watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nói chuyện với Stalin-18. - tác giả Milovan Djilas Milovan Djilas

Milovan Djilas

18.

Tác giả: Milovan Djilas

Zhdanov không cao lớn lắm, bộ râu màu hạt dẻ được cắt tỉa cẩn thận, trán cao, mũi nhọn và mặt đỏ như có bệnh. Zhdanov là người có học vấn cao và trong Bộ chính trị, ông được coi là một trí thức lớn. Mặc dù ông nổi tiếng là người thiển cận và lí thuyết suông nhưng tôi cho rằng ông là người có hiểu biết rộng. Ông ta biết mỗi thứ một ít, ngay cả nhạc ông cũng biết, nhưng tôi nghĩ rằng ông không nắm sâu bất cứ lĩnh vực nào, đấy là người thu lượm kiến thức từ những lĩnh vực khác nhau nhờ thông qua sách báo mác-xít. Phải nói thêm rằng ông ta thuộc loại trí thức vô liêm sỉ, cho nên càng đáng ghét vì đằng sau vẻ ngoài trí thức đó là một nhà độc tài "đại lượng" đối với các văn nghệ sĩ. Đây là thời kì "nghị quyết" của Ban chấp hành trung ương về các vấn đề văn học nghệ thuật, nghĩa là thời kì của những cuộc tấn công quyết liệt vào quyền tự do tối thiểu trong việc lựa chọn đề tài và hình thức biểu hiện còn giữ được hoặc vừa tuột khỏi sự kiểm soát của bộ máy quan liêu của Đảng trong thời gian chiến tranh vừa qua. Tôi nhớ hôm đó, Zhdanov có kể một câu chuyện thuộc loại tiếu lâm mới. Sau khi ông viết bài phê phán, nhà văn Zoshchenko ở Leningrad đã bị tịch thu tất cả tem phiếu, chỉ sau khi Moskva can thiệp người ta mới trả lại cho nhà văn.
Voznesenski là Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước, lúc đó chỉ ngoài bốn mươi, một người Nga chính hiệu, bắp thịt cuồn cuộn, trán cao, tóc vàng và xoăn tít. Có cảm tưởng đấy là một người cẩn trọng, có văn hoá và kín đáo, ít nói nhưng nội tâm lúc nào cũng vui vẻ. Trong thời gian chiến tranh, tôi đã đọc một cuốn sách về kinh tế do ông viết, tôi cho rằng tác giả là một người tận tâm và luôn trăn trở, sau này cuốn sách bị người ta phê phán, còn Voznesenski thì bị giết, không hiểu vì lí do gì.
Tôi biết rõ người anh của Voznesenski, một giáo sư đại học, lúc đó vừa được cử làm Bộ trưởng Giáo dục Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga.
Trong kì đại hội toàn Slav ở Belgrad mùa đông năm 1946, tôi đã có một cuộc thảo luận rất thú vị với ông Voznesenski anh. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng lí thuyết "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" được chính thức công nhận thực ra là một lí thuyết hẹp hòi và phiến diện. Chúng tôi cùng cho rằng trong chủ nghĩa xã hội, đúng hơn là chủ nghĩa cộng sản, sau khi các nước xã hội chủ nghĩa mới được thành lập đã xuất hiện những hiện tượng mới và trong chủ nghĩa tư bản cũng đã diễn ra những thay đổi chưa hề được nghiên cứu về mặt lí thuyết. Có khả năng là mái đầu đẹp và thông thái của ông cũng đã bị rơi trong những cuộc thanh trừng điên cuồng sau đó.
Bữa tối bắt đầu bằng việc có người, tôi nghĩ là chính Stalin, đề nghị từng người nói xem lúc đó là âm mấy độ, sai một độ thì phải phạt uống một li. May là tôi đã xem hàn thử biểu trong khách sạn, tôi chỉ việc cộng thêm vài độ vì biết rằng ban đêm lạnh hơn nên sai có một độ. Tôi nhớ Beria đoán sai ba độ nhưng ông ta bảo mình cố tình làm thế để được uống thêm rượu.
Chứng kiến cách bắt đầu bữa ăn như thế, tôi chợt nghĩ: những con người sống hoàn toàn biệt lập như thế này có thể nghĩ ra những lí do còn vô nghĩa hơn để chuốc nhau, thí dụ nhà ăn dài mấy bước chân hay bàn ăn dài mấy gang tay. Ai biết được, có thể họ làm thế đấy! Việc dùng nhiệt độ để xác định số rượu phải uống gây cho tôi cảm giác rằng ban lãnh đạo tối cao Liên Xô đang sống một cuộc đời biệt lập, trống rỗng và vô nghĩa; thế mà họ vẫn thường tụ tập xung quanh vị lãnh tụ già nua và đang đóng một trong những vai quyết định nhất đối với số phận của nhân loại. Tôi bỗng nhớ câu chuyện Peter Đại đế, ông cũng tổ chức ăn uống với thuộc hạ đến mức say không biết gì và họ đã quyết định số phận của nước Nga, của nhân dân Nga tại những bữa tiệc tùng như thế này đấy.
Cảm giác đấy là một cuộc sống trống rỗng cứ bám lấy tôi, nó trở đi trở lại trong suốt bữa ăn, tôi đã làm mọi cách để cố quên đi mà không được. Vẻ già nua kèm theo những dấu hiệu của sự suy giảm trí nhớ của Stalin càng làm cho cảm giác này nặng nề thêm. Lòng kính trọng và tình yêu đối với ông mà tôi vẫn giữ trong lòng cũng không thể nào xua tan được cảm giác đó.
Sự suy yếu của ông chứa đựng một cái gì đó vừa quái gở vừa bi đát.
Nhưng bi đát thì không hiển hiện, chỉ có những ý nghĩ của tôi rằng ngay cả một con người vĩ đại như thế này rồi cũng phải hoại diệt là nhuốm màu bi đát mà thôi. Song sự quái gở thì hiện ra trong từng giây phút một.
Trước đây, Stalin đã thích nhậu nhẹt nhưng bây giờ, ông ta tham ăn đến nỗi như sợ hết phần. Có điều ông uống ít hơn, thận trọng hơn, cân nhắc từng giọt, để giữ sức khỏe.
Cách tư duy của ông thay đổi còn rõ rệt hơn. Ông rất thích nhắc lại thời trai trẻ, thời đi đày ở Sibiri, thời niên thiếu ở Caucasus, ông thường so sánh những điều mới mẻ với một cái gì đó trong quá khứ bằng cách nói:
"Vâng, tôi nhớ, chuyện xảy ra thế này…"
Không thể tưởng tượng được là ông đã thay đổi nhiều như thế trong vòng có hai ba năm. Lần gần đây nhất tôi gặp ông là năm 1945, khi đó ông vẫn còn nhanh nhẹn, suy nghĩ còn độc đáo, minh mẫn, hóm hỉnh. Nhưng đấy là thời chiến, có thể Stalin đã cống hiến tất cả sức lực của mình, đã đạt đến giới hạn cuối cùng. Bây giờ, ông phá lên cười khi nghe những câu nói đùa vô nghĩa, vô duyên; ông không những không hiểu ý nghĩa chính trị của câu chuyện tiếu lâm của tôi, rằng ông đã tỏ ra khôn ngoan hơn Churchill và Roosevelt, mà theo tôi còn tỏ vẻ tự ái, tôi còn nhận ra sự bối rối, phân vân trên mặt của những người có mặt.
Chỉ có một thứ không thay đổi: gay gắt, mãnh liệt, đa nghi với mọi bất đồng. Ông ngắt lời ngay cả Molotov, có cảm giác quan hệ giữa hai người khá căng thẳng. Tất cả đều a dua, ai cũng tránh né trước khi ông nói ý kiến của mình, rồi tất cả lại vội vàng phụ hoạ theo.
Cũng như mọi khi, câu chuyện chuyển hết đề tài này sang đề tài khác.
Stalin bỗng nói về bom nguyên tử:
"Cái này mạnh đấy, mạnh lắm!"
Trên nét mặt ông hiện rõ vẻ thán phục, rõ ràng là ông không thể an tâm cho đến khi nắm được "cái này". Nhưng ông không nói liệu Liên Xô đã nắm được chưa hay vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị.
Thế mà sau đó khoảng một tháng, Dimitrov có nói với tôi và Kardel trong cuộc gặp ở Moskva rằng người Nga đã có bom nguyên tử, mà còn tốt hơn quả của Mỹ thả xuống Hiroshima nữa kia. Có lẽ không hẳn như thế, tôi nghĩ người Nga mới chế tạo được một quả bom nguyên tử mà thôi. Nhưng câu chuyện là như vậy, tôi chỉ xin ghi lại.
Đêm đó, cũng như sau này, trong cuộc gặp với đoàn đại biểu Bulgaria, Stalin nói rằng nước Đức sẽ bị chia cắt:
"Phương Tây sẽ xây dựng ở Tây Đức, còn chúng ta sẽ xây dựng ở Đông Đức nhà nước của mình!"
Ý tưởng của ông là mới nhưng có thể hiểu được, nó xuất phát từ chính sách của Liên Xô đối với Đông Âu và phương Tây. Điều khó hiểu đối với tôi là tuyên bố của Stalin và các nhà lãnh đạo Lịên Xô với đoàn đại biểu Bulgaria và Nam Tư vào mùa hè năm 1946 rằng toàn bộ nước Đức sẽ là của chúng ta, nghĩa là trở thành nước Đức Xô viết, nước Đức cộng sản. Khi tôi hỏi một người cùng có mặt hôm đó: "Người Nga sẽ làm việc đó như thế nào", thì được trả lời: "Tôi cũng không biết nữa!"
Tôi nghĩ rằng ngay những người tuyên bố như thế cũng không biết họ sẽ làm thế nào, thực ra họ vẫn còn say men chiến thắng và đang hi vọng vào sự sụp đổ về mặt kinh tế của phương Tây.
Bất ngờ vào cuối bữa ăn, Stalin bỗng hỏi tôi vì sao trong Đảng cộng sản Nam Tư lại có ít người Do Thái và tại sao họ lại không có vai trò gì đáng kể như vậy? Tôi cố gắng giải thích:
"Ở Nam Tư nói chung có ít người Do Thái và phần lớn họ thuộc tầng lớp trung lưu". Tôi nói thêm: "Người cộng sản gốc Do Thái nổi tiếng nhất là Piade, nhưng ông coi mình là người Serbi hơn là người Do Thái".
Stalin bắt đầu nhớ lại:
"Piade, người tầm thước, đeo kính phải không? Vâng, tôi nhớ, tôi đã gặp anh ta rồi. Nhiệm vụ của anh ta là gì?"
"Anh ta là ủy viên trung ương, vào đảng lâu rồi, đã dịch Tư bản luận"’, tôi giải thích.
"Trong Ban chấp hành trung ương của chúng tôi không có Do Thái!", ông ta cắt ngang rồi phá lên cười một cách đầy khiêu khích: "Đồng chí là người bài Do Thái! Vâng, đồng chí Djilas là người bài Do Thái!"
Tôi hiểu câu nói và tiếng cười của Stalin một cách hoàn toàn ngược lại, điều đó chỉ chứng tỏ ông ta là người bài Do Thái và để tôi nói lên quan điểm của mình về người Do Thái, đặc biệt là Do Thái trong phong trào cộng sản. Tôi không nói gì và cũng phá lên cười, việc đó với tôi không khó vì tôi không bao giờ bài Do Thái, còn đối với tôi, cộng sản chỉ có hai loại, tốt và xấu mà thôi. Nhưng rồi chính Stalin đã bỏ qua đề tài hóc búa đó sau khi cảm thấy hài lòng với lời khiêu khích đạo đức giả của mình. Bên trái tôi là Molotov, ít nói, còn bên phải là Zhdanov, thao thao bất tuyệt suốt bữa ăn. Ông ta kể về những cuộc tiếp xúc với người Phần Lan và tỏ ra hài lòng về sự chính xác của họ trong việc bồi thường chiến phí.
"Tất cả đều chính xác và đúng hẹn, bao bì tuyệt đẹp, chất lượng tốt".

Rồi ông ta kết luận:
"Chúng ta đã sai lầm vì không chiếm luôn nước đó, nếu chúng ta làm thế thì mọi việc đã xong rồi".
Stalin:
"Đúng, đấy là một sai lầm, chúng ta cứ lo bọn Mỹ, nhưng một ngón tay họ cũng không động đâu".
Molotov:
"Ôi, Phần Lan, khó nhằn lắm!"
Lúc đó, Zhdanov đang chuẩn bị hội nghị với các nhạc sĩ và nghị định về âm nhạc. Ông thích nhạc kịch nên nhân tiện hỏi tôi:
"Ở Nam Tư có nhà hát nhạc kịch không?"
Ngạc nhiên vì câu hỏi, tôi trả lời:
"Ở Nam Tư có chín nhà hát biểu diễn nhạc kịch!", và nghĩ: họ biết về Nam Tư quá ít. Rõ ràng là họ chỉ quan tâm đến nó như một địa danh mà thôi.
Chỉ có một mình Zhdanov uống nước cam. Ông ta bảo là bị bệnh tim. Tôi hỏi:
"Bệnh này có thể có những hậu quả gì?"
Ông ta mỉm cười rồi trả lời một cách khôi hài:
"Tôi có thể chết bất đắc kì tử mà cũng có thể còn sống rất lâu".
Rõ ràng là ông ta dễ bị kích động, hệ thần kinh của ông ta rất nhạy cảm.
Một kế hoạch mới vừa được thông qua, Stalin nhấn mạnh, tuy không nói với một người cụ thể nào, rằng phải tăng lương cho tầng lớp giáo viên. Sau đó, ông quay sang phía tôi và bảo:
"Các giáo viên của chúng tôi đều rất giỏi, nhưng lương lại thấp quá, cần phải có biện pháp chứ".
Tất cả mọi người đều tán thành và tôi cay đắng nhớ lại rằng lương của giáo chức ở Nam Tư cũng thấp, điều kiện sống lại chẳng ra gì, nhưng tôi không làm sao giúp đỡ được.
Voznesenski không nói câu nào, ông ta giữ thái độ như một người em út ngồi giữa các đại ca. Chỉ có một lần Stalin hỏi trực tiếp ông ta:
"Có thể phân bổ ngoài kế hoạch kinh phí để xây dựng kênh đào Volga Đông được không? Vấn đề này quan trọng lắm! Chúng ta phải tìm kinh phí! Đây là vấn đề cực kì quan trọng; trong trường hợp xảy ra chiến tranh, chúng ta có thể bị đẩy khỏi biển Đen, hải quân của chúng ta hiện nay yếu, mà sẽ còn yếu trong một thời gian dài nữa. Tàu bè của chúng ta sẽ ra sao? Hãy nghĩ xem, nếu trong chiến dịch Stalingrad, chúng ta điều được hạm đội biển Đen đến sông Volga thì tốt biết mấy! Kênh đào này có vị trí quan trọng bậc nhất đấy, quan trọng bậc nhất đấy".
Voznesenski đồng ý phài phải tìm kinh phí rồi lấy giấy bút ra ghi.
Từ lâu, tôi đã suy nghĩ hai vấn đề có tính cách riêng tư, tôi muốn tham khảo ý kiến Stalin.
Vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lí luận: trong sách báo mác-xít cũng như sách báo khác, tôi không tìm thấy sự khác nhau giữa hai từ "nhân dân" và "dân tộc". Stalin từ lâu đã được coi là chuyên gia về vấn đề dân tộc, tôi đem ra hỏi và nói thêm rằng ông không giải thích chuyện đó trong bài báo viết về vấn đề dân tộc. Bài báo này được đăng từ hồi trước chiến tranh thế giới thứ nhất và từ đó đến nay, vẫn được coi là thể hiện được quan điểm bolshevik về vấn đề dân tộc(1).
Molotov lập tức chen ngang:
"Nhân dân và dân tộc cũng là một thôi".
"Nhảm nhí! Đây là hai khái niệm khác nhau!", Stalin bắt đầu giải thích: "Dân tộc là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản với những đặc tính nhất định, còn nhân dân là những người lao động của một dân tộc nhất định, nghĩa là những người lao động với một ngôn ngữ, văn hoá và những thói quen chung".
Còn về cuốn sách Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc của mình thì ông nhận xét như sau:
"Đấy là quan điểm của Ilich, chính Ilich đã hiệu đính đấy".
Câu hỏi thứ hai liên quan đến Dostoievski. Ngay từ khi còn rất trẻ tôi đã coi Dostoievski là nhà văn lớn nhất trong thời đại chúng ta và không thể hiểu vì sao những người mác-xít lại công kích ông. Stalin trả lời một cách đơn giản:
"Một nhà văn vĩ đại và một tên phản động vĩ đại. Chúng tôi không in vì ông ta gây ảnh hưởng xấu cho giới trẻ. Nhưng ông là một nhà văn vĩ đại!"
Chúng tôi chuyển sang thảo luận vể Gorki. Tôi nói rằng Cuộc đời của Klim Samgin là cuốn sách có giá trị nhất cả về phương pháp sáng tác cũng như chiều sâu của cuộc cách mạng Nga. Nhưng Stalin không đồng ý, ông bỏ qua phương pháp sáng tác:
"Không, những tác phẩm hay nhất là những tác phẩm được viết trước đó: Thành phố Okurov, các truyện ngắn, Foma Gordeyev. Còn về hình tượng cách mạng trong Klim Samgin thì ở đấy rất ít cách mạng, chỉ có một đảng viên bolshevik, tên là gì ấy nhỉ: Liutikov hay Liutov?"
Tôi nhắc:
"Kutuzov, Liutov là nhân vật khác".
Stalin tiếp tục:
"Ờ, Kutuzov! Trong tác phẩm này, cách mạng được mô tả đơn điệu và không đầy đủ, còn từ quan điểm văn học thì các tác phẩm trước đó có giá trị hơn".
Rõ ràng là tôi và Stalin không hiểu được nhau, chúng tôi không có cùng quan điểm thẩm mĩ, mặc dù trước đây, tôi đã từng được nghe quan điểm của các nhà văn lớn, họ cũng coi các tác phẩm mà Stalin vừa nói là những tác phẩm tuyệt vời nhất của Gorki.
Nói về văn học Xô viết đương đại, tôi cũng như hầu hết người nước ngoài đều nhắc đến Sholokhov.
Nhưng Stalin bảo:
"Bây giờ có những người khá hơn", rồi ông nói tên hai người, có một phụ nữ, mà tôi chưa nghe bao giờ.

Tôi không tham gia thảo luận tác phẩm Đội cận vệ thanh niên của Phadeev, lúc đó người ta đã phê bình tác phẩm này vì các nhân vật thiếu tính đảng. Nhận xét của tôi hoàn toàn ngược lại: công thức, thiếu chiếu sâu, nhạt nhẽo. Lịch sử triết học của Aleksandrov cũng thế.
Zhdanov kể lại nhận xét của Stalin về thơ tình của K. Simonov: "Chỉ cần in hai tập: một tập cho cô ta và một tập cho anh ta!", vừa nói xong, Stalin đã khục khục cười làm tất cả mọi người cùng phá lên cười theo.
Dĩ nhiên là bữa đó Beria cũng nói những chuyện tục tĩu như thường lệ. Đấy là lúc họ bắt tôi uống rượu ngâm ớt. Beria vừa cười nhăn nhở vừa nói rằng loại rượu này có hại cho tuyến sinh dục bằng những từ thô tục nhất. Trong khi đó, Stalin nhìn chằm chằm vào tôi, sẵn sàng nổ ra một tràng cười. Khi thấy tôi nhăn nhó thì ông cũng tỏ ra nghiêm túc theo.
Ngay khi chưa có chuyện này, tôi đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ về sự giống nhau đến kinh ngạc giữa Beria và tay cảnh sát Hoàng gia ở Belgrad tên là Vukovic, bây giờ thì cảm giác đó mạnh đến nỗi tôi cảm thấy như mình đang bị những bàn tay dày và ẩm của Vukovic - Beria bóp chặt lấy vậy.
Nhưng điều cảm thấy rõ ràng nhất chính là không khí bao trùm bữa ăn kéo dài suốt sáu giờ đồng hồ này, nó không phụ thuộc vào những câu chuyện được nói, thậm chí còn trái ngược với những điều được nói ra ở đây. Đằng sau tất cả những câu chuyện ấy là một cái gì đó quan trọng hơn, một cái cần phải nói ra nhưng không ai biết bắt đầu như thế nào hoặc không ai dám nói ra chuyện đó. Sự gượng gạo của câu chuyện và đề tài càng làm cho cái điều được che giấu kia trở thành như nghe được, như sờ mó được vậy. Trong thâm tâm, tôi đã nhận thức được nội dung của nó: đấy là việc chỉ trích Tito và Ban chấp hành trung ương Nam Tư đồng nghĩa với việc lôi kéo tôi đứng về phía chính phủ Liên Xô. Tích cực nhất là Zhdanov, không phải là những đề nghị cụ thể mà bằng một thái độ cởi mở và thân mật đặc biệt trong khi nói chuyện với tôi. Còn Beria thì quan sát tôi bằng đôi mắt lim dim, xanh như mắt ếch, vẻ tự mãn luôn hiện diện trên môi. Nhưng trên tất cả là Stalin, lúc nào cũng chăm chú, khoan thai và lạnh lùng.

Khoảng lặng giữa các câu chuyện ngày càng dài hơn, sự căng thẳng trong tôi cũng như xung quanh tôi cũng ngày một tăng thêm. Tôi nhanh chóng xác định được chiến thuật phòng thủ, có thể chiến thuật này đã được chuẩn bị một cách vô thức trong tôi từ trước rồi, bằng cách nói rằng tôi không nhìn thấy sự bất đồng giữa lãnh đạo Nam Tư và Liên Xô, rằng mục đích của họ là một và những điều tương tự như thế. Sự kháng cự cứ lớn dần trong tôi một cách ngấm ngầm, bướng bỉnh, mặc dù trước đây tôi cũng không cảm thấy một sự dao động nào. Tôi hiểu rằng mình có thể chuyển từ phòng ngự sang phản công nếu Stalin và những người khác buộc tôi đứng trước một tình thế lưỡng nan, nghĩa là sự lựa chọn giữa họ và lương tâm, trong trường hợp này là giữa họ và đảng tôi, giữa Liên Xô và Nam Tư. Với mục đích chuẩn bị sẵn thái độ của mình, tôi, làm như vô tình, đã nhắc đến Tito và Ban chấp hành trung ương một cách khéo léo sao cho những người kia không thể bắt đầu câu chuyện của họ được.
Họ không đạt được mục đích dù Stalin đã cố gắng gợi lại những mối quan hệ thân tình, mang tính cá nhân. Sau khi nhắc lại lời mời năm 1946 thông qua Tito, ông hỏi:
"Tại sao đồng chí không đến Krym? Tại sao đồng chí lại từ chối lời mời của tôi?"

Tôi đã chờ đợi câu hỏi này nhưng vẫn cảm thấy hơi ngạc nhiên là Stalin chưa quên. Tôi giải thích:
"Tôi chờ đợi lời mời thông qua sứ quán Liên Xô, tôi thấy tự mình đòi hỏi, làm phiền thì không hay".
"Không, vớ vẩn, làm gì có chuyện làm phiền ở đây. Đồng chí không thích tới thì có!", vừa nói, Stalin vừa nhìn tôi với ánh mắt dò xét.
Nhưng tôi đã thu mình lại, tỏ ra lạnh lùng và ít nói hẳn.
Không có gì xảy ra cả. Stalin và nhóm người đầy mưu mô, tính toán một cách lạnh lùng - tôi cảm thấy họ là những người như thế - chắc chắn đã nhận thấy sự phản kháng của tôi. Chính tôi cũng muốn như thế. Tôi cố tình tránh, còn họ thì cũng không dám khiêu khích làm cho tôi phải phản đối ra mặt. Tất nhiên, họ nghĩ rằng không cần vội vã và vì vậy chưa làm gì sai. Nhưng tôi đã nhận ra trò bỉ ổi này và nhận thấy sức mạnh tiềm ẩn trong con người mình, một sức mạnh tôi chưa hề biết tới nhưng đủ sức giúp tôi chối bỏ ngay cả cái điều cho đến lúc đó vốn là lí tưởng sống của tôi.

Kết thúc bữa ăn, Stalin nâng cốc:
"Xin nâng cốc tưởng nhớ Vladimir Ilich, lãnh tụ và người thầy của tất cả chúng ta!"
Tất cả chúng tôi đều đứng dậy và yên lặng uống cạn li, tất cả đều đã ngà ngà say, chẳng ai nhớ gì, riêng Stalin có vẻ cảm động, nét mặt vừa trịnh trọng vừa đượm vẻ u buồn.
Chúng tôi đứng lên, nhưng trước khi chia tay, Stalin lại mở một cái máy hát to đùng. Ông cố nhảy vài vòng, có thể thấy là ông biết nhịp điệu, nhưng chỉ một lúc, đã thấy ông ngưng lại và nói một cách chán chường:
"Chúng ta đang già đi, tôi đã là một ông lão mất rồi!"
Nhưng các trợ thủ, nếu không muốn nói là các quí tộc, thuyết phục ông:
"Đâu có, thưa đồng chí! Đồng chí trông còn săn chắc lắm, dáng còn nhanh nhẹn lắm, ở tuổi của đồng chí…"

Sau đó, Stalin đưa vào một đĩa khác, lần này bên cạnh tiếng ngân nga của một giọng nữ cao là tiếng chó tru, sủa inh ỏi. Ông phá lên cười một cách khoái trá, sau khi nhận thấy vẻ ngạc nhiên và khó chịu trên mặt tôi, ông giải thích như có ý xin lỗi:
"Không, dù sao thì cũng có sáng tạo đấy chứ, sáng tạo quá!"
Những người khác còn ở lại sau khi tôi đã lên xe, nhưng tất cả đều đã chuẩn bị lên đường, thực ra cũng chẳng còn gì để nói nữa. Tất cả mọi chuyện đều được nói hết trong bữa ăn rồi, tất cả, chỉ trừ cái chuyện vốn là mục đích của bữa ăn tối vừa qua.

Chú thích:
(1) Bài báo của I. V. Stalin "Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc" được đăng trên tạp chí Giáo dục vào năm 1913 (chú thích của biên tập viên bản tiếng Nga)
Nói chuyện với Stalin
Lời nói đầu của tác giả:
1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8
9.
10.
11.
12.
13.
14.
15.
16.
17
18.
19.
20.
Kết luận
1.
2.
3.
4.
5. Con người Stalin