CHƯƠNG MƯỜI MỘT
Tác giả: Ngô Viết Trọng
T hời còn nhà Đinh, nhờ ảnh hưởng của hoàng hậu Ca Ông, người Mường và phần đông các dân tộc thiểu số đều chịu thần phục triều đình. Đến khi vua Đại Hành lên ngôi, ảnh hưởng của hoàng hậu Ca Ông không còn, các dân tộc thiểu số lại trở về thói cũ, ưa cát cứ tự lập. Vì vậy, các địa phương có dân thiểu số ở cuộc sống lúc nào cũng phập phồng bất an. Ngày nay đang sống vui vẻ bên nhau, ngày mai bất ngờ quay mũi giáo đâm nhau là chuyện vẫn dễ dàng xảy ra. Quan quân địa phương phải luôn luôn vất vả đề phòng hoặc đánh dẹp những cuộc bạo loạn, cướp bóc.
Đầu năm Canh Tý, viên trấn thủ Ái châu liên tiếp dâng thư về triều cáo cấp việc giặc Man (về sau gọi là Mường) ở Cử Long lại nổi dậy đòi tự trị. Thủ lãnh đám giặc này là Đinh Lâu, một người Man có sức mạnh phi thường, lại gan dạ, cứng cỏi và có nhiều mưu lược. Quân giặc đồn lương tích thảo ở nhiều trại nằm sâu trong rừng. Hễ có cơ hội chúng lại tỏa ra đánh phá cướp bóc nhiều nơi, nhất là ở miệt Cẩm Thủy. Quan quân ở các châu quận đều khiếp hãi, dân chúng cực kỳ hoang mang lo sợ. Giặc dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở biến hiện bất thường gây thiệt hại lớn cho quan quân phòng trú.
Vua Đại Hành thấy tình thế như vậy lại quyết định ngự giá cầm đại binh đi đánh dẹp. Lần này vua cho điều động hơn một vạn quân cả thủy lẫn bộ. Ngài còn ra lệnh cho Định Phiên vương Long Túng điều động một đạo quân khác đóng ở thành Tư Doanh để sẵn sàng cứu ứng các mặt trận. Đây là trận hành quân có qui mô lớn thứ ba của vua Đại Hành, sau hai cuộc hành quân kháng Tống và bình Chiêm trước đây. Lần này vua đem theo cả viên ngự tiền bí thư Phạm Đăng và các tướng giỏi như Tô Mẫn, Nguyễn Hùng... Ngay cả Vệ vương Đinh Toàn đang cư tang cho mẹ, vua Đại Hành cũng triệu đi.
Trước khi ra quân, vua dặn dò kỹ công việc triều chánh với các đại thần Từ Mục, Phạm Cự Lượng, Ngô Quốc Ân... Khi nói chuyện với Thái úy Phạm Cự Lượng, vua Đại Hành cười ý nhị:
- Lần này thì khanh yên chí lớn. Ta quyết trừ mối họa trong gan ruột đây!
Cự Lượng hiểu ý cũng trả lời ý nhị:
- Cầu chúc bệ hạ sớm thành công!
Nhà vua thân hành chỉ huy một lực lượng thủy binh hùng hậu theo đường biển vào cửa sông, ngược dòng Cùng Giang tiến lên thượng nguồn. Đồng thời, vua cũng cử hai cánh bộ binh khác do hai tướng Nguyễn Hùng và Tô Mẫn chỉ huy, phối hợp tiến song hành hai bên hông đội thủy binh của ngài để hỗ trợ lẫn nhau. Vua Đại Hành muốn càn quét sạch sẽ vùng thượng nguồn dòng Cùng Giang, nơi được coi như sào huyệt chính của giặc Man.
Từ thời Bắc thuộc bước sang thời nhà Ngô, người Man ở nhiều vùng thuộc châu Ái đã bao lần nổi dậy đòi tự trị. Quan quân đã phải nhiều phen đánh dẹp rất vất vả. Khi quan quân đến, loạn quân một số bị bắt hoặc đầu hàng, một số khác tản mác vào các rừng núi xa xôi ẩn núp để đợi cơ hội tái xuất. Nhưng hễ quan quân rút khỏi họ lại ngoi đầu lên. Thành ra, những đám giặc lẻ tẻ này gần như không lúc nào dứt hẳn được. Thường thường thì quan quân địa phương vẫn đủ sức chế ngự chúng, không phiền đến triều đình.
Nhưng từ khi Đinh Lâu xuất hiện, các đám giặc nhỏ ấy kết hợp lại làm một và phát triển hết sức mạnh mẽ. Dưới tay Đinh Lâu còn có các đầu lãnh như Lộc Vận, Giác Hoàng, Giác Hùng, Giác Hữu, Mạnh Cầu, Phạm Du đều là những tay có bản lãnh đáng sợ. Người Man lại tìm ra được một loại thuốc độc đặc biệt để tẩm ngấm vào đầu những mũi tên họ dùng. Loại tên này hễ bắn trúng ai, dù vết thương nặng hay nhẹ, nạn nhân đều bị chất độc phát tác làm quằn quại đau đớn đến chết. Vì thế đối phương sợ hãi vô cùng.
Quân Man đóng ba trại lớn ở Viên Lâm, đó là trại Kim Lạc, Kim Lộng và trại Hổ Xà. Họ lấy núi rừng hiểm trở làm hàng rào che chắn, gài nhiều loại cạm bẫy, đặt chốt quan sát khắp nơi, khiến người ngoài rất khó đột nhập vào doanh trại họ.
Sở dĩ có cái tên Viên Lâm vì lúc bấy giờ vùng núi rừng trùng điệp này có rất nhiều giống vượn sinh sống nên người ta gọi như thế. Do thế đất cao thấp, Viên Lâm lại được chia làm hai miệt, miệt ở thượng nguồn Cùng Giang gọi là Viên Lâm thượng, miệt dưới gọi là Viên Lâm hạ. Từ khi quân Man đến chiếm vùng này, các giống vượn dần di chuyển đi nơi khác.
Khi quân triều đình đồng loạt tiến lên thượng nguồn Cùng Giang, hai đạo quân bộ đã bị thiệt hại rất nhiều vì cạm bẫy và tên độc do quân Man bắn.
Đội binh thuyền của nhà vua lại gặp mùa nước cạn, nhiều ghềnh thác, nên tiến lên rất khó khăn. Ngày kia, vua Đại Hành dẫn Vệ vương Đinh Toàn lên trước mũi thuyền rồng để cùng quan sát địa thế, bỗng mấy mũi tên từ phía bờ rừng phóng vút về hướng nhà vua đang đứng. Rất may Vệ vương Đinh Toàn đứng cạnh vua đã nhanh mắt thấy kịp. Ông vội nhoài người xô ngã nhà vua ra, nhờ thế ngài được thoát nạn. Một mũi tên đã trúng cán lọng của vua, một mũi khác trúng bả vai người lính cầm lọng. Vua Đại Hành đã chứng kiến tận mắt cái chết đau đớn vì chất độc hành hạ của người lính mà rùng mình. Ngàiï bèn họp các tướng lại để bàn kế hoạch đối phó. Vua nói:
- Quân Man tuy ít nhưng biết lợi dụng địa thế, núp những chỗ rất khó tìm để bắn tỉa ta. Vừa rồi nếu Vệ vương không nhanh tay xô ngã trẫm chắc trẫm đã lâm nguy vì mấy mũi tên độc ấy rồi. Tình trạng này không thể để kéo dài, quân sĩ sẽ xuống tinh thần mất. Không lẽ quân ta đã đến đây rồi lại phải bỏ về! Chư khanh có tìm ra cách nào để tiêu diệt chúng không?
Quan ngự tiền bí thư Phạm Đăng tâu:
- Tâu bệ hạ, theo thiển ý của hạ thần, ta nên sai tướng đóng quân chặn các lối vô ra cánh rừng này, cắt hết nguồn tiếp tế lương thực từ dân chúng, lâu ngày đói thiếu giặc tất phải ra hàng!
Vua Đại Hành nói:
- Muốn bao vây đám giặc này ta phải dùng một số quân rất lớn. Vấn đề đặt thêm ra là phải cung ứng nguồn lương thực nuôi đội quân ấy nữa. Nếu việc không giải quyết xong sớm thì làm sao? Không thể làm như thế được! Chư khanh phải cố nghĩ ra một cách nào khác mới xong.
Vua Đại Hành nhìn đám tướng tá, mưu sĩ một hồi vẫn không thấy ai đưa ra ý kiến nào. Ngài nóng ruột nói tiếp:
- Chư khanh cứ mạnh dạn đưa ý kiến! Ý kiến hợp lý thì ta dùng, không hợp lý ta thì thôi, ta không trách đâu!
Lúc ấy tướng Tô Mẫn mới thưa:
- Chúng nó cứ núp ở những chỗ hiểm hóc mà bắn tỉa, bắn xong lại biến ngay, rất khó tìm. Lần kia một viên đội của hạ thần vừa bị bắn xong, thần liền cho bao vây ngay cả khu vực trong tầm tên để lục xét rất kỹ nhưng vẫn không tìm ra được tên bắn lén. Ta chỉ có thể càn quét chúng khi đốt sạch khu rừng này họa may.
Vua Đại Hành đăm chiêu:
- Đốt rừng ư? Rừng thì mênh mông đốt sao hết được, hơn nữa, đốt nơi này thì chúng di chuyển đến nơi khác chứ ích gì? Mối họa của dân chúng đâu dứt được? Trẫm muốn tìm cách nào để tiêu diệt bộ đầu não của chúng mới xong!
Vệ vương Đinh Toàn thưa:
- Tâu bệ hạ, bọn giặc hoạt động ở đây thì bộ sậu đầu não của chúng cũng ở gần đây chứ chẳng xa đâu! Người xưa nói "Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử!", xin bệ hạ cho thần lập một toán quân hoạt động riêng biệt âm thầm đi vòng tìm lối vào đất địch dò cho ra hang ổ đầu não của chúng. Tiêu diệt bọn đầu não xong giặc sẽ tan rã ngay!
Vua Đại Hành hỏi:
- Theo người địa phương cho biết chúng có ba trại chính đóng xa cách nhau. Đó là trại Kim Lạc, trại Kim Lộng và trại Hổ Xà. Nghe nói trại Hổ Xà chính là trại nòng cốt, viên thủ lãnh Đinh Lâu của chúng đóng ở đó. Khanh muốn đột nhập vào trại ấy chăng? Nếu không có người địa phương đưa đường chỉ lối khanh làm sao mà dò tìm ra?
Mưu sĩ Phan Đình Niên tâu:
- Người ta nói "dục tốc bất đạt", ta phải lần từ dễ tới khó. Trước hết, ta nên tìm cách diệt được cái trại gần nhất đang cản đường quân ta đã. Đó là trại Kim Lạc. Phá được trại này tinh thần quân sĩ sẽ phấn chấn thêm lên, ta có thể dễ dàng tính tới những bước kế tiếp.
Vệ vương tâu:
- Ý kiến này phải lắm, xin bệ hạ cho thần thử lửa ở trại Kim Lạc trước!
- Vệ vương muốn dùng bao nhiêu quân sĩ?
- Tâu, làm việc này không thể chuyển quân rầm rộ được, thần chỉ cần mười người!
Mưu sĩ Phan Đình Niên nói:
- Loại giặc này là giặc độc, không thể khinh thường. Vệ vương mạo hiểm như thế lỡ có mệnh hệ nào thì triều đình sẽ bị mang tiếng. Xin cử một tiểu tướng nào đó đi là đủ rồi! Điều cần thiết là phải có một hướng đạo viên người địa phương.
Ngự tiền bí thư Phạm Đăng nói:
- Việc này hết sức cần thiết, rất trọng đại đối với công cuộc an ninh quốc gia. Nếu để cho người nào khác đảm đương e rằng bất kham! Vệ vương đã nghĩ ra kế hoạch tức Vệ vương có thể thực hành kế hoạch tới nơi tới chốn. Công lao hãn hữu đầy vinh dự này phải dành cho Vệ vương mới phải.
Vệ vương hăng hái tiếp lời:
- Nếu bệ hạ cho phép, thần sẽ lập nên kỳ tích cho bệ hạ xem. Thần nghĩ nếu không làm cách này chẳng lẽ bó tay mà về cho giặc mặc tình tung hoành? Chuyến này thần nhất định ra sức để đền đáp ơn dày của bệ hạ!
- Vấn đề lương thực? Thời gian ước hẹn ra sao?
- Muôn tâu, về lương thực chúng thần sẽ tự lo liệu. Về thời gian thần không dám nói trước nhưng thần tin chắc bệ hạ sẽ chẳng phải chờ đợi lâu. Khi nào nhìn về hướng địch thấy một ngọn khói bốc ngất trời là chúng thần đã thành việc. Nếu nửa tháng mà chưa có tin tức của thần, xin bệ hạ cứ coi như việc đã thất bại.
Vua Đại Hành thấy Vệ vương cương quyết như vậy bèn chấp thuận kế hoạch. Vệ vương mừng rỡ bái tạ nhận lãnh sứ mạng. Thế rồi các quan văn võ lần lượt cáo từ lui ra. Bỗng nhà vua ra hiệu cho thị vệ:
- Mời quan ngự tiền bí thư ở lại với trẫm chốc lát!
Chính ngự tiền bí thư Phạm Đăng cũng dự định ở nán lại để gặp vua. Sau khi mọi người đi khỏi, vua Đại Hành hỏi Phạm Đăng:
- Khanh liệu chuyến đi này của Vệ vương thành công không?
Phạm Đăng thưa:
- Muôn tâu, thần không biết chắc thành bại ra sao. Nhưng thiết nghĩ, nếu Vệ vương thành công thì đó là điều đại hạnh cho nước nhà. Ngược lại, nếu Vệ vương thất bại thì bệ hạ cũng giảm bớt được một mối lo trong tim phổi vậy! Nói chung chuyến ra đi này của Vệ vương đối với triều đình dù bại hay thành đằng nào cũng tốt cả!
Vua Đại Hành cười:
- Khanh thì lúc nào cũng thế!
Phạm Đăng khúm núm thưa:
- Đúng thế, thần luôn luôn cầu mong cho cơ nghiệp của bệ hạ vững bền!
*
Nói về Vệ vương sau khi bái mạng vua, vương trở về sai Nguyễn Mỹ, Đinh Hoạt tuyển chọn ngay sáu người nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Vương lại chọn một người địa phương tên Đào Hội, dùng làm hướng đạo viên. Xong xuôi, vương tập họp bọn họ lại rồi tuyên bố:
- Làm trai ở đời nên cứu nạn lớn, lập công to để lưu tiếng thơm muôn thuở. Nên công thì thân vinh, thê phong tử ấm. Nếu không may da ngựa bọc thây thì cũng thỏa mãn tấm lòng vì đã đền đáp ơn vua nợ nước. Còn sống mà chẳng làm nên trò trống gì chẳng qua chỉ là một kiếp sống thừa. Nay ta đưa đến cho các ngươi một cơ hội lập công lớn với triều đình. Vậy các ngươi phải cố gắng hết sức mới được! Trước hết là các ngươi phải tuyệt đối giữ kỷ luật. Mọi hành động đều phải theo đúng lệnh cấp trên. Như thế công việc chúng ta làm mới có kết quả tốt. Kẻ nào hành động vô kỷ luật là tự rước lấy cái chết, không thể nào tha thứ. Các ngươi có quyết ý như thế không?
Đây là những người đã từng theo Vệ vương tham dự nhiều chiến trận. Họ biết tài trí và lòng dũng cảm của vương nên rất tin tưởng vào vương. Họ đồng loạt hô lên:
- Chúng tôi quyết không ngại gian khổ, tình nguyện theo Vệ vương để lập công lớn với triều đình!
Thế rồi vương cho mọi người hóa trang thành những người thợ rừng. Những thứ cần thiết đều được chuẩn bị đầy đủ, nhất là lương khô. Giữa dân chúng, mọi người phải gọi vương là "cậu cả" để bảo mật. Gần nửa đêm hôm đó bọn thợ rừng giả hiệu lên đường. Cậu cả dẫn đoàn người lầm lũi đi trong đêm tối dày đặc mù sương. Đến gần sáng thì họ đến một vùng có rẫy bái. Hướng đạo viên Đào Hội thưa:
- Vùng này có dân chúng ở. Chúng ta cần tìm một nơi để tạm ẩn mình hầu tránh bị phát giác. Nếu để bọn phỉ đánh hơi biết được thì hỏng việc! Xin chờ đêm đến hãy đi tiếp.
Vệ vương khen phải. Thế là đoàn thợ rừng phân làm ba toán tìm chỗ để nghỉ ngơi.
Điều Đào Hội dự đoán quả không sai. Trong ngày ấy nhóm thợ rừng thấy có nhiều tên Man di chuyển qua lại trong vùng. Có người đề nghị với Vệ vương bắt vài tên để khai thác tin tức nhưng vương không chịu. Vương sợ nếu có người mất tích, bọn Man sinh nghi, chúng sẽ đề phòng kỹ hơn. Vương chỉ thị mọi người chỉ được ra tay trong trường hợp không thể né tránh. Thế rồi bọn thợ rừng giả hiệu chia nhau kẻ canh người ngủ. Đến khoảng mặt trời đứng bóng thì mọi người bỗng nghe một tiếng quát lớn:
- Ngươi là ai? Đến đây làm gì?
Bọn Đào Hội giật mình, cùng nhìn về phía có tiếng quát. Họ thấy có một người đàn ông đang đứng khựng, có lẽ là dân đi rừng chính hiệu:
- Dạ, tôi đi rừng!
Hai tên phỉ một tên giương cung, một tên cầm dao rừng dè dặt tiến lại:
- Mày là gian tế của triều đình phải không? Có bao nhiêu thằng?
Người đàn ông hoảng hốt kêu:
- Dạ thưa không phải, tôi chỉ là người tìm trầm, kiếm mật ong và chỉ đi một mình!
Hai tên phỉ đến lục xét người đàn ông rồi lột hết những thứ ông ta mang theo:
- Ra khỏi vùng này ngay! Nếu mày tái phạm tức mày muốn nộp mạng đấy!
Người đàn ông không dám chần chờ, vội vã ra khỏi khu vực. Vệ vương thấy cảnh đó nói với mấy người thuộc hạ:
- Thì ra chúng vẫn lảng vảng khắp nơi. Ta phải cẩn thận lắm mới được!
Toán thợ rừng giả hiệu cứ tiếp tục đêm đi ngày ẩn. Nhờ sự dè dặt cẩn thận tối đa ấy, họ lần theo bước bọn phỉ qua ngày thứ tư mà chúng vẫn không hay biết.
Đến ngày thứ năm, bọn thợ rừng giả hiệu phát hiện ra một số nhà lá nằm trong một vòng rào bằng cây che chắn. Thỉnh thoảng lại có vài tên lính Man rảo quanh gần đó. Vệ vương nghĩ: Đúng rồi, đây là một trại lính Man. Thế là Vệ vương nảy ra ý định đột kích trại này. Đợi đến khi trời tối, Vệ vương sai Nguyễn Mỹ và Đinh Hoạt tìm cách bò lại gần trại để dò xét. Một chốc sau hai người trở về cho biết đây là trại Kim Lạc. Họ cho biết chính mắt họ thấy hai người lính Man đứng gác trước cổng ra vào trại. Vệ vương nói:
- Chúng ta trót lọt vào đây coi như đã lỡ cỡi lưng cọp rồi. Vậy tất cả phải chuẩn bị, đêm nay chúng ta phải làm một trận cho thỏa thích nhé!
Mọi người nghe thế đều lên tinh thần:
- Phải lắm! Làm một trận cho bõ những ngày câm nín núp lén như bọn đạo chích!
Vệ vương nói tiếp:
- Trước hết, Nguyễn Mỹ phải đem thêm hai người tới cửa trại rình chờ ở đó. Đợi khi nào chúng vừa đổi phiên gác xong thì bất thần tấn công bắt chúng đem về đây. Ta phải tra khảo cho rõ tình hình trong đồn rồi hành động mới hiệu quả hơn.
Một người hỏi:
- Thế sao không bắt liền bất cứ bọn lính gác nào mình gặp mà phải đợi bắt mấy thằng mới đến đổi gác?
Vệ vương nói:
- Vì lính mới đổi gác ta bắt ít bị giặc phát giác hơn. Nếu làm ẩu lỡ ta hành động gặp lúc đổi gác hoặc tra hỏi chưa xong mà gặp bọn lính khác ra thay phiên nhau tất phải lộ chuyện, phiền lắm! Phải cẩn thận như thế mới mong khỏi hỏng việc.
Bọn Nguyễn Mỹ tuân lệnh đi khoảng nửa canh giờ thì trở về. Hai chàng nhẹ nhàng đặt hai người lính Man đã bị ngất xỉu xuống đất. Vệ vương bảo giải huyệt cho một tên, tên kia thì đem đi chỗ khác. Lát sau tên Man tỉnh lại. Khi đã hiểu chuyện, y hoảng hốt lạy lục xin tha mạng. Vệ vương bèn hỏi kỹ đồn này do ai chỉ huy, quân lính bao nhiêu người, nhà cửa xây cất, bố trí ra sao, thành phần nào ở chỗ nào... Tên lính Man run sợ trả lời rành mạch từng câu hỏi. Hỏi tên này xong, Vệ vương lại cho đem tên thứ hai đến hỏi để đối chiếu. Khi biết chắc hai tên lính không khai dối, Vệ vương tập trung toán thợ rừng lại để cho hiệu lệnh hành quân:
- Trong đồn tuy thấy nhiều nhà cửa nhưng quân lính hầu hết đã được phân phối ra giữ các nẻo bên ngoài. Hiện tại chỉ có tên phó đầu lãnh Giác Hoàng và một viên chức coi kho lương cùng khoảng năm sáu thuộc hạ ở ngôi nhà chính. Căn nhà sát cổng vào thì có mười lăm tên lính gác nhưng ta đã bắt được hai tên rồi. Với một số người như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng thanh toán gọn. Các ngươi phải cố gắng đừng để một tên nào chạy thoát!
Thế rồi cả toán lặng lẽ tiến vào đồn. Họ không gặp một trở ngại nào. Những người Man ở lại trong đồn hôm ấy đều bị giết sạch. Thấy trong đồn chứa quá nhiều lương thực, Vệ vương quyết định cho thiêu hủy. Trong chốc lát, ngọn lửa rần rật cháy sáng rực cả một vùng rừng. Một số phỉ đóng ở các chốt gần đó ngỡ đồn bị hỏa hoạn kéo nhau về chữa cháy đều bị toán thợ rừng của Vệ vương lần lượt thanh toán hết.
Vua Đại Hành thấy lửa hiệu biết hậu cứ của bọn phỉ đã có biến bèn ra lệnh các mặt đồng loạt tiến quân. Quân giặc đóng chốt rải rác ở miệt Viên Lâm hạ sau khi biết được trại Kim Lạc bị đột kích thiêu hủy, đều hoảng sợ rút chạy về trại Kim Lộng ở Viên Lâm thượng. Vì thế, quân triều tiến lên không gặp mấy trở ngại, ngày hôm sau họ đã kiểm soát được toàn bộ miệt Viên Lâm hạ.
Vua Đại Hành mừng rỡ ban thưởng vàng lụa rất hậu cho những người trong toán quân hoạt động riêng biệt của Vệ vương. Vua lại đặc cách cho mỗi người được thăng một cấp. Ngài tự tay rót một chung ngự tửu trao cho Vệ vương và khen:
- Khanh đúng là con dòng, bẩm thụ được trí lực phi thường của cha, anh!
Vệ vương tâu:
- Bẩm, đó chính là nhờ hồng phúc của bệ hạ chứ không phải do tài của thần đâu!
Rồi hứng chí vì chiến thắng vẻ vang vừa qua, Vệ vương thưa:
- Ta đã phá nát căn cứ của giặc ở Viên Lâm hạ, tất chúng kinh hồn tán đởm phải rút về ẩn núp ở Viên Lâm thượng. Nhân lúc tinh thần bọn phỉ đang giao động, thần xin đem một đạo binh truy lùng để tiêu diệt nốt chúng, mong bệ hạ chấp thuận cho!
Vua Đại Hành cười:
- Khanh thật không hổ danh bậc lương tướng! Nhưng cứ tạm nghỉ ngơi cho khỏe đã, trẫm sẽ còn cần tới khanh nhiều. Hiện trẫm đã cho hai tướng Tô Mẫn và Nguyễn Hùng tiến đánh trại Kim Lộng. Chắc nay mai sẽ có tin mừng!
Vệ vương bèn bái tạ ơn vua rồi tìm chỗ nghỉ ngơi.
Hôm sau thì có người của hai tướng Tô Mẫn và Nguyễn Hùng về xin ra mắt vua Đại Hành. Sứ giả báo tin quân triều đã thiệt hại nhiều nhưng vẫn không hạ được trại Kim Lộng. Hai tướng xin nhà vua tiếp viện thêm quân. Vua Đại Hành than:
- Không ngờ bọn phỉ này dữ dằn đến thế!
Phạm Đăng đứng cạnh nhà vua tâu:
- Tâu bệ hạ, hôm qua Vệ vương đòi cấp binh mã để Vệ vương xuất trận, bệ hạ hãy để Vệ vương đi một phen xem sao?
Thế là vua Đại Hành cấp cho Vệ vương một ngàn quân và ra lệnh tiến phát. Vệ vương lập tức nhận lệnh lên đường. Vương đến ngoài trại Kim Lộng lúc trời vừa tối. Khi tướng Nguyễn Hùng đến bái kiến, vương hỏi:
- Các ông phá trại không nổi à? Quân giặc có đông lắm không?
Nguyễn Hùng thưa:
- Bẩm vương gia, trong trại này có lẽ không tới một ngàn tên. Nhưng ngặt bọn phỉ bắn tên rất giỏi. Chúng có nhiều tay thần tiễn thật đáng nể, không những bắn bách phát bách trúng mà còn bắn quá nhanh. Cùng rút cung một lượt người khác chưa kịp lắp tên nó đã buông mấy phát trúng đích rồi. Thành thử thấy mấy tên này xuất hiện là quân ta đâm rối loạn ngay. Đó là nguyên nhân khiến quân ta tuy đông nhưng chưa làm gì chúng được!
Vệ vương suy nghĩ một lát rồi cười:
- Như vậy ta có thể trị được chúng rồi. Ông hãy thử bắn tiếng hỏi bọn phỉ có dám đấu tiễn không rồi ta sẽ có cách đối xử!
Nguyễn Hùng ngơ ngác hỏi lại:
- Vương gia muốn đề nghị đấu tiễn với chúng à?
- Phải, ta thách thức chúng đấu tiễn! Ông cứ nói như thế này...
Nguyễn Hùng bối rối:
- Bẩm vương gia, nhưng trong quân ta đâu có người nào có thể đối địch với những tay thần tiễn của bọn phỉ?
Vệ vương cười ngạo mạn:
- Chính ta sẽ đấu với chúng!
Cả tướng Nguyễn Hùng lẫn hướng đạo viên Đào Hội đều buột miệng kêu lên:
- Không thể được! Vương gia làm chuyện phiêu lưu như thế rủi có bề nào không những uy tín của triều đình bị sứt mẻ mà bọn tôi cũng mắc tội với hoàng đế vì không biết can gián.
Vệ vương cười lớn:
- Các ông không tin ta sao? Nguyễn tướng quân cứ làm theo lệnh ta! Hãy nói với chúng như vầy...
Nguyễn Hùng dùng dằng nhìn Đào Hội rồi lại nhìn Vệ vương, ông nói:
- Tiểu tướng xin tuân lệnh!
Sau khi đã về trại mình, Nguyễn Hùng cho người bắc loa gọi vào trại Kim Lộng:
- Nghe đây nghe đây! Bọn phỉ hãy lắng tai nghe cho kỹ đây! Lâu nay trong những lần giao chiến ta nhận thấy các ngươi chỉ thạo cái trò bắn trộm người. Đó không phải là hành động của kẻ anh hùng mã thượng. Nay muốn giảm bớt cảnh đổ máu của sĩ tốt, ta đề nghị đôi bên hãy giải quyết việc thắng bại ở đây bằng một cuộc đấu tiễn. Mỗi bên sẽ lựa những người bắn giỏi nhất của mình để cử ra thi tài với nhau. Nếu người của triều đình thua, binh triều sẽ rút quân về để vùng này cho các ngươi tự do hoạt động. Ngược lại, nếu các ngươi thua, các ngươi phải đầu hàng triều đình! Các ngươi có chịu điều kiện như vậy không? Nếu không dám đấu tiễn tức các ngươi không phải là anh hùng hảo hán! Dám đấu hay không hãy trả lời cho chúng ta biết!
Lời thách đố được lập đi lập lại nhiều lần. Bên trong đồn vẫn hoàn toàn im lặng. Quân lính triều đình đã bao phen khiếp hãi vì những tay thần tiễn của bọn phỉ, nay thấy có viện binh đến, họ mới phấn chấn trở lại phần nào. Tới khi nghe sự thách thức đấu tiễn với bọn phỉ, họ lấy làm kinh ngạc lắm.
Hai canh giờ sau thì quân triều nghe tiếng loa từ trong trại Kim Lộng phát ra:
- Nghe đây nghe đây! Nếu phía triều đình cam kết sẽ thi hành đúng lời ước hẹn tùy thuộc vào kết quả của cuộc đấu tiễn, phía chúng tôi sẵn sàng cử người tranh tài. Triều đình ở thế mạnh, chúng tôi ở thế yếu, vì thế, chỉ có thể triều đình phụ ước chứ chúng tôi không bao giờ dám phụ ước. Vậy, muốn có sự tin tưởng về một cuộc đấu tiễn công bằng, hai bên phải cử người đại diện ra mặt giao ước công khai cho quân sĩ hai bên đều nghe thấy. Có như vậy, sau này nếu ai lỗi ước người của hai bên đều biết. Chúng tôi xin đề nghị hôm nay hai bên hãy tạm đình chiến và cho đại diện gặp nhau ngay trước cửa trại Kim Lộng để bàn thảo!
Lời rao của bọn phỉ ở trại Kim Lộng lập lại ba lần thì phía triều đình đáp ứng.
Quân sĩ hai bên dàn ra đối mặt nhau ngay trước cửa chính trại Kim Lộng. Đại diện hai bên bèn gặp nhau để thương thảo công khai về cuộc đấu tiễn. Rốt cục hai bên đều đồng ý ra một thông cáo chung như sau:
"Từ giờ phút này hai phe đối nghịch phải ngưng hết mọi sự xâm phạm nhau, bắn giết nhau. Hai phe cùng thỏa thuận chừa ra một khoảng đất ở mặt trước trại Kim Lộng để làm đấu trường. Hai phe cùng ấn định vị trí đứng của hai đối thủ có khoảng cách đủ xa để người đứng ngoài không thể tiếp tay bắn lén! Mỗi bên sẽ chọn lấy chín xạ thủ, mỗi xạ thủ được sử dụng ba mũi tên. Các xạ thủ không dùng ngựa và sẽ lần lượt đấu nhau từng cặp một. Bên nào thắng được năm trận trở lên là thắng. Cuộc đấu sẽ bắt đầu vào cuối giờ Mão đầu giờ Thìn sáng hôm sau."
Trong khi đại diện của hai bên đang thảo luận việc tổ chức cuộc đấu thì sĩ tốt của hai bên cũng thăm hỏi nhau tìm hiểu xem người nào sẽ được cử ra thi tài. Cái tin chính Vệ vương sẽ thân hành đấu tiễn khiến người cả hai bên đều bị khích động.
Những tay bắn giỏi phía quân Man đều rất tự tin. Lâu nay họ chưa từng gặp một đối thủ cung tiễn nào đáng kể ở phía triều đình. Người nào cũng háo hức muốn chứng kiến tài nghệ của Vệ vương. Vệ vương đã dám thách đấu tất Vệ vương cũng thuộc hạng bắn cung siêu quần. Nhưng Vệ vương làm sao qua mặt được tay thần tiễn Phạm Du của họ? Phạm Du là một tay bắn cực nhanh và chẳng bao giờ bắn trật. Nhất định Vệ vương phải ngã gục. Quân Man ai cũng muốn có cái vinh dự góp phần trong việc đốn ngã vị thân vương ấy. Thế là cái tin hai bên thỏa thuận đấu tiễn để giải quyết chiến trường, nhất là cái tin chính Vệ vương sẽ thân hành dự cuộc đấu đã làm cho toàn bộ quân Man phấn chấn hẳn tinh thần.
Ngược lại, nhiều người phía triều đình rất lo ngại cho Vệ vương. Họ thắc mắc không hiểu sao Vệ vương lại khinh xuất đem thân tranh hơn thua với cái môn sở trường của giặc. Ngược lại, cũng có một số ít người mừng thầm. Họ nghĩ dù thắng hay bại, như hai bên đã giao ước, họ cũng sẽ tránh thoát được cuộc chiến ác nghiệt này.
Hôm sau, khoảng giữa giờ Mão sĩ tốt hai bên đã dàn đầy trước cửa trại Kim Lộng. Chủ tướng của trại Kim Lộng là Giác Hùng và tướng triều đình Tô Mẫn vui vẻ vái chào nhau rồi cùng lo sắp xếp chuẩn bị cuộc đấu. Không mấy chốc, đôi bên đã phân định được khu đất trống dùng làm đấu trường. Những tay thiện xạ người Man đã có mặt rất sớm với vẻ hăm hở. Trong khi đó, tới lúc cuộc đấu sắp mở màn, những tay đấu của triều đình, kể cả Vệ vương vẫn chưa thấy đâu cả. Người của hai bên đều hồi hộp vì thật sự ngoài Vệ vương ra, chưa ai biết được tám xạ thủ khác của triều đình là ai. Có trở ngại gì chăng? Hay phía triều đình kiếm không ra xạ thủ có tài đành chịu bỏ cuộc?
- Vệ vương đến kìa! Vệ vương đến kìa!
Bỗng nhiên đám quân triều đình reo lên. Người của hai bên đều hướng mắt về một toán kỵ sĩ từ xa đang tiến lại. Nhưng toán kỵ sĩ chưa đến địa điểm thi đấu thì phía quân Man lại nhốn nháo hẳn:
- Không xong rồi! Không xong rồi! Trại cháy! Trại cháy!
Bấy giờ ai nấy đều thấy ngọn lửa đang bốc lên rần rật, khói tỏa mù mịt trong trại Kim Lộng. Người ta còn nghe cả tiếng quân sĩ reo hò lẫn tiếng đao kiếm chan chát vang động một góc trời. Mọi người đang nhốn nháo chưa hiểu việc gì xảy ra thì tướng Tô Mẫn nhảy lên lưng con tuấn mã hét lớn:
- Người Man phản rồi! Quân sĩ chưa chịu ra tay còn đợi gì nữa?
Thế là quân sĩ đôi bên hỗn chiến với nhau dữ dội. Ngọn lửa trong trại càng bốc ngùn ngụt tỏa hơi nóng hừng hực đuổi theo chân từng đám quân Man tả tơi thảm hại tranh nhau thoát ra ngoài. Thấy thế, đám quân Man ở trước cửa trại cũng mất hết tinh thần chiến đấu. Trong phút chốc quân Man hoàn toàn tan rã. Quân triều giết hại và bắt tù binh rất nhiều. Chủ trại Giác Hùng và cả tay thần xạ Phạm Du cũng bị bắt. Thế là quân triều chiếm được trại Kim Lộng.
Thừa thắng, Vệ vương đốc thúc các tướng ráo riết đuổi diệt lũ tàn quân. Nhưng cuộc truy đuổi của quân triều lại thất bại. Số là khi ngọn lửa ở trại Kim Lộng bốc lên, quân Man các nơi khác đều biết ngay có biến. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Vì thế, quân triều trong lúc ham đuổi, đã bị quân Man ở các chốt rải rác bắn lén tên độc giết hại rất nhiều. Vệ vương thấy tình thế bất lợi phải ra lệnh lui quân.
Trở lại trại Kim Lộng, Vệ vương ra lệnh quân sĩ thu dọn chiến trường, bố trí lại hệ thống phòng thủ. Tiếp đó, Vệ vương cho sứ giả kíp về báo tiệp với vua Đại Hành.
Bấy giờ mọi người biết việc đề nghị đấu tiễn với người Man chỉ là một mưu lừa. Người Man không ngờ chuyện đó nên họ đã đặt quá nhiều tin tưởng vào cuộc đấu tiễn. Tay đệ nhất thần xạ ở trại Kim Lộng là Phạm Du, người chưa bao giờ bắn trật, đã sẵn sàng bắt cặp với Vệ vương. Họ nghĩ nếu Vệ vương ngã xuống tất tinh thần quân sĩ của triều đình phải đổ theo. Say sưa với ý tưởng lạc quan ấy, bao nhiêu quân tinh nhuệ trong trại Kim Lộng đều bị thu hút hướng về cuộc đấu. Việc phòng thủ của trại Kim Lộng vì thế rất lơi lỏng. Đến nỗi khi tướng Nguyễn Hùng cho quân tiến sát mặt sau, người trong trại vẫn không hay. Trong lúc ở cửa trước trại, quân sĩ hai bên đang nôn nao chờ cuộc đấu tiễn khởi đầu thì phía sau trại, cuộc tập kích của quân triều đình đã đột ngột diễn ra. Quân triều đã đoạt thắng lợi hết sức dễ dàng.
Khi mọi việc tạm ổn, Vệ vương bèn đến thị sát chỗ nhốt tù binh. Nhân đi ngang qua cái cũi nhốt tù nhân Giác Hùng, vương hỏi:
- Ngươi đã bị bắt, nên tỏ ra biết điều mới hòng thoát chết. Bây giờ ta cho phép ngươi đi kêu gọi đồng đảng ở trại Hổ Xà ra đầu hàng để chuộc tội ngươi bằng lòng không?
Giác Hùng phẫn nộ hét:
- Đừng hòng! Ta không đầu hàng bọn hèn hạ như ngươi đâu! Nếu không giở cái trò gian trá bội ước ngươi làm sao bắt được ta?
Vệ vương cười:
- Làm tướng mà chẳng thông binh pháp lại còn trách ai? Ngươi không biết là "việc quân không nề dối trá" ư?
Giác Hùng hổ thẹn lặng thinh. Vương tiếp:
- Thôi được. Ngươi cứ tạm ở đó, đợi hoàng đế đến ngài sẽ quyết định.
Ngay chiều hôm ấy thuyền ngự đã đậu gần trại Kim Lộng. Vệ vương và hai tướng Nguyễn Hùng, Tô Mẫn lần lượt đến bái kiến ngài để tâu trình mọi việc. Sau đó vua Đại Hành thân hành cỡi ngựa đi thăm trận địa. Mấy vị trong ban tham mưu của ngài cùng các tướng lãnh đều tháp tùng. Nhà vua dừng lại nhiều chỗ để hỏi han, ủy lạo quân sĩ. Chỗ nào ngài cũng nghe chúng quân tán thán ca ngợi trí dũng của Vệ vương Đinh Toàn. Sau khi đi một vòng, nhà vua nói:
- Vệ vương quả là tay phi thường! Chuyến bình Man này thành công được là nhờ ở tài trí con cả. Trẫm không biết phải lấy gì mà tưởng thưởng con cho xứng đáng!
Vệ vương thưa:
- Thần không dám! Thật ra mọi sự đều nhờ vào hồng phúc của bệ hạ thôi!
Ngự tiền bí thư Phạm Đăng tâu:
- Tâu bệ hạ, quả vậy! Nếu không có hồng phúc của bệ hạ, Vệ vương dẫu có tài cán cũng không dễ gì làm nên việc!
Khi vua đã về thuyền ngự, Phạm Đăng thưa riêng với vua:
- Bệ hạ thấy Vệ vương được lòng quân sĩ đến thế, bệ hạ không nghĩ gì sao?
Vua hỏi lại:
- Theo khanh thì ta nên làm thế nào?
Phạm Đăng nói:
- Theo ý thần, giặc Man tuy đã thua lớn nhưng hiện nay chúng vẫn còn thủ được trại Hổ Xà. Chúng oán bệ hạ một nhưng lại oán Vệ vương đến mười. Nếu muốn tránh tiếng, bệ hạ không nên bỏ lỡ cơ hội này...
Hôm sau, vua Đại Hành cho triệu tập toàn bộ tham mưu và các tướng lãnh đến thuyền ngự để nghị sự. Mở đầu vua hỏi:
- Bây giờ giặc chỉ còn một trại cuối cùng, các khanh ai có ý kiến gì để có thể diệt nốt nó không?
Các tướng nhìn nhau, ai cũng có vẻ ngại ngùng. Những mũi tên độc của giặc Man đã làm họ chùn bước. Một chốc sau, tướng Tô Mẫn thưa:
- Địa thế hiểm trở quá ta thật khó đánh nhanh được. Phải có kỳ mưu mới xong cho!
Vua Đại Hành nói:
- Con chó cùng đường thường rất hung dữ. Ta không nên dùng sức mạnh ép giặc vào lúc này. Nay giặc Man đã bị ta dồn vào một vào một xó, trước sau gì cũng bị ta diệt. Tuy vậy, chúng sẽ không dễ gì ngồi yên chịu chết. Muốn diệt chúng dĩ nhiên ta cũng phải trả một giá chưa liệu được. Nay ta muốn thể hiện đức hiếu sinh của tạo hóa, mở cho chúng một con đường sống. Vậy các khanh có ai chịu làm sứ giả đến trại Hổ Xà uốn ba tấc lưỡi kêu gọi chúng đầu hàng không?
Vua Đại Hành hỏi xong nhìn quanh mọi người một lượt. Không một ai có ý kiến nào. Bấy giờ vua mới nhìn viên ngự tiền bí thư Phạm Đăng, hỏi:
- Khanh có ý kiến gì không?
Phạm Đăng đứng lên thưa:
- Tâu, thần nghĩ ở đây ngoại trừ Vệ vương không có ai đương nổi việc ấy. Vệ vương là người dũng cảm, lại ứng biến mau lẹ, quân giặc vốn lại nể sợ uy vũ của Vệ vương nữa, xin bệ hạ hãy cử Vệ vương làm sứ, chắc sẽ có kết quả tốt.
Vua Đại Hành quay nhìn Vệ vương:
- Khanh chịu khó gánh vác việc ấy cho trẫm không?
Vệ vương thưa:
- Đấng quân vương đã tin mà giao phó công việc lẽ nào thần dám từ chối. Tuy nhiên, thần không dám bảo đảm việc thành công hay không. Thần chỉ xin hứa chắc thần sẽ cố gắng hết mình thi hành sứ mệnh.
Vua Đại Hành vui vẻ nói:
- Vệ vương nhận lãnh sứ mệnh này thì trẫm khỏi lo gì nữa! Trẫm cho phép khanh tùy tiện đưa ra những điều kiện rộng rãi khi cần để thuyết phục chúng về hàng. Trường hợp chúng đòi hỏi những chức tước nọ kia, nếu xét không quá đáng, khanh cứ thay mặt trẫm mà chấp nhận. Trẫm tin chắc khanh sẽ có những quyết định khôn ngoan làm cho giặc tin phục triều đình. Vậy, khanh có thể chuẩn bị lên đường.
Mưu sĩ Phan Đình Niên tâu:
- Tâu bệ hạ, quân giặc đã từng bị ta lừa, chưa hẳn chúng tin ngay vào đề nghị của sứ giả triều đình. Vậy, tốt hơn hết, để chúng thấy rõ thiện chí của ta, bệ hạ nên phóng thích bọn Giác Hùng, Phạm Du rồi cho chúng theo phái đoàn sứ giả cùng đến trại Hổ Xà tất bước đầu cuộc thương thuyết sẽ thuận lợi hơn!
Phạm Đăng nói:
- Không thể được đâu! Nếu ta không giữ mấy tên tù nòng cốt đó làm con tin, lỡ bọn Man trở mặt thì làm sao?
Phan Đình Niên nói:
- Nếu không muốn tha bọn đầu sỏ thì cũng nên thả một số sĩ tốt, sai họ mang thư của triều đình đến trại Hổ Xà báo trước sẽ có sứ giả đến thương thuyết. Nếu thủ lãnh chúng chịu cho người đến đón tiếp, phái đoàn sứ giả ta mới có thể lên đường. Chứ nếu cứ nhơn nhơn mà đến, người Man với đầu óc đầy thù hận lại sợ mưu lừa, lỡ chúng làm hại sứ giả ta làm sao trở tay cho kịp?
Vua Đại Hành nói:
- Khanh nói có lý, để tỏ rõ thiện chí của triều đình, ta sẽ thả một trăm tù binh Man về trước. Nếu họ cũng bày tỏ thiện chí, chịu từ bỏ ý định lập khu vực tự trị, ta sẽ thả hết số còn lại. Bây giờ Vệ vương hãy cho trẫm biết cần những ai đi theo?
- Tâu, ba thầy trò hạ thần với hướng đạo viên Đào Hội là tạm đủ. Thần chỉ cần thêm hai người lính để sai bảo thôi.
- Khanh ước tính cuộc sứ trình mất thời gian bao lâu?
- Tâu bệ hạ, đường đi không tới ba ngày, về không tới ba ngày, thương thuyết cũng không tới ba ngày. Nhưng người Man lòng dạ khó lường, nếu trong vòng mười ngày chúng thần không trở về coi như đã xảy chuyện chẳng lành. Lúc đó, nếu cần, bệ hạ cứ việc cho lệnh tấn công quân địch. Nếu lúc ấy chúng thần còn sống sót, chúng thần cũng sẽ có cách tự bảo toàn.
- Thế thì chúng ta cứ ước định như vậy!
*
Đoàn sứ giả của triều đình chỉ vỏn vẹn có sáu người: Vệ vương, Đinh Hoạt, Nguyễn Mỹ, Đào Hội và hai người lính. Một đội lính Man đã được thủ lãnh họ cử ra phục dịch và dẫn đường cho đoàn. Mới đến nửa đường sứ giả đã được thủ lãnh Đinh Lâu cùng các phó thủ lãnh là Giác Hữu, Mạnh Cầu ra chào đón rồi cùng về trại Hổ Xà. Người Man đã tiếp đãi người của triều đình rất trọng thể.
Hôm sau, hai bên bắt đầu vào cuộc hội kiến chính thức. Sau khi chủ khách vấn an nhau xong, thủ lãnh Đinh Lâu mở đầu:
- Vệ vương vâng lệnh triều đình đến chốn núi rừng ma thiêng nước độc này chắc đã có chủ trương. Xin cứ thẳng thắn dạy bảo, chúng tôi đã sẵn sàng nghe.
Vệ vương nói:
- Triều đình cử bản vương đến đây chỉ nhằm mục đích nói chuyện hòa giải với các ông. Đó là do ý tốt của thánh thượng, ngài không muốn cuộc huynh đệ tương tàn giữa chúng ta cứ kéo dài. Như các ông đã thấy, người Man các ông mang nhiều họ nhưng họ Đinh chiếm đa số. Bản vương cũng họ Đinh, vậy chẳng phải chúng ta cùng phát xuất từ một nguồn gốc ư? Vì thế, khi thấy các ông làm quấy, bản vương không đành làm ngơ, xin đem mấy lời chân tình để phân tỏ, mong các ông chịu khó lắng nghe. Vừa rồi các ông bại trận liên tiếp, tinh thần binh sĩ đã xuống rất thấp. Hiện nay, các ông đã bị bao vây gom lại một khu vực nhỏ. Tuy các ông có lợi thế về rừng núi hiểm trở và tên độc nhưng quân của các ông quá ít so với triều đình. Phải nói là các ông đang ở vào cái thế một chọi cả trăm. Nếu triều đình háo sát mà thúc quân càn quét một phen nữa liệu các ông có chống nổi không? Cách khác, triều đình không cần đánh mà chỉ bao vây lâu ngày các ông cũng sẽ cạn lương thực mà tan rã. Quân triều lớp này mệt sẽ có lớp khác thay. Còn các ông, quân sĩ chẳng lẽ có sức trời cho không biết mệt? Ăn uống thiếu thốn, đêm ngày chun lủi với muỗi rừng, rắn rết, liệu họ có giữ được kiên nhẫn không hay rồi sẽ trở nên oán hận các ông? Khi họ đã sinh biến, liệu các ông có chắc tự bảo toàn được không? Vậy, bản vương khuyên các ông hãy qui thuận với triều đình, thánh thượng sẵn sàng ban chức tước xứng đáng cho các ông. Như thế, các ông vẫn còn giữ được quyền uy và sự giàu sang, tên tuổi các ông cũng sẽ được ghi vào sử xanh, há lại không hay hơn ư?
Thủ lãnh Đinh Lâu suy nghĩ một chốc rồi nói:
- Thưa, những lời Vệ vương nói tuy đúng về lý, nhưng về nghĩa, chúng tôi thấy còn có chỗ chưa được yên lòng. Khi đứng lên chống lại triều đình, chúng tôi tuy nêu danh nghĩa đòi tự trị để kêu gọi, khích động lòng người nhưng thực chất chúng tôi chỉ chống họ Lê vì họ Lê đã cướp ngôi của họ Đinh, tức là vì ngài mà thôi. Ngặt nỗi lúc bấy giờ ngài đang ở trong tay họ Lê nên chúng tôi không tiện nêu danh nghĩa thật, sợ làm cho ngài phải mang lấy họa. Bây giờ có cơ hội này sao ngài không ở lại cùng chúng tôi quật khởi chống lại họ Lê giành lại nghiệp cũ của Tiên Hoàng?
Vệ vương và những người tháp tùng nghe Đinh Lâu nói những lời như thế đều sững sờ nhìn nhau. Người ta đồn thủ lãnh quân Man rất giảo hoạt quả không sai. Lát sau, Vệ vương nói:
- Việc đời biến cải, đế vương có số, không thể con người muốn mà được. Lúc này là thời của họ Lê, ai cưỡng lại ý trời sẽ rước lấy họa. Bản vương mong quí ông nghĩ đến điều đó.
Đinh Lâu nói:
- Bộ Vệ vương không nhớ tới mối thù của tiên vương sao?
Vệ vương nói khỏa lấp:
- Bản vương lãnh sứ mạng của thánh chúa, ngài không muốn thấy máu dân vô tội đổ nữa, bản vương mong quí ông hiểu thịnh ý của ngài mà qui phục triều đình thì may cho dân chúng lắm. Thánh thượng đã hứa chắc sẽ phong chức tước xứng đáng cho quí ông nếu quí ông chịu về với triều đình. Như thế quí ông vẫn giữ được phú quí mãi mãi. Quí ông phải hiểu cái thực tế là quí ông đang bị binh triều bao vây. Nếu quí ông còn chần chừ không quyết e sẽ hối hận không kịp.
Thủ lãnh Đinh Lâu nghe Vệ vương nói bỗng cười rộ lên khoái trá:
- Chúng tôi biết rõ cái thực tế đó chứ sao không? Tiếc rằng chúng tôi cũng đã loan tin ra ngoài là cuộc nổi dậy của chúng tôi hoàn toàn vì mục đích khôi phục lại nghiệp cả của Đinh Tiên Hoàng! Lỡ cỡi lên lưng cọp rồi bây giờ muốn bước xuống cũng không dễ, cúi xin Vệ vương hiểu cho!
Phó thủ lãnh Giác Hữu cũng nói chêm vào:
- Bẩm Vệ vương, chủ tướng chúng tôi không nói sai đâu. Xin Vệ vương vì sự nghiệp của Tiên Hoàng, hãy đứng về phía chúng tôi. Với trí dũng của ngài, với lòng tận trung của chúng tôi, tin chắc không bao lâu nữa ngài sẽ trở về làm chủ Hoa Lư!
Thế này thì quá lắm rồi! Những lời của đám thủ lãnh quân Man đã làm Vệ vương tím mặt. Những thuộc cấp của vương cũng sôi máu, run người. Nhưng nhớ tới hoàn cảnh hiện tại, họ đều cố dằn lòng lại. Một chốc sau Vệ vương lấy lại được bình tĩnh, ông nói:
- Quí ông nói vậy là sai rồi. Bản vương được thánh thượng nuôi dạy từ thuở nhỏ. Ngài vẫn coi bản vương như con đẻ, lẽ nào bản vương dám mang tâm địa cầm thú mà trả ơn ngài? Đạo lý con người làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, bản vương không thể đi ngược lại. Nếu quí ông cương quyết chống lại triều đình thì bản vương xin cáo từ!
Thủ lãnh Đinh Lâu nói:
- Thưa, Vệ vương muốn trở về chúng tôi không dám cản. Tuy thế, chúng tôi cũng xin chân thành dâng mấy lời: Trước kia Dương Tam Kha từng nuôi Ngô Xương Văn làm nghĩa tử, thế nhưng cuối cùng Ngô Xương Văn cũng lật đổ Dương Tam Kha để giành lại cơ nghiệp của cha mình. Nay ngài quyết đem lòng tận trung đáp ơn vua Lê thật, nhưng ngài đâu có thể buộc vua Lê phải tin ngài không thể hành động như Ngô Xương Văn? Vả, ngài lấy lòng trung để thờ một kẻ bất trung, tiếm vị như Lê Hoàn thì thật là nghịch đời! Chúng tôi nghĩ lâu nay vua Lê chưa hạ thủ ngài chỉ vì vua Lê còn nể Đại Thắng Minh hoàng hậu, nay hoàng hậu đã về trời, trong triều còn ai che chở cho ngài? Giờ đây nếu ngài trở về e hóa ra ngài lại tự kết thúc cuộc đời mình vậy. Mong ngài xét kỹ lại cho!
Vệ vương nghe đến đây thì biến sắc, tâm thần đâm ra bối rối, một lát sau, ngài nói:
- Chúng ta hãy tạm ngưng cuộc đối thoại này đã. Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục!
Thủ lãnh Đinh Lâu cười đắc thắng, nói:
- Xin lĩnh ý Vệ vương. Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục.
*
Sau khi về căn phòng dành cho mình, Vệ vương than với các thuộc cấp:
- Ta đâu có ngờ viên thủ lãnh giặc Man quỉ quyệt đến thế! Bây giờ mình đang ở tình trạng tiến không được mà thối cũng không xong! Các ông nghĩ ta nên làm sao?
Đinh Hoạt nói:
- Âm mưu ly gián của chúng quả là táo tợn. Thánh thượng có thể không lầm nhưng bên cạnh ngài còn có Ngự tiền bí thư Phạm Đăng hiểm độc lúc nào cũng muốn hại ta, tôi e vương gia khó thoát tai vạ.
Nguyễn Mỹ nói:
- Ngày mai vương gia hãy gắng thuyết phục chúng một lần nữa. May ra chúng chịu nghe thì ta còn mong có lối thoát. Tôi nghĩ dù thánh thượng tin lòng vương gia hay không thì thánh thượng cũng không để vương gia yên đâu. Bọn Man nói thế cũng có lý lắm chứ. Sở dĩ lâu nay vương gia được yên ổn chính là nhờ đức mẫu hậu còn đó, không những thánh thượng nể vì người mà triều thần cũng không ai dám dèm siểm. Nhưng bây giờ thì mọi việc đã khác. Cái gương Ngô Xương Văn đâu đã xa gì, thánh thượng lẽ nào không nghĩ tới? Nhất là hiện giờ ngài đã già yếu, mệt mỏi, lòng nghi kỵ của ngài tất nhiên càng tăng... Đó là chưa nói đến các hoàng tử cũng đang hầm hè hại nhau. Anh em ruột thịt họ còn coi nhau như kẻ thù huống là vương gia!
Vệ vương thở dài, nói:
- Ta cũng không ngờ sự việc biến đổi nhanh chóng đến thế!
Hôm sau, khi Vệ vương chuẩn bị đến nhà nghị sự như đã hẹn thì viên đầu mục Mạnh Cầu đến xin ra mắt. Vệ vương cho mời vào hỏi:
- Phó thủ lãnh đến đây có việc gì không?
Mạnh Cầu thưa:
- Bẩm, Đinh thủ lãnh chúng tôi xin tạm hoãn cuộc thương thuyết ít lâu. Thủ lãnh chúng tôi muốn triều đình phóng thích hai đầu mục Giác Hùng và Phạm Du coi như điều kiện tiên quyết để nói chuyện trở lại với nhau. Ngoài việc ấy ra, chúng tôi lại được tin triều đình vừa cho Định Phiên vương Long Túng đem một đạo binh đến tăng cường, chuẩn bị tấn công vào căn cứ Hổ Xà. Vì vậy, Đinh thủ lãnh đã vội ra tiền tuyến quan sát tình hình rồi.
Vệ vương nghe nói bừng bừng nổi giận, hỏi:
- Làm gì mà lôi thôi vậy? Tin triều đình tăng thêm quân đó có chính xác không? Hiện giờ thủ lãnh Đinh Lâu đang ở đâu? Ông mời đến cho ta gặp được không?
Mạnh Cầu nói:
- Bẩm, Đinh thủ lãnh hiện đã ra mặt trận rồi. Ông ấy dặn chúng tôi thưa lại với vương gia cuộc thương thuyết sẽ chỉ nối tiếp khi nào hai đầu mục Giác Hùng và Phạm Du được thả về.
Vệ vương thấy lòng như lửa đốt. Vương hỏi lại:
- Thế ông có biết bao giờ Đinh thủ lãnh trở về không?
- Có lẽ tùy thuộc vào tình hình, nhưng sớm lắm cũng năm ngày nữa.
Vệ vương cảm thấy cuộc thương thuyết đã có dấu hiệu bất thành. Vương không ngờ đột nhiên mình lại vướng vào cái lưới nhện khó gỡ này. Rút lui ư? Ăn nói thế nào với triều đình? Vả lại, chưa chắc phía đối phương đã để cho vương rút lui. Vương hỏi thăm dò:
- Ta muốn cử người đến chỗ hành tại của thiên tử trình bày yêu cầu tiên quyết của Đinh thủ lãnh để thiên tử quyết định. Đồng thời, dò xem sự thể hư thực thế nào, có được không?
- Bẩm, vương gia cứ việc cử người đi, chúng tôi sẽ cho người dẫn đường. Riêng vương gia thì chẳng nên đi đâu cả. Lệnh của Man chúa, chúng tôi phải bảo vệ vương gia bằng mọi giá, xin vương gia hiểu cho chúng tôi.
Vệ vương nghe Mạnh Cầu nói thì biết rằng mình đã bị giam lỏng. Vương bèn quay lại nhìn Nguyễn Mỹ và Đinh Hoạt rồi hỏi:
- Giờ ai muốn thay ta trở về doanh trại triều đình làm công việc ấy?
Nguyễn Mỹ và Đinh Hoạt đều nói:
. Những giờ phút khó khăn này chúng tôi không muốn rời vương gia! Chúng tôi chỉ muốn được cùng sống chết với vương gia thôi!
Thấy hai người nói thế, hướng đạo viên Đào Hội lên tiếng:
- Tôi là người khá thạo đường đi nước bước, xin tình nguyện trở về yết kiến thánh thượng và dò xét tình hình cho vương gia!
Vệ vương nói:
- Ông về cũng tốt. Trước hết hãy đến yết kiến thánh thượng để trình bày tình trạng của chúng ta ở đây, nêu rõ đòi hỏi của Man chúa xem ngài quyết định ra sao. Tiếp đó, hãy khéo léo dò xem có thật Định Phiên vương Long Túng đem quân đến tăng cường không? Ta rất mong đợi tin tức ông đưa về.
Mạnh Cầu cho mấy người lính dẫn Đào Hội ra khỏi khu vực của họ. Vệ vương và hai người tùy tùng thật sự không ai hi vọng Đào Hội trở lại. Ai cũng nghĩ thấy tình hình nguy hiểm ấy, chắc Đào Hội sẽ đi thẳng luôn để tránh họa.
*
Sau khi Vệ vương lên đường, vua Đại Hành gọi Ngự tiền bí thư Phạm Đăng đến hỏi:
- Chuyến này liệu Vệ vương có thuyết phục được bọn Man về hàng không?
Phạm Đăng thưa:
- Tâu bệ hạ, người Man lòng dạ rất khó lường, nay dẫu có hàng mai mốt cũng lại phản thôi. Chỉ nên diệt tận gốc rễ chúng chứ mong gì chuyện thuyết hàng?
Vua Đại Hành làm như không hiểu:
- Khanh có ý ấy sao lại không nói trước để bây giờ ta đã cử Vệ vương đi thương thuyết rồi mới chịu nói?
Phạm Đăng cười:
- Thế không phải bệ hạ định mượn tay bọn Man nhổ cái "đinh" trước mắt sao? Chỉ cần ta ra quân tự nhiên người Man sẽ giúp ta làm việc đó chứ gì? Làm một việc mà kết quả được hai lại không hay ư?
Vua Đại Hành làm ra vẻ khó xử:
- Đại Thắng Minh hoàng hậu mới nằm xuống mồ chưa ráo đất! Trẫm với Vệ vương xưa nay vẫn lấy tình phụ tử mà đãi nhau! Gần đây nhất, Vệ vương đã cứu trẫm khỏi nạn quân Man bắn lén! Nếu không nhờ lòng dũng cảm và mưu trí của Vệ vương, trẫm với khanh làm sao đến được chỗ này hôm nay? Trẫm thật ngại khi phải làm việc đó!
Phạm Đăng thưa:
- Sao bệ hạ lại lẫn lộn việc lớn quốc gia với chuyện tình cảm cá nhân vậy? Bệ hạ không nhớ chuyện cha con Dương Tam Kha với Ngô Xương Văn sao? Bệ hạ không thấy cái dũng lược vượt người của Vệ vương ư? Bây giờ chẳng nói làm gì, một mai kia khi bệ hạ trăm tuổi, liệu các hoàng tử của bệ hạ có người nào đối địch nổi với Vệ vương không?
Vua Đại Hành hỏi lại:
- Nhưng hiện tại Vệ vương vẫn chỉ là kẻ hữu công vô tội, lấy cớ gì mà trừ bỏ?
Phạm Đăng thưa:
- Thì bệ hạ có trừ bỏ Vệ vương đâu? Bọn giặc Man trừ bỏ Vệ vương đấy chứ!
Vua Đại Hành nghe Phạm Đăng nói xong, liền xá Phạm Đăng một cái:
- Ta già cả lú lẫn mất rồi. Quả thật trời cho tiên sinh đến mách bảo điều hơn lẽ thiệt cho ta vậy! Ta nhất định không để vấn đề này day dưa mãi nữa!
Thế rồi vua Đại Hành một mặt sai người về thành Tư Doanh giục Định Phiên vương Long Túng ra quân, một mặt cho người ngầm đầu độc hai tù nhân Giác Hùng và Phạm Du.
Bấy giờ ở trại Hổ Xà, Vệ vương và hai người thân cận Nguyễn Mỹ, Đinh Hoạt vẫn bị người Man canh chừng nghiêm ngặt. Bọn đầu mục trong trại vẫn im ỉm không cho biết thêm điều gì. Thủ lãnh Đinh Lâu ra mặt trận đã năm ngày vẫn chưa thấy trở lại. Thời hạn hẹn với vua Đại Hành cũng sắp chấm dứt. Giữa lúc Vệ vương đang nôn nao trông ngóng thì bất ngờ hướng đạo viên Đào Hội xuất hiện. Vệ vương mừng rỡ gọi Đào Hội đến chỗ riêng để nói chuyện.
- Sao? Thánh thượng giải quyết thế nào về vụ đòi hỏi thả hai đầu mục Giác Hùng và Phạm Du của Man chúa?
- Thưa, thánh thượng cho biết hai đầu mục này đã lâm bệnh mà qua đời cả rồi!
- Trời đất ơi! Còn chuyện Định Phiên vương Long Túng đã đưa quân đến tăng viện có không?
- Bẩm vương gia, có thật, nhưng mới đến khoảng hai ngày thôi.
- Mới đến hai ngày thôi? Sao bọn Man lại hay sớm thế nhỉ? Vậy thì quả thật chúng ta lâm họa rồi! Ông có tiếp xúc được với ai không?
- Bẩm, tôi có tiếp xúc với mưu sĩ Phan Đình Niên. Ông Đình Niên nhắn lời khuyên vương gia phải cẩn thận vì viên Ngự tiền bí thư Phạm Đăng đã thuyết phục được thánh thượng phải nhất quyết trừ bỏ ngài để tránh hậu hoạn.
Vệ vương nói:
- Thôi, ông hãy tạm nghỉ ngơi cho khỏe.
Vệ vương trầm ngâm trở về phòng mình. Lát sau vương thở dài, lẩm bẩm:
- Nếu thánh thượng đã nhất quyết không để ta sống tất ta phải chết! Ta chỉ ân hận một điều là không thực hiện được cái nguyện vọng tha thiết của mẹ ta!
*
Hôm sau, lúc trời còn tinh mơ, mọi người bỗng nghe tiếng quân Man chuyển động rộn ràng khác thường. Đầu mục Mạnh Cầu dẫn một toán quân tới thẳng ngôi nhà dành cho Vệ vương. Mạnh Cầu nói lớn:
- Chúng tôi muốn gặp Vệ vương để hầu chuyện.
Nguyễn Mỹ lật đật vào báo với Vệ vương. Nhưng khi đến nơi, Nguyễn Mỹ thấy Vệ vương đã chết cứng trên giường ngủ, những dòng máu trên áo, trên chiếu đã đông đặc. Một lưỡi dao cắm trên ngực vương chỉ chừa lại cái chuôi. Nguyễn Mỹ hoảng hốt kêu lên. Những người chung quanh xúm lại. Họ nhận ra con dao giết Vệ vương chính là con dao quí mà Vệ vương vẫn đeo bên mình. Khi xem xét thi thể, người ta thấy trên gối vương có hai phong thư. Mở ra xem thì là một tờ sớ dâng vua Lê Đại Hành và một bức thư dặn dò vợ con. Tờ sớ dâng vua đại lược như sau:
"Hạ thần được thánh thượng tin tưởng, giao phó trách nhiệm quan trọng. Tiếc rằng hạ thần tài hèn nên không hoàn thành được sứ mạng, làm lỡ việc nhà nước. Vì thế, hạ thần xin lấy cái chết để tạ lỗi với thánh thượng. Xin thánh thượng niệm tình tiên mẫu, tức Đại Thắng Minh hoàng hậu, niệm tình hạ thần lâu nay vẫn đem hết lòng trung nghĩa để báo ơn thánh thượng, xin ban ơn cho vợ con hạ thần được trở về nguyên quán để sống cuộc đời dân dã. Đó là nguyện vọng tối thiết của tiên mẫu và cũng là của hạ thần. Hạ thần kính cầu chúc hoàng triều trường tồn vạn thế".
Viên đầu mục Mạnh Cầu chứng kiến tận mắt cái chết của Vệ vương cũng đâm ra bối rối. Y đứng ngẩn ngơ một lát rồi nói với những người tùy tùng của Vệ vương:
- Thôi, Vệ vương đã đi rồi, xin chia buồn, các ông cứ tùy tiện xử trí. Quân triều đang xâm phạm căn cứ Hổ Xà, chúng tôi phải lo làm nhiệm vụ nên không thể giúp gì cho các ông giữa lúc này. Điều tôi cần dặn các ông là đừng bao giờ vọng động, vì như thế sẽ chỉ tạo mối nguy hiểm cho các ông thôi!
Bọn Nguyễn Mỹ vừa tắm rửa và thay áo quần cho Vệ vương xong bỗng nghe tiếng reo hò la hét nổi lên. Tiếng la hét trước còn xa xa, sau càng gần, mọi người biết quân triều đã đến. Lát sau thì thấy quân Man tháo chạy hỗn loạn. Bọn Nguyễn Mỹ chưa biết phải làm gì thì chợt thấy tướng Tô Mẫn sãi ngựa chạy ngang, theo sau là một đám quân triều. Nguyễn Mỹ kêu lớn:
- Tô tướng quân! Tô tướng quân!
Tướng Tô Mẫn chạy vòng ngựa lại, hỏi vội vàng:
- Vệ vương ở đâu?
- Thưa tướng quân, Vệ vương người đã mất rồi!
Tướng Tô Mẫn nghe nói nổi giận bừng bừng:
- Quân Man giết Vệ vương rồi ư? Không thể được! Ta phải trả thù!
Rồi ông quay lại đám lính, thét lớn:
- Quân sĩ hãy nghe lệnh ta, phải giết sạch bọn Man không tha một đứa!
Rồi ông múa đại đao đuổi theo đám người Man đang chạy trốn mặc cho Đào Hội, Nguyên Mỹ khản cả tiếng gào theo: "Tô tướng quân! Tô tướng quân xin dừng tay lại!"
*
Sau khi tiêu diệt xong giặc Man, vua Đại Hành ra lệnh ban sư về Hoa Lư. Ngài cho dùng lễ quốc táng để chôn cất Vệ vương. Dân chúng cả nước đều lấy làm thương tiếc cho một vị anh hùng gặp vận bĩ. Vệ vương sinh năm Quí Dậu, mất năm Tân Sửu, hưởng thọ* được 28 tuổi. Khi mọi việc đã hoàn tất, vua Đại Hành vui vẻ nói với Thái úy Phạm Cự Lượng:
- Thế là trọn tình trọn nghĩa mà từ đây trẫm cũng chẳng còn gì để phải lo lắng nữa!
Sau đó ngài lại cho vợ con Vệ vương trở về quê hương sinh sống theo nguyện vọng Dương hậu và của vương.
Thấy gia tướng cũ của Vệ vương là Đinh Hoạt và Nguyễn Mỹ đều có tài, vua Đại Hành định phong chức tước cho họ. Nhưng cả hai người đều một mực từ chối. Họ cùng nhau xin về quê quán làm ăn. Hôm sắp chia tay nhau trên đường về, Nguyễn Mỹ nói với Đinh Hoạt:
- Vua Đại Hành tuy là bậc đại anh hùng nhưng bụng dạ ngài sâu hiểm quá! Thế nào rồi đây con cháu ngài cũng sẽ phải trả nợ cho ngài!
- HẾT -
Chú thích:
*Người thường khi dùng đến chữ thọ để chỉ tuổi 60 trở lên. Riêng vua chúa thì bao nhiêu tuổi cũng có thể dùng tuổi chữ thọ.
Quí Dậu: 973, Tân Sửu: 1001