Đôi Dòng Cảm Nghĩ
Tác giả: Lã Mộng Thường
Về tác phẩm Câu Hỏi Lãng Quên của Lã Mộng Thường
MẠC KINH
Khi trang sách cuối cùng được khép kín lại, độc giả có tâm hồn vừa đọc xong phần nghị luận của nhà thần học Lã Mộng Thường bàn về "lòng tin," "niềm tin" nơi con người trên cõi trần gian này, có ai không cảm thấy lòng bâng khuâng, ray rứt? Một chút gì khó diễn tả cho thật đúng với tâm trạng của mỗi người. Có những điểm người ta đồng ý, nhưng lại có một số ý kiến khá táo bạo khiến người ta phải lắc đầu nghĩ ngợi miên man, lòng tự hỏi lòng - nên hay chẳng nên đưa ra vào giữa thời buổi vàng thau lẫn lộn này?! Vì, mọi giá trị tinh thần và thiện chí thường đã bị trào lưu "sống vội" phong tỏa, phủ kín để không mấy ai còn muốn dành quá nhiều thì giờ vào việc chiêm nghiệm sâu sắc trước những lời luận bàn về tư tưởng, chính kiến, hơn nữa lại đề cập đến "Đức Tin" - một địa hạt tâm linh luôn được sùng kính, xưa nay con người chỉ được quyền kính cẩn lắng nghe, đón nhận những khuôn mẫu sẵn có từ muôn đời trước - dù tình riêng, ai nấy cũng lại hiểu được rằng tạo vật đang xoay vần, biến cải không ngừng. Có điều, khủng khiếp và kinh hoàng hơn, ở đây, lại là "lòng người"... biến cải, biến đổi, biến chuyển mãnh liệt trên đà tan rã, tan nát! Vậy, không "lo" sao được? Không "bàn" sao được? Và đã "tính," đã "liệu" thì không thể... ngập ngừng, lưng chừng, thần hồn nhát thần tính, chỉ e "đụng" với "chạm"! Do đó, vấn đề "thức thời" đã đến lúc đáng cần đặt ra. Tôi mạn phép thưa rằng, tác giả đã có lý trong công trình suy tư của mình. Người ta có thể sẵn sàng "tử vì đạo" thì nay cũng vì việc đạo mà đem tất cả tấc lòng chí thành "giữ lấy đạo;" giữ và bảo vệ về lâu về dài. Vĩnh cửu!
Theo rõi thật sát những gì được viết nơi Câu Hỏi Lãng Quên, nếu người đọc để cho lòng lắng xuống, gạt bỏ mọi xúc động nóng nẩy vội vàng thì sẽ khám phá ra rằng lúc nào mối suy tư về "Đức Tin" cũng canh cánh bên lòng tác giả. Nhiều năm qua tác giả đã bàn đến. Nay, ở hiện tại vẫn vậy, và mai sau, hễ còn hơi thở, tác giả vẫn ấp ủ nó. Nó là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong sự sống tinh thần, tâm linh ở tác giả. Tác giả đã không suy tư cho chính mình, cũng không đặt ý nghĩa về đức tin cho mình. Mà thật ra, tác giả là vị thừa sai của Thiên Chúa hiểu được rất rõ, rất chắc chắn về những Lời Ngài phán truyền. Tác giả đặt sự suy tư cùng đức tin cho các đối tượng khác: loài người, tín ngưỡng bạn... một cách vô cùng tế nhị. Tác giả "tranh luận" đấy mà chẳng ai thấy được rằng đang tranh luận với họ. Và tranh luận ở đây, lại có tính cách... thuyết phục, bằng phương pháp, bằng kỹ thuật lý luận tinh vị Tôi còn cảm nhận được thêm, là, ở cương vị một vị thừa sai bước vào ngưỡng cửa tân thế kỷ đầy khúc mắc, tác giả đang mài sắc tư tưởng Kitô Giáo, đang muốn thúc đẩy một số hàng giáo phẩm phải cần "chuyển mình" để hiểu, để nghiền ngẫm Lời Chúa thâm trầm hơn nữa, để đem ứng dụng phổ biến "thực tế," thích hợp với... thời đại mới!
Đức tin ở tác giả vô cùng mãnh liệt. Hoàn toàn vẫn là đức tin nhưng lại đã mang thêm tính chất... lý tưởng! Tôi tự biết mình chưa tìm đủ chữ nghĩa để diễn đạt tâm tư, tâm tình, hoài vọng ở tác giả. Dẫu sao, tôi cứ xin được nói ra một phần nào về sự kiện huyền ảo ấy ở đáy hồn tác giả. Dẫu đúng hay sai, nó vẫn là cảm nhận của tôi.
Tám mươi hai trang đầu của cuốn CHLQ là một đề tài nghị luận nặng phần tâm lý, triết lý về con người, gia đình, và xã hội. Tuy vậy, phần suy diễn về ý nghĩa "tự do" mới thực sự là ý định tác giả khêu gợi độc giả cần đặc biệt quan tâm. Lối suy diễn ấy đã có nhiều phần giống như tác giả đã bàn về đức tin... không thể đúc thành khuôn sẵn và buộc người ta phải tuân theo. Dần dần, tác giả tung ra nhiều nhận định suy tư riêng biệt, đặc biệt. Tôi không đối kháng lại với tác giả mà chỉ đang chờ xem phản ứng của các bậc thức giả trong thiên hạ. Phần riêng tôi, tôi cảm thông và tán thành cảm nghĩ ở tác giả khi viết: "Người thực sự có tự do tư tưởng tất nhiên tuyệt đối cô độc... " (Tr. 82). Tác giả chọn chữ "cô độc" ở đây... đúng lắm. Tôi chỉ xin lưu ý tác giả, một khi đã biết rằng mình phải cô độc, cô đơn, cô quạnh thì nhỡ có ai không chịu hiểu theo - cứ đành phải ngậm tăm mà cười thôi. Cười cho thế sự!
Tôi rất mến nết thẳng băng ở tác giả, đã nghĩ gì là nói ra và không hề sửa soạn trước cho câu nói, câu viết. Ngay khi viết sách, tác giả cũng không đặt nặng vấn đề văn chương. Tác giả diễn tả tư tưởng, là điều chính yếu. Nói thế, không có nghĩa là tác giả xem nhẹ bút pháp, lơi là với nó. Nhưng để xin được đưa ra nhận định: lời văn ở tác giả nghiêng hẳn về nghị luận. Nó không cho phép có những câu thừa, những chữ, những đoạn "đệm" vào - thường có thể làm cho lời văn bớt căng thẳng. Ở tác giả, không có sự "dung hòa," và càng không có sự "rào đón." Khi ý nghĩ đến, tác giả để cho nó thoát ra đơn phương, và rất tự nhiên, chẳng khác nào những đợt sóng ào ạt nơi đại dương xô đẩy nhau, lớp sau chờm lên lớp trước. Rất rõ nét, lời văn ở tác giả là con người thật của mình vậy. Tôi thấy được lòng chí thành nơi tác giả. Tác giả vốn ấp ủ hoài vọng đi tìm cái "Đẹp." Đẹp mọi nơi, mọi chỗ, cho con người, cho đời sống, và ở ngay cả địa hạt tín ngưỡng. Chẳng hạn nơi cuốn Mảnh Vụn Suy Tư, không thể được coi là "mảnh vụn"... thật, mà nó đã trở thành một chuỗi hệ thống ý kiến, tư tưởng quyện chặt với nhau. Để rồi, nói cả đời, viết cả đời vẫn không cạn ý, không thể hết được. Nó cứ cần đem moi ra, nêu lên, để tất cả những tâm hồn còn chút ưu tư đến nhân quần xã hội, đến bản chất hướng thượng của con người, cùng nhau bàn luận, cùng nhau sửa chữa, cùng tìm cho ra một kết luận... dù đôi khi, rồi cũng chỉ là "tương đối" mà thôi!
Sở dĩ tôi có vẻ như đã dám bênh vực quan điểm của tác giả vì bỗng nhiên tôi cảm thông với những rung động thầm kín, sâu xa ở tác giả. Tôi chỉ xin lưu ý tác giả là cần uyển chuyển một chút thôi, khi đề cập đến những vấn đề liên quan tới tín ngưỡng. Chúng ta đang sống trong một thời đại cực kỳ đặc biệt, không còn giống với bất kỳ thời buổi nào của cái quá khứ hai ngàn năm đã trôi quạ Và chưa chịu ngừng ở đây, nó còn thay đổi ghê gớm, mãnh liệt nữa nên càng phải tiên liệu để "phòng ngừa," để "đối phó." Dậm chân một chỗ thì chỉ tai hại hơn!
Tôi nhớ lại hình như đã có lần tâm sự với tác giả: Việc gì thấy phải thì làm, thấy đáng nói thì nói, miễn lòng mình nguyên vẹn sự thẳng thắn. Mà những cái làm, cái nói ấy là nhằm vào việc chung, và luôn ước ao được công luận phê phán, chứ không bảo thủ, cố thủ về phần cá nhân. Đây cũng chỉ là một lý luận tầm thường ở tôi thôi, nhưng nó có cái khác xa, ở chỗ không kiêu hãnh, tự cao tự đại rởm, đáng chê trách. Và một khi, ở phía người cầm bút, ở nhà văn đã nghiêm chỉnh, trân trọng thưa rõ như thế rồi mà vẫn còn những kẻ huênh hoang phê bình thiếu lễ độ thì phản ứng của ta - tất, cứ phải có. Thẳng tay mà có. Tầm vóc lý luận lúc ấy quyết định tất cả! Chứ người đời, có một thiểu số, vốn lòng dạ khôn lường. Đã mấy kẻ đặt nặng lòng phục thiện? Lời Chúa phán truyền, lời Phật cảnh tỉnh, khuyên răn - đúng cả ngàn năm mà nào thiên hạ đã chịu quay về một mối đâu? Huống hồ là "người nói với người!" Vậy, việc tác giả viết cứ phải viết, và điều tác giả viết lại thường "rắc rối" lắm! Chẳng lẽ tác giả muốn có ngay đa số tán thành ý kiến, tư tưởng của mình hay sao? Nếu thế, đâu có cần cho lắm - để viết rả!
Tôi không hề dám khuyến khích tác giả đặt bước vào mảnh vườn... tư tưởng quá khích. Vì, theo sự để ý và nhận xét của tôi, tác giả chính là một tâm hồn dốc lòng thờ Chúa, đặt niềm tin tuyệt đối nơi Đấng Linh Thiêng. Tác giả muốn đóng góp, điều chỉnh những lời của người đời sau đấy (dù họ là ai, đã diễn giải Lời Chúa chưa thật chính xác, và phương pháp chưa thật tuyệt mỹ, nhất lại là ở một hai ngàn năm sau thế hệ hậu sinh không còn giống như xưa kia nữa!) Tác giả không phải là nhà thần học quá khích đâu! Tôi có khác các vị con chiên ngoan đạo nên tôi có cái nhìn thông cảm với tác giả. Các vị ấy phải "khựng" lại! Có điều, ở vào vị trí của tôi, tôi lại tự luận rằng, nếu tôi cổ vũ điều tác giả nói, hoặc nghĩ, hay viết thì thiên hạ sẽ lập tức cho rằng "tôi là kẻ ngoại đạo" nói gì mà chẳng được, thuận và tán thưởng điều tác giả nêu ra là "lẽ đương nhiên!" Ôi, việc đời là thế mất rồi!
Tôi vẫn muốn đề nghị tác giả diễn đạt ngăn ngắn những ý tưởng... Vì, tôi có cảm nghĩ, khi tác giả đặt bút, "nhiều ý" đã đến một lúc nơi tâm tưởng. Nếu tác giả để cho chúng tuôn ra cùng một lúc thì câu văn sẽ dài lắm, và mệnh đề này nối tiếp mệnh đề khác, làm một số người đọc không có trình độ vững, hoặc lười suy nghĩ sẽ không hiểu đến nơi đến chốn chỗ dụng tâm mình muốn nói. Nghĩ thì như vậy, nhưng tôi chợt nhớ người xưa đã để lại câu nói, "Người ta chỉ có thể dẫn con lừa tới dòng suối. Uống nước hay không tùy nó;" mà những gì tác giả viết lại thuộc về cảm nghiệm... Như vậy, những ý tưởng được ghi lại thành văn từ có lẽ chỉ hợp câu "Kẻ nói thì không biết" của Lão học. Điều này đòi hỏi người đọc cần có điều kiện nghiệm xét trong tự do tư tưởng đúng nghĩa của nó.