watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm-CHƯƠNG BA - tác giả Ngô Viết Trọng Ngô Viết Trọng

Ngô Viết Trọng

CHƯƠNG BA

Tác giả: Ngô Viết Trọng

T hầy trò Dương Vân Nga được lão quản gia Đỗ Lợi đón về ở một ngôi nhà gỗ mới xây cất. Trong nhà ngăn chia đủ phòng ăn, phòng khách, phòng tắm, phòng ngủ nghỉ riêng biệt cho chủ, cho người hầu và sắm khá đầy đủ các thứ đồ dùng cần thiết.
Thu xếp đâu vào đó xong, lão quản gia thưa:
- Thưa tiểu thư, Động chủ có công việc rất gấp phải đi vắng chừng mươi hôm, vì vậy việc đón tiếp tiểu thư không được chu đáo. Xin tiểu thư chớ phiền trách. Động chủ có dặn tôi cắt cử sẵn bốn ả thị tì để tiểu thư sai khiến. Tạm thời khi nào cần gì, tiểu thư cứ cho người đến gọi, tôi sẽ lo phục vụ cho tiểu thư. Rất mong tiểu thư được vui vẻ trong thời gian Động chủ chưa về kịp...
Rồi lão gọi lớn:
- Bốn cô đâu rồi mau vào ra mắt tiểu thư!
Bốn cô gái nhỏ đều cỡ tuổi mười bốn mười lăm đồng loạt tiến vào. Họ cùng quì xuống trước mặt Vân Nga thưa:
- Chúng con xin chào mừng tiểu thư!
Dương Vân Nga bước lại gần nhìn kỹ từng người. Xong, nàng quay sang nói với lão Đỗ Lợi:
- Ta hiện có sẵn hai người hầu cũ, vậy trả lại bớt ông hai người, ta chọn hai cô này thôi! - nàng chỉ tay về phía hai cô gái - Các em tên gì?
- Dạ, con tên Thanh Lan.
- Dạ, con tên Thị Lệ.
- Được rồi, hai em ở lại đây với ta - nàng quay lại lão Lợi - ông có thể dắt hai cô bé kia về. Khi nào cần gì tôi sẽ nhờ đến ông.


*


Mấy ngày liên tiếp, ngày nào lão Lợi cũng đến vấn an Dương tiểu thư. Lão là người khôn khéo, năng nỗ, quen thức khuya dậy sớm, theo Đinh Động chủ từ thuở hàn vi nên rất được Động chủ tin cậy. Đã mười năm nay, mọi việc sắp xếp kẻ ăn người ở, cắt đặt công việc trong nhà Động chủ đều do một mình lão quán xuyến. Khi gặp mặt Dương tiểu thư lần đầu, lão không khỏi bàng hoàng sửng sốt. Trái tim già cỗi của người đàn ông gần sáu mươi vẫn rung động mạnh trước vẻ đẹp vô cùng thu hút của nàng. Lão linh cảm đây là người đàn bà có tướng đại quí, trước sau gì nàng cũng hiển vinh. Lão nghĩ ngay đến việc phải làm thân với nàng, thế nào cũng có ngày nhờ cậy được. Từ trước tới nay, việc thu xếp chỗ ngủ nghỉ, săn sóc đồ ăn thức uống đối với khách quí đến nhà Động chủ vẫn là bổn phận của lão. Nhưng lần này lão Lợi chịu mất nhiều thì giờ hơn, cố tình chăm sóc khách chu đáo hơn (tạm gọi là khách vì Đinh Động chủ đi khỏi, danh phận của Vân Nga chưa chính thức được xác định). Thái độ ân cần đặc biệt đó, một phần là do hậu ý cầu thân của lão, phần khác là do lòng mến mộ, khao khát được chiêm ngưỡng, phục dịch cho một giai nhân tuyệt sắc. Dĩ nhiên, lão không hề dám có chút ý nghĩ lếu láo, ước mơ phạm thượng.
Có lẽ do lòng nôn nóng bồn chồn, cứ nghe tiếng người quản gia đến là Vân Nga mời vào ngay. Gặp mặt tiểu thư, lão Lợi liền dùng những lời hết sức tốt đẹp để chúc tụng, rồi hỏi những nhu cầu nàng cần để cung cấp. Nhưng lão không được vui lòng lắm vì không lần nào Vân Nga đòi hỏi gì cả. Nàng chỉ hỏi chuyện vớ vẩn cho có lệ. Lão Lợi rất thích được hỏi và lấy làm sung sướng trả lời những gì lão biết...
Đến ngày thứ tư, khi lão Lợi đến vấn an, Dương tiểu thư ra vẻ khó chịu, than vãn:
- Ta đến đây đã mấy ngày rồi, dù Đinh Động chủ có đi vắng chăng nữa, chẳng lẽ không có ai đến viếng thăm ta? Kể cả cái ông tướng rước ta về đây cũng biền biệt vô âm tín là sao? Ta nóng ruột lắm rồi đấy nhé!
Lão Lợi không biết phải trả lời làm sao. Lâu nay gặp những lần có khách đặc biệt bất ngờ đến động Hoa Lư, lão vẫn là người chịu trách nhiệm việc đón tiếp. Sau đó, lão sẽ báo lại sự việc với Động chủ. Trường hợp Dương tiểu thư thì Động chủ đã cho lão hay trước nên lão cũng đã có chủ ý. Nhưng lão chỉ có trách nhiệm trong việc đón tiếp lúc đầu, những bước kế tiếp nằm ngoài tầm giải quyết của lão, lão rất lúng túng. Động chủ đi Bố Hải Khẩu quá đột ngột, gấp gáp đến nỗi chẳng kịp dặn dò ai về vụ này. Có lẽ chính Động chủ cũng nghĩ rằng mình chỉ vắng mặt ở Hoa Lư một thời gian năm bảy ngày là cùng. Nhưng rồi những thành tựu về cuộc thương thảo thống nhất quân sự giữa Bố Hải Khẩu và Hoa Lư đã cuốn hút Đinh Động chủ đến nỗi ông phải gác chuyện nhà lại. Lão Lợi biết tính Động chủ xưa nay vẫn thế, lão phải lựa lời để nói cho qua chuyện:
- Thưa tiểu thư, có lẽ việc quân xảy chuyện bất thường chứ lẽ nào Động chủ chẳng nôn nóng hội ngộ với tiểu thư! Tôi nghĩ giờ này bên ấy Động chủ đang hắt hơi liên tục vì sự nhắc nhở của tiểu thư ở đây.
- Trước khi đến đây ta từng nghe nói Động chủ coi thường phụ nữ lắm. Nhưng ta đâu phải là hạng để Động chủ coi thường được?
Lão Lợi cố bào chữa:
- Thưa, những điều người ta nói chưa chắc đã đúng! Hơn nữa, một bậc quốc sắc thiên hương như tiểu thư dưới gầm trời này dễ đâu tìm được người thứ hai, lẽ nào Động chủ lại vô tình với tiểu thư được?
Câu nói của lão Lợi đã làm dịu bớt lòng tự ái của Dương tiểu thư, nàng nói:
- Thôi được, ta cũng ráng chờ vài hôm nữa xem sao!
Mấy ngày nữa lại trôi qua. Mỗi lần đến thăm Dương tiểu thư, lão Lợi lại chúc mừng, nói năng hoạt bát vui vẻ, cố làm sao cho tiểu thư khỏi buồn. Dương tiểu thư hiểu điều ấy và cũng tỏ ra nể tình lão, kiên nhẫn chờ đợi.
Nhưng lòng tự ái con người đâu có thể đè nén mãi được! Ngày kia, vừa thấy lão Lợi, Vân Nga cau mặt hỏi ngay:
- Sao, hôm nay Đinh Động chủ về chưa?
- Thưa, vẫn chưa về.
- Thế thì bao lâu nữa?
- Thưa tiểu thư, tôi cũng chưa rõ.
Vân Nga cao giọng gay gắt:
- Các người coi thường ta quá lắm! Đem ta về đây giam cầm để làm trò cười cho thiên hạ à? Ông hãy trình lại với chủ ông, ta muốn trở về Đông Lỗ ngay. Nếu chủ ông không chịu đưa ta về ta sẽ tìm cách khác cho coi!
Viên quản gia thấy Vân Nga giận dữ như vậy bèn thưa:
- Việc rước tiểu thư về đây là ý của Đinh Động chủ, nhưng hiện giờ Động chủ đi vắng, chúng tôi chỉ là kẻ ăn người ở đâu biết phải làm sao! Xin tiểu thư hoãn hoãn đã, tôi sẽ thưa lại với Động chủ phu nhân thử xem người tính thế nào!
Vân Nga dằn từng tiếng hăm dọa:
- Ta chịu hết nổi rồi! Nội hôm nay, nếu các người không giải quyết được tình trạng này, ta nhất định sẽ tự lo liệu cho mình. Ta không thể để các người coi ta như cỏ rác muốn làm gì thì làm đâu!
Cơn phẫn nộ bất thường của tiểu thư Vân Nga đã làm lão Lợi cụt hứng. Sau khi gượng gạo chúc tụng mấy lời lấy lệ, lão liền xin cáo từ. Vân Nga vẫn chưa hết giận:
- Nếu không xong việc, ông đừng có trở lại đây nữa!
Lão Lợi dạ dạ mà đi. Sau đó, lão đến gặp thẳng Động chủ phu nhân. Thật ra, Động chủ phu nhân là Trịnh thị đã theo dõi chuyện từ khi Dương tiểu thư chưa về Hoa Lư. Dù biết tính Động chủ ít mặn nồng với đàn bà, bà cũng thầm lo ngại cho địa vị của mình. Nhất là từ khi dò biết được Dương tiểu thư đẹp nghiêng nước nghiêng thành, bà càng sợ lắm. Vì vậy, những sự trục trặc xảy ra khi Vân Nga đến Hoa Lư bà biết hết nhưng cứ làm ngơ. Dĩ nhiên lão Lợi đoán biết được điều đó và rất thông cảm bà. Đến nay, bất đắc dĩ lão Lợi mới đến thưa chuyện với bà, Trịnh phu nhân nghe xong hỏi:
- Dương Vân Nga chắc đẹp lắm nhỉ?
- Thưa thật với phu nhân, tôi năm nay gần sáu chục tuổi đầu, nói cho tiêu tội, chưa bao giờ tôi gặp được một người đàn bà nhan sắc chim sa cá lặn như thế!
- Thật thế à? Cũng tốt đấy! Có lẽ phen này chồng ta hết chê đàn bà!
Suy nghĩ một lát, bà tiếp:
- Khi ra đi Động chủ không dặn dò gì tôi cả, hơn nữa, việc này tôi đứng ra dàn xếp không tiện. Ông hãy tìm Đinh thiếu chủ và chú Đinh Điền xem họ bàn định làm sao!
Lão Lợi cũng nghĩ việc này phu nhân khó xử, bèn vâng lời đi tìm gặp thiếu chủ Đinh Liễn và tướng Đinh Điền. Nhưng lúc ấy cả hai người này đều đang bận tập luyện quân sĩ ở thao trường. Lão Lợi bất đắc dĩ phải dùng ngựa đến thẳng thao trường để gặp họ. Đến nơi, lão Lợi xin vào gặp Đinh thiếu chủ để trình bày sự việc. Lúc ấy ở thao trường cũng có mặt các tướng Lưu Cơ và Lê Hoàn, Đinh Liễn liền mời luôn hai người đến gặp Đinh Điền để cùng bàn chuyện. Đinh Liễn nói:
- Cha tôi tính vốn lạnh nhạt với đàn bà ai mà chẳng biết. Vừa qua vì muốn liên kết với Chương Dương công nên cử Lê Hoàn đi rước Dương tiểu thư về, nhưng giờ đã biết rõ Chương Dương công không có chút thực lực nào, chắc người cũng chẳng ham muốn chi nữa. Bây giờ Dương tiểu thư lại quyết một quyết hai đòi về Đông Lỗ, nếu không đưa về tiểu thư sẽ làm dữ. Hay ta cứ cho người đưa trả tiểu thư Vân Nga về Đông Lỗ là xong chứ gì?
Lưu Cơ bàn:
- Không nên, làm như vậy thấy phũ phàng quá! Tôi sợ rồi Động chủ sẽ phải mang tiếng không tốt đấy! Vả lại hiện tại chúng ta cũng chưa biết ý Động chủ có đổi thay gì không. Dù sao thì ban đầu Động chủ cũng có ý rước tiểu thư Vân Nga về làm vợ, cháu và hai vị phu nhân nên tùng quyền tổ chức một buổi ra mắt tân nhân là mọi chuyện sẽ êm xuôi và chắc chắn Động chủ cũng sẽ hài lòng.
Đinh Điền và Lê Hoàn đều đồng ý:
- Hợp lý lắm, làm như vậy hợp lý lắm!
Đinh Liễn nói:
- Cháu cũng nghĩ làm như vậy là hợp lý, nhưng theo lão Lợi nói thì hình như ý gia mẫu không muốn đứng ra làm chủ việc này. Nếu Đinh thúc phụ và cháu đứng ra chủ trương việc này có hợp lý không?
Lưu Cơ lại nói:
- Chuyện này xưa nay ít thấy xảy ra, tốt hơn hết là buổi ra mắt phải do Trịnh phu nhân chủ trì. Nếu cuộc ra mắt tân nhân mà thiếu mặt hai vị phu nhân, sau này lỡ có những chuyện rắc rối xảy ra biết qui trách cho ai? Để Đinh huynh và cháu chịu tiếng mang lời cũng oan!
Đinh Điền nói với Đinh Liễn:
- Vậy, chú cháu mình phải gặp Trịnh phu nhân để bàn lại mới được! Lão Lợi cứ đến khuyên tiểu thư Vân Nga thư thả một hai hôm nữa rồi mọi chuyện sẽ được thu xếp ổn thỏa.
Lão Lợi nghe nói thế thì lắc đầu:
- Không được đâu tướng quân! Tôi có nói gì nữa chắc tiểu thư cũng chẳng chịu nghe! Xin nhờ một vị tướng quân nào đến gặp tiểu thư mà nói may ra còn được!
Đinh Liễn quay sang Lê Hoàn:
- Hay là để ông Lê Hoàn đến gặp Dương tiểu thư vậy. Ông đã đưa Dương tiểu thư từ Đông Lỗ đến đây thì chắc ông nói tiểu thư cũng nể lời.
Lê Hoàn chậm rãi nói:
- Nếu thiếu chủ sai khiến thì tôi đi. Trước đây đi rước Dương tiểu thư tôi cũng chỉ làm theo lệnh, tuy thế thật tình ít khi tôi trực tiếp gần gũi tiểu thư. Lần này không biết tôi nói tiểu thư có chịu nghe không, dù sao tôi cũng xin cố gắng xem sao.
Thật tình từ khi rước Dương tiểu thư về, Lê Hoàn khôn khéo chẳng hề có một lời bình phẩm về sắc đẹp của nàng với bất cứ ai. Hoàn chỉ nói sơ lược vài điều chung chung khi có người hỏi đến. Chàng biết cái sắc đẹp siêu phàm của nàng có thể dễ dàng gieo tai họa cho người khác. Nhất là cái sắc đẹp ấy giờ đã thuộc quyền sở hữu của một nhân vật đầy quyền uy và võ đoán. Dù biết Đinh Động chủ không phải là người háo sắc, chàng vẫn chưa dám tin Động chủ làm ngơ được khi gặp nàng. Chàng cũng chưa dám tin vào lòng dạ nàng tiểu thư có nhiều dục vọng này. Giữa Đinh Động chủ và chàng còn một khoảng cách quá xa, chưa chắc chàng giữ được mãi ưu thế trong lòng nàng. Chàng phải cảnh giác để tự bảo toàn lấy mình. Chàng đã suy nghĩ nhiều và tự nhủ tốt hơn hết là nên êm thắm rút lui. Vì thế, trong những ngày vừa qua, không phải không ray rứt nhớ đến Vân Nga, nhưng chàng nhất định tránh đùa với lửa, không tìm cách gặp nàng nữa.
Bất ngờ hôm nay Lê Hoàn lại được Đinh thiếu chủ cử đến gặp nàng - may hay rủi đây? Chàng không thể từ chối và cũng không thể không băn khoăn suy nghĩ...


*


Khi Lê Hoàn đến, Dương tiểu thư mời chàng vào phòng khách và bảo người nhà ra ngoài hết. Lê Hoàn thấy thế cũng hơi ái ngại, nhưng Vân Nga không để ý đến điều đó, nàng làm ra vẻ não nùng trách móc ngay:
- Không lẽ tướng quân quên hết những ngày gặp gỡ đầu tiên của chúng ta rồi sao? Tướng quân vô tư quá nhỉ? Ta dù sao cũng gốc gác lá ngọc cành vàng, vâng lệnh cha mẹ đến đây làm dâu họ Đinh, cũng tưởng đem lại chút gì vẻ vang cho cha mẹ vui, nào ngờ bọn tục tử lại xem thường ta đến nước này! Tướng quân là người đưa ta về đây đương nhiên tướng quân cũng có phần trách nhiệm. Tướng quân có biết lòng ta tủi nhục ê chề tới mức nào không? Tại sao mấy ngày này tướng quân không đến an ủi ta một tiếng?
Lê Hoàn chống chế:
- Xin tiểu thư hiểu cho, tôi vừa về là phải bắt tay vào công việc ngay, đâu có giây phút nào được rảnh rang! Đinh Động chủ đi Bố Hải Khẩu quá lâu chưa về cũng là chuyện ngoài dự tính. Việc ra mắt của tiểu thư là việc rất quan trọng, ai dám đứng ra tổ chức được? Mọi người cũng hiểu việc đó sẽ làm tiểu thư buồn lắm nhưng biết làm sao hơn! Tới giờ này Động chủ vẫn chưa về, Trịnh phu nhân và Đinh thiếu chủ đành phải tòng quyền quyết định đứng ra tổ chức lễ ra mắt cho tiểu thư trong nay mai vậy. Vì thế, Đinh thiếu chủ sai tôi tới đây báo trước để tiểu thư chuẩn bị tinh thần. Xin tiểu thư vui lòng cho.
Vân Nga nói:
- Việc đó đối với ta không còn quan trọng nữa. Từ ngày ta đến đây, ngoài viên quản gia già hay lui tới lo việc ăn ở cho ta, có ai thèm hỏi ta một lời nào đâu? Thái độ của họ đã làm ta tởm lắm rồi. Ta sở dĩ còn nấn ná ở đây là vì hai điều: Một là không muốn phụ lòng cha ta, hai là vì tướng quân! Vậy, ta hỏi thật, có phải tướng quân không còn nghĩ gì đến ta nữa không, nói đi!
Lê Hoàn có vẻ hoảng hốt, nhỏ giọng:
- Ấy, ấy, xin tiểu thư ăn nói dè dặt cho. Dù sao thì hiện tại tôi cũng chỉ là một viên tiểu tướng, đầu tôi có thể bị người ta lấy bất cứ lúc nào. Thành thử dù tôi có muốn nghĩ đến tiểu thư cũng chẳng làm trò trống gì được. Xin tiểu thư hiểu cho tôi.
Vân Nga vẫn lớn giọng:
- Làm được gì hay không ta không cần biết, ta chỉ muốn hỏi: Ngươi có còn nghĩ tới ta không? Hay ngươi cũng bắt chước bọn người họ Đinh coi thường ta?
Lê Hoàn càng bối rối, chàng nhẫn nại nhỏ nhẹ:
- Thưa, tiểu thư là nàng tiên giáng thế đã ban cho tôi những giây phút hạnh phúc nhất đời, tôi làm sao quên nàng cho được! Nhưng ở đây không phải như ở Đông Lỗ hay nơi khác. Chuyện lộ ra một chút là cả đôi ta có thể rơi đầu. Vậy, xin nàng ráng nhẫn nhục. Chúng ta còn trẻ, đời chúng ta còn dài, chúng ta còn nhiều cơ hội...
Bấy giờ Vân Nga mới nở một nụ cười:
- Thế à! Nhìn tướng tá thì oai phong lắm, ai ngờ cũng chỉ là một giống chết nhát. Chàng đã nói thế thì ta cũng tạm nhẫn nhục mà nghe theo. Nhưng chàng phải luôn nhớ sinh mạng chàng nằm trong tay em đấy! Khi cần em gọi phải nhớ mà nghe lệnh nhé!
Lê Hoàn cười:
- Xin lĩnh ý "lệnh bà"! Nhưng xin "lệnh bà" giữ miệng giữ mồm cho thì nhất định chúng ta sẽ có ngày hội ngộ!


*


Hai hôm sau Trịnh phu nhân chính thức tổ chức lễ mừng tân nhân tại nhà khách Hoa Lư. Phụ tá cho phu nhân là Ca Ông phu nhân và hai chú cháu Đinh Điền, Đinh Liễn. Số khách được mời tham dự gồm có các trưởng lão, các viên chức đầu mục tại địa phương, các chức sắc trong quân đội Hoa Lư và những thân thích của Động chủ, khoảng trên dưới một trăm người.
Buổi lễ mở đầu, Trịnh phu nhân trân trọng đứng lên chào mừng quan khách và trình bày sơ lược về cuộc mừng đón tân nhân. Tiếp đó, Trịnh phu nhân hướng mặt về phía hậu trường mời tân nhân ra chào mừng quan khách. Sau một loạt tiếng vỗ tay vang lên, tiểu thư Dương Vân Nga lộng lẫy như một vị nữ thần xuất hiện. Bốn nàng thị nữ theo nàng trông cũng hết sức kiều diễm. Hai vị phu nhân Trịnh thị và Ca Ông đều bước đến cầm tay Vân Nga dìu nàng tiến gần tới phía quan khách. Cử tọa đều nghển cổ mà nhìn, ai cũng kinh ngạc ngẩn ngơ trước vẻ đẹp vô song của cô dâu mới. Tiếng vỗ tay vang dội một hồi rất dài. Đợi cho hồi pháo tay chấm dứt, Trịnh phu nhân nói:
- Thưa quí quan khách, đây là tiểu thư Dương Vân Nga, là vị tân nhân mà chúng ta đang đón mừng. Nàng là ái nữ của cựu hoàng Bình vương, vâng lệnh song thân, đến Hoa Lư để kết tóc xe tơ, nguyện sống đời đời kiếp kiếp với Đinh Động chủ. Nàng sẽ là đệ tam phu nhân. Đông chủ vì việc nước việc quân bận rộn, không có mặt ở đây để đón rước tân nhân. Bản thân tôi và Ca Ông phu nhân tuy cũng là những người bạn gối chăn của Động chủ nhưng không hiềm vì chuyện một gáo nhiều ghè mà sinh ra ghen tuông. Chúng tôi biết tuân phục chữ tam tòng, biết trân trọng niềm vui của chồng nên đã không ngần ngại lạm thay mặt đấng trượng phu, vui vẻ đón mừng tân nhân...
Tiếng vỗ tay lại vang rền...
Đợi cho ngớt tiếng vỗ tay, Trịnh phu nhân nói tiếp:
- Thật đấy, chị em chúng tôi lấy thành tâm để đón mừng nhau, chung lòng thờ một chồng, nguyện coi nhau như ruột thịt. Nếu mai kia kẻ nào sinh lòng quấy quá xin trời đất trừng phạt. Bởi vậy, hôm nay chúng tôi mời quí vị đến đây để chứng kiến, để uống chén rượu mừng, để chúc phúc cho chồng chúng tôi, để mừng cho tân nhân, và mừng cho chị em chúng tôi. Chúng tôi thành thật cảm tạ quí vị và xin chúc quí vị được tận hưởng một bữa rượu mừng vui say thỏa thích. Sau đây, tân giai nhân sẽ có mấy lời thưa quí quan khách...
Cử tọa lại vỗ tay vang động...
Tiểu thư Vân Nga với dáng vẻ rụt rè, e thẹn tiến ra cúi chào mọi người:
- Kính bạch Trịnh phu nhân, kính bạch Ca Ông phu nhân, kính bạch toàn thể quí vị quan khách: Thiếp là Dương Vân Nga, vâng lệnh cha mẹ một thân một mình về Hoa Lư nương bóng tùng quân, thật hết sức bỡ ngỡ. Thiếp là kẻ đến sau mà vẫn may mắn được nhị vị phu nhân bao dung chấp chứa, thật đâu có nỗi mừng nào bằng! Xin đa tạ tấm lòng của nhị vị phu nhân. Thiếp tuổi còn thơ ấu, kiến thức hẹp hòi, nguyện xin tuân theo lời Trịnh phu nhân dạy bảo vậy. Đồng thời, thiếp cũng xin cám ơn quí vị quan khách đã đến chung vui, chúc phúc cho cuộc hôn nhân này được lâu bền. Chẳng biết nói gì hơn, thiếp xin chúc quí vị cùng bửu quyến an khang, hạnh phúc, và nhất là trọn vui hôm nay cùng với gia đình thiếp...
Sau một hồi vỗ tay vang dội của cử tọa, tướng Lưu Cơ thay mặt quan khách đứng lên chúc mừng duyên lành hai họ Đinh - Dương. Tiếp đó, quan khách lần lượt tiến lên dâng tặng quà mừng.
Cuối cùng Trịnh phu nhân lại đứng lên tuyên bố:
- Kính bạch quí vị quan khách, chuyện hôn nhân là chuyện trọng đại nhất trong đời một con người. Thật ra, dù chồng tôi vì việc nước không có mặt ở nhà, bản thân tôi cũng chẳng dám tự chuyên đứng ra gánh trách nhiệm việc này đâu! Sở dĩ ngày vui hôm nay mà thành tựu được chính là nhờ sự thúc đẩy và hợp tác của Đinh thúc thúc, Đinh thiếu gia, của Ca Ông phu nhân, của các ông Lưu Cơ, Lê Hoàn... và sự chứng kiến của tất cả quí vị. Tôi xin đại diện cho gia đình tuyên bố: Kể từ giờ phút này, tiểu thư Dương Vân Nga chính thức trở thành Động chủ đệ tam phu nhân. Trước đây nếu quí vị đối xử với gia đình chúng tôi như thế nào thì từ nay cũng xin đối xử với Động chủ đệ tam phu nhân như thế ấy. Một lần nữa, gia đình chúng tôi xin thành thật cám ơn quí vị!


*


Trong buổi ra mắt tân nhân, Trịnh thị lẫn Ca Ông đều tỏ ra lượng cả bao dung. Hai vị phu nhân đều nói không vì một gáo nhiều ghè mà sinh đố kỵ với kẻ mới đến. Thực tế, cả hai bà đều rất gờm Vân Nga. Nhan sắc của nàng chắc chắn sẽ làm họ lu mờ mất ở bất cứ lãnh vực nào, huống gì ở đây họ với nàng lại chung một chồng! Không ước hẹn nhưng cả hai người đều thầm mong cho Vân Nga sẽ đau khổ, bất mãn với Động chủ, với cảnh sống hiện tại thêm. Vì thế, sau ngày Vân Nga ra mắt, hai bà vẫn chẳng ai lui tới với nàng lần nào. Do đó, Vân Nga mang mặc cảm bị mọi người coi thường ngày càng sâu nặng. Nàng cảm thấy tủi nhục tột cùng. Thế rồi nàng viết một bức thư sai người đưa về cho Chương Dương công, đại lược như sau:


"Đứa con vô phước là Vân Nga kính dâng trình mấy lời cùng cha mẹ: Không hiểu kiếp trước con đã mắc tội gì đến nỗi kiếp này bị đày đọa làm kẻ chết đuối trên khô như vầy. Trước kia con có đọc bài thơ của một thi sĩ nào đó có hai câu: "Hữu nữ giá chinh phu, Bất như khí lộ bàng" (đem con gả lính trận, thà quăng ở vệ đường), giờ đây con mới thấy thấm thía! Hiện tại tuy con đã được chính thức trở thành đệ tam phu nhân của Hoa Lư nhưng thật ra chỉ làm trò hề để thiên hạ chê cười. Cha mẹ thử nghĩ, phu nhân gì mà sáu bảy tháng không được gặp mặt chồng một lần? Con xem ra Đinh Bộ Lĩnh cũng chỉ là hạng người có thể giết vợ để mưu cầu công hầu khanh tướng như Ngô Khởi* ngày xưa thôi. Mọi người trong gia đình họ Đinh đều tỏ ra thờ ơ với con. Thậm chí những lúc con đau ốm họ cũng chẳng màng hỏi thăm tới. Con cô đơn, đau khổ và tuyệt vọng lắm! Con rất muốn trở về Đông Lỗ sống với cha mẹ. Nhưng nay danh phận lỡ làng cả rồi, biết làm sao đây? Đường cùng con mới phải thưa thật với cha mẹ chuyện này. Nếu cha mẹ còn thương con thì sớm định liệu cho con nhờ. Bằng không, con đành liều mang tiếng bất hiếu với cha mẹ để tự giải thoát lấy mình! Lúc ấy cha mẹ dẫu hối hận cũng không kịp nữa đâu! Thư bất tận ngôn!"
Đứa con bất hiếu: Dương Vân Nga".


Từ khi Dương Vân Nga đi Hoa Lư, Lâm phu nhân trở nên cô đơn vô hạn. Trong nhà chỉ có vợ chồng bà và Vân Nga, nhưng Dương công với bà đã trở nên khắc tinh của nhau từ lâu. Dương công quá khó tính, phu nhân lúc nào cũng cố nhường nhịn chồng, tận tình phục vụ chồng. Chính Vân Nga là cái vạch nối giữa hai người, làm giảm bớt tình trạng căng thẳng trong gia đình. Ngày còn ở nhà, Vân Nga hay nghịch ngợm, ồn ào, quấy rầy bà đã quen. Giờ thiếu nàng, bà cảm thấy trống vắng, cô quạnh quá. Nhiều lúc bà thương nhớ, thèm khát được thấy lại cả những hành động ngỗ nghịch, những thói hư tật xấu của con gái mình. Sống bên cạnh người chồng lúc nào cũng ôm ấp một mối hận thù vô lý, ray rứt nuối tiếc một thời quá khứ vàng son, càng ngày bà càng muốn nổi điên. Vài lần giận quá, bà muốn vạch thẳng những điều mắt thấy tai nghe của mình để Dương công sáng mắt ra nhưng rồi lần nào bà cũng kịp dừng lại. Bà biết người chồng cố chấp ấy không đời nào nhận lỗi về mình. Việc vạch lỗi công ra chỉ làm công đau khổ và thù hận thêm thôi. Nó có thể gây ra những hậu quả xấu rất khó lường...
Hồi ấy, Dương công được cha là Dương Tiết độ sứ giao phó trọng trách cầm quân trấn giữ Siêu Loại. Đùng một cái Dương Tiết độ sứ bị nha tướng Kiểu Công Tiện làm phản giết đi để cướp quyền. Muốn trừ hậu hoạn, Kiểu Công Tiện cho một cánh quân kéo đến Siêu Loại để bắt Dương công. Dương công không dám nghĩ tới việc chống lại, chỉ hoảng hốt vơ lấy một số của cải, bỏ cả Lâm thị mà chạy trốn. Mãi tới khi Ngô Quyền giết xong Kiểu Công Tiện, Dương công mới trở về. Như thế họ Ngô là đại ân nhân của gia đình Dương công rồi! Ngô Quyền đã xây dựng một triều đình mới ở Cổ Loa, lại cất nhắc Dương công giữ một địa vị quan trọng. Sau khi Dương Vân Nga chào đời ít lâu thì Dương công được Ngô vương phong chức Tướng quốc. Vì thế có người cho rằng Vân Nga đã rước phúc vào nhà.
Năm Giáp Thìn, Ngô vương lâm bệnh nặng. Thấy khó qua nổi, Ngô vương cho mời Dương Tướng quốc đến để ủy thác việc phù lập con trưởng của ngài là Ngô Xương Ngập. Thế mà khi Ngô vương mất, Dương Tướng quốc sẵn quyền thế trong tay tự lập mình lên ngôi, xưng hiệu là Bình vương. Để đề phòng sự bất trắc, Bình vương cho quản thúc Ngô Xương Ngập rất chặt chẽ. Sau đó vì chưa được yên tâm, Bình vương sai tướng Dương Cát Lợi ngầm đầu độc Xương Ngập. Âm mưu này không may lọt đến tai Lâm phu nhân. Lâm phu nhân thấy việc làm của chồng bất nhẫn quá bèn lấy điều nghĩa mà nói với Dương Cát Lợi. Dương Cát Lợi nghe theo lời bà, nới lỏng tay để cho Ngô Xương Ngập trốn thoát. Tuy hành động nghịch ý chồng, nhưng nghĩa cử của Lâm phu nhân đã được đền bù xứng đáng sau này.
Khi hạ bệ được Bình vương, Ngô Xương Văn không giết ông cậu phản bội này cũng một phần vì nghĩ tới cái ân nghĩa mà Lâm phu nhân đã gieo trước. Nào ngờ khi Dương công biết được chuyện đó, công đâm ra thù hận luôn cả vợ. Từ đó Dương công luôn có thái độ lầm lì, coi vợ như kẻ phạm tội, ít khi ngó ngàng tới vợ. Lâm thị thì vẫn một mực cam chịu, luôn cố gắng chiều chuộng, phục vụ chồng. Cũng may lúc ấy hai người đã có Vân Nga nên gia đình không đến nỗi rạn vỡ. Vân Nga càng lớn càng đẹp, nàng là niềm an ủi, niềm hi vọng chung cho cả hai người. Lâm phu nhân vẫn thầm mong ước sau này làm sao cho nàng lấy được một người chồng tốt biết thương vợ. Bà không ngờ Dương công chỉ vì muốn trả mối hận thù riêng, đã gả nàng cho một người mà cả gia đình bà chưa từng quen biết. Một cô gái tân cành vàng lá ngọc bỗng nhiên bị ép phải lấy một người đã có hai ba vợ, thật đau lòng! Vì thế lúc nào bà cũng canh cánh lo cho số phận của con, sợ con gặp những điều không vừa ý, sợ con khổ đau, sợ con không được hạnh phúc...
Trong lúc Lâm phu nhân đang nghĩ tới Vân Nga thì có người đem thư đến. Đọc xong thư, bà xúc động quá, cất tiếng khóc òa:
- Trời ơi, sao con tôi khốn khổ thế này! Công hầu mà chi! Khanh tướng mà chi! Đời tôi đã khổ đau, cay đắng biết bao nhiêu rồi nay con tôi lại sa vào vực thẳm nữa!...
Dương công thình lình nghe tiếng khóc của vợ thì hỏi gia nhân. Nghe có thư của Vân Nga, công liền đến lấy xem. Lâm phu nhân vừa khóc vừa nói với công:
- Khi không phu quân tự vẽ chuyện ra để làm khổ con! Bây giờ thiếp biết làm sao được? Thôi thì phu quân phải đi một chuyến để đem con mình về chứ biết làm sao?
Chương Dương công nổi giận:
- Bà đâu có hiểu được nỗi khổ nhục của tôi! Bây giờ còn khiến tôi sang Hoa Lư để chuốc nhục thêm à? Con cái hi sinh để rửa nhục cho cha mẹ đâu có gì là lạ? Bà muốn tôi chết không nhắm mắt sao?
Lâm phu nhân càng khóc lớn:
- Tướng công chỉ biết nỗi khổ của đàn ông mà không biết nỗi tủi nhục của đàn bà! Con mình dòng dõi danh giá bỗng dưng tướng công lại tống vào tay một gã đàn ông hai ba vợ để nó khinh thường thử hỏi mấy ai chịu được?
Chương Dương công cãi:
- Làm như Bộ Lĩnh nó say mê theo ai, nó bỏ bê con mình không bằng! Bộ Lĩnh đang mê say công cuộc xây dựng cơ đồ sự nghiệp cho nó chứ có làm gì xấu xa đâu? Chồng làm nên cơ nghiệp thì vợ con nhờ chứ ai vào đó? Con mình có nhan sắc không ai bằng, khi chồng nó làm đế làm vương, tất nhiên nó cũng được bước lên đỉnh cao chứ làm sao bà nói là sa vào vực thẳm?
Lâm phu nhân không còn nhịn được:
- Cơ đồ sự nghiệp! Tướng công cũng vì cơ đồ sự nghiệp mà gia đình lâm cảnh thế này đây! Lâu nay lúc nào thiếp cũng cố dằn lòng nhường nhịn tướng công cho qua chuyện nên tướng công cứ tưởng mình luôn có lý. Không phải như thế đâu! Sở dĩ thiếp phải nhịn tướng công chỉ vì thanh danh gia đình, vì tương lai hạnh phúc của con gái mình thôi! Tướng công tưởng thiếp được người hầu kẻ hạ, ăn no mặc đẹp... là hạnh phúc lắm sao? Điều đó có cũng tốt nhưng không phải là niềm hạnh phúc chính yếu của con người! Niềm hạnh phúc chính yếu của người đàn bà là ở chỗ vợ chồng thuận hòa, thông cảm nhau, tin tưởng nhau. Chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe, không hồ đồ cãi cọ, không nói xỏ xiên móc méo nhau! Có lo cùng lo, có vui cùng hưởng, chăm sóc cho nhau từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Biết bao nhiêu gia đình dân quê trên mâm cơm chỉ có một bát dưa, bát cà mà vợ chồng âu yếm gắp bỏ cho nhau, nét mặt tươi cười như đang ăn cao lương mỹ vị, hạnh phúc là ở đó chứ đâu! Còn những gia đình lúc nào cũng mâm cao cỗ đầy mà vợ nhìn đông, chồng nhìn tây, mắt cố tránh không muốn nhìn nhau thì hạnh phúc ở đâu? Lâu nay thiếp luôn chịu nhẫn nhục là muốn con mình không thấy cảnh đó, bên ngoài cố tươi cười mà thật sự trong lòng muốn bứt ra từng đoạn! Giờ này Vân Nga cũng lâm cảnh đoạn trường như mẹ nó, thử hỏi thiếp còn thiết chi cuộc đời này nữa?
Lâm phu nhân ngừng giây lát rồi lại khóc nấc lên:
- Vân Nga con ơi! Mẹ con ta kiếp trước mắc tội lỗi gì mà giờ đây bị đẩy xuống vực thẳm như thế này? Mẹ thật có lỗi lớn với con, mẹ sinh con ra mà không bảo bọc được con! Lâu nay mẹ cố nhịn nhục đến cùng cũng chỉ mong cho con có một tương lai sáng sủa. Tại sao trời cho con có nhan sắc mà không cho con hạnh phúc? Mẹ đuối sức rồi con ơi, mẹ làm sao cứu vớt con lên được?
Thế rồi Lâm phu nhân lăn ra ngất xỉu.
Dương công hết sức bất ngờ trước cảnh tượng ấy. Đây là lần đầu tiên từ ngày cưới nhau, bà có phản ứng mãnh liệt trước mặt công. Qua những lời của vợ, Dương công phải công nhận mình đã suy nghĩ quá nông cạn, hồ đồ. Những lỗi lầm của công đã gây đau khổ cho đứa con yêu quí của công! Công thở dài: "Ta thật sự có lỗi với vợ, với con! Ta phải làm sao để chuộc lỗi đây?"
Khi bọn thị tì đỡ Lâm phu nhân vào phòng riêng của bà, Dương công cũng bước theo vào. Bọn thị tì săn sóc chốc lát thì phu nhân tỉnh lại. Bà mở mắt nhìn quanh và bắt gặp ánh mắt lo ngại của Dương công đang nhìn mình. Dương công đưa tay ra hiệu cho bọn nữ tì ra ngoài rồi nhỏ nhẹ hỏi phu nhân:
- Phu nhân đỡ rồi chứ! Trong người bây giờ thấy ra sao?
Lâm phu nhân hơi ngạc nhiên. Mười bốn mười lăm năm rồi bà mới nghe lại được một lời nói dịu dàng của chồng. Dương công cũng còn quan tâm đến ta ư? Bà nhìn chồng không nói gì. Dương công bước lại gần giường vợ, từ tốn ngồi xuống bên mép giường rồi đưa tay sờ trán vợ:
- Vợ chồng khi giận thì đánh, khi quạnh thì thương, bà cũng không nên để tâm đến chuyện cũ làm gì. Hãy tĩnh dưỡng ít ngày rồi gắng đi Hoa Lư một chuyến để thăm con. Xin bà hiểu cho tôi, tôi không còn mặt mũi nào để đi đâu nữa. Nếu để chậm tôi sợ con nó phẫn chí làm liều thì cũng kẹt lắm.
Lâm phu nhân thấy chồng không giở cái giọng gay gắt nhát gừng như thường lệ nữa thì cũng hài lòng. Bà nhỏ nhẹ hỏi lại:
- Tướng công định giải quyết thế nào?
- Nếu như thấy tình trạng nó không thể ở được, bà hãy cố nói khéo khéo với người ta mà đem nó về. Nếu thấy chưa đến nỗi nào, khuyên nó nhẫn nhục mà ở lại!
- Thiếp sợ Vân Nga không muốn ở lại đó nữa.
Dương công trầm ngâm giây lát rồi nói:
- Bà khuyên nó hãy ráng nhẫn nhục chịu đựng. Hãy giải thích cho nó biết Bộ Lĩnh đang say mê công cuộc xây dựng cơ đồ cho mình chứ không phải say mê cái gì khác mà sợ! Hãy nói với nó tôi đang ốm nặng và hết sức trông cậy vào nó. Nếu nó chịu ở lại, dặn nó khi Bộ Lĩnh về phải cố gắng tìm mọi cách chiếm cho được lòng yêu của Bộ Lĩnh, rồi thúc giục hắn phải tiêu diệt cho được nhà Ngô. Làm được điều đó tức là Vân Nga đã trả hiếu cho tôi vậy!
Lâm phu nhân hơi cau mày. Bà cảm thấy thương hại chồng hết sức và tự hỏi: "Không biết mối thù hận vô lý ấy bao giờ thôi ám ảnh công?"


*


Dương công đã trao cho Lâm phu nhân một số vàng khá lớn để phòng trường hợp cần phải ngoại giao. Nửa tháng sau thì Lâm phu nhân đến Hoa Lư. Mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi, Vân Nga ôm mẹ khóc sướt mướt. Nàng dùng hết cả một buổi chiều để kể cho mẹ nghe nỗi khổ của mình. Lâm phu nhân cũng kể hết nỗi nhà và không quên nói rõ tình trạng cùng nguyện vọng tha thiết của Dương công cho con nghe. Bà an ủi và khuyên con nên gắng nghe lời để Dương công được vui vẻ sống những ngày cuối đời. Cuối cùng thì Vân Nga cũng chịu nghe lời mẹ.
Lâm phu nhân ở lại với con mười ngày. Trong thời gian ngắn ngủi đó, bà đã dành một số thì giờ cùng Vân Nga đi thăm viếng Trịnh phu nhân, Ca Ông phu nhân và nhiều người tai mắt ở Hoa Lư. Đến nơi nào bà cũng ân cần chuyện trò và biếu tặng nhiều quà cáp để mua lòng.
Chuyến đi thăm con của Lâm phu nhân đã mang lại kết quả tốt. Từ đó người ta thấy Động chủ đệ tam phu nhân Vân Nga sống khá vui vẻ, hài hòa với mọi người chung quanh.






Chú thích: Năm Giáp Thìn: 944
*Ngô Khởi: Người nước Vệ, lấy vợ người họ Điền nước Tề. Khi ông đang ở nước Lỗ thì nước Tề gây chiến với nước Lỗ. Nhiều người biết ông có tài bèn xin với vua Lỗ cử ông làm Đại tướng đi đánh Tề. Nhưng vua Lỗ ngại ông có vợ người Tề nên còn do dự chưa dám dùng. Ngô Khởi biết vậy bèn giết vợ đem đầu dâng vua Lỗ để tỏ ý tuyệt tình với Tề của mình. Vua Lỗ bất đắc dĩ dùng ông và đánh thắng Tề nhưng lòng vẫn chê. Điển tích "Sát Thê Cầu Tướng" lấy ra từ chuyện này.
Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm
Lời Tựa
CHƯƠNG MỘT
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHƯƠNG BỐN
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
CHƯƠNG MƯỜI
CHƯƠNG MƯỜI MỘT