CHƯƠNG HAI
Tác giả: Ngô Viết Trọng
L ê Mật đến Hoa Lư đúng vào lúc Động chủ Đinh Bộ Lĩnh đang tìm cách liên lạc giao hảo với một vài thế lực khác hầu mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Khi biết Lê Mật nhận sứ mạng của Chương Dương công mà đến, Đinh Động chủ mừng lắm. Ông vẫn tin tưởng Chương Dương công còn được nhiều thế lực trong nước sẵn sàng làm hậu thuẫn. Khi đọc xong lá thư của Chương Dương công, Động chủ chỉ bỡ ngỡ chốc lát rồi định tĩnh lại ngay. Bỡ ngỡ vì ông chưa nghe cha mẹ ông nói đến hôn ước này bao giờ. Nhưng ông mừng rỡ vì đây là đầu mối tốt để ông có thể phát triển thanh thế. Điều làm ông vui nhất là trong thư có nói rõ Dương Vân Nga là con một của Chương Dương công. Ông cho tiếp đãi Lê Mật rất nồng hậu rồi bảo Lưu Cơ thay mình viết bức thư phúc đáp.
Sau khi Lê Mật ra về rồi, Đinh Bộ Lĩnh bèn hội các tướng lại để bàn việc. Các tướng đều vui vẻ chúc mừng:
- Mừng cho Động chủ sắp đẹp thêm duyên mới, thỏa mãn ước hẹn của đức tiên công!
Đinh Bộ Lĩnh cười ha hả:
- Có thật mấy ông chúc mừng ta hay cười nhạo ta già mà còn ham đấy?
Đinh Điền cười tủm tỉm:
- Chuyện hứa hôn giữa bá phụ với Dương công sao đệ chưa hề nghe ai trong gia tộc mình nói tới lần nào cả? Tự nhiên huynh trưởng được vợ đẹp từ trên trời sa xuống, khoái quá rồi còn gì!
Đinh Bộ Lĩnh cười chuyển câu chuyện sang hướng khác:
- Đẹp hay không, chân hay giả thật sự ta cũng chưa biết thế nào. Điều chắc chắn là Dương công vốn chẳng ưa gì họ Ngô, mà lúc này là lúc ta cần cấu kết lòng người, vậy cần gì phải đắn đo? Việc trước mắt bây giờ, ta phải lựa một người thật khéo léo đến Đông Lỗ một chuyến. Trước để dò xét tình hình chung, sau tìm hiểu xem Chương Dương công có giúp đỡ ta được gì nữa không. Đồng thời, xin rước Dương tiểu thư về Hoa Lư một thể. Trong anh em ai có thể thay ta làm việc ấy?
Nguyễn Bặc, Đinh Điền đều tình nguyện xin đi. Bộ Lĩnh nhìn Lưu Cơ hỏi ý:
- Trong hai ông ấy nên chọn ai đi?
Lưu Cơ nói:
- Lúc này Cổ Loa cũng như các sứ quân đang dòm ngó nhau dữ lắm. Việc đi lại giữa những kẻ có thế lực không nên khinh xuất, nhất là ta có kèm thêm nhiệm vụ rước dâu nữa. Đinh huynh trông tướng người uy vũ quá, dễ làm cho thiên hạ chú ý, Nguyễn huynh thì tánh tình nóng nảy, thẳng thắn quá, gặp việc trái ý e khó dằn lòng, cả hai đi đều không tiện. Việc này cần một người khéo léo, uyển chuyển, phải biết cứng biết mềm đúng lúc. Theo tôi nghĩ, Động chủ nên giao cho Lê Hoàn là thích hợp hơn cả. Hơn nữa, Đông Lỗ lại gần phủ Thiệu Thiên, quê quán của Lê Hoàn, Lê Hoàn rành đường đi nước bước hơn người khác, cũng là dịp để Lê Hoàn ghé về thăm quê một chuyến chẳng tiện sao?
Bộ Lĩnh quay sang Lê Hoàn:
- Ông Lưu Cơ nói phải đấy, ông giúp ta đi chuyến này được chứ?
Lê Hoàn mừng rỡ thưa:
- Được Động chủ tin tưởng mà giao nhiệm vụ quan trọng, lẽ nào tiểu tướng không cố gắng hết mình! Chỉ sợ tiểu tướng bất tài làm không trôi việc mà thôi.
Bộ Lĩnh cười:
- Ông đã nhận lời thì ta còn ngại gì nữa! Vậy, hãy chuẩn bị để ngày mai lên đường. Ông cứ trình với Dương công là lúc này ta không thể rời Hoa Lư được. Ông Lưu Cơ sẽ lo thu xếp sính lễ để ông mang theo. Ta tin chắc Dương công hiểu hoàn cảnh ta lúc này mà giản tiện bớt thủ tục.
Lê Hoàn thưa:
- Tiểu tướng cũng nghĩ vậy, nếu có gì rắc rối, tiểu tướng xin cố gắng châm chước để giải quyết cho êm đẹp.
Bộ Lĩnh dặn lại:
- Có ghé thăm quê nhà thì cũng chóng chóng mà về, ta trông đợi ông đấy!
*
Lúc bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh đã có ba người vợ. Người đầu tiên là Mai thị, lớn tuổi hơn chồng, là người vợ do chính mẹ Bộ Lĩnh cưới về, đã qua đời. Bà này có hai người con một trai một gái là Đinh Liễn và Đinh Phất Kim. Đinh Liễn năm ấy đã ngoài hai mươi tuổi, lúc bấy giờ đã là một dũng tướng nòng cốt của Hoa Lư.
Người vợ kế tiếp là Trịnh thị, đã có với Bộ Lĩnh một con gái tên Minh Châu. Trịnh thị là người hiền từ, nhu thuận, chỉ biết tuân phục gia đình chồng. Vì người vợ cả không còn, Trịnh thị đương nhiên được coi là Động chủ đệ nhất phu nhân. Người vợ thứ ba là Ca Ông, một người đàn bà Mường con của một vị tù trưởng từng vang danh một thời. Ca Ông còn trẻ, khá đẹp và thật thà chất phác. Bà được coi là Động chủ đệ nhị phu nhân.
Bình sinh Đinh Bộ Lĩnh là người ham mê việc chinh chiến mà ít chú ý đến nữ sắc. Ông biết Dương công là người thù của họ Ngô, lại nghĩ Dương công còn nhiều người tâm phúc cũ, nên bằng mọi cách ông phải chớp lấy cơ hội. Nghe trong thư Dương công nói tiểu thư Vân Nga có nhan sắc mặn mà, nhưng ông không cần quan tâm đến điều đó. Vân Nga dù có xấu như ma lem ông cũng sẵn sàng chấp nhận. Điều quan trọng của ông là nối kết được với họ Dương. Vì vậy, khi chọn được Lê Hoàn lo việc này ông hài lòng lắm.
Hôm sau, Lê Hoàn và đoàn tùy tùng khăn gói lên đường.
Lê Hoàn người làng Trung Lập, huyện Thủy Nguyên, phủ Thiệu Thiên*, Ái châu, cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng thị, cả hai đều mất sớm. Thấy Lê Hoàn khôi ngô tuấn tú, một viên quan cũng người họ Lê, cùng quê với Hoàn, đã nuôi Hoàn làm con nuôi cho ăn học. Lê Hoàn đã tỏ ra thông minh tót chúng, mới mười sáu tuổi đã thành một thanh niên trí dũng kiêm toàn. Trông bề ngoài người ta chỉ thấy ở Hoàn một dáng vẻ nho nhã, mềm mỏng nhưng thực sự bên trong chứa đựng cả một tánh khí cứng cõi, cao ngạo, đầy tham vọng. Ở lứa tuổi đó, Hoàn đã có ý tự chọn cho mình một hướng đi. Người cha nuôi đã mấy lần khuyên Hoàn lên Cổ Loa để tìm cơ hội tiến thân nhưng Lê Hoàn đều tìm cách từ chối. Sau đó, khi nghe Hoa Lư chiêu hiền đãi sĩ, Hoàn tự mình dẫn thân đến ứng mộ. Lúc đầu Hoàn phục vụ dưới trướng Đinh Liễn, rồi dưới trướng Đinh Điền. Chẳng bao lâu sau, tài năng của Lê Hoàn đã được những đầu lãnh ở Hoa Lư chú ý.
Đinh Bộ Lĩnh tuy là một người có uy vũ khác thường nhưng tính tình lại rất bình dị. Các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ... vẫn hay xưng hô huynh huynh đệ đệ với ông rất thân tình. Riêng Lê Hoàn thì bao giờ cũng giữ một khoảng cách, lúc nào cũng gọi Động chủ và xưng tiểu tướng đàng hoàng. Bộ Lĩnh cắt đặt việc gì Lê Hoàn cũng thi hành nghiêm chỉnh. Hoàn rất khôn ngoan, bình tĩnh trước mọi tình huống và luôn ứng xử hợp lý. Vì vậy, Bộ Lĩnh cũng như các tướng đều nể nang Hoàn.
Đối với thuộc cấp, Lê Hoàn thưởng phạt rất nghiêm minh. Hoàn thường đi sát với quân sĩ ân cần thăm hỏi tìm hiểu nguyện vọng của họ để giúp đỡ. Hoàn rất ghét những kẻ lánh nặng tìm nhẹ, tắc trách trong công việc. Một lần đi kiểm soát thấy một chòi canh vắng người, Hoàn lập tức đòi viên đội trưởng để hỏi lý do. Thì ra tên lính gác vì quá buồn ngủ nên đã lén nằm dưới chân chòi làm một giấc. Hoàn lập tức cho viên đội trưởng tập trung quân sĩ lại rồi hài tội tên lính:
- Nhiệm vụ người lính gác rất quan trọng. Nhiều lúc tính mạng cả một đồn, một trại sống chết tùy thuộc vào một người lính gác. Giặc đến mà người lính gác không phát giác ra để báo động cho cả trại biết để chống cự với giặc thì chết là cái chắc. Vậy, cái tội bỏ canh gác không thể nào tha thứ được. Hôm nay tên Hợi đã phạm phải điều tối kỵ đó, ta phải mượn cái đầu của nó để làm gương cho mọi người.
Thế là tên Hợi bị lôi ra chém.
Về việc đánh giặc, Hoàn là người có nhiều mưu lược, biết ước đoán tình thế, biết tận dụng địa hình địa vực, luôn tạo được thế chủ động trên chiến trường. Khi đã lâm trận, Hoàn bao giờ cũng hăng hái xông pha đi trước. Quân sĩ vì thế đều phải hăng hái tiến theo. Nhờ vậy, quân của Hoàn xuất trận chẳng mấy khi thất bại. Những người có công đều được Hoàn ban thưởng rất xứng đáng. Chiến lợi phẩm thu được hoặc phẩm vật do Động chủ ban thưởng, Hoàn đều phát hết cho lính, không bao giờ giữ lại cho riêng mình chút gì. Vì thế, quân sĩ dưới quyền Hoàn đều rất nể phục vị chủ tướng. Nhờ vậy, đội quân do Hoàn chỉ huy chẳng bao lâu đã trở thành đội quân thiện chiến nhất của Hoa Lư. Động chủ Đinh Bộ Lĩnh dần nhận ra ở Lê Hoàn một tài năng quân sự đáng nể.
Lê Hoàn dẫn theo mười thuộc hạ thân tín, trong số đó có một người cháu họ của Hoàn tên Lê Án. Mọi người đều ăn mặc theo lối con buôn mà đi. Cả đoàn chỉ có một mình Lê Hoàn cỡi một con ngựa cao lớn hùng dũng, còn tất cả đi bộ. Dọc đường không có gì trở ngại. Ngày đi đêm nghỉ, năm ngày sau họ đã đến Thiệu Yên. Khi vào nghỉ tại một quán trọ, Lê Hoàn nói với mọi người:
- Trước khi đi, Động chủ nói sở dĩ giao việc này cho ta là vì Đông Lỗ cũng gần quê ta, ta có thể nhân tiện ghé thăm xóm làng được. Bây giờ chưa có cô dâu chắc đi thăm viếng tiện hơn lần trở về.
Hôm sau Lê Hoàn dẫn đoàn người về thăm quê cũ của mình. Các kỳ hào và trai tráng ở Trung Lập và các làng xã lân cận nghe nói Hoàn đã theo Đinh Bộ Lĩnh, kéo đến thăm hỏi rất đông. Nhân đó, Hoàn hết sức ca tụng sự cường thịnh của Hoa Lư. Các trai tráng nghe nói lấy làm vui thích lắm. Nhờ thế, trong thời gian ở lại quê hai ngày, Hoàn ngầm chiêu tập được một số tráng đinh để đưa về Hoa Lư.
Lê Hoàn ước hẹn với họ ai muốn đi cứ chuẩn bị sẵn sàng. Khi đón dâu xong sắp về Hoa Lư, chàng sẽ cho người đến dẫn đi.
Thăm viếng xóm làng xong xuôi Hoàn mới kéo bầu đoàn đến trang Đông Lỗ.
Nghe tin người đại diện của Động chủ Hoa Lư đến, Dương công lật đật thay quần áo ra đón tiếp. Vừa thấy Dương công, đám thuộc hạ của Lê Hoàn đều quì xuống. Lê Hoàn chỉ nghiêng mình thi lễ:
- Tiểu tướng là Lê Hoàn, thuộc hạ của Hoa Lư Động chủ, xin kính chào Chương Dương công!
Dương công nhìn Lê Hoàn giây lát, hơi lộ vẻ ngạc nhiên:
- Thôi, khỏi cần đa lễ. Mời ông vào tệ xá hãy nói chuyện.
Lê Hoàn khoát tay ra hiệu cho bọn thuộc hạ đứng dậy. Đám người nhà của Dương công vội mời họ đến chỗ tạm nghỉ. Lê Hoàn bước theo Dương công vào nhà trong. Khi gia nhân dọn trà nước xong, Dương công hỏi:
- Động chủ vẫn mạnh giỏi chứ!
- Bẩm vâng, Động chủ tôi khỏe mạnh lắm, tiếc rằng người đang bận rộn việc quân nên không đến hầu Dương công được!
Dương công cười:
- Nghe nói thế lực của Động chủ Hoa Lư mạnh lắm, lão xin thành thực chúc mừng. Hôm nay tướng quân đến đây có mục đích gì?
- Thưa, tiểu tướng vâng lệnh Động chủ đến đây dâng thư và nộp sính lễ để thực hiện hôn ước giữa ngài và Đinh Thứ sử tiên công.
Dương công lộ vẻ vui mừng:
- Động chủ Hoa Lư quả thật là kẻ thành tín không quên ước cũ của cha mẹ, xứng đáng làm gương cho thiên hạ! Bàn tính việc này phải có mặt phu nhân ta mới được!
Nói xong Dương công liền sai người đi mời phu nhân. Lê Hoàn cũng gọi đám thuộc hạ chuẩn bị lễ vật. Lát sau thì Lâm phu nhân đến. Hai tên thuộc hạ của Hoàn cũng bưng hai khay vàng ngọc gấm lụa vào trình lên.
Lê Hoàn dâng thư và thưa:
- Vì thiên hạ đang qua phân, để tránh tai vách mạch rừng, Động chủ tôi không muốn lộ việc đi lại với ngài nên không dám tổ chức lễ nghi rềnh rang đúng lệ. Động chủ tôi chỉ xin dâng một ít vàng ngọc gấm lụa tượng trưng, xin ngài thông cảm chấp nhận cho!
Dương công xem thư xong, nhìn Lê Hoàn hơi lâu, nói:
- Ta từng có cả thiên hạ, của cải đối với ta không đáng kể. Bộ Lĩnh xử sự như vậy là tốt lắm rồi. Ta rất mừng cho con gái ta được gởi thân gặp nơi xứng đáng.
Lâm phu nhân tiếp:
- Tiện nữ còn khờ khạo lắm, xin tướng quân chuyển lời chúng tôi đến Đinh Động chủ, nếu tiện nữ có sai sót vấp váp gì xin chớ chấp trách. Măng non còn dễ uốn, từ từ mọi việc sẽ tốt đẹp.
Lê Hoàn toan đáp lời nhưng thấy Dương công nhìn mình có vẻ khác lạ thì đâm ra ngập ngừng. Dương công lại nói:
- Động chủ Hoa Lư có được những thần tử như ông chắc hẳn làm nên nghiệp lớn chẳng sai! Ông cứ ở đây nghỉ ngơi vài bữa, đợi lão chuẩn bị cho tiện nữ một ít của hồi môn rồi nhờ ông đưa về Đinh gia luôn thể. Gia đình lão xin thành thật cám ơn ông.
- Cảm tạ Dương công và phu nhân, tiểu tướng xin vâng theo lời chỉ dạy.
Dương công gọi người quản gia đến dặn dò điều gì đó rồi quay sang Lê Hoàn:
- Lão đã cho thu xếp xong chỗ nghỉ cho đám người nhà của tướng quân. Riêng tướng quân, cách đây hai phòng có một phòng nhỏ cũng khá đầy đủ tiện nghi, lão vẫn dành cho khách quí. Xin mời tướng quân nghỉ tạm đó vài hôm. Nếu khi nào tướng quân cảm thấy nơi này ồn ào khó chịu, xin mời tướng quân ra Trích Tiên Viên chơi cho khuây khỏa. Ở đó tướng quân có thể dạo mát thưởng hoa, xem cá, đánh cờ... Lão lúc nào cũng sẵn sàng chiều ý tướng quân.
- Dạ, tiểu tướng đâu dám phiền Dương công đến thế. Tiểu tướng chỉ xin cho mượn một chiếc giường, một tấm chăn là đủ...
- Không! Tướng quân đừng áy náy chuyện đó. Thật lòng lão rất quí tướng quân. Lão có mắt nhìn người lắm chứ! Tướng quân chính là bề tôi lương đống sẽ giúp Đinh Động chủ lập nên nghiệp lớn.
Công cười ha hả nói tiếp:
- Sau này khi đắc ý rồi chớ quên lão nhé!
Lê Hoàn khiêm tốn nói:
- Không dám! Dương công quá khen làm tiểu tướng thêm thẹn mặt.
Lê Hoàn thấy Dương công thật tình quí mến mình thì hết sức vui vẻ. Uống trà chưa xong thì gia nhân đã dọn cơm chiều. Công và phu nhân ân cần mời Lê Hoàn cùng dùng bữa với họ. Trong khi ăn uống, Lâm phu nhân hỏi Lê Hoàn:
- Nghe Đinh Động chủ hiện nay có đến hai vợ, chẳng hay sinh hoạt gia đình của Động chủ vẫn trong ấm ngoài êm chứ?
Lê Hoàn thưa:
- Thú thật tiểu tướng cũng chẳng tìm hiểu chuyện đó bên trong thế nào. Tiểu tướng chỉ thấy cả hai bà đều có vẻ hiền và qua lại thân mật với nhau. Hình như Động chủ cũng chẳng tỏ vẻ thiên vị bà nào.
Lâm phu nhân có vẻ mừng:
- Như thế thì ta đỡ lo. Làm mẹ khổ lắm tướng quân à, gả con mà cứ sợ con khổ!
Cơm nước xong, người quản gia dẫn Lê Hoàn vào nghỉ ở phòng dành cho khách quí của trang Đông Lỗ. Lê Hoàn hỏi:
- Hồi chiều tôi nghe trang chủ nói đến Trích Tiên Viên, chắc chỗ đó đẹp lắm nhỉ?
Người quản gia đáp:
- Đó là một khu vườn cảnh trí hết sức tuyệt vời. Người đang có nỗi phiền muội bứt rứt đến thế nào hễ bước vào đó tự nhiên bao nhiêu ưu uất đều bay biến hết. Dương công vẫn hay lui tới nghỉ ngơi dưỡng thần ở đó.
- Tại sao gọi là Trích Tiên Viên?
- Thưa, vì đó là khu vườn do Dương công cho lập ra với mục đích làm nơi di dưỡng tinh thần. Sau khi thoái vị, công cảm thấy đau khổ tột cùng và mang tâm trạng một vị tiên bị đày, chẳng còn thiết chi việc đời nữa. Khi đến Đông Lỗ này, việc trước tiên của công là lập cái vườn để giải sầu ấy nên công đặt tên là Trích Tiên Viên, tức là vườn của vị tiên bị đày. Công đã hao tốn không biết bao nhiêu tiền của cho khu vườn này. Ngoài một số cây ăn quả các loại như nhãn, vải, ổi, mít..., công đã cho người tìm đủ các loại kỳ hoa dị thảo từ nhiều nơi đem về trồng. Ở trung tâm vườn công cho dựng một ngôi nhà chính để nghỉ. Trong ngôi nhà chính, công cho sắm sửa đủ thứ tiện nghi để có thể ở lại. Có cả tủ sách chứa nhiều sách quí nữa. Gần gần đó, công cho dựng một ngôi nhà khác dành cho gia nhân. Công đã tạo cho vườn cảnh của mình thành một chốn non Bồng nước Nhược đâu đâu ấy!
Lê Hoàn cười:
- Chắc giờ Chương Dương công đã thành vị lão tiên thật sự?
Người quản gia buột miệng:
- Nhưng là vị lão tiên còn vướng cốt trần...
Lê Hoàn ngạc nhiên:
- Sao ông lại nói vậy?
Người quản gia cười:
- Nói để bụng, tướng quân bỏ qua cho, thực sự trang chủ tôi vẫn chưa nguôi hận cũ. Vì thế công rất kỳ vọng ở Hoa Lư Động chủ, chàng rể tương lai của người. Tướng quân thấy trang chủ tôi tiếp đón tướng quân như thế thì đủ biết. Thiết tưởng tướng quân cũng nên đề nghị với người đi viếng Trích Tiên Viên một lần kẻo uổng chứ!
- Cám ơn ông quản gia. Quả thế thì tôi phải xin Dương công viếng Trích Tiên Viên một chuyến.
*
Hôm sau, khi Lê Hoàn vừa thức giấc thì Lê Án đã đứng chực sẵn bên cạnh, Lê Án nói:
- Chương Dương công cho người sang mời tướng quân dùng trà từ sớm nhưng thấy tướng quân còn ngủ nên người kia vẫn ngồi đợi bên ngoài đấy.
Lê Hoàn giật mình:
- Sao ngươi không gọi ta dậy?
Lê Án thưa:
- Bởi hồi hôm tướng quân thức đọc sách khuya quá. Lại nữa, Dương công có dặn người nhà không được đánh thức, phải chờ tướng quân dậy mới được mời.
Lê Hoàn bèn lật đật sửa soạn sang phòng trà của Dương công. Thấy Hoàn đến, Dương công tươi cười nói:
- Lão có lệ quen thức dậy sớm nên làm phiền tướng quân. Hôm nay lão muốn mời tướng quân đi chơi ở Trích Tiên Viên một lần cho biết. Sau khi ngoạn cảnh, chúng ta sẽ có những thú giải trí khác. Không rõ tướng quân có nhã hứng nào? Chơi cờ, uống rượu, đánh đàn, hội họa hay làm thơ để lão cho người chuẩn bị?
Lê Hoàn cười lúng túng:
- Thưa, tiểu tướng thô lậu lắm, chỉ biết chơi cờ sơ sài và uống rượu chút ít.
Dương công cười ha hả:
- Vậy tướng quân là tri kỷ của lão rồi. Lão cũng chỉ thích hai món đó. Tướng quân nên dắt theo một thuộc hạ để sai khiến cho tiện.
Dương công lại quay sang đám người nhà:
- Hôm nay thằng Thiên, thằng Vạn thu xếp để theo ta ra Trích Tiên Viên chơi!
Lê Hoàn tưởng phải dùng ngựa nên sai Lê Án chuẩn bị. Chương Dương công thấy vậy khoát tay cười:
- Khỏi cần ngựa. Lão đây còn đi bộ được mà!
Lê Hoàn ngạc nhiên hỏi:
- Bộ Trích Tiên Viên gần lắm sao?
Dương công cười:
- Cũng không gần nhưng đi bộ được. Lão vẫn thích đi bộ cho khỏe người. Mình con nhà võ mà!
Lát sau thì mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ. Dương công cầm một cây gậy, thằng Thiên gánh một gánh nhẹ những thứ cần thiết, thằng Vạn cầm một cây dao rừng. Thầy trò Lê Hoàn thì mang vũ khí của mình. Đoàn người ra khỏi nhà đi được một đoạn thì họ bắt đầu thấy hai bên đường người ta trồng bí đỏ bạt ngàn, lá xanh lá vàng lẫn lộn, trái lộ ra vô số nằm lổn ngổn trên một vùng đất rộng mênh mông không thấy được đâu là ranh giới. Con đường mòn không có được một cây bóng mát dưới ánh mặt trời buổi sáng chói chang đã làm mọi người đổ mồ hôi. Lê Hoàn tiến lại gần anh thanh niên cầm cây dao rừng tên Vạn, thân mật hỏi:
- Bí trồng nhiều thế này làm sao tiêu thụ cho hết?
- Chở đi nhiều nơi khác chứ tướng quân! Mấy vạn trái bán cũng hết, lo gì!
Lê Hoàn cười:
- Tìm chơi cảnh tiên mà sao lại phải chịu qua cơn nóng bức thế này, đúng là tiên bị đày. Chừng bao lâu nữa mới đến?
Gã gia nhân tên Vạn cũng cười:
- Dạ, qua hết cái vùng trồng bí đỏ này thì tới. Dương công vẫn nói trước khi vào Thiên Thai phải qua ải đọa đày trần tục đã mới thấy được Thiên Thai là chốn hạnh phúc. Cũng như muốn ăn cơm ngon trước hết phải để bụng thật đói đã.
- Anh chắc hay đến chơi ở Trích Tiên Viên lắm?
- Dạ thưa, chúng con từng toán thay phiên nhau, không phải đến chơi mà đến canh phòng, tưới tắm, chăm sóc hoa trái, cho chim cho cá ăn hằng ngày.
- Người ngoài có hay đến chơi vườn này không?
- Thưa không, chỉ có Chương Dương công, Dương tiểu thư và hai cô hầu hay đến thôi. Tướng quân là vị khách quí đầu tiên được mời viếng Trích Tiên Viên đấy!
- Vậy ư, không ngờ ta lại hân hạnh đến thế!
- Thưa, đúng vậy - thanh niên tên Vạn bỗng bước nhanh vượt qua mọi người - Xin lỗi tướng quân, con phải lên trước để mở cổng.
Bấy giờ Lê Hoàn mới nhìn thấy một tấm biển đề ba chữ lớn "Trích Tiên Viên" ở phía trước mặt. Từ khi bắt đầu chuyến đi, Dương công vẫn xăm xăm bước trước, lúc này công bỗng dừng lại đợi Lê Hoàn:
- Ông biết không, chính cái vườn này đã cho lão những giây phút thảnh thơi tâm trí nhất. Mỗi khi có sự bực dọc, lão lại đến đây tịnh dưỡng. Có khi lão ở lại cả mấy ngày, ngắm cảnh chán thì độc ẩm hay nằm đọc sách. Hôm nay là lần đầu lão cho mang bàn cờ đến, lại có bạn đối ẩm, chắc hẳn vui hơn nhiều.
Công cầm tay Lê Hoàn dắt qua cái cổng chính, cười hãnh diện hỏi Hoàn:
- Ông đã nhận ra cảm giác gì về cảnh tiên chưa?
Lê Hoàn giật mình. Quả thật suốt đoạn đường đến đây ông rất khó chịu vì sự nực nội dưới ánh nắng gay gắt của một buổi sáng đứng gió. Giờ bỗng nhiên ông thấy sảng khoái hẳn dưới bóng râm mát rượi của mấy cây nhãn cổ thụ trồng hai bên lối dẫn vào vườn. Rồi mùi hương hoa thoang thoảng, tiếng chim hót líu lo càng làm cho Lê Hoàn vui vẻ, xao xuyến...
- Thưa Dương công, công mới đến lập nghiệp nơi này cao tay là chục năm mà sao lại trồng được những cây ăn trái có vẻ nhiều tuổi vậy? - Lê Hoàn hỏi.
- Ông không rõ chứ thật ra lão đã lập cái vườn này từ thời còn trai trẻ. Ngày ấy đâu ngờ mình lại chuẩn bị cho hôm nay, thế mà lại hay. Chúng ta hãy vào nhà uống nước cái đã rồi tiếp tục đi ngoạn cảnh...
Vừa theo chân Dương công bước vào nhà, Lê Hoàn ngạc nhiên nghe mấy tiếng chào hơi lạ tai:
- Chào mừng Dương công! Chào mừng Dương công!
Thì ra đấy là tiếng hai con két. Lê Hoàn ngước lên thấy một dãy lồng sơn phết đủ màu rất đẹp mắt treo trước hiên nhà. Ngoài hai con két, còn có rất nhiều loại chim quí hiếm khác, mỗi con một vẻ xinh xắn sặc sỡ vô cùng, nhiều con cất tiếng hót rất hay. Lê Hoàn phải ngẩn ngơ hồi lâu trước các giống chim lạ lần đầu tiên trong đời chàng thấy được.
Sau khi ăn bánh uống nước, Dương công dẫn Lê Hoàn đi dạo vườn. Hoa ơi là hoa đủ loại, muôn hồng ngàn tía nhìn đâu cũng thấy rặt toàn hoa. Hương thơm cứ tỏa ngào ngạt, ong bướm cứ bay lượn dập dìu... Rải rác đó đây là những bể nước nuôi cá cảnh, có đặt những hòn non bộ dựng những cảnh sắc con nai, con hổ... rất lâm tuyền hoặc mang vẻ tiên giới như hai ông tiên ngồi đánh cờ, gã tiều phu chống búa đứng xem...
Dương công lại dẫn Lê Hoàn ra suối Ngọc Chân. Con suối này cũng cực kỳ xinh đẹp. Lòng suối không lớn lắm, hơi dốc, khúc cạn khúc sâu. Nước suối rất trong, đứng bên bờ ta có thể thấy rõ những con cá bơi lượn bên dưới. Đó đây vài cánh hoa rụng man mác trôi theo dòng. Những con cá nhảy lên đớp rỉa làm cho những cánh hoa ấy vỡ ra, chúng tranh nhau ăn những mảnh vụn hoặc những con kiến. Có nhiều đọan suối được ngăn những bậc đá để tạo thành những cái thác nhỏ xinh xắn. Hai bên bờ suối cũng rặt hoa là hoa chen chúc đủ loại. Thỉnh thoảng lại có vài phiến đá lớn mặt phẳng mát rượi có thể nằm nghỉ được ở ngay dưới bóng râm của một tàn cây cổ thụ. Đến nơi này, hai người đàn ông một lão một trai không hẹn mà cùng nổi hứng nằm dài lên những phiến đá, ngửa mặt ngắm trời mây. Tiếng suối rù rì, róc rách hòa với tiếng chim chỗ này líu lo, chỗ kia ríu rít, chỗ nọ véo von dồn dập, cộng thêm tiếng vượn réo ngân dài xa xa, thỉnh thoảng lại điểm thêm vài tiếng cu gáy thong thả... tạo thành một thứ âm nhạc đa dạng nghe khoái nhỉ làm sao!
- Con suối này quả thật là con suối tiên! Thưa Dương công, ngài đặt tên con suối này là Ngọc Chân nó mang ý nghĩa gì?
- Ồ, đó là tên một trong hai nàng tiên mà ngày xưa Lưu Thần, Nguyễn Triệu đi hái thuốc trong rừng gặp được. Hai chàng đã chung sống với hai nàng tiên ấy ở một nơi gọi là động Thiên Thai qua một thời gian tràn đầy hạnh phúc. Sau vì nhớ nhà quá, hai chàng bèn xin về thăm một chuyến. Hai nàng bảo không nên, nhưng hai chàng cứ nài nỉ mãi. Rốt cục hai nàng phải xiêu lòng thuận theo. Khi về đến quê hương, hai chàng mới biết mình đã sống trải qua nhiều đời. Họ ra đi hái thuốc vào giữa đời Hán, lúc về thăm làng cũ thì đã sang đời Tấn. Cảm thấy bơ vơ, trơ trọi giữa lũ cháu chắt xa lạ, hai chàng hối hận bèn tìm trở lại động Thiên Thai tìm người cũ. Nhưng ở đây hai người chẳng còn tìm lại được dấu vết xưa, mọi thứ đã thay đổi cả. Việc đó đã được một thi sĩ đời Đường làm thành thơ, lâu quá lão không còn nhớ tên thi sĩ nào, hình như là Tào Đường thì phải!
Thế rồi Dương công cao hứng ngâm:
"Tái đáo Thiên Thai phỏng Ngọc Chân,
Thương đài bạch thạch dĩ thành trần,
Sanh ca tịch mịch nhàn thâm động,
Vân hạc tiêu điều tuyệt cựu lân,
Thảo thụ tổng phi tiền độ sắc,
Yên hà bất tợ vãn niên xuân,
Đào hoa lưu thủy y nhiên tại,
Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân!"
Giọng ngâm của Dương công buồn, hàm chứa bao nhiêu nuối tiếc có lẽ mang tâm trạng như hai chàng Lưu, Nguyễn. Công thở dài rồi tiếp:
- Ông thấy đấy, có nhiều cái đẹp qua rồi không bao giờ tìm lại được nữa. Khi hai chàng Lưu Nguyễn trở lại thăm Ngọc Chân chỉ thấy còn trơ rêu xanh đá trắng. Tiếng sanh ca trong động sâu đã im phăng phắc. Mây bay hạc múa cùng là người xóm cũ cũng chẳng còn. Cây cỏ cũng đã đổi màu tất. Mây khói, ráng chiều cũng chẳng thấy đẹp như xưa. Chỉ còn chăng là dòng nước chảy cuốn theo những hoa đào vẫn lặng lẽ trôi như ngày trước. Than ôi, người chuốc rượu cho ta thời ấy bây giờ ở đâu?
Lê Hoàn nhìn Dương công, chàng bắt gặp ở công một vẻ đăm chiêu, ngùi ngùi. Có lẽ công đang thả hồn về một thuở vàng son xa xưa. Chàng chợt thấy mình thông cảm sâu xa lòng dạ vị cựu vương. Phải, mới ngày nào xe ngựa xôn xao! Hằng ngày điếc tai vì những lời tán tụng, nịnh bợ! Bao nhiêu cô gái thanh tân dập dìu hầu hạ từng bữa ăn, từng giấc ngủ! Giờ đây hiu quạnh, người cũ cũng chẳng còn ai! Thử hỏi trước cảnh đổi thay to lớn như vậy ai mà chẳng có lúc cảm thấy bùi ngùi? Để phá tan bầu không khí này, Lê Hoàn bình phẩm:
- Vườn Trích Tiên quả thật tuyệt vời! Từ bé tới giờ tiểu tướng mới gặp được một nơi có cảnh trí tuyệt vời như thế này! Tiểu tướng cũng thành thực xin bái phục sức khỏe của Dương công, ngần ấy tuổi tác mà đi bộ cả buổi dưới nắng gắt chẳng thấy hề hấn gì!
Như chợt tỉnh cơn mộng, Dương công quay lại nhìn Lê Hoàn:
- Có gì đâu, chẳng qua là thói quen thôi. Giờ chúng ta tạm về nhà nghỉ ngơi rồi lát nữa chơi ít ván cờ, được không?
- Dạ, tiểu tướng rất hân hạnh được hầu cờ Chương Dương công.
Thế là Dương công sai người nhà dọn một mâm rượu thịt và sắp bàn cờ ra ngay trước hiên nhà. Công chỉ cái bầu rượu bên ngoài có vẽ hai con rồng xanh đang múa lượn giữa những đám mây vàng, nói với Lê Hoàn:
- Đây là thứ rượu gia truyền loại thượng hạng do chính người nhà lão nấu và cất giữ đã nhiều năm. Lão chỉ dùng thứ này trong trường hợp mời khách đại quí. Chúng ta hãy làm trước mỗi người một chung để thêm hứng thú mà chơi cờ.
Nói xong, công rót rượu ra chung. Lê Hoàn hơi ngạc nhiên: "Không ngờ Dương công lại trân trọng với mình đến thế!". Uống xong chung rượu đầu, hai người bắt tay vào bàn cờ. Dương công nhường cho Lê Hoàn ra quân trước. Những nước cờ đầu, có lẽ do sự xúc động và nể nang, Lê Hoàn đi có vẻ lúng túng. Chẳng mấy lúc quân của Hoàn đã bị quân Dương công áp đảo. Nhìn bàn cờ ai cũng nghĩ Dương công thắng cầm chắc. Nhưng rồi không hiểu vì sao Dương công lại lơ đễnh đi những nước sơ hở. Cuối cùng Dương công thua bàn đó. Thua ngược bàn cờ mình đã chiếm được ưu thế toàn bộ trước nhưng công không có vẻ bực bội chút nào, lại còn hào hứng nói:
- Đấy, có sức mạnh áp đảo người ta trước chưa chắc đã thắng. Ngược lại, kẻ bị người áp đảo tưởng không ngoi đầu lên nổi rốt cuộc lại thành công! Vậy, tướng quân và lão phải làm mỗi người một chung để mừng cho sự biến cải kỳ diệu này!
Lê Hoàn liền rót rượu rồi hai người cùng nâng lên một lượt. Khi sắp lại bàn cờ thứ hai, Dương công càng cao hứng ngâm vang:
- "Nhân tình tợ chỉ, trương trương bạc, Thế sự như kỳ, cuộc cuộc tân..." Người xưa đã nói khó mà sai chạy lắm! Không có chi bạc bẽo bằng tình người! Có lẽ lão là người đã kinh qua chuyện đó đậm đà nhất. Nhưng ai ở bạc thì có trời trả bạc lại thôi. Họ Ngô rồi cũng tới ngày tàn. Chuyện đời như bàn cờ, mỗi ván mỗi mới, không có ván nào giống ván nào đâu!
Lê Hoàn giật mình. Chàng lại nhìn Dương công, chàng cảm thấy như mắt công đang tóe ra những tia uất giận. Dương công lại rót rượu. Giọng công gần như mất mạch lạc, thiếu tự nhiên:
- Uống đi, uống đi mà chúc mừng cho sự đổi thay sắp đến. Này ông tướng Lê Hoàn, những tướng tá dưới quyền Đinh Bộ Lĩnh cỡ như ông được mấy người?
- Thưa, hạng tiểu tướng như Hoàn này kể làm gì thêm hỗ ngươi. Những người theo Động chủ từ lâu từng lập bao nhiêu công trạng oanh oanh liệt liệt đâu có thiếu? Lưu Cơ, Trịnh Tú, Đinh Điền, Nguyễn Bặc,... tay nào cũng đáng mặt anh hùng. Đó là chưa kể đến một trang kiệt hiệt đang lên, chính là người con cả của Động chủ - Đinh Liễn - một ngôi sao sáng chói trên vòm trời Hoa Lư!
- Vậy thì chúng ta phải uống mừng cho Hoa Lư Động chủ!
Dương công khua tay đụng phải bàn cờ làm cho quân cờ hai bên mới đi vài nước trở nên lộn xộn. Cả hai cũng chẳng ai buồn sắp lại chúng. Lê Hoàn chưa uống hết một chung thì Dương công đã tự thưởng cho mình ba chung liên tiếp. Rồi công lại rót cho Lê Hoàn, thúc ép:
- Ông phải uống thật nhiều mới phải chứ! Cổ Loa bị diệt vong thì ông thành khai quốc công thần của tân triều chớ chẳng chơi đâu!
Lê Hoàn nhận ra Dương công đã lộ hẳn thái độ thất thường. Tuy tửu lượng chàng cũng cao nhưng trước mặt vị cựu vương lớn tuổi - cũng là nhạc phụ tương lai của Hoa Lư Động chủ, và nhất là trước thái độ thất thường đó, Lê Hoàn bắt đầu giữ ý. Mặc kệ Hoàn, Dương công chẳng thèm để ý. Đối nhân không uống Dương công vẫn tự rót uống một mình. Lát sau, Dương công ra lệnh:
- Hãy mang thêm rượu lại đây để ta chúc mừng Hoa Lư sớm tới ngày dấy nghiệp!
Hai gã Thiên và Vạn lật đật mang rượu lại. Dương công tiếp:
- Thằng Thiên, thằng Vạn và cả thằng gì theo Lê tướng quân đó, cho phép tụi mày mang mấy vò rượu nhì ra ngoài kia uống với nhau để chúc mừng tướng quân Lê Hoàn sẽ trở thành vị khai quốc công thần của một triều đại mới!
Trời đất ơi! Dương công đã say đến thế sao?
Đám thuộc hạ cũng đâm ra ngẩn ngơ: Rượu quí nữa! Có bao giờ Dương công ra ân huệ rộng rãi với đám đầy tớ đến mức ấy đâu? Chắc hẳn trong lòng ngài đang có niềm vui lớn. Phải chăng vì tiểu thư Vân Nga sắp về nhà chồng? Thiên và Vạn nghe công nói mà không dám tin ở tai mình, chúng đều ái ngại nhìn Lê Hoàn như hỏi ý. Lê Hoàn cũng ái ngại nói với Dương công:
- Nếu để chúng cùng say hết thì e có khi chúng mang lỗi với ngài?
Dương công đẩy bàn cờ ra một bên, lớn tiếng:
- Ta đã nói cho phép mà! Chúng bây không nghe lệnh ta nữa hay sao? Chỉ cần nhớ đêm nay ta và Lê tướng quân ở lại đây, bây phải lo thắp đèn trong lẫn ngoài sớm hơn thường lệ!
Hai anh người nhà chỉ đợi có thế. Vừa khỏi phải chầu chực hầu hạ chủ nhân vừa được tự do uống rượu ai không muốn? Lê Hoàn thấy vậy bèn gọi Lê Án lại dặn:
- Dương công đã cho phép thì ngươi cứ uống với anh em. Nhưng nhớ uống chừng mực đấy nhé!
Thế là ba chàng trẻ hí hửng mang một chiếc chiếu dẫn nhau đến dưới một gốc mít có tàn lớn cách hiên nhà một đoạn khá xa. Dương công có lẽ do nỗi riêng trong lòng có cơ hội bộc lộ, cứ uống tràn. Chẳng mấy chốc công đã nói cười, rồi khóc gào, rồi ngâm thơ loạn ra. Lê Hoàn không dám ngăn cản mà chỉ ngồi uống sơ sài cầm chừng. Khi Dương công đã say gục, Lê Hoàn đỡ công lên một cái giường lèo rồi lót dưới đầu cho công một chiếc gối. Sau đó Hoàn ngồi nhấm nháp một mình, nhìn Dương công mà suy ngẫm chuyện bể dâu trong cuộc đời...
Bọn thằng Vạn vẫn thay nhau chốc chốc trở lại xem chừng Dương công. Tới khi thấy chủ đã thật sự ngủ say, chúng mới yên chí tham gia cuộc vui một cách trọn vẹn.
Lê Hoàn lai rai độc ẩm một hồi cũng ngà ngà. Lúc ấy mặt trời cũng gần lặn. Nhớ lại hồi chiều Dương công có dặn người nhà thắp đèn trong nhà lẫn trước hiên sớm, Hoàn đứng dậy đi lại chiếu rượu của bọn trẻ để nhắc nhở chúng. Nhưng khi tới gần, Lê Hoàn thấy gã đệ tử của mình đang gối đầu ở gốc mít mà ngủ. Hai gã người nhà của Dương công thì đang khật khà khật khụ ngồi không vững, có lẽ sắp gục cả. Lê Hoàn đến bên cạnh mà chúng cũng chẳng hay biết. Chàng tức cười lẩm bẩm:
- Thế này thì còn biết trời trăng gì nữa! Bọn trẻ ham vui quá độ!
Thế rồi Lê Hoàn lẳng lặng bỏ đi. Chàng định dạo quanh một vòng rồi trở lại thắp đèn giúp chúng.
Trời chuyển từ ngày qua đêm lúc nào Lê Hoàn không hay. Mặt trăng xuất hiện giữa bầu trời sớm quá. Chàng chỉ thấy ánh sáng không gian nhạt hơn, dịu hơn, và khí trời mát mẻ hơn lúc mặt trời sắp lặn một chút. Bởi thế Lê Hoàn không vội lo việc thắp đèn. Càng về đêm nhiều loại hoa càng tỏa hương ngan ngát khiến Lê Hoàn càng say mê thích thú. Chàng đi quanh hết luống hoa này đến luống hoa khác mà không biết chán... Khi sực nhớ Dương công say nằm một mình đã khá lâu, Lê Hoàn mới vội quay về. Nhưng bước được vài bước, chàng giật mình thấy một cô gái hiện ra chắn lối. Dưới ánh trăng, Lê Hoàn nhận ra đó là một cô gái khá đẹp. Chàng lên tiếng hỏi:
- Cô nương là ai lại đến đây lúc đêm hôm thế này?
Cô gái nở một nụ cười thu hút, giọng dịu dàng:
- Thiếp là Hải Đường tiên tử, thân thiếp vốn là cây hoa hải đường sống hàng ngàn năm, hấp thụ tinh khí của trời đất mà thành. Hôm nay thấy bậc anh hùng đơn độc đi thưởng hoa nên mạo muội tìm đến xin tương kiến. Nếu anh hùng không chê sơn dã quê mùa, thiếp xin được núp bóng tùng quân để nâng khăn sửa túi, chẳng hay anh hùng khứng chịu không?
Lúc ấy Lê Hoàn đang ngây ngây vì hơi rượu. Vả, câu chuyện nàng Ngọc Chân mà Hoàn được nghe kể hồi trưa vẫn còn vướng vất trong đầu. Nghe cô gái tự giới thiệu, Lê Hoàn bỗng thấy hoang mang cực độ. Chàng đứng như phỗng đá trố mắt nhìn nàng. Nàng là tiên thật ư? Hay là ma quái trá hình?
- Sao, chàng không muốn làm bạn với thiếp ư? Chàng sẽ hối hận như hai chàng Lưu, Nguyễn ngày xưa!
Lê Hoàn bối rối chưa biết nói sao bỗng sau lưng chàng lại nổi lên một giọng cười khúc khích. Chàng giật mình quay lại - một cô gái khác đang từ từ tiến lại phía chàng. Cô gái mới xuất hiện cất tiếng trong trẻo:
- Không muốn làm bạn với Hải Đường tiên tử, hay là chàng muốn làm bạn với thiếp chăng? Thiếp là Phù Dung tiên tử đây. Thân thiếp vốn là cây hoa phù dung, cũng nhờ sống hàng ngàn năm hấp thụ tinh khí của trời đất mà thành. Chàng so sánh xem Hải Đường tiên tử và thiếp ai xinh đẹp hơn ai? Chàng muốn chọn người nào?
Lê Hoàn nhìn Phù Dung tiên tử, nàng này cũng đẹp đẽ không kém. Lúc ấy nhiều đám mây bay qua bầu trời làm cho mặt trăng lúc ẩn lúc hiện, khiến ánh sáng trong vườn càng thêm vẻ mờ ảo huyền hoặc. Trước những mỹ nhân dưới cảnh tượng đó, sự suy nghĩ phán đoán nhậm lẹ thường ngày của Lê Hoàn bỗng tan biến đâu hết. Chàng cứ đứng trân ra, miên man nghĩ tới những chuyện ma quái hiện hình mà chàng đã được nghe. Chàng vừa thích thú vừa sợ hãi...
- Sao? Chàng quyết định nhanh đi chứ! Hay là cả hai đứa thiếp đều cùng về hầu hạ chàng được không? Đàn ông như ngôi nhà năm ba cửa sổ đâu có ngại chi phải không chàng?
Mình say quá rồi chăng? Lê Hoàn đưa tay nắm một mớ tóc trên đầu giật mạnh mấy cái. Vẫn còn biết đau mà, mình đâu đã say lắm? Lê Hoàn đang phân vân thì một chuỗi cười khanh khách vang lên, tiếp theo là một giọng nữ khác:
- Làm tướng quân gì mà nhút nhát quá vậy? Lệnh bà sẽ gả cả hai tiên tử đó cho tướng quân, tướng quân có bằng lòng không?
Câu nói chế nhạo của cô gái này đã làm cho Lê Hoàn thoát hẳn khỏi cơn mộng. Thì ra ba cô gái này chính là thầy trò Dương Vân Nga. Chàng hơi thẹn, cười chào:
- Thế mà các cô cứ đùa mãi. Tiểu tướng xin kính chào tiểu thư và hai cô! Sao tiểu thư lại đến đây khuya khoắc lắm vậy?
Một cô gái thân hình đẹp, dáng đi uốn lượn như thân con rắn đang trườn, tiến lại gần Lê Hoàn, nàng nói:
- Thấy cha em đi chơi với tướng quân gần tối vẫn chưa về, biết thế nào cha em cũng say nên em dẫn Cẩm Hồng và Tuyết Linh đến đây để săn sóc người. Vừa rồi chúng em đùa nghịch một tí có làm phiền tướng quân không? Cuộc dạo chơi ở Trích Tiên Viên này có làm tướng quân hài lòng không?
Lê Hoàn sững sờ nhận ra thiếu nữ này lại cực kỳ xinh đẹp, trội hơn hẳn hai cô gái kia. Cõi thế lại có người mặt hoa da phấn như thế này ư? Ngoài gương mặt diễm kiều, nàng còn có một dáng vóc đẹp đẽ tràn đầy nhựa sống nữa. Một ý nghĩ bất chính thoáng lướt qua đầu óc Lê Hoàn: Đáng tiếc thay, một cây quế giữa rừng sắp lọt vào tay một anh Mán cục mịch may mắn có nhiều tài phép! Vân Nga cũng ngạc nhiên chăm chú nhìn Lê Hoàn. Cả hai tưởng chừng như muốn thôi miên nhau. Trong lòng Lê Hoàn rộn lên một niềm bâng khuâng khó tả, chàng ỡm ờ đáp:
- Thưa tiểu thư, đối với tôi cuộc đi chơi này thật tuyệt vời, tôi sẽ nhớ mãi suốt đời. Hồi chiều tôn công có đọc cho tôi nghe bài thơ Thiên Thai, không ngờ bây giờ tôi lại may mắn lạc vào một cõi Thiên Thai thật. Tiếc rằng cuộc dạo chơi không kéo dài được bao lâu!
Vân Nga hỏi lại Lê Hoàn:
- Chàng cho rằng cuộc hội ngộ này mong manh quá chăng?
Nhìn Vân Nga đứng dưới ánh trăng, quả là một nàng tiên giáng phàm. Vẻ đẹp của nàng đã cuốn hút tinh thần Lê Hoàn một cách mãnh liệt. Chàng tiếc rẻ: Sao đến lúc này ta mới được gặp nhau? Chàng đáp không cần kiềm giữ:
- Thưa vâng, mong manh thật, và lại quá muộn màng!
- Mong manh? Muộn màng? Nhưng có vẫn còn hơn không! À, cha em say ngủ được bao lâu rồi?
- Thưa tiểu thư, ngài mới ngủ lúc mặt trời sắp lặn.
Vân Nga quay nhìn Cẩm Hồng và Tuyết Linh, nói:
- Thằng Thiên thằng Vạn đều say rượu nằm liệt cả rồi, các ngươi hãy vào nhà thắp đèn lên rồi sửa soạn chỗ ngủ cho cha ta và tướng quân! Nhớ khoan làm kinh động ông cụ, đợi khi nào ta vào hãy hay!
Hai người nữ tì cười liếc xéo vị chủ nhân của mình rồi kéo nhau đi. Vân Nga bước xích lại gần Lê Hoàn, nói nhỏ:
- Cha em vẫn có thói quen ngủ một giấc vài canh giờ liền sau mỗi lần say. Giờ này chỉ có lửa cháy may ra mới đánh thức cha em dậy được!
Lê Hoàn làm ra vẻ lo lắng hỏi:
- Tiểu thư đến đây quá khuya thế này không sợ Chương Dương công rày sao?
Vân Nga cười tự nhiên:
- Như ngày thường thì em cũng sợ đấy. Nhưng lần này đặc biệt, chỉ còn vài ngày nữa em phải xa cách người rồi, em muốn được gần gũi để săn sóc người lúc nào hay lúc đó. Hơn nữa em cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp ở Trích Tiên Viên này, giờ thì em sắp xa hẳn nó rồi. Chắc hẳn cha em thông cảm mà chẳng trách em đâu.
Lê Hoàn cười:
- Xin lỗi Hoàn tôi hơi tò mò, tiểu thư có thể kể cho Hoàn tôi nghe một kỷ niệm nào ở Trích Tiên Viên mà tiểu thư cho là đẹp nhất được không?
Vân Nga cười tinh nghịch:
- Như cuộc gặp gỡ hôm nay chẳng hạn!
- Nó đẹp như thế nào tiểu thư cho biết rõ hơn được không?
- Giai nhân ngộ anh hùng! Nó càng đẹp vì cuộc gặp gỡ mong manh chóng tàn, "hợp hoan cánh thiểu biệt ly đa". Đó chẳng phải là nét đẹp để ta phải nhớ suốt đời ư?
- Thật thế ư? Thế chẳng hiểu vì lý do gì tiểu thư lại dàn cảnh cho hai người hầu chòng ghẹo Hoàn tôi như vậy?
- Muốn được trả lời câu hỏi này, tướng quân phải trả lời em một câu hỏi khác đã, bằng lòng không?
- Vâng, Hoàn tôi không ngại điều đó.
- Vậy nhé, Đinh Động chủ là người thế nào?
- Đó là một người có tài đánh trận...
Vân Nga chận lại:
- Đinh Động chủ là người có tài đánh trận thì ai chẳng biết. Em muốn hỏi tướng mạo Đinh Động chủ như thế nào cơ? Hình dạng? Màu da? Mặt mũi? Tánh tình? Cung cách ăn ở chẳng hạn! Tướng quân cho em biết điều đó được không?
Lê Hoàn có vẻ lúng túng:
- Xin tiểu thư miễn cho Hoàn tôi câu trả lời này, vài ngày nữa gặp mặt Động chủ tiểu thư tự nhiên sẽ rõ, đâu có muộn.
- Không, em muốn biết ngay bây giờ cơ mà!
- Nhưng tiểu thư biết trước để làm gì chứ? Việc sẽ đến rồi cũng phải đến mà!
Vân Nga cười khoái trá:
- Biết trước để so sánh với một người khác không được sao?
Câu nói của Vân Nga làm Lê Hoàn kinh ngạc. Nếu Đinh Động chủ nghe được những lời này thì thật bất lợi cho nàng. Nhưng nàng muốn so sánh Đinh Động chủ với mình hay với người khác?
- Dám hỏi tiểu thư, tiểu thư muốn so sánh Động chủ với người nào?
Vân Nga chỉ tay thẳng vào mặt Lê Hoàn mà cười ngặt nghẽo:
- So sánh với tướng quân chứ còn với ai nữa?
Quả thật nàng ăn nói táo tợn quá! Theo Hoàn nhận xét thì vị chủ tướng của mình dáng vóc cường vỹ, rất can đảm, dũng mãnh, nhiều mưu trí, nhưng có lối cư xử với người chung quanh hơi thô lậu, ăn nói dung tục... Lê Hoàn cũng tự biết mình khôi ngô tuấn tú, dáng dấp phong lưu, ăn nói chững chạc hơn người. Nghe Vân Nga nói thế chàng cũng thấy thích chí nhưng không khỏi hoảng sợ:
- Xin tiểu thư chớ đùa quá trớn như vậy không tốt đâu!
Vân Nga cười mím chế nhạo rồi hạ giọng:
- Thì có sao đâu, tướng quân sợ à? Bây giờ em trả lời câu hỏi của tướng quân khi nãy nhé! Gần đây em được cha già cho biết em đã được hứa gả cho Đinh Động chủ và cũng sắp tới ngày về nhà chồng. Em có dò hỏi về người chồng tương lai của mình thì có người cho biết ông ấy là một tay anh hùng nhưng hơi thô lỗ cộc cằn. Em phải tuân lệnh cha già nhưng không được vui lòng lắm. Khi tướng quân tới gặp cha em, em liền sai Cẩm Hồng và Tuyết Linh rình nghe xem hai bên nói gì với nhau. Hai đứa nó về cho biết chỉ nói chuyện hôn nhân chứ chẳng có gì khác. Chúng lại không ngớt khen ngợi tướng quân là người khôi ngô tuấn tú, dáng dấp đường bệ. Lúc đó thật sự em chưa hình dung ra hình ảnh tướng quân như thế nào. Chúng sống với em đã nhiều năm nên tình thân nhau cũng thắm thiết như chị em. Em nghĩ mình sắp về làm vợ một bậc quí nhân thì cũng nên giúp cho chúng tìm một chỗ dựa tốt sau này. Em thấy tốt nhất là cho một hoặc cả hai đứa chúng được kết duyên với tướng quân. Khi chúng em vào Trích Tiên Viên thì gặp lúc tướng quân đi ngắm hoa một mình. Chúng em kín đáo theo dõi tướng quân một hồi rồi bàn nhau dàn cảnh đùa nghịch với tướng quân một trận cho vui, cũng là dịp để hai bên gặp nhau. Không ngờ tới khi rõ mặt, em thấy tướng quân còn vượt xa những lời Cẩm Hồng và Tuyết Linh đã ca ngợi. Kẻ nào được nâng khăn sửa túi cho tướng quân sẽ là những kẻ tốt phước. Nhìn lại duyên phận của mình em không khỏi băn khoăn suy nghĩ...
Nghe Vân Nga nói toạt ý nghĩ của mình ra như thế, Lê Hoàn hết sức bối rối, xúc động. Thật tình từ khi thấy mặt Vân Nga, Hoàn đã choáng váng vì sắc đẹp của nàng. Những ý nghĩ bất chính càng lúc càng nẩy nở trong đầu óc chàng. Phải chiếm đoạt nàng, dẫn nàng đi một chốn xa xôi nào đó là xong! Với bản lĩnh của chàng, và giữa thời buổi loạn lạc này, ai làm gì chàng được? Nhưng vốn là người cẩn thận, Lê Hoàn vẫn thăm dò:
- Cám ơn tiểu thư đã có lòng đoái nghĩ tới Hoàn tôi. Nhưng kiếp này Hoàn tôi không thể đền đáp cái ân tình đó được, đành xin nguyện chờ kiếp sau vậy.
Vân Nga hỏi lại:
- Nhân sinh quí thích chí! Tại sao mình phải đợi đến kiếp sau hở chàng?
- Vì hoa đã có chủ, mà chủ lại là...
Lê Hoàn chưa nói xong câu thì Vân Nga đột ngột tiến sát Lê Hoàn, nắm lấy bàn tay nóng hổi của chàng:
- Như vậy cái câu người xưa nói "nhân sinh quí thích chí" đâu có giá trị gì?
Ánh trăng mờ ảo, men rượu, hương hoa và hơi hướm mỹ nhân đồng lõa với tấm lòng cuồng nhiệt của tuổi trẻ đã xua tan nỗi lo sợ cái họa mất đầu của Lê Hoàn. Trong phút chốc, hai người đã quên cả trời cao đất rộng...
*
Chương Dương công vẫn nằm ở chiếc giường lèo, thỉnh thoảng lại lảm nhảm nói mê. Cẩm Hồng và Tuyết Linh đã thu xếp xong mọi chuyện mà tiểu thư Vân Nga vẫn chưa trở về. Ngồi một chốc, Cẩm Hồng kéo Tuyết Linh lại nói:
- Ông tướng ấy đẹp mã quá nhỉ! Dáng dấp vừa oai vệ vừa phong lưu, đàn ông loại đó thật hiếm có trên đời!
Tuyết Linh cười khúc khích:
- Bởi vậy tiểu thư nhà ta ban đầu muốn làm mối chàng cho hai chúng ta, đến khi thấy được chàng lại hất chúng ta ra ngay đấy!
- Gạt chúng ta ra ngoài thì dễ thôi, nhưng tiểu thư làm sao chiếm được chàng? Bộ muốn Đinh Động chủ lấy cả hai cái đầu đẹp đẽ ấy chăng?
Tuyết Linh lại cười khúc khích:
- Dễ gì mà mất đầu! Tiểu thư nhà ta chứ đâu phải ai khác! Ăn trước mặt không tiện thì lâu lâu ăn vụng càng ngon chứ sao? Tôi đánh cuộc với chị, giờ này nếu hai người ấy không đang ăn vụng, xin chặt đầu tôi đi!
Cẩm Hồng cũng cười khúc khích:
- Ừ, họ thì ăn vụng, còn mình thì đói bụng mà phải thức chờ họ...
Tiếng bước chân ai đến gần làm hai người ngưng nói chuyện. Tiểu thư Vân Nga lộng lẫy tươi cười hiện ra dưới ánh đèn. Tuyết Linh cười hỏi:
- Tiểu thư đi chơi có trọn vui không? Ông tướng không cùng về với tiểu thư sao?
Vân Nga nói lảng:
- Lại giúp ta đưa ông cụ vào ngủ trong màn kẻo để nằm đây khuya lạnh có thể trúng gió đấy!
Vân Nga bước lại chỗ cha mình đang nằm, nàng đưa tay lay vai cha:
- Cha! Cha! Con đã cho vây màn xong, xin cha vào trong ngủ để đề phòng muỗi mòng và gió độc!
Dương công mở bừng mắt, ngồi dậy:
- Ai biểu con tới đây? Mẹ con cho phép con đến đây à?
- Dạ không, mẹ con ngủ rồi con mới đi. Con nghĩ vài ngày nữa cha con ta xa nhau rồi, hôm nay cha đến đây con biết thế nào cha cũng say nên dắt hai đứa nó đến để hầu hạ săn sóc cha cho thỏa tình phụ tử.
Dương công nhìn cô con gái, cười với vẻ hài lòng. Bỗng công lại hỏi:
- Tướng quân Lê Hoàn đi nghỉ chưa?
- Thưa cha, có lẽ ông ấy đến chỗ thằng Thiên thằng Vạn! Cả hai thằng ấy đều đang say mèm.
- Chúng nó đã dọn chỗ nghỉ cho tướng quân chưa?
- Thưa cha, sẵn sàng cả rồi.
- Thôi, con cũng lo đi ngủ sớm kẻo mệt!
- Dạ, con sẽ đi nghỉ bây giờ.
Thấy Dương công có vẻ mệt, muốn nằm xuống trở lại ở chiếc giường lèo, Vân Nga sai Cẩm Hồng và Tuyết Linh đến dìu công vào chiếc giường đã giăng màn sẵn.
*
Hôm sau, Chương Dương công lại cho dọn tiệc rượu khoản đãi Lê Hoàn. Vào tiệc, vợ chồng Dương công ân cần thăm hỏi chàng về gia đình, về công việc, về những dự định cho tương lai. Hoàn ăn nói lưu loát, lại biết lựa lời nên chủ khách chuyện trò vui vẻ lắm. Tiếp đó, Dương công cho đòi tiểu thư Vân Nga và hai con hầu ra.
Trước tiệc giữa ban ngày, Vân Nga càng rõ nét một giai nhân tuyệt thế. Cẩm Hồng và Tuyết Linh tuy cũng thuộc hạng gái đẹp nhưng so với nàng vẫn kém xa. Lê Hoàn không dám nhìn thẳng vào người nàng. Dương công vô tình hãnh diện chỉ con gái, nói:
- Vợ chồng lão may mà được một mụn con gái có chút nhan sắc. Nay mai cháu sẽ về nhà họ Đinh. Ở đấy cháu không có ai là thân thuộc để trông cậy. Lão rất ngại vì cháu còn ít tuổi quá, không sao tránh khỏi sự sơ thất. Vậy nhân tiện có tướng quân ở đây, xin tướng quân vì vợ chồng lão, hãy coi cháu như nghĩa muội, có gì xin tướng quân che chở, bênh vực cho cháu. Nếu tướng quân nhận lời thì thật là phước cho cháu mà vợ chồng lão cũng yên lòng.
Lê Hoàn cảm thấy ngượng ngùng nhưng rồi cố làm ra vẻ sốt sắng nói:
- Chương Dương công và phu nhân đã dạy, lẽ nào tiểu tướng dám không nghe. Tiểu tướng rất hân hạnh được nhị vị tin tưởng ủy thác vai trò nghĩa huynh cho quí tiểu thư. Tiểu tướng xin hứa lúc nào cũng sẽ lưu tâm đến vấn đề hạnh phúc của nghĩa muội để khỏi phụ lòng nhị vị.
Nghe Lê Hoàn nói, Chương Dương công vui vẻ ra mặt. Công gọi Cẩm Hồng, Tuyết Linh đến hỏi:
- Ngày mai tiểu thư chúng mày sẽ về Hoa Lư với họ Đinh, hai đứa bây có muốn cùng đi với tiểu thư không?
Cả hai cô gái đều thưa:
- Bẩm, chúng con đều muốn theo hầu hạ tiểu thư như trước.
- Vậy thì tốt, chúng mày theo tiểu thư thì vợ chồng ta cũng yên lòng phần nào. Ít nhất cũng làm cho tiểu thư bớt buồn vì cảnh trời xa đất lạ. Chúng mày phải nhớ luôn luôn làm sao cho tiểu thư vui vẻ. Khi đã ở Hoa Lư, trường hợp tiểu thư gặp điều gì rắc rối, nếu vì xa xôi bất tiện không liên lạc kịp với gia đình, chúng mày cứ việc báo với Lê tướng quân, người là nghĩa huynh của tiểu thư, người sẽ giúp đỡ lo liệu cho.
Cẩm Hồng và Tuyết Linh đồng loạt thưa:
- Dạ, chúng con xin nghe lệnh Chương Dương công.
Khi rút lui, hai cô gái liếc nhìn nhau, trao đổi nhau một nụ cười ý nhị.
Dương công cho phép tiểu thư ngồi bên mẹ dự tiệc. Cẩm Hồng và Tuyết Linh thì giữ việc rót rượu và ca múa giúp vui. Trong tiệc, cả Lê Hoàn lẫn Vân Nga khi nói chuyện với nhau đều có vẻ giữ ý nên Dương công càng hài lòng. Công khuyến khích:
- Đã là anh em, cứ nói chuyện với nhau tự nhiên, việc gì mà phải ngại?
Một chốc sau, Lâm phu nhân hỏi:
- Thời buổi này giặc giã hơi nhiều, việc đưa Vân Nga về Hoa Lư tướng quân liệu có trở ngại gì không?
Lê Hoàn đáp:
- Xin phu nhân chớ lo, mấy đám giặc cỏ đâu đáng gì mà ngại! Tiểu tướng và bọn kiện nhi dưới quyền thừa sức để bảo vệ tiểu thư về Hoa Lư.
*
Khi Lê Hoàn và bọn Vân Nga đã lui ra, Lâm phu nhân trách Dương công:
- Gã đàn ông nào mà chẳng có bụng tham vô đáy? Lê Hoàn dù đã có gia đình nhưng y vẫn là một thanh niên đẹp đẽ, phong lưu, đầy sức sống, rất dễ quyến rũ phụ nữ. Con mình là con gái mới lớn chưa có kinh nghiệm gì, làm sao đề phòng được? Xưa nay trai tài gái sắc gần nhau đâu có khác lửa gần rơm? Tự dưng phu quân đem chuyện huynh huynh muội muội gán cho chúng làm gì? Nếu có gì xảy ra có phải mình làm mếch lòng Đinh Động chủ không?
Dương công nói:
- Bà lo xa quá rồi đó! Dẫu sao thì Đinh Động chủ cũng là chủ của Lê Hoàn, bộ hắn dám phản chủ sao? Hơn nữa, Lê Hoàn đáng mặt trượng phu lẽ nào lại có tà ý? Vả lại, hắn cũng phải nể mặt vợ chồng ta chứ! Sở dĩ ta đem Vân Nga gởi gắm cho hắn cũng là một cách đem luân lý mà ràng buộc chứ ta dại gì. Bà cứ yên chí!
Lâm phu nhân lắc đầu:
- Yên chí sao được? Trong bữa tiệc thiếp thấy hai đứa tuy không nói chuyện nhiều với nhau nhưng cứ liếc qua nhìn lại như chực ăn tươi nuốt sống nhau, phu quân chẳng biết gì cả sao? Thiếp nghĩ Vân Nga sẽ là vợ vị chủ tướng của Lê Hoàn, đáng lý ta cũng nên duy trì khoảng cách đó mới đúng. Tự nhiên phu quân tạo cơ hội cho chúng xích lại gần nhau, đường về Hoa Lư thì đâu phải một ngày một buổi mà tới? Trong thời gian đó ai biết chuyện gì sẽ xảy ra? Thật tình thiếp không yên lòng chút nào cả!
Dương công lại nói:
- Phu nhân cứ tin tôi đi, Lê Hoàn là người có tư cách đáng tin cậy, không có chuyện gì xảy ra đâu!
*
Đêm đó Lâm phu nhân với tiểu thư Vân Nga ngủ chung giường. Hai mẹ con đã nói chuyện với nhau rất nhiều. Quá nửa đêm Lâm phu nhân vẫn còn to nhỏ dặn dò con gái. Buổi sáng, cả hai đều thức dậy trễ, người nào cũng còn nặng vẻ ngái ngủ. Trong khi đó, Lê Hoàn và mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Phu nhân vội phụ với con gái kiểm tra lại hành trang trước khi lên đường về Hoa Lư. Lê Hoàn lại cho mọi người hóa trang thành những thương khách, kể cả ba cô gái. Thế là lần này đoàn khách thương đông hơn và có thêm một cỗ xe ngựa, tặng phẩm của Chương Dương công. Ba cô gái ngồi trên cỗ xe ngựa do Lê Án cầm cương. Lê Hoàn vẫn cỡi con tuấn mã đi đầu.
Rời khỏi trang Đông Lỗ chừng hai mươi dặm thì Lê Hoàn cho đoàn người dừng lại nghỉ ở một quán trọ. Lê Hoàn nói:
- Ở đây rất gần huyện Thủy Nguyên của ta. Ta có hẹn với những người ứng mộ trong huyện, trước khi về Hoa Lư sẽ đến đón họ. Vậy, Lê Án hãy thay ta về làng để dẫn dắt họ tới đây cùng đi một thể.
Lê Án liền tuân lệnh ra đi.
Sau khi ăn cơm tối xong, Vân Nga nói với Lê Hoàn:
- Con ngựa của nghĩa huynh trông hùng dũng quá nhỉ! Muội muốn cưỡi thử một vòng được không?
Lê Hoàn hỏi lại:
- Hiền muội cưỡi ngựa có khá không?
- Muội chỉ mới tập sơ sơ thôi.
Lê Hoàn cười:
- Mới tập sơ sơ mà đòi cưỡi ngựa này! Lỡ té gẫy chân gẫy tay thì sao?
- Hay là huynh cứ cưỡi rồi cho muội ngồi ké đi dạo một vòng?
Lê Hoàn dùng dằng có vẻ không muốn. Vân Nga kêu lên:
- Vậy thì kết nghĩa huynh nghĩa muội làm gì? Vân Nga cũng không cần một ông nghĩa huynh như thế đâu!
Cẩm Hồng đứng gần đó cười xía vào:
- Nếu tướng quân không chịu chở tiểu thư đi một vòng, tiểu thư sẽ giận lắm đấy!
Thấy Vân Nga có vẻ giận dỗi thật, lại có lời Cẩm Hồng nói vào, Lê Hoàn nói:
- Thôi cũng được! Ngu huynh cũng chiều ý muội, chở muội đi một vòng vậy.
Lê Hoàn đỡ Vân Nga lên ngựa, xong chàng nhảy thót lên rồi giật mạnh giây cương. Vân Nga làm như sợ té, ôm cứng lấy lưng Lê Hoàn. Con ngựa hí lên phi nước đại, trong chốc lát hai người nhìn lại quán trọ đã mịt mờ. Bấy giờ Lê Hoàn mới cho ngựa đi thong thả, chàng hỏi:
- Muội có thái độ nôn nóng suồng sã quá như vậy không sợ Cẩm Hồng, Tuyết Linh báo lại với Chương Dương công sao?
- Nhất định không bao giờ có chuyện đó. Chúng nó với em từng nghịch phá bao nhiêu vụ động trời mà cha mẹ em có bao giờ biết được đâu.
- Không sợ Cẩm Hồng, Tuyết Linh thì cũng nên sợ người khác cho quen. Đinh Động chủ nghiêm khắc lắm đấy, chớ coi thường!
Vân Nga cười nhạo báng:
- Thì ra huynh cũng nhát gan đến vậy!
Rồi nàng chồm lên hôn lấy hôn để vào gáy, vào má Lê Hoàn, nói tiếp:
- Không ngờ cái tướng đẹp trai, oai hùng vậy mà lại chết nhát!
Lê Hoàn cười chống chế:
- Không sợ sao được! Quyền lực sinh sát trong tay người ta, huynh làm trò trống gì nổi? Hay chúng ta trốn đi một nơi thật xa để sống rồi đợi lúc thuận lợi sẽ lập lại sự nghiệp? Muội đồng ý như vậy không?
- Huynh là Phan Lang, Tống Ngọc thời này, được sống với huynh thì em đâu còn mong gì hơn! Nhưng khốn nỗi em lại không thể nào làm chuyện đó được!
- Vì sao? Muội sợ Đinh Động chủ à? Hay muội tiếc cái địa vị người vợ của Đinh Động chủ?
Vân Nga giận dỗi nói:
- Em chẳng bao giờ sợ mà cũng chẳng tiếc cái gì ở gã chăn trâu ấy hết. Khổ nỗi cha em lại đặt tất cả tin tưởng vào hắn, nếu em bỏ hắn mà đi, cha em sẽ thất vọng mà chết mất! Em đành phải về sống với hắn thôi, muốn gì đợi cha em qua đời hãy hay!
Lê Hoàn lắc đầu:
- Muội không nên dùng cái tiếng "hắn" hay "gã chăn trâu" ấy. Dù sao ông ấy cũng xuất thân từ hàng quí tộc. Muội không biết thân phụ ông ấy từng là quan Thứ sử Hoan châu sao?
- Nhưng ông ấy đã về ở với mẹ và người chú một thời gian quá lâu, gần như đã xóa bỏ hết gốc tích quí tộc của mình rồi!
Lê Hoàn cười:
- Huynh cứ tưởng muội còn ngây thơ chẳng biết gì, ai ngờ muội cũng điều tra về vị hôn phu cẩn thận đến thế!
Vân Nga cũng cười:
- Không những biết điều đó mà em còn biết cả chuyện Bộ Lĩnh không thích đàn bà, không biết cưng chiều vợ nữa kìa! Ông ấy chỉ mê đánh trận thôi.
- Ai cho muội hay những điều đó? Sao muội không có phản ứng với Dương công?
- Mẹ em đã dò biết những điều đó. Mẹ em cũng không muốn gả em cho Bộ Lĩnh. Nhưng cha em đã quyết mẹ con em còn làm sao được?
Giọng Lê Hoàn buồn buồn:
- Năm bảy hôm nữa là huynh sẽ mất hẳn muội rồi! Chắc về sống với Đinh Động chủ một thời gian muội sẽ quên mất huynh thôi!
- Không, không bao giờ! Huynh cứ tin sẽ có ngày chúng ta lại được gần nhau.
Lê Hoàn cười:
- Gần nhau ở cõi thế này hay ở cõi khác?
- Huynh cứ nói gở làm sao ấy!
- Không phải là huynh nói gở đâu, nếu chúng ta không biết dè dặt giữ gìn thế nào chúng ta cũng gặp tai họa. Chúng ta phải biết nhẫn nhịn tối đa mới được. Phải làm sao cho Động chủ hài lòng, không có gì nghi ngờ được như thế chúng ta mới có thể vẹn toàn. Huynh chỉ cầu mong thỉnh thoảng chúng ta được thấy mặt nhau là tốt rồi.
- Vâng, em xin nghe lời huynh, cứ giao ước với nhau như thế!
Khi hai người trở về quán trọ, Tuyết Linh đã chờ sẵn để đón Vân Nga. Cô ả cười cuời trách móc:
. Tiểu thư đi lâu quá làm em cứ sợ lỡ tiểu thư mà đi thẳng thì chúng em ốm đòn!
Vân Nga cười mắng lại:
- Con tiện tì chuyên nói bậy không!
Cả hai thầy trò cùng cười, Lê Hoàn cũng cười theo. Từ đó về sau, hễ có cơ hội thuận tiện là Lê Hoàn và Vân Nga lại tìm cách gặp nhau.
Hai hôm sau thì Lê Án dẫn về quán trọ một đoàn tráng đinh hơn hai chục người. Lê Hoàn mừng rỡ bèn cho Lê Án chạy ngựa về Hoa Lư trước để báo tin còn chàng thủng thỉnh hướng dẫn đoàn người về sau.
*
Vừa rước được giai nhân về cho Động chủ, vừa tuyển mộ được hơn hai mươi tráng đinh, Lê Hoàn tin rằng thế nào đoàn của chàng cũng được tiếp rước nồng hậu. Thế nhưng khi đoàn người tới gần trung tâm Hoa Lư mới gặp được ông già Đỗ Lợi, người quản gia của Đinh Động chủ, và Lê Án ra đón. Lê Hoàn đâm ra thắc mắc:
- Sao cuộc đón rước cô dâu lại đơn sơ thế này?
Đỗ Lợi thưa:
- Thưa tướng quân, Đinh Động chủ đã đi Bố Hải Khẩu để gặp sứ quân Trần Minh công mấy hôm rồi. Mọi việc ở Hoa Lư hiện nay được giao cho Đinh công tử sắp xếp điều động. Trước khi đi Động chủ dặn tôi chuẩn bị sẵn một ngôi nhà, cắt cử đủ người phục dịch hầu hạ, rồi rước Dương tiểu thư vào ở tạm đó để đợi Động chủ trở về. Còn đám tráng đinh mới tuyển thì người dặn tùy tướng quân bổ sung vào các cơ đội. Động chủ về sẽ ban thưởng cho tướng quân sau. Ngày mai xin tướng quân vào gặp Đinh thiếu chủ để nghe lệnh.
Thế rồi Đỗ Lợi rước ba thầy trò Dương Vân Nga về ngôi nhà ông đã dọn sẵn.
Sáng hôm sau Lê Hoàn vào bái kiến thiếu chủ Đinh Liễn. Công tử vui vẻ hỏi:
- Sao, ông đi lo công việc kết quả như thế nào?
- Thưa thiếu chủ, tiểu tướng đã rước tiểu thư Vân Nga về rồi, đồng thời tiểu tướng cũng mộ được hơn hai mươi tráng đinh. Dương tiểu thư hiện đã được viên quản gia Đỗ Lợi rước về ở ngôi nhà do ông ấy chuẩn bị sẵn theo lệnh của Động chủ. Còn toán tráng đinh tiểu tướng đã cho đưa ra thao trường để chia ra bổ sung vào các đội ngũ.
- Tốt lắm! Thế dọc đường ông có dò được tin gì quan trọng không? Chương Dương công có nắm được thế lực nào hoặc liên lạc được với các sứ quân hay thổ hào nào không?
Lê Hoàn thưa:
- Theo tiểu tướng nhận xét, Chương Dương công hiện nay rất cô đơn. Công có vẻ xuống tinh thần lắm! Nghe nói cả mấy năm nay chẳng có ai lui tới trang Đông Lỗ cả.
Đinh Liễn lộ rõ thái độ thất vọng:
- Thế mà cha ta cứ cho rằng ít ra ông ấy cũng còn một số tay chân trung thành. Nếu biết được thực tế như vậy chưa chắc cha ta đã phiền ông đi đón Dương tiểu thư về.
Nghe Đinh Liễn nói như vậy Lê Hoàn cũng chẳng ngạc nhiên. Ông thừa biết Đinh Động chủ rất ít quan tâm đến đàn bà. Lê Hoàn cười thầm: "Trên đời lại có người đam mê việc quân đến nỗi lơ là với cả một giai nhân tuyệt sắc thế này ư? Cũng không sao, càng tốt."
Đinh Liễn tiếp:
- Nước ta giành được quyền tự chủ bao nhiêu năm nay không phải chỉ nhờ vào sự đoàn kết, ý chí bất khuất của toàn dân mà con nhờ cơ hội nước Tàu bị loạn lạc chia năm xẻ bảy. Nhưng hiện nay, nước Tàu đang trên đà thống nhất trở lại. Trong khi đó nước ta lại lâm vào cảnh chia rẽ trầm trọng, các lãnh chúa giành giựt nhau mỗi người cát cứ một phương, nhà Ngô đã quá suy yếu không thể nào giữ mình nổi! Với tình trạng này, không sớm thì muộn nước ta cũng sẽ thành miếng mồi ngon cho người Tàu. Vì thế cha ta quyết định phải ra tay đánh dẹp các lãnh chúa để thống nhất đất nước trước khi móng vuốt người Tàu vươn tới. Vậy mong ông chịu khó lao nhọc ra sức một phen để giúp cha ta thực hành ý nguyện. Ông có ý kiến gì không?
Lê Hoàn tỏ vẻ hân hoan ra mặt:
- Tiểu tướng tìm đến Hoa Lư cũng chỉ với nguyện vọng được phục vụ dưới trướng bậc anh hùng có khả năng cứu nước giúp dân. Chí nam nhi không nề chuyện da ngựa bọc thây, há vì ngại lao nhọc hiểm nguy mà dám từ chối một nhiệm vụ nào! Tiểu tướng lúc nào cũng sẵn sàng tự nguyện làm một tên lính tiên phong trong công cuộc dẹp nội loạn và chống giặc phương Bắc.
Đinh Liễn tươi cười:
- Thay mặt cha ta, xin đón nhận thành ý của ông. Ngay hôm nay, xin ông bắt tay vào nhiệm vụ mới!
Chú thích: * Nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.