13.
Tác giả: Milovan Djilas
Chúng tôi về nước qua ngả Kiev và theo ước muốn chung, cả phía Liên Xô và phía chúng tôi, chúng tôi đã dành ba ngày để thăm chính phủ Ukraine.
Bí thư Đảng Bolshevik và Chủ tịch chính phủ Ukraine lúc đó là Nikita Khrushchev và Bộ trưởng ngoại giao là Manuilski. Họ đón tiếp chúng tôi và chúng tôi ở đấy ba ngày như dự tính.
Lúc đó, đấy là năm 1945, chiến tranh vẫn còn và có thể đề đạt một số nguyện vọng - Khrushchev và Manuilski hỏi: liệu Ukraine có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với các chế độ "dân chủ nhân dân" hay không?
Chuyện đó không đi đến đâu - chẳng bao lâu sau, chính Stalin cũng bị phản đối về vấn đề "dân chủ nhân dân" cho nên ông ta không thể nghĩ đến việc củng cố nền độc lập cho Ukraine. Còn ông già Manuilski, một kẻ đa ngôn, một Bộ trưởng không có bộ, tiếp tục nói đủ thứ chuyện nhảm nhí ở Liên hợp quốc thêm vài ba năm nữa rồi bất thình lình lặn mất tăm.
Khrushchev có một số phận hoàn toàn khác. Nhưng lúc đó, không ai có thể ngờ rằng nó lại diễn ra theo hướng ấy.
Ngay lúc đó, đúng hơn là từ năm 1938, ông ta đã nằm trong ban lãnh đạo tối cao, mặc dù người ta cho rằng ông không thân cận với Stalin bằng Molotov hay Malenkov và ngay cả Kaganovich. Trong ban lãnh đạo Liên Xô, ông được coi là người tháo vát, có nhiều tài năng trong lĩnh vực kinh tế và tổ chức nhưng về mặt viết lách và nói năng thì hoàn toàn không có tiếng tăm gì. Ông được đưa lên các chức vụ lãnh đạo Ukraine sau những chiến dịch thanh trừng hồi giữa những năm 30 nhưng ông đóng vai trò gì trong những vụ thanh trừng đó thì tôi không rõ, thực ra lúc đó, tôi không quan tâm tới vấn đề này. Nhưng cách đề bạt dưới thời Stalin thì ai cũng rõ: phải kiên quyết và khéo léo trong những chiến dịch thanh trừng chống "địa chủ" và "chống đảng". Đặc biệt là đối với Ukraine, ở đây, bên cạnh những tội lỗi chết người đó, còn có thêm tội "dân tộc chủ nghĩa" nữa.
Con đường hoạn lộ của Khrushchev, dù ông leo lên các chức vụ cao khi còn khá trẻ, không phải là bất thường trong hoàn cảnh Liên Xô lúc đó: ông đã học qua các trường, cả chính trị lẫn các loại trường khác và leo lên theo các nấc thang của đảng nhờ lòng trung thành, tài khéo léo và trí thông minh. Ông, cũng như đa số cán bộ lãnh đạo lúc đó, thuộc thế hệ mới, thế hệ sau cách mạng, thế hệ được đề bạt dưới thời Stalin. Nhưng khi Hồng quân buộc phải rút khỏi Ukraine, ông được đưa lên chức vụ khá cao và sau khi quân Đức rút đi thì ông mang quân hàm trung tướng và trở về nắm giữ các chức vụ cao nhất của Đảng và chính phủ tại đây.
Nghe nói Khrushchev không phải gốc Ukraine mà là gốc Nga. Nhưng người ta tránh đề tài này, chính ông cũng không nói bởi vì ở Ukraine mà người đứng đầu chính phủ lại không phải người Ukraine thì thật bất tiện! Ngay đối với chúng tôi, những người cộng sản, những người có thể biện hộ và giải thích tất cả những thứ có thể làm méo mó hình ảnh của chính chúng tôi cũng phải lấy làm ngạc nhiên là làm sao cái nước Ukraine với diện tích còn lớn hơn diện tích nước Pháp, với nền văn hoá, một số mặt, còn cao hơn Nga lại không có nổi một người đứng đầu chính phủ?
Nhưng người ta không thể giấu được chúng tôi rằng người Ukraine thường đào ngũ ngay khi quân Đức chiếm được quê hương họ, chẳng thế mà sau khi đuổi được quân Đức đi rồi, người ta đã động viên được hai triệu rưỡi thanh niên Ukraine tham gia Hồng quân. Các chiến dịch, tuy không lớn, chống lại các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine vẫn đang diễn ra, viên tướng tài năng người Nga là Vatutin(1) đã hi sinh trong một chiến dịch như thế. Cho rằng đấy là tàn dư của chủ nghĩa dân tộc, như người ta giải thích, là không hoàn toàn thuyết phục. Ta có thể hỏi: cái chủ nghĩa dân tộc ấy từ đâu ra nếu các dân tộc ở Liên Xô đều bình đẳng với nhau?
Chúng tôi cũng lấy làm băn khoăn và ngạc nhiên về cái sự Nga hoá đời sống xã hội đang diễn ra ở đây: trong nhà hát, người ta nói bằng tiếng Nga; một số tờ báo được in bằng tiếng Nga.
Nhưng chúng tôi không nghĩ đấy là lỗi của Khrushchev. Là một người cộng sản gương mẫu, ông chỉ có thể thực hiện những chỉ thị của Đảng, của Ban chấp hành trung ương và người thày, người lãnh tụ vĩ đại của mình là I. V. Stalin mà thôi.
Tất cả các nhà lãnh đạo Liên Xô đều là những người có đầu óc thực tiễn và trong giới của mình, họ còn tỏ ra giản dị nữa. Ở N. S. Khrushchev, cả hai đức tính ấy đều rất rõ nét.
Lúc đó, cũng như hiện nay, sau khi đọc kĩ những bài phát biểu của ông, tôi có cảm tưởng rằng kiến thức của ông không vượt ra ngoài nền văn học cổ điển Nga, còn lí luận của ông cũng không vượt ra ngoài trình độ của các trường đảng trung cấp. Nhưng ngoài khối lượng kiến thức hời hợt, tiếp thu được trong những khoá học khác nhau đó, điều quan trọng là những hiểu biết mà ông có được do tự học, trong một quá trình tự rèn luyện không mệt mỏi, và nhất là do kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Thật khó xác định số lượng và tính chất của khối kiến thức đó vì ta sẽ phải ngạc nhiên khi thấy ông hiểu sâu sắc nhiều chuyện nhưng ông lại không biết nhiều chân lí tối thiểu. Trí nhớ của ông phải nói là vô địch, cách trình bày sống động và đầy hình ảnh.
So với những người lãnh đạo Liên Xô khác, ông thuộc loại lợi khẩu và mặc dù ông cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác lúc đó rất hay sử dụng thành ngữ, tục ngữ - đấy cũng là cách chứng tỏ mối liên hệ với nhân dân - nhưng ở ông, nó không có vẻ giả dối như những người khác vì thái độ và câu chuyên tự nhiên, giản dị của ông.
Khrushchev có khả năng kể chuyện khôi hài. Nhưng khác với Stalin, chuyện khôi hài của Stalin mang dáng vẻ trí thức nên vụng về và trắng trợn, chuyện khôi hài của Khrushchev là những chuyện bình dân cho nên thường thô lỗ, nhưng lại sống động hơn và thấm lâu. Khi đã đứng ở đỉnh cao quyền lực và được toàn thế giới dõi theo, ông phải chú ý đến cử chỉ và cách nói năng của mình nhưng về cơ bản là không thay đổi và không khó nhận ra rằng người đứng đầu nhà nước Xô viết có xuất thân từ quần chúng lao động. Cũng phải nói thêm, khác với những lãnh tụ cộng sản khác, ông không phải là kẻ tự học và học không đến nơi, ông không cần che giấu sự vô học và khiếm khuyết của mình bằng sự phô trương hào nhoáng bên ngoài. Ta thấy ông nói rất nhiều chuyện tầm thường, điều đó chỉ chứng tỏ sự thiếu hụt kiến thức hoặc là ông đã thuộc lòng các công thức mác-xít nhưng ông trình bày một cách giản dị và thuyết phục. Ngôn ngữ và phương pháp nói chuyện của ông phù hợp với đám đông thính giả hơn là Stalin.
Trong bộ tướng phục không còn mới và không bao giờ là, ông là lãnh tụ Xô viết duy nhất hiểu và tham gia giải quyết cả những điều nhỏ nhặt, tham gia giải quyết các công việc thường nhật của các đảng viên thường và quần chúng lao động nói chung. Dĩ nhiên, ông làm thế không phải để phá hoại mà ngược lại để củng cố, để hoàn thiện chế độ hiện hành. Nhưng ông tìm hiểu và uốn nắn, trong khi những người khác đưa ra chỉ thị từ các văn phòng nơi họ đọc báo cáo.
Không có nhà lãnh đạo Liên Xô nào đi về các nông trang và nếu có đi thì chỉ để uống và để tuyên truyền mà thôi. Khrushchev đi với chúng tôi về nông trang, ông tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống nông trang. Lần ấy, ông đã cụng li, những chiếc li vodka to đùng, với các nông trang viên. Ông xem vườn ươm rồi ghé vào trại lợn và thảo luận với dân chúng những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Trên đường về Kiev, thỉnh thoảng ông lại quay về với câu chuyện còn bỏ dở và nói công khai về những nhược điểm còn tồn tại ở đấy.
Khả năng tuyệt vời trong việc nắm những vấn đề thực tiễn ở tầm vĩ mô của ông đã được chúng tôi cảm nhận trong cuộc họp với các cán bộ phụ trách kinh tế trong chính phủ Ukraine - các bộ trưởng của ông, khác với các đồng cấp Nam Tư, nắm vững các vấn đề và quan trọng hơn, họ đánh giá tình hình một cách thực tế hơn chúng tôi.
Khrushchev thuộc loại người tầm thước, béo tốt phương phi nhưng hoạt bát, nhanh nhẹn, có cảm giác như được tạc ra từ một tảng đá vậy. Ông tu một lúc rất nhiều nước, cứ như thể cần phải bảo vệ cái hàm giả làm bằng thép. Trong khi Stalin và những cộng sự thích nhậu nhẹt, nếu không nói rằng họ là những người sùng bái ăn nhậu, thì theo tôi Khrushchev tỏ ra bàng quan với đồ ăn; cũng như bất kì người bận việc nào, điều quan trọng đối với ông là chỉ cần được ăn no, thế thôi. Dĩ nhiên là ông có điều kiện để làm như thế. Bàn tiệc của ông cũng ê hề nhưng thiếu cá tính. Khrushchev không phải là người ưa nhậu nhẹt, mặc dù ông ăn không kém gì Stalin, uống còn nhiều hơn.
Khrushchev là người năng động và giống như tất cả những người hoạt động trong thực tiễn, ông rất nhạy bén trong việc thích ứng với hoàn cảnh. Tôi nghĩ rằng ông sẽ không chần chừ trong việc lựa chọn phương tiện nếu phương tiện đó có ích cho ông trong thực tế. Nhưng giống như tất cả những kẻ mị dân xuất thân từ quần chúng, những kẻ thường chẳng mấy chốc đã tin ngay vào những điều mình nói, ông cũng dễ dàng từ bỏ ngay các phương pháp không còn có ích và sẵn sàng biện hộ rằng đấy là do các nguyên tắc đạo đức và lí tưởng cao cả. Ông thích câu tục ngữ: "Người ta không chọn gậy khi lâm trận". Câu ngạn ngữ này biện hộ cho ông khi ông dùng gậy ngay cả trong trường hợp chẳng có đánh nhau gì hết.
Tất cả những điều tôi trình bày ở đây không phải là những điều cần nói về Khrushchev hôm nay. Tôi chỉ xin ghi lại những cảm nghĩ cũ của mình và chỉ đụng đến phần nào những suy tư của ngày hôm nay mà thôi.
Lúc đó, tôi không thấy Khrushchev có ý trách móc Stalin hay Molotov gì cả. Ông tỏ ra kính trọng và nhấn mạnh rằng mình thuộc trong số những người thân cận với Stalin. Ông còn kể rằng ngay trước ngày quân Đức tấn công, Stalin đã gọi cho ông từ Moskva rằng phải thận trọng vì có tin rằng ngày mai, 22 tháng 6, quân Đức sẽ bắt đầu chiến dịch. Tôi nói điều này chỉ như một sự kiện chứ không phải để bác bỏ lời của Khrushchev rằng bị bất ngờ khi quân Đức tấn công là do lỗi của Stalin. Sự bất ngờ này là hậu quả của những tính toán chính trị sai lầm của Stalin.
Nhưng dù sao, Kiev cũng để lại ấn tượng tươi mát, đấy là tinh thần thực tế và kiềm chế của Khrushchev, lòng nhiệt tình của Manuilski, vẻ đẹp của chính thành phố, một thành trải rộng ngút tầm mắt và hắt bóng xuống dòng sông rộng lớn tựa như Belgrad vậy.
Nhưng nếu Khrushchev tạo cho ta cảm giác tự tin, cứng rắn và thực tế, còn Kiev là một thành phố đẹp, có văn hoá và được xây dựng hài hoà thì Ukraine chỉ còn lại trong trí nhớ như là một cái gì đó thiếu cá tính, mệt mỏi và thiếu sinh khí.
Càng đi sâu vào hiện thực của đời sống Xô viết, mối nghi ngờ của tôi chỉ càng tăng thêm. Càng ngày tôi càng thấy lương tâm của mình thật khó dung hoà với cái hiện thực đó.
Chú thích:
(1) Vatutin hi sinh ngày 29 tháng 2 năm 1945 (trích theo cuốn Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Moskva 1970, trang 273 – chú thích của bản tiếng Nga)