết, chừng nào ông chưa gặp mặt cháu - ngài Đuyren trả lời, chuyển ngay sang cách xưng hô trìu mến “ông - cháu”.
- Mẹ cháu vẫn chưa biết gì ạ?
- Mẹ cháu đang nghi hoặc, sợ hãi, hy vọng! Khi vừa nhận được điện của cháu một cái là ông bắt đầu dần dần chuẩn bị tinh thần cho mẹ cháu, chẳng bao lâu nữa sẽ được đón nhận niềm vui chưa từng có. Ông bảo với mẹ cháu rằng hình như có một sĩ quan Thụy Điển muốn tìm gặp ông; rằng ở Brest ông đã gặp một thủy thủ trẻ và rất có cảm tình với anh ta... Nhưng mẹ cháu vẫn chưa biết gì cả và chưa đoán ra được điều gì hết, mặc dù đã bắt đầu nghi rằng có tin mới nào đây... Sáng nay, sau bữa điểm tâm, khó khăn lắm ông mới giấu được mẹ cháu nỗi sốt ruột của mình. Ông cảm thấy mẹ cháu chăm chú quan sát ông. Nhiều lần ông thấy mẹ cháu cứ định đòi ông phải thật tình giải thích hết mọi chuyện. Thú thật, ông sợ nhất điều đó. Ai mà biết được chuyện bất hạnh gì đây sẽ có thể giáng xuống ông và mẹ cháu, nếu như xảy ra một sự ngộ nhận hất ngờ hoặc phát sinh một trở ngại không lường trước! Trong một chuyện như của chúng ta thế này, có thể đề phòng tất cả… Để khỏi phải gặp mẹ cháu trưa nay và khỏi lâm vào tình trạng khó xử, ông đã phải viện cớ có công chuyện gấp để trốn đi.
Không đợi lấy hành lý, họ đi về phố Đêvaren bằng chiếc xe ngựa hai chỗ ngồi do chính ngài Đuyren điều khiển.
Trong khi đó, ở nhà một mình, bà Đuyren sốt ruột đợi cha về.
Ngài Đuyren đã đoán đúng, con gái ngài định sau buổi ăn trưa sẽ mời cha nói chuyện thẳng thắn. Đã mấy ngày nay bà thấy lo lắng trước những cử chỉ lạ lùng của cha và rất nhiều những bức điện mà cha nhận được, trước những lời bóng gió mơ hồ nào đó mà cha thường nói. Hai cha con đã quen tin nhau trong mọi ý nghĩ và tình cảm của mình, vì vậy bà không hề nghĩ rằng cha lại có thể giấu giếm mình điều gì. Đã nhiều lần bà định thổ lộ với cha, nhưng lại không lỡ phá mất ý đồ "lặng thinh đến cùng" của cha. "Chắc là cha đang chuẩn bị cho mình một sự bất ngờ gì đây - bà nghĩ - chẳng nên làm cha mất vui".
Nhưng hai ba ngày gần đây và nhất là buổi sáng hôm nay bà thấy có cái gì đấy rất là nóng lòng sốt ruột biểu hiện trong mỗi cử chỉ của ngài Đuyren, trong ánh mắt hạnh phúc của ngài...
Và bỗng bà như chợt hiểu ra điều gì. Bà lờ mờ hiểu rằng đã có những dấu hiệu hy vọng nào đó xuất hiện, rằng cha có lẽ đã lần ra được dấu vết nào đấy và lại hy vọng tìm ra đứa con trai mất tích của bà. Thậm chí cho rằng sự việc đã tiến triển xa nên bà đã kiên quyết hỏi dò cha mọi tình tiết.
Bà Đuyren chưa bao giờ từ bỏ ý nghĩ cho rằng con trai bà vẫn có thể còn sống. Chừng nào người mẹ chưa tận mắt thấy đứa con mình chết, chừng ấy bà vẫn chưa tin rằng nó chết. Bà sẽ làm cho mình tin rằng những người chứng kiến đã nhầm, và thậm chí nhiều năm trôi qua, nhưng bà vẫn hy vọng đứa con mất tích sẽ bất ngờ trở về và bà cứ đợi chờ nó suốt.
Nói về bà Đuyren thì bà có những cơ sở lớn hơn nhiều người khác để gìn giữ, ấp ủ hy vọng của mình. Tất cả những nỗi khủng khiếp đã trải qua vẫn còn rõ như in trong ký ức của bà, những bức tranh bi thương vẫn như hiện ra trước mắt bà, tựa hồ những sự kiện của hai mươi hai năm trước mới xảy ra đâu hôm qua vậy.
Bà nhìn thấy trước mắt mình chiếc tàu “Cintia” bị bão táp bao vây suýt đắm ngay từ đợt sóng đầu tiên đập vào. Bà thấy mình đang buộc đứa con vào một chiếc phao cứu hộ to giữa lúc hành khách và thủy thủ đánh nhau dành chỗ trên các xuồng cứu hộ. Bị đám đông chen lấn, bà van xin, yêu cầu mọi người cho dù chỉ một mình đứa con bà xuống xuồng thôi cũng được. Nhưng lúc ấy, một người nào đó đã giằng lấy từ tay bà cái báu vật vô giá ấy của bà, còn bản thân bà thì bị ném xuống xuồng. Hầu như đúng lúc ấy, một cơn sóng mới đã ập đến, và ôi thật là khủng khiếp! Cái phao cứu hộ thoáng hiện trên ngọn sóng, những dải đăng ten của chiếc nôi bay tung lên và thế là cơn gió đã cuốn phăng miếng mồi của nó, như cuốn một cái lông hồng rơi vào luồng bão. Tiếng gào thét xé lòng hòa lẫn với những tiếng kêu la, rên rỉ thảm thiết của những con người khiếp sợ. Rồi cuộc vật lộn tuyệt vọng, bóng đêm ập xuống, ngất lịm mê man... Sau đó tỉnh dậy, đau xót vô cùng, những đêm sốt và mê sảng vật vã... Và kế đến là những cuộc tìm kiếm kéo dài và không có kết quả, là nỗi đau đớn tuyệt vọng, thu hút hết mọi tình cảm khác của bà.
Ôi, sao mà tất cả những điều ấy còn in rõ trong tâm trí bà đến thế! Hay nói đúng hơn, tấn bi kịch đã qua đó tác động đến bà một cách ghê gớm, đến nỗi bà không thể hồi phục trở lại được nữa. Gần một phần tư thế kỷ đã qua, kể từ khi xảy ra chuyện ấy, vậy mà bà Đuyrcn vẫn tiếp tục khóc thương đứa con mình như những ngày đầu vậy. Trái tim người mẹ khốn khổ của bà đã kiệt sức vì đau khổ, và cả cuộc đời của bà, cuộc đời ảm đạm màu tang, đã được hiến trọn cho những hồi ức.
Bà vẫn thường tưởng tượng trước mắt mình hiện lên hình ảnh đứa con trai, lần lượt từ nhỏ tới lớn. Tuổi thơ ấu được thay thế bằng tuổi thiếu niên, cậu thiếu niên trở thành chàng thanh niên. Cứ sau mỗi tuổi bà lại tưởng tượng vẽ nên bức tranh con trai bà có thể trở thành một người như thế nào và trong thực tế nó có thể là người như thế nào… bởi vì không có phút nào bà nguôi tin rằng con bà sẽ trở về. Không gì có thể làm lung lay được niềm hy vọng bản năng của bà - kể cả những điều bận rộn vô ích, những cuộc tìm kiếm không có kết quả và thời gian đã trôi qua.
Đấy là lý do tại sao buổi chiều hôm ấy bà đã chờ đợi cha với ý định kiên quyết giải tỏa mọi điều nghi ngờ đã giày vò bà.
Ngài Đuyren bước vào phòng. Cùng đi với ông là một chàng thanh niên được giới thiệu với bà như sau:
- Con yêu quí, đây chính là Êrik Hecsêbom mà cha đã kể với con. Cậu ấy vừa mới đến Paris - Hội địa lý đã xét tặng cậu huy chương danh dự lớn, và cậu đã dành cho cha điều vinh dự là vui lòng đến thăm nhà ta.
Trên đường từ ga về hai người đã thỏa thuận với nhau về cách ứng xử của Êrik. Chuyện về đứa bé được tìm thấy ở gần Nôrôê thì chàng sẽ nói sau và làm như vô tình nhắc đến thôi. Và khi nói phải rất cẩn thận để không gây cho bà Đuyren sự chấn động mạnh mẽ và gợi cho bà nghĩ rằng chàng chính là con trai của bà. Nhưng, khi Êrik nhìn thấy người mẹ của mình, chàng không còn đủ sức đóng cái vai ấy nữa. Người trắng bệch ra như tờ giấy, chàng cúi đầu chào, không thốt nên lời.
Còn bà mẹ thì niềm nở chào chàng, hơi nhổm dậy trong chiếc ghế bành. Và, bỗng mắt bà mở to, môi bà run run, đôi tay bà chìa ra phía trước chào đón.
- Con trai tôi! Cậu là con trai tôi! - bà kêu lên và lao về phía Êrik - Phải rồi, con, con... con đúng là con của mẹ rồi! - bà nói - Mẹ đang thấy trước mặt mẹ là cha của con! Cha con đang sống lại trong toàn bộ hình ảnh của con.
Trong khi đó, Êrik, nước mắt đầm đìa, quỳ xuống trước mặt mẹ mình. Người phụ nữ tội nghiệp ôm lấy đầu con, hôn vào trán con, phát điên lên vì sung sướng và hạnh phúc.