Milovan Djilas
3.
Tác giả: Milovan Djilas
Tất cả những đảng viên đối lập với Stalin, dù ít dù nhiều, đều hoạt động một cách thiếu thực tế. Trotsky thì bị ám ảnh bởi cuộc cách mạng, mà nhất định phải là cách mạng thế giới mới nghe. Bukharin thì chỉ nghĩ đến kinh tế, cơ sở của tất cả mọi thứ trên thế gian này. Họ nuối tiếc "tình đồng chí" của một thời quá vãng và tiếp tục thiết kế tương lai "lí tưởng". Trong khi đó, Stalin, đi theo Lenin, dần dần hiểu ra rằng nếu không thay đổi ý nghĩa và vai trò của Đảng thì sẽ không thể nào bảo vệ được chế độ mới. Trong giai đoạn cách mạng, Đảng giữ thế thượng phong so với chính quyền. Sự thay đổi đã diễn ra theo đúng lí luận của Lenin, nhà nước là công cụ đàn áp của giai cấp này đối với giai cấp khác, bây giờ, chính quyền, nghĩa là cảnh sát mật và các cơ quan của nó, đã giành được thế thượng phong.
Tất nhiên, mọi sự đều diễn ra một cách chậm chạp, bề ngoài "Đảng vẫn giữ vai trò chủ đạo", nghĩa là diễn ra dưới những khẩu hiệu và nhận thức tư tưởng cũ. Nếu ta nhớ rằng chính quyền bao giờ cũng mang trong mình nó đặc quyền đặc lợi và "vai trò trong lịch sử" thì ra sẽ thấy rằng ngay từ khi Đảng vừa giành được chính quyền đã xuất hiện những kẻ tham quyền cố vị: không phải Stalin phát minh ra bộ máy quan liêu Đảng trị mà chính bộ máy này đã phát hiện ra ông, người có đủ bản lĩnh để làm lãnh tụ cho nó.
Chính vì hiểu rõ được thực tế lúc đó và triển vọng phát triển của tình hình nên Stalin đã gây được bất ngờ và đánh bại các đối thủ. Lòng trung thành của họ đối với Đảng đã trở thành sở đoản, còn đối với Stalin lại là phương tiện chủ yếu: "việc giải giáp hoàn toàn vũ khí" trước Đảng phải được khẳng định bằng những lời thú nhận tội lỗi kinh tởm nhất như phản bội, phá hoại, giết người. Hiện nay, người ta đã biết rằng các huấn luyện viên Liên Xô tại các phiên toà xét xử Slansky ở Tiệp Khắc và Rajk ở Hungaria, và có thể cả những vụ khác, đã chia sẻ kinh nghiệm cho đàn em ở các nước Đông Âu cả "kinh nghiệm tư tưởng" này. Tất nhiên, không thể làm việc này mà không có các phòng tra tấn và những tên đao phủ, giống như các phiên toà thời trung cổ xét xử những kẻ ngoại đạo và phù thuỷ, chỉ có phương tiện và lí do là mới mà thôi.
Stalin không tiêu diệt Đảng; ông ta chỉ cải tạo nó, "làm trong sạch nó" và biến nó thành công cụ của những điều kiện thực tiễn. Giống như viên đại pháp quan trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov, Stalin hiểu rằng muốn cứu thể chế, cứu chế độ Xô viết và các tổ chức cộng sản thì phải giết Chúa, nghĩa là giết tình đồng chí và làm cho Đảng không còn là tổ chức của những người bình đẳng, bình quyền nữa. Không chỉ bộ máy chính trị quan liêu mà hầu hết những người cộng sản toàn thế giới đã ngoan ngoãn đi theo ông ta vì hoàn cảnh đã buộc họ phải gắn kết sự tồn tại của mình với nhà nước Liên Xô, đồng nhất mình với nhà nước đó… Làm sao có thể giải thích khác được khi ta thấy những đầu óc thông tuệ như Toliatty hay những nhân vật anh hùng như Dimitrov không những "không nhận ra" sự lừa dối vụng về của Stalin mà còn nghiêng mình trước những vụ đàn áp tàn bạo của ông ta?
Các "chiến công" không chỉ nâng cao uy tín của Stalin mà chính ông ta cũng đã say men của nó: quyền lực, tư tưởng và Stalin đã hoà làm một… Dường như tinh thần tuyệt đối của Hegel, khi biến thành hiện thực, đã tìm được hai khuôn mặt của chính mình: duy vật - thần bí ở Stalin và thần bí - trực giác ở Hitler.