Phần 12
Tác giả: Khuyết Danh
1. Ðậu phụ cắn nhau
2. Chết cũng không chừa
3. Không xu nịnh
4. Khéo tán
5. Quan lớn nhân đức thật
6. Chiêm bao tháy chết một ngàn năm
7. Con vịt hai chân
8. Nhà giàu than vãn
9. Sanh cả mình con
10. Trả nợ
1. Ðậu phụ cắn nhau
Sư cụ xơi thịt cầy vụng ở trai phòng. Chú tiểu biết, hỏi:
- Bạch cụ, cụ xơi gì đấy ạ?
Sư cụ đáp:
- Chỉ có mấy miếng đậu phụ.
Lúc ấy có tiếng chó sủa ầm ĩ ngoài cổng. Sư cụ hỏi:
- Cái gì ngoài cổng thế?
Chú tiểu đáp:
- Bạch cụ. Ðậu phụ chùa cắn đậu phụ làng đấy ạ!
2. Chết cũng không chừa
Một người đi truyền giáo nói những là tô tượng, đúc chuông làm cầu làm nhà thờ, kỳ thực được đồng nào, bỏ vào túi hết. Lúc chết xuống âm phủ, Diêm Vương bắt bỏ ngục tối. Anh ta vừa bước vào cửa ngục, đã bảo những người bị giam trong ngục:
- Các người ở đây tối thế này mà chịu được à? Mỗi người cùng cho ít nhiều, tôi sẽ thuê mở một cái cửa sổ thật to thông lên trên trời cho nó sáng ra chứ!
3. Không xu nịnh
Một người giàu thích xu nịnh, nói với một người nghèo:
- Tao giàu có, sao mày không xu nịnh tao?
Người kia nói:
- Ông giàu mặc ông, việc gì đến tôi mà tôi phải xu nịnh?
Người giàu bảo:
- Thế thì tao chia cho mày một nửa gia sản của tao, mày xu nịnh tao nhé?
Người kia nói:
- Tôi được nửa gia sản ông, tôi giàu bằng ông rồi, còn phải xu nịnh ông làm gì nữa!
Người giàu lại bảo:
- Tao cho mày cả gia sản, hẳn mày phải xu nịnh tao chứ?
Người kia nói:
- Lúc đó thì ông xu nịnh tôi mới phải!
4. Khéo tán
Một ông quan thích thơ nôm, có thầy đề khéo tán. Hễ làm được bài thơ nào, quan lại gọi thầy vào đọc cho nghe. Một hôm, quan gọi vào, bảo:
- Tôi mới làm một cái chuồng chim sau tư thất, nhân thể, có làm một bài thơ tứ tuyệt, đọc thầy nghe, có được không?
- Dạ, xin quan cứ đọc!
Quan vừa gật gù, vừa ngâm:
Bốn cột chênh vênh đứng giữa trời,
Ðứa thì bay bổng đứa bay khơi,
Ngày sau nó đẻ ra con cháu,
Nướng chả băm viên đánh chén chơi!
Thầy đề nức nở khen:
- Hay lắm! Xin quan đọc lại từng câu cho tôi được thưởng thứ hết cái hay của bài thơ!
Quan đọc lại:
Bốn cột chênh vênh đúng giữa tời,
Thầy tán:
- Hay! Tôi nghiệm như câu này, có lẽ quan sẽ làm đến chức tứ trụ, chứ không phải vừa. Khẩu khí lộ ra đấy.
Quan đọc tiếp:
Ðứa thì bay bổng đứa bay khơi,
Thầy tán:
- Như thế thì việc thăng quan tiến chức của ngày thật không lường được!
Quan lại đọc:
Ngày sai nó đẻ ra con cháu,
Thầy tán:
- Hay tuyệt! Ngày sẽ con đàn cháu đống. Bài thơ có hậu.
Quan đọc tiếp:
Nướng chả băm viên đánh chén chơi!
Thầy ngập ngừng một chút rồi khen:
- Hay quá! Về sau, ngày tha hồ phong lưu phú quý, lại được hưởng cảnh an nhà, tự do tự tại.
Quan nở mũi, đắc chí, rung đùi, sai lính dọn rượu mời thầy đề cùng uống để thưởng thức thài làm thơ của mình.
5. Quan lớn nhân đức thật
Có người hay nói nịnh, một hôm đến thăm quan huyện, vừa vào dinh, đã khen rối rít:
- Quan lớn là người nhân đức, thú dữ trong vùng này cũng phải lánh di nơi khác... Hôm qua, vừa đến địa hạt ta, tôi nhìn tận mắt thấy cọp kéo nhau từng bầy đi sang huyện bên cạnh.
Quan nghe cũng chói tai, nhưng vẫn gượng cười. Một lúc, dân tới báo quan: đêm qua cọp bắt mất ba mạng người, xin quan đưa lính về trừ đi. Quan huyện quay lại hỏi khách:
- Sao ngài bảo trông thấy cọp bỏ đi cả rồi?
Người kia bí quá, nói liều:
- Chắp quan huyện bên cạnh cũng nhân đức chẳng kém quan lớn, nên chúng nó không có chỗ trú chân, đành phải quay lại vậy.
6. Chiêm bao thấy chết một ngàn năm
Một anh có tính hay nịnh kẻ quyền quý. Một hôm đến nhà ông quan nọ, nói nịnh:
- Hôm qua, con nằm chiêm bao thấy ngài sống một ngàn năm, mừng quá, xin sang báo tin ngài rõ.
Ông quan nghe xong, có vẻ buồn rầu, chứ không mừng rỡ như anh ta nghĩ, nói:
- Sách nói chiêm bao, thấy sống tức là chết, thấy chết tức là sống, vì con người ta thuộc dương, mà ngủ thuộc âm, âm dương trái nhau. Anh chiêm bao như thế thì tôi khó toàn vẹn được!
Anh kia sợ quá, vội nói chữa:
- Bẩm, con nhầm đấy ạ! Thật ra là con thấy ngài chết một ngày năm cơ!
7. Con vịt hai chân
Có thầy đề (thư ký ngày xưa) tính hay nịnh quan, hễ trông thấy cái gì hơi khác một tí là vơ lấy, tán luôn. Một hôm, quan đang ngồi ở công đường, thầy đề đứng hầu bên cạnh, trông ra sân thấy con vịt đứng ngủ, co một chân lên. Thầy liền tìm chuyện, nói:
- Bẩm quan lớn, con vịt...
Không ngờ con vịt thức dậy, buông chân xuống. Quan quay lại hỏi:
- Con vịt làm sao, thầy?
Thầy luống cuống không biết nói gì, đáp liều:
- Bẩm, con vịt hai chân ạ!
Quan nghe thầy nói vớ vẩn, liền bảo:
- Vịt chẳng hai chân thì mấy chân, hở thầy!
8. Nhà giàu than vãn
Một lão nhà giàu vừa buôn bán vừa cho vay nặng lãi, bóp nặn từng xu, nhưng lại cứ làm ra vẻ ta đây không thích giàu sang. Một hôm lão ngồi than thở với bạn:
- Nhiều của cũng chẳng làm gì! Của càng nhiều càng khổ thân mà thôi.
Người bạn mới bảo:
- Tôi chỉ thấy thiên hạ có của, ít thì mong đựơc nhiều, nhiều lại mong nhiều hơn, chứ chưa thấy ai phàn nàn như ông bao giờ! Hay là nếu ông thấy khổ quá thì chia bớt cho tôi?
Lão vội từ chối:
- Ấy chết! Ðâu dám! Tôi có của đã lấy làm khổ rồi, đâu dám làm khổ lây đến ông!
9. Sang cả mình con
Mùa hè nóng nực, một lão nhà giàu đi chơi về, mồ hôi đầm đìa như tắm. Lão sai người ở lấy quạt ra quạt cho lão. Người ở cắm đầu quạt. Một lúc sau, ráo mồ hôi, lão khoái quá, nói:
- Ô, mồ hôi của tao nó đi đâu mất cả rồi nhỉ?
Người ở bỏ quạt xuống, vòng tay thưa:
- Bẩm nó sang cả mình con rồi ạ!
10. Trả nợ
Một anh lúc sống công nợ nhiều quá, lúc chết xuống âm phủ, các chủ nợ đâm đơn xuống vua Diêm Vương kiện.
Diêm Vương tra sổ thấy quả như vật, mới bắt anh ta hóa kiếp làm trâu cày trả nợ. Anh ta van xin:
- Con vay chúng nỏ cả thảy có mười quan tiền, nhưng chúng nó cay nghiệt lắm. Chúng nó bắt nợ mẹ đẻ nợ con, lãi nặng, rồi nhập vào vốn, con trả bao nhiêu năm trời rồi mà vẫn chưa hết nợ. Nay hóa làm kiếp trâu, cũng không xong. Xin Diêm Vương cho con làm bố chúng, may mới trả hết nợ chúng nó được!
Diêm Vương ngạc nhiên hỏi:
- Thế nghĩa là thế nào?
- Làm kiếp trâu chỉ có hạn, còn làm bố chúng nó thì chẳng những phải lo lắng cho chúng nó suốt đời người, lúc chết, có bạc nghìn, bạc vạn, cũng để lại cho chúng cả. Lại còn một nỗi, chúng nó bóp hầu bóp họng người ta, người ta cứ gọi thằng bố chúng nó ra người ta chửi. Có như vậy thì may ra con mới trả hết nợ!