CHƯƠNG SÁU
Tác giả: Ngô Viết Trọng
D ương hậu đã thắng lợi trên tình yêu, đã thỏa mãn được nhiều ước vọng. Nhưng trong triều càng nhiều người bất mãn, oán ghét bà. Có người đã tinh ý nhận ra rằng sắc đẹp của bà đã đánh ngã trái tim lạnh lùng sắt đá của nhà vua, đã dồn nhà vua vào bước đường thoái hóa. Một hôm Ngoại giáp Đinh Điền nói với Định Quốc công Nguyễn Bặc:
- Hoàng thượng xử sự như vậy thật không công bằng với Nam Việt vương chút nào. Thân mẫu của vương mất sớm, chẳng hưởng được chút vinh dự nào, bản thân vương lại đóng góp công trạng rất nhiều trong việc tạo dựng nên cơ nghiệp ngày nay. Thế mà ngôi mộ thân mẫu của vương đến nay vẫn chưa được xây đắp chu đáo. Bây giờ hoàng thượng lại cho phép Dương hậu thực hiện một cuộc báo hiếu quá rềnh rang như thế, Nam Việt vương làm sao khỏi suy nghĩ mà buồn?
Nguyễn Bặc nói:
- Hoàn cảnh của Nam Việt vương hiện tại cũng buồn thật đấy. Nhưng vương đang ở ngôi trừ nhị, có ngày vương sẽ lên ngôi chí tôn, lúc ấy vương muốn truy phong, vinh danh cho thân mẫu mình đâu khó gì!
Đinh Điền lắc đầu:
- Nếu suôn sẻ như vậy thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng tôi nghe phong phanh Dương hậu đang ráo riết vận động với hoàng thượng xin lập hoàng tử Hạng Lang làm Thái tử, nếu chuyện này quả có, biết đâu hoàng thượng lại chẳng nghe theo!
Nguyễn Bặc ngạc nhiên:
- Huynh nghe ở đâu vậy? Chẳng lẽ Dương hậu lại dám mạo hiểm bước xa đến thế?
Đinh Điền thở dài:
- Chuyện gì lại chẳng có thể xảy ra! Như trước đây có ai nghĩ đến hoàng thượng sẽ có ngày si mê một người đàn bà không? Thế mà bây giờ lúc nào ngài cũng ở miết tại cung Đan Gia. Quân đội là sức mạnh của quốc gia thì ngài lại tin cậy mà giao hết vào tay gã điếm Lê Hoàn! Đệ cảm thấy có cái gì làm mình không yên trong lòng.
Nguyễn Bặc cười:
- Huynh cứ suy đoán lung tung mà rước khổ vào mình thôi. Việc hoàng thượng say mê Dương hậu và việc trao binh quyền cho Lê Hoàn có gì liên can nhau đâu?
Đinh Điền lại thở dài:
- Chính huynh cũng nghĩ thế thì đệ còn biết nói chuyện với ai được? Thôi, đệ xin cáo từ vậy.
Nói xong, Đinh Điền tất tả bước đi chỗ khác. Nguyễn Bặc vốn là người nóng nảy, nghe những lời úp mở và thái độ kỳ lạ của Đinh Điền thì cũng đâm ra thắc mắc. Ông vội vàng bước theo Đinh Điền nắm tay bạn níu lại:
- Huynh có điều gì khó nói lắm ư? Cứ nói cho đệ nghe thử nào! Có gì chúng ta cùng thảo luận với nhau.
Đinh Điền nói:
- Cái khổ là có nhiều điều nói ra không ai tin được. Mà đã không ai tin được, người nói ra trở thành kẻ đặt điều, kẻ ganh tị nhỏ nhen trước mắt thiên hạ. Thậm chí có khi bị rơi đầu oan. Đệ muốn nói với huynh mấy điều mình đã nghe, chưa chắc lắm nhưng mình có thể theo dõi để tìm hiểu thêm.
Nguyễn Bặc nói:
- Huynh cứ tin ở đệ, đệ đang nóng lòng nghe đây!
Đinh Điền xích lại gần Nguyễn Bặc, hạ giọng:
- Đệ nghe nói, trong thời gian hoàng thượng bận đi tuần thú xa, Dương hậu hay tự tiện gọi ngự lâm quân hộ tống mình đi thăm viếng hai người hầu cũ là Tuyết Linh và Cẩm Hồng để hàn huyên. Tuyết Linh hiện là vợ Phạm Cự Lượng, Cẩm Hồng là vợ Tô Mẫn huynh cũng biết đấy. Thăm người hầu cũ thì không nói làm gì, điều quan trọng là Lê Hoàn cũng hay lui tới nhà hai viên tướng này. Biết đâu chẳng có những âm mưu ám muội? Nghe chuyện đó huynh có suy nghĩ gì không?
Nguyễn Bặc nổi nóng lên nói:
- Đường đường một bậc quốc mẫu lại đi tiếp xúc lôi thôi thế thì còn ra thể thống gì? Sao huynh không tìm hiểu cho ra manh mối để trình với hoàng thượng?
- Trình với hoàng thượng ư? Tất nhiên khi hoàng thượng hỏi họ sẽ chối phăng, mình chỉ mắc oán thôi chứ được việc gì?
- Những lần Dương hậu đi chơi vậy hoàng thượng có biết không?
- Biết chứ! Nhưng hoàng thượng vẫn coi đó là chuyện bình thường, không trách móc hay cấm cản. Ngài đã phá lệ từ khi các vị hoàng hậu khác nằng nặc xin đi nơi này nơi khác để cầu tự, cầu phước, lâu ngày thành lệ rồi.
Nguyễn Bặc nói:
- Như vậy gã Lê Hoàn này có thể có mưu gian. Vậy, từ nay anh em ta cố gắng theo dõi xem sao! Nếu quả có vụ bê bối đó ta cũng lo khử nó đi cho xong!
*
Ngày kia, quan Vệ úy Phạm Hạp nhân đi săn, bắn được một con nai lớn và mấy con chồn. Ông bèn mời một số quan chức đến nhà uống rượu. Người tham dự có Đinh Liễn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn và Phạm Cự Lượng. Rượu ngon, thịt béo, chủ nhà ân cần mời mọc, mọi người đều vui vẻ tận tình thưởng thức. Khi ai nấy đã ngà ngà, Lê Hoàn nói:
- Không hiểu các ngài nghĩ sao chứ theo Hoàn tôi thì thịt chồn thơm ngon hơn thịt nai nhiều lắm.
Nguyễn Bặc nhìn Lê Hoàn cười:
- Chắc ông ghiền thịt chồn lắm nhỉ?
Lê Hoàn lắc đầu:
- Định Quốc công nói vậy chứ thịt chồn mấy khi có đâu mà ghiền?
Nguyễn Bặc lại cười:
- Thập đạo tướng quân không biết chồn nó ở đâu à? Tôi nghe gần đây có một con chồn quí lắm, nó biết chun vào chốn lầu son gác tía mà ở chứ không chịu ở các nơi hang hốc hoang vắng.
Thực khách đều ngạc nhiên khi nghe Nguyễn Bặc nói những lời hơi khác thường như thế. Phạm Cự Lượng liền hỏi:
- Định Quốc công nói giống chồn gì mà lạ vậy?
Nguyễn Bặc nói:
- Ông chưa nghe nói đến giống chồn này à? Người Tàu gọi là giống hồ ly ấy mà! Khi sống lâu năm, nó trở nên khôn ngoan tai quái hơn giống chồn thường, người ta còn gọi là hồ ly tinh.
Đinh Điền bỗng cười ồ sảng khoái:
- À, tôi biết giống hồ ly tinh rồi!
Nam Việt vương Liễn liền tiếp lời:
- Tôi nghe giống thú này dâm đãng dữ lắm. Nếu thúc phụ có nhã hứng, xin kể chuyện hồ ly tinh cho mọi người cùng thưởng thức đi!
Thực khách đều nhao nhao lên:
- Phải rồi, quan Ngoại giáp biết chuyện hồ ly tinh kể cho chúng tôi nghe với!
Đinh Điền đằng hắng lấy giọng rồi kể:
- Xưa lắm rồi, có một đàn chồn sống dưới một cái hang đào sâu vào đáy lăng vua Hoàng Đế nước Tàu. Chúng nhờ tu luyện hàng ngàn năm nên có tài biến hóa khôn lường. Tới đời Trụ vương nhà Thương thì con chồn đầu đàn bắt đầu nhảy vào cõi người. Nhân dịp Trụ vương tuyển chọn mỹ nữ, nó đã hớp hồn một người con gái sắc nước hương trời con của Ký Châu hầu Tô Hộ là Đắc Kỷ, xong nó nhập hồn nó thế vào. Thế là con chồn đã nghiễm nhiên thành Đắc Kỷ và được tuyển vào cung vua. Trụ vương bấy giờ đang là một vị anh quân thế mà khi gặp sắc đẹp của Đắc Kỷ ngài bỗng đâm ra lú lẫn mê muội. Khi Đắc Kỷ đã mê hoặc được nhà vua rồi, nó hết sức lộng hành ở cung điện Triều Ca. Nó nói gì vua cũng nghe, đòi gì vua cũng chấp thuận. Nhiều lần Đắc Kỷ còn trở về lăng Hoàng Đế kêu thêm những đàn em giả dạng thần tiên đến lừa Trụ vương nữa...
Đinh Điền đang nói ngon trớn bỗng Đinh Liễn chợt nghĩ đến điều gì đó, đưa tay ngăn lại:
- Con tinh đó chắc sẽ sinh cho lão vua tham sắc một đàn chồn con, tha hồ mà tranh ngôi thái tử!
Đinh Điền tiếp:
- Không, nó không có con. Theo sự xúi giục của Đắc Kỷ, Trụ vương giết hại gần hết số trung thần của mình. Kể cả người chú ruột tài ba của ngài là Tỉ Can ngài cũng không tha. Khi chiếm được ngôi hoàng hậu, Đắc Kỷ còn đem thêm hai đồng đạo là Hồ Hỉ Muội và Ngọc Mỹ Nhân vào làm cung phi để có thêm vây cánh. Cả ba con tinh này cứ lén lút bắt nhiều cung nữ ăn thịt mà Trụ vương không hề biết. Trụ vương cứ tiếp tục nghe chúng, càng ngày càng làm nhiều điều ác đức. Cuối cùng dân oán quá phải nổi loạn. Thế là triều Thương sụp đổ, Trụ vương phải tự tử, ba con yêu Tô Đắc Kỷ, Hồ Hỉ Muội và Ngọc Mỹ Nhân đều bị chém. Nghe đâu Đắc Kỷ đã đầu thai lại và đã bay về phương Nam ta. Các ông phải nên đề phòng con tinh ấy đấy!
Lê Hoàn nghe xong mặt tái đi, ông nhấp nhỏm như muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Phạm Hạp ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
- Như quan Ngoại giáp kể đó thì ban đầu Trụ vương cũng là một anh quân, không ngờ phép mầu của hồ ly tinh gớm thật!
Đinh Điền nhân hơi rượu, cười nói bô bô:
- Người ta vẫn nói: "Đàn ông trăm khéo ngàn khôn, Vấp phải cửa l... bảy vía còn ba" mà! Một trăm Trụ vương cũng đổ nữa chứ một Trụ vương!
Nghĩ lại những lời của Nguyễn Bặc và Đinh Điền từ đầu đến cuối, Lê Hoàn cảm thấy như họ đồng lõa nói kháy mình. Không dằn được nữa, Hoàn đứng dậy hỏi thắt:
- Các ngài nói hồ ly tinh đã bay về phương Nam ta, vậy các ngài ám chỉ ai sẽ là Trụ vương đây?
Thật là một câu hỏi hóc búa làm mọi người giật mình. Vệ úy Phạm Hạp thấy không khí bữa tiệc đã căng, vội đứng lên hòa giải:
- Hôm nay quí vị vì tình đồng liêu tương ái mà đến đây chung vui với bản chức. Bản chức nghĩ chuyện kể vừa rồi chẳng qua là để góp vui thôi, chúng ta không nên làm mất hòa khí. Bây giờ bản chức xin cống hiến quí quan một màn vũ do đám trẻ của bản phủ thực hiện.
Thế rồi ông gọi đám vũ công ra. Đám vũ công này đã biểu diễn mấy màn vũ rất xuất sắc khiến mọi người đều vỗ tay tán thưởng. Những màn vũ vui mắt này đã xóa tan bầu không khí ngột ngạt vừa qua. Cuối cùng các quan đều say mèm, người nào cũng phải để thuộc hạ đưa về nhà.
*
Câu chuyện xảy ra ở buổi tiệc tại nhà quan Vệ úy Phạm Hạp tưởng đâu chỉ là câu chuyện giúp vui, không ai ngờ nó lại trở thành chuyện rắc rối lớn. Có lẽ nó đã được thổi phồng và biến dạng nhiều trước khi truyền tới tai Dương hậu. Mấy ngày liền trên môi Dương hậu không có một nụ cười. Chưa bao giờ Tiên Hoàng thấy không khí cung Đan Gia buồn tẻ ngột ngạt như lúc này. Một hôm, Tiên Hoàng hỏi Dương hậu:
- Sao thời gian này trẫm thấy ái khanh lúc nào cũng có vẻ đăm chiêu sầu muộn vậy? Có vấn đề gì không?
Dương hậu thở dài:
- Từ khi được hầu hạ bệ hạ, thần thiếp chỉ biết làm sao tạo được những niềm vui lớn cho bệ hạ, lúc nào cũng mong cho long thể an khang, tinh thần thoải mái để lo việc nước. Bệ hạ thấy đó, thần thiếp có bao giờ làm gì sai quấy đâu? Thế mà miệng đời thật độc ác, cứ gièm pha nọ kia, khiến cho Nam Việt vương sinh lòng oán hận mẹ con thần thiếp. Nếu một mai bệ hạ chầu trời, chắc Nam Việt vương sẽ không tha cho mẹ con thiếp đâu. Thần thiếp thì chẳng kể làm gì, chỉ tội nghiệp hai đứa con thơ ấu chẳng biết gì mà phải chịu cảnh oan khuất? Thần thiếp làm sao mà an tâm cho được!
Tiên Hoàng giật mình:
- Ai nói với ái khanh chuyện đó? Nam Việt vương oán hận ái khanh như thế nào?
Dương hậu thưa:
- Chuyện vẫn còn chưa rõ rệt, xin bệ hạ chớ nóng nảy quở phạt ai sẽ chỉ làm thần thiếp mang tiếng xúi giục bệ hạ thêm thôi. Thế nào cũng có ngày bệ hạ biết sự thật!
Tiên Hoàng trấn an:
- Người ta nói bậy thôi, ái khanh đâu có lỗi gì để Nam Việt vương phải oán hận? Nói đến oán hận cả hai hoàng tử nhỏ lại càng vô lý nữa. Ái khanh cứ yên chí, không có chuyện gì đâu! Mà người ta nói Nam Việt vương oán hận như thế nào?
Dương hậu khóc thút thít:
- Thần thiếp cũng biết thủ phận lắm chứ, giang sơn này là do bệ hạ và Nam Việt vương đem trí tuệ cùng sức lực để tạo dựng nên, thiếp có bao giờ dám mơ ước cái ngôi báu đến tay con mình đâu! Thế mà người ta nói thần thiếp đang xúi giục bệ hạ phong Hạng Lang làm Thái tử khiến Nam Việt vương nổi giận, không những vương chửi bới, hăm dọa mẹ con thần thiếp tham lam mà còn nói xúc phạm đến bệ hạ nữa.
Tiên Hoàng nổi giận hỏi:
- Nam Việt vương nói như thế nào?
Dương hậu thưa:
- Nam Việt vương mắng thiếp thế này: Cái giống đàn bà dâm đãng tham lam vô độ thật là đáng ghét! Đất nước Đại Cồ Việt này nếu không có ta góp một tay, cha ta liệu có một mình làm nên được chăng? Tại sao bây giờ Dương hậu lại muốn cha ta trao giang sơn cho con bà? Bệ hạ biết rõ đó, có bao giờ thần thiếp dám mở miệng xin với bệ hạ phong cho Hạng Lang làm Thái tử đâu! Thật là oan Thị Kính!
Tiên Hoàng nổi giận xung thiên:
- Quả đúng là thằng con đại bất hiếu! Nó dám tranh công, dám xúc phạm tới cha nó như thế thì trời đất nào mà dung tha nó được? Trẫm phải trừng trị tên bất hiếu này thật xứng đáng mới được!
Dương hậu nghe nhà vua nói thế vội quì xuống lạy lấy lạy để:
- Xin bệ hạ bỏ đi, xin bệ hạ bỏ đi! Nếu bệ hạ đụng tới Nam Việt vương thì sau này mẹ con thiếp chết không có đất chôn! Tre tàn thì măng mọc, dù sao bệ hạ cũng già rồi. Công lao của Nam Việt vương thì thiên hạ đều biết, tánh tình của Nam Việt vương lại cương cường, bệ hạ nhịn con mình một chút cũng không sao mà mẹ con thiếp cũng hi vọng được yên thân. Xin bệ hạ đừng nóng nảy mà gây họa.
Tiên Hoàng gầm lên:
- Thật tức chết đi được! Không ngờ nhà ta lại vô phước như vậy! Để ta phong Hạng Lang làm Thái tử xem thằng bất hiếu đó làm gì?
Dương hậu sụp xuống lạy khóc thảm thiết:
- Trời ơi, nếu bệ hạ làm như vậy là bệ hạ đẩy mẹ con thần thiếp vào chỗ chết không toàn thây rồi! Bỏ ý định đó đi bệ hạ ơi! Bây giờ thế lực Nam Việt vương mạnh lắm rồi, bệ hạ không làm gì được đâu!
Tiên Hoàng càng giận dữ, quát gọi thị vệ đi tìm viên Nội hàn Trương Huấn sai tuyên triệu một số đại thần đến họp khẩn ở nhà nghị sự. Đoạn, ngài quay lại nói với Dương hậu:
- Ái khanh cứ yên chí, chẳng ai dám đụng tới ái khanh và hai con đâu! Hạng Lang là con hiếu thảo, thông minh tót chúng, rất xứng đáng ở ngôi Thái tử. Thiên hạ này do trẫm tạo dựng nên, trẫm có toàn quyền, trẫm nhất định sau này sẽ truyền ngôi cho Hạng Lang.
Dương hậu vẫn khóc sướt mướt:
- Bệ hạ đã thương thì thương cho trót, đã nói thì nên làm ngay, biết đâu rồi bệ hạ chẳng đổi ý! Đừng để mẹ con thần thiếp sa vào miệng hùm họng sói khổ thân lắm!
Tiên Hoàng an ủi:
- Ái hậu cứ yên chí, mọi việc sẽ đâu vào đấy! Hạng Lang sẽ làm Thái tử. Giờ thì trẫm cần về cung để lo công việc.
*
Cuộc hội nghị khẩn cao cấp của triều đình ở nhà nghị sự chỉ vỏn vẹn có năm người: Hoàng đế Tiên Hoàng, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn và viên Nội hàn Trương Huấn.
Khi các quan đã yên vị, Tiên Hoàng mở đầu:
- Hôm nay trẫm đột ngột triệu tập các khanh đến đây, mục đích là để chuẩn bị cho kịp buổi lễ tấn phong ngôi vị Thái tử sẽ được tổ chức vào sáng mai. Qua bao nhiêu ngày đêm suy nghĩ, trẫm đã quyết định lập Hạng Lang làm người kế vị trẫm sau này. Vậy, các khanh khá nên theo ý trẫm, thực hiện mọi việc thật chu đáo, làm sao đừng để những chuyện bất trắc xảy ra.
Nghe nhà vua nói, mọi người đều chưng hửng. Định Quốc công Nguyễn Bặc lên tiếng trước tiên:
- Tâu bệ hạ, thế Nam Việt vương Đinh Liễn vì sao lại không được lập?
Tiên Hoàng đáp:
- Biết con không ai bằng cha, trẫm đã đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định việc này. Triệu tập các khanh tới đây, mục đích để trẫm truyền những hiệu lệnh cho các khanh thi hành chứ không phải để bàn cãi vấn đề.
Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ tâu:
- Hạ thần xin trình bày ít lời, nếu bệ hạ bắt tội hạ thần xin chịu vậy. Hạ thần từng đọc sách, thấy rất nhiều vua chúa ngày xưa chỉ vì việc bỏ trưởng lập thứ mà hỏng việc. Thời chiến quốc Triệu Vũ Vương bỏ con trưởng là Chương lập con út là Hà, Sở Thành Vương bỏ con trưởng là Thương Thần lập con thứ là Chức đều gây nên họa cho chính bản thân mình. Thời tam quốc Viên Thiệu bỏ Viên Đàm lập Viên Thượng, Lưu Biểu bỏ Lưu Kỳ lập Lưu Tông, rốt cuộc cơ nghiệp hai họ Viên, Lưu đều sụp đổ vì cảnh cốt nhục tương tàn*. Xin bệ hạ xét lại vấn đề để khỏi ân hận về sau.
Tiên Hoàng nói:
- Nam Việt vương là kẻ bất hiếu, nếu để một kẻ bất hiếu ở ngôi trừ nhị thì còn lấy gì làm gương tốt cho thiên hạ?
Lưu Cơ thưa:
- Nếu muốn thế, bệ hạ cũng nên nêu rõ tội trạng Nam Việt vương phạm phải như thế nào đến nỗi không được lập tự để tránh sự dị nghị của thiên hạ và Nam Việt vương cũng khỏi sinh ra oán hận!
Tiên Hoàng chưa kịp đáp lời Lưu Cơ thì Thập đạo tướng quân Lê Hoàn tâu:
- Theo thiển ý của hạ thần, Nam Việt vương cầm quân đã lâu năm, có nhiều tướng lãnh phục tùng, nếu nghe được tin này, chắc Nam Việt vương không chịu bó tay, vậy bệ hạ tính làm sao?
Tiên Hoàng nói:
- Đấy chính là điều trẫm cần tới khanh. Với tư cách Thập đạo tướng quân, khanh phải hạ lệnh cho quân nào lữ ấy ở nguyên vị trí hiện tại để đợi lệnh. Nếu không có lệnh trực tiếp của trẫm hoặc khanh, tuyệt đối không ai được hành động. Khanh phải ban bố lệnh này rõ ràng cho toàn quân biết. Đồng thời, khanh phải cho những đội quân tin cẩn thay nhau tuần hành khắp kinh thành để đề phòng những sự bất trắc. Trẫm cho phép khanh được quyền tiền trảm hậu tấu tất cả những kẻ vi lệnh, kể cả Nam Việt vương và các đại thần. Đây là gươm lệnh của trẫm, khanh hãy cầm lấy để thi hành!
Lê Hoàn đưa tay đón nhận thanh kiếm vua trao rồi bái tạ:
- Hạ thần xin tuân lệnh!
Tiếp đó, vua Tiên Hoàng quay sang Lưu Cơ:
- Còn khanh, khanh phải lập tức liên lạc với các quan có trách nhiệm để chuẩn bị gấp rút mọi việc cho cuộc lễ. Không được tiết lộ cho họ biết ai sẽ làm Thái tử. Buổi lễ sẽ cử hành vào đầu giờ Tỵ ngày mai! Mọi sự chậm trễ và lôi thôi khanh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!
Lưu Cơ bái tạ:
- Hạ thần xin tuân lệnh!
Tiên Hoàng lại quay sang Nội hàn Trương Huấn:
- Khanh thảo nhanh các văn bản công bố hiệu lệnh của trẫm dán ở các nơi công cộng để cho thiên hạ biết!
- Hạ thần xin tuân lệnh:
Cuối cùng, Tiên Hoàng nói với Định Quốc công Nguyễn Bặc:
- Khanh với trẫm là chỗ cố cựu thân tình nên trẫm nhờ khanh lo việc quan trọng này. Khanh có nhiệm vụ khuyên lơn, trấn an Nam Việt vương và Ngoại giáp Đinh Điền vì Điền thân thiết với Nam Việt vương lắm. Khanh nói cho Nam Việt vương biết, trẫm sẽ không bãi chức tước hoặc làm gì có phương hại tới hắn với điều kiện hắn không được vọng động trong trường hợp này. Trẫm đã trao gươm lệnh cho Lê Hoàn như khanh biết đó. Bảo hắn đừng để cha con phải đoạn tình.
Nguyễn Bặc nhỏ giọng:
- Hạ thần xin tuân lệnh!
Vua Tiên Hoàng dõng dạc phán:
- Trẫm bất đắc dĩ mới phải dùng biện pháp này. Trẫm không muốn có máu đổ nữa. Các khanh phải khôn khéo hành động, đừng để trẫm thất vọng! Bây giờ các khanh hãy trở về nhiệm sở mình để thi hành nhiệm vụ!
Các quan đồng loạt tâu:
- Thánh Hoàng vạn tuế, chúng thần xin tuân lệnh!
*
Sáng hôm sau dân chúng ở Hoa Lư đều bàng hoàng trước cảnh tượng quân lính tuần phòng nghiêm ngặt khắp các nẻo đường. Tướng Phạm Cự Lượng oai phong lẫm liệt chỉ huy các toán kỵ binh chạy vòng từ dinh quan này tới dinh tướng khác như biểu dương lực lượng, như hăm he đe dọa. Các cửa thành đều đóng kín, trong và ngoài thành không liên lạc được với nhau.
Trong khi đó, ở trong triều cuộc lễ tấn phong Thái tử đã diễn ra tốt đẹp. Đứng ở bàn lễ khói hương nghi ngút, vua Tiên Hoàng đã chính thức trao gươm, ấn cho hoàng tử Hạng Lang và tuyên bố:
- "... Hôm nay ngày lành tháng tốt, trẫm đã tế cáo với hoàng thiên hậu thổ để xin chứng giám và hộ trì. Trước mặt bá quan và con dân bách tính, trẫm xin long trọng tuyên bố: Kể từ giờ phút này, con trai của trẫm là Đinh Hạng Lang, sinh năm Mậu Thìn, được tôn lập làm Đông cung Thái tử nước Đại Cồ Việt! Thái tử Hạng Lang sẽ là người chính thức kế vị khi trẫm về trời. Trẫm yêu cầu mọi tôi con của trẫm, phải vì trẫm mà bảo vệ Thái tử, tôn trọng Thái tử như chính bản thân trẫm. Những kẻ nào chống lại Thái tử coi như kẻ đó chống lại trẫm, các ngươi phải phụ nhau mà giết bỏ đi. Vậy, trẫm tuyên bố để quốc dân biết mà tuân hành ý chỉ của trẫm."
Nhà vua tuyên bố xong, quan quân hết thảy đều tung hô vạn tuế vang rền.
Cũng dịp này, hoàng tử Đinh Toàn cũng được tấn phong làm Vệ vương.
Đến quá Ngọ thì kinh thành Hoa Lư trở lại sinh hoạt bình thường. Tuy vậy, các quan trong triều lẫn dân chúng nhiều người vẫn còn xao động tâm não vì biến cố thua được ngang trái ở đời vừa xảy ra...
Thái tử Hạng Lang và Vệ vương Đinh Toàn đều còn quá nhỏ nên Tiên Hoàng cho phép cả hai được tiếp tục ở cung Đan Gia. Đợi đến khi lên mười sáu tuổi sẽ được ra ở phủ riêng.
*
Nói về Nam Việt vương Liễn, từ ngày dự bữa tiệc ở nhà tướng Phạm Hạp, trong lúc quá chén, vương góp vui với mọi người nhưng vô tình lại khơi ra cái chuyện hồ ly tinh làm các quan sinh mất lòng nhau. Khi tỉnh rượu vương cảm thấy áy náy lắm. Nhưng vương hoàn toàn không nghĩ rằng câu chuyện không hay kia đã lọt đến tai Dương hậu rồi sau đó đến tai Phụ hoàng. Vương vẫn tin tưởng tuyệt đối vào cái thế mà vương cho là không thể lung lay của mình. Vương là con trưởng, lại là người có công lớn trong việc dẹp loạn để dựng nên nước Đại Cồ Việt. Nhất là vương đã bao nhiêu lần đại diện cho Phụ hoàng sang chầu vua nhà Tống và được nhà Tống phong "Kiểm hiệu Thái sư Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ". Vì thế, hàng ngày vương vẫn làm công việc mà chẳng chút để tâm đề phòng chuyện bất trắc.
Đêm đó vào lúc gần sáng, vương đang ngon giấc bỗng nghe tiếng đập cửa thình thịch bên ngoài. Lát sau thì gia nhân báo tin Định Quốc công Nguyễn Bặc cần gặp vương gấp. Vương lật đật rửa mặt thay đồ rồi ra tiếp Nguyễn Bặc:
- Có chuyện gì mà thúc phụ đến sớm thế?
Nguyễn Bặc nói với giọng đứt quãng:
- Nguy rồi, cháu cho người đi mời chú Điền đến đây để bàn chuyện gấp.
- Chuyện gì mà nguy thúc phụ?
- Chú vừa nhận lệnh Hoàng đế ở nhà nghị sự về đây. Cháu phải bình tĩnh mà nghe chuyện. Nhưng hãy sai đứa nào đi gấp tới mời quan Ngoại giáp đến đây luôn thể ngay đi! Chúng ta nên vào trong nói chuyện để khỏi gây xao động cho bọn người nhà!
Nam Việt vương Liễn biết có chuyện chẳng lành, liền sai người đi mời Đinh Điền. Xong, vương dẫn Nguyễn Bặc vào phòng riêng:
- Bây giờ chú nói chuyện gì xảy ra cho cháu nghe đi!
- Dương hậu đã thuyết phục được hoàng thượng phong cho Hạng Lang làm Thái tử! Lễ tấn phong sẽ được cử hành ngay sáng hôm nay!
Đinh Liễn nghe chuyện xong nổi giận xung thiên, đập mạnh tay xuống bàn:
- Con dâm phụ cả gan đến thế sao? Cháu phải đi giết nó ngay bây giờ!
Nguyễn Bặc cản lại:
- Không làm gì được đâu cháu! Cháu phải bình tĩnh nhẫn nhục để tránh tai họa. Hoàng thượng đã trao gươm lệnh cho thằng Lê Hoàn, hắn có quyền tiền trảm hậu tấu. Có lẽ giờ này hắn đã điều động các đạo binh chuẩn bị sẵn sàng đập nát những thế lực chống đối. Cháu không nên lấy trứng chọi đá vô ích.
- Vậy chú bảo cháu phải làm sao bây giờ?
- Hoàng thượng bảo chú khuyên cháu không được vọng động. Hoàng thượng sẽ để cháu giữ nguyên chức tước cũ. Cứ tạm thời ẩn nhẫn chờ thời cơ. Nếu cháu nóng nảy hành động lỗ mãng sẽ bị người đời cười là cháu chống lệnh cha, sẽ bị mang tiếng bất hiếu mà thôi.
Vừa lúc ấy thì Đinh Điền bước vào. Đinh Liễn bực tức thuật lại chuyện cho Đinh Điền nghe. Đinh Điền cũng nổi giận xung thiên hỏi Nguyễn Bặc:
- Thế là công lao cháu Liễn bao lâu nay đổ xuống biển cả sao? Con mụ đàn bà này gian ác thật! Đúng là cái thứ hồ ly tinh! Anh em chúng ta phải giúp Đinh Liễn lấy lại công đạo chứ! Phải trương lá cờ Nam Việt vương lên mà hành động mới được!
Nguyễn Bặc nói:
- Thôi xin can ông đi! Lệnh là lệnh của hoàng thượng, chẳng lẽ chúng ta kháng lệnh? Hơn nữa, binh quyền ở cả trong tay thằng Lê Hoàn, chúng ta lấy gì để chống?
Đinh Liễn hỏi:
- Lê Hoàn vốn là tì tướng của cháu, chẳng lẽ hắn không nể cháu sao?
Nguyễn Bặc nói:
- Cháu nghĩ như vậy là lầm mất. Trước khác nay khác, chú nghi đằng sau vụ này có bàn tay của hắn đó. Bây giờ hắn cầm gươm lệnh trong tay, nếu cháu hành động lôi thôi không khéo hắn lại có cớ để khử cháu không chừng!
Đinh Điền thở dài:
- Không ngờ hoàng thượng lại có ngày bị đàn bà khuynh loát đến thế! Nhưng còn chúng ta đây, sẽ có ngày chúng ta vạch mặt được bọn gian!
Nguyễn Bặc lại nói với hai người:
- Hai chú cháu phải nghe tôi mới được! Cháu Liễn lúc này tốt nhất là phải nhẫn nhục yên phận để tránh mọi hiềm nghi, biết đâu lại chẳng có lúc hoàng thượng hồi tâm! Dù hoàng thượng không hồi tâm thì chúng ta cũng nên lần lần mà toan tính. Ông Điền cũng thế, tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu! Chúng ta phải nín thở qua sông. Chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội...
*
Sau khi Hạng Lang được phong Thái tử, các quan trong triều cũng như dân chúng đều ngạc nhiên trước thái độ bình thản của Nam Việt vương Liễn. Có người thắc mắc cái ngôi vị đáng ra phải là của vương lại bị kẻ khác đoạt ngang, không hiểu sao vương chẳng phản ứng. Có người cho là vương hèn nhát, sợ chết. Người khác lại khen vương là người đại hiếu thuận, không muốn làm cha buồn. Khi vào hầu Tiên Hoàng, vương vẫn hết sức cung kính, tự nhiên, không hề nhắc đến chuyện ngôi vị.
Vào hôm triều đình tổ chức lễ tế xã tắc, ba anh em Đinh Liễn, Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn đã có một dịp gặp nhau vui vẻ trước mặt Tiên Hoàng. Thái tử Hạng Lang tuy còn nhỏ nhưng cũng có vẻ chững chạc như một người lớn. Thái tử ôn tồn nói với Đinh Liễn:
- Vương huynh kính yêu, dù thế nào em cũng vẫn là đứa em nhỏ của vương huynh thôi. Mẫu hậu đối với vương huynh ra sao có thể vương huynh không hài lòng nhưng Phụ hoàng dạy em phải luôn tôn kính vương huynh. Chúng ta là hòn máu xắn đôi. Em nghe lời Phụ hoàng, sẽ không bao giờ làm gì để vương huynh phải buồn.
Đinh Liễn nói:
- Tạ ơn Điện hạ đã nghĩ đến tình thâm máu mủ. Ngu huynh cũng xin nguyện lấy lòng trung thành để thờ Điện hạ, giúp Điện hạ giữ cho xã tắc được muôn đời vững bền.
Thế rồi hai anh em ôm lấy nhau sung sướng đến chảy nước mắt. Đinh Toàn thấy vậy cũng chạy lại. Đinh Liễn cũng đưa tay choàng luôn Đinh Toàn vào.
Tiên Hoàng và những người đứng chung quanh chứng kiến cảnh đó đều hết sức cảm động.
Trong lòng Tiên Hoàng bỗng dậy lên một niềm hối hận sâu xa. Ngài không ngờ Đinh Liễn lại hiếu thuận, lại độ lượng đến thế. Rồi ngài hồi tưởng lúc vua Ngô đánh Hoa Lư, Nam Tấn vương đã cho treo Liễn lên cây tre dọa giết để buộc ngài đầu hàng, Liễn đã can đảm không kêu một tiếng. Lúc ấy ngài đã cho mười xạ thủ giương cung lên và nói với Nam Tấn vương: "Chẳng cần quân triều đình ra tay nữa, Nam Tấn vương chỉ cần hô một tiếng quân Hoa Lư chúng tôi sẽ bắn giúp cho!". Thấy ngài sẵn sàng hi sinh con chứ không chịu hàng, Nam Tấn vương phải nhượng bộ tha Liễn mà rút quân. Đến thời gian đánh dẹp các sứ quân, lúc nào Liễn cũng xông xáo đi đầu. Chính tay Liễn đã dẹp yên bốn năm sứ quân. Ngay cả cựu đô Cổ Loa cũng do Liễn thu phục. Qua những việc trên chứng tỏ Đinh Liễn không phải là kẻ hèn nhát sợ chết. Công lao Liễn bao trùm như vậy sao ngài lại nỡ đối xử bất công với Liễn thế? Tiên Hoàng đâm ra nghi ngờ những lời Dương hậu nói với ngài về Liễn là không chân thật. Ngài thở dài: "Dù sao việc cũng lỡ rồi!". Tiên Hoàng tự cảm thấy mình có lỗi với Đinh Liễn nhiều quá, phải làm gì để đền bù mới được. Tuy vậy, ngài cũng thấy tạm yên tâm hơn bao giờ hết. Dương hậu đã thỏa dạ mà Nam Việt vương Liễn cũng chẳng tỏ ra buồn giận là may rồi. Ngài nghĩ cứ như tình trạng vừa rồi thì gia đình ngài chắc thoát được cảnh huynh đệ tương tàn.
*
Ba tháng sau ngày Hạng Lang được phong Thái tử đã trôi qua một cách êm đềm. Sinh hoạt quân sự tại kinh đô Hoa Lư đã trở lại bình thường. Những trại quân đã không còn tình trạng ứng trực rộn rịp. Đa số quân sĩ lại được cho về nhà giúp gia đình cày ruộng vỡ nương. Dương hậu lúc này cũng hoàn toàn vững tâm. Bà không ngờ Đinh Liễn lại dễ dàng bị khuất phục đến thế. Bấy giờ bà đã nghiễm nhiên trở thành đệ nhất quốc mẫu. Bà rất hãnh diện khi nghĩ rằng mình đã đạt được tột đỉnh vinh quang trên đời. Bà bắt đầu thích đi đây đi đó tiền hô hậu ủng nhiều hơn trước, như để ra mắt thiên hạ, như để thanh minh, để vớt vát uy tín cho cha mẹ mình. Bà đi lễ các chùa, bà đi xem phong cảnh núi non, bà đi thăm dân vào những ngày gặt hái... Dương hậu càng hãnh diện khi đi đâu có Thái tử cùng đi. Bà sung sướng biết bao khi ở bên cạnh Thái tử mặt ngọc da ngà, trán cao mắt sáng, nghi biểu rỡ ràng trước mắt công chúng...
Tiên Hoàng vẫn muốn các con mình trở thành những kẻ tài ba nên đã rước nhiều giáo sư giỏi về dạy chúng cả văn lẫn võ. Hạng Lang nhờ có một bộ óc thông minh khác thường nên học hành rất tiến bộ. Tới khi được phong Thái tử, Hạng Lang đã có được một căn bản võ nghệ đáng nể. Mới mười tuổi Hạng Lang đã khá rành rẽ việc cưỡi ngựa múa gươm. Dương hậu thấy con như vậy lấy làm đắc chí lắm.
Ngày kia, Dương hậu sai người đem hai con ngựa để bà và Hạng Lang cưỡi đi dạo quanh trong thành. Quân lính thấy hoàng hậu và Thái tử cưỡi ngựa đi dạo thì hoan hô nhiệt liệt. Hứng chí, năm ba ngày Dương hậu lại cùng Thái tử cưỡi ngựa đi dạo lần khác. Dần dần việc hoàng hậu và Thái tử cưỡi ngựa đi dạo trở thành thói quen. Dạo chơi trong thành chán, Dương hậu lại dẫn Thái tử dạo chơi ngoài thành. Những lần đầu bà còn cho nhiều người theo bảo vệ đề phòng bất trắc. Về sau, có lẽ vì cảm thấy vướng víu không tiện, bà chỉ đem theo một hai người.
Mỗi lần đi dạo, thường thường Thái tử Hạng Lang cưỡi ngựa đi trước, kế đó là Dương hậu, rồi sau một đoạn khá xa là hai vệ sĩ. Thái tử tuổi quá trẻ, tánh còn háo thắng, tự phụ, nên không muốn cho các vệ sĩ đi gần.
Một sáng đẹp trời vào mùa xuân năm Kỷ Mão, chính Thái tử Hạng Lang cao hứng rủ mẹ ra ngoài thành chơi. Dương hậu vui vẻ sửa soạn đi ngay. Họ vừa ra khỏi cửa thành chừng hai dặm, thình lình một người đàn ông núp bên đường nhảy ra chém một nhát vào chân con ngựa Thái tử đang cưỡi. Con ngựa đau quá nhảy chồm lên hất Thái tử ngã xuống bên đường. Một người đàn ông khác đã chực sẵn gần đó nhảy tới đâm vào ngực Thái tử một dao. Hạ thủ xong, cả hai bỏ chạy biến. Chuyện xảy ra chỉ trong nháy mắt. Dương hậu chỉ kịp hét lên một tiếng thất thanh rồi ngã xuống ngựa bất tỉnh. Lúc ấy hai viên vệ sĩ vừa tới nơi. Một người vội tới đỡ Dương hậu dậy, một người tới chỗ Thái tử đang quằn quại trên vũng máu. Vết thương máu ra quá nhiều. Thái tử đã ngất xỉu. Viên vệ sĩ cắt áo mình ra để băng cho Thái tử nhưng máu không cầm được. Lát sau thì Dương hậu tỉnh lại. Bà hối thúc hai viên vệ sĩ đỡ Thái tử lên ngựa cấp tốc đưa về cung. Dọc đường đi máu đông rơi rớt khá nhiều. Mấy vị quan đại phu tại triều nghe tin dữ vội vàng chạy đến xem bệnh nhưng Thái tử đã tắt thở.
*
Cái chết tức tưởi của Thái tử Hạng Lang đã làm chấn động cả triều đình Hoa Lư. Cả nước đều xôn xao bàn tán. Dư luận đều tỏ vẻ thương tiếc vị Thái tử xấu số nhưng cũng không lên án kẻ sát nhân nhiều. Dân chúng phần đông nghĩ Nam Việt vương đã chủ mưu vụ ám sát này. Cũng có kẻ cho rằng chính lòng tham lam quá độ của Dương hậu đã làm Hạng Lang mất mạng.
Người tỏ ra ân hận sâu xa nhất chính là vua Tiên Hoàng. Khi vụ án vừa xảy ra, một số đại thần xin ngài cho mở cuộc điều tra gấp để tìm thủ phạm, nhưng ngài nói:
- Khỏi cần, nguyên nhân gây ra cái chết thương tâm này chính là do trẫm.
Khi đến bên xác con, Tiên Hoàng tự đấm ngực mình thình thịch mà than:
- Chính lỗi lầm của cha đã làm con phải chết! Trời Phật sẽ trừng phạt cha!
Sau đó ngài đâm ra lầm lì ít nhắc đến cái chuyện bất hạnh này. Cũng từ đó ngài sinh ra hay uống rượu hơn.
Dương hậu cũng tỏ ra đau khổ tột cùng. Bà khóc khuya khóc sớm bỏ ăn bỏ ngủ cả một thời gian dài. Thân xác bà ngày càng héo mòn, tiều tụy đến nỗi có người không tưởng tượng nổi đó là bà hoàng xinh đẹp lộng lẫy tuyệt vời hôm nào. Mỗi khi thấy mặt Tiên Hoàng bà đều gào lên:
- Tội ác này do thằng Liễn gây ra chứ không ai khác đâu! Bệ hạ phải thẳng tay trừng trị thằng Liễn để rửa oan cho Thái tử bệ hạ ơi!
Tiên Hoàng chỉ biết an ủi:
- Hoàng thiên hữu nhãn. Người nào gây tội ác nhất định người đó sẽ gặt quả báo. Muốn trừng trị ai phải có bằng chứng tội lỗi rõ ràng, chứ hồ đồ sao được? Hậu cứ yên chí đi, trước sau gì Thái tử linh thiêng cũng sẽ chỉ cho chúng ta biết kẻ giết người.
Nam Việt vương Liễn cũng tỏ ra đau khổ không ít. Vương biết hàng ngàn mũi nhọn dư luận đang chĩa vào vương. Vương than thở với những người thân tín:
- Chuyện đã xảy ra như thế, dù ta có thanh minh đằng trời cũng chẳng ai tin ta được. Và dù ai đã gây ra chuyện đi nữa, chắc cũng có phần nào vì ta, vì những uất ức của ta, ta phải gánh một phần trách nhiệm. Vả lại, để cho thiên hạ phải hiểu lầm mình cũng là nguồn gốc của tội lỗi rồi. Đây chính là nghiệp chướng của ta...
Vốn là đồ đệ của đức Tăng Thống Khuông Việt, sáu bảy năm về trước, sau khi bình định được các sứ quân, Nam Việt vương Liễn đã từng phát tâm dựng tại tân đô Hoa Lư một trăm trụ kinh bằng đá khắc bài chú "Phật Đỉnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni" để cầu siêu độ những oan hồn uổng tử chết chóc trong cuộc chiến. Các trụ kinh được đẽo hình bát giác, chiều cao hơn hai thước mộc, mỗi cạnh rộng hơn hai tấc mộc.
Nay xảy ra việc Thái tử Hạng Lang bị giết, Nam Việt vương Liễn lại cho thợ tạo dựng một trăm trụ kinh khác cũng khắc bài chú "Phật Đỉnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni" để cầu giải thoát cho em mình, đồng thời cũng cầu nguyện cho cha là Tiên Hoàng sống lâu và bản thân mình được lộc vị bền vững. Những trụ kinh lần này nhỏ và thấp hơn những trụ kinh dựng lần trước, cũng hình bát giác, có chiều cao non hai thước mộc, mỗi cạnh non hai tấc mộc, dựng tại những địa phương ngoại thành Hoa Lư.
Cũng từ đó, ngoài những khi làm việc, vương hay ở miết trong phủ để nghiên cứu kinh kệ Phật giáo.
Chú thích:
*Triệu Vũ Vương nước Triệu đời Chiến Quốc trước đã lập con trưởng là Chương làm Thái tử. Tiếp đó một người thiếp rất đẹp sinh ra được người con khác tên là Hà, được Vũ Vương yêu quí hơn nên lại phong Hà làm Thái tử mà bỏ Chương đi. Về sau Vũ Vương truyền ngôi cho Hà tức Triệu Huệ Vương rồi lên làm Chủ phụ (Thái thượng hoàng). Thuộc hạ của Chương là Điền Bất Lễ bất mãn bày mưu cho Chương tranh ngôi với Huệ Vương nhưng không thành. Chương bị Huệ Vương cho người truy sát, cùng đường phải đến xin Triệu Chủ phụ cứu mạng. Triệu Chủ phụ vì hối hận thương Chương nên quyết bảo vệ cho Chương. Nhưng thuộc hạ của Huệ vương vẫn hại Chương rồi giam đói Chủ phụ đến chết.
Sở Thành Vương cũng lập người con trưởng là Thương Thần làm Thái tử. Về sau Thương Thần trái ý vua, vua lại định lập người con thứ là Chức lên thay. Thương Thần biết được bèn sai thuộc hạ là Phan Sùng bất thần đem quân vây cung vua và bức tử Sở Thành Vương mà chiếm ngôi.