Chương kết
Tác giả: Minh Hương
Cầm quyết định tạm tha trong tay Như Thanh ra ngoài mà lòng vẫn rối rắm suy nghĩ. Nàng vừa mừng vì sẽ đưọc gặp con trai nhưng lại có một điều thắc mắc cần làm rõ.
Lúc vừa đứng lên viên sĩ quan trẻ nói thêm với nàng :
− Thủ tục sẽ không được hoàn thành sớm hơn nếu chúng tôi không sớm xét đề nghị của bà Quý và anh Nguyên.
Khi ấy Thanh ngạc nhiên hỏi :
− Anh nói là bà Quý và anh Nguyên nào, họ đề nghị gì cho tôi ?.
− Tất nhiên , họ không biết rõ tội trạng của chị mà chỉ xin sớm cứu xét trường hợp này để chị sớm được đoàn tựu với con tức là bé Bảy. Thằng bé ấy cũng đã giúp chúng tôi.
Thanh thầm cảm ơn hai người nhưng hơi thắc mắc về sự trùng tên của họ. Thế là nàng hỏi :
− Xin lỗi, anh làm ơn cho tôi biết anh Nguyên và bà Quý là ai mà biết tôi và họ có quan hệ với nhau như thế nào ?
− Ồ, chị không biết sao - Thấy cặp mắt to thành thật của Thanh, viên sĩ quan giải thích – Cái nhà mà Năm Râu gởi hàng là nhà của bà Quý và Nguyên là cháu ruột gọi bà ta bằng cô.
Thanh nghe một luồng hơi lạnh chạy khắp chân thân. Nàng vịn vào chiếc ghế dựa mặt biến sắc. Chẳng lẽ… thôi đúng rồi mình đã thấy chiếc xích đu gãy trong vườn, trông nó rất quen.
Viên sĩ quan nhìn nàng lạ lùng, Thanh cũng thấy lưỡi mình hơi quýu lại :
− Anh làm ơn cho tôi biết họ và tên lót của bà Quý và anh Nguyên.
Tiến lại bàn giấy, viên sĩ quan lục lọi một lúc và trở lại đối diện với nàng nói ngắn gọn :
− Vũ Như Quý và Vũ Hoài Nguyên.
Thanh ôm lấy mặt và ngồi phịch xuống ghế. Ôi, ai xui khiến cho nàng gặp lại cô và em trai trong hoàn cảnh này. Nó là Nguyên đấy ư ? Đứa em mà nàng dành cả tình thương bây giờ trưởng thành như vậy đó. Thanh cố lục lọi trong trí nhớ người thanh niên cao lớn đẹp trai mà khi nàng thông báo còn một người con gái bị trói ở phòng kho, cậu ta đã chạy như bay trở lai. Ôi, suýt chút nữa thì không biết sự việc sẽ như thế nào.
Thanh đứng dậy sau một lúc định thần và giải thích trước cái nhìn thắc mắc của viên sĩ quan :
− Có lẽ họ là người quen của tôi từ thuở nhỏ. Cảm ơn anh rát nhiều và xin phép chào anh !
Tìm đến nơi ở của bé Bảy, Thanh không thâý nó đâu cả. Nàng đứng tần ngần ngoài cửa sổ nhìn vào. Mấy bộ đồ cũ mèm vắt võng trên đầu giường, vài chiếc gối mền đưọc gấp một cách cẩu thả. Một xô nước để trên bàn với vài cái ca nhựa. Vỏn vẹn chỉ có thế. Con của nàng đã tự lập bằng những cái như thế này. Còn nàng, nàng đã sống một cuộc đời vương giả thế đó. Thật khốn nạn cho ta, hỡi người mẹ vô lương tâm.
Thanh tự nguyền rửa mình và thật ra nàng vẫn nhớ, một năm sau Thanh đã đi gần cả ngày trời trong cái xóm nghèo ấy để hỏi tên người đàn bà mà nàng đã trao đứa con. Có người biết, có người không biết. Nàng đã lần theo chỉ dẩn của họ và kiếm tìm một cách vô vọng.
− Bà tìm ai vậy ?
Một đứa con gái nhỏ nhắn độ 12 -13 tuổi đang cầm trên tay một bó rau dền và một miếng khô nhỏ ngạc nhiên hỏi bà :
− À, chào cháu, cô muốn gặp bé Bảy
Con bé réo lên
− Cô gặp anh Bảy hả ? Nhưng cô là gì của ảnh ?
Thanh cười dịu dằng :
− Cô là mẹ của nó !
Giọng con bé lanh lảnh :
− A, cô là mẹ ảnh, anh Bảy ơi anh Bảy – Con bé chạy bay đi miệng vẫn gọi to – anh Bảy ơi mẹ anh về nè.
Chừng 5 phút sau bé Bảy chạy về, nó cười toe toét miệng, nắm chặt lấy tay mẹ nó :
− Mẹ về hồi nào vậy, người ta thả mẹ luôn hả ?
− Ừ, con đang đi bán vé số đó hả ?
− Dạ !
Thanh khoát vai con trai :
− Con vào nhà chuẩn bị mẹ dẫn con đi mua vài bộ đồ rồi mình sẽ đến nhà bà Quý
Bé Bảy khoe
− Mẹ ơi, chị Thảo cho con mấy cái aó đẹp lắm, con còn để dành. Hôm nay con sẽ lấy ra mặc mẹ khỏi tốn tiền mua.
− Thế thì hôm nào mẹ con mình đi sắm sửa cũng được.
Hai mẹ con Thanh đến nhà bà Quý khoảng chín giờ sáng.Thanh không quên lấy chiếc hộp nhỏ bỏ vào túi da, trong đó có những bằng chứng nói về nguồn gốc của nàng.
Hôm ấy Nguyên thấy mình vừa khoẻ. Chàng đang ngồi trò chuyện với cô Quý và Thảo.
Thảo là người đầu tiên nhận ra bé Bảy đến với người đàn bà :
− Ủa hình như bà ấy là mẹ của bé Bảy hở anh Nguyên ?
Nguyên cùng bà Quý nghiêng đầu nhìn ra chàng mỉm cười nói với cô :
− Chắc họ đã cứu xét đơn của cô cháu mình
Theo lời mời của Thảo, Thanh rụt rè bước vào nhà. Trái tim người thiếu phụ đập liên hồi.
Sau vài lời thăm hỏi xả giao, Thanh vào đề :
− Thưa bà, trước nhất con đến đây để xin cảm ơn bà và cậu Nguyên đây đã xin cho con sớm đươc đoàn tụ với con trai, con cũng cảm ơn gia đình đã hết lòng thương và giúp đỡ cho bé Bảy trong thời gian nó sống côi cút. Và điều thứ hai rất quan trọng tới đời con…
Thanh chợt ngừng lời nghẹn ngào.
- Con muốn hỏi có đúng cô là cô ruột của con và Nguyên là em ruột của con không.
Nói xong Thanh khóc mướt trong khi bà Quý và Nguyên sững sờ nhìn người thiếu phụ :
− Vì sao chị lại nghĩ là có quan hệ ruột rà với chúng tôi ?
Thảo nhìn Nguyên lo ngại câu hỏi nàycó thể làm người thiếu phụ tự ái. Thanh lau nước mắt :
− Khi đọc quyết định tạm tha, anh công an có cho tôi biết cô Quý và Nguyên đã gởi đơn xin cứu xét trường hợp của tôi. Hơn nữa vì không có dính líu gì vào vụ buôn bán này nên tôi được về sớm. Lúc ấy nghe tên quen quá, tôi mới hỏi họ và tên lót. Ngày xưa, quê nội tôi ở Cổ Cò, nếu đúng như vậy thì…
Cô Quý ngắt lời, giọng cô tình cảm :
− Con nói cho cô biết về trường hợp của mình đi. Vì sao con lại lưu lạc ?
Cảm thấy như chuyện hệ trọng Thảo ngồi sát lại bên Nguyên, chàng choàng tay qua vai nàng như muốn tìm sự chia sẽ trong buổi sáng đặt biệt này. Bé Bảy cũng thế, nó nép vào mẹ ngơ ngác nhìn hết người nọ đến người kia.
− Ba mẹ con chết cháy trong một trận hỏa hoạn do chiến tranh gây ra. Ba con là Vũ Hoài An và mẹ là Trần Thị Loan. Hai chị em tụi con được nội đem về nuôi, lúc ấy nội sống với chú thím là Vũ Hoài Khoa. Chú con thì thương tụi con lắm nhưng ông cứ đi hoài, mọi việc to nhỏ trong nhà toàn bộ do quyết định của thím. Bà ấy xem tụi con như tội báo oan gia và lén lút đánh đập tụi con khổ lắm nhưng không dám nói với ai vì có lần tới tai nội, bà ấy đã bỏ đói con và mắng chửi suốt ngày. Đến khi nội mất, bà ấy càng tự do hành hung tụi con. Lúc ấy con mười bảy tuổi, thằng Nguyên mười hai tuổi. Thím bảo chú rời bỏ cổ Cò lên sống ở một ngôi nhà khác nội đã mua sẳn để cho cô Quý học.Lúc đó không hiểu sao khi cả nhà lên thành phố thì cô Quý đã mướn nhà khác, chú Khoa bảo cô Quý cần nơi yên tĩnh để làm việc và học hành. Lúc đó, Nguyên còn đi học nhưng thím bảo với chú là ở nhà không có ai trông, em con phải nghĩ học. Thế là con năn nĩ hết nước mắt mà không được. Thế là một hôm thím dẩn một người đàn ông lớn tuổi vào nhà và thì thầm gì đó, con nghe có nhắc đến tên con. Ông ấy đến nhà nhiều lần và bao giờ cũng đến lúc không có chú ở nhà. Một hôm thím gọi con vào và bảo tiếp chuyện với ông ấy. Khi thím vừa quay lưng thì gã kia lại định làm chuyện xấu với con. Lúc đó con vừa khóc vừa hét và chạy ra ngoài. Tối đó, thím gọi con lên và mắng nhiếc thậm tệ. bà bảo con phải ưng làm vợ ông ấy. Không có cách nào khác, con đành tìm chú và kể lại cho chú nghe. Nhưng không hiểu bà ấy nói sao với chú, mà chú lại nhìn con cười và bảo rằng trước khi thành vợ thành chồng thì phải có thời gian tìm hiểu, trò chuyện hoặc đi du lịch với nhau. Nhưng con hiểu rằng người đàn ông khi gặp con thì luôn có cái nhìn rất lạ, như muốn ăn tươi nuốt sống con dù hắn luôn miệng cười. Vài lần gặp lại như vậy, hắn tìm cách ôm con và định làm chuyện xấu, con đã tìm cách bỏ trốn mà không được. Có một lần con giả vờ uống thuốc ngủ. Thật ra con có uống nhưng liều lượng không đáng kể chủ yếu là để bày tỏ sự phản kháng của mình. Vậy mà thím vẫn không thương bà đã tức giận và đồng ý nhận lời cầu hôn của một thanh niên mắc bệnh đần độn nhưng giàu có.
− Lúc ấy dù thương thằng Nguyên rất nhiều nhưng con vẫn đành đứt ruột bỏ di. Con định trốn đi một thời gian rồi sẽ trở về nhưng không ngờ con không thể trở về đưọc. Con sống lưu lạc và có thai với một người đàn ông, sinh ra bé Bảy. Con xấu hổ quá. Mãi đến mấy năm sau con có tìm lại nhà, nhưng không nhớ ở khu nào vì khi xưa chuyển lên đây được vài tháng thì con trốn đi ngay. Hôm đến nhà này, con cứ nhìn hoài chiếc xích đu gãy. Hình như trước đây nó được đặt ở trước nhà.
Hai dòng nước mắt trên má bà Quý chảy xuống từ nãy giờ, tuy nhiên bà vẫn cố gắng bình tiĩnh hỏi :
− Con có còn kỷ vật gì về gia đình của con không ?
Thanh vừa sụt sùi vừa lấy chiếc hộp nhỏ ra :
− Dạ có, con giữ kỷ những tấm ảnh này mười mấy năm nay.
Bà Quý, Nguyên và Thảo cùng xem những tấm ảnh của gia đình. Một tấm chụp cả gia đình Thanh gồm ông An, bà Loan, Thanh và Nguyên. Một tấm chụp hai chị em Nguyên trước sân ngôi nhà ở Cổ Cò lúc ấy cả hai còn nhỏ xiú. Thanh đang cầm trên tay một nhánh trúc và Nguyên thì đang nheo mắt lại. Một tấm nữa là hình cưới của chú An gồm cô dâu chú rễ, ông An, bà Loan và cô Quý. Tất cả những tấm ảnh đó đã ố vàng. Thanh chỉ đúng từng tên đúng mặt từng người.
Cuối cùng Thanh rút tờ giấy chứng minh nhân dân ra giọng nàng buồn buồn :
− Con biết phận con là đứa con gái chẳng ra gì, con chẳng dám mong cô và Nguyên tha thứ cho con nếu thật sự cô đúng là cô ruột và Nguyên đúng là em ruột của con. Con chỉ muốn cho con trai con đở tủi thân rằng, nó cũng có gia đình bà con họ hàng. Vì vậy khi nghe con kể nảy giờ nếu cô có một đứa cháu gái lưu lạc đúng như vậy thì nói cho con biết, sau đó mẹ con con sẽ ra đi khỏi nơi này không dám làm phiền ai.
Bây giờ cô Quý mới bật lên thành tiếng khóc, Thanh và bé Bảy cũng òa lên cả Thảo cũng vậy, nàng không cầm lòng được trong phút giây này.
Nguyên bất giác kéo Thảo sát vào mình và nói với Thanh giọng chàng bùi ngùi :
− Chị Thanh, em và cô Quý đã tìm chị bao nhiêu năm trời. Bây giờ sự thật đã rõ ràng chị còn định đi đâu nữa ?
Cô Quý đứng dậy và bước lại phía Thanh hai tay bà giơ ra phía trưóc, nước mắt bà chảy dài trên hai gò má :
− Thanh con, con !
Thanh buông bé Bảy ra chạy ào tời gụt vào vai bà.
Bé Bảy cười mà nước mắt ràn rụa. Thảo bước đến ôm vai thằng bé và nói thầm vào tai nó :
− Bé Bảy ơi, đã có ông Bụt thật trên đời này rồi.
Nó sung sướng gục đầu trên vai Thảo :
− Chị Thảo ơi , em mừng quá !
Chiều hôm đó cả nhà tổ chức một buổi tiệc nhỏ có đông đủ. Cả bạn bè Phi, Khanh, Huy Thắng, Phong Lan, Quang, Nga, chị Phương. tất cả đều vui vẻ chúc mừng Nguyên tìm được chị.
Khi mọi người đã ra về, Thảo lại lần ra khu vườn hoang, nàng đã quen cách gọi nó như thế. Mấy hôm nay, cô Quý đ ã cho người nhổ cỏ dọn dẹp đươc một đoạn.
Riêng khóm hoa dại bao quanh chiếc ghế đá là chưa đụng tới. Thảo tìm đến nơi đó ngồi vì biết đâu ngày mai sẽ chẳng còn chúng nữa. Cũng như nàng biết đâu ngày mai nàng lại sửa soạn về ở tại cơ quan. Ngôi nhà này bây giờ đã đủ chổ rồi.
Thảo bó gối nhìn trời và nghĩ ngợi mông lung không hay Nguyên đã đến ngồi ở sau lưng nàng. Chàng lên tiếng khi nghe tiếng thở dài của nàng .
− Sao thở dài vậy nhỏ ?
Thảo quay lại mỉm cười và nhỏ nhẹ nói với Nguyên :
− Anh Nguyên à, có lẽ em nên đến bệnh viện ở.
Nguyên ngạc nhiên :
− Tại sao em lại nghĩ vậy, có ai làm cho em buồn không ?
− Dạ không, ai cũng tốt và thương em hết. nhưng… em ngại lắm anh à, trước đây cô Quý có một mình nên em ở cho vui. Bây giờ có chị Thanh, và bé Bảy, em đi là phải.
− Không anh không muốn như thế. Anh có nhu cầu cần trông thấy em mỗi ngày
Thảo cố gằng thuyết phục :
− Anh cũng phải nghĩ đến em nữa chứ, người ngoài sẽ cười em khi thấy em và anh ở chung nhà.
Nguyên dũi hai chân thẳng ra hai tay khoanh trước ngực :
− Vậy sao mấy tháng nay em chịu đựng được điều đó. Nếu em ngại thì anh sẽ đến cửa hàng ngủ, chỉ ăn cơm ở nhà thôi. Nguyên dịu giọng - Thảo à, em chưa nghĩ đến nơi đến chốn đó thôi, khi em rời khỏi nhà này ra đi, người ta sẽ bảo với nhau rằng chị em nó xích mích hay có chuyện gì đó xảy ra. Khi ấy không tốt cho anh và cả cho em. Suy nghĩ lại đi em.
− Nhưng.. ;
− Không nhưng nhị gì hết, em đòi bỏ đi cô Quý sẽ mắng cho một trận. Hôm qua cô đã bảo anh kêu thợ xây một căn nhà riêng cho chị Thanh ở khu vườn này nè.
Nguyên xoa đầu Thảo khi thấy ánh mắt bán tính bán nghi của nàng.
− Đừng nghĩ ngợi gì nữa cô nhỏ của tôi ơi. Cô Quý và anh đã quen có em ở đây rồi.
− Anh Nguyên à, anh thương em nên nói như vậy, chứ còn em, em phải suy nghĩ chứ.
− Thôi được rồi em và anh sẽ đến hỏi ý cô Quý ngay bây giờ.
Thảo và Nguyên cùng nắm tay nhau vào nhà, nghe chuyện cô Quý rầy
− Thảo à, con đừng nghĩ như vậy. trước đây ơn của ba mẹ con đối với cô, cô còn chưa đáp được, cô áy náy lắm. Bây giờ nếu con bỏ đi chắc cô buồn không chịu nổi đâu. Nếu con còn nghĩ đến cô thì con nên ở lại.
Khi bà Quý đi rồi, Nguyên khều vai Thảo trêu
− Thấy chưa, anh nói có sai đâu, bỏ cô Quý rầy quê thật là quê.
Thảo quay mặt nơi khác dẫu môi giận dỗi. Nguyên xoay mặt nàng về phía mình rồi nói :
− Nhìn anh chút coi ! Lêu lêu mắc cỡ.
Thảo không nhịn cười, Nguyên chỉ chờ có vậy, chàng thì thầm :
− Anh.. chịu không nỗi nữa đâu.
− Về chuyện gì ạ ? Thảo hỏi
− Chuyện… anh và em chung nhà mà phòng ai nấy ở, giường ai nấy nằm.
Thảo thẹn thùng
− Anh nói gì đâu không hà.
− Lại « gì đâu » nữa, anh nói thiệt đó. Tuần sau, anh và cô Quý, chị Thanh sẽ đến nhà em. Cô Quý biết nhà mà , không có em đi cũng được.
− Nhưng mà em không chịu đâu.
Nguyên ngớ ra :
− Vậy. … là sao ?
Mặt Thảo đỏ bừng :
− Hổng có sao hết, tự dưng đòi đến nhà, ba mẹ em sẽ cười và mấy đứa em em nó chọc quê anh cho mà xem.
− Chỉ có thế thôi à ? Vậy thì có gì ghê gớm đâu. Anh bất chấp tất cả và sẽ tới nhà em bằng đưọc. Chỉ tháng sau em sẽ là cô dâu của anh – Nguyên vừa nói vừa thú vị ngắm vẻ thẹn thùng của người yêu.
Thảo định lén vào trong nhà nhưng Nguyên chận lại. Chàng nhìn sâu vào mắt nàng nói :
− Em như bờ cát và anh như cơn sóng của đại dương, muốn hôn hoài, hôn mãi.
Thảo úp mặt vào ngực chàng và thầm nghĩ. - - Có phải tất cả những người đang yêu đều thích văn hoa ngộ nghĩnh như Nguyên của nàng hay chăng ?
Nguyên xoa nhẹ vào lưng nàng. Thảo nhận ra còn có tiếng gì khác nữa ở ngoài vang lên cùng với nhịp đập êm đềm của hai quả tim. Thảo nhìn ra và gọi khẽ Nguyên.
Những hạt mưa lâm râm đang rơi ngoài khung cửa sổ.
Ôi cơn mưa cuối mùa. Đúng là cơn mưa cuối mùa, nó dịu dàng làm sao !
Hết