Chương 17
Tác giả: Lã Mộng Thường
Phải áp dụng phương cách nào khi dân Chúa đã bị tiêm nhiễm quá nặng nề một đức tin mường tưởng đến nỗi không dám suy nghĩ bởi e sợ sai lầm... Tại sao họ e sợ sai lầm? Vì họ không dám suy nghĩ? Tại sao không dám suy nghĩ? Phỏng tại không có cơ hội nghe giảng dạy về Phúc Âm hoặc chỉ được nghe những điều phải thế nọ, phải thế kiả Con người không dám nghiệm xét mang điều lạ, và đó là khi những tấm gương hào hùng được truyền bá thì tư tưởng hào hùng thống trị lối sống của họ, và khi những điều chẳng ra gì được huênh hoang rao giảng, chắc chắn ai nấy đều lấy những điều không nên làm căn bản suy tự Đàng hiểu biết bị che mờ, lòng tin bị khuất lấp, thần khí bị dập tắt, ơn tiên tri bị coi thường chỉ vì kiến thức kinh viện đã chết tự ngàn đời đang làm chủ hệ thống tư duy, ám ảnh tâm tư thay cho nghiệm xét trong khi hình phạt và sự đe dọa được rêu rao. Thuyết giáo đâu phải sự dọn cỗ sẵn, hoặc mớm cơm cho kẻ khác ăn bởi dù cỗ ngon mấy thì cũng có những món thực khách không thể nuốt bởi nhiều lý dọ Thế nên, thuyết giáo cần được đóng vai trò khuyến khích tìm hiểu, khích lệ đặt lại vấn đề, chẳng khác gì đỡ đẻ cho nghiệm chứng và nhận xét hoạt động vì nhồi nhét vào tâm não người khác quan niệm của mình về Thiên Chúa mà không giúp họ có cơ hội cảm nghiệm thì chẳng khác gì đã giết chết Thượng Đế và đức tin nơi lòng họ, một lối ám ảnh biến Chúa thành tà thần nơi tâm não kẻ ngay lành. Điều này chẳng có chi lạ bởi những lối giải thích, diễn tả theo quan niệm thế tục, dùng những gì có thể mắt thấy tai nghe của thứ luân lý tuyệt đối một chiều mà trình bày cảm nghiệm thì không khác gì người ăn được cay huênh hoang quảng cáo, rao bán những trái ớt khiến kẻ muốn tìm hiểu mới nếm thử đã bị tiêu diệt vị giác. Lẽ tất nhiên, người ta chỉ có thể dắt con lừa tới bờ suối mà chẳng ai có thể uống nước dùm nó... Cha Hoàng đối diện trận chiến mà ngẩn ngơ bởi không tìm được phương cách giải quyết... Lời Phúc Âm vọng về: "Xin sẽ được, gõ sẽ mở cho, và tìm sẽ gặp." Tuy nhiên, nếu đã tưởng tượng có đức tin rồi còn xin làm gì, tìm làm chi, và nếu đã cho rằng cửa đã mở đâu ai cần gõ... Những kiến thức mường tượng về đức tin của thế nhân đã che lấp sự tìm hiểu lòng tin nơi Kinh Thánh... Nói làm sao, nghĩ thế nào, và phương cách nào có thể áp dụng trong thuyết giáo nơi thực tại hỗn mang này?... Cha không cần giảng nhiều, chỉ vài câu cho người ta quay quắt tự tìm hiểu... Nếu bây giờ họ không hiểu thì năm năm, mười năm sau họ sẽ hiểu, chỉ cách ấy mới mong giúp họ cảm nghiệm Phúc Âm. Lời cụ bạn già đã có lần khuyên như động lực đẩy cha Hoàng đứng lên rời ghế nhà thờ không thèm đến xỉa gì tới chiến trận chưa tới hồi ngã ngũ... bởi ngài biết, cho dù cố gắng đến mấy, khi chưa tới thời điểm cũng không thể có được giải đáp nào tạm ổn.
Suy nghĩ, đặt vấn đề vì lòng nhiệt thành mong muốn có được đường lối thực nghiệm khả dĩ hòa hợp với thực tế và nhận định thì dễ; đem áp dụng suy tư và cảm nghiệm nơi thực tại gom tóm bởi nhiều tầng lớp ý thức dân Chúa nào ai dám xác quyết phương pháp này hoặc hình thức kia mới có thể hay không có thể. Có lẽ cũng chính vì muốn tránh phải đối diện thực trạng thăng tiến tâm linh phức tạp tùy thuộc mỗi người nên đường lối khuôn mẫu hóa tâm tưởng đã được phát minh và đồng thời cũng chính ước muốn kiến tạo tâm thức căn bản giống nhau mà những kiểu mẫu giải thích đã phải dựa trên quan niệm luân lý hầu mong thăng tiến ít nhất căn bản chuẩn bị cho tiến trình tâm linh phát triển. Dĩ nhiên, nếu không sống vượt lên khỏi những điều kiện luân lý tối thiểu, đường vào tâm linh vẫn còn xa diệu vợi. Ngược lại, nếu hành trình tâm linh chỉ được coi như phương cách dẫn dắt con người trở nên toàn hảo trong giới hạn luân lý, chính giới hạn thấp kém này đẩy con người vào những ngã rẽ thị dục không cách nào thoát ra được...
Từ khi phong trào Thánh Linh được phát động ở vài địa phận phụ cận, một số anh chị em được gửi đi dự khóa học hỏi... Trở về, lúc mới đầu và vài tháng kế tiếp, mọi người tham dự khóa học đều sốt sắng chứng tỏ lòng nhiệt thành khá cao. Kẻ đề nghị nên thế này, người cho rằng phải tổ chức đoàn ngũ thế kia, và cuối cùng, vài vị lão thành đã có khá nhiều kinh nghiệm đoàn thể họp nhau quyết định thuở ban đầu nên có một chương trình xây dựng đền thờ tâm hồn nơi mỗi thành viên rồi sẽ đặt vấn đề đoàn ngũ hóa sau này. Họ chia ra từng nhóm sáu đến bẩy người học hỏi Phúc Âm và nhân tiện dành thời giờ cho từng người có giờ chia sẻ... Cha Hoàng lựa một nhóm tham dự mới được vài lần. Nhân một buổi họp, khi đến giờ chia sẻ anh Thông nói:
- Mặc dầu sau hơn mười tiếng đồng hồ bán hàng mỗi ngày, tôi đang tập thói quen trên đường về cố dành giờ tạt qua nhà thờ viếng Mình Thánh. Tôi cảm thấy mỗi lần bước ra khỏi nhà nguyện, lòng tôi thơ thới và thân xác như có nguồn sinh lực mới làm khoẻ khoắn hơn. Mấy đứa con tôi ngày trước lười lĩnh nhưng vì về cùng chuyến xe, chúng cũng có lòng đạo đức hơn... Đã mấy lần chúng đánh thức tôi dậy đi lễ 6:30 sáng.
- Vậy những ngày trước kia chưa ghé qua viếng Mình Thánh gia đình anh thế nào?
- Đi làm về, vợ chồng con cái ăn uống, chuẩn bị đi ngủ lấy sức cho ngày mai làm việc. Cuối tuần vợ chồng chúng tôi đôi khi xuống sòng bài... nhưng bây giờ tôi không xuống sòng bài nữa mà để giờ đi họp nhóm. Đôi khi vợ tôi tỏ vẻ hơi bất bình vì ngày xưa hai vợ chồng đi đánh bài vui vẻ mà bây giờ không ai đưa nhà tôi đi... Dẫu vậy lại đỡ tốn tiền chơi bài...
- Thế mục đích viếng Mình Thánh của anh là gì? Cha Hoàng hỏi.
- Thưa cha, để cầu nguyện cho gia đình được yên vui, hòa thuận, con cái biết vâng lời và chăm chỉ học hành, sống ngoan ngoãn hơn...
- Như vậy anh viếng Mình Thánh cho chính anh và gia đình chứ đâu phải vì kính mến Chúa... Đôi khi mình thực hiện công việc đạo đức vì lợi ích mình muốn đạt tới chứ không phải vì hành trình thăng tiến tâm linh... Cha Hoàng phân tích.
Ba tuần sau, đã có người nói đến tai ngài rằng mới chỉ mấy lần đi họp có cha Hoàng, anh Thông cảm thấy lòng mộ mến giảm đi... Nghe thế, ngài âm thầm tự hỏi, có phải vì ngài đã dám nói lên sự thật, vì thiếu hiểu biết, con người thường nhận lầm hoặc lạm dụng tâm tình tôn giáo, coi Đấng Tối Cao như quyền lực mình có thể xử dụng bằng vài câu kinh, chút thời giờ bỏ ra tưởng là thi hành việc đạo đức để đổi lấy điều mình mong muốn?... Phỏng cố gắng sống tốt lành theo quan niệm luân lý để cầu mong được phần thưởng sau này hoặc thực hiện ở hiền mong được gặp lành vẫn chỉ là lối sống theo thị dục? Anh Thông thấy lòng mộ mến giảm bớt do nhận ra đang theo đuổi thị dục, muốn gia đình có sự êm ấm nên chịu tốn phí thời giờ trong lúc mệt nhọc làm công việc đạo đức, bỏ con săn sắt bắt con cá rô, hay vì vài lời mình nói đã xóa bỏ phương tiện anh dùng để mong được người khác chiêm ngưỡng, nhận ra sự tốt lành nơi anh và gia đình? Tự đâu đó nơi tâm trí ngài gợi về điều kiện hiện thực nhắc nhở, nếu nước đã chẳng có thể sôi, dẫu đổ gạo vô nấu cũng không hòng gì có gạo luộc!
Đâu là phương pháp khả dĩ có thể giúp người khác cảm nghiệm Phúc Âm? Đâu là con đường một người cần theo vừa phù hợp lời Đức Kitô vừa đẹp lòng con người, tránh đụng chạm, và có thể thức tỉnh ý thức về thực thể thị dục hầu giúp họ thăng tiến tâm linh, kiến tạo đền thờ tâm hồn? Không ai có thể diễn giải hoặc chia sẻ hay giúp người khác có được cảm nghiệm tâm linh mà mỗi người phải tự thực hiện. Không ai có thể ăn dùm kẻ khác; ai ăn người ấy no, mà đối với những người không bao giờ ăn thịt thỏ thì sao có thể diễn giải cho họ thịt thỏ ngon thế nào!... Mình biết để làm gì? Được truyền chức linh mục để làm chỉ Đức Kitô đến và sai các môn đồ thực hiện công việc gì? Có cách nào từ từ hướng dẫn để ít nhất khuyến khích phần nào nhận thức tâm linh cho con người không? Xưa nay mọi người đã quen hiểu Phúc Âm theo lối nhìn luân lý, phải làm thế nào giúp họ có nền tảng nhận thức tâm linh khi tìm hiểu Kinh Thánh? Cha Hoàng mò mẫm thử... nơi một bữa ăn gần tàn tại nhà một người quen...
- Đối với tôi, muốn giải quyết mọi chuyện êm thắm cần phải có đức tin, phải cầu nguyện thì Chúa mới giúp cho mình sáng suốt... Không có đức tin thì chỉ có tan vỡ ông đi đường ông, bà đi đường bà, và con cái lang thang mà thôi...
Người thanh niên cỡ bốn mấy lên tiếng trong khi gắp miếng gỏi ốc vì mấy người nơi bàn ăn đang nói chuyện về sự lộn xộn của một gia đình mọi người đều biết mới xảy ra được vài hôm. Anh có tàu đánh tôm, công việc nhập nhằng mà cuộc sống vẫn tương đối dễ chịu. Anh thuộc típ người đạo đức cha truyền con nối, chẳng bao giờ làm mất lòng ai, và lòng đạo có vẻ hơi quá khích, bất cứ điều gì không giống với giáo lý đều được anh cho là nhảm nhí. Những chuyện nhà thờ, họ đạo, anh sẵn sàng hy sinh giờ giấc và tiền của đóng góp. Anh thuộc mẫu người sùng tín và được coi là giáo dân tốt lành, mẫu mực. Hình như gặp cha Hoàng hai hay ba lần, lẽ tất nhiên đối với anh, linh mục có kiểu cách như ngài phần nào được cho là quá trớn... Linh mục phải có diện mạo nghiêm trang, ăn nói chừng mực, quần áo đúng lề lối tu sĩ... Ngược lại cha Hoàng chẳng có vẻ gì để ý đến tướng tá, tư cách cũng như diện mạo của mình... thái độ lại cứ như một người chẳng chức tước gì làm mất vẻ oai của vị lãnh đạo tinh thần... Nói thì bạt mạng... nhiều khi ngang đến độ chối tai... chẳng có vẻ ông cha chút nào... cũng may anh đã biết ngài là linh mục...
- Anh nói giải quyết bằng đức tin và cầu nguyện nghĩa là như thế nào?
- Cha mà còn hỏi dùng đức tin và cầu nguyện như thế nào thì sao cha dạy cho con chiên?
- Nhân tiện câu chuyện, anh đưa ra vấn đề dùng đức tin để giải quyết việc lộn xộn nơi gia đình nên tôi muốn biết thêm vì tôi đâu bao giờ gặp cảnh khó khăn của những người có gia đình nên sao có thể biết... Đức tin với sự lộn xộn gia đình là hai vấn đề tách biệt chứ đâu phải cứ tin vào Chúa thì gia đình không lộn xộn đâu! Hơn nữa mình có đức tin mà người phối ngẫu mình không tin thì cũng không thể dùng đức tin làm điểm chung để giải quyết những vấn đề lộn xộn nơi gia đình được... Không hiểu tại sao anh này có lời nói gay gắt nên cha Hoàng e dè giải thích... Tại sao mình mới hỏi phương cách giải quyết những sự lộn xộn bằng đức tin và cầu nguyện mà anh ta lại chận họng bằng cách cho rằng cha thì phải đương nhiên dạy cho con chiên quan điểm ngu ngơ anh ta vừa đưa ra. Phỏng anh ta nói như thế vì muốn che đậy sự thiếu hiểu biết về đức tin trong khi lại muốn chứng tỏ sự khôn ngoan rởm hầu mong người khác nghĩ anh ta là người đạo đức?...
- Con chỉ muốn nói là phải có đức tin và cầu nguyện Chúa mới giúp để giải quyết những sự lộn xộn. Con thử hỏi cha, chứ nếu là người Công Giáo mà không có đức tin, không cầu nguyện thì sao có được gia đình êm ấm?
- Ý anh muốn nói đức tin như thế nào mà có thể làm gia đình êm ấm?
- Nếu cha không biết đức tin là gì tại sao cha làm linh mục?
Cha Hoàng muốn nhân cơ hội gợi ý cho anh ta đặt lại vấn đề đức tin và sự liên hệ nơi cuộc sống. Chẳng ngờ ý muốn tốt lành đã vô tình đẩy anh ta phải đối diện với vực thẳm của sự theo đạo thiếu ý thức... chỉ biết nhai lại những ngôn từ cho giống những người khác hầu chứng tỏ mình cũng tin Chúa, mình là người có đạo... đạo hùa theo, đạo a dua... Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời... Miệng cha Hoàng im tịt mà lòng dội lên niềm đau xót thương. Câu Phúc Âm xưa nay ngài cảm thấy khó hiểu chợt được gợi về phô bày ánh sáng: "Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo kẻo chúng lấy chân dày đạp và quay lại cắn xé các ngươi." Ngài thầm nghĩ, Phúc Âm nói kiểu này chỉ Chúa hiểu... Mà chẳng phải một lần như thế, lòng nhiệt thành thúc đẩy khiến ngài cố kiếm tìm phương cách khả dĩ có thể áp dụng sao cho được lòng Đức Kitô và đẹp lòng nhân thế đến nỗi quên bẵng những ngón đòn chó cùng cắn dậu nên lại cứ thử và lại bị cắn. Phỏng ý mình muốn cho người thức tỉnh hay muốn tỏ sự cả sáng của mình, bị quá nhiều lần ngài đặt lại vấn đề... và lần chót, ngài chợt nhận ra... lời Phúc Âm đã nói rõ ràng mà không chịu áp dụng, "Để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng," cho đáng giá phải trả về lầm lỡ hay quên!
Lời Kinh Thánh đã bao lần nhắc nhở nhưng cha Hoàng chẳng chịu để ý... Đến khi nhận ra phận số của những kẻ đi giữa hai lằn đạn, bể đầu không biết, sứt trán chẳng hay, ấy là còn may vì chưa bị đóng đinh trên thập giá, ngài mới có thể cảm nghiệm được sự khôn ngoan quá thường đến độ dễ bị hiểu lầm do câu nói đã được sắp xếp liên hệ về tiền của nơi Phúc Âm, "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này mà mến người kia, hoặc tha thiết với chủ này mà khinh màng chủ nọ" (Mt. 6:24; Lc. 16:13), càng cố gắng tìm kiếm con đường thứ ba sao cho vừa đẹp lòng người lại vừa hợp ý Đức Kitô thì chỉ càng vấp phạm lầm lỡ. Lẽ thường, người nhiệt thành, hăng say nhưng thiếu hiểu biết chỉ là kẻ phá hoại nếu nhận định theo quan điểm thực hiện những công việc thuộc tổ chức thế tục. Xét về phương diện tâm linh, lòng nhiệt thành, hăng say muốn làm men, làm muối, tất sẽ bị mọi người lên án, cười chê! Nào có chi lạ, Đức Kitô đã bị như thế, và Phúc Âm cũng có lời nói, "Môn đồ không lẽ hơn thầy, và tôi tớ hơn chủ" (Mt. 10:24). Ngài đã bị chế nhạo là điên dại mà môn đồ được trọng vọng, kính nể, chỉ có thể hợp với câu, "Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thế gian đã yêu dấu như của riêng nó" (Gn. 15:19). Thế rồi một hôm cha Hoàng đem tâm tình của mình nói chuyện với một cụ bạn già, cụ chợt cười lớn đầy vẻ cảm khái đoạn nói,
- Như vậy cha có thừa chứng tích để cảm nghiệm lời Kinh Thánh rồi. Hơn một năm trước, cha đã tỏ lộ lòng nhiệt thành muốn giúp người ta thức ngộ, con không dám nói chi bởi nghĩ rằng còn quá sớm... Bây giờ cha đã thấm đòn vì sự khôn ngoan Đức Giêsu đem đến nhưng chưa để ý đó thôi... Cha có nhớ câu, "Phải chi ngươi nóng hẳn hay lạnh hẳn đi! Vì ngươi hâm hẩm như thế, và chẳng nóng chẳng lạnh, thì Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng!" (K.H. 3:16). Không thể có con đường thứ ba, không thể bắt cá hai tay, mà chỉ có một trong hai, theo Đức Giêsu và chấp nhận bị coi là khùng điên như Ngài hoặc làm tôi thế gian để được yêu chuộng. Xưa nay người ta cứ khơi khơi tuyên dương công trạng "theo chân Chúa," "theo thầy," "hy sinh vì người khác," "dâng mình cho Chúa," "làm việc tông đồ," "rao giảng Nước Chúa,... " thôi thì đủ mọi danh hiệu, đủ mọi chức tước, và vô vàn những chuyện ruồi bu cả thể. Con nói cha đừng buồn vì đau lắm nhưng không biết tỏ lộ cùng ai; người ta đã dùng Chúa như món đồ rao bán kiếm lợi lộc; người ta coi Chúa như một vị thần dốt nát thèm khát lời tán tụng nên sẵn sàng ban cho họ những ý thích thế tục giết chết mầm sống tâm linh nơi họ hầu được nghe những lời lừa dối, được năn nỉ, quỵ luy... Người ta lạm dụng Chúa để đe dọa dựa trên căn bản sợ hãi của mọi người. Họ hy sinh, họ dâng mình, họ không theo thầy mà bắt thầy theo tớ như thế đó... Cha có biết quyền lực nào đang điều hành các tôn giáo không? Quyền lực sợ hãi!... Con hỏi cha, nếu kẻ nào đó không sợ chết phỏng đem cái chết ra mà đe dọa có ăn thua gì với nó không? Các cha mà không rao giảng về tội lỗi, con bảo đảm với cha, chẳng ma dại nào thèm đi nhà thờ nữa. Cha có hiểu vì sao cha muốn có con đường thứ ba không? Vì cha còn muốn được lòng thế gian, còn muốn được thế gian yêu mến! Đủ rồi, người ta mới chỉ nói không có đức tin tại sao làm linh mục chứ chưa lên án cha là rối đạo thì đã đủ chứng tỏ họ yêu mến cha lắm đó. Chắc cha nhớ câu, "Môn đồ không lẽ hơn thầy, và tôi tớ hơn chủ." Con đề nghị với cha, nhiệt thành như thế quá đủ, từ nay cha nên nhớ nằm lòng lời Đức Giêsu, "Để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng." Sách Cách Ngôn có câu, "Đừng nói vào tai kẻ ngu xuẩn, bởi nó sẽ khinh dể nét tinh tế của lời con nói" (23:9), và đồng thời cũng đề nghị, "Đừng trả lời kẻ ngu xuẩn theo sự điên dại của nó, kẻo cả con nữa, con cũng nên giống nó" (C.N. 26:4). Người thiếu ý thức tâm linh cha có biết Kinh Thánh nói sao không? Họ bị khinh thị như loài vật! Thực ra, lời khôn ngoan thoạt nghe rất chối tai lại mang đầy vẻ ích kỷ, độc ác, thế nhưng ứng nghiệm lời Phúc Âm, nếu tay ngươi, chân ngươi, mắt ngươi làm cớ ngươi vấp phạm thì chặt chúng, móc chúng vất đi... (Mt. 18:8; Mc. 9:43). Có phải cha muốn được người ta cho rằng cha giỏi, cha hay, cha thế này, cha thế kia, nào dễ mến, nào khôn ngoan không? Những khen tặng thế tục là tay chân, mắt mũi cha đó. Điều quan trọng cha đã thực hiện là học nơi Đức Giêsu, học nơi Phúc Âm nhưng chẳng nên giảng giải cho những đầu óc thế tục làm chi bởi không thể nào hòa hợp lối nhìn tâm linh và lối nhìn thế tục được. Lời Phúc Âm đã dùng những câu truyện, dụ ngôn có thể mắt thấy tai nghe để rao giảng lời khôn ngoan... Phỏng hai ngàn năm nay người ta hiểu được đến đâu hay chỉ biết lặp lại chỗ này Đức Giêsu làm phép lạ, chỗ kia Đức Giêsu chữa lành... Lâu nay hay nói chuyện với cha, con thấy cha thay đổi lạ lắm... Nhưng dù áp dụng bất cứ phương pháp, lý thuyết nào chăng nữa, cha không phải là Đức Giêsu, cha không thể và không có điều kiện hay được sinh ra để trở nên Đức Giêsu, hãy chỉ là cha, chẳng nên soi sáng cho những đầu óc mù tối vì lời khôn ngoan cũng có nói, "Như con chó trở lại đống nó vừa mửa, cũng vậy, kẻ ngu xuẩn trở về với sự điên dại của nó (C.N. 26:11). Bao nhiêu người mù thời đó mà Đức Giêsu chỉ đánh động được mấy người để họ nhìn thấy! Bao nhiêu người cùi hủi, và tại sao Phúc Âm ghi Đức Giêsu chữa lành có một số? Con người mù quáng chạy theo thị dục, hãy để họ yên, đó mới thực sự yêu thương họ vì khi ngày giờ đã được chuẩn bị cho họ, chuyện đến sẽ phải đến. Cha có cố gắng cũng vô ích... Càng thương xót họ, cha càng nên giữ lời Kinh Thánh: "Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo kẻo chúng lấy chân dày đạp và quay lại cắn xé các ngươi." Đức Giêsu không điên dại như người ta tưởng đâu; Thánh Thần chẳng ngốc nghếch để người ta lạm dụng đâu, nhưng việc phải xảy ra như thế, không thế không được. Chẳng vậy mà Phúc Âm cứ lặp đi lặp lại câu "Ai có tai thì hãy nghe!" Cha thấy không, Đức Giêsu cũng phải tôn trọng con người vì thật ra, dù muốn cứu độ, người ta cũng không muốn được cứu, không để cho mà cứu phương chi là giúp. Ngài chỉ nói những gì phải nói và còn nhiều điều không nói vì con người chưa xứng đáng để được nghe. Con biết cha còn nhiều điều muốn nói lắm nhưng từ nãy tới giờ vẫn kiên nhẫn không lên tiếng; con ngưng để cha nói; mà có phải cha đang nghĩ về nhiệm vụ rao giảng Nước Trời trong vị thế linh mục và lòng thôi thúc phải làm gì để giúp người ta thức ngộ sự khôn ngoan nơi Phúc Âm không?
- Cụ nói đúng, tôi đã nhiều lần tự hỏi tôi được truyền chức linh mục để làm gì và ý định làm linh mục thuở ban đầu cũng là giúp người ta sống đạo.
- Cha nói rất chân thành dẫu những lời vừa nói đối nghịch với tâm tư của cha bây giờ. Cha là linh mục lúc này vì cha đã được sinh ra để làm linh mục chứ không phải ý định, ý nghĩ muốn hay không. Tại sao cha không có ý định ý nghĩ làm tổng thống hay bộ trưởng, tỉnh trưởng? Tại sao cuộc đời biết bao nhiêu thiếu nữ đẹp đẽ, tốt lành, trông đến độ mát mắt mà cha không có ý định có một người vợ tuyệt vời như thế? Phải nhìn cho đúng, xin lỗi cha con mới dám nói, xét theo bản năng sinh lý đàn ông đương nhiên thích đàn bà, và đàn bà phải thích đàn ông bởi kẻ nào thích chuyện sinh lý với người cùng phái là bất thường... vì không hợp với bản năng sinh tồn. Mọi người được sinh ra như thế tự bản năng, hoặc là thường, hoặc là bất thường. Như vậy, xét theo bản năng sinh tồn, làm linh mục không sống theo bản năng đã được sinh ra... Hơn nữa, mọi sự vật, sự việc phải có lý riêng của nó; nó phải như thế vì không thế không được. Lửa thì phải nóng, nước đá phải lạnh... do đó, cha phải là linh mục vì cha được sinh ra để làm linh mục chứ không phải để lập gia đình như mọi người. Cha đưa ra lý lẽ thuở ban đầu nơi ý định đi tu là giúp người ta sống đạo. Con đồng ý cha đã có ước mơ đó, nhưng nó chỉ là phương tiện thúc đẩy cha tiến tới hành trình cha được sinh ra để theo. Cha thử nhận định xem, theo Phúc âm, Đức Giêsu đến rao giảng gì? Ngài sai các môn đồ làm những chuyện gì nếu không cùng công việc rao giảng Tin Mừng? Bây giờ người ta rao giảng gì? Cha muốn giúp người ta sống đạo tức là cha giảng đạo chứ không rao giảng Tin Mừng. Từ nhận xét này, cha phải công nhận rằng cha đã bị tuyên truyền và dạy dỗ không đúng mục đích Đức Giêsu đã làm và muốn các môn đệ làm... Có phải bây giờ cha chỉ muốn giúp người ta hiểu Phúc Âm, thăng tiến trên đường tâm linh không? Và như thế có phải mục đích ước mơ bây giờ của cha khác ngày xưa không?...
- Cụ nói đúng, nhưng Đức Giêsu rao giảng và sai môn đồ đi rao giảng Tin Mừng...
- Cha chỉ cần nói những điều phải nói mà thôi vì Đức Giêsu đã làm thế. Cha quên câu "Ai có tai thì hãy nghe" rồi sao! Thương xót họ mà cố giúp họ những điều không nên giúp là tự giết mình. Lý do vì họ ước muốn những điều có hại cho hành trình tâm linh, và nếu mình làm những điều đó tất nhiên hại mình. Hơn nữa, ngay cả nói cho họ những điều họ không đủ khả năng để hiểu, chưa đáng nghe, chỉ là cớ vấp phạm cho họ. Thương xót họ hãy chỉ nói những điều phải nói và cần biết tôn trọng tự do, quyền lực hiện hữu nơi họ. Họ muốn sống trong tối tăm hãy để họ an hưởng sự tăm tối vì đó là điều làm họ vui thích.
- Như vậy thì quá độc ác...
- Không độc ác chi hết, họ chưa đến lúc và nhiều kẻ chẳng bao giờ đạt tới trong suốt cuộc đời nơi trần thế vì họ không được sinh ra để có thể cảm nghiệm những sự khôn ngoan Phúc Âm mà chỉ để bắt chước theo lối nhìn thế tục. Thực ra, cùng lắm thì dẫu biết rằng giúp họ thỏa mãn phần nào thị dục chỉ làm cho họ hư đi thêm nhưng để tránh không làm cớ cho họ vấp phạm thì đành lờ đi. Cha hãy nhớ điều này, không ai cho trẻ em sơ sinh ăn những món sơn hào hải vị mà cho nó bú sữa... Đứa bé mới lọt lòng được một hai tuần mà bắt nó nuốt thịt bò chiên bơ chỉ giết chết nó thôi...
- Thưa cụ, nhưng phải làm thế nào để có thể giúp người ta thăng tiến tâm linh?
- Con xin lỗi cha đặt vấn đề như thế này, khi cha còn mong muốn giúp người khác thăng tiến tức là vẫn còn chạy theo thị dục, còn cho rằng mình là hơn, còn nghĩ người khác thấp kém, còn so sánh bông hoa lan đẹp hơn bông vạn thọ. Sự thánh thiện của cây lan là bông hoa lan; sự thánh thiện của cây vạn thọ là bông vạn thọ, không có gì để so sánh bông này đẹp hơn bông kia và ngược lại. Tại sao ai cũng sợ hãi con rắn độc rồi tìm cách giết chúng cho bằng được. Con rắn hổ có nọc độc hại đối với mình nhưng phải như thế mới là con rắn hổ, không như thế không được, nếu nó không có nọc độc hại tất nhiên nó không phải là con rắn hổ. Nếu cha ước muốn và hành động bất cứ cách nào để làm giảm nọc độc nơi loài rắn hổ hoặc giết chúng cho kỳ hết để tránh tai họa cho loài người thì cha đã không chấp nhận con rắn hổ là con rắn hổ mà muốn nó phải trở nên theo ý thích riêng của mình tức là vẫn chạy theo thị dục dù những hành động và ước muốn này có thể xóa bỏ được sự sợ hãi của loài người với giống rắn hổ. Xét như thế, cha còn mang ước muốn giúp người khác thăng tiến tất nhiên vẫn bị thị dục ảnh hưởng... Cha có biết Phúc Âm nói gì về điểm này không? "Chính các điều tự người ta ra là những điều làm cho người ta ra nhơ uế" (Mc. 7:15; Mt 15:18). Chính ý muốn, ý định làm con người khổ não! Tại sao cha mong muốn cho họ đạt đến sự cảm nghiệm tâm linh như chả Đức Giêsu đã thực hiện hai ngàn năm nay rồi mà nào được mấy ai để ý... vì nếu đã có những người đặt vấn đề, tại sao Kitô hữu không được tùy tiện đưa ra những giải thích Kinh Thánh theo sự cảm nghiệm của mình? Có phải thị dục đã và đang quay cuồng múa may chận đứng tất cả mọi sự thăng tiến tâm linh của con người từ bao lâu nay rồi không? Người ta đã muốn mọi bông lan phải có hương thơm của loài hoa huệ vì chưa nhận ra nét thanh quí của hương loài lan. Như vậy, cha chỉ có thể chọn một trong hai, con đường êm ái dễ chịu là "Hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim bồ câu." Cha sống như mọi người, hòa hợp với dòng đời nhưng trong lòng khác hẳn vì Phúc Âm đã nói, "Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo kẻo chúng lấy chân dày đạp và quay lại cắn xé các ngươi." Hơn nữa, thực hiện bất cứ công việc gì dù khó hay dễ đều phải chấp nhận những bất trắc; do đó, để tránh phiền hà tốt nhất chẳng nên làm gì mà cần trui luyện tâm hồn mình trước đã bởi chuyện đến sẽ phải đến. Con đường khác chông gai, nhức nhối, phải nổi loạn, sẽ bị phản đối, bị kết án với nhiều chứng cớ và lý do cha sẽ không bao giờ có thể nghĩ tới đó là con đường Đức Giêsu đã đi quạ Mọi người chung quanh sẽ cho cha là khùng, là phạm thượng, là không vâng lời, là rối đạo, là đủ mọi sự khốn khổ bởi cha nói những điều nghịch lại với thị dục thế nhân... Với lòng thành vì chỗ quen biết và cảm mến, con khuyên cha hãy chấp nhận lời Đức Giêsu, "Để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng." Vì thực ra, chính Ngài cũng đang bị ngăn cản công cuộc cứu độ con người thoát khỏi hỏa ngục thị dục... bởi người ta có muốn được cứu thoát đâu!...
Ra về nhưng lòng người linh mục trẻ khắc khoải không nguôi! Tại sao Phúc Âm nói "Các ngươi là muối cho đời,... Là ánh sáng cho thế gian" (Mt. 5:13,14)? Ông cụ có lòng tốt muốn bảo vệ mình vì e sợ tuổi trẻ dễ trở nên quá khích!... Con đường nào bắc nhịp cầu dẫn ánh sáng đến thế tục, chuyển muối ướp mặn đời? Con đường nào giao hòa tinh thần và thể xác? "Khi cha còn mong muốn giúp người khác thăng tiến tức là vẫn còn chạy theo thị dục;" lời ông cụ nhận xét rất đích đáng vì còn cho là nên thế này, không nên thế kia vẫn còn đứng về một phe chọn lựa... Đúng là gừng càng già càng cay; mới nghe thì tưởng rằng ông cụ diều hâu nhưng về sau đề nghị yếm thế... Dùng lời Phúc Âm "Hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim bồ câu" lại còn cho rằng êm ái dễ chịu... và đưa Đức Kitô để ngăn ngừa lòng nhiệt thành thiếu tính toán... sau khi nhấn mạnh, "Chẳng nên làm gì mà cần trui luyện tâm hồn trước đã bởi chuyện đến sẽ phải đến." Đâu là chân lý của câu nói dường như không tưởng, "Hãy khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim bồ câu?" cha Hoàng thầm nghĩ, cố ghi nhận chờ cảm nghiệm.