Chương mười bảy
Tác giả: Jules Verne & André Laurie
Cửa ra vào căn nhà mở toang. Bước vào nhà, bốn nhà du hành đều tin chắc rằng căn phòng duy nhất trong nhà vừa mới đây thôi vẫn có người ở. Trong bếp lò làm bằng ba hòn đá, những que củi đang cháy âm ỉ được phủ lên một lớp tro nhẹ như bông, khẽ thổi một cái là bay tung. Giường là một cái khung bằng gỗ trên đó có mắc chiếc võng lính thủy còn in dấu thân người.
Êrik nhận ra ngay dấu hiệu của tàu "Vêga" trên chiếc võng ấy.
Một chiếc xương bẹt to - xương vai của một con thú đã hoá thạch được đặt trên bốn cái xương chày làm thành tựa hồ như một cái bàn, trên đó thấy có những vụn bánh mì khô cho người đi biển, một cái chén thiếc và một cái muỗng gỗ của Thụy Điển.
Không còn gì nghi ngờ nữa, họ đang ở trong nhà Patric Ô Đônôgan, và căn cứ vào mọi điều thực tế, thì hắn vừa mới đi khỏi đây thôi. Hắn rời đảo rồi chăng? Hay là trái lại, hắn đi khảo sát đảo? Điều đó chỉ có thể xác định bằng cách đi quan sát địa hình một cách chăm chú.
Đất được đào xới và các rãnh chung quanh căn nhà chứng tỏ công việc lao động ở đây khá cần cù. Khoảng hai mươi chiếc ngà voi mamut xếp thành hàng trên đỉnh gò bằng phẳng đã chỉ rõ mục đích của công việc này là thế nào rồi. Rõ ràng là các công việc đào bới đã được thực hiện bằng cách khai quật hài cốt các giống vật đã bị biến mất từ lâu. Các nhà du hành đã thật sự tin chắc như vậy khi họ để ý thấy hầu như tất cả các bộ xương voi và mamut, vứt lăn lóc ở đây đều thiếu ngà. Vậy là dân vùng duyên hải Xibir đã kịp thu nhặt hết ngà. Không cần phải đợi Patric Ô Đônôgan đến. Bởi vậy tên người Ailen mới phải làm công việc đào bới. Tuy nhiên, những chiếc ngà hắn tìm được dưới lớp đất chất lượng không cao gì.
Nhưng, không phải vô cớ mà viên bác sĩ trẻ ở tàu "Vêga" cũng như ông chủ tửu quán "Mỏ neo đỏ" ở Niu-York đều đã khẳng định rằng lười biếng là đặc điểm của Patric Ô Đônôgan! Vị tất hắn đã có thể đủ kiên nhẫn để bắt mình phải làm lâu dài cái công việc lao động chẳng bỏ công và ít lợi lộc này. Chắc chắn, hễ có dịp một cái là hắn chuồn luôn khỏi đảo Ljakhôv lớn mà thôi. Hy vọng duy nhất có thể bắt gặp tên người Ailen ở đây chỉ là những dấu vết của hắn vừa mới còn ở trong nhà.
Thoải theo sườn đồi bên kia có một con đường mòn dẫn xuống bờ biển. Các nhà du hành đi theo đó và lúc sau đã đến bên một cái hố tuyết tan làm thành một cái hồ nước ngọt nhỏ ngăn cách với biển bằng một dãy núi. Con đường mòn còn kéo dài nữa, đi men theo bờ hồ nước ấy và lượn quanh các vách đá trên bờ, rồi đứt đoạn ngay chỗ bến cảng tự nhiên.
Trên bãi cát bồi thấy ngổn ngang chiếc xe trượt tuyết và tro bếp vừa tàn. Êrik quan sát kỹ bờ biển, nhưng không thấy có dấu vết nào do thuyền đã rời bến để lại cả.
Chàng quay lại những người cùng đi, thấy dưới một bụi cây, cách chỗ đống lửa không xa lắm, có vật gì đó có màu sắc sặc sỡ. Đó là một cái vỏ hộp đựng thịt bằng sắt tây người ta thường gọi là "thịt hộp", mà hiện nay các kho thực phẩm trên tất cả các tàu đều chất đầy. Thoạt nhìn thì việc ấy chẳng có gì đặc biệt cả, vì Patric Ô Đônôgan được cung cấp lương thực thực phẩm của tàu “Vêga” kia mà. Nhưng cái nhãn hiệu in tên nhà máy sản xuất: “Martines Domingo, Valparaiso” dán trên hộp đã khiến Êrik chú ý.
- Thế nghĩa là Tuyđor Braun đã đến đây - Êrik bật kêu lên ngay.
- Bởi vì, trên tàu "Vêga" người ta đã nói với chúng ta là tàu của hắn đã đậu ở Vankuver mà... Những đồ hộp sili này đâu phải từ tàu "Vêga" mang đến, hơn nữa, hộp hoàn toàn còn mới! Từ lúc cái hộp sắt tây này được mở đến nay chưa đầy ba ngày, mà cũng có thể mới như một ngày.
Bác sĩ Svariênkrôna và Brêđêzhor đã tính phản đối điều khẳng định rất mực kiên quyết ấy, thì bỗng Êrik, từ nãy đến giờ vẫn tiếp tục xem xét kỹ cái hộp nhặt được, đã phát hiện một chi tiết có thể bác bỏ hoàn toàn bất kỳ điều nghi ngờ nào. Trên nắp hộp có mấy chữ viết nguệch ngoạc, có lẽ là chữ của người giao hàng: "Albatros".
- Tuyđor Braun đã đến đây! - Êrik nhắc lại - Hắn đến đây để làm gì, nếu không phải để gặp Patric Ô Đônôgan? Bây giờ thì đã rõ cả rồi! Hắn đã lên bờ vịnh này, còn các thủy thủ đợi ở đây và ăn sáng bên đống lửa. Tuyđor Braun đã đi lên đồi gặp người Ailen và đưa hắn đi khỏi đây - có tự nguyện không hay là bị cưỡng bức - thì cũng vậy thôi! Con tin chắc điều đó đến mức như chính mắt mình trông thấy vậy.
Nhưng, mặc dù tin chắc như thế, Êrik vẫn quyết định xem xét kỹ trên đảo để khẳng định dứt khoát không có Patric Ô Đônôgan ở đây. Không đầy một giờ sau, mọi người đã biết rõ phần còn lại của đảo hoàn toàn hoang vắng. Ở đó không có một con đường mòn nào, không có dấu vết của loại thú rừng nào. Tứ phía, nhìn đâu cũng thấy mút tầm mắt toàn những cồn cát và bãi cát, không có cây cối, chim muông, côn trùng, không có một thứ gì gọi là có thể phá vỡ được sự tĩnh mịch ngự trị nơi đây. Chỉ thấy khắp nơi trên mặt đảo ngổn ngang những đống xương lớn, chắc là từ thời xa xưa, đã từng có những bầy voi mamut và bò rừng kéo về đây để lánh một tai nạn khủng khiếp nào đấy và đã bỏ xác trên mảnh đất heo hút này. Còn ở xa kia, sau những cồn cát, những quả đồi, là dãy núi băng tuyết phủ quanh năm, chạy dài như một bức thành khổng lồ.
- Ta trở về thôi! - bác sĩ Svariênkrôna nói - tìm kiếm thêm càng vô ích. Chừng ấy cũng đủ kết luận Patric Ô Đônôgan chuồn rồi.
Chuyến lên đảo chiếm mất bốn tiếng đồng hồ, chiếc xuồng vừa về đến nơi, “Aljaska” rời bến ngay.
Êrik giờ đã không còn hy vọng gì nữa. Chàng không dấu diếm điều đó. Tuyđor Braun, có lợi thế về thời gian, đã đến đảo Ljaklôv lớn trước và, không còn nghi ngờ gì nữa, đã đưa Patric Ô Đônôgan đi rồi. Thế là từ nay, vị tất có khi nào tìm được hắn nữa! Kẻ đã có gan làm mọi chuyện để chống lại “Aljaska”, điên cuồng tìm mọi cách đưa tên Ailen đi khỏi một nơi như thế này, tất nhiên cũng tính chuyện xóa hết dấu vết của hắn. Thế giới mênh mông quá, va hết thảy biển khơi bao la lại mở ra trước mặt “Albatros”! Làm sao biết được hắn đã đưa Ô Đônôgan và điều bí mật của chàng đi về hướng nào.
Đó là điều mà thuyền trưởng tàu “Aljaska” vừa đi đi lại lại trên tầng lại vừa suy nghĩ sau khi ra lệnh cho tàu nhắm hướng tây, tới mũi Chêljuskin. Và thêm vào những suy tư buồn bã ấy là sự cắn rứt lương tâm nữa. Làm sao chàng lại có thể để cho những người bạn của mình phải chia sẻ với mình tất cả những nỗi nguy hiểm và khó khăn trên cuộc hành trình vô ích gấp đôi này? Vì Tuyđor Braun chẳng những đã tìm được Norđenshelđ trước “Aljaska”, mà lại còn đến quần đảo Ljakhôv trước nó nữa! Và họ sẽ trở về Xtôckhôm nữa kia chứ! Nhưng không hoàn thành được một nhiệm vụ nào đặt ra cho đoàn thám hiểm cả? Thật tình mà nói thì như thế có phải vận đen lớn quá không?... Thôi đành để cho việc an toàn trở về Xtôckhôm của “Aljaska” đóng vai trò khẳng định thêm giá trị của hành trình tàu “Veag” vậy! Đành làm thêm một cuộc thực nghiệm để khẳng định khả năng có thể sử dụng con đường đông bắc vậy! Bằng giá nào cũng cần phải đến được mũi Chêljuskin và đi vòng quanh đó từ phía đông sang phía tây! Bằng giá nào cũng phải trở về Thụy Điển qua biển Karsk!
Và thế là cái mũi Chêljuskin nguy hiểm mà mới đây đã coi là không thể vượt qua được, bây giờ đây “Aljaska” lại phải mở hết tốc lực để chạy đến đấy. Đuờng đi của nó không hoàn toàn lặp lại đúng y như hành trình của “Vêga” xuất phát từ cửa sông Lêna là nơi nó đã đến trước khi đến quần đảo Ljakhôv. Êrik thấy không cần thiết phải tiếp cận bờ biển Xibir. Sau khi bỏ qua ở mạn tàu bên phải các đảo Slôlbôvôi và Sêmênôvski được ghi trong nhật ký của tàu ngày 4 tháng Tám. “Aljaska” đã thẳng về phía tây, gần như bám sát theo vĩ tuyến 76, và hành trình trên biển của nó đã diễn ra tốt đẹp, nên sau tám ngày nó sẽ vượt qua khoảng cách ba mươi lăm độ, tư kinh độ đông 1400 tới 1500 so với kinh tuyến gốc. Tất nhiên, như vậy phải tốn không ít nhiên liệu, bởi vì “Aljaska” hầu như luôn luôn phải đi ngược gió. Nhưng Êrik đã có lý khi cho rằng chàng phải đánh bài liều để làm sao thoát ra khỏi những nơi nguy hiểm này càng sớm càng tốt. Chỉ cốt đến được cửa sông Enixây, còn ở đó thì dự trữ than dễ dàng hơn.
Ngày 14 tháng Tám, giữa trưa, cả bầu trời và chân trời đều bị sương mù bao phủ dầy đặc, khiến không sao có thể tiến hành những quan sát theo mặt trời được. Nhưng dẫu sao cũng xác định được rằng “Aljaska” đã tiến gần đến mũi lớn thuộc châu Á! Êrik ra lệnh thi hành mọi biện pháp phòng ngừa và giảm bớt tốt độ, còn đến tối thì ra lệnh đi chậm hẳn lại.
Việc thận trọng như vậy là cần thiết. Sang ngày hôm sau, dây dò nước cho biết độ sâu của biển chỉ có ba mươi “fút”. Một giờ sau đã nhận ra đất liền, “Aljaska” vừa đi vừa lựa chiều cho đến khi tới vịnh và thả neo ở đó.
Êrik quyết định không lên bờ trước khi sương mù tan. Nhưng đã qua hai ngày 15 và 16 tháng Tám, mà sương mù vẫn chưa chịu biến đi. Đến lúc ấy chàng đành phải quyết định cùng Brêđêzhor, Maljarius và bác sĩ lên bờ.
Sau khi quan sát lướt qua họ tin chắc rằng vịnh biển nơi "Aljaska" thả neo, nằm trên điểm cực Bắc của mũi Chêjuskin, giữa hai bãi cát. Bờ biển ở cả hai bên vịnh đều thoải và nhô dần lên về hướng nam, tạo thành một dải đồi cao và nhập vào với dải núi cao ba trăm - bốn trăm mét thỉnh thoảng vẫn có thể nhận ra qua các luồng ánh sáng trong màn sương mù. Ở đây cũng như ở các nơi khác của Bắc cực, không thấy đâu có tuyết và băng cả, trừ ở vùng duyên hải. Đất pha sét được phủ lớp sương mù dày đặc - rêu, địa y. Bờ biển hoang nhộn nhạo những đàn ngỗng và vịt trời, lại thêm hàng chục chú hải mã từ dưới nước ngoi lên. Trên một mô đá có chú gấu trắng nằm phủ phục. Giá như không bị sương mù bao quanh thành một hàng dày đặc thì quang cảnh chung của mũi Chêljuskin nổi tiếng này, hay như người ta còn gọi bằng cái tên khác là “Miền Bắc” cũng chẳng đến nổi gì đặc biệt lắm, mặc dù đã hàng trăm năm nay nó vẫn bị mang tiếng buồn bã.
Khi đi về hướng đông của vịnh, các nhà du hành đã nhận thấy trên đỉnh một quả đồi có cái gì đó giống như một bia kỷ niệm và, tất nhiên họ đã vội vã tới đó xem. Hóa ra đó là một Carin (tiếng Anhl - ụ đá hình tháp được dựng để kỷ niệm trên các núi hoặc trên các mộ bia) - đống đá xếp quanh một thân cột gỗ dày.
Trên bia có hai hàng chữ đề. Hàng chữ thứ nhất viết:
“Ngày 19 tháng 8 năm 1878, tàu “Vêga” đi từ Đại Tây Dương đã vòng qua mũi Cheljuskin trên đường tới eo biển Bêrinh.”
Và hàng chữ thứ hai ghi.
“Ngày !2 tháng tám năm 1879, tàu "Albatros" xuất phát từ eo biển Bêrinh đã đi vòng quanh mũi Chêjuskin trên đường tới Đại TâyDương.”
Lại một lần nữa Tuyđor Braun đã vượt lên trước "Aljaska"! Hôm nay là ngày 16 tháng Tám rồi. Nghĩa là hắn viết dòng chữ này mới bốn ngày nay thôi!
Êrik cho rằng dòng chữ ấy có ý độc ác và mỉa mai, tựa hồ như nó muốn nói: "Mi sẽ thua cuộc đến cùng thôi! Mọi cố gắng của mi đều vô ích!... Norđenshelđ đã khám phá, còn Tuyđor Braun thì khẳng định. Mi chỉ còn việc trở về nhà như một kẻ nhục nhã và xấu hổ, chẳng khám phá được gì, chẳng tìm thấy gì, và chẳng học được gì!"
Chàng đã định bỏ đi, không thèm ghi vào những dòng đã được khắc trên cột gỗ, nhưng bác sĩ Svariênkrôna có ý muốn trả đũa. Ông rút trong túi ra một con dao và khắc những chữ sau đây:
"Ngày 16 tháng 8 năm 1879, "Aljaska " đi từ Xtôckhôm qua Đại Tây Dương, vịnh Bafinôf, các eo biển Mỹ ở vùng Bắc cực, các vùng biển Xibir, đã vòng qua mũi Chêljuskin, lần đầu tiên trên thế giới hoàn thành hải trình vòng quanh trái đất trên vùng biển Bắc cực.”
Ôi, sức mạnh diệu kỳ của ngôn từ! Cái câu đơn giản ấy nhắc Êrik biết rằng: chàng hầu như đã hoàn thành một chiến công địa lý mà thậm chí đã không nghĩ đến. Nội điều đó thôi cũng đã làm cho chàng phấn chấn trở lại. Mà đúng như thế thật! Trái với tất cả, “Aljaska” đang kết thúc hải trình lần đầu tiên trên thế giới đi vòng quanh trái đất qua Bắc cực, những người trước Êrik đã vượt qua các eo biển bắc Mỹ, tìm ra con đường Tây Bắc. Norđenshelđ và Tuyđor Braun đã vòng qua mũi Cheljuskin và đi theo con đường đông-bắc! Nhưng trước Êrik chưa có ai chạy vòng quanh cực đúng 3600 trên các biển Bắc cực để đi từ con đường này tới con đường kia cả! Đúng ra là "Aljaska" chỉ còn phải vượt thêm 800 nữa để khép kín vòng tròn ấy thôi. Để qua một đoạn đường cuối cùng này cùng lắm chỉ mất mười ngày.
Viễn cảnh ấy đã khích lệ bốn người bạn đến nỗi bây giờ họ chỉ còn nghĩ đến việc rời khỏi đây ngay. Tuy nhiên, Êrik muốn đợi đến ngày mai, hy vọng đến lúc ấy sương mù sẽ tan. Nhưng sương mù hình như là bệnh kinh niên của mũi Chêljuskin, vì thế, sáng hôm sau, thấy chẳng hy vọng có mặt trời lên, "Aljaska" đã được lệnh nhổ neo.
Sau khi bỏ lại vịnh Taimưrsk ở phía nam, "Aljaska" đã đi về phía Tây và chạy suốt ngày suốt đêm không nghỉ. Cuối cùng, sáng 18, nó ra khỏi vùng sương mù và đến vùng nắng có mây quang. Lúc giữa trưa tàu được lệnh đỗ lại. Nhưng đúng lúc ấy thủy thủ trực gác báo cáo: ở phía tây nam có cánh buồm xuất hiện.
Sự xuất hiện của một cánh buồm ở vùng biển heo hút này là sự kiện khác thường, không thể không thu hút sự chú ý đặc biệt của mọi người. Êrik lập tức leo lên "tổ quạ" và dùng ống nhòm bắt đầu quan sát chiếc tàu vừa được phát hiện. Chiếc tàu có phần chìm khá sâu, dây nhợ như của thuyền buồm, có ống khói, nhưng hiện không thấy có khói lên, bởi vì tàu không chạy bằng hơi nước.
Chàng thuyền trường trẻ tái nhợt đi vì hồi hộp, tụt vội xuống boong.
- Hình như đó là "Albatros" thì phải - Chàng nói với bác sĩ.
Đoạn Êrik ra lệnh cho đốt lò ngay lập tức.
Mười lăm phút sau đã bắt đầu thấy rõ "Aljaska" sẽ đuổi kịp chiếc tàu kia vì thân của nó mắt thường cũng đã nhìn thấy được. Nó chạy bằng buồm trong khi gió rất yếu và làm thành một góc nhọn so với hướng của "Aljaska".
Nhưng bỗng nó thay đổi tốc độ, khói đặc từ ống khói đã cuồn cuộn bốc lên để lại phía sau một vệt đen dài. Bây giờ nó chạy hết tốc lực về cùng một hướng với "Aljaska".
- Không còn nghi ngờ gì nữa! Đó là "Albatros"! - Êrik lẩm bẩm.
Và chàng ra lệnh cho thợ máy chính tăng thêm hơi, "Aljaska" đã chạy với tốc độ mười bốn hải lý. Một phần tư giờ sau, nó lên mười sáu hải lý giờ.
Chắc chắn là chiếc tàu đang bi truy đuổi không thể tăng được tốc độ như vậy, vì "Aljaska" đã bắt đầu đuổi kịp nó. Sau nửa giờ, "Aljaska" đã tiến gần "Albatros" đến mức đã có thể phân biệt được vị trí các cột buồm, đuôi nước rẽ sau tàu, người đi lại tất bật trên boong, và kế đến là hoa văn trang trí trên đuôi tàu, thậm chí có những chữ tạo nên từ "Albatros" nữa.
Êrik ra lệnh kéo cờ Thụy Điển lên. Lập tức bên "Albatros" cũng treo ngay lá cờ sao của liên bang Mỹ.
Mấy phút sau, khoảng cách hai tàu đã rút xuống còn ba trăm - bốn trăm mét, khi ấy, thuyền trưởng tàu "Aljaska" bước lên cầu chỉ huy và kêu vào loa bằng tiếng Anh:
- Nghe đây, "Albatros", tôi muốn nói chuyện với thuyền trưởng!
Có ai đó bước lên cầu thuyền trưởng tàu “Albalros”. Đó là Tuyđor Braun.
- Tôi là chủ và thuyền trưởng của chiếc tàu buồm này - hắn nói - ông cần gì ở tôi?
- Tôi muốn biết Patric Ô Đônôgan có ở trên tàu của ông không?
- Patric Ô Đônôgan trên tàu của tôi và bây giờ sẽ nói chuyện với ông - Tuyđor Braum trả lời.
Theo hiệu của hắn, một người nào đó đã đứng bên cạnh hắn trên cầu.
- Patric Ô Đônôgan đây - tên chủ tàu "Albatros" nói tiếp - ông cần gì ở anh ta?
Êrik bấy lâu nay những chỉ ước mong có cuộc gặp gỡ này và đã phải đi xa đến như thế để tìm kiếm nó. Thế mà bây giờ, khi đứng trước cái con người tóc màu hung, mũi tẹt, đang nhìn chàng với ánh mắt nghi hoặc này, chàng lại cảm thấy mình lúng túng, thậm chí lúc đầu không biết hỏi hắn điều gì nữa. Cuối cùng, chàng đã tập trung tư tưởng và bắt mình phải lên tiếng:
- Tôi muốn nói chuyện riêng với ông ta một cách cặn kẽ. Tôi tìm ông từ suốt nhiều năm nay và đã bơi đến vùng biển này đây để tìm ông. Ông có thể sang bên tàu tôi được không ?
- Tôi đâu biết ông và cũng không muốn biết nữa! Tôi ở bên này tốt lắm rồi - Ô Đônôgan đáp.
- Còn tôi thì lại biết ông đấy! Tôi được ngài Boul ở Niu-York cho biết ông đã có mặt trên tàu "Cintia" khi nó bị nạn và đã kể với ngài ấy về đứa bé bị buộc vào cái phao cứu hộ.Chính tôi là đứa bé ấy đây và tôi muốn được biết hết mọi chi tiết mà ông đã biết.
- Ai đó đã kể cho ông những điều ấy thì kệ họ. Tôi không muốn nói gì với ông hết!
- Chẳng lẽ ông không cho đây là một việc của lương tâm ông hay sao?
- Ông muốn nghĩ thế nào tùy ông, còn tôi thì tôi nhổ toẹt vào cái ấy. - Tên thủy thủ trả lời
Êrik quyết định không để lộ nỗi lo âu của mình.
- Tốt hơn hết là ông hãy tự nguyện kể lại những điều tôi muốn biết, đừng để phải đưa chuyện ấy ra tòa.
- Ra tòa ư? Thì ông hãy cứ thử đưa tôi ra tòa trước đi đã nào!
Patric Ô Đônôgan mỉm cười đáp.
Đến đây, Tuyđor Braun xen vào.
- Ông thấy đó. Đâu phải lỗi tại tôi mà ông không thể thu nhập được những điều ông quan tâm. Như vậy, tốt hơn chăng ta chấm dứt cuộc nói chuyện thú vị này và đường ai nấy đi?
- Tại sao đường ai nấy đi? Tạm thời ta hãy cùng đi với nhau đến những nơi văn minh để giải quyết những công việc chung của chúng ta đã. Như vậy có phải hay hơn không? - Thuyền trưởng “Aljaska” đáp.
- Tôi với ông không có những công việc chung nào hết, còn bạn đồng hành thì tôi không cần - Tuyđor Braun phản đối, định rời khỏi cầu.
Êrik ra hiệu ngăn hắn lại.
- Hãy nghe đây, ông chủ tàu "Albatros"! - Chàng kêu to lên - Tôi được chính phủ nước tôi cho quyền và nhân danh sĩ quan cảnh sát hàng hải, tôi yêu cầu ông xuất trình ngay giấy tờ tùy thân của ông!
Tuyđor Braun thậm chí chẳng thèm đáp lại: hắn rời khỏi cầu đi xuống cùng Patric Ô Đônôgan.
Sau khi đợi một phút Êrik lại kêu to:
- Chủ tàu "Albatros", tôi tố cáo ông đã âm mưu đánh đắm tàu của tôi ở Bas-Fruad, trên bãi bồi Sen, và tôi sẽ buộc ông phải trả lời về tội ác này trước toà án hàng hải! Nếu ông không tuân theo yêu cầu của tôi, tôi sẽ phải dùng sức mạnh!
- Ông cứ thử đi. nếu ông thấy có lợi! - Tuyđor Braun kêu lên, và tức khắc ra lệnh tiếp tục lên đường.
Trong thời gian thương thuyết ấy, tàu của hắn đã chuyển hướng lúc nào không biết và bây giờ đường chạy của nó so với mũi tàu "Aljaska" làm thành một góc vuông. Bất thình lình chân vịt của "Albatros" bắt đầu làm việc, khoả tung bọt nước. Một hồi còi lanh lảnh vang lên xé tan bầu không khí, và con tàu lao đi hết tốc lực về phía cực Bắc.
Hai phút sau, “Aljaska” phóng đuổi theo nó.