Phần thứ ba mươi mốt
Tác giả: Miyamoto Musashi
Lại nói về Sahei chủ nhân của quán trọ Minoya trong thành Tsuyama.
- Này quản gia, này Genpachi.
- Hả.
- Đã đóng cổng được rồi đấy.
- Nhưng mà còn một người khách ra ngoài chưa trở về mà.
- Ai thế ?
- Là vị võ gia lúc chiều.
- A người đó không về đâu.
- Chắc là sắp trở về thôi.
- Cái gì mà sắp chứ, giờ này chắc là chết rồi.
- Chết rồi ư.... nghĩa là sao ?
- Là sao là làm sao ? Ngươi chẳng chịu suy nghĩ gì cả. Ngươi xem khắp trong thành này có ai ra khỏi nhà lúc chiều tối không ? Thế mà hắn lại cả gan ra đường vào giờ này, lại còn nói là đến rặng cây tùng thối trị Thiên Cẩu nữa.
- Thế thì nguy thật rồi. Nếu như bị ngài Thiên Cẩu xé xác và người ta biết được người này đã trọ ở quán Minoya thì chúng ta không tránh khỏi liên lụy. Sao ông chủ không cản lại ?
- Này Genpachi, đừng có lớn tiếng chứ. Ta đã hết lời can ngăn nhưng nào có được. Mà chẳng sao, có liên lụy gì cũng có thiệt đâu nào. Hắn nói nếu có mệnh hệ nào thì nhờ ta lo ma chay và để lại năm mươi lượng đây này.
- Hả, thế sao. Chà đúng là người mất trí. Mà ông chủ, thế này thì tôi không thể nào im được...
- Cái gì ?
- Cái gì là sao, ngài được năm mươi lượng thì tuy chẳng lớn gì nhưng cũng chia cho tôi hai mươi lượng chứ.
- Đừng có nói đần. Ngươi lúc nào cũng là đứa tham lam. Hai mươi lượng ở đâu mà cho ngươi chứ. Nhưng thôi cũng đã nói chuyện này với ngươi rồi, năm lượng vậy.
- Ngài đừng có nói đùa. Thế ai đã mời gã đó vào đây trọ ? Nếu như không có tôi mời vào thì ngài làm gì có năm mươi lượng. Hãy cho tôi hai mươi lượng.
- Làm gì có. Năm lượng thôi.
- Không, hai mươi lượng. Nếu không cho thì thôi, cũng được. Rồi ngày mai khắp thành Tsuyama này thiên hạ sẽ biết rằng đêm qua chủ quán trọ Minoya này làm thế này, thế này mà có được năm mươi lượng.
- Này, này ngươi định làm thế thật sao?
- Làm thế thật. Hai mươi lượng hay là để thiên hạ biết chuyện?
- Chà,chà. Thôi được, này thì hai mươi lượng.
- Đa tạ, đa tạ. Ông chủ đúng là người rộng lượng. Để tôi ra ngoài đóng cổng đã.
- Ừ, đóng ngay đi, đóng ngay đi.
Genpachi ra ngoài đóng cổng rồi trở vô, hai thầy tớ cùng trò chuyện bỗng dưng có tiếng đập rầm rầm ngoài cổng.
- Này Genpachi, hình như có ai đang gọi cổng.
- Thế à, giờ này làm gì có khách nhỉ.
Rầm rầm, rầm rầm. Bên ngoài vang lên tiếng gọi
- Này này Minoya, mở cổng nhanh lên. Làm gì mà đóng sớm thế.
- Nguy to, nguy to rồi ông chủ. Vị võ gia lúc chiều đã trở về.
- Sao, gã Samurai....
- Này này, mở cổng nhanh lên. Ta về rồi đây.
- Á, đúng là gã đó.
- Mà thưa ông chủ, giờ này mà trở về thì đúng là lạ lùng. Bỗng chốc năm mươi lượng lại biến mất như có ma vậy.
- Này này, sao không mở cổng hả !
Rầm rầm, rầm rầm, thình thịch.
- Này Genpachi, ra mở cổng xem sao.
- Thôi ông chủ cứ ra mở đi.
- Cái gì, thằng này lại dám....
- Thằng này thì sao, bình sinh thằng này ghét nhất là ma với muối.
- Thôi đi ngay đi !
Genpachi luống cuống ra đi ra ngoài.
- Dạ, dạ, mở ngay đây ạ.
Sột soạt sột soạt, rột roạt, cánh cổng mở ra.
- Sao không mở ra sớm hả ?
- Dạ dạ, ngài đến quấy nhiễu là chuyện đương nhiên, nhưng ngày rằm tháng bảy tới Genpachi này và chủ nhân xin hồi hướng công đức cho linh hồn ngài được siêu thoát. Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô...
- Ahahahahaha ngươi lẩm bẩm cái gì vậy? cái gì mà quấy nhiễu với không quấy nhiễu. Sao lại đóng cổng sớm thế ?
Ta sợ để các ngươi đợi lâu tội nghiệp nên vội vàng về ngay đây.
- Dạ dạ, lễ Vu Lan vừa mới qua, xin ngài đợi đến rằm tháng bảy năm sau....
- Ngươi nói gì thế, ta là người chứ có phải ma đâu.
- Dạ... nhưng mà không có chân.
- Đây chân đây, hai chân luôn này.
- A quả nhiên là ngài đã trở về vô sự, mà gần đây hình như ma cũng mọc chân nữa....
- Ngươi nói cái quái gì thế. Quỷ Thiên Cẩu bị trừng trị rồi.
- Dạ, dạ... bị trừng trị... Này ông chủ ơi, bị trừng trị rồi.
- Ừm, có ổn không?
- Dạ ổn ạ.
- Thế à... Thưa võ gia, xin cầu cho linh hồn ngài được siêu thóat.
- Cái gì, đến ngưoi mà cũng ghĩ rằng ta bị Thiên Cẩu giết chết sao? Sự thật là Thiên Cẩu đã bị thối trị dưới rừng tùng rồi.
- Hả, hả
- Có những ba đứa, từng đứa một bị bẻ gãy mũi, vặt mất cánh nên bọn chúng khóc lóc rồi bỏ chạy rồi.
- Hả, thật không ?
- Ta lại nói dối sao. Ngày mai chúng không ra nữa đâu.... Mà này chủ quán, mau đưa lại cho ta.
- Là cái gì ạ ?
- Đừng có vờ vịt, năm mươi lượng ta gửi chỗ ngươi, mau trả lại đây.
- Aa, ngài lấy lại à.... Nhưng võ gia, tiền công trông coi giúp là năm lượng.
- Đừng có tham lam, mau trả lại đây.
- Dạ, dạ... Này Genpachi, năm mươi lượng tự dưng biến mất tiêu. Hình như ngài Thiên Cẩu hơm nay không được khỏe... Mà võ gia, kể từ hôm này ngài Thiên Cẩu không xuất hiện nữa chứ ?
- Ừ, nó không dám ra nữa đâu.
- A, thế thì còn gì bằng.
Đêm đó Musashi ngủ lại quán trọ. Sáng hôm sau,
- Xin làm phiền !
- Xin mời khách quan vào.
- Tại hạ là người trong thành, tên là Takenouchi Kaganosuke. Hiện có tiên sinh Miyamoto Musashi Masana đang ngụ tại quý quán, xin vui lòng cho tại hạ diện kiến.
- Khách quan đã cất công đến đây, nhưng quả thực là tiên sinh Miyamoto Musashi gì đó không có trọ ở tệ xá.
- Chắc chắn là có. Chính là vị tráng sĩ đêm qua đã đến dưới rặng tùng thối trị Thiên Cẩu.
- A có, có. Đó là vị võ gia tên là Oishi Gorota.
- Ahahahaha tiên sinh lại nói đùa rồi. Vị võ gia đó vốn không phải Oishi Gorota mà là Miyamoto Musashi xứ Higo.
- Aa, tiên sinh Miyamoto Musashi,.... Nguy rồi, ông chủ ơi.
- Cái gì mà ồn ào thế ?
- Nguy to rồi, vị khách đêm qua thối trị Thiên Cẩu chính là tiên sinh Miyamoto Musashi thuộc phái song kiếm mà thiên hạ vẫn đồn.
- Hả, Miyamoto Musashi sao, nguy rồi....
Thầy tớ nhà Minoya hảy đều hoảng hồn.
- Xin được diện kiến tiên sinh Miyamoto, xin các vị dẫn đường cho.
- Vâng vâng, xin mời ngài.
Cả quán trọ Minoya bỗng nhiên huyên náo cả lên, thái độ chăm sóc đối với Musashi cũng đổi khác. Cả bọn kéo đến xin lỗi những chuyện không phải đêm qua. Kaganosuke đàm đạo với Musashi một lúc thì kéo về võ đường Takenouchi. Phụ thân Kaganosuke là Hitachinosuke vốn đã từng thi đấu với Musashi ở đảo Bishu Biwa, đêm qua nghe nói gặp gỡ cùng con trai dứơi rặng tùng đã mừng rỡ ra mặt, sáng nay vội cho dọn dẹp võ đường sạch sẽ rồi cho Kaganosuke đến quán trọ Minoya tìm đón. Chẳng bao lâu sau Kaganosuke dẫn Musashi về đến, hai người thi lễ rồi vui mừng khôn xiết, cùng nhau hàn huyên câu chuyện kể từ lúc chia biệt trên đảo, từ chuyện này sang chuyện khác. Lại kể đến chuyện tu hành võ nghệ, cả hai nói mãi không dứt, như hai người chưa từng được nói gặp nhau. Kaganosuke ngồi nghe, lòng đầy nhiệt tâm. Đến lúc phần chấn, Musashi nói
- Xin các vị xem vài đòn của phái song kiếm.
Nói rồi hai tay sử hai thanh mộc kiếm thi triển các chiêu thức của phái song kiếm, biến ảo khôn lường, đường kiếm đạt đến chỗ cực ý vi diệu, rốt ráo. Cha con Takenouchi mừng rỡ, tiếp đãi nồng hậu rồi mời Musashi ở lại võ đường một thời gian. Cũng từ đó chúa Mori Dainaiki cả sợ mà không dám chém người về đêm nữa.
( * ) Trong phần này diễn giả Ito Mutsushio kể lại Musashi đến võ đường Takenouchi và được tiếp đãi nồng hậu, gặp hai cha con Hitachinosuke Hisamori và Kaganosuke Hisayoshi là khai tổ của phái nhu thuật Takenouchi. Nhưng theo sử liệu thì có đôi chỗ khác biệt. Tên đầy đủ của phái nhu thuật này là Hinoshita Toride Kaizan Takenouchi Ryu, một trong những phái võ cổ ở Nhật Bản ( Koryu, Kobudo - Cổ Lưu, Cổ Võ Đạo ) thành lập năm 1532 hay năm Tenbun thứ nhất vào tháng sáu Âm Lịch bởi khai tổ Takenouchi Chūnagon Daijō Nakatsukasadaiyū Hisamori, thành chủ Ichinose ở vùng Sakushu Tsuyama ( gần tỉnh Okayama ngày nay ). Phái Takenouchi nổi tiếng về nhu thuật nhưng thực ra đây là một phái võ tổng hợp bao gồm nhiều môn khác nhau như yoroi kumiuchi ( thuật đánh vật có mặc giáp ), bojutsu ( Thuật đánh gậy ), kenjutsu ( kiếm thuật ), Iaijutsu ( thuật rút kiếm thần tốc ), naginatajutsu ( thuật đánh đao dài ), hojojutsu ( Thuật bắt trói bằng dây thừng ), Tessen jutsu ( thuật đánh quạt sắt ), sakkatsuhō ( thuật điểm huyệt, giải mê, cấp cứu, hồi sinh ),..... Nhu thuật của phái Takenouchi này đã ảnh hưởng rất mạnh đến sự ra đời của nhiều phái nhu thuật khác trên toàn Nhật Bản. Ngày nay phái này vẫn còn được lưu truyền bởi thành viên của dòng họ Takenouchi và nhiều nhóm khác bên trong và ngoài Nhật Bản.
Theo như Takenouchi Keisho Kogo Den, tài liệu ghi chép sự thành lập và phát triển của phái thì khai tổ là Takenouchi Chūnagon Daijō Nakatsukasadaiyū Hisamori khi ông rút vào vùng núi gần đền Sannomiya luyện tập võ nghệ trong sáu ngày sáu đêm với thanh mộc kiếm dài hai thước bốn thốn ( chừng 72 cm ). Đến đêm thứ sáu thì Hisamori kiệt sức và lăn ra ngủ gối đầu trên thanh mộc kiếm. Trong giấc mơ Hisamori gặp một nhà sư tu hành trong núi ( Yamabuki ) râu tóc bạc phơ và Hisamori nghĩ rằng đó là hiện thân của thần Atago. Hisamori tấn công nhà sư nhưng lại bị chế ngự. Nhà sư mới nói " Khi ngươi gặp địch thủ thì trong khoảnh khắc đó sinh tử được quyết định. Đây chính là binh pháp (Heiho, Hyoho ) ". Nói rồi nhà sư bẻ gãy thanh mộc kiếm của Hisamori làm đôi và bảo rằng vũ khí dài không có lợi trong cận chiến. Nhà sư bảo Hisamori đeo hai nửa thanh mộc kiếm đã gãy đôi vào thắt lưng và gọi đó là kogusoku và dạy Hisamori thuật đánh vật khi cận chiến. Những kỹ thuật này về sau được gọi là "Koshi no Mawari". Sư còn dạy Hisamori cách bắt trói đối phương bằng dây leo trên cây rồi sau đó biến mất vào sương khói.
Con trai thứ của Hisamori là Hitachinosuke Hisakatsu trở thành chưởng môn phái Takenouchi sau khi phụ thân mất vào năm 64 tuổi. Rồi Hitachinosuke và con trai Kaganosuke Hisayoshi đem nhu thuật vào chung với những môn võ thuật khác thành một hệ thống võ đạo tổng hợp.
Phái Takenouchi nổi tiếng với những kỹ thuật nhu thuật như tehodoki ( thuật khống chế và bẻ tay đối phương ), ukemi ( thuật té ngã ), nagewaza ( thuật vật, ném đối phương ), kansetsuwaza ( thuật bẻ loại khớp xương ), atemi ( thuật đánh vào yếu huyệt ), shimewaza ( thuật xiết ngạt ), newaza ( thuật đè, kẹp đối phương trên đất ) và Kappo ( thuật hồi sinh, cứu tỉnh ). Chính Hisakatsu và Hisayoshi là hai người đã phát triển các kỹ thuật tay không của nhu thuật lên đến đỉnh cao.
Phái Takenouchi tuy nổi tiếng với nhu thuật nhưng lại xuất phát từ thuật đánh đoản kiếm Kogusoku và còn truyền dạy nhiều môn võ nghệ khác như kiếm, gậy, dây, quạt sắt, jitte, shuriken ( phi tiêu ), kusarigama ( món binh khí mà Arima Kihei sử dụng khi đấu với Musashi trong những phần trước ) và cả những vật dụng bình thường trong cuộc sống như dù, nắp nồi.... Trong số đó thuật đánh gậy bojutsu giữ một vai trò quan trọng. Bojutsu phái Takeuchi sử dụng gậy bo dài sáu thước hay shinbo ngắn hơn một ít.
Cũng như các phái võ thuật cổ khác, tuyệt học và cực ý của môn phái chỉ được lưu truyền trong dòng họ và được các thành viên trong tộc giữ gìn cẩn thận quan nhiều thế kỷ. Dưới đây là hệ phả của phái Takenouchi.
1. Takenouchi Nakatsudaiyū Hisamori.
2. Takenouchi Hitachinosuke Hisakatsu.
3. Takenouchi Kaganosuke Hisayoshi.
4. Takenouchi Tōichirō Hisatsugu.
5. Takenouchi Tōichirō Hisamasa, người mở võ đường Hirakane ở Edo.
6. Takenouchi Tōichirō Hisazane.
7. Takenouchi Tōichirō Hisataka.
8. Takenouchi Tōichirō Hisataka.
Đến đây phái Takenouchi chia làm hai nhánh là Soke (Tông gia) và Sodenken (Tông truyền gia )
Dòng Soke:
9. Ikeuchi Kamonta
10. Takenouchi Tōichirō Hisao.
11. Takenouchi Tōichirō Hisanori.
12. Takenouchi Tōichirō Hisatsugu.
13. Takenouchi Tōichirō Hisanori.
14. Takenouchi Tōichirō Hisamune. Chưởng môn phái Takenouchi hiện tại.
Dòng Sodenke
9. Takenouchi Tōjūrō Hisatane.
10. Takenouchi Tōjūrō Hisamori.
11. Takenouchi Tōjūrō Hisamitsu.
12. Takenouchi Tōjūrō Hisahiro.
13. Takenouchi Tōjūrō Hisatake
Ngoài hai dòng này, phái Takenouchi còn xuất hiện một nhánh thứ ba là Bitchū Den Takeuchi do Takeuchi Seidaiyū Masatsugu phát triển khi ông chuyển đến Okayama, thủ phủ của Bitchu, nay là phía Tây tỉnh Okayama. Tuy viết cùng chữ như phái này gọi tên mình là Takeuchi chứ không phải là Takenouchi. Kỹ thuật của phái Bitchu về tinh túy cũng như phái chính nhưng có phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới.
Dòng Bitchu
4. Takeuchi Seidaiyū Masatsugu.
5. Yamamoto Kazuemon Hisayoshi.
6. Shimizu Kichiuemon Kiyonobu.
...
14. Takeuchi Tsunaichi Masatori.
15. Nakayama Kazuo Torimasa.
16. Ono Yotaro Masahito