9.
Tác giả: Milovan Djilas
Mùa đông năm 1944-45, một phái đoàn chính phủ mở rộng gồm Andrija Hebrang, vừa được bổ sung vào Ban chấp hành trung ương và giữ chức Bộ trưởng công nghiệp, Airsa Oivanovic, Tổng tham mưu trưởng và vợ tôi lúc đó là Mitra lên đường sang Moskva. Mitra không chỉ nói cho tôi biết các tuyên bố của các nhà lãnh đạo Liên Xô mà còn có thể kể lại những nhận xét riêng tư của họ nữa; lúc đó, tôi đặc biệt nhạy cảm với những nhận xét như thế.
Cả phái đoàn cũng như từng thành viên của nó liên tục bị người ta quở trách vì tình hình cũng như quan điểm của từng nhà lãnh đạo Nam Tư. Các đại diện Liên Xô thường bắt đầu bằng các dữ kiện có thực rồi sau đó mới thổi phồng và khái quát hoá vấn đề. Tệ hại nhất là chính người lãnh đạo đoàn, ông Hebrang, đã liên hệ mật thiết với các đại diện Liên Xô, chuyển cho họ các báo cáo bằng văn bản và dùng những lời khiển trách của phía Liên Xô để phê phán các thành viên trong đoàn. Hebrang hành động như vậy có thể là do ông ta bất mãn vì bị mất chức bí thư Đảng cộng sản Croatia, mà có nhiều khả năng là do thái độ hèn nhát trong thời gian bị tù, chuyện đó sau này mới rõ, ông ta làm thế là để che giấu những khuyết điểm của mình.
Thời ấy, việc chuyển thông tin cho Đảng cộng sản Liên Xô không bị coi là tội nặng vì lúc đó, không người Nam Tư nào lại nghĩ Ban chấp hành trung ương của mình lại có mâu thuẫn với Ban chấp hành trung ương Liên Xô. Hơn nữa, chúng tôi cũng không giấu giếm Ban chấp hành trung ương Liên Xô tình hình trong Đảng cộng sản Nam Tư. Nhưng với Hebrang, bản chất của vụ này là một âm mưu nhằm chống lại Ban chấp hành trung ương Nam Tư. Không ai biết ông ta đã báo cáo những gì. Nhưng thái độ của Hebrang cũng như báo cáo của các thành viên trong đoàn đã cho phép ta kết luận mà không sợ lầm rằng ông ta đã báo cáo với Ban chấp hành trung ương Liên Xô để gây bất hoà với Ban chấp hành trung ương Nam Tư và buộc Ban chấp hành phải có những thay đổi về nhân sự theo ý ông ta.
Dĩ nhiên là mọi chuyện đều được biện hộ nhân danh nguyên tắc hoạt động và nguyên nhân chính là do những sai lầm cũng như yếu kém của chính người Nam Tư chúng ta. Lí do chủ yếu là: Hebrang cho rằng Nam Tư không cần xây dựng nền công nghiệp và kế hoạch kinh tế tách rời với Liên Xô, trong khi Ban chấp hành trung ương lại cho rằng cần hợp tác chặt chẽ với Liên Xô nhưng vẫn phải giữ vững nền độc lập.
Nhưng không nghi ngờ gì rằng chính Stalin đã đã đánh gục phái đoàn về mặt tinh thần. Ông ta mời cả đoàn vào Điện Kremli dự chiêu đãi và gây ra cảnh bi hài chỉ có thể thấy trong các vở kịch của Shakespeare.
Ông phê phán quân đội Nam Tư và phương pháp quản lí của nó. Nhưng ông chỉ trực tiếp công kích có một mình tôi mà thôi. Ông nói đến những mất mát và đau khổ mà Hồng quân đã phải trải qua, khi vượt hàng ngàn cây số trên những vùng đất đã bị tàn phá tan hoang. Nước mắt tuôn trào, ông gào lên:
"Thế mà đội quân ấy đã bị chính Djilas lăng mạ! Djilas, một người tôi ít ngờ nhất! Tôi đã tiếp đón ông ta rất thân tình! Ông ta đã lăng mạ đội quân mà vì các bạn, nó không hề tiếc xương máu của mình! Liệu nhà văn Djilas có biết thế nào là những đau khổ của con người, có biết thế nào là tình cảm của con người không? Chẳng lẽ ông ta không thể thông cảm với người chiến sĩ đã vượt hàng ngàn cây số qua máu, lửa và cả cái chết nếu anh ta có đùa cợt một chút với phụ nữ hoặc trót lấy một thứ không đáng giá nào đó?"
Lúc lúc ông lại nâng cốc chúc mừng, ông khen người này, đùa với người kia, trêu chọc người khác, còn hôn cả vợ tôi vì bà là người Serbia, rồi lại khóc vì những mất mát của Hồng quân và sự vô ơn của người Nam Tư nữa.
Ông nói ít hoặc gần như không nói gì đến Đảng, đến chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa Marx mà nói rất nhiều về người Slav, về nhân dân, về mối liên hệ giữa người Nga và người Slav miền Nam, rồi lại nói về chủ nghĩa anh hùng, về những hi sinh, mất mát của Hồng quân.
Tôi thật sự sửng sốt và choáng váng khi được nghe nói lại chuyện này.
Nhưng hôm nay, tôi có cảm tưởng rằng Stalin chọn tôi làm mục tiêu không phải vì tôi đã dám "công kích" Hồng quân mà chỉ vì ông muốn lôi kéo tôi mà thôi. Ông có ý nghĩ như thế vì đã nhận ra sự khâm phục chân thành của tôi đối với Liên Xô và chính ông nữa.
Ngay sau khi trở về Nam Tư lần trước, tôi đã viết một bài báo về cuộc gặp gỡ với Stalin mà chắc ông rất thích vì sau đó, một nhân viên đại diện Liên Xô đã khuyên tôi lần đăng sau nên bỏ chi tiết về đôi chân quá dài của Stalin và nhấn mạnh thêm quan hệ gần gũi giữa Stalin và Molotov. Nhưng đồng thời Stalin, vốn có khả năng nhận chân người khác một cách rất nhanh và đặc biệt khéo léo trong việc lợi dụng những điểm yếu của kẻ khác, phải hiểu rằng ông không thể lôi kéo tôi bằng việc thăng quan tiến chức vì tôi thờ ơ với chuyện đó, ông cũng không thể lôi kéo tôi bằng các biện pháp nhồi sọ về tư tưởng vì tôi coi Đảng cộng sản Liên Xô cũng không khác gì Đảng cộng sản Nam Tư. Ông chỉ có thể lợi dụng sự chân thành và lòng nhiệt tình của tôi, nghĩa là tác động tới tôi bằng con đường tình cảm. Ông đã làm đúng như thế.
Nhưng sự nhạy cảm và lòng chân thành của tôi đồng thời củng là mặt mạnh của tôi nữa, chúng có thể biến thành ngược lại nếu tôi gặp phải sự thiếu chân thành và bị đối xử bất công. Vì vậy, không bao giờ Stalin có ý định lôi kéo tôi một cách trực tiếp, còn tôi, khi đã nhận ra sự bất công và ý định bá quyền của phía Liên Xô, đã tự giải thoát khỏi tình cảm ủy mị vốn có của mình và càng trở nên cứng rắn hơn, cương quyết hơn.
Hôm nay, thật khó xác định đâu là kịch, đâu là sự đau khổ chân thành của vở diễn của Stalin ngày ấy. Cá nhân tôi có cảm tưởng rằng không thể nào phân biệt được, Stalin đóng kịch tự nhiên đến nỗi dường như chính ông ta cũng tin rằng những lời mình vừa thốt ra là chân thành và đúng đắn vậy. Ông ta nắm bắt rất nhanh đế tài thảo luận, thích nghi ngay với mỗi bước ngoặt, thậm chí với các thành viên mới.
Kết quả là phái đoàn trở về trong tâm trạng nặng nề, thất vọng.
Còn tôi, sau những giọt nước mắt của Stalin và sự "vô ơn" đối với Hồng quân, thì càng bị cô lập thêm. Nhưng cô đơn không làm tôi nản chí, viết và đọc nhiều hơn, tôi tự tìm thấy trong mình cách giải quyết các khó khăn mà mình đã trót mắc vào.