1.
Tác giả: Milovan Djilas
Tôi cho rằng những "cuộc nói chuyện" của tôi với Stalin đã chấm dứt. Nhưng cũng như những lần trước, tôi đã lầm, cũng như tôi đã lầm khi cho rằng sau "Xã hội bất toàn" thì tôi sẽ không còn phải viết về "vấn đề tư tưởng" nữa.
Nhưng Stalin là một con quỉ hút máu người đang lởn vởn và sẽ còn phiêu du trên thế gian này một thời gian dài nữa. Mọi người đều đã chối bỏ di sản của ông ta nhưng nhiều người sẽ còn tiếp tục coi di sản đó là nguồn sinh lực của mình. Nhiều kẻ vô tình đã bắt chước ông. Khrushchev bài xích ông nhưng đồng thời lại khâm phục ông. Các lãnh tụ Liên Xô hiện nay không còn khâm phục ông nữa nhưng lại đang tìm hơi ấm trong luồng hào quang của ông. Và Tito, sau mười lăm năm đoạn tuyệt, lại tỏ lòng kính trọng ông. Và tôi thường tự hỏi, nếu tôi còn tiếp tục suy nghĩ về Stalin thì phải chăng đấy chính là chỉ dấu rằng ông vẫn sống trong tôi.
Vậy Stalin là ai? Một nhà hoạt động xã hội vĩ đại? "Một thiên tài quỉ ám"? Một nạn nhân của giáo lí? Hay một kẻ điên rồ, một tên tội phạm đã giành được quyền lực? Tư tưởng mác-xít có ý nghĩa gì đối với ông ta và ông ta đã sử dụng các tư tưởng đó như thế nào? Ông ta nghĩ như thế nào về mình, về sự nghiệp của mình và vị trí của mình trong lịch sử?
Đây chỉ là một vài câu hỏi liên quan đến nhân cách của ông ta mà thôi. Tôi đặt ra các câu hỏi đó vì chúng liên quan đến số phận của thế giới hiện đại, đặc biệt là thế giới cộng sản và vì vậy, tôi có thể nói rằng, chúng có ý nghĩa sâu sắc, phi thời gian.
Từ những câu chuyện với Stalin, tôi nhớ rõ hai điều khẳng định của ông. Điều thứ nhất, nếu tôi không nhầm, thì ông nói vào năm 1945, còn điều thứ hai, tôi nhớ chính xác, được ông nói vào đầu năm 1948.
Điều khẳng định thứ nhất có nội dung như sau: nếu những tiền đề tư tưởng của chúng ta là đúng thì mọi kết luận rút ra từ đó cũng phải đúng. Điều khẳng định thứ hai liên quan đến Marx và Engels. Trong khi nói chuyện, một người nào đó, tôi nghĩ là chính tôi, đã nhấn mạnh rằng thế giới quan của Marx và Engels vẫn sống động và có ý nghĩa thời đại thì Stalin, với dáng điệu của một người đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề đó và đi đến kết luận không thể tranh cãi, đã nhận xét:
"Không nghi ngờ gì rằng các vị là những người sáng lập. Nhưng họ vẫn có những thiếu sót. Không được quên rằng Marx và Engels chịu ảnh hưởng rất mạnh của nền triết học cổ điển Đức, đặc biệt là Kant và Hegel. Trong khi Lenin lại hoàn toàn không chịu những ảnh hưởng như thế…"
Mới nhìn thì những ý kiến như vậy cũng không có gì đặc biệt: ai cũng biết thói quen của những người cộng sản là chia các quan điểm, các hành vi thành "đúng" hay "không đúng", tùy thuộc vào sự trung thành với giáo lí và khả năng thực hiện của chúng. Lenin được người ta tìm mọi cách để biến thành người bảo vệ và kế tục duy nhất sự nghiệp của Marx thì cũng rõ rồi. Nhưng trong những điều khẳng định trên đây của Stalin, có một vài ý không chỉ độc đáo mà còn vô cùng quan trọng cho những cuộc thảo luận của chúng ta.
Khẳng định rằng tiền đề tư tưởng là cơ sở và sự bảo đảm của chiến thắng có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ quan điểm này không mâu thuẫn với luận điểm chủ yếu của chủ nghĩa Marx, theo đó, cơ sở của mọi tư tưởng nằm trong "cấu trúc kinh tế của xã hội"? Chẳng lẽ quan điểm như thế, dù là vô tình, không gần với chủ nghĩa duy tâm, một chủ nghĩa dạy rằng trước hết và quan trọng nhất là trí tuệ và tư tưởng? Rõ ràng là trong khi nói như thế, Stalin không có ý nhắc lại tư tưởng của Marx, theo đó, "lí thuyết sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó lôi cuốn được quần chúng", mà ông nói đến lí luận và tư tưởng trước khi chúng "lôi cuốn được quần chúng". Câu đó có liên hệ gì với ý nghĩ về chính Stalin mà Bukharin đã nói với Kamenev ngay từ tháng 6 năm 1928: "Nếu cần loại bỏ một người nào đó thì ông ta sẵn sàng thay đổi lí luận của mình ngay lập tức" và từ đâu ra cái thái độ phê phán, trước đây chưa ai thấy, đối với Marx và Engels như thế?
Mặc dù có một vài vấn đề như thế, trong các tư tưởng đã dẫn ở trên của Stalin, không có sự thiếu nhất quán. Hơn thế nữa, câu nói của Bukharin, ngay cả nếu không coi đấy là những phát biểu có tính cố chấp bè phái thì theo tôi, cũng không mâu thuẫn với tư tưởng của Stalin về ý nghĩa quyết định của lí luận.
Một trong những lí do, nếu không nói là lí do quan trọng nhất, làm cho những người chống đối Stalin trong Đảng như Trotsky, Bukharin, Zinoviev… đã thua ông ta là vì ông ta là một người mác-xít độc đáo và sáng tạo hơn tất cả bọn họ. Tất nhiên là văn phong của ông ta không bóng bẩy như Trotsky, phân tích không sâu sắc bằng Bukharin. Các trước tác của Stalin trình bày một nhận thức hợp lí về hiện trạng xã hội, là kim chỉ nam cho lực lượng mới. Đưa ra khỏi hiện thực đó, bên ngoài các điều kiện và môi trường đó, tư tưởng của ông ta sẽ trở thành nhạt nhẽo, vô nghĩa. Nhưng đấy chỉ là bên ngoài.
Bản chất của chủ nghĩa Marx là sự gắn bó giữa lí luận và thực tiễn:
"Các nhà triết học chỉ giải thích thế giới, nhưng vấn đề là cải tạo nó."
Chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản đã giành được thắng lợi khi họ gắn được lí luận với thực tiễn. Stalin lại kiên trì và khéo léo liên kết học thuyết Marx-Lenin với quyền lực, với sức mạnh của nhà nước. Stalin không phải là một lí thuyết gia chính trị học theo đúng ý nghĩa của từ này: ông ta chỉ nói hay viết khi cuộc đấu tranh trong Đảng hay trong xã hội, mà nhiều khi hai cuộc đấu tranh này diễn ra đồng thời, đòi hỏi như thế. Sức mạnh và sự độc đáo của các quan điểm của Stalin thể hiện rõ trong sự kết hợp giữa tư tưởng và thực tiễn, thể hiện rõ trong chủ nghĩa thực dụng ấy.
Cần phải nói thêm rằng: bỏ qua hay đánh giá không đúng các quan điểm của ông hoặc chỉ xem xét các tác phẩm của ông một cách hính thức, những kẻ giáo điều ở phương Đông cũng như nhiều nhà nghiên cứu Stalin ở phương Tây không thể nhận chân được bản chất của ông ta cũng như các điều kiện đã đưa ông ta đến quyền lực.
Cần phải nhấn mạnh một lần nữa, chủ nghĩa cộng sản kiểu Stalin, các quan điểm của Stalin không bao giờ xuất hiện - dường như chúng hoàn toàn không tồn tại - một cách tách biệt với các nhu cầu của xã hội Liên Xô, của nhà nước Liên Xô sau cách mạng. Đấy là chủ nghĩa Marx của một đảng có nhu cầu sống còn là phải trở thành quyền lực, thành lực lượng "lãnh đạo" quốc gia. Trotsky gọi Stalin kẻ bất tài vĩ đại nhất của Đảng. Bukharin chế giễu Stalin và nói rằng ông ta bị ám ảnh bởi dục vọng viển vông là trở thành một nhà lí luận. Nhưng đấy chỉ là những câu nói bóng bẩy, những ý kiến mang tính phe phái không phù hợp với thực tế. Đúng là Stalin không tư duy lí luận theo đúng nghĩa của từ này. Đấy chỉ là những bài phân tích, không phải là những luận thuyết khoa học. Nhưng để gắn kết tư tưởng với nhu cầu của Đảng, đúng hơn là nhu cầu của bộ máy quan liêu của Đảng, thì những suy luận của Stalin lại có giá trị hơn tất cả những người chống đối ông. Không phải vô tình mà bộ máy quan liêu của Đảng đứng về phía Stalin, cũng như không phải vô tình mà những màn độc thoại tràng giang đại hải, ngày nay có thể coi là điên rồ, của Hitler lại có thể lôi cuốn và ném hàng triệu người Đức "có lí trí" vào cuộc chiến tranh, vào chỗ chết. Stalin chiến thắng không phải vì ông ta "xuyên tạc" chủ nghĩa Marx mà chính vì ông ta biến chủ nghĩa Marx thành hiện thực… Trong khi Trotsky đưa ra hết dự án này đến dự án khác về cách mạng thế giới, còn Bukharin lại đi sâu vào những tiểu tiết và khả năng mang tính giáo điều của việc tư bản hoá các nước thuộc địa, thì Stalin, trong các tài liệu giải thích những "nhiệm vụ cấp bách" lại đồng nhất sự tồn tại và đặc quyền đặc lợi của bộ máy quan liêu vừa xuất hiện và đã thoái hoá của đảng với quá trình công nghiệp hoá và tăng cường sức mạnh của nước Nga.
Trong khi làm như thế, Stalin, một chính khách bẩm sinh và một nhà quản lí khéo léo đã chiếm đoạt những tư tưởng của người khác và khoác cho chúng hình thức thực tiễn. Thí dụ, bước đột phá nổi tiếng nhất của Stalin là "xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước" (Liên Xô) được Bukharin khơi mào và phát triển từ trước, mà lại phát triển trong cuộc đấu tranh chống Trotsky… Trong văn chương, người ta gọi đấy là đạo văn, nhưng trong chính trị thì lại được coi là lợi dụng hoàn cảnh.
Khi Stalin còn sống không ai nói rằng ông ta không phải người mác-xít. Không một người có lí trí nào làm thế hôm nay. Bất đồng chỉ xảy ra khi người ta đánh giá trình độ lí luận của ông cũng như sự nhất quán của ông với tư cách là người kế tục sự nghiệp của Lenin mà thôi.