Chương 4
Tác giả: Lã Mộng Thường
Chị Lữ xưa nay rất ít nói, và cũng như mọi người, những chuyện vớ vẩn loanh quanh luẩn quẩn xảy tới trong liên hệ anh em họ hàng thân thuộc và bạn bè đã làm chị phiền hà không ít. Chính vì vậy, chị ít khi dám phát biểu nhận định của mình bởi dù nói thế nào đều bị những lời ong tiếng ve cho rằng phải thế nọ, phải thế kia, kèm theo những lời khôn ngoan tỏ vẻ dạy dỗ vuốt đuôi chẳng hạn nếu tôi là chú, nếu tôi là thím thì chuyện đã như vầy, đã như kia... Cũng có thể chị Lữ mang mặc cảm mình không thể già họng đối đáp được với những kiểu ranh vặt, lạm dụng cơ hội hầu mong tỏ sự cả sáng ba xu ấy nên tập thành thói quen rất ít khi tỏ bày ý kiến ngoại trừ trường hợp ai đó hỏi đích danh mới trả lời ậm ừ cho quạ Những ngày đầu tiên hai người quen nhau, Kính hay lại nhà Lữ nói chuyện đấu láo vào những buổi chiều sau giờ tan sở. Nhiều lần sau khi Kính ra về, chị Lữ tỏ vẻ khúc mắc với chồng về lý luận đầy vẻ ngang ngược chẳng giống ai của Kính thế mà anh Lữ coi bộ có vẻ đồng thinh tương ứng được. Thật khổ, cứ mỗi lần bị vợ hỏi, anh Lữ lại phải tìm đủ mọi cách giải thích. Lần này qua lần khác, cố moi móc những thí dụ điển hình trả lời về mấy vấn đề chị Lữ cho rằng Kính nói ngang mà cũng không sao có thể trình bày hết ý mình muốn nói, anh Lữ lắm lúc đành xí xóa với câu "Hắn vậy đó, tốt nhất chớ dại mà nghẹ" Một hôm hai vợ chồng Lữ đem lý luận biện chứng tranh luận chỉ vì mấy câu nói của Kính; ngay chiều hôm sau anh Lữ vô tình nhắc tới nên chị Lữ từ đó có cơ hội tham gia tay ba đàm luận.
Dẫu quen nhau hơn hai năm, nhiều lần ăn cơm tối với đôi vợ chồng này nhưng rất ít khi Kính nói chuyện với chị Lữ. Có chăng chỉ một vài câu chào hỏi, thêm lời nhờ vấn an ông bà cụ thân sinh, ngoài ra, dẫu không có vẻ gì khinh thị người khác, Kính chẳng bao giờ đem những ý nghĩ đang bàn luận đặt thành vấn đề với vợ chủ nhà mặc dầu chị Lữ đang hiện diện. Tối hôm trước, hai người nói chuyện liên quan đến mấy câu tục ngữ ca dao Kính lấy làm đắc ý chẳng hạn "Được chim quên ná," "Được cá quên nơm," "Được ý quên lời," và cho rằng cổ nhân để lại những câu thâm thúy, nói vậy nhưng không phải vậy làm khối kẻ bị lừa. Nhân chuyện có gia đình xa gần trong họ hàng đứng ra lo đám cưới cho thằng cháu họ đàng ngoại có lẽ cách xa vài trái hai lẻ hai, may ra chỉ còn hơi hám do thằng cháu thời gian mới vượt biên ở ké độ nửa năm, khi thằng cháu hờ phải đi tiểu bang khác vì công ăn việc làm nơi đó khá hơn, gia đình ông chú bà cô hàng tháng hụt mất ba trăm rưỡi bạc tiền mặt cộng thêm vài chục đồng phiếu trợ cấp thực phẩm nên sinh ra lời ong tiếng ve khá nặng về đứa cháu vô ơn. Nào là "Chó ăn cứt còn nhớ ơn trôn," nào là công việc làm ăn thì đâu chả thế, có nơi nào người ta chấp nhận cho nằm ngửa ăn không, thế mà cũng nghe dấm nghe mẻ mấy người lợi dụng cho thuê nhà bỏ đi không nghĩ gì đến tình nghĩa. Nào là thứ vô ơn nên khi đã đủ lông đủ cánh rồi thì "Qua sông đấm cò vào sóng... " Xảy ra khi cưới vợ, bởi đơn thân độc mã, vả lại, nhà thờ nhà thánh, cộng đồng, đoàn thể người Việt không tham gia, thằng cháu ngỏ ý nhờ ông chú bà cô đứng ra đỡ đầu mong sự việc có được người nọ người kia qua lại cho đỡ tủi. Tất nhiên khi nhờ vả, mọi đồng mọi món thằng cháu phải ứng trước. Nhà hàng thì mấy dì mấy cô họ đi đặt cho hợp với kiểu cách xưa nay hầu tránh tiếng ma chê cưới trách lại đẹp mặt gia đình vì trên thiệp mời ông chú bà cô đứng tên. Thằng cháu họ nào đã bao giờ cưới vợ nên đâu hiểu những phiền toái cộng thêm những rắc rối tính toán sao cho tốt mặt đẹp lòng. Thế nên, qua buổi tiệc linh đình nơi một nhà hàng sang trọng, nào trống phách đàn địch, nào ca sĩ nhà, ca sĩ thuê, nào chín món thức ăn, ba kiểu tráng miệng, rượu mờ mờ, rượu bò đi ông, cụ này bà kia, máy sẵn đấy, mi cô sẵn đấy, nhờ cơ hội ngàn năm một thưở, phát biểu lung tung chước luôn phần hát của ca sĩ... Đến lúc tính sổ, chú rể mới bổ ngửa vì lỗ bứt mười hai ngàn. Khi răng cắn phải lưỡi mới hay; khách khứa, nào ai không biết chú rể chỉ là đứa cháu hờ tự đâu đâu về cưới nhờ cô vợ, bởi vậy có mừng cho lắm chỉ mất toi vì nợ cần có đầu, trâu phải có chủ, cưới xong chúng bỏ đi nơi khác lỡ khi đến việc mình làm sao đòi lại. Và thế là hết cả tiền dành dụm cho tuần trăng mật, trăng đường, lại đeo thêm bẩy ngàn còn thiếu, hai vợ chồng thằng cháu mới cưới vội vàng khăn gói trở lại chốn xa lo còng lưng đi cầy trả nợ. Cô dâu mới về nhà chồng không có cơ hội phải làm dâu tỏ lòng biết ơn phúc đáp công lao dựng vợ gả chồng thành ra đôi trẻ mang thêm điều tiếng "Ăn cháo đá bát."
Đến khổ, cũng vì vài lời Kính tấm tắc đắc ý về mấy câu tục ngữ ca dao mà vợ chồng anh Lữ mất suốt cả một buổi tối bàn luận nhưng cuối cùng chị Lữ vẫn không nhận ra được điều gì hay của câu "Ăn cháo đá bát" đã được gán cho đôi vợ chồng trẻ. Do đó, chiều hôm sau khi Kính vừa bước chân trong chân ngoài chưa kịp chào hỏi, anh Lữ đã vội lên tiếng,
- Đấy, cái miệng ông tướng nói ngang đang trờ trờ ra đấy; nếu em còn ấm ức thì cứ hỏi để hắn nói cho điên cái đầu luôn.
- Chào anh chị, có chuyện gì xảy đến với hai ông bà mà định dùng tôi làm quan tòa xét xử dẫu chưa đặt được ly nước nào cúng tổ? Kính vừa bước tới ngồi xuống salon vừa diễu diễu thăm dò.
- Mời anh ngồi chơi; để em lấy bia hầu thầy bói. Vừa nói chị Lữ vừa quay người đi về phía tủ lạnh đặt nơi góc bếp gần bàn ăn.
- Thế ra hôm nay cóc mở mà hay cóc nghiến răng mà chị thăng chức cho tôi lên hàng thầy bói. Phỏng tôi xứng đáng là ông thầy có chức từ bao giờ vậy?
- Em có quyền hành gì thăng chức đâu nên nào dám nói rằng anh xứng đáng là ông thầy có chức hay không?
- Ha! Ha! Ha! Anh Lữ phá lên cười trong khi Kính cố gắng ra vẻ thản nhiên miệng mỉm chi, bụng nghĩ, mụ bị lừa vố này coi chừng tức với mình lắm. Nửa e ngại vợ chủ nhà giận vì mình láu cá, nửa sợ chồng chị nói không khéo thì hỏng to, Kính cảm thấy luống cuống nhưng không biết giải quyết thế nào. Ai bảo quen miệng, từ nay phải uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói với mấy bà kẻo mang họa... , Kính tự trấn an.
Vừa lúc chị Lữ mang hai chai Heineken kèm thêm một lon Coke, ba chiếc ly, trong trạng thái ngỡ ngàng không hiểu chồng cười vì lý do gì về câu trả lời của mình, anh Lữ mới nhịn được cười đoạn lên tiếng,
- Anh đã nói với em là muốn điên cái đầu thì cứ hỏi hắn, thế mà chẳng ngờ chưa kịp hỏi đã bị ngơ ngác không hiểu hắn nói gì.
Kính thầm cám ơn cái miệng nhanh nhẩu đổ lỗi tại mình làm người khác ngơ ngác... Nhưng chưa kịp mừng, chị Lữ đã hỏi chồng:
- Anh ấy đã nói gì đâu mà ngơ ngác? Chị Lữ không hiểu chồng mình cười chuyện gì nhưng làm bộ che dấu.
- Thôi bỏ chuyện đó đi, chị Lữ. Vậy anh chị có chuyện gì mà lúc nãy anh ấy nói chị muốn hỏi tôi?
- Em sẽ hỏi sau, bây giờ anh phải giải thích tại sao nhà em cười vì biết em ngơ ngác... Chợt thấy Kính nói lãng, chị Lữ lại có ý muốn hỏi cho biết nên đành chấp nhận mình không biết.
Cố tránh vỏ dưa lại đạp nhằm vỏ dừa không đường tiến thoái, Kính nói trớ,
- Tôi chỉ ngạc nhiên vì hình như hôm nay chị có điều gì quan trọng mà chị lại bảo tôi là thầy bói nên cảm thấy cũng thích thích, định về đọc ít sách tướng số may ra biến lời nói của chị thành lời tiên tri chăng.
- Không phải vậy, em muốn hỏi lý do gì khiến nhà em cười; sao anh đánh trống lãng giỏi vậy?
- Chị hỏi không trúng người bởi tôi có cười đâu nên nào biết lý do.
- Ha! Ha! Anh Lữ lại cười trong khi nheo mắt nháy vợ. Anh đã nói rồi, nói với hắn chỉ có điên cái đầu nên chớ dại mà hỏi. Nói xong Lữ vẫn không nín được nên cứ ôm bụng mà hích, hích, đến chảy cả nước mắt ra...
Đến lúc này thì nét mặt của chị Lữ mang đầy vẻ ngơ ngác, chị không thể hiểu được lý do gì chồng mình cười một cách lạ lùng như thế. Đọc được nét ngạc nhiên của người đàn bà đơn sơ này, Kính nhẹ nhàng giải thích,
- Anh ấy không cười chị đâu mà cười về điều mà tôi ám chỉ qua câu trả lời "Chị hỏi không trúng người." Sự việc xảy ra là anh ấy cười và chị hỏi tôi lý do gì khiến anh ấy cười. Anh ấy cười tính chất người của con người, không chịu tìm hiểu kỹ càng trước khi đặt vấn đề mà cứ theo ý nghĩ, quan niệm riêng của mình, xét đoán phỏng chừng. Có phải chị nghĩ rằng tôi hiểu lý do làm anh ấy cười nên hỏi tôi phải không. Tôi trả lời "Tôi đâu có cười nên nào biết." Tôi chỉ đưa lên cái nhìn đơn sơ thấy sao nói vậy; anh ấy cười, chị hỏi tôi do đó đã khiến anh ấy cười.
- Anh nói có lý, em cũng chẳng hiểu tại sao em lại hỏi anh về chuyện nhà em cười.
- Thì tại chị hỏi theo thói quen bình thường của mọi người. Anh ấy đang cười không thể trả lời được đồng thời chị nghĩ rằng tôi hiểu lý do nên hỏi.
- Em hiểu rồi, cũng chỉ vì ý nghĩ trong đầu mà phản ứng của em đã không đúng chỗ.
- Rồi rồi, mày bắt đầu làm hại tao rồi Kính ơi! Lữ lên tiếng.
- Tại sao nói anh Kính làm hại anh?
- Bộ em không nhớ sao, cứ mỗi buổi chiều sau khi hắn bước ra khỏi nhà là em hỏi anh về những vấn đề hắn nói làm anh lo trả lời đến khùng luôn mà vẫn không chịu tha; chẳng hạn như chuyện vừa xảy ra tối hôm qua, chỉ vì câu tục ngữ mà lời qua tiếng lại gần đến nửa đêm mất cả ngủ. Bây giờ, hắn giải thích cho em hiểu được thói quen nơi mọi người nhìn sự việc một cách phiếm diện tùy thuộc nhận định sai lầm nơi mình thì có phải từ nay em sẽ quay anh như quay dế chứ còn yên hàn sao được mà không khổ...
- Câu chuyện tối qua của anh chị ra sao mà đến độ mất ngủ. Kính hỏi chị Lữ.
- Em sẽ hỏi anh sau, bây giờ em muốn biết lý do tại sao nhà em cười khi em nói anh là thầy bói.
- Chị hỏi tôi hay hỏi anh ấy?
- Ừ nha, vậy anh trả lời đi. Chị Lữ chợt nhận ra mình hỏi trật người khi nghe Kính nói nên quay qua chồng tò mò muốn biết.
- Nó nói và anh cười vì câu nói của nó chứ. Thế nên em hỏi anh cũng không đúng vì chỉ nó mới hiểu câu nói của nó mà thôi, tại sao em bảo anh trả lời.
- Vậy là thế nào, chị Lữ thắc mắc bởi tưởng là đúng lại chẳng đúng...
- Thằng ranh, mày cả vú lấp miệng em. Chị đừng để nó dụ chị vào tròng. Nó phải trả lời vì chị hỏi lý do tại sao cười chứ chị không hỏi câu tôi nói có ý nghĩa gì. Thằng đểu, làm cho vợ cuống lên. Kính xổ một tràng đỡ dùm cho chị Lữ.
- Em thấy anh nói đúng không, từ nay anh bị bắt buộc bước vào con đường khổ ải vì em đã dám nói chuyện với nó. Lúc thoạt mới tới, nó nói "Phỏng nó có xứng đáng là ông thầy có chức" mà em lại nói "Em có quyền hành gì thăng chức đâu" tức là em bị rơi vào bẫy nói lái của nó. Có chức đọc lái là cứt chó thì làm sao anh không cười...
- Ừ nhỉ, sao em dốt vậy, chỉ có thế mà không để ý!
- Cha mày, từ nay khốn khổ rồi con ơi! Kính diễu Lữ, đoạn quay qua chị vợ tiếp, bây giờ chị đã có thể nói lên được điều muốn hỏi chưa?
- Nói với hai anh mệt quá, nhưng cũng hay hay... Số là hôm qua anh nói mấy câu "Được chim quên ná, được cá quên nơm" mang hai nghĩa luân lý và thực thể sự kiện, nhà em giải thích mấy câu ấy hợp tình hợp lý nhưng có một câu "Ăn cháo đá bát" em thấy nó làm sao ấy nên muốn gặp anh để hỏi.
- Câu này được áp dụng nơi trường hợp nào?
- Thì hai đứa cháu họ của nhà ông Tính mới cưới ở đây đó. Cưới xong lúc tính sổ hụt mất những mười hai ngàn, hai đứa phải bỏ luôn tuần trăng mật vẫn còn nợ bẩy ngàn nên lo sợ quá phải về đi làm kiếm tiền trả nợ mà bây giờ bị nói là "Ăn cháo đá bát." Em thấy nó kỳ kỳ làm sao ấy nhưng muốn được giải thích cho hợp tình hợp lý nên cứ thắc mắc hoài.
- Vụ ấy tôi cũng nghe nên chỉ đặt vấn đề, có cháo đâu mà đá bát...
- Hay, anh nói hay, có vậy mà em suy nghĩ mãi không ra. Đúng thật anh nói ngang nhưng có lý.
- Cảm ơn chị quá khen, có lẽ nói bằng ấy xứng đáng với thù lao một chai bia rồi phải không...
- Thế từ bao lâu nay anh tính thù lao về chuyện gì, công lao sức lực ghé qua thăm hỏi hay vì em ngu ngơ nên phải dạy khôn?
Đáng đời, Kính nghĩ thầm, ai mượn ăn nói bừa bãi. Khi cóc đã mở miệng thì phải coi chừng, vừa tự nhủ mà lại đã vấp phạm... bởi vậy giả lã:
- Chuyện quá khứ hãy để cho quá khứ tự xử vì những gì thuộc về quá khứ thì đã không bao giờ trở lại cũng như không ai tắm hai lần trong một giòng nước. Hơn nữa, sự vật luôn luôn biến đổi cũng như chính con người mình đang thay đổi mà không nhận biết. Thế nên, nếu cứ bám lấy quá khứ sẽ không thể nào sống cho hiện tại; nếu dùng quá khứ làm căn bản xét xử sự việc sẽ không thể có được nhận định đích xác sự việc xảy ra thế nào. Do đó, hãy nói chuyện bây giờ và những chai bia sắp tới...
- Anh nói cũng có lý, nhưng nếu không có quá khứ sao có thể nhận ra những lẽ chẳng nên. Những chuyện đang xảy ra không thể nào nhận định kịp, chuyện tương lai thì chưa tới. Như vậy, nhận định có nghĩa là đừng nhận định mà chấp nhận sự việc xảy tới mà thôi hay sao?
- Tôi hiểu chị muốn nói gì. Thế mới biết, người ta cho rằng tôi nói ngang mà chị còn ngang hơn tôi...
- Anh muốn kéo em vào phe ngang hay sao? Mà tại sao anh nói em ngang hơn anh?
- Chính vì chị dám đặt câu hỏi tại sao nên tôi nói chị ngang. Bởi chị mới nói nhận định là đừng nhận định mà chấp nhận sự việc xảy ra. Tất nhiên, nguyên câu nói nhận định là đừng nhận định mang tính chất tự đối nghịch không ngang thì họ hàng nhà cua tám chân hai còng thêm cặp mắt lé chẳng cần tìm hiểu cuộc đời lên xuống thế nào.
- Nghe anh ví, coi chừng em có cặp mắt của họ hàng nhà cua... Chị Lữ vừa cười vừa nói... Không ngờ Kính có lối ăn nói duyên dáng mượn sự vật diễn tả tư tưởng thông đạt như thế khiến nàng cảm thấy thoải mái, tự nhiên hơn bao giờ thay vì luôn luôn phải để ý e dè như khi nói chuyện với những người khác... Anh nói quá khứ là những gì đã chết mà cuộc đời luôn luôn biến đổi thì sao có thể lấy những gì bất biến mà đo lường sự biến động. Muốn nhận định cần có căn bản, cần có những điều kiện làm tiêu chuẩn mà không có tiêu chuẩn sao có thể nhận định. Như vậy dẫu nói rằng nhận định nhưng thực ra không phải là nhận định mà chỉ giương mắt ra mà nhìn nào khác gì cặp mắt của con cua lại còn được gọi là lé thì sao có thể nhìn cho toàn vẹn. Bởi vậy chỉ còn nước chấp nhận sự việc xảy ra chứ có muốn nhận định chính xác cũng không được.
- Lần đầu tiên tôi nghe được câu nói nhận định là không nhận định dẫu từ lâu đã nghĩ thế mà chưa bao giờ dám nói ra. Xét cho đúng, sự việc đã xảy đến thì không thay đổi được, có chăng chỉ có thể bổ túc hay ngăn ngừa những gì liên hệ tùy theo điều kiện và thời điểm mà thôi. Thế nên nhận định một sự việc, sự kiện chỉ là quan sát một cách không thiên kiến chứ không phải sửa sai hay chỉnh đốn sự kiện; bởi đó, nhận định sao cho chính xác không mang nghĩa thông thường mọi người hay dùng theo quan điểm sẵn có. Chị thử xét coi, nếu chị đeo cặp kiếng đậm màu để thưởng thức bức tranh thì sao có thể thấy rõ sự hòa hợp màu sắc họa sĩ đã dùng phô diễn trên bức tranh. Nhận định một sự việc mà để thiên kiến, quan niệm, kinh nghiệm cá nhân bao phủ nhận thức giống như cặp kiếng màu che mắt thì sao có thể nhận định chính xác sự việc xảy ra thế nào. Qúa khứ, kinh nghiệm, chỉ phần nào giúp con người ý thức về phản ứng nội tại tránh sự giao động phí lực làm hao tổn tâm sức, quay cuồng vô định hướng trong thực tại biến động chứ không thể nào hoàn toàn làm căn bản nhận định như vẫn được áp dụng theo thói thường. Chẳng thế mà người ta hay tỏ sự khôn ngoan một cách muộn màng nào là nếu mà tôi thì thế này, nếu mà tôi thì thế kia. Sự việc đã xảy ra mới phét lác thì ai không ba hoa được. Thôi, nói vậy quá đủ, bây giờ trở lại vấn đề những chai bia trong quá khứ...
- Đúng thế, anh phải giải thích sao cho hợp lý về những chai bia trong quá khứ...
- Trước hết, vì nhà anh chị có sẵn bia chứ nếu không có bia sao tôi có thể uống. Thứ hai, dẫu anh chị có bia mà không mời, tôi cũng không thể uống. Điều này nói lên tôi uống những chai bia trong quá khứ không phải tự mình muốn uống mà được dẫu rằng tôi đã uống. Lý do thứ ba, tôi được mời chưa chắc đã vì lòng tốt anh chị muốn tôi uống mặc dầu anh chị tốn tiền mua bia vì có thể anh chị mời tôi uống bia theo phép lịch sự, lỡ không mời khách uống sẽ bị nói là không hiếu khách, keo kiệt, và cũng có thể e ngại tôi cho rằng nhà anh chị nghèo không đủ tiền mua bia mời khách v.v... Chỉ thử đưa ra ba lý do đó, sự uống bia của tôi là uống vì anh chị chứ không uống vì tôi và anh chị mời tôi cũng vì anh chị mà chớ... Chị thử nhớ lại coi, tôi đâu ghé vô nhà anh chị xin uống bia mà có khi không uống bia, lại uống nước lạnh...
- Anh có ý định dùng lý luận theo kiểu đổ bùn sang ao không?
- Chị hỏi như thế tất nhiên đã vứt bỏ được quá khứ hay kinh nghiệm mà đặt mình trong thực tại biến động để nhận định. Đồng ý với chị tôi trả lời như vậy có thể vì mượn tâm lý có thể xảy ra, ráp nối bằng lý luận để xóa bỏ ơn huệ được uống bia trong quá khứ, và cũng có thể đổ bùn sang ao bằng cách nói rằng tôi uống bia vì anh chị để khỏi phải mang ơn. Thực lòng mà nói, tôi chẳng nghĩ gì hết. Có bia và muốn uống thì uống, có bia mà không muốn uống cũng không uống, có bia không muốn uống nhưng nể lời mời nên uống thì uống, có bia, nể lời mời nhưng thấy không nên uống cũng không uống. Thế nào cũng được, sự kiện uống bia hay không uống cứ hãy để nó tự nhiên.
- Và như vậy sự kiện uống bia chỉ tương đối vì nó có thể tùy thuộc một trong những lý dọ Có phải anh muốn ám chỉ sự nhận định cũng chỉ tương đối bởi bất cứ sự việc gì cũng tự mang những yếu tố đối nghịch và vấn đề đúng hay sai, hợp hay không lại tùy thuộc sự nhận định của con người.
- Chị nói hợp lý một nửa vì nhận định đúng, sai, hợp, hay không hợp là cái nhìn qua cặp mắt kiếng thiên kiến chứ không phải tự sự việc. Sự việc là chính nó, chẳng sai, chẳng đúng, chẳng hợp, cũng như chẳng không hợp. Nói chính xác hơn, sự việc, sự kiện vừa tốt vừa xấu theo lối nhìn thị dục. Tôi uống được bia, thích uống bia thì bia tốt đối với tôi nhưng đối với chị thì sao?
- Có lý, giả sử là em, mời em uống bia thì chỉ bắt em chịu khổ ải. Ah! Anh còn nói thiếu điểm này... Thế thì những chai bia anh uống trong quá khứ trở nên vô nghĩa dẫu rằng nó đã có ý nghĩa. Nó chết rồi...
- Bây giờ chị thấy rõ, nhận định sinh ra phản ứng do đó nếu nhận định không chính xác, phản ứng lầm lẫn chẳng khác gì chữa bệnh nhức đầu bằng cách cắt nó vứt đi...
- Anh đặt vấn đề nghịch thường vì nào ai cắt cổ để chữa bịnh nhức đầu.
- Người ta không cắt cổ để chữa bịnh nhức đầu nhưng người ta vẫn không dám tìm hiểu những dữ kiện thực tại mà dùng kinh nghiệm, quan điểm, kiến thức hạn hẹp cá nhân để nhận định sự việc. Như thế, có phải người ta đã cắt bứt những dữ kiện khỏi thực tại để nhận định theo quan điểm hạn hẹp riêng tư không? Vậy thì những gì được gọi là đúng, sai, phải, trái, chỉ dựa theo lối nhìn hạn hẹp cá nhân chứ không phải dựa trên dữ kiện thực tại. Họ đã cắt cái đầu thực tại mất rồi nên bày tỏ nhận thức đúng sai nơi chính họ mà chớ.
- Hèn chi anh bị mọi người cho là nói ngang. Theo em nghĩ, họ gọi anh là nói ngang vì lối nói biểu tượng mà lại không giải thích, chẳng hạn đem so sánh sự việc với bệnh nhức đầu và cái đầu với những dữ kiện. Thử hỏi nếu khi một chuyện xảy đến gây ra điều ong tiếng ve như chuyện đôi vợ chồng mới cưới mà em hỏi anh, anh đã không giải thích lại buông xuôi câu cắt đầu để chữa bịnh thì ai hiểu được ý anh muốn nói thế nào. Thế sao anh không giải thích cho người ta hiểu...
- Không ai có thể dạy ai vì không phải chỉ có một con đường duy nhất. Có nhiều con đường dẫn đến chân lý nhưng không đường nào hơn đường nào. Tuy nhiên, điều quan trọng là khi đã nhận thức được con đường phải đi, cần tập trung nỗ lực để đi đến cùng. Lý do không ai có thể dạy ai vì khi đắc thời người ta quên đi quá khứ rất nhanh bởi thế chỉ trong đau khổ, nhục nhã ê chề con người mới chịu học. Thực tế chứng minh, khi đắc thời con người tưởng mình là tất cả do đó sinh ra ngạo mạn. Chẳng thế mà ca dao có câu: "Vai mang túi bạc kè kè, nói khuếnh nói khoáng người nghe rầm rầm." Khi khốn khổ, con người mượn đủ mọi cớ để bào chữa hoặc cay cú, ghen tương. Thế nên, giải thích làm sao cho những cái đầu thiên kiến ngập đầy những khuynh hướng chỉ trích vì với óc chỉ trích, con người công kích tất cả do đó họ sẵn sàng bôi nhọ mọi đức hạnh và tìm sự sai quấy ở khắp mọi người. Chết cho quá khứ, vứt bỏ những gì đã qua tức là có thái độ đối nghịch với óc chỉ trích, tìm điều tốt lành ở tất cả mọi người để nhận ra mọi sự phải có lý riêng của nó và như vậy mới có nhận định trung thực, mới thăng tiến được.
- Vậy óc chỉ trích ở đâu mà có? Phỏng nó có thể là bản năng và nếu như thế đó là điều tự nhiên...
- Tôi xin ngắt lời chị, chị mới đặt vấn đề óc chỉ trích là bản năng để rồi khai triển nó là điều tự nhiên. Ấy là chị mới phỏng chừng nên đã bị chính cái phỏng chừng hướng dẫn đào sâu vào sự giải thích về bản năng. Dĩ nhiên, nhận định sự vật bắt đầu bằng quan sát và phỏng chừng. Quan sát thu nhận tất cả những dữ kiện và phỏng chừng mở lối cho kinh nghiệm, quan niệm, thiên kiến lọt vào nhận định. Óc chỉ trích phát sinh bởi tự cho rằng chỉ kinh nghiệm, quan niệm của mình là đúng nên tự lấy mình làm mẫu mực quyết đoán sự việc phải thế này phải thế kia. Óc chỉ trích là kết quả của sự nhận thức qua tấm kiếng màu thiên kiến bao bọc nhận thức khiến con người không thể nhìn rõ được sự vật hay sự việc. Như vậy, những người mang đầy thiên kiến sẽ là người chỉ trích và đồng thời trở nên kiêu căng, tự phụ. Đàng khác, người ta không thể dậy bảo điều gì cho những cá nhân kiêu căng, tự phụ vì họ tự đã đóng tai bịt mắt để cho rằng chỉ họ là hơn trong khi ngược lại, chỉ những người khiêm tốn mới thấy được chân lý, thực thể sự việc.
- Như vậy, phải làm sao để tránh được óc chỉ trích?
Chị này xưa nay rất ít nói mà sao hôm nay đưa ra lắm câu hỏi rất ít người đề cập đến, Kính thầm nghĩ. Thế ra không phải ít nói vì người ta không biết mà có thể ít nói vì biết rằng nói ra cũng khó có người hiểu hoặc nói cũng vô ích, chỉ tốn nước bọt. Xưa nay ai dám nghĩ chị Lữ là người lý luận và dám đặt những câu hỏi đào sâu tận tâm thức con người; đã ai có thể cho rằng con người có thái độ khép kín lúc đụng cơ lại như con sáo đấu hót về những vấn đề hóc búa khô như đá mà còn chứng tỏ ham muốn tìm hiểu. Ít nhất mình đang mang những nhận xét sai lầm về chị Lữ đã bao lâu nay... Từ rày về sau phải chừa, giải thích về óc chỉ trích bắt nguồn từ thiên kiến mới nhận ra chính mình đã bị thiên kiến điều khiển. Nghĩ thế Kính trả lời,
- Tôi chỉ đưa ra một thí dụ bản thân. Đã hơn kém hai năm hay ghé vô nhà anh chị đấu láo, mãi tới lúc này tôi chợt ngạc nhiên vì không thể ngờ được chị đang đặt những vấn đề về sự nhận thức khó ai dám đem ra mổ xẻ. Nghĩa là tôi đã bị thiên kiến qua thái độ bên ngoài của chị. Chẳng hạn chị ít nói; khi nào bị hỏi đến chỉ ậm ừ cho qua mà đột nhiên chị như con sáo đấu hót lại cứ hỏi về những chuyện khô khan khó gặm. Thế nên, muốn tránh óc chỉ trích cần giải quyết thiên kiến, và muốn giải quyết thiên kiến để tránh lấy mình làm hơn chỉ còn cách mở rộng lòng theo câu nói ngang của chị: "nhận định có nghĩa là đừng nhận định mà chấp nhận," chỉ có cách giương mắt, vểnh tai quan sát sự việc và dõi theo xem nó thế nào, không cho là đúng mà chẳng nói là sai. Đó cũng chính là thái độ khiêm tốn vì chỉ có khiêm tốn mới giúp ta học hỏi được những điều mới lạ. Chỉ khi ta khiêm tốn mở rộng cõi lòng chiêm ngưỡng sự kiện thay vì lệ thuộc thành kiến và thiên kiến mới nhận ra thực thể sự kiện. Sự kiện xảy ra không lệ thuộc thành kiến hoặc thiên kiến của người nhận định mà tùy thuộc những điều kiện và môi trường tạo thành nó. Nếu còn giữ những thành kiến cá nhân thì nào có khác chi ly nước đầy làm sao đổ thêm vô được.
- Anh nói có đúng với ý nghĩ của anh không?
- Tôi nhận thấy sao nói vậy lắm khi làm chướng tai người nghe nên thường bị gọi là ngang; điều này đủ bảo đảm cho những lời tôi vừa nói.
- Sao em không thấy ngang tai chi hết!
- Tại em ngang hơn anh Kính. Đến lúc này anh Lữ chen lời, em thử nhớ lại đã bao nhiêu lần em không chịu chấp nhận những điều anh giải thích mà cứ cho rằng còn thiếu cái chi đó. Từ lúc anh Kính vào tới giờ, anh chưa thấy em nói còn thiếu cái chi đó kể cũng hơi la...
- Còn thiếu nhiều chứ nhưng phải giải quyết từ từ, phải dứt khoát từng vấn đề vì nếu cứ gom tóm tất cả như kiểu anh nói thì luôn luôn còn thiếu cái chi đó... Hướng về phía Kính nàng tiếp,
- Thế thoát khỏi thiên kiến để nhận định sự việc rồi sẽ đi đến đâu?
- Con người thường suy tư về sự liên hệ giữa người với người, sự việc xảy đến với con người chung quanh, nhưng sự suy tư nào cũng thế, ít nhiều đều bị thiên vị và do đó luôn luôn sai lạc nếu nhận định sự việc theo quan điểm cá nhân. Bởi thế, tư tưởng con người chỉ chân chính khi họ được giải thoát khỏi thành kiến và những ảnh hưởng do những điều kiện bên ngoài. Chẳng hạn, khi tính toán để mua một ngôi nhà, ngôi nhà sẽ được quyết định mua hay không tùy thuộc quan điểm bao gồm nhiều điều kiện. Dĩ nhiên, người mua cần chỗ ở hoặc cho thuê chỉ là chuyện phụ, điều kiện thuận tiện chợ búa, sở làm, giá trị căn nhà có gì liên hệ đến giá trị người mua hay không, gia đình bao nhiêu người và cần bao nhiêu phòng v.v... Thực ra, nếu chỉ cần nơi chốn để che mưa tránh nắng thì nhà thế nào không được. Tuy nhiên, nào ai để ý đến tính chất định giá cho sự chọn lựa của mình. Thử xét, nếu người chồng nào đó tậu được một căn nhà nguy nga tráng lệ nhưng thực tế không đủ tiền để thuê người dọn dẹp, chắc chắn rằng bà nhà sẽ trở thành đứa con ở. Và nếu bà nào cố gắng mua cho được căn nhà đẹp đẽ, sang trọng, mà không đủ khả năng tài chánh thuê người dọn dẹp, bà ấy đã tự chấp nhận trở nên kẻ nô lệ. Kinh nghiệm hằng ngày chị thấy rõ, lau chùi, dọn dẹp một căn nhà sang trọng như chúng ta có thể nhìn thấy bên ngoài tất nhiên đòi hỏi một người làm việc liên tục. Nói như vậy chị thừa hiểu.
- Đó là chuyện thường tình việc gì anh phải đặt thành vấn đề vì nhà nào không là nhà!
- Chị định giăng chiếc bẫy kiểu gì khi chị cho đó là chuyện thường tình? Có lẽ chị thừa hiểu, chỉ những người nghèo mới lo chết đói, mới ham giầu; chỉ những kẻ không có mặt mới lo mất mặt; chỉ những người thấy mình chẳng là gì mới muốn chứng tỏ ta đây có giá trị vì có căn nhà sang trọng, có cái xe mắc tiền v.v... nên phong cách cũng như suy tư bị thiên vị do ảnh hưởng của sự ham muốn và cũng chính những ham muốn này sinh ra thói hư tật xấu. Dĩ nhiên, kiếp người quá ngắn ngủi không ai có thể trừ hết được những ham muốn thế tục do đó đa số hành động không ý thức bởi chịu ảnh hưởng ngoại cảnh không được vừa lòng sinh ra bất mãn, không được thoải mái. Chính sự bất mãn này sinh ra tính chất đóng kịch với mọi người, với chính mình, hoặc sống theo một lề lối, một khuôn khổ nào đó không thích hợp nhưng lại cố ép mình để tưởng là hợp cho có chút hãnh diện. Chị thử xét coi, có vị thánh nào vỗ ngực xưng danh là ông nọ bà kia không, hay chỉ có những kẻ còn u mê trong tham vọng thế tục mới tha thiết đến danh vọng, địa vị. Người ta đang sống trong vòng nô lệ chính họ đặt ra có lẽ để thưởng thức thú đau thương...
- Anh nói gì, thưởng thức thú đau thương. Thế anh định nghĩa thú đau thương là gì?
- Thú đau thương là cảm nghiệm của sự đam mê những gì vì nó mà mình bị khốn khổ.
- Vậy phải thế nào để giải thoát khỏi thú đau thương?
- Con người cần nhận biết rõ ràng hạnh phúc không ở những sự thành đạt theo ham muốn thế tục. Có đạt được tất cả những ước mơ thì họ vẫn bị mang nỗi buồn muôn thuở để hung hăng đeo đuổi những thành đạt mới bởi sự ham muốn của con người như chiếc váy nên không có đáy...
- Ha! Ha! Ha! Chị Lữ cười thoải mái, chị Ôm bụng cười đến dàn dụa cả nước mắt... Cho anh làm kịch sĩ thì hợp với cái miệng của anh... Sao nữa, anh nói tiếp,
Có lẽ từ nay chị Lữ sẽ ít nói hơn nhưng không có vẻ khép kín như những ngày trước, âu cũng là điều hay, Kính nghĩ...
- Vì sự ham muốn thế tục chẳng bao giờ cùng nên con người cần nhận thức được hạnh phúc phải đến từ tâm linh bởi mọi thành đạt bên ngoài nơi cuộc sống đều bị giới hạn. Phương pháp để đạt tới hạnh phúc tâm linh là trở về với nội tâm. Điều này có nghĩa tìm lại chính mình thay vì chạy theo những gì không phải là mình; nói cách khác là hướng nội, là tự trả lời câu hỏi mình là gì. Đồng thời, muốn biết mình là ai phải có tự do tư tưởng, phải dám đối diện với chính lòng mình để nhận xét và chấp nhận đúng đắn mình như thế nào cho tới tận cùng.
- Tại sao anh lại nói tới tự do tư tưởng? Bộ có những điều con người không dám nghĩ đến hay sao?
- Sao không? Đâu thiếu chi người đã bị những giáo điều ám ảnh không dám suy nghĩ đến những gì chưa được dạy bảo. Thực ra, tự do tư tưởng không phải chỉ là muốn nghĩ thế nào thì nghĩ mà còn cần phải được giải thoát khỏi bất cứ ảnh hưởng hay áp lực nào bắt ta suy nghĩ theo một lề lối riêng.
- Nếu vậy người ta có thể nghĩ sai...
- Chị nói gì kỳ vậy? Nếu đã biết là sai sao còn có thể sai?
- Em e rằng nghĩ sai nhưng không biết mình sai.
- Thì hãy cứ suy nghĩ cả ngàn lần đi thế nào không có lần đúng; mà đã có lần đúng vẫn còn hơn không dám suy nghĩ để chẳng có lần nào sai.
- Anh nói sao? Sai cả ngàn lần sao lại hơn không bao giờ sai?
- Chị không muốn hiểu hay tảng lờ như không hiểu? Người không bao giờ lầm lỗi chỉ có thể thuộc về một trong hai loại: loại thứ nhất là kẻ đóng kịch đại tài. Họ đánh lừa được tất cả mọi người để không ai có thể nhận thấy sự sai lầm của họ. Tất nhiên, kẻ nào bịp được mọi người thì họ cũng đã có thể bịp được chính họ nên đương nhiên lọt vào loại lương tâm bệnh hoạn, chẳng có sự man trá nào mà họ không dám thực hiện. Loại thứ hai không dám thực hiện bất cứ điều gì bởi luôn luôn sợ sai lầm thế nên không dám sống cho chính mình, chỉ nương nương theo người mà sống để tránh bị chê trách, tránh bị phê bình. Bởi vì không dám sống cho chính họ nên dẫu sống thì cũng như đã chết; họ sống như một xác chết biết thở, không hơn không kém, nên chẳng có gì được gọi là sai lầm.
- Thế thì phương pháp nào theo anh có thể nghĩ đến để thăng tiến con người cho phù hợp với sự tự do tư tưởng như anh nói?
- Kinh nghiệm cuộc sống cá nhân đủ minh chứng cho chị thấy rõ, sai lầm là chuyện thường tình và mọi người không ai giống ai nên chẳng ai có thể bắt chước ai. Hơn nữa sai lầm bắt nguồn từ cõi lòng thiên kiến nên bước đầu tiên cần thiết là mở rộng tâm hồn để đón nhận và chấp nhận mọi sự nhất là chính mình. Trung thực mà xét, chị không thể nào trở nên tôi và tôi không thể nào trở thành chị do đó hành trình thăng tiến con người của tôi không thể nào giống hoặc phù hợp với con đường của chị. Bởi thế, không một đường lối nào có thể được nói là duy nhất cho mọi người. Do đó, phải tự biết mình để tìm sự tuyệt đối nơi mình thay vì đi tìm một chân lý tuyệt đối trời mây trăng nước nào đó vì chân lý để mà sống chứ không phải để trình bày. Phải tự mình suy gẫm và tìm lấy con đường cho chính mình mới là phương pháp đứng đắn. Đó cũng là lý do tại sao cần trả lời câu hỏi mình là ai cho đến tận cùng, và điều kiện chỉ là lòng khao khát hết sức vì sự khao khát này sẽ phát sinh tư tưởng mạnh mẽ dẫn đến sự tìm tòi và lẽ tất nhiên sẽ được đáp ứng như trong Kinh Thánh có nói: hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ rồi cửa sẽ được mở cho (Mt. 7:7; Lc. 11:9). Thử hỏi, không tìm sao có thể gặp...
- Thế anh đã tìm chưa, và nếu tìm anh đã gặp được gì?... Cửa đã mở cho anh chưa hay là vẫn đang còn đóng im lìm?... Và nếu đọc sách thì nên đọc sách nào bởi anh nói phải tự biết mình để tìm sự tuyệt đối nơi mình, cần trả lời câu hỏi mình là ai...
Chị Lữ đắn đo đặt câu hỏi giọng mang đầy vẻ ngập ngừng bởi vấn đề chị đưa ra chất chứa sự thách đố minh chứng bằng kết quả tổng hợp sự thực hành tất cả những gì Kính đã phân tích nơi câu chuyện. Dĩ nhiên, câu hỏi này đẩy Kính vào góc tường bởi nếu không có chứng cớ thực nghiệm, câu hỏi trở thành động lực khóa miệng kẻ phét lác với những lý thuyết suông, vật ngã bất cứ ai muốn trở thành thầy đời tốn nước bọt ba hoa mong đánh lừa thiên hạ hầu thỏa mãn ước muốn thấp hèn được người khác cho rằng ta đây cũng hay cũng giỏi, cũng là một cái gì. Chăm chú nghe câu hỏi, Kính hiểu tâm trạng khó giãi bày của chị Lữ được biểu lộ bằng giọng nói ngập ngừng trái nghịch với kiểu nói bình thường ngắn, gọn, trực diện vấn đề ngay từ lúc khởi đầu câu chuyện. Anh đưa tay nhấc chai bia định rót vì ly đã cạn... mới nhận ra bia đã hết từ lúc nào...
- Xin lỗi anh, mãi ham mê đấu võ miệng nên không để ý.
- Giỏi, chị dùng tiếng đấu võ miệng giải quyết được phần nào khó khăn nơi câu hỏi chị vừa đặt ra...
- Anh hãy chờ chút để em lấy bia...
Chưa bao giờ Kính nói nhiều như hôm nay bởi những suy tư móc nối, liên kết, dính quẩn lại với nhau như rợ vô rừng, không biết đâu là đầu mối, đâu là điểm cần được tháo gỡ. Chị Lữ vô tình cắt một gút kéo phăng ra, đoạn đưa lên thành vấn đề bắt chàng phải gỡ rối từng điểm khúc mắc. Kính không ngờ mình nói nhiều như vậy nhưng cũng vẫn còn thấy lắm điểm thiết yếu mờ mờ quay cuồng tựa những sợi tơ trời quấn quyện tạo thành đám mây mù bao phủ tâm tự Thế nên, chẳng lạ gì, người càng suy tưởng nhiều càng không muốn nói vì dù cố gắng diễn tả cũng không thể nào giải thích được bởi suy tưởng là hành trình biến động của thực thể sự sống, chỉ có thể cảm nghiệm chứ không cách nào giãi bày.
- Em nói anh Kính đừng nghĩ gì, chị Lữ vừa đặt bốn chai bia xuống bàn salon vừa giải thích hình như áy náy chuyện chị Em hỏi anh đã tìm chưa và đạt đến đâu chỉ vì ước muốn tìm hiểu kết quả quan sát và chấp nhận sự việc một cách đích xác sẽ dẫn con người đi tới đâu. Ai cũng vậy, không làm thì đói, mà làm thì ói xương hom. Thực trạng cuộc đời bắt ép mình phải tranh đấu mà tranh đấu thì sao có thể sống cho mình bởi tranh đấu là chạy theo điều mình muốn, chạy theo những gì mình chưa có, không phải chính mình. Khi nghe anh nói tới cần trả lời câu hỏi mình là ai cho tới tận cùng, em mới chợt nhận ra sao chưa bao giờ em để ý đến câu hỏi đó và như vậy, em đã chưa bao giờ thực sự sống cho chính em mà chỉ nào là vì chồng, vì con, vì sợ người ta nói thế này, nói thế kia. Anh biết không, lúc anh lý luận về những chai bia trong quá khứ, em có cảm nghĩ anh đang vác cái vồ đập tan những mảnh vỏ hình thức nơi chính mình. Xưa nay, mình đã sống thế nào ấy, nói đúng hơn, mình chỉ mơ tưởng để được như thế nọ, được như thế kia chứ không phải sống vì mình đang sống. Nói thế, anh hiểu em muốn nói gì không? Lạ thật, có điều em càng nói càng cảm thấy mình chẳng nói được gì...
- Thì chị vừa trả lời câu hỏi thay cho tôi. Tôi chỉ muốn nói thêm, chị không thể nào diễn tả cho anh ấy hoặc bất cứ ai để họ có thể hiểu được hay thông cảm được chị thương anh Lữ hoặc mấy cháu như thế nào dù bằng thái độ, cử điệu, hay lời nói. Cũng thế, anh Lữ cho đến muôn đời cũng không diễn tả được cho chị hiểu anh ấy thương chị như thế nào bằng bất cứ cách chị Sự cảm nghiệm chỉ có chủ thể cảm được mà thôi nhưng chẳng thể nào diễn tả được. Người cảm nghiệm thì nói ra không được và có nói ra cũng chẳng diễn tả được gì. Như vậy, sao tôi có thể trả lời câu hỏi của chị, sao có thể minh chứng bằng sự kiện cụ thể mắt thấy tai nghe kết quả của khao khát tìm kiếm và điểm nào mình đã đạt đến... Thôi thì đành chấp nhận không trả lời được là đúng nhất... bởi vì nơi hành trình thăng tiến tâm linh, con người phải tự cảm nghiệm chứ đừng tin bất cứ kinh nghiệm hay lời giảng giải dù hay ho hoặc hợp lý hợp tình đến thế nào chăng nữa của người khác...
- Nhưng em nghĩ, ít nhất cũng có một phần nào kinh nghiệm về hành trình đạt đến cảm nghiệm có thể giãi bày giúp cho những người thực sự khao khát tìm.