Chương 12
Tác giả: Lã Mộng Thường
- Đặt vấn đề như vậy chị thấy rõ Thiên Chúa của Đức Giêsu không coi ai là kẻ thù, không kết án ai kẻ bội phản mà nhìn nhận con người bằng thực thể của chính họ. "Hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi; ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác... Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành" (Mt. 5:45; 48).
- Như vậy không công bằng... người ngay lành thì được thưởng mà kẻ độc ác phải sửa phạt mới có thể khuyến khích họ trở lên tốt lành hơn chứ không lẽ người thiện kẻ ác cũng như nhau thì loạn hết sao!
- Chị làm ơn cởi bỏ những bộ kiếng đúng sai, phải trái được không! Nếu chị vẫn còn đứng về phe thiện để lên án điều được gọi là ác thì vẫn còn chạy theo thị dục thế nhân; điều gì mình thích, hợp với mình thì đúng, thiện, tốt lành; điều gì mình không thích, không hợp hay nghịch với ý nghĩ thì sai, dở, ác. Ban nãy chị mới chấp nhận ai là người mà không lỗi lầm. Vậy những lỗi lầm nơi chị không phải thuộc về chị sao? Mà nếu không có những lỗi lầm ấy chị sẽ là người khác mà cũng có thể chị đang ở thiên đàng của tôn giáo nào đó chứ không phải ở Nước Thiên Chúa của Đức Giêsụ Tôi nói câu này chẳng hiểu chị chấp nhận được không, nếu nhận định theo con mắt luân lý thế nhân, Thiên Chúa mà không có lỗi lầm là một Thiên Chúa chết, chẳng còn gì đáng nói, vì nếu Thiên Chúa thực sự là Đấng toàn hảo, nơi Ngài chất chứa tất cả mọi sự.
- Thiên Chúa sao mà lầm lỗi được...
- Vậy mặt trời đang soi sáng tốt hay xấu?
- Nếu ánh sáng mặt trời không tốt thì làm sao cây cỏ mọc được, làm gì có sự sống trên mặt đất.
- Vậy nắng gắt thế này thì tốt cho người cấy con rau không?
- Đó là lỗi tại họ không biết suy tính đem con rau mà cấy vào lúc nắng chứ đâu phải tại mặt trời.
- Vậy dòng điện nấu cơm, thắp sáng đèn này tốt hay xấu.
- Dĩ nhiên là phải tốt, sao anh hỏi vớ vẩn.
- Vậy nếu điện chạm chết người hay cháy nhà tốt hay xấu?
- Cái đó là tại mình chứ sao lại nói dòng điện.
- Như vậy, mặt trời và dòng điện tự chúng không tốt không xấu mà tùy trường hợp áp dụng liên hệ đến con người tạo nên sự việc tốt xấu phải không?
- Có phải anh muốn nói tùy quan niệm hay lối nhìn của mình mà sự kiện khác biệt bởi tự chúng không tốt, không xấu...
- Ngay cả Thượng Đế cũng bị nhìn như thế. Do đó đã có câu nói "Cái bóng của Thượng Đế là quỉ vương." Thực ra, cảm nghiệm về Thượng Đế thường bị lệ thuộc tính chất cũng như thị dục của con người. Thế nên, đừng nói chi về Thượng Đế có lẽ tốt hơn vì chỉ mới nghĩ đến thực thể của Ngài nơi tạo vật thì ý nghĩ, suy tư của chúng ta đã vội đóng khuôn tâm trí vào một giới hạn không thoát ra được. Nếu Thượng Đế là đấng hoàn toàn thì Ngài phải có đủ mọi tính chất xấu cũng như tốt được xét theo quan niệm luân lý nhân sinh. Cũng thế, Thượng Đế có lòng xót thương tất nhiên sẽ là một Thượng Đế bất công như chị vừa nói. Bởi vậy, người ta đã có thể nhân danh Chúa, nhân danh dân tộc, nhân danh quan niệm của họ để lên án kẻ khác, lên án những kẻ không đứng về phe mình, không theo ý mình cũng chỉ vì không thoát khỏi ngục tù thị dục. Đức Giêsu rao giảng một Thiên Chúa vượt khỏi lối nhìn thị dục của con người, không tùy thuộc lối suy nghĩ của bất cứ ai hoặc quan niệm hay truyền thống nào. Bởi bất cứ gì được gọi là học thức, giáo điều, đều thuộc về quá khứ, chúng là những sản phẩm, cặn bã còn sót lại của sự biến động thăng tiến đã qua ngược lại với sự hiện hữu. Sự hiện hữu luôn luôn sống động nên biến đổi từng giây phút. Chị có thể nhốt ánh sáng vào một căn phòng kín hay một chiếc hộp không? Nếu không, sao có thể nói Thượng Đế là thế này, là thế kia, Ngài thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ. Thượng Đế chính là bản thể thần linh nơi mỗi người. Ngài cũng chính là sự hiện hữu đang biến chuyển từng giây từng phút của cuộc sống và đồng thời cũng là mục tiêu toàn hảo tự trong tâm khảm mọi người theo đuổi. Chị thấy rõ, tâm hồn con người còn sâu thẳm không thể thăm dò hoặc dự đoán phương chi đòi xác quyết về quyền lực tác thành nên họ. Bởi thế, con người chỉ có thể cảm nghiệm được Thượng Đế chứ không thể dùng lý do minh chứng hay lý luận để nói về Ngài.
- Thế anh đang nói gì vậy?
- Tôi đang nói về Thiên Chúa Đức Giêsu rao giảng, một Thượng Đế sống động không bị nhốt vào bất cứ giáo điều nào mà là "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Jacob! Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của người sống!" (Mt. 22:32).
- Ý anh muốn nói người chết sẽ không bị xét xử mà chỉ có người sống mới bị xét xử?
- Tôi biết ngay thế nào chị cũng hỏi câu này. Tôi nghĩ, có lẽ Phúc Âm trở thành cớ cho khối người vấp phạm. Chị thử đặt vấn đề chữ chết có hai nghĩa trong câu này sẽ thấy ngay.
- Anh nói hai nghĩa nào
- Tâm linh và hữu hình...
- Hình như câu này trong truyện bẩy anh em lấy một người đàn bà... thì người chết không bị lệ thuộc vào luật lệ của những người sống phải theo nữa...
- Rồi sao!
- Như vậy phỏng không phúc không tội sau khi chết vì không bị ràng buộc bởi luật lệ khi sống... Điều này có vẻ vô lý...
- Có phải chị e bị sai khi cho rằng câu Phúc Âm này mang nghĩa luật lệ không ảnh hưởng kẻ đã chết thì sự vi phạm luật lệ cũng không còn giá trị ràng buộc?
- Em chưa bao giờ nghĩ tới điều này mà chỉ nghe giảng là không ai là chồng của người đàn bà đó nữa mà thôi...
- Như vậy vẫn còn mang rượu mới đổ bì cũ... "Thiên Chúa không phải của kẻ chết" có nghĩa không thể dùng sự hiểu biết bình thường để áp dụng vào Phúc Âm được bởi mọi giáo điều, mọi quan niệm, mọi nhận thức nhân sinh lệ thuộc định giá xã hội như đúng sai, phải trái, là những gì đã chết. Thiên Chúa không được đo lường như vậy vì Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống, của phần không thể chết được nơi con người mà luôn luôn sinh động, tiếp tục biến chuyển. Thân xác chỉ như chiếc thuyền chở hồn qua bến bờ bên kia dòng sông cuộc sống hữu hình trong hành trình tâm linh. Đó cũng là ý nghĩa của câu "Thần khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì" (Gioan 6:63). Quyền lực của ý định, ý muốn, ước mơ, được xác định rõ nơi câu này cũng như nơi câu nói "Phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng" (Mt. 5:28). Chính ước muốn, ý định, tạo nên luật "thế huynh" (Thứ Luật 25:5-10) để duy trì giòng giống và bảo tồn của cải gia đình chứ không phải tự nhiên mà có. Đàng khác, ý định, ước muốn, thực sự là công cụ của quyền lực hiện hữu; nói theo Phúc Âm, ý định, ước muốn là hoạt động của thần khí nơi con người do đó vượt hẳn giá trị những của luật lệ nhân sinh. Như vậy, Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng không xét xử theo lề luật mà thấu suốt tận đáy lòng, nơi ý định, ước mơ thầm kín của con người. Có thể nói đây là luật lương tâm...
- Nếu như vậy, trong trường hợp lương tâm bệnh hoạn thì sao?
- Chính người đó biết và nếu thực sự bệnh hoạn thì tất nhiên đâu phải do ý định của họ. Có ai đem con rắn hoặc con chó cắn người ra tòa xét xử đâu!
- Thế đâu cần lập pháp và hành pháp...
- Đó là những tổ chức thế tục cần phải có để ngăn ngừa sự lạm dụng và ổn định cuộc sống mọi người...
- Nhưng nếu có trường hợp xét xử sai lầm thì anh nghĩ sao?
- Nếu không thiên vị, tất nhiên có những lý do tạo nên những sai lầm và chắc chắn có những trường hợp chính người bị xét xử oan ức đã không biết lý do tạo nên sự Oan ức của mình nhưng bị ép chấp nhận lẽ công bằng theo quan niệm người đời... mà thật ra vẫn bị Oan. Tuy nhiên, trong trường hợp gian dối hay bất công, dù người đời không biết hoặc không hiểu nhưng tòa án lương tâm đâu có bao giờ tha thứ. Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng nắm giữ lề luật này...
- Thế sao Ngài nói hãy biết thương xót như Cha các con trên trời là Đấng hay thương xót. Đã thương xót thì đâu cần đặt vấn đề xét đoán...
- Câu đó cũng nói về đặc tính của Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng vượt khỏi những gì con người xưa nay thường nghĩ về Ngài. Phúc Âm viết, "Song các ngươi hãy mến yêu địch thù, và hãy thi ân, hãy cho vay mượn, cho dù không trông báo đền. Và phần thưởng của các ngươi sẽ lớn lao. Và các ngươi sẽ là những người con của Đấng Tối Cao, vì Người nhân lành với những kẻ vô ơn, độc ác. Các ngươi hãy biết thương xót như Cha các ngươi là Đấng thương xót" (Lc. 6:35). Những kẻ vô ơn và độc ác theo nhận định của con người về lối sống bên ngoài hay cách sống của ai đó. Chị thấy rõ, con người họp lại thành bè phái chống nghịch nhau bởi theo đuổi những quan niệm hay ước mơ khác nhau thế nên phát sinh những thái độ, cách đối xử tàn tệ và độc ác đối với những ai ngược lại đường lối của mình. Như vậy, nếu một người đứng ngoài hai phe đối nghịch, sẽ nhận thấy rõ ràng cả hai bên đều là nô lệ cho những quan niệm hay lý tưởng khác nhau nên trở thành địch thù của nhau. Các thành phần của cả hai bên đều đáng thương vì họ đâu nhận ra những điều ác độc làm hại đối phương lại là kết quả của sự nô lệ ý muốn, quan niệm. Họ thực sự là kẻ đáng thương đang quằn quại trong sự thù hằn như tác phẩm của tính chất nô lệ lý tưởng, con đẻ của ước muốn. Thế nên, thương xót nơi đây là lòng cảm thông bởi không xét đoán con người theo luân lý mà nhận thức được sự khốn khổ của con người đang bị đày đọa trong kiếp sống nô lệ của ý thức luân lý một chiều.
- Nhưng nếu nhân lành với những kẻ vô ơn, độc ác thì có phải là dung dưỡng họ hay không?
- Thế người phơi lúa gặp phải trời mưa la lối tùm lum tà la có ích gì không mà người ta vẫn kêu than, có khi chửi rủa, như vậy không được gọi là độc ác ư? Có phải chị cảm thấy e ngại vì hai chữ vô ơn và độc ác bởi chúng là những điều không nên xảy đến với mình? Vậy nếu xét theo khía cạnh nào đó vô ơn và độc ác lại trở thành cơ hội cho chị trở nên thiện hảo hơn mà chị không biết thì sao? Đặt vấn đề như vậy mới thấy thật khó mà tẩy rửa cho sạch được những quan niệm hữu vi đã thấm nhập tận xương tủy con người tạo thành tâm bệnh.
- Anh nói tâm bệnh về chuyện gì?
- Lấy cái mình ưa thích để chống lại những gì mình không ưa thích.
- Đó là lẽ đương nhiên...
- Nếu vậy chị minh chứng Đức Giêsu bất thường!
- Ah! Cái miệng của anh thật quá quắt! Rõ ràng chính anh vừa nói sao lại bảo rằng em minh chứng!
- Chị không nói lên điều đó nhưng suy luận theo quan điểm một chiều thị dục tất nhiên sẽ đưa đến lý luận cho rằng Đức Giêsu nói điều bất thường. Chị thấy rõ, tùy quan điểm làm gốc mà vấn đề được đặt ra sẽ được luận lý dẫn đến những kết luận như thế nào. Thử hỏi, theo quan điểm nào chị cho rằng lấy cái mình ưa thích để chống lại những gì mình không ưa thích là lẽ đương nhiên? Và nếu chỉ đứng về phe tốt lành là điều mình ưa thích thì tất nhiên nhân lành với những kẻ vô ơn, độc ác, tức là đồng lõa với tội ác, và như thế đã chứng minh Đức Giêsu nói lời bất thường theo nhãn quan nhân sinh chiều theo thị dục bình thường.
- Em xin lỗi, anh nói đúng, Đức Giêsu trình bày đặc tính một Thiên Chúa ngược hẳn lại bất cứ ý nghĩ nào. Mà dù có cảm nhận được cũng thật khó mà thực hiện bởi con người xưa nay thấm nhập những quan niệm bình thường quá nặng nề. Nếu anh không cho rằng em minh chứng Đức Giêsu bất thường thì có lẽ em không nhận ra điều mình cho là bình thường lại trái nghịch với Phúc Âm. Hèn chi có những câu không đổ rượu mới vào bì cũ, không vá mụn vải mới vào áo cũ, và cầm cày không quay trở lại...
- Đức Giêsu trình bày một Thiên Chúa ngược hẳn với quan niệm nơi Cựu Ước và của mọi người. Có điều hơi lạ, chúng ta đều có quan niệm giống như Cựu Ước nhưng khi đọc Cựu Ước thì lại khó chấp nhận một Thiên Chúa được trình bày như thế. Trái lại, khi đọc Phúc Âm, những điều kiện căn bản thường thì không được để ý. Đã từ lâu, tôi cứ thắc mắc tại sao Phúc Âm diễn tả lúc được gọi, các môn đồ bỏ chài lưới, ghe thuyền, cả bố đẻ, bạn thuyền, đi theo Đức Giêsu ngay lập tức. Bây giờ tôi mới hiểu, theo Phúc Âm, thái độ dứt khoát này phải là thái độ của con người đối với những quan niệm và tư tưởng được gọi là bình thường. Cho nên, khi còn thấy không chấp nhận được câu nói "Nhân lành với những kẻ vô ơn, độc ác" tức là mình vẫn còn bị lệ thuộc quan niệm thường tình trừng phạt kẻ độc ác và thân ái với người tốt lành. Phúc Âm đòi hỏi chúng ta đối xử nhân lành với kẻ độc ác chứ không xét xử. Độc ác là những hành động hữu vi không những chúng ta không thích mà còn e ngại, nhưng nếu nhìn sự độc ác như trời mưa lúc chúng ta phơi lúa thì mới có thể hiểu được Phúc Âm nói gì bởi Thiên Chúa của Đức Giêsu không xét đoán con người theo lẽ phải quấy, đúng sai, như lối nhìn thường tình thế nhân mà xét tận đáy lòng một người về sự lợi ích hay tác hại cho hành trình tâm linh, hành trình trở nên thiện hảo của quyền lực hiện hữu, quyền lực tác sinh, theo lẽ "ước muốn của ngươi ở đâu thì lòng dạ ngươi cũng ở đấy."
- Nếu có nhận thức như thế thì đâu cần phải đặt vấn đề lề luật và những hình thức bên ngoài vì giữ đạo là giữ tại tâm hồn mình. Như vậy, anh muốn nói không cần theo đạo hay giữ đạo?
Chị muốn dồn tôi vào bẫy lý luận theo lẽ đúng sai, phải trái, hoặc nên và chẳng nên dựa vào câu "Đạo tại tâm" phải không? Kính thầm nghĩ. Lẽ thường tình của con người bắt nguồn từ điểm này, và đó là chiều theo một trong hai cực đoan hoặc là đúng, hoặc là sai, nên hay không nên để lạm dụng. Áp dụng theo ý chị vừa hỏi, điều này có nghĩa khi đã nhận ra mọi hành động hay hình thức bên ngoài đều phát sinh tự tâm hồn thì không cần phải tuân theo bất cứ luật lệ, hình thức nào nữa mà mượn câu đạo tại tâm chống đỡ, hoặc làm bức màn che đậy ý đồ nào đó... Thực ra, xưa nay câu nói "Đạo tại tâm" đã bị hiểu lầm quá nhiều. Đại khái theo tôn giáo, giữ những qui luật hay không tùy thuộc tâm hồn mình là đủ để rồi mượn luôn câu nói "Khẩu Phật tâm xà" của nhà Phật mang ý khinh chê những người khác hầu tự trấn an cõi lòng thao thức vì đã không thực hiện bất cứ gì để đạt thành những khát vọng tâm linh. Đạo tại tâm là câu nói của Lão học bắt nguồn từ câu "Đạo khả Đạo phi thường Đạo." Câu này mang ý "Thiên Chúa mà có thể hiểu được thì không phải là Thiên Chúa" như Thomas Aquinas đã nói. Thế nên, Đạo tại tâm tức là Thượng Đế ở ngay nơi tâm hồn mỗi người. Nhà Phật cũng có câu nói tương tự: "Phật tại tâm." Câu nói của nhà Phật có nghĩa sự thức ngộ tự bởi tâm hồn mình, và đó cũng là lý do tại sao có câu "Buông dao đồ tể là trở thành Phật." Con dao đồ tể trong câu Phật học là ý định, ước muốn chẳng nên, chứ không phải con dao mổ bò, thái thịt. Do đó, thực hành đạo thường bị hiểu lầm là tuân giữ những lề luật và nghi thức tôn giáo, áp dụng những lề luật tôn giáo trong cuộc sống. Hiểu và thực hành như vậy lại rơi vào bẫy thường tình phe phái vì lề luật chỉ là ước định, giáo điều, luân lý, một chiều đối nghịch với Đạo tại tâm, ngược với đặc tính Thiên Chúa của Đức Giêsụ Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa của kẻ chết. Lề luật, giáo điều, thuộc về những ước định luân lý xã hội cứng ngắc một chiều nên là những thứ chết. Ai mà không biết câu Phúc Âm: "Còn ngươi bố thí thì tay trái đừng biết điều tay phải làm, hầu việc ngươi bố thí được giữ kín và Cha ngươi là Đấng thấu suốt kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi" (Mt. 6:3). Thiên Chúa của Đức Giêsu thấu suốt và nhìn nhận tận cõi lòng chứ không xét bề ngoài theo lối nhìn của con người. Cũng đồng một lẽ ấy, Đức Giêsu nói rõ: "Còn ngươi khi cầu nguyện thì hãy vào buồng, khóa cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi, có mặt cả nơi kín ẩn; và Cha ngươi, Đấng thấu suốt cả nơi kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi. Cầu nguyện thì các ngươi chớ lải nhải như người ngoại! Chúng tưởng hễ nói nhiều thì sẽ được nhậm. Chớ bắt chước chúng vì Cha các ngươi biết rõ các ngươi cần gì, trước khi các ngươi xin Người" (Mt. 6:6-8). Những điều Đức Giêsu rao giảng là những đề nghị áp dụng trong cuộc đời sống động, không lệ thuộc bất cứ hình thức hay giáo điều hoặc qui luật nào. Như vậy, cầu nguyện tức là xác định rõ ràng ý định, ước muốn trong lòng chứ không phải là phô trương hay để người khác biết mình nghĩ thế nào.
- Đây là lối sống nhận thức, và cảm nghiệm Thiên Chúa đang hiện hữu và hoạt động nơi mình, cảm nghiệm quyền lực hiện hữu nơi mình, dùng quyền lực hiện hữu để kiến tạo, để biến những ước muốn thành sự kiện chứ không phải dựa vào hình thức nào. Thế nên, nhận thức về Thượng Đế không thực hiện được chi hết vì đó chỉ là kiến thức. Ngược lại, cảm nghiệm và sống trong trạng thái Thượng Đế với mình là một, quyền năng của Thượng Đế đang ở ngay nơi mình mới là điểm mà Đức Giêsu rao giảng. Đó chính là danh hiệu của Ngài: "Emmanuel" Thiên Chúa ở cùng chúng tạ Đạt tới trạng thái này được gọi là tin. Theo đạo, giữ đạo là những phương thức biểu lộ cảm nghiệm lòng tin chứ không phải cùng đích của thực thể sống đạo.
- Phỏng nói như thế chỉ là lý thuyết vì chẳng lẽ biết bao người từ xưa tới nay mà chưa ai đạt được trạng thái này... Và như vậy, sao có thể lấy gì chứng minh sự suy luận của anh là đúng...
Chị này muốn nói mình chưa đạt tới trạng thái cảm nghiệm thì không nên nói vì có nói cũng chỉ đưa ra mộng tưởng! Cũng có lý và rất đúng với suy luận, nhưng thực tế chứng minh, những người thức ngộ, người có lòng tin, không bao giờ khoe khoang và lên án hoặc bảo người khác phải thế nọ, phải thế kia theo một giáo điều nào bao giờ. Có chăng, họ chỉ bị người đời nghi ngờ vì những gì họ nói ra đều có vẻ đối nghịch với sự suy nghĩ thường tình. Cứ theo Phúc Âm, Thượng Đế là quyền lực hiện hữu ở chính thực thể sự vật chứ không chỉ là quyền lực thay đổi sự vật. Đọc Phúc Âm ai không nhớ có đoạn: "Ai trong các ngươi chỉ lo mà có thể thêm cho đời mình một gang nữa. Còn về áo mặc các ngươi lo làm gì? Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào? Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi! Nhưng Ta bảo các ngươi: Salômôn trong tất cả vinh hoa đời ông cũng không ăn vận sánh tày một đóa hoa đó. Nếu cỏ đồng nội, nay còn, mai sẽ quăng lò, mà Thiên Chúa còn mặc cho như thế, thì huống chi là các ngươi, hỡi quân yếu tin!" (Mt. 6:27-30; Lc. 12:25-28). Chẳng những thế, khi cần thiết vì lợi ích cho sự nhận biết lòng tin nơi con người, chính Thiên Chúa của Đức Giêsu hoạt động ngay trong ý nghĩ của kẻ nói: "Hãy coi chừng người đời: họ sẽ nộp các ngươi cho công nghị và họ đánh đòn các ngươi trong các hội đường của họ. Vì Ta, các ngươi sẽ bị điệu đến trước quan quyền và vua chúa để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. Khi người ta nộp các ngươi, thì các ngươi đừng lo phải nói làm sao, hay nói gì: vì ngay giờ đó, sẽ cho các ngươi biết phải nói gì, vì không phải các ngươi nói, mà là Thần khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi" (Mt. 10:17-20; Mc. 13:9-11; Lc. 12:11).
- Những thực thể để cảm nghiệm ngay ở trước mắt mọi người... Vấn đề chỉ là chúng ta có để ý hay không. Chị thấy rõ, ai có thể dạy con chim hót nếu nó không được sinh ra với bài ca vì không loài chim nào hót giống loài chim nào mà đồng loại thì lại chỉ líu lo một giọng điệu riêng biệt. Ai đã nhuộm những bông hồng thế mà bông thì đỏ, bông thì xanh, hồng, lại có cả bông vàng và bông trắng nếu chúng không được sinh ra với màu sắc riêng của chúng. Điều này chứng tỏ quyền lực hiện hữu hoạt động chan chứa nơi mọi thực thể hữu hình cũng như vô hình. Nhận thức như vậy có thể nói, Thượng Đế là một nghệ sĩ toàn hảo đóng đúng vai trò kiến tạo trong sự vật được kiến tạo, và người thức ngộ, người tin, hòa nhập nơi trạng thái này sao có thể nói được chi vì đó là cảm nghiệm, càng nói chỉ càng chẳng nói được gì.
- Nói như thế chẳng khác gì vô thần vì tự nơi mình đã có quyền lực thì cần gì đến Thượng Đế hay Thiên Chúa hoặc bất cứ thần thánh nào.
Dù cho rằng hữu thần hay vô thần thì xưa nay con người vẫn còn bị lệ thuộc sự tôn thờ qua hình tượng. Lời Phúc Âm từ hai ngàn năm nay nào ai thèm ngó ngàng; chẳng hạn, "Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12). Quyền lực nào cho kẻ tin vào Đức Giêsu trở nên như lời Ngài nói? Thế mà cứ Chúa phạt, Chúa thưởng, Chúa ban... chẳng khác gì tin vào quyền lực một ngẫu tượng. Thực tâm nhận định, khi những hình tượng tan thành cát bụi mới thấy chính cát bụi minh chứng quyền lực hiện hữu cao cả biết bao so với những hình tượng. Thực tế sẽ chứng minh, đến một mức độ nào đó, kẻ vô thần nhận ra quyền lực tối thượng nơi chính mình thì trở thành hữu thần, và người hữu thần lại trở thành vô thần vì ngẫu tượng trong tâm trí họ đã bị phá đổ. Thực ra, cuộc chiến giữa hữu thần và vô thần chỉ là Thượng Đế được gọi là Thượng Đế hay gọi bằng một tên khác trong khi lòng kính mến của con người với Thượng Đế được nhận ra bởi lòng chân thành tìm cách nhận ra và hòa nhập với Ngài hay chỉ là đòi hỏi hoặc kiếm tìm những ơn huệ.
- Chưa chắc kẻ vô thần đã là vô thần hay kẻ tự gọi mình hữu thần lại thực sự chỉ chạy theo ngẫu tượng hầu thỏa mãn thị dục. Đức Giêsu không phân biệt kẻ nào vô thần hay hữu thần và Ngài lại càng không đặt vấn đề hình thức thờ phượng bên ngoài như nơi câu truyện gặp người phụ nữ xứ Samaria, "Nhưng giờ sẽ đến và là ngay bây giờ, những kẻ thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật vì Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí nên những kẻ thờ phượng cũng phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật" (Gioan 4:23-24). Như vậy, tất nhiên tự nơi con người có thần khí vì nếu thần khí ở ngoài thì chẳng có gì để nói, và dù cho có tuân theo những nghi thức thờ phượng nào mà không có thần khí thì cũng chẳng khác gì tôn thờ ngẫu tượng.
- Nói như thế có phải anh cho rằng tự mỗi người đã có sẵn thần khí?
- Tôi chẳng cho rằng gì hết mà Phúc Âm đã nói từ khuya nhưng ít được để ý. Nơi Phúc Âm Mathêu trong câu truyện Đức Giêsu hỏi các môn đồ nghĩ Ngài là ai, Phêrô trả lời Ngài là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống và Ngài nói với ông, "Simon, Baryôna, ngươi có phúc, vì không phải thịt, máu, đã mạc khải cho ngươi, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời!" (Mt. 16:17). Thế nên, tôi nghĩ thần khí nơi con người là chính Thiên Chúa, chính quyền lực hiện hữu nơi từng tế bào, từng nhịp tim đập, từng hơi thở của mỗi người. Từ nhận thức này có thể nói, con người được sinh ra với tất cả những gì cần biết như hành trang cho hành trình tâm linh. Sách vở, những điều nghe hiểu, mọi môi trường trong cuộc sống hữu hình chỉ là phương tiện để tỉnh thức những gì đã có sẵn nơi người đó. Cũng có câu khác nơi Gioan được đặt vào lời nói của Đức Giêsu giúp tôi đoan chắc hơn về điểm này, "Trong các tiên tri đã có viết: Hết thảy chúng sẽ là môn sinh của Thiên Chúa. Phàm ai nghe và học nơi Cha thì sẽ đến với Ta" (Gioan 6:45). Như vậy, thần khí nơi con người là những gì từ nơi Thiên Chúa mà mình đã có sẵn ngay từ khi được sinh ra, và Đức Giêsu chỉ đến để nhắc nhở cho mình nhận thực ra bản thể của mình mà thôi.
- Anh có nghĩ rằng chính sự suy luận bồi đắp cho sự tưởng tượng của con người không?
- Ý chị muốn nói gì? Phỏng chị muốn nói chưa chắc Phúc Âm mang ý nghĩa giống như người ta có thể suy luận? Hoặc cũng có thể sức tưởng tượng của con người quá dồi dào nên phóng đại Phúc Âm và tưởng rằng Phúc Âm nói về điều mình muốn đạt tới phải không? Bất cứ những gì con người có thể nghĩ tới đều có thể vì ít nhất đã có tư tưởng như vậy. Hơn nữa, ý nghĩ, ước mơ, tự chúng có quyền lực và bởi chúng cũng là sự hiện hữu, Thượng Đế chắc chắn ở đó. Bởi vậy, những ý nghĩ, suy tư, luận giải lời Phúc Âm tự chúng có giá trị của chúng dầu chỉ là tưởng tượng hay ước mợ Tuy nhiên, tôi thấy tất cả những gì có thể nghĩ tới bắt nguồn từ Phúc Âm hãy còn quá non dại nếu đem so sánh với những gì đã được viết trong đó dầu chỉ theo nghĩa đen. Chẳng hạn nơi Mác Cô có câu: "Kẻ nào bảo núi này: Xê đi mà nhào xuống biển, mà trong lòng không nghi ngại, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì nó sẽ thấy thành sự" (Mc. 11:22). Tôi không hiểu chị nghĩ gì về câu này; riêng tôi, dẫu cho rằng Đức Giêsu nói điều mộng tưởng thì mình đã đạt đến một vài điểm nhỏ nào Ngài nói tới đâu mà dám đặt vấn đề đúng sai hoặc thực hay mộng. Câu nói rõ ràng, không có cách nào suy định sự ám chỉ mà không dám nghĩ hoặc dám cho là có thể, đây là điểm mà tôi gọi là tối tăm hoặc mù lòa của chính tôi. Chính vì tôi không nghĩ rằng quyền lực của Thượng Đế ở nơi mình nên đã tự giới hạn thì hòng gì đạt tới những điều Phúc Âm nói. Thực ra, mới chỉ nghĩ đến giả sử lời đó là thật thì đã cảm thấy đầy mộng tưởng rồi còn nói chi đến tưởng tượng những gì mình muốn đạt tới vượt qua những điều được viết nơi Phúc Âm. Tôi nghĩ, có thể Đức Giêsu đã biết rõ tâm trạng này của con người nên mới có câu, "Tuy vậy Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không?" (Lc. 18:8). Chính câu "Ta đã đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa ra đui mù!" (Gioan 9:39) đã trở thành hấp lực giúp tôi cố gắng tìm hiểu thế nào là kẻ sáng trở nên mù lòa... trong khi kẻ mù lại được sáng...
- Dùng lý luận để may ra có thể làm sáng tỏ vấn đề hơn, chứ thực ra, khi đọc Phúc Âm để chọn ra những câu nói đến lòng tin, em bối rối quá vì cảm thấy hình như Phúc Âm nói về một thực thể nào đó chẳng khác gì mộng tưởng trong huyền thoại. Xưa nay, ai không nghĩ rằng tin vào điều gì hay chuyện gì thì chỉ có nghĩa điều đó hoặc chuyện đó có thực và biết chỉ để mà biết vậy. Đàng này, Phúc Âm nói cứ như có quyền năng cả thể nào đó nơi điều được gọi là lòng tin và chỉ cần có lòng tin thì có tất cả mọi sự. Chẳng những thế, lòng tin còn là sự cứu rỗi con người trong khi ai mà không nhận thực con người yếu hèn phải cần ơn cứu độ của Thiên Chúa. Em đã đặt rất nhiều giả thuyết nhưng không thể nào có được câu trả lời tạm gọi giúp cho mình an tâm; đó là lý do tại sao em phải mời anh tới dùng cơm để có giờ nói chuyện. Anh biết, xưa nay em chưa bao giờ tự ý hoặc có ý mời bạn bè ăn uống vì em cảm thấy càng đông người càng lạc lõng. Chỉ có nhà em muốn thì em nấu ăn và anh ấy thích mời ai thì mời. Thế nên, khi hỏi nhà em để mời anh lại dùng cơm, anh ấy rất ngạc nhiên và bảo rằng em bị mê hoặc bởi những lý luận ngang tàng của anh. Đến lúc nghe em giải thích tại sao, anh ấy hứa chỉ để mình em nói những thắc mắc khi đọc Phúc Âm. Anh thấy không, trong bữa ăn và sau đó anh ấy không có ý kiến gì vì đã hứa với em; vả lại, những vấn đề em đưa ra, anh ấy cũng không sao giải thích...
- Những vấn đề chị đặt ra tôi không cảm thấy lạ lùng chi vì chính tôi đã bị khốn khổ với chúng cả mấy năm trời... nhất là sự e sợ bị sai lầm. Cuối cùng, tôi đành chấp nhận thà sai lầm còn hơn trở nên mù lòa nên tôi tìm cách trả lời bất cứ những vấn đề nào có thể liên hệ đến những câu Phúc Âm coi bộ không hợp lý hợp tình với những gì có thể nghĩ tới. Tự thâm tâm, tôi nghĩ, hay thắc mắc và đặt quá nhiều câu hỏi hầu giúp mình thăng tiến, ít nhất là thỏa mãn lòng khát khao hiểu biết của mình, có thể chẳng khác gì kẻ đần độn do không chịu chấp nhận những gì được mọi người cho là bình thường. Tuy nhiên, tôi tự lý luận, nếu không tìm hiểu thì suốt đời mình đành chịu làm kẻ ngu đần. Thuở ban đầu, tôi cảm thấy thật bối rối vì hiểu theo nghĩa này thì lại đối nghịch với trường hợp kia. Chẳng hạn trường hợp chị nêu ra nơi câu truyện chiên và dệ Thực tại cho thấy, giúp người ta chưa chắc đã là việc tốt lành mà coi chừng là cách giết họ từ từ hoặc làm cho họ tê liệt khả năng tự liệu. Hơn nữa, tại sao mình sang tới đất nước này với hai bàn tay trắng, có miệng như câm và có tai như điếc, trong khi họ là dân bản xứ, không gặp trở ngại ngôn ngữ, có đầy đủ cơ hội tạo dựng cuộc sống thoải mái mà phải ngửa tay xin xỏ. Hơn nữa, chương trình trợ cấp ít nhất cũng giúp họ đủ tiền mua thực phẩm sống qua ngày... Họ làm gì với những sự giúp đỡ ấy... Đi chợ, đôi khi tôi vô tình thấy những người dùng phiếu trợ cấp mua những loại thực phẩm mà chính những người được gọi là khá giả không bao giờ dám ăn thử... Phỏng giúp những người được gọi là nghèo ấy là sự tốt lành hay chỉ làm hư họ đi trong khi Phúc Âm nói không giúp họ là không giúp Đức Giêsụ Đàng khác, có giúp đến bao nhiêu thì vẫn còn muôn ngàn người không được giúp, tại sao Phúc Âm không nói họ hãy tự lo liệu? Tại sao Phúc Âm muốn họ trở thành gánh nặng cho mình... thực là vô lý... Dần dần tôi mới nhận ra Phúc Âm không nói về luân lý nhưng đã bị hiểu theo quan niệm luân lý. Chị thấy không, ai là những người tin vào Đức Giêsu có thể chấp nhận được câu: "Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Tạ Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta ắt không xứng với Tả" Thế rồi cứ gồng mình chấp nhận một cách không hài lòng rằng Đức Giêsu muốn chúng ta yêu mến Ngài hơn, hoặc tôn kính Ngài hơn! Đức Giêsu cần gì ai tôn kính! Bộ nếu không tôn kính thì Ngài ốm bớt hay mập lên hoặc không cảm thấy là quan trọng mà phải muốn người khác tôn kính mình! Lối nhìn luân lý đưa đến những đần độn ngớ ngẩn như thế thì chấp nhận sao được! Hơn nữa, tâm lý mà xét, kẻ muốn được người khác tôn kính thì đã tự tôn kính mình trước mà kẻ đã tự khinh khi mình thì có được cả thế giới này tôn kính cũng luôn luôn cảm thấy mình chẳng ra gì. Chị thấy không, chỉ kể lại mà tôi vẫn còn cảm thấy bực bội phương chi nói đến sự chấp nhận hiểu Phúc Âm theo nghĩa ấy. Hiểu Phúc Âm theo quan điểm luân lý chỉ bôi nhọ Đức Giêsu mà chớ. Tôi nghĩ, thế nào chị cũng phải trải qua trường hợp này vì không gặp trắc trở với Phúc Âm, chị sẽ không cảm nghiệm được Phúc Âm nói gì.
- Thực ra, nói chuyện với anh cả buổi chiều em thấy Phúc Âm càng khó hiểu hơn và càng thấy lòng tin sao vẫn vời vợi. Có thể nói em không có lòng tin... Vậy chả lẽ trong cuộc đời này không ai có được lòng tin như Phúc Âm nói sao? Nếu không ai có thể đạt tới thì Đức Giêsu rao giảng làm gì...
- Tôi nghĩ có những người đạt tới được một mức độ nào nhưng chính họ cũng không biết mà chỉ nghĩ rằng đó là ơn huệ đặc biệt Chúa ban cho bởi xưa nay chúng ta thường nghĩ rằng Chúa ngự trên chín tầng trời ban ơn huệ cho ai thì người ấy được chứ không ai nghĩ tới nếu Chúa mà như thế thì có vẻ bất công. Đàng khác, nếu đã là ơn huệ Chúa ban thì mình không được ban chẳng có gì phải thắc mắc bởi ơn huệ đâu phải cứ muốn mà được. Cũng có thể quan niệm con người tội lỗi không xứng đáng lãnh nhận ơn huệ mà ăn chay đánh tội hay sống khổ hạnh để được ân huệ theo ý muốn lại là cả vấn đề khó khăn ngược với bản tính ươn hèn nhân sinh nên đành chấp nhận được sao chịu vậy. Thêm vào đó, qua kinh nghiệm thực hành những điều tôn giáo dạy, chúng ta cầu nguyện luôn luôn chỉ là xin xỏ ơn nọ Ơn kia và đồng thời cũng chấp nhận Chúa cho thì tốt, chẳng cho vì có thể những gì mình kêu xin sẽ có hại đến mình sau này nên sự khó đã qua đi hoặc đã gắng sức chịu đựng được thì cũng tạm coi là yên ổn và tự an ủi mình rằng Chúa thương. Thử hỏi chị, bất cứ ai dành chừng vài phút trong một ngày trước khi ngủ tưởng nghĩ lại mình đã sống ra sao trong ngày qua mà không cảm thấy rằng mình đã có những thái độ hay lối sống chẳng nên... Có thể, chính sự chân thành này đem đến con người mặc cảm mình không ra gì... trong khi Phúc Âm chỉ nói về quyền lực đâu đâu mà lại được hiểu theo nghĩa luân lý thì sao có thể giúp mình dám đặt vấn đề tìm hiểu...