Phần 3
Tác giả: Khuyết Danh
1. Không cần học nữa
2. Nói chữ
3. Mua kính
4. Cây bất bể Ðông
5. Thông thái rởm
6. Chữ Nghĩa
7. Chữ Lẽ
8. Chết nhầm
9. Văn hay
10. Thầy lang dốt
1. Không cần học nữa
Một lão nhà giàu đã dốt lại hà tiện. Con đã lớn mà không cho đi học, sợ tốn tiền. Một ông khách thấy vậy, hỏi:
- Sao không cho thằng nhỏ đi học trường?
- Cho cháu đến trường, sợ học trò lớn bắt nạt.
- Thì rước thầy về nhà cho cháu học vậy!
- Nó chưa có trí, biết nó có học được hay không?
- Có khó gì, thầy sẽ tùy theo sức nó mà dạy. Nay dạy chữ nhất là một, một gạch, qua ngày mai, dạy nó chữ nhị là hai, hai gạch, qua bữa mốt, dạy nó chữ tam là ba, ba gạch, lần lần như vậy thì cháu phải biết chữ.
Khách ra về, thằng con mới bảo cha:
- Thôi, cha đừng rước thầy về tốn kém. Mấy chữ ấy con không học cũng biết rồi... Con nghe qua là đã thuộc!
Người cha bảo nó viết chữ nhất, chữ nhị, chữ tam, nó viết được cả, ông ta khen con sáng dạ, không mời thầy về nữa. Một hôm, người cha bảo nó viết chữ vạn. Nó thủng thẳng ngồi viết, viết mãi đến chiều tối cũng chưa xong. Người cha mắng:
- Viết gì mà lâu thế?
Nó thưa.
- Chữa vạn dài lắm bố ạ! Con viết hơn nửa ngày mà được nửa chữ thôi!
2. Nói chữ
Anh nọ nghe lỏm người ta, lúc ngồi ăn, thường hay nói đến hai chữ tửu, sắc. Anh biết tửu là rượu, còn sắc thì đoán là cơm, chả còn gì khác nữa! Một hôm, có người mời ăn cỗ. uống rượu ngà ngà say, anh ta bảo bạn:
- Thôi bây giờ thì ông cho sắc ra đây thôi!
Anh bạn tưởng anh đòi xuống xóm cô đầu, bèn nói:
- Cứ uống rượu đã. Muốn có sắc thì sẽ có sắc thôi!
Anh ta càng được thể, khề khà:
- Bao giờ tôi cũng thế. Có tửu thì phải có sắc mới được. Không có sắc, cứ cồn cào trong bụng, không chịu nổi.
Ðợi một lát, không thấy bưng cơm ra, anh ta giục:
- Thôi ông bạn cho sắc ra đi thôi! Còn chờ gì nữa!
Vừa lúc ấy, vợ bạn ở trong nhà bưng liễn cơm đi ra. Anh ta trông thấy, một tay vỗ đùi, một tay chỉ liễn cơm, bảo:
- Có thế chứ! Sắc đây rồi!
Anh bạn tưởng anh kia ghẹo vợ mình, nỏi giận, vừa đánh vừa mắng:
- À thằng này láo thật! Mày muốn chim vợ ông hả?
3. Mua kính
Anh nọ dốt đặc cán mai, thấy các cụ già mang kính xem sách, cũng bắt chước ra chợ hỏi mua một đôi. Vào hiệu, bảo chủ đem kính ra chọn. Anh ta đeo vào, mượn một cuốn sách, giở ra xem. Xem xong, bảo chủ hiệu cho chọn đôi khác. Chủ hiệu chìu khách. Nhưng đôi nào, anh ta cũng không ưng ý, đôi nào cũng chê xấu. Chủ hiệu lấy làm lạ, khi liếc nhìn thấy anh ta cầm cuốn sách ngược, ông ta sinh nghi liền hỏi:
- Sao đôi nào anh cũng chê cả?
Anh ta đáp:
- Kính tốt thì tôi đã đọc được chữ rồi!
Chủ hiệu nói:
- Hay là anh không biết chữ?
Anh ta đáp:
-Biết chữ thì tôi đã không cần mua kính!
4. Cây bất biển đông
Có một thầy đồ dạy học trò sách Tam Tự Kinh, đến câu "Phàm huấn mông.." (nghĩa là: Phàm việc dạy học...) thầy không rõ nghĩa, cứ giảng liều:
- Phàm là ông Phàm, Huấn là ông Huấn, Mông là ông Mông.
Trẻ cứ thế mà gào.
Ðến bài khác có chữ bôi là cái chén, thầy cũng bí, thấy có bộ mộc đứng bên cạnh chữa bất, đoán là một loài cây, bèn giảng:
- Bất là cây bất.
Học trò có đứa hỏi:
- Thưa thầy, cây bất nó như thế nào ạ?
Thầy trả lời bừa:
- Cây bất mọc ở ngoài biển đông chúng bây biết thế nào được mà hỏi!
Ở cạnh trường có người đàn bà biết chữ, nghe thầy dạy láo, mới hát ru con rằng:
Ai trồng cây bất bể đông?
Hay là ông Huấn, ông Mông, ông Phàm!
5. Thông thái rởm
Hai ông nọ ngồi nói chuyện thiên văn. Ông bảo trời cách ta mấy chục vạn dặm, ông bảo trời xa một vạn dặm là cùng, không biết ai đúng ai sai. Một ông khác nghe nói, xen vào:
- Hai ông nói sai cả, làm gì mà xa đến như vậy? Từ đây lên đến đấy chỉ chừng ba bốn trăm dặm thôi, đi mau thì ba ngày, đi chậm thì bốn ngày là đến nơi. Vừa đi vừa về độ bảy ngày.
Hai ông kia hỏi vặn lại:
- Bằng vào đâu mà ông dám nói chắc như vậy?
Ông này ung dung đáp:
- Cứ theo lệ thường thì ngày 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời, 30 Tết lại mời ông Táo xuống. Hai ông tính xem, có phải như thế không nào?
6. Chữ nghĩa
Mấy thầy ngồi nói chuyện với nhau về chữ nghĩa, văn chương. Có thầy kể chuyện ông Trạng Hiền đời Trần mới lên tám tuổi mà đã đối đáp được với sứ Tàu. Sứ Tàu thử tài người nước ta, đọc bài thơ:
Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ sơn, điên đảo sơn.
Lưỡng vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung hoành gian.
(Nghĩa là: Hai chữ nhật ngược xuôi đều là chữ nhật. Bốn chữ sơn ngược xuôi cũng là chữ sơn. Hai ông vua tranh nhau một nước. Bốn chữ khẩu tung hoành ở giữa.)
Không ai đoán ra chữ gì. Thế mà ông Trạng Hiền trả lời được đấy. Ðó là chữ Ðiền là ruộng. Sứ Tàu phục lắm.
Một anh ngồi nghe lỏm nói lại:
- Các thầy hay chữ, tôi xin đố các thầy... "Hai cọc hai bên, khuyển trên hỏa dưới," là nghĩa gì?
Các thầy bí, nhìn nhau. Anh kia nói:
- Thưa là chữ "chó thui"!
7. Chữ lẻ
Có một ông thầy đồ dốt nhưng hay nói chữ. Ai đến chơi ngồi nói chuyện là ông tìm cách nói cho được vài câu chữ nho, tuôn ra hàng tràng nhữ chi, hồ, giả, dã ra vẻ ta đây học thông, lắm chữ. Bà vợ ở trong nhà nghe, sốt ruột. Một hôm, ngồi ăn cơm, bà bảo khẽ chồng:
- Ông ạ! Ông có một dúm chữ thì để làm lưng làm vốn, chứ gặp ai ông cũng vung vãi ra như thế thì còn gì nữa mà làm ăn?
Ông ta gắt:
- Bà biết gì mà nói! Chữ của thánh hiền, có phải như tiền bạc đâu, cứ tiêu là hết! Với lại, đó là mấy chữ lẻ, còn vốn của tôi thì tôi cất trong bụng đây này. Tôi chỉ tiêu những chữ lẻ đấy thôi.
8. Chết nhầm
Một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà nọ. Vợ chủ nhà ốm chết. Chủ nhà nhờ thầy làm một bài văn tế. Thầy nghĩ mãi không ra. Nhớ đến bài văn tế bố mình chết năm ngoái, thầy bèn sao lại, đưa cho chủ nhà. Lúc đọc, mọi người đều cười ầm lên. Chủ nhà trách:
- Sao thầy lại có thể nhầm như thế được?
Thầy trừng mắt, nói:
- Văn tế người chết hẳn hoi! Nhầm thế quái nào được. Họa chăng người nhà ông chết nhầm thì có!
9. Văn hay
Một văn nhân đang ngồi cặm cụi viết bài. Bà vợ đến bên cạnh, nói:
- Ông lấy giấy khổ to mà viết có hơn không?
Văn nhân lấy làm đắc chí, cho là vợ khen tài văn chương của mình, ý tứ dồi dào, giấy khổ nhỏ không đủ chép. Nhưng cũng hỏi lại:
- Mình nói vậy là thế nào?
Bà vợ thong thả nói:
- Ông chẳng tính toán gì cả! Giấy khổ to, bỏ đi còn gói hàng chứ giấy khổ nhỏ thì làm gì được?
10. Thầy lang dốt
Có thầy lang nọ cứ động ai hỏi bệnh gì là y như giở sách tra. Ðã thế lại dốt. Một lần có con bệnh đau bụng nặng, người nhà nửa đêm chạy đến tìm thầy, nhờ thầy cứu. Thầy thắp đèn, lấy sách ra tra, rồi bảo: "Ði mua mấy lạng nhân sâm về sắc lấy nước mà uống." Con bệnh đau bụng uống nhân sâm vào, càng đau, đến sáng thì chết. Người nhà đâm đơn kiện. Thầy phải lên cửa công. Quan hỏi:
- Thầy bốc thuốc thế nào lại để người ta chết như thế?
Thầy trả lời, vẻ chắc chắn:
- Bẩm, tôi bố thuốc có sách, chứ đâu phải bốc bậy đâu ạ! Sách dạy thế nào, tôi cứ làm theo thế ấy.
Quan hỏi đến sách, thầy đưa sách ra. Giở đến trang có bài thuốc nhân sâm, cuối trang có ghi: Phúc thống phục nhân sâm (Nghĩa là: Ðau bụng uống nhân sâm), nhưng chưa chấm câu, giở trang bên kia thì thấy thêm hai chữ tắc tử. (nghĩa là: thì chết.)