Chương 1
Tác giả: Khánh Vân
Du giơ tay bấm chuông. Có lẽ cái đường dây chuông này dài ghê lắm, nên tiếng kêu của nó lọt thỏm vào đâu đâu xa lắc.
Tùng đứng cạnh anh, tay xách nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ. Nào là máy chụp hình với cả bộ chân khung, nào là phao bơi chưa thổi hình cái ca nô với cặp bơi chèo. Du nhìn bạn buồn cười. Chỉ cần rủ một tiếng bâng quơ đi miền Trung thăm bà cô, là Tùng hăm hở đòi theo ngay, hắn vốn khoái màn phiêu lưu miền đất lạ mà.
- Sao mày không để hành lý trong xe, cửa mở mình lái thẳng vào sân, gánh gồng mà làm gì ? - Anh hỏi.
Tùng lơ ngơ nhình lại mình:
- Ờ há, bộ cái sân rộng lắm hả mày ?
Phụ bạn bỏ trở lại hành lý vào băng sau, Du nhún vai:
- Có biết đâu. Đã nói tao ra đây lần đầu tiên mà. Nhưng nghe nói bà cô hơn nửa đời người không giao tiếp với ai, đợi người ta ra mở cửa cũng lâu lắc, cứ ôm đồ đứng đợi đến bao giờ ?
Tùng gật gù ngắm cánh cổng to lớn với giàn hoa tím buồn tẻ. Anh định hỏi Du điều gì đó thì bỗng nghe tiếng động lách tách làm Du đang dựa vào xe cũng phải quay lại nhìn.
Cánh cổng sắt nặng nề mở ra từ từ, chầm chậm với tiếng đệm theo làm anh nghe rợn người.
Tùng mớ to mắt nhìn khung cảnh trước mặt. Một con đường nhỏ trải sỏi dài hun hút từ sau cánh cống dẫn đến một ngôi nhà kiểu cổ ở tít bên trong. Hai bên con đường sỏi ấy cây cối mọc theo hàng lối khá đẹp.
Du lên tiếng hỏi người mở cổng, một ông già, có lẽ là người làm vườn vì đôi tay vẫn còn cầm cái kéo xén cỏ.
- Chào ông! Xin hỏi đây có phải là biệt thự Thủy Hoa không ạ ?
Ông ta gật đầu, mắt nhìn dò xét:
- Các cậu từ Sài Gòn ra phải không ? Hãy vào trong. Bà chủ đã mong đợi từ mấy ngày nay rồi.
Ông mở rộng thêm cánh cổng để Du lái xe vào. Tiếng sỏi lạo xạo dưới bánh xe, cây cảnh và những hàng hoa màu sắc trôi chầm chậm hai bên cửa kính làm Tùng xuýt xoa. Khung cảnh thật đẹp!
Một người đàn bà độ sáu mươi mặc tấm áo màu xám đứng chờ hai người ở ngôi nhà chính, trên bậc tam cấp mời họ vào trong gian phòng khách rộng mênh mông với bộ bàn ghế gỗ chạm trố và la liệt tranh họa trên tường mang phong cách cổ xưa.
- Mời hai cậu ngồi, tôi sẽ vào báo với bà chủ - Bà lên tiếng.
Tùng đặt mớ hành lý xuống sàn nhà, tiếng động tuy khẽ, nhưng cũng vang vọng khắp phòng.
- Ngồi tạm đi mày - Du nói - Thấy giống cảnh ra mắt vua chúa trong phim không ?
Tùng cười, đưa mắt ngó quanh.
- Nhưng ở đây đẹp thật chứ. Tao đâu có ngờ mày còn có một bà cô ở ngoài này. Ở ẩn mà như thế này giống tu tiên quá.
Người đàn bà giúp việc khi nãy đã trở ra, cắt ngang mẩu đối thoại của hai người:
- Xin hỏi, cậu nào là cháu bà chủ ?
Du nhướng mắt:
- Tôi đây.
- Bà chủ đòi gặp cậu ngay, mời cậu vào trong.
Để Tùng lại với đám hành lý giữa gian phòng khách rộng mênh mông, Du theo người đàn bà giúp việc vào một hành lang nhỏ.
Căn phòng bên trái đang mở cửa, một vị bác sĩ với áo choàng trắng và túi đồ nghề thầy thuốc bước ra gật đầu chào Du.
- Bà cụ muốn gặp riêng cậu. Cậu hãy vào một lát đi. Có cần gì cậu cứ nói, chúng tôi ở ngoài này.
Du bước vào phòng, ánh nắng chiều chiếu le lói từ cửa sổ làm anh hơi chói mắt:
- Sao không đóng cửa lại ?
Giọng nói bẳn gắt của người nằm trên chiếc giường cạnh khung cửa sổ làm Du giật mình.
“Lời chào đón nồng nhiệt ghê chưa!” – Du tự giễu trong khi tạm nghe lời đóng cửa phòng lại.
- Hãy đến đây.
Câu nói thứ hai cũng chát chúa không kém làm Du cau mày. Nhưng anh cũng bước lại gần giường, ngắm nhìn cho rõ người đó.
Nằm bẹp giữa đám chăn nệm là một bà già tám mươi mốt tuổi có hơn, thân thể nhỏ bé, gầy guộc, bệnh hoạn, nhưng gương mặt thì đang cau có, đôi mắt soi mói nhìn thẳng vào Du.
- Anh là Nguyễn Duy Du, con trai thằng Qúi phải không?
Câu hỏi xách mé khi gọi tên ba mình làm Du phiền lòng, anh lẳng lặng gật đầu.
Người bệnh nhìn chòng chọc vào Du một lúc khá lâu nữa, sau đó bà lẩm bẩm:
- Phong thái thật có khác chi lắm, cũng một phường ong bướm hoang đàng ngu ngốc.
Nghe tiếng được tiếng mất, Du nghiêm giọng hỏi lại:
- Bà cụ nói gì vậy ?
- Ta là cô của anh – bà quát lên giận dữ – Anh phải gọi là bà cô, nghe chưa? Hỗn hào, dám gọi cụ này cụ nọ.
Du kinh ngạc. Trời đất ơi! Cái bà cô ở ẩn này sao mà dữ quá xá vậy trời. Vậy mà Tùng vừa rồi còn ca ngợi rằng tu tiên. Tiên mà thế này chắc nhân gian loạn quá.
La lối Du một tràng, bà cô có vẻ hơi mệt, nên phải thở dốc, mắt vẫn lườm lườm nhìn vào thằng cháu không rời. Được một lúc, bà lại nói tiếp
- Bọn đàn ông các người thật y như nhau, ngu si mà còn vô tình, vô nghĩa.
Du thở ra chán ngán:
- Bác sĩ nói vào gặp bà cô ít thôi vì bà còn mệt, bà cô nghỉ đi. Cháu xin phép ra ngoài.
Ngay khi Du vừa quay lưng, một tiếng quát đã vang lên the thé:
- Đứng lại đó. Ta chưa nói xong. Ai cho phép anh đi ?
Du ngán ngẩm hết sức, nhưng nhớ lời dặn của ba me, chủ yếu đến một lần phải ráng chịu bà cô nổi tiếng trái tính trái nết này nên anh đành phải nghe theo.
Ra vẻ hài lòng khi thấy anh chịu quay trở lại, bà cô trỏ vào cái ngăn kéo ở tủ thấp kê gần giường.
- Mở nó ra.
Du lẳng lặng làm theo. Trong ngăn kéo chỉ thấy một cuốn album cũ, một phong bì Duán kín cũng cũ mèm.
Bà cô ra hiệu, anh liền mở cuốn album ra trước, và liền lập tức nỗi kinh ngạc hiện lên trên nét mặt. Hình ảnh của cuốn album đâu có lạ. Đó chính là anh, chỉ toàn là anh. Mỗi một hình đều ghi số tuổi của anh lên đó và năm được chụp, đều đặn mỗi tấm một năm từ mới chào đời cho đến tấm mới nhất. Tất cả bộ sưu tập anh đúng bong hai mươi tám tấm.
- Cái này có nghĩa là… - Anh nhíu mày.
- Đó có nghĩa là cuộc sống của anh đã được ta theo dõi sát sao kể từ lúc lọt lòng. Vì thế cũng đủ để biết con người anh ra sao. Ăn chơi, trai gái tùm lum, nếu bỏ đi tài giao tiếp làm ăn, thì anh chỉ là một giống đực huênh hoang, rỗng tuếch mà thôi….
Du hết kiên nhẫn nổi, anh cười gằn:
- Phải! Đây đúng là bản tính rất thật của tôi, nhưng bà cô nhắn tôi ra đây gấp mà làm gì? Cho một bài học đạo đức muộn màng ư? Thật vô lý khi tôi cứ bị thúc giục ra đây bằng điện tín mỗi ngày một lá. Nể lời ba mẹ, tôi phải ra, bỏ hết công chuyện làm ăn, để rồi đứng đây nghe bà mắng mỏ, chửi rủa. Tại sao bà cô theo dõi cuộc sống của tôi? Tại sao tìm hiểu về tôi trong khi từ nhỏ đến lớn chưa hề liên lạc với gia đình tôi?…
Bà cô ngắt lời Du bằng một câu nói gọn:
- Vì anh là người mà ta chọn để thừa kế gia tài.
Như hiểu rõ câu nói của mình mạnh mẽ đến độ đủ làm Du im bặt và trố mắt nhìn, bà cô cười khẩy, nói rành mạch:
- Ta đã chọn anh trong đám cháu họ mà ta có, vì dù anh có cứng đầu, hoang đàng đến đâu, anh cũng phù hợp để làm một công việc ta giao phó sắp tới.
Hiểu ra, Du nheo mắt:
- À, thì ra một mớ gia tài và một điều kiện.
- Không phải một mớ mà là hầu hết toàn bộ tài sản của ta, toàn bộ tranh họa của ta đó, đồ ngu – Bà lão giận dữ quát lên.
Ngừng một lát để thở và cũng để quan sát diễn biến trên nét mặt Du, ánh mắt bà lóe tia hài lòng khi thấy anh tỏ ra kiên nhẫn hơn. Bà thong thả nói:
- Chút nữa đây, luật sư của ta sẽ báo cho anh biết một số sơ lược trị giá phần tài sản đó. Nó cũng bỏ công anh thực hiện yêu cầu của ta.
Bà nheo mắt nhìn Du, một cái nhìn sắc bén:
- Ta cũng đã có điều tra ra anh đang có tham vọng làm một nhà phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài nhưng hiện tại đang thiếu vốn, thiếu người đầu tư. Cho nên ta nghĩ, đề nghị hôm nay của ta là cái phao cho anh đó, anh hiểu chưa?
Du im lặng. Anh trầm ngâm giây lát như cân nhắc những con toán trong đầu.
Bà cô nói không sai. Anh quả thực từ lâu vẫn có dự định làm một nhà phân phối độc lập và tầm cỡ. Anh muốn sau khi chọn lọc một số mặt hàng có chất lượng và thế mạnh san lượng ở Việt Nam, anh sẽ thương lượng với các công ty đó để được làm nhà phân phối độc quyền ở nước ngoài. Tự tin ở tài giao tiếp và đầu óc kinh doanh, anh muốn mình sẽ làm việc và giới thiệu được hàng hóa Việt Nam ra các nước.
Đó đúng là một tham vọng, mà muốn có kết quả tốt phải có đầy đủ sự ủng hộ và vốn và phải làm việc năng động hết sức mình.
Làm việc thì Du có dư nhiệt quyết, nhưng còn vốn? Ba mẹ thì vẫn luôn cho rằng tham vọng của anh là hão huyền, là xa vời quá so với cái siêu thị của gia đình. Bạn bè cùng chí hướng thì lấy đâu ra vốn để đầu tư. Câu hỏi về vốn luôn làm Du đau đầu, và cũng là nguyên nhân chính mà dự định của anh bất thành.
Vậy mà hôm nay, một bà cô xa lắc xa lơ, sống cách biệt từ lâu với gia đình, dòng họ lại khơi gợi lên tham vọng cũ ấy.
Thừa kế ư? Thoạt đầu, Du đã cười nhạo xem thường. Công việc của anh, gia đình của anh không đến nỗi nào, để mắt làm gì những chuyện tài lộc vô cớ rơi từ trên trời xuống như vậy. Nhưng bây giờ… đây đâu còn là một con số nữa, mà chính là vốn đầu tư cho dự án của anh, là chìa khóa mở cánh cửa để bước vào thương trường nước ngoài. Có là ngu ngốc, điên rồ không nếu anh lại dưng dưng từ chối cơ hội này.
Trong lúc anh suy nghĩ, bà cô già vẫn không ngừng soi mói vẻ mặt anh, như để ước đoán những gì anh nghĩ.
Du ngẩng lên nhìn thẳng vào bà, anh nói chậm từng tiếng:
- Tôi được đề nghị công việc gì ?
Gương mặt bà cô nhẹ nhõm hơn:
- Đó mới đúng là một câu hỏi thông minh. Công việc này chọn anh làm rất phù hợp, anh đừng lo.
Bà đưa tay ra hiệu cho Du:
- Hãy mở phong bì đó ra.
Cái phong bì cũ kỹ vẫn còn nằm trên tay Du. Anh đặt cuốn album lên chiếc bàn nhỏ gần đó, rồi xé mở phong bì. Bên trong có một tấm ảnh trắng đen khổ nhỏ, nước ảnh đã hơi vàng màu với thời gian.
Trong ảnh là một bé gái mắt tròn, mũi hơi hếch đang cười, nhe hàm răng sún quá nửa. Cô bé có lẽ chừng vài ba tuổi thôi.
- Hãy xem kỹ phần ghi chú phía sau.
Giọng bà cô vang lên. Du làm theo. Mặt sau tấm ảnh có vài dòng chữ nhỏ mà Du phải cố nheo mắt mới nhìn ra được. Anh lẩm bẩm theo hàng chữ mờ mờ đó:
- Lê Thị Hạnh Quân. Ngày sinh 8 tháng 3 năm 1975. Cha Lê Hòa Đức. Mẹ Thái Mỹ Hạnh.
Hàng chữ vỏn vẹn có thế. Du ngước nhìn bà cô ngạc nhiên:
- Tấm ảnh này là năm nó được năm tuổi – Bà cô giải thích – Năm nay đã lớn. Ta đã muốn cho người vào Sài Gòn tìm cách chụp tấm ảnh mới nhất của nó, nhưng vì bệnh cũ cứ tái phát nên phải hoãn lại. Ta không ghi địa chỉ, vì ta nghĩ với tiếng tăm của cha mẹ nó, hiện nay, anh có thể tìm được, huống chi theo điều tra của ta, anh từng có quan hệ làm ăn với cha nó.
Du gật nhẹ đầu:
- Đúng vậy. Ông Lê Hòa Đức khá nổi tiếng trong giới thời trang, và tôi cũng từng biết cũng như làm việc chung với ông ta. Nhưng… - Anh so vai – Con gái của ông ta thì tôi chưa gặp bao giờ, và cũng không để ý đến.
Bà cô nhếch môi:
- Vậy thì bây giờ anh cần để ý đến nó, cần phải thế. Đứa con duy nhất của gia đình đó.
Mắt Du nhướng lên như một câu hỏi. Bà cô hiểu ý trả lời ngay lập tức:
- Vì đó là đối tượng của công việc mà tôi giao cho anh làm. Tôi muốn mượn anh để trả một mối hận, một oán hờn lên con nhỏ đó. Ta muốn đòi một món nợ từ nó.
Giọng bà lão khô khốc, cay độc làm Du cau mày. Còn gì kinh ngạc hơn khi yêu cầu quá đáng như vậy? Bà điên rồi chắc.
Anh nghiêm giọng, tức giận nói:
- Đó là loại công việc gì vậy? Bà nghĩ thời đại bây giờ ra sao rồi? Trả thù? Thanh toán? Xin lỗi, tôi ra ngoài đây. Cuộc nói chuyện của chúng ta chấm dứt rồi. Bà hãy giữ lại tài sản của mình.
Vừa quay lưng, Du đã nghe tiếng quát tháo thật lớn phía sau:
- Đứng lại ! Mi phải đứng lại cho ta.
Đi thẳng ra cửa, Du không đáp trả. Tiếng la the thé của bà cô vọng ra tận hành lang. Anh đóng cửa lại sau khi bước ra ngoài, và bình thản đi qua những đôi mắt ngơ ngác, lo sợ của bà quản gia và vị bác sĩ già.
Anh đi qua phòng khách ra đến bậc tam cấp, những màu sắc tươi của hoa cỏ và mùi hương pha trộn trong gió làm Du thấy nhẹ nhàng, tỉnh trí hơn.
Cuộc nói chuyện đem lại cho anh sự bực bội lẫn khó chịu. Một bà lão đã tám mươi tuổi rồi, vậy mà vẫn nuôi một mối thù oán của thời xa xôi nào đó, để rồi mộng một ngày được trả thù. Bà chờ đợi gì? Thanh toán kiểu xã hội đen ư? Bà cần một người làm điều này, bà dõi theo cuộc sống của anh từ lúc mới ra đời, và đã chọn anh. Anh, một “sát thủ” của bà?
Ý nghĩ vừa buồn cười vừa bực mình, Du lắc đầu. Hẳn bà cô của anh đã điên mất rồi.
Có tiếng động khẽ của máy chụp hình gần đó. Du nhìn qua mấy chậu cây kiểng bên trái. Tùng đang ngắm nhìn anh qua máy ảnh, hắn hào hứng la lên.
- Cười cái coi, Du! Làm gì mà nhăn nhăn khó coi vậy.
Bước xuống bậc tam cấp, Du đi về phía Tùng. Hắn cười khoe với anh:
- Hoa kiểng ở đây cũng đẹp ghê. Tao đã tốn gần hết cuốn phim cho tòa nhà và vườn hoa ngập nắng chiều này đó. Mai sáng sớm mình ra biển chụp cảnh mặt trời mọc đi Du.
Yên lặng một chút, rồi Du nói:
- Chắc bỏ qua dịp này rồi Tùng, ta chỉ ngủ ở đây một đêm. Sáng mai thu xếp ta về lại Sài Gòn.
Tùng ngạc nhiên:
- Gì vậy? Sao lại về? Mình dự tính đã ra rồi thì ở lại vài ngày mà?
- Tao đổi ý rồi. Chắc mình phải về thôi.
Tùng phản đối:
- Nhưng mà tụi mình đi đường xa mệt thấy mồ…
Du ngắt lời:
- Tao biết. Nên tao mới nán lại một đêm nghỉ lấy sức, sáng mai về.
Tùng nhìn anh chăm chăm, nhỏ giọng hỏi:
- Bộ … có chuyện gì à?
- Ừ – Du gật đầu, vẫn còn vẻ đăm chiêu.
- Bà cô họ gì đó của mày không muốn mình ở lại lâu ? – Tùng dò hỏi.
- Không phải. Chỉ tại….
Du ngần ngừ với câu nói, rồi anh ngừng ngang để hỏi:
- Hành lý của tao đâu rồi?
Tùng ngớ ra:
- Cái bà quản gia chỉ tao phòng cho tụi mình trên lầu, một cái phòng rộng lắm. Tao đem hành lý hai đứa lên đó hết rồi. Không phải … mày muốn đem xuống để về liền chứ?
Du phì cười, lắc đầu:
- Không đâu tao đã nói sáng mai rồi mà. Tụi mình về phòng đi, có chuyện hơi khó chịu để tao kể mày nghe.
Đề nghị hấp dẫn. Tùng gật đầu đi với Du, lòng chắc mẻm sắp biết được lý do vì sao thằng bạn mình quạu quọ đòi về rồi.