Milovan Djilas
Lời nói đầu của tác giả:
Tác giả: Milovan Djilas
T rí óc con người ta thường tự xoá đi những cái vô ích, chỉ giữ lại những điều cần thiết nhất cho những mối quan hệ về sau. Nhưng đây cũng chính là thiếu sót của nó. Trí óc luôn luôn thiên vị, nó luôn luôn cải biến hiện thực đã qua cho phù hợp với nhu cầu của hiện tại và hi vọng của tương lai.
Biết rõ những điều đó, cho nên, trong tập sách này, tôi cố gắng trình bày các sự kiện một cách trung thực nhất. Mặc dù vậy, cuốn sách có thể vẫn không thoát khỏi những quan điểm của tôi ngày hôm nay, nhưng đấy không phải là tôi cố ý hay thiên vị mà là do bản chất của đầu óc con người ta như đã trình bày ở trên, mà cũng có thể là do người ta thường có xu hướng xem xét những cuộc gặp gỡ hay sự kiện trong quá khứ bằng kinh nghiệm của hiện tại.
Gần như tất cả những điều được trình bày ở đây cũng đã được nói tới trong các cuốn hồi kí hay cácơ thể loại văn học khác của tôi rồi. Nhưng sự kiện sẽ càng nổi bật và rõ ràng hơn nếu nó được mô tả một cách kĩ lưỡng và được xem xét từ nhiều quan điểm khác nhau, cho nên tôi nghĩ rằng những điều tôi viết ở đây không phải là thừa. Tôi cho rằng con người và các mối quan hệ của họ quan trọng hơn các sự kiện trần trụi, và vì vậy mà được tôi chú ý nhiều hơn. Một đôi chỗ có thể gọi là cố tình trau chuốt cho có văn vẻ, nhưng đấy không chỉ là cách diễn đạt của tôi mà còn là ước muốn trình bày vấn đề cho thật hay, cho thật rõ ràng và sáng sủa.
Trong quá trình viết hồi kí, khoảng năm 1955 hay 1956, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ ghi chép những cuộc nói chuyện với Stalin thành một cuốn sách riêng, trước khi viết xong hồi kí. Chẳng bao lâu sau, tôi bị bắt giam; trong tù, dĩ nhiên, tôi không thể tiếp tục được vì tuy nó liên quan đến quá khứ nhưng nhất định sẽ động chạm với những mối quan hệ chính trị hiện nay.
Chỉ sau khi ra tù, tháng 1 năm 1961, tôi mới có điều kiện quay trở lại với dự định cũ. Dĩ nhiên là lần này do điều kiện đã thay đổi cũng như diễn biến tư tưởng của cá nhân, tôi phải tiếp cận vấn đề theo cách khác. Tôi chú ý đến khía cạnh tâm lí, khía cạnh nhân văn của vấn đề nhiều hơn. Và thêm: mặc dù trong nhiều vấn đề, chúng ta từ bỏ cách làm của Stalin nhưng người ta vẫn tiếp tục viết những điều mâu thuẫn nhau về ông ta đến nỗi con người này còn như rất sống động; tôi cho rằng mình cần, dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, đóng góp thêm ý kiến về con người bí hiểm đó.
Nhưng trước hết là nhu cầu nội tâm được viết ra tất cả những điều có ích cho người làm sử và đặc biệt là cho các chiến sĩ đấu tranh cho cuộc sống tự do của con người.
Dù sao, bạn đọc và tôi, chúng ta cần phải hài lòng nếu sự thật không bị xuyên tạc dù nó đã khoác lên mình tình cảm và ý nghĩ của tôi. Cần phải chấp nhận rằng sự thật về những con người và quan hệ giữa con người với nhau, dù đã được trình bày đầy đủ đến mức nào, thì đấy vẫn là sự thật của những con người cụ thể, con người của thời đại mình.