Chương 5
Tác giả: Lã Mộng Thường
Ông thầy nhân điện thoát nạn nhưng ấm ức, tưởng rằng sau những ngày tháng cố moi móc lý lẽ đợi cơ hội bào chữa hầu kiếm lại vị thế cũ hưởng lợi đỡ thân theo ngày tháng tàn phai, nay vừa hý hửng gặp dịp để khua môi múa mỏ, chẳng ngờ quyền năng và kiến thức tồn đọng về truyền thống chất chứa bao năm dài chợt bị cái miệng thằng ranh con ngang bướng, bất chấp thói quen, tập tục, đem lý luận phá cho bay tùng. Hỏng cơ hội này là bể tất cả vì làm sao còn dám ngẩng mặt nhìn đời, phỏng còn ai thèm đến nhà năn nỉ xin thầy chữa bệnh? Ôi, đâu còn có thể móc tiền bá tánh chẳng cần công sức!... Nỗi cô độc của những ngày qua như đe dọa và ép buộc thầy phải gắng sức chụp cơ hội còn nước còn tát. Ngụm bia ngon ngọt trôi khỏi cổ sao trở thành đắng ngắt như muốn làm tắc họng. Biết sao hơn, ăn thì đang có nhưng nói chẳng thông; nói không thông lúc này sẽ biến cuộc đời từ nay mắc nghẹn chỉ còn chờ thời điểm ra đi làm bạn cùng giun dế mới có thể tránh được mặt người. Phải rán sức vươn lên vì đàng nào mình cũng đã lỡ sa cơ, có thất bại cũng chẳng tệ hơn được, thầy nhân điện tự an ủi. Tuy thế, con ranh cái không hiểu lâu nay học được ở đâu mà nơi đông đảo dân tứ chiếng lại dám chõ cái miệng vào. Nó ra bộ ngu ngơ hỏi nhưng ý tứ cay độc cho rằng truyền thống là thứ xăng chỉ có thể đổ vào xe cũ. Hừ, nói như vậy tức là nó ám chỉ mình hủ lậu... Cái thằng chồng nó lại giả tỉnh giả say mượn miếng bia dằn mặt, "Chẳng còn gầm chạn mà chui." Nó dám đía ông; nó dám cho rằng mình chỉ nên trốn chui trốn nhủi... thầy nhân điện cảm thấy nỗi cay đắng ứ lên, nhưng cố ẩn nhẫn đợi dịp... Kinh nghiệm cuộc đời năm chìm bảy nổi đã đủ minh chứng "một câu nhịn là chín câu lành," thầy đành rán nhịn chờ đòn... Cũng may, nhóm thanh niên xồn xồn khi rượu say đấu lý thì chỉ biết đến lý không cần nghĩ tới hậu quả, Chỉnh nhào vô lên tiếng:
- Trai năm thê bẩy thiếp cũng có cái lý của nó. Ngày xưa, dân ta sống trong xã hội nông nghiệp cần người làm mà đàn bà chỉ có thể đẻ nhiều nhất là một lần mỗi năm trong khi đàn ông sản xuất lúc nào cũng được. Vả lại, với chế độ phụ hệ, người đàn ông nào không có con trai nối dõi sẽ bị coi là thất đức và bất hiếu, bia miệng cho mọi người phỉ nhổ mang tai tiếng dòng họ. Qúi anh chị thử đặt mình vào địa vị của người đàn ông thời đó xem phải thế nào. Một đàng vừa có con nối dõi lưu truyền dòng họ, một đàng có thêm người canh tác, và đàng khác lại có cả gái tơ ôm ấp, thật là được cả chì lẫn chài, nhất cử lưỡng tiện. Tôi tiếc mình đã sinh ra quá muộn, chứ nếu không, lúc này tôi cũng con đàn cháu đống, đang là thằng như tôi đương nhiên trở thành ông nội, ông ngoại, và nếu sinh ra sớm hơn nữa, có thể được gọi bằng ông cố nội không chừng...
- Giống như chó nhảy bàn độc, ha, ha, hạ Một người khác chêm vô.
Chẳng hiểu Chỉnh có ý tứ gì khi nói hay không nhưng ông thầy nhân điện thì cảm thấy cay cú thấm thía. Mẹ thằng này, ông thầm nghĩ, nó dám nói xéo mình, "Đang là thằng đương nhiên trở thành ông nội, ông ngoại." Thế ra nó dám ngạo mạn cho rằng mình đang là thứ bố cu mẹ đĩ dám tự nhận là thầy nhân điện. Hừ, nhưng nó cũng nói lên điểm lợi cho mình vì thời đó phải có con trai nối dõi nên năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Vua có cả ngàn cung nữ nào ai có quyền cấm, ai dám bình phẩm là sai, là cổ hủ mà vua cũng chỉ là người như mình, cũng hai chân, hai tay chứ đâu ba đầu sáu tay gì. Đành gồng mình rán nhào vô gỡ gạc vì chưa chắc đã có đứa nào dám lên tiếng bênh vực truyền thống như thằng này bởi chúng bị Âu Mỹ nhồi sọ hết rồi. Hơn nữa, thời buổi này mấy con nhãi động cỡn đòi nam nữ bình quyền thì thằng chồng nào dám ho he... Nghĩ vậy, thầy nhân điện lên tiếng,
- Anh Chỉnh nói đúng. Có sống vào thời đó mới hiểu được giá trị của thời đó chứ không phải những gì không giống mình là sai, là đồi trụy. Nếu so sánh xã hội thời đó và bây giờ, ngày xưa người ta sống có thứ tự lớp lang hơn ở đây lúc này như các anh chị thấy. Đời thuở nào bố gọi con là "giu," con cũng gọi bố là giu; cháu gọi ông là giu và ông cũng gọi cháu là giu, như vậy hóa ra cha con, ông cháu, thằng nào cũng là thằng chẳng khác gì cá mè một lứa. Nói xin lỗi các anh chị, ông bà mình nói, "Hòn cứt còn có đầu có đuôi" đâu phải con cũng như bố, ông cũng như cháu. Tổ tiên đẻ ra mình chứ mình làm sao đẻ ra tổ tiên. Tôi thấy thời đại này hàng văn ăn ngược thế nên ai cũng như ai; ai cũng chỉ thấy mình là cái rốn của vũ trụ nên sinh lắm rắc rối lộn xộn cha cũng như con, vợ trèo lên cổ chồng mà ngồi...
Thầy nhân điện thao thao bất tuyệt nghe cũng phần nào có lý nhưng mang đầy vẻ châm chọc nhóm thanh niên mong gỡ gạc vị thế cho mình. Kính hiểu nên thương hại cho con người dẫu đã có chút tuổi trời mà không biết sao để thoát ra khỏi những đam mê mộng tưởng. Nói rằng mộng tưởng cũng không đúng vì tiếng Anh tiếng u không biết cộng thêm sức yếu do ảnh hưởng năm tháng chồng chất sao có sức lực làm những công việc lam lũ. Hơn nữa, xưa nay quen sống vô kỷ cương mà bây giờ đi làm dưới quyền mấy tên cai nhãi ranh người Mỹ thì sao chịu nổi; vả lại, lối ăn nói thất học của mấy tên cai dẫu mắt xanh nhưng dốt nát nơi hãng tôm, hãng sò, làm sao tuýp người như lão chịu cho thấu. Rõ khổ, khi còn ở Việt Nam thì ao ước sang được tới thiên đàng Mỹ quốc, đến lúc ông thầy đối diện với thực tại đã bao ngày mơ tưởng mới ngỡ ngàng đau lòng tiếc xót thời đã quạ Nơi đất nước văn minh này đầy rẫy những sự đối nghịch, kẻ ăn trắng mặc trơn, xách cái cặp ngồi văn phòng chỉ tay năm ngón thì lương cao; người làm quần quật đày trời lại chẳng đủ chi phí tiền điện tiền nhà... rõ là "Không làm thì đói mà làm thì ói xương hom." Kính nghĩ, thà rằng ông thầy nhân điện nhận thức được thân phận, rán chấp nhận đi làm hãng tôm, hãng sò, dẫu chẳng kiếm được nhiều, ít nhất cũng đủ tiền chi phí ra vô như mụ vợ thì cả hai người gom lại cuộc sống cũng tương đối thoải mái... Đàng này, đi làm như mụ vợ thì sợ nó khinh, nó coi thường. Đàn ông gì mà rúc không qua váy vơ... lời nói cổ hủ xa xưa đã đẩy kẻ thần phục nó tới chốn sống dở chết dở cũng chỉ vì cái danh dự giả tạo như kết quả đày ải của những quan niệm lỗi thời chỉ có thể áp dụng cho những kẻ quyền hành, tiền bạc hái như nước. Lên án ông ta không hợp thời thì nào có thời đâu mà hợp; chê trách ông không chịu thức tỉnh cũng chẳng giúp ích gì vì kẻ còn đang trong bến mê cứ tưởng mình tỉnh táo. Thôi thì xoa dịu ông thầy đôi chút tạm gọi tỏ lòng tôn trọng tuổi trời, Kính lên tiếng tiếp nối,
- Trung thực mà xét, chúng ta không thể so sánh hai nền văn hóa để cho rằng cái này hơn, cái kia kém. Mỗi nền văn hóa đều mang tính chất toàn diện tự nó. Dĩ nhiên, trong những điều phù hợp đem lợi ích cho con người của một nền văn hóa đã tự ẩn chứa những điều không hay và đồng thời trong những điều chẳng nên cũng có lý riêng của nó tùy theo những điều kiện thời gian và không gian hòa hợp với ý thức con người. Tất nhiên, quan niệm hướng dẫn hành động tạo thành sự kiện mà thường thì sự áp dụng quan niệm hay bị lạm dụng tiến dần đến mức thái quá do đó chính những điều tốt lành cho người này, giới này, lại nhiều khi trở nên ách khốn khổ cho người khác, giới khác. Chẳng hạn, thử đặt vấn đề, tại sao đàn ông chúng ta thích uống bia, uống rượu, trong khi tủ lạnh có thừa bia cho mọi người uống mà các chị lại cứ uống nước ngọt. Xét thế, bia rượu chỉ có giá trị với phái nam chúng ta hoặc là những người biết uống mà lại mang hại tới các chị. Tương tự như vậy, những nền văn hóa xa xưa đem ích lợi cho con người thời ấy ngược lại không hợp với chúng ta bây giờ. Thôi thì hãy để cho kẻ sống ăn thịt uống bia và người chết hưởng hơi nhang, tiền giấy, kẻ nào phận nấy thì mới có thể nói chuyện chứ nếu đem quần áo sang trọng của người mặc cho khỉ thì chỉ làm khốn cho nó và bị nó xé tung ra thôi... Hãy để khỉ sống trần truồng và đã là người cần phải mặc áo quần, nếu không sẽ bị gọi là thứ khỉ.
- Thằng này láu cá, Chỉnh đế vô, nếu nói trần truồng là thứ khỉ vậy thì bất cứ ai cũng vừa là thứ người vừa là thứ khỉ bởi cũng có lúc trần truồng chứ.
- Chính anh mới láu cá, Thanh lên tiếng, anh vơ đũa cả nắm rồi bươi móc lộn xộn. Anh phải biết thứ khỉ không bao giờ mặc quần áo và con người lúc làm trò khỉ mới không mặc quần áo... Anh thích cổ võ trò khỉ do đó chỉ nên nhận anh là khỉ...
- Chẳng có luật lệ nào bắt phải mặc quần áo, mà đã không có luật tất nhiên không phải giữ. Ra đường làm trò khỉ mới bị kết án làm gương mù gương xấu chứ ở lỗ cùng lắm thì vào nhà thương điên, làm sao biến thành khỉ mà nói là thứ khỉ.
- Vậy tại sao phải vào nhà thương điên? Một người bỡn cợt hỏi.
- Vì không biết mình là người mà là thứ khỉ. Thanh cướp lời.
Thế là toáng lên, kẻ pha câu này người diễu điều khác. Thanh niên họ vậy, làm việc ở công sở quá căng thẳng đầu óc hoặc cực nhọc thân xác ngày này qua ngày khác, hàng tuần họ họp nhau lại ăn uống thay phiên từng nhà hầu có những giây phút thoải mái thay vì đàn đúm gia đình chạy trốn khung cảnh nhà cửa quá quen thuộc đến độ nhàm chán như dân bản xứ. Nơi đất Mỹ, cuộc sống càng văn minh bao nhiêu, càng hưởng tiện nghi đầy đủ bao nhiêu, con người càng phải còng lưng hay vắt đầu óc làm việc bấy nhiêu. Dĩ nhiên, nếu công việc mình làm không đem lại mối lợi cho chủ hay cho công ty nào ai thuệ Hơn nữa, một người dân sống trên đất Mỹ được bảo vệ và đồng thời bị tròng trên cổ hơn một ngàn bẩy trăm điều luật. Nào luật liên bang, luật tiểu bang, luật vùng, luật thành phố, luật ngành nghề, di chuyển... ấy là chưa tính đến luật tôn giáo. Những luật lệ này được củng cố tối đa và nhờ phương tiện truyền thông tiện nghi những kẻ phạm luật bị công quyền bắt giữ cấp thời. Bởi vậy, ngay cả những thành phần cô hồn nghênh ngang, nếu lỡ đứng lang thang nơi hàng quán dù chỉ bị đe dọa gọi cảnh sát cũng vội lỉnh đi nơi khác. Thế nên, càng tự do càng phải tuân giữ nhiều luật, nếu không, nơi đất nước hợp chủng tứ chiếng này lấy gì để bảo vệ con người và có thể chỉ một sớm một chiều cả thành phố văn minh hiện đại sẽ tan tành thành hoang địa.
Nơi góc chiếc bàn dài, anh bạn ngồi bên Kính mới mua được căn nhà đang trù tính cắt mấy cây lớn ở sân đàng trước cho thoáng. Anh vượt biên từ năm 1989 nhưng mãi giữa năm 1991 mới được đặt chân tới Mỹ. Sống trong cực khổ đã quen nên từ ngày tới đất mới, vợ chồng, con cái tổng cộng sáu người ra công sức đập sò, bóc tôm. Sau mấy năm dành dụm, gia đình anh đã có được gần đủ tiền mua căn nhà bốn phòng khiêm tốn tọa lạc trên một con đường nhỏ yên tĩnh tách rời khỏi cảnh náo nhiệt của phố thị. Mọi sự kể như ổn định vì số tiền còn thiếu đã vay chạy từ mấy người bà con và một số bạn bè mới quen, kẻ đôi trăm, người dăm ba ngàn, nên vấn đề còn lại chỉ lo làm ăn dành tiền trả nợ. Tuy nhiên, mấy cây sồi ngay trước cửa nhà che hết ánh nắng tạo cảm giác bị áp lực nặng nề của không khí do bóng mát những tàn cây chen chúc nhất là vào những ngày mây giăng kín cả bầu trời. Anh hỏi mượn cưa máy vì chỉ cần hạ một cây sồi to cho căn nhà có đủ khoảng thở chứ mua cưa mà chẳng dùng chi sau này sẽ rỉ sét phí đi.
- Không được đâu, anh phải xin phép. Nhưng tôi biết chắc chắn họ sẽ không cho vì nếu cho phép đã khối người cắt cây.
- Tại sao không được? Cây ở đất của tôi mà phải xin phép là thế nào? Chẳng lẽ muốn đi ngủ, muốn ăn, muốn đi làm tôi cũng phải có giấy phép; vậy đã bao lâu nay tôi có cần xin phép đâu sao chẳng việc gì.
- Cứ thử cắt rồi sẽ biết, sợ cây chưa kịp đổ thì đã bị ngưng lại và ít nhất một ngàn đồng tiền phạt.
- Ông anh tôi ở Hattiesburg ủi hai mẫu đất làm nhà nào phải xin phép ai đâu mà cũng có ma nào đoái hoài dòm ngó gì để phạt với cấm chi!
- Ở Hattiesburg không có luật cấm cắt những cây sồi lớn nhưng ở đây có luật đó. Lý do vì nơi đây thuộc về vùng biển hay có bão nên những cây sồi lớn phải giữ lại để cản gió. Các loại cây khác tha hồ cho anh cắt vì không có luật.
Và thế là họ trở lại vấn đề có luật lệ thì có sự phạm luật và tính cách tương đối của sự kiện cũng như luân lý... Bàn qua tán lại, Chỉnh chen miệng phá ngang,
- Theo tôi, nếu không muốn bị lề luật ảnh hưởng thì chỉ còn cách lên rừng thẳm hoặc chỗ nào không có luật mà sống. Khổ nỗi, nếu không có điều cấm kỵ, nếu không có sự khó khăn cuộc đời ràng buộc làm sao chúng ta có thể thưởng thức niềm vui của sự tự do, làm sao biết cảm nghĩ thoải mái là gì?
- Tại sao phải có những sự khó khăn mới biết niềm vui tự dỏ Thanh đặt câu hỏi. Chẳng hiểu nguyên cớ bắt nguồn từ đâu, cứ mỗi lần Chỉnh lên tiếng là Thanh nhào vô đấu ngược lại. Mặc dầu hai người không ai tỏ vẻ gì đố kỵ mà thường chỉ có vẻ muốn phá nhau cho vui... Và nếu anh nói như vậy thì chẳng lẽ những người sống tự do không biết thưởng thức tự do là gì? Không biết tự do là gì sao có thể sống tự do?
- Nói như thế chú mày đã chẳng hiểu tự do là gì thì làm sao nói đến niềm vui tự dọ Vậy thử trình bày quan niệm của chú mày về tự do xem nó là thứ gì mà dám chen vào nói nhăng nói cuội. Nếu chú mày cho rằng tự do là muốn làm gì thì làm thì cho đến muôn đời cũng chẳng bao giờ có thứ tự do như vậy, hoặc muốn nghĩ gì thì nghĩ, chú mày đã có tự do tư tưởng đâu mà đòi nghĩ. Rõ không cho nói thì khóc, cho nói thì mếu... Chỉnh trả lời.
- Anh giỏi hãy chứng minh cái lý luận họ hàng nhà khỉ của anh trước...
- Banh tai ra mà nghe, tự do không phải là muốn làm gì thì làm như loài khỉ, loài thú trong rừng, muốn leo cây nào thì leo, muốn đào hang ở đâu thì đào. Đó là thứ tự do của loài thú chứ không phải loài người. Tự do của loài người nằm trong khuôn khổ rõ ràng. Chẳng hạn, chú mày lái xe đi đâu tùy ý nhưng phải giữ luật giao thông. Tự do lái xe trong luật lệ, nếu lái xe tự do giống luật rừng thì chỉ xuống lỗ làm bạn với giun dế. Thử mở mắt ra mà nhìn, con cá có tự do bơi lội nhưng chỉ ở dưới nước chứ không có tự do bơi trong không khí. Nói đến tự do là nói đến giới hạn không thể tách rời. Mà con người, ai ai cũng chỉ kêu ca về những điều lệ cấm chế chứ có ai nói lên được câu nào chứng tỏ đang được hưởng những sự tốt lành bao giờ đâu. Thử hỏi tất cả chúng ta đây đã ai bao giờ cảm thấy sung sướng vì có không khí để thở, đã ai cảm ơn con tim nơi lồng ngực mình đêm ngày đập, mà có chăng chỉ chê trách nhà này hôi, chỗ nọ thối hoặc thích uống bia uống rượu như tụi mình đang nhậu gây nguy hại cho trái tim. Không cảm thấy vui vì có không khí để thở, không nhận ra từng nhịp đập của con tim mình chất chứa sự khôn ngoan lớn lao không sao hiểu nổi thì không biết thưởng thức tự do là cái chắc. Chú mày đã bao giờ nghe thấy câu, "Tự do là loại đau khổ chẳng khác gì với loại đau khổ của sự giam cầm" chưa? Tự do sinh hoạt trong cuộc sống đã như thế, nói chi tới tự do tư tưởng...
- Đồng ý với anh con người chỉ có tự do giới hạn vì cuộc sống phức tạp nhưng chính cuộc sống là phương tiện diễn tả niềm vui tự dọ Nếu không, sao anh có cơ hội nói lên biết hay không biết thưởng thức tự dọ Nếu anh đã không nhận ra tự do sao có thể nói đến tự do...
- Nghe hai anh nói tôi càng không thể nào có được một định nghĩa rõ ràng của hai chữ tự dọ Nếu nói rằng tự do có giới hạn thì cần gì phải nói đến tự do vì đã có giới hạn rõ ràng. Thay vì nói con cá tự do bơi lội dưới nước thì cần gì phải nói đến tự do, cứ nói cá bơi trong nước nào có thiếu sót gì đâu mà phải vẽ rắn thêm chân. Nếu nói tự do lái xe theo luật lệ thì đã phải theo luật lệ còn gì mà phải nói đến tự dọ Kính lên tiếng. Tự do thuộc về ý thức hệ tương đối chứ không thể đem ra phân tách đúng hay sai, hợp hay không hợp, tự do hay giới hạn. Chính ngay tư tưởng mình, nói như anh Chỉnh, cũng không hoàn toàn tự do...
- Hãy nghe anh Kính nói ngang, Thanh chêm vô, đỡ đòn cho anh Chỉnh.
Vấn đề được đặt ra là nếu mình chưa thực sự có tự do tư tưởng thì chẳng có gì đáng nói để bàn luận. Thực ra, lề luật, nguyên tắc, được đặt ra để giới hạn những người thiếu ý thức. Những người ý thức mới dám suy nghĩ và nhận định; họ sống vượt khỏi những ham muốn bình thường dù thuộc về truyền thống hay giáo điều. Tuy nhiên, ý thức tự do trong lãnh vực tư tưởng còn vượt xa hơn mà không có ý thức này, tất cả những gì được gọi là tự do chỉ là mộng tưởng. Thí dụ, ai không ngưỡng mộ những điều tốt lành, và ai không khinh chê những điều ác hại. Tuy nhiên, tự hỏi lòng mình tại sao ngưỡng mộ những điều tốt lành? Vì điều đó lợi cho mình hay giúp mình an tâm không bị thiệt hại hoặc ảnh hưởng? Vì mình chưa tốt lành đủ nên muốn trở nên tốt? Tại sao khinh chê những điều ác hại? Phỏng chúng ta e nó ảnh hưởng hoặc gây điều bất lợi đến mình? Hay điều đó là điều mình đang muốn tránh? Đây là tâm bịnh của con người, đứng vào phe này và chống lại phe kia; phe nào mình ưa thích thì theo, phe nào không thích thì chống. Nghĩ thế, Kính tiếp,
- Pascal có nói, "Kẻ thích làm thánh lại biến thành thú." Tận lực ép mình ép xác để trở nên thánh tức là bắt mình trở nên những gì không phải là mình; điều này chỉ là chạy theo thú tính. Thế nên, nếu không sống vượt lên khỏi các giá trị xã hội dù là luân lý hay lề luật thì dù có phá đổ được tất cả những giá trị hiện thời con người lại trở thành nô lệ cho những khuôn khổ tư tưởng khác mà thôi. Tự do tư tưởng là không lệ thuộc bất cứ hệ thống tư tưởng cố định nào cả vì bất cứ gì, chủ thuyết nào, dù được cho là toàn hảo đến mấy cũng có sự quá lố của nó để trở nên thú tính mà chống lại thú tính thì vẫn thuộc về thú tính.
- Anh nói sống vượt khỏi những ham muốn bình thường là thế nào? Là tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những ý thích bình thường, có thức ăn ngon đem bỏ, dùng thứ mình không ưa? Hoặc nếu thích uống bia thì cứ nước lã mà uống và không thích rượu lại càng ép mình để chịu khổ? Và rồi thế nào là sống vượt lên khỏi các giá trị xã hội?
- Trước hết, đừng vịn vào những ngôn từ tôi nói thì tôi mới trả lời được. Vậy nếu vận tốc giới hạn trên xa lộ là bẩy mươi dặm một giờ, muốn không phạm luật giao thông thì lái xe như thế nào?
- Tất nhiên không lái xe quá vận tốc bẩy chục dậm.
- Vậy nghĩa là sao?
- Không phạm luật.
- Điều này có nghĩa không cho luật chi phối mình phải không. Thế nên sống vượt khỏi luật lệ có nghĩa không phạm vào những gì luật lệ cấm kỵ. Sống vượt khỏi sự thiêu đốt của lửa thì đừng đụng vào lửa kẻo mà bị nó đốt cháy. Tương tự với các giá trị xã hội, không cho chúng ảnh hưởng mình. Mình không chạy theo nó dẫu mình sống như mọi người. Mặc quần áo như mọi người vì mang thân xác người nhưng những giá trị về quần áo không chi phối mình, lòng mình khác hẳn về quan niệm giá trị.
- Bởi vậy, Kính tiếp, thấy những điều không ra gì mà chê, để lòng xao xuyến muốn cổ võ điều mình thích thì vẫn còn lệ thuộc thị dục, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi giá trị xã hội vì một sự việc, sự kiện, xảy ra trước khi có sự khen chê, ưa thích. Khen chê có thay đổi gì không mà chỉ là sự nô lệ cho ý thích. Phỏng mình được sinh ra để làm gì? Hùa theo kẻ khác, thích cái này không thích cái kia, đặt mình trong một khuôn mẫu giới hạn để cho rằng cái này đúng, cái kia sai? Lấy gì làm căn bản đo lường đúng sai nếu không dựa vào giá trị ước định xã hội? Cho rằng một sự kiện đúng như vậy phải dựa trên căn bản sai mới nói là nó đúng. Thế mình được sinh ra đúng hay sai? Mình đâu được sinh ra vì ý thích này, ước muốn kia mà chỉ là chính mình, không phải cho bất cứ gì. Thế nên, điều được mọi người cho là dở vẫn có nguyên nhân tạo thành nó mà mình chưa biết hay không biết. Hùa theo điều kẻ khác cho là hay tất nhiên chạy theo thị dục của kẻ khác. Khinh chê điều mọi người cho là dở mà không tìm hiểu cho rõ ràng cũng còn nô lệ theo thị hiếu người đời, theo giá trị xã hội. Đúng sai, phải trái, hay dở... chỉ là những ước định giá trị xã hội lệ thuộc thị dục. Cũng một miếng ăn, nuốt xuống dạ dày, ai không cho rằng tốt lành; tuy nhiên, thay vì nuốt lại nhổ ra một chiếc đĩa sạch sẽ, nào ai dám bỏ nó vào miệng trở lại vì cho rằng nó dợ Tốt lành, dơ bẩn cũng là miếng ăn đã nhai sao mới đấy đã thấy đối nghịch?
- Nhưng miếng ăn là vật chất và chính mình nhận thấy là dơ! Vậy không cho nó là dơ thì nó không dơ sao; tương tự như thế, cho rằng ăn cướp là tốt lành thì cứ đi ăn cướp sao? Thanh lè nhè chen giọng.
- Tôi muốn nói đến nhận thức bị lệ thuộc lối nhìn bình thường của con người; điều này chứng tỏ chúng ta không có được sự tự do trong tư tưởng bởi được nhồi sọ, bởi học theo, bởi không dám đặt vấn đề nhận định mà ngược lại chấp nhận những gì được mọi người chấp nhận chứ không nhận định kỹ sự việc, không dám trở nên chính mình. Có rất nhiều vấn đề chúng ta chưa biết, chỉ nghe nói đã vội cho rằng thế nọ, thế kia... Chúng ta đã tự bịt kín nhận thức của mình bằng những giá trị người khác định sẵn.
- Mình sống với người mà không cùng mẫu mực như người sẽ bị đào thải, bị đẩy ra khỏi xã hội và bị mọi người xa lánh...
Có phải như vậy mình đã cố trở nên không phải chính mình mà muốn trở nên giống kẻ khác không? Kính thầm nghĩ. Ý nghĩa của câu "Kẻ thích làm thánh lại biến thành thú" là như thế đó. Mình đã không dám sống cho mình mà sống theo thú tính, nói cách khác, sống theo thị dục xã hội, không dám vượt lên. Tự do tư tưởng đồng nghĩa với sự trở nên chính mình, tức là vượt khỏi sự thích hoặc không thích bất cứ gì, không khen bất cứ gì mà cũng chẳng chê bất cứ gì bởi mỗi sự kiện có lý riêng của nó. Cố gắng làm điều lành để trừ khử điều dữ thì chính ước muốn trừ khử đã là thị dục có thể chỉ làm tăng sự dữ lên mà thôi. Bởi vậy, trở nên chính mình hay có tự do tư tưởng không bị bất cứ gì chi phối vì còn lệ thuộc vẫn chưa có tự do, và còn chọn lựa tức là còn hạn chế tư tưởng. Khi mê đắm điều gì thì tất nhiên sinh lòng ưa hay ghét mà kẻ thực sự có tự do tư tưởng không bị ghét hoặc thương ảnh hưởng. Chẳng những thế, thực sự là chính mình, thực sự có tự do tư tưởng cần phải được độc lập khỏi tất cả quan niệm, nhận thức, suy tư, học thức, kinh nghiệm bản thân nơi quá khứ. Qúa khứ không bao giờ trở lại; quá khứ là những gì đã chết, không thể thay đổi. Thế nên, nếu dựa trên những gì không còn sinh động làm căn bản cho những dữ kiện luôn luôn biến đổi thì vẫn còn là nô lệ cho sự thị phi quá khứ. Trở nên chính mình bây giờ và lúc này tức là chết cho quá khứ, nói theo Phúc Âm, "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết," hoặc là "Chết cho chính mình." Dẫu những điều xưa nay mình đã được giáo dục, học hỏi, hoặc cảm nghiệm cũng đều cần được đưa lên bàn cân tránh lệ thuộc vì khi quá khứ còn có thể ảnh hưởng sự nhận định, những gì mới lạ của sự kiện sẽ không được nhận biết, không được phát hiện. Đám mây quá khứ che lấp, ngăn chặn nhận thức, và như vậy tự do tư tưởng đã bị bao bọc trong khuôn khổ nào đó. Nghĩ thì nhiều nhưng Kính chỉ nói lên một phần tư tưởng của mình:
- Tự do tư tưởng thực sự chính là trạng thái giải thoát khỏi những ước định do con người tạo ra để có cái nhìn độc lập, trung thực mà cảm nghiệm cuộc sống. Tự do này đối nghịch bất cứ gì đòi một chỗ đứng, một căn bản được xác định. Tự do tư tưởng không thuộc về phe nào hoặc đúng sai, phải trái, hay dở, và như thế tự do tư tưởng không tùy thuộc một khuôn mẫu xã hội nào vì bất cứ khuôn mẫu nào cũng làm mù lòa nhận thức. Chính nhờ có tự do tư tưởng, nhận thức vượt lên trên lối nhìn bình thường thế nhân, lòng sẽ không bị ảnh hưởng bởi những giá trị xã hội nên không giao động, không thể bị lệ thuộc mà hoàn toàn độc lập. Tự do tư tưởng giải thoát con người khỏi thành kiến, không bị lệ thuộc vào bất cứ giáo điều nào hoặc sự ràng buộc nào.
- Nói như vậy, người thực sự có tự do tư tưởng không giống ai, không đồng thanh và đồng khí với bất cứ ai. Phỏng người thực sự có tự do tư tưởng tất nhiên tuyệt đối cô độc... chị Lữ đặt vấn đề.
- Chị nói đúng; bởi vậy người ta chỉ nói đến tự do nhưng thực ra chẳng ai có thể nói lên được tự do theo họ hiểu là gì.
- Tại sao lại không nói được sự hiểu biết tự do của mình là gì? Chỉnh chen lời.
- Tôi đã biết ngay từ đầu dù có nói cũng chẳng nói được gì bởi muốn hiểu tự do là gì phải thực sự có được tự do tư tưởng, phải chấp nhận tuyệt đối cô độc. Chỉ những kẻ không lệ thuộc vào bất cứ gì mới cảm nghiệm được thế nào là tự dọ Mà đã là cảm nghiệm, làm sao diễn tả, làm sao nói cho người khác hiểu. Anh đã không thể nào nói cho tôi hiểu được anh thương vợ con anh như thế nào thì cũng không thể nào nói lên được tự do là gì bởi có nói cũng như không... Đó cũng là ý nghĩa câu nói càng tìm cách định nghĩa tự do chỉ càng giới hạn cuộc sống. Tự do là ý thức sống chứ không phải những gì nên hay không nên, cái gì nói được hay không, hoặc những gì được phép và không được phép...