watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm-CHƯƠNG MƯỜI - tác giả Ngô Viết Trọng Ngô Viết Trọng

Ngô Viết Trọng

CHƯƠNG MƯỜI

Tác giả: Ngô Viết Trọng

C uộc chiến thắng quân Tống hết sức oanh liệt đã củng cố vững chắc thêm cái địa vị mới giành được của vua Lê Đại Hành. Nhà Tống tuy hết sức căm giận nhưng lại gặp lúc phải lo đối phó với giặc Khiết Đan đang quấy rối dữ dội ở phương bắc đành chịu chấp nhận sự cầu hòa của Đại Cồ Việt.
Yên được mặt bắc xong, vua Đại Hành liền nghĩ tới việc tính sổ nợ với nước Chiêm Thành ở phía nam.
Nguyên Ngô Nhật Khánh là một sứ quân bại trận nhưng lại được vua Tiên Hoàng dung dưỡng, dành cho nhiều ưu đãi đặc biệt. Tuy thế, vì tham vọng cá nhân, tiếc rẻ ngôi vị cũ, Nhật Khánh vẫn nuôi lòng bội phản. Đã có chủ tâm trước, năm Kỷ Mão, khi được vua Tiên Hoàng sai vào công cán ở Ái Châu, Nhật Khánh đem cả gia quyến lên thuyền ra đi. Tới cửa biển Nam Giới (cũng còn gọi là Cửa Sót), Nhật Khánh rút lấy con dao rạch vào má vợ là công chúa Phất Kim mà kể tội: "Cha mày ức hiếp ta, dụ dỗ mẹ ta, ta đâu có vì mày mà quên được mối hận ấy? Cho mày về, ta đi tìm người để cứu ta!". Thế rồi Nhật Khánh thả công chúa lên bờ và dong thuyền tuốt sang Chiêm Thành. Tiên Hoàng nhận được tin than rằng: "Ta ban ân huệ cho nó đến mức ấy mà nó vẫn phản, thật không thể nào đo lường được lòng người! Thôi, chớ trách ta bạc ác nhé!". Nhưng chưa kịp trừng phạt Nhật Khánh ngài đã bị Đỗ Thích ám hại. Nhật Khánh sang Chiêm Thành xin yết kiến vua Chiêm rồi thuyết phục vua Chiêm sang đánh Đại Cồ Việt. Vua Chiêm nghe lời Nhật Khánh, cùng Nhật Khánh đem binh thuyền định vào cướp Hoa Lư. Nhưng không may cho họ, binh thuyền Chiêm Thành đến cửa biển Đại Nha thì gặp bão lớn. Quân Chiêm bị đắm thuyền chết rất nhiều. Ngô Nhật Khánh cũng chết chìm trong số ấy. Vua Chiêm phải rút quân về. Tuy bị trời hại, vua Chiêm vẫn coi đó như mối hận với Đại Cồ Việt.
Năm Tân Tỵ, khi tình hình bang giao giữa Đại Cồ Việt và Tống triều đang căng thẳng, vua Đại Hành sợ Chiêm Thành gây rối mặt sau nếu chiến tranh Tống Việt xảy ra, bèn cử Từ Mục và Ngô Tư Bửu đi sứ sang Chiêm để thương thuyết giao hảo. Nhưng vua Chiêm cho bắt sứ giả giam lại. Vua Đại Hành giận lắm. Vì thế, khi giảng hòa được với nhà Tống vào năm Nhâm Ngọ, ngài liền đem đại quân trừng phạt nước Chiêm. Vua Đại Hành thắng lớn, giết được đại tướng Chiêm là Tỳ My Thuế, san bằng kinh đô, phá hủy hết tông miếu nước Chiêm. Đồng thời bắt hơn 100 cung nữ và một nhà sư Thiên Trúc cùng lấy được rất nhiều đồ quí, vàng bạc, châu báu mang về nước. Vua Chiêm Thành khiếp sợ phải xin thần phục Đại Cồ Việt.
Sau chiến thắng này, vua Đại Hành cho mở tiệc khải hoàn rất lớn tại Hoa Lư. Nhập tiệc, các quan văn võ đều lần lượt chúc tụng vua Đại Hành. Hầu hết đều dùng những lời chúc thường tình như "oai vang bốn bể", "thọ lâu trăm tuổi", "xã tắc vững bền"... Tới phiên Vệ vương Đinh Toàn đứng ra chúc, vua Đại Hành thấy cậu bé mới chín tuổi này lúc ấy trông dáng vẻ oai phong lạ, bèn nói đùa:
- Con phải chúc trẫm một lời nào thật hay coi!
Vệ vương không chút ngập ngừng, nói:
- Tiểu tử xin kính chúc phụ hoàng sức mạnh kình thiên áp địa, nam diệt Chiêm, bắc diệt Tống dựng nên một nước Đại Cồ Việt khổng lồ, cơ đồ bền vững lâu dài vạn thế!
Vua Đại Hành khoái chí cười ha hả:
- Chà, tiểu tử biết cả trong bụng trẫm nữa kìa!
Bá quan nghe thế cũng kinh ngạc vỗ tay rền vang. Sau khi tan tiệc ra về, Đại tướng Phạm Cự Lượng nán ở lại gặp vua Đại Hành và thưa:
- Bệ hạ có thấy cái khẩu khí của Vệ vương không?
- Vệ vương có lời chúc trẫm hay thật!
- Thần nghĩ tuy là chúc cho bệ hạ nhưng Vệ vương cũng có sẵn mộng lớn ấy trong đầu mới phát ra nhậm lẹ như vậy! Người xưa dạy "Hào mạt bất chiết tương tầm phủ kha!", có nghĩa là cái mầm nhỏ li ti mà không bứt đi thì về sau phải đi kiếm cho ra cái búa đấy!
- Trẫm thấy nó còn vô tư lắm, nó lại rất mến trẫm, khanh đừng để ý.
Thật tình Phạm Cự Lượng rất sợ sự tồn tại của Vệ vương Đinh Toàn. Cự Lượng biết rõ ở triều đình cũng như ngoài dân dã hiện vẫn còn rất nhiều người tưởng nhớ đến công ơn vua Tiên Hoàng. Nếu có cuộc biến cách nào xảy ra thì Cự Lượng sẽ là cái gai đầu tiên kẻ thù phải nhổ. Vì vậy, Cự Lượng nhấn mạnh với vua Đại Hành:
- Giờ thì Vệ vương vô tư thật đấy, nhưng rồi sẽ có người làm cho Vệ vương hết vô tư. Cái gương của Dương Tam Kha vẫn còn rành rành đó. Dương Tam Kha là cậu ruột của Ngô Xương Văn nên còn được dung mạng chứ Vệ vương với bệ hạ đâu có chút gì để mà phải tiếc nhau?
Dĩ nhiên vua Đại Hành cũng biết rõ điều đó. Nhưng ngài rất tự tin vào bản lãnh của mình. Không bao giờ Đinh Toàn có cơ hội như Ngô Xương Văn được. Đinh Toàn nhất định phải đi, nhưng bây giờ chưa cần, chưa đúng lúc. Ngài nói:
- Hoàng hậu Vân Nga còn đó, trẫm làm sao đành đoạn dứt tình? Hơn nữa, bây giờ ta làm chuyện ấy thì sớm quá, có thể Tống triều sẽ vin vào cớ ta thí nghịch soán đoạt mà gây sự lôi thôi. Từ từ trẫm sẽ liệu đâu vào đấy cả, khanh cứ yên chí!
Cự Lượng cáo từ ra về mà lòng không được vui mấy.


*


Trong nhà Phạm Cự Lượng có một nữ tì tên Thị Lý khá dễ thương và lanh lợi. Lâu nay Tuyết Linh phu nhân vẫn hay sai Thị Lý qua lại liên lạc với Dương hậu. Thỉnh thoảng Thị Lý cũng được Dương hậu thưởng chút quà hoặc tiền bạc. Vừa qua, Thị Lý lén tư tình với một gã con trai ăn ở trong nhà, không may bị Cự Lượng bắt được. Cự Lượng sai người đánh hai đứa một trận nên thân. Thị Lý quá xấu hổ, tức giận nên tìm cách trả thù. Thế rồi Thị Lý lén trốn nhà đến xin gặp Dương hậu. Dương hậu hỏi:
- Ngươi xin gặp ta có chuyện gì?
- Bẩm hoàng hậu, con đến đây để báo với hoàng hậu một việc rất quan trọng!
- Việc gì cứ nói!
- Ngày kia chủ con mời Thái sư Hồng Hiến đến nhà đãi tiệc. Trong lúc ăn uống, hai người bàn nhau phải tìm cách giết Vệ vương!
Dương hậu nghe nói hồn vía bay cả lên mây. Lát sau bà mới bình tĩnh lại:
- Ngươi nói láo! Họ bàn chuyện ấy làm sao ngươi nghe được?
- Bẩm, con không bao giờ dám nói láo! Khi họ bàn nhau chuyện đó, con đang dâng rượu nên nghe được. Thật ra ban đầu họ nói kín kín hở hở con cũng chưa hiểu cho lắm, nhưng vì trong câu chuyện họ cứ nhắc đến Vệ vương nên con phải chú ý. Tới lúc Thái sư Hồng Hiến đã ra về, tướng quân và phu nhân cãi nhau con mới vỡ lẽ.
- Chủ ngươi với Tuyết Linh cãi nhau thế nào nói ta nghe thử!
- Dạ, chủ con nói ông cùng Thái sư đã đồng ý với nhau phải làm việc đó. Phu nhân thì bảo không nên làm, phải nhớ tới ơn nghĩa tác hợp gây dựng của hoàng hậu. Chủ con nói nếu bây giờ không làm được, sau này Vệ vương mạnh lên nhất định Vệ vương sẽ không tha thứ ông, ông không thể vì chút ơn nghĩa của hoàng hậu mà bó tay chịu chết! Thế rồi hai ông bà giận nhau suốt mấy ngày.
Dương hậu nghe vậy không thể không tin được nữa. Bà dịu dàng nói:
- Ta thành thật cám ơn con! Nhưng kể với ta chuyện này con không sợ chủ con sao?
- Bẩm, lâu nay hoàng hậu vẫn hay ban thưởng cho con, bây giờ có người muốn hại hoàng hậu con làm ngơ sao được! Nhất là Vệ vương còn thơ ấu và đâu có tội tình gì! Đã báo việc này với hoàng hậu, con cũng chẳng còn dám trở về phủ Phạm tướng quân nữa. Con xin giã từ hoàng hậu con đi nơi khác!
Dương hậu thương tình, bèn thưởng Thị Lý một số bạc.
Hôm sau, khi vua Đại Hành ghé thăm, Dương hậu quì xuống khóc lóc:
- Thần thiếp nghe nói có người muốn mưu hại Vệ vương. Nếu Vệ vương có mệnh hệ nào thần thiếp làm sao mà sống nổi? Xin bệ hạ hãy nghĩ đến ân tình giữa chúng ta, thần thiếp đã vì bệ hạ mà hi sinh danh tiết, đã đem cả giang sơn của chồng cũ mà trao cho bệ hạ, đến nỗi nhiều người trong dòng họ thần thiếp tẩy chay thần thiếp, có người từ bỏ luôn cả họ Dương, bệ hạ nỡ nào không vì thần thiếp mà bảo vệ cái giọt máu cuối cùng của thần thiếp?
Đại Hành đỡ Vân Nga dậy, giọng nhỏ nhẹ ngọt ngào:
- Không có chuyện đó đâu! Những kẻ phá hoại đặt điều như thế để mưu gây sự xáo trộn đó thôi!
Vân Nga vẫn nước mắt ràn rụa kể lại cho vua nghe những lời của Thị Lý. Vua Đại Hành nói:
- Thế là ái khanh trúng mưu gian của bọn tiểu nhân rồi! Chúng thấy hai vị công thần ấy được trẫm trọng dụng nên gièm pha chứ gì! Bây giờ Vệ vương không phải chỉ là con của ái khanh mà còn là con của trẫm nữa. Ai mưu hại Vệ vương chính là người đó xâm phạm đến trẫm, trẫm sẽ trừng trị đích đáng! Ái khanh cứ yên chí, trẫm nhất định không tha bất cứ kẻ nào dám hại đến một cọng lông của Vệ vương!
Giờ thì Dương hậu không còn dễ dàng tin tưởng ở những lời nói của nhà vua như trước kia. Qua một thời gian gần gũi với vua Đại Hành, bà đã biết rõ phần nào bản chất của nhà vua. Thái sư Hồng Hiến, Đại tướng Phạm Cự Lượng đều là tay chân thiết cốt, không thể tách rời khỏi nhà vua được. Họ đang lo củng cố, gìn giữ một quyền lợi chung! Tất nhiên, ý muốn của những người ấy cũng chính là ý muốn của nhà vua. Nhưng lỡ làng cả rồi, càng phản ứng càng gây sự bất lợi cho con mình, Dương hậu chỉ biết phục xuống lạy vua Đại Hành lia lịa:
- Đội ơn bệ hạ, đội ơn bệ hạ, mẹ con thần thiếp hoàn toàn trông cậy vào sự bao dung che chở của bệ hạ!
Gặp vua Đại Hành xong, Dương hậu lại cho mời Tuyết Linh phu nhân đến nói chuyện. Sau một hồi hàn huyên chuyện cũ, Dương hậu hỏi Tuyết Linh phu nhân về việc Phạm Cự Lượng bàn bạc với Thái sư Hồng Hiến. Tuyết Linh nói:
- Chồng em có mời Thái sư đến nhà uống rượu thật, nhưng không hề có sự bàn bạc mưu hại ai cả. Con tiện tì ấy gian dâm với một thằng gia nô bị chồng em bắt được đánh cho một trận nên đặt điều để trả thù đấy! Thảo nào nó trốn mất rồi! Mà dù chồng em có bàn tới việc đó, đời nào em lại chịu cho làm! Ơn nghĩa của hoàng hậu như trời biển em làm sao quên được?
Dương hậu nghe Tuyết Linh nói như thế thì hiểu rằng có hỏi nữa cũng vô ích. Bà biết dù nể bà tới mức nào Tuyết Linh cũng chẳng muốn để bà thấy rõ cái tâm địa của chồng mình. Nghiệm cho kỹ, một nữ tì như Thị Lý làm sao đủ khả năng và can đảm để bịa đặt một chuyện tày trời như thế? Tất nhiên bà phải tin Thị Lý đã nói sự thật. Chắc chắn Vệ vương Đinh Toàn bây giờ đã trở thành con mòng trước con mắt những tay thợ săn gian hiểm ấy. Không sớm thì muộn con mòng ấy cũng sẽ bị bắn rớt. Ôi, biết than trách cùng ai nữa? Cũng bởi trái tim mù tối đầy dục vọng của ta gây nên cả! Dương hậu hết sức chán ngán khi nghĩ đến lòng dạ gập ghềnh của những người từng nịnh hót mình để mưu cầu tước lộc, địa vị. Từ con người học cao hiểu rộng như Thái sư Hồng Hiến đến một kẻ võ biền như Đại tướng Phạm Cự Lượng đều một phường như nhau! Tất cả chỉ nhắm mục đích lợi dụng bà! Tới khi cần phản họ sẽ phản ngay! Nghĩ đến đó bất giác Dương hậu thốt lên:
- Ngay chính đức kim thượng nữa cũng chẳng hơn gì!
Câu nói bất ngờ của Dương hậu làm Tuyết Linh phu nhân kinh ngạc:
- Hoàng hậu nói sao?
Lúc đó Dương hậu mới giật mình, nói đỡ:
- Không, không có gì!


*


Trước đây Dương hậu đã mời được một vị giáo sư có tiếng ở Hoa Lư về dạy lễ nghĩa văn hóa cho Vệ vương. Đó là giáo sư Trương Bậc, một người Tàu đạo cao đức trọng, học vấn uyên thâm, nhân tránh cảnh loạn lạc ở đất Tàu, theo cha mẹ sang Giao Châu từ hồi còn trẻ. Vua Tiên Hoàng đã có lần mời ông ra làm quan nhưng ông không chịu. Sau này vua Đại Hành lại mời ông ra nữa nhưng ông cũng từ chối. Ông chỉ hốt thuốc chữa bệnh và làm nghề dạy học để sống qua ngày. Không hiểu cơ duyên nào xui khiến, một hôm lên chùa Giác Lâm chơi, ông tình cờ gặp Dương hậu dắt Vệ vương đi lễ Phật. Thấy Vệ vương khôi ngô tuấn tú, ăn nói ra vẻ mẫn tuệ, ông có vẻ thích ý lắm. Khi Dương hậu nói chuyện và ngỏ ý muốn mời ông về làm gia sư cho Vệ vương, ông nhận lời ngay. Từ đó, giáo sư Trương Bậc lúc nào cũng tận tình dạy dỗ cho Vệ vương. Vệ vương vốn thông minh sáng láng lại cần cù chịu khó dồi mài nên học đâu hiểu đó. Thầy giỏi trò ngoan, một già một trẻ đối xử với nhau hết mực tương đắc. Thấy tình trạng diễn tiến tốt lành, Dương hậu càng quí trọng và tin tưởng vị giáo sư này.
Sau khi xảy ra vụ Thị Lý, Dương hậu cho mời giáo sư đến kể lại chuyện cho ông nghe rồi hỏi:
- Theo thầy nghĩ, đức kim thượng có nhiệt tình che chở cho Vệ vương thoát khỏi những âm mưu đen tối của bọn tiểu nhân kia không?
Giáo sư thưa:
- Hoàng hậu đã tin mà hỏi thần, vả lại đây là chuyện hết sức quan hệ với vận mệnh của Vệ vương, thần xin đem hết sự hiểu biết của mình nói ra để hoàng hậu tính liệu, có gì không vừa ý xin hoàng hậu chớ chấp.
Dương hậu nôn nóng:
- Sao ta lại chấp nhất thầy chứ! Ta cầu khẩn thầy nói mà! Xin thầy nói mau cho, đừng e ngại gì cả!
- Vậy thì thần xin nói hết những suy nghĩ của mình: Đức kim thượng không bao giờ thật tình che chở cho Vệ vương đâu! Chẳng có ai trên đời muốn làm cái việc "Dưỡng hổ di họa" đó cả! Sở dĩ đức kim thượng còn dung dưỡng Vệ vương tới lúc này chẳng qua chỉ vì nể mặt hoàng hậu đó thôi. Nếu một mai hoàng hậu trăm tuổi rồi, Vệ vương e khó sống nổi! Dù đức kim thượng có ý châm chước đi nữa, những thủ túc của ngài và các hoàng tử cũng chẳng để Vệ vương sống yên! Cái thế nó phải như vậy!
Dương hậu rưng rưng nước mắt:
- Thầy nói vậy ta hiểu lắm rồi! Vệ vương thật sự đang ở trong tình trạng bị đe dọa rất nguy hiểm. Bây giờ thầy nghĩ ta nên làm thế nào?
Trương Bậc nói:
- Theo thần nghĩ, trước nhất hoàng hậu nên tìm dũng sĩ để bảo vệ cho Vệ vương đã rồi từ từ tính sau!
Dương hậu than thở:
- Dũng sĩ thì tìm không khó, nhưng biết ai là kẻ nghĩa khí có thể tận trung với chủ? Ta thấy hầu hết người đời đều dễ dàng bị mua chuộc bởi cái mồi phú quí vinh hoa. Biết làm sao?
Giáo sư Trương Bậc thưa:
- Trong một dịp đi hái thuốc, khi qua chợ Đầm Lạc, thần tình cờ gặp được hai thanh niên, dưới mắt thần thì họ đáng gọi là trang nghĩa sĩ. Nếu hoàng hậu cần, thần có thể đi tìm họ để thuyết phục họ về bảo vệ Vệ vương!
Dương hậu mừng rỡ:
- Thế thì còn gì hơn! Nhưng thầy cũng nên cho ta biết họ đã có những hành động ra sao mà thầy đánh giá họ là những nghĩa sĩ?
Giáo sư ngẫm nghĩ một lát rồi thưa:
- Hạ thần rất rõ lòng dạ khí khái, trung nghĩa của những người này, ngặt vì trong ngôn ngữ của họ có chút xúc phạm bề trên. Nếu hoàng hậu tha thứ cho họ hạ thần mới dám trình bày!
- Thầy cứ nói đi, dù họ đã có lỗi với ta, ta cũng bỏ qua cho họ!
Vị giáo sư chậm rãi nói:
- Hoàng hậu đã hứa vậy thì hạ thần xin nói...
Hôm ấy Trương Bậc vào chợ Đầm Lạc định mua một ít lương thực để mang theo trong khi đi hái thuốc. Ngang qua một quán ăn, ông thấy một nhóm người già có trẻ có ngồi quanh một bàn rượu đang tranh cãi sôi nổi về một vấn đề gì đó. Trông người nào cũng có vẻ đã ngấm hơi men. Tò mò, Trương Bậc đứng lại nghe. Một ông lão, người lớn tuổi nhất trong đám, nói:
- Mấy người chán sống cả rồi sao? Sao lại tình nguyện nhảy vào vạc dầu, chuồng hổ như thế?
Một chàng thanh niên mặt đỏ gay, ra vẻ uất hận, đáp:
- Bá bá nghĩ người ta nói thế có ức không chứ? Chuyện như vậy mà cứ khen Dương Thái hậu hi sinh vì đất nước à? Hi sinh ở chỗ nào?
Một người đàn ông nghe thanh niên nói phạm đến Dương Thái hậu thì sợ hãi, vội vàng bước ra khỏi quán:
- Việc tranh cãi ở đây tôi không dính dự chi cả nghe! Tôi không muốn nhảy vào vạc dầu hay nhảy vào chuồng hổ đâu!
Nói xong, ông ta chuồn thẳng. Chàng thanh niên có vẻ bất cần, tiếp tục cao giọng:
- Vạc dầu chuồng hổ nay đã dẹp rồi. Những thứ ấy vua Tiên Hoàng bày ra cốt để trị kẻ gian tà chứ không phải để hại người trung nghĩa. Mà dù có phải nhảy vào vạc dầu, chuồng hổ, thấy việc chướng tai gai mắt tôi vẫn nói! Tôi khinh bỉ cái hạng người thấy gió chiều nào ngã theo chiều đó!
Một người đàn ông trung niên trừng mắt nhìn chàng thanh niên:
- Này Nguyễn Mỹ, mày không được hỗn láo! Hãy im lặng nghe tao giải thích đã. Mày nghĩ coi, nếu như Thái hậu cứ khăng khăng bảo vệ ngôi vị của mình và của con mình, quân lính sẽ không chịu đánh giặc, như vậy khi giặc Tống kéo đến lấy ai chống chọi? Nếu chuyện mà xảy ra như thế, có phải bây giờ mày và tao đều ra thân nô lệ cho người Tàu rồi không? Vậy có phải Dương Thái hậu đã hi sinh đúng lúc không?
Thiếu niên không chịu nhịn:
- Ông hãy nghĩ xem, khi Đại tướng Phạm Cự Lượng đại náo cung đình, ông ta chỉ biết nói bướng rằng quân sĩ bảo vua còn thơ ấu, dù họ đánh giặc có lập được công trạng cũng không ai biết mà khen thưởng, nói thế chẳng qua là mượn cớ để thực hiện âm mưu của mình thôi! Quân sĩ sợ lập công không ai khen thưởng à? Vậy thì đặt chức Thập đạo tướng quân làm gì? Chức Đại tướng làm cái gì? Mấy khi một vị hoàng đế lại trực tiếp ban thưởng cho quân sĩ bao giờ? Còn nói rằng Dương Thái hậu hi sinh, bộ ông cho tất cả dân nước Đại Cồ Việt này mù cả hay sao? Vua Đại Hành vào cung Dương Thái hậu một ngày bao nhiêu lần bộ thiên hạ không ai biết sao? Một vị quốc mẫu chồng mất mồ chưa xanh cỏ đã ăn ngủ với người khác là nêu gương chính chuyên với dân ư, là hi sinh cứu nước ư?
Người đàn ông trung niên giận sùi bọt mép:
- Vậy mày dám phủ nhận cái công đánh Tống của đức kim thượng à? Mày có giỏi cứ làm phản đi!
Chàng thanh niên Nguyễn Mỹ đập tay xuống bàn:
- Ông định đẩy tôi vào vào tội chết đấy sao? Tôi không phủ nhận vua Đại Hành có công đánh giặc Tống, nhưng chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó! Nếu như không có cái âm mưu sát hại vua Tiên Hoàng và Nam Việt vương thì giặc Tống có dám dòm ngó đến nước Đại Cồ Việt không? Vậy ai tạo cớ cho giặc Tống đến?
Thấy cuộc tranh cãi đã đến lúc gay cấn, một chàng thanh niên khác bước ra kéo tay Nguyễn Mỹ:
- Đủ rồi, bạn phải về nghỉ cho khỏe mai còn phải đi săn xa!
Nguyễn Mỹ còn hậm hực dùng dằng không muốn đi. Nhưng chàng trẻ kia cứ kéo bừa bạn ra khỏi vòng. Trước khi đi, chàng quay lại nói với mọi người:
- Xin mấy bác mấy chú chớ chấp, anh bạn tôi say lắm rồi!
Ông lão nhìn người đàn ông trung niên nói:
- Thôi, bỏ qua mọi chuyện đi ông bạn, để tâm làm gì! Tuổi trẻ nóng nảy ngông nghênh vậy thôi chứ nó tốt bụng lắm!
Người đàn ông trung niên nói:
- Tôi cũng sợ nó ăn nói ngông nghênh phải rước họa vô ích mà ngăn chận vài lời thôi chứ tôi đâu giận gì nó!
Một người khác lên tiếng:
- Sợ cho nó làm gì! Thiên hạ thiếu gì người bàn tán chuyện đó! Nếu cứ ai bàn chuyện đó đều đem bỏ vào vạc dầu chuồng hổ cả thì dầu đâu có đủ mà nấu, hổ đâu đủ mà cho ăn thịt người kịp?
Ngừng một lát, người ấy lại nói tiếp:
- Nó còn trẻ vậy chứ phẩm cách nó khó có người theo kịp đó! Tánh tình khí khái, ngay thẳng, ghét tà nịnh, nói ra là giữ lời... hạng trẻ như thế ở đời hiếm lắm.
Ông lão nối lời:
- Nhưng nó cũng chưa chín chắn bằng thằng bạn Tô Châu mới kéo nó về đó. Chúng nó như anh em, sống chết có nhau. Con heo độc chiếc dữ tợn nhất vùng rừng này ai cũng ngán mà hai đứa nó hạ được mới giỏi chứ!
Trương Bậc chỉ theo dõi câu chuyện đến đó. Sau này hỏi thăm người ta ông mới biết hai thanh niên kia là hai chàng thợ săn giỏi có tiếng trong vùng...
Sau khi nghe Trương Bậc nói chuyện về hai dũng sĩ, Dương hậu than:
- Thì ra thiên hạ vẫn đàm tiếu về ta nhiều đến thế mà ta nào hay biết! Chỉ vì dục vọng của tuổi trẻ, ta suy nghĩ nông cạn, hành động hồ đồ đến nỗi gây ra bao lỗi lầm, giờ có hối hận cũng không kịp nữa. Khốn nạn nhất là chính ta gây họa cho Vệ vương, nó ngây thơ nào có tội tình gì! Xin thầy hãy cứu nó! Thầy chịu khó tìm họ nói thế nào cho khéo để mời họ về bảo vệ Vệ vương nhé! Được việc thì thôi, thầy khỏi cần suy nghĩ về khoản phí tổn. Thầy đã thương Vệ vương thì xin hết lòng cho!
Nói đến đây Dương hậu ôm mặt khóc tức tưởi một hồi.


*


Được hai dũng sĩ Nguyễn Mỹ và Tô Châu nhận lời về bảo vệ cho Vệ vương, Dương hậu mừng lắm. Hai chàng trẻ lại giới thiệu thêm hai người bạn nữa là Đinh Hoạt và Đặng Hòa, Dương hậu cũng dùng luôn. Từ ngày tuyển được bốn chàng vệ sĩ đáng tin cậy đó Dương hậu mới tạm yên tâm. Bà dặn dò các vệ sĩ ấy phải thay nhau lúc nào cũng theo sát bên Vệ vương, không để Vệ vương đi xa hoặc rong chơi những nơi vắng vẻ. Việc ăn uống của Vệ vương bà cũng chỉ giao cho một đầu bếp thân tín của bà lo.
Vì quá sợ nguy hiểm cho con, Dương hậu không muốn cho Vệ vương học võ nghệ mà chỉ muốn vương phải trở thành một văn nhân thuần túy.
Năm Vệ vương tròn mười tuổi, vua Đại Hành đặc cách cho ra ở phủ riêng. Vệ vương bẩm sinh vốn là người rất hiếu động, năng nổ. Nhân cơ hội được ra riêng, Vệ vương bèn tìm cách sống theo chí mình. Ngoài những lúc học văn học lễ, vương đòi những vệ sĩ dạy võ cho mình. Bình thường, Vệ vương có một điểm son lớn trong cách ăn ở đối với những người chung quanh. Vệ vương rất mực kính thầy, coi thầy như cha đã đành mà đối với bốn chàng vệ sĩ Vệ vương cũng đối xử thân thiết như anh em ruột thịt. Vì thế cả năm người đều cảm mến, sống hết lòng hết dạ với vương. Nhưng việc Vệ vương đòi học võ đã làm mọi người khó xử. Ban đầu họ lấy lý do Dương hậu không cho phép mà lờ đi. Thật ra, sợ trái ý Dương hậu chỉ là một phần nhỏ, nỗi sợ lớn của họ chính là ở vua Đại Hành. Họ hiểu thân phận Vệ vương, không muốn vương bị nhà vua nghi ngờ, chú ý. Nhưng chẳng ai dám đem điều đó giải thích với Vệ vương vì họ sợ phải khều lại vào vết thương cũ, cái chứng bệnh tâm thần mà Vệ vương đã mắc phải sau ngày bị truất ngôi. Vệ vương còn quá nhỏ, làm sao đủ khôn ngoan để hiểu thấu điều ấy! Về sau, thấy Vệ vương quá tha thiết với nghề võ, không ai đành lòng từ chối nữa. Thế rồi họ âm thầm kín đáo huấn luyện cho vương.
Nhờ năng khiếu bẩm sinh và lòng ham mê, vương luyện tập võ nghệ tiến bộ một cách nhanh chóng. Ngoài ra, Vệ vương còn ưa thích cả việc nghiên cứu binh thư. Giáo sư Trương Bậc thấy thế cũng hết lòng dạy cho vương. Những người gần gũi đã mơ hồ thấy ở vương có một cái gì khác thường. Không hẹn nhau mà họ đều cùng ôm ấp một ý hướng mới... Họ vừa mừng thầm, vừa cẩn trọng lo giữ gìn cho vương và cho chính mình.
Chưa đến tuổi trưởng thành Vệ vương đã trở nên một chàng trai văn võ kiêm toàn. Thế mà Dương hậu cũng không hề hay biết gì cả...


*


Sau khi các cuộc kháng Tống chinh Chiêm thắng lợi, cũng vào năm Nhâm Ngọ, quần thần dâng lên vua Đại Hành tôn hiệu "Minh càn ứng vận thần vũ thăng bình chí nhân, Quảng Hiếu hoàng đế". Vua Đại Hành nghĩ mình công lao hiển hách vượt cả tiền triều, bèn bắt chước tiền triều, sách phong một lượt năm vị hoàng hậu. Nghe nói khi ngài định phong Dương Vân Nga đứng đầu năm bà hoàng, có người can gián không nên, viện lẽ dù sao bà Vân Nga cũng là hoàng hậu của vua trước vốn là chủ cũ của ngài. Nếu phong như vậy e phũ phàng quá, đó không phải là cái gương hay cho thiên hạ noi theo. Vua Đại Hành nghe nói nổi giận, cười ngạo mạn: "Nước người còn lấy được huống chi là vợ người? Đinh Tiên Hoàng có danh hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế ư? Ta cứ phong cho Vân Nga danh hiệu Đại Thắng Minh hoàng hậu xem sao?". Thế rồi ngài phong cho bà Dương Vân Nga danh hiệu Đại Thắng Minh hoàng hậu, đứng đầu ở hậu cung. Bốn vị khác là Phụng Kiền Chí Lý hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo hoàng hậu, Trịnh Quốc hoàng hậu và Phạm hoàng hậu.
Từ trước đến bấy giờ dân Việt vẫn quen dùng vàng bạc và dùng tiền của Trung Hoa để trao đổi, mua bán. Nhưng tiền Trung Hoa đưa sang Đại Cồ Việt không nhiều, việc buôn bán lẻ tẻ sinh ra bất tiện. Vì thế, năm Giáp Thân, vua Đại Hành cho đúc tiền niên hiệu Thiên Phúc để quốc dân dùng. Từ đó, việc buôn bán trong nước trở nên tiện lợi hơn, phổ biến rộng rãi hơn nhiều.
Trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành, vua Đại Hành đã tịch thu được một số châu báu, vàng bạc rất lớn. Nhìn lại thành quách, điện các, phòng ốc ở Hoa Lư bấy giờ xây dựng quá thô sơ, không được mỹ thuật so với những gì nhà vua nhìn thấy ở đất nước Chiêm Thành, ý nghĩ tái thiết kinh đô liền chớm lên trong đầu ngài. Thế rồi nhà vua sai người thiết lập kế hoạch xây dựng lại. Ngài cho dựng điện Bách Thảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân trong động Hoa Lư, cột dát vàng bạc làm nơi coi chầu. Phía đông xây điện Phong Lưu dành riêng cho Đại Thắng Minh hoàng hậu. Phía tây xây điện Tử Hoa rất lớn dành cho bốn vị hoàng hậu khác và các phi tần ở. Bên tả xây điện Bồng Lai, bên hữu xây điện Cực Lạc. Tiếp đó lại xây lầu Đại Vân. Tiếp lầu Đại Vân là điện Trường Xuân dành làm nơi cho nhà vua nghỉ. Cạnh điện Trường Xuân lại cho xây điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc làm nơi vua phê duyệt các văn thư. Với số châu báu, vàng bạc lấy được của Chiêm Thành, vua Đại Hành đã tạo cho kinh thành Hoa Lư một bộ mặt hết sức mới mẻ, rực rỡ.
Ngày rằm tháng bảy năm Ất Dậu, là ngày sinh của vua, vua sai làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn, rồi bày lễ vui cho dân chúng đua thuyền. Cuộc vui chơi này đã thành lệ về sau.
Cũng năm Ất Dậu, vua Đại Hành sai sứ sang Tống xin lĩnh chức Tiết trấn.
Vào tháng mười năm Bính Tuất, nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết và Quốc tử giám bác sĩ Lý Giác mang chế sách sang phong vua Đại Hành làm An Nam đô hộ Tĩnh Hãi quân tiết độ sứ kinh triệu quận hầu. Lời chế có đoạn sau:
"... Nay quyền tri tam ty lưu hậu là Lê mỗ, tư cách gồm nghĩa dũng, bẩm tính vốn trung thuần, được lòng người trong nước, kính giữ tiết phiên thần. Vừa rồi Đinh Toàn đang tuổi thơ ngây, không biết yên vỗ. Ngươi là tâm phúc chỗ thân, giữ quyền coi quân lữ, hiệu lệnh ban phát, ân uy đều gồm. Họ Đinh bỏ quyền ba đời tiết sứ, chiều theo ý muốn mọi người. Ngươi xa tỏ lòng thành, xin ban tiết việt. Phải như Sĩ Nhiếp cứng mạnh, sáng suốt, đổi tục Việt đều hay, Úy Đà cung kính, thuận tòng vâng chiếu Hán. Nên xứng chức đứng đầu cõi xa, cùng dự vào hàng chư hầu tôn quí. Vỗ yên man di bộ lạc, tuyên dương đức tốt vương triều!"
Vua nhận chế rất kính cẩn, lễ thết đãi rất hậu, phô bày đồ quí của lạ chật cả sân để tỏ sự giàu có của mình. Vua nói với hai vị sứ giả:
- Nước tôi nhỏ bé, sông núi hiểm trở xa cách thượng quốc nghìn vạn dặm, sứ thần đi lại chắc khó nhọc lắm?
Lý Giác trả lời:
- Tống triều đất rộng muôn dặm, có đến bốn trăm quận, đất có chỗ bằng phẳng, có chỗ hiểm trở, một phương này đã lấy gì làm xa!
Cũng vào năm này, vua Đại Hành phong Phạm Cự Lượng làm chức Thái úy, Từ Mục làm Tổng quản tri quân dân sự.
Đầu năm Đinh Hợi, vua Đại Hành cày tịch điền* ở núi Đọi gặp được một hũ nhỏ vàng. Khi ngài cày ở núi Bàn Hải lại được thêm một hũ bạc nhỏ nữa. Vì thế, ngài đặt tên hai nơi ấy là ruộng Vàng, ruộng Bạc. Năm ấy mưa thuận gió hòa, lại rất ít bị chim chóc sâu bọ phá phách, toàn quốc Đại Cồ Việt trúng mùa lớn. Quân dân khắp nước trông ai cũng hớn hở vui mừng. Trộm cướp, ăn mày nhân đó cũng giảm bớt nhiều...
Cũng năm Đinh Hợi, nhà Tống lại sai Lý Giác sang sứ Đại Cồ Việt lần nữa. Đường về Hoa Lư thường có nhiều đồi núi hiểm trở cho nên sứ Tàu vẫn thường hay đi bằng đường thủy cho tiện. Khi Lý Giác đến chùa Sách Giang, vua sai pháp sư Đỗ Pháp Thuận giả làm giang lệnh (người coi sông) ra đón. Lý Giác vốn rất thích nói chuyện thơ văn, nhân thấy hai con ngỗng lội trên mặt nước, Lý Giác cao hứng ngâm:
"Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha."
(Ngỗng ngỗng, hai con ngỗng,
Ngửa mặt nhìn chân trời).
Pháp sư đang cầm chèo, đọc nối rằng:
"Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba."
(Nước lục phô lông trắng,
Chèo hồng sóng xanh bơi).
Lý Giác nghe lấy làm lạ vì hai câu thơ ấy ông phỏng lời trong bài thơ Vịnh Nga của Lạc Tân Vương đời Đường, thế mà viên giang lệnh kia cũng phỏng lời hai câu kế tiếp của bài thơ đó một cách tinh tế. Nguyên văn bài Vịnh Nga như sau:
"Nga nga nga
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù lục thủy
Hồng chưởng bát thanh ba".

(Nga nga nga
Ngưỡng cổ kêu ngó trời
Lông trắng trôi nước biếc
Sóng xanh chân hồng bơi)

Khi về đến sứ quán, Lý Giác làm một bài thơ gởi tặng cho pháp sư Đỗ Pháp Thuận như sau:
"Hạnh ngộ minh thời tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu."

"(May gặp thời bình được giúp mưu,
Một mình hai lượt sứ Giao Châu.
Đông Đô mấy độ còn lưu luyến,
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu.
Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm,
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu.
Ngoài trời lại có trời soi nữa.
Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu)"**

Pháp sư Thuận đem thơ này dâng lên vua. Vua bèn cho mời đại sư Ngô Khuông Việt đến xem. Đại sư Khuông Việt xem xong nói:
- Thơ này ý sứ giả tôn sùng bệ hạ không khác gì vua Tống!
Vua khen ý thơ, ban tặng sứ rất hậu. Khi Lý Giác từ biệt trở về, vua sai đại sư Khuông Việt làm bài hát để tiễn rằng:
"Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Dao vọng thần tiên phục đế hương.
Vạn trùng sơn thủy phiếm thương lương,
Cửu thiên qui lộ trường.
Tình thảm thiết,
Đối ly trường,
Phan luyến sứ tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị biên cương,
Phân minh tấu ngã hoàng."

(Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương,
Thần tiên lại đế hương.
Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương,
Về trời xa đường trường.
Tình thắm thiết,
Chén lên đường,
Vin xe sứ vấn vương.
Xin đem thâm ý vì Nam cương,
Tâu vua tôi tỏ tường).***

Nhìn chung, năm Đinh Hợi là năm Đại Cồ Việt vừa đạt được nhiều thắng lợi ngoại giao, vừa được mùa lớn, dân chúng no đủ âu ca thái bình. Đó là một năm đặc biệt đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử.
Vì thế, vào dịp tết Mậu Tý, vua Đại Hành ban lệnh cho dân chúng ăn mừng vui chơi lớn. Khắp nơi dân chúng thi nhau tổ chức đua thuyền, chạy đua, kéo dây tập thể, đô vật, đá gà, chọi trâu, chơi cờ người... rất vui nhộn.
Riêng tại kinh đô, vua Đại Hành cũng cho tổ chức ba ngày đấu võ, thi cưỡi ngựa bắn cung, đấu kiếm tại diễn võ trường Hoa Lư, vừa để thiên hạ thưởng thức, vừa để kén tuyển nhân tài giúp nước. Thanh niên tứ xứ không phân biệt giai cấp, quân lính, con cháu các quan tại triều, ai cảm thấy có tài đều có quyền tham dự thi đấu. Người trúng giải được lãnh thưởng và nếu muốn, tùy trình độ cao thấp sẽ được bổ dụng vào những chức vụ thích hợp trong quân đội. Nếu đã ở quân ngũ sẵn mà thắng giải thì sẽ được thăng cấp.
Hôm ấy, tại diễn võ trường Hoa Lư, trên dãy ghế danh dự của khán đài, vua Đại Hành uy nghi ngồi xem các cuộc thi đấu. Ngồi cạnh vua là các hoàng hậu, các bà phi, kế đến là các vương công, các đại thần. Vệ vương Đinh Toàn bấy giờ đã mười bốn tuổi, cũng được sắp xếp ngồi ở một chỗ ngồi khá gần vua Đại Hành.
Thường lệ mỗi khi Vệ vương đi đâu đều có những người thân tín đi theo, những người này luôn ngăn chận, khuyên răn không để Vệ vương có những cử chỉ quá đà. Nay được dịp tự do một mình ngồi xem thi đấu, Vệ vương cảm thấy thoải mái lắm. Trong khi những cuộc đấu ở diễn võ trường diễn ra quá sôi nổi, không kiềm chế được bản năng, Vệ vương thỉnh thoảng lại hào hứng hét lớn lên khiến người chung quanh phải chú ý. Vua Đại Hành thấy thế cũng cười thích chí.
Lúc cuộc đua ngựa sắp phát khởi, một con ngựa to khỏe bỗng trở chứng vùng chạy lung tung làm náo loạn cả diễn võ trường. Khán giả hoảng hốt xô đẩy nhau né tránh la hét om sòm. Những người có trách nhiệm an ninh trật tự đổ xô vây chận lại nhưng con ngựa vẫn chẳng bớt hung hăng, húc cả vào người ta để tìm lối thoát. Một lúc khá lâu vẫn chưa có ai kiềm chế được nó. Khi con ngựa lồng lộn phóng về chỗ vua ngồi, các bà hậu phi và cung nữ đều thét lên hãi hùng. Thình lình Vệ vương nhảy xuống đón đầu con ngựa. Mọi người trông thấy đều kinh hoảng. Nhưng Vệ vương đã nhanh chóng một tay chụp được chùm lông bờm con ngựa, một tay ôm xiết cổ nó rị xuống. Con ngựa xoay quanh mấy vòng rồi đành thở hồng hộc chịu phép đứng yên dưới vòng tay cứng như sắt của Vệ vương. Thấy con ngựa đã hết hung hăng, Vệ vương bèn nhảy lên lưng bắt nó chạy quanh một vòng rồi trở về địa điểm cũ trước sự reo hò khen ngợi của mọi người.
Vua Đại Hành và Dương hậu đều ngạc nhiên cùng độ. Cả hai cùng đến gần Vệ vương hỏi:
- Thế con ta học võ nghệ từ lúc nào mà giỏi đến thế?
- Bẩm, tiểu nhi chỉ học mót những người theo hầu thôi!
Vua Đại Hành cười, hỏi lại:
- Học mót kiểu như con kể cũng lạ, dẫu cho người ta học thầy giỏi cũng không bằng! Vậy, con còn học được những môn võ nào nữa?
Vệ vương trong lúc hứng khởi, trả lời:
- Tâu phụ hoàng, tiểu nhi bắn cung, đánh kiếm đều được cả. Tiểu nhi có thể thi đấu các môn mà hôm nay mọi người đã thi đấu vừa qua!
Vua Đại Hành rất bất ngờ trước câu trả lời thật thà của Vệ vương. Dương hoàng hậu nghe thế thì hết hồn, bà nói lảng:
- Ừ, con biết võ vẽ một đôi chút để thủ thân mẹ cũng mừng! Nhưng mẹ cho phép con học lấy bấy nhiêu cũng tạm đủ rồi! Từ nay không cần học thêm nữa!
Vua Đại Hành nói:
- Hoàng hậu nói vậy chứ con mình có năng khiếu võ nghệ cũng nên cho nó học để phát triển sở trường mà lập công với đời chứ! Con ngựa chứng này ngoài con không ai kiềm chế nó được, trẫm ban cho con luôn đấy! Chốc nữa con hãy thử bắn cung cho trẫm và mọi người xem!
Vệ vương thích chí nhận lời:
- Đa tạ phụ hoàng ban ơn!
Thế rồi vua ra lệnh một viên khảo quan đưa Vệ vương xuống diễn võ trường cho bắn thử. Thế là ba mục tiêu có khoảng cách từ gần đến xa đối với con đường ngựa chạy được chỉnh lại. Vệ vương được phát một cây cung và chín mũi tên. Cử tọa đều hồi hộp và hào hứng chờ đợi. Khi vua ra hiệu bắt đầu, Vệ vương nhảy lên lưng ngựa, chạy thử một vòng lấy đà rồi quay lại vòng thứ hai và bắt đầu bắn. Vệ vương giương cung buông tên một cách điệu nghệ làm toàn thể khán giả đều hết sức ngạc nhiên, họ cùng vỗ tay vang dội. Cả ba mục tiêu đều được ghim đúng mỗi chỗ ba mũi tên. Vua Đại Hành buột miệng:
- Vệ vương quả là tay thần xạ!
Giáo sư Trương Bậc lúc ấy cùng ngồi xem với bốn vệ sĩ của Vệ vương lòng như lửa đốt, tái mặt nói nhỏ với họ:
- Trước đây Dương hoàng hậu đã dặn chúng ta không được dạy võ cho Vệ vương. Hoàng thượng hẳn ngài cũng muốn như thế. Chỉ vì quá thương quí Vệ vương, chúng ta đã vi phạm điều cấm. Thế nào rồi đây hoàng thượng cũng hỏi cho ra ai đã dạy Vệ vương bắn giỏi như vậy. Chắc chắn chúng ta gặp khó khăn rồi. Vậy, trong bốn anh em phải có một người hi sinh đứng ra nhận lấy việc đã lén dạy võ nghệ cho Vệ vương may ra những người khác có thể được yên thân!
Nghe giáo sư Trương Bậc nói, cả bốn chàng trẻ đều tình nguyện đứng ra nhận việc ấy. Giáo sư Trương Bậc cảm động nói tiếp:
- Các anh em quả là những kẻ trung dũng cao quí. Nhưng chỉ cần một người đứng ra nhận việc ấy đủ rồi. Chúng ta phải đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra. Phải tiết kiệm người hòng sau này còn giúp đỡ Vệ vương chứ!


*


Ngay buổi chiều hôm ấy, Dương hậu ghé lại phủ Vệ vương. Sau khi rời diễn võ trường, bà đã suy nghĩ lung lắm. Qua một thời gian chính thức chung sống với vua Đại Hành, bà đã hiểu thêm rất nhiều về vị vua này. Bà linh cảm có một điều gì không hay đang trùm xuống, đang đe dọa Vệ vương. Âu đó cũng là định mệnh an bài! Bà gọi tất cả mọi người trong phủ đến để nói chuyện. Trước tiên bà quở trách Vệ vương:
- Ta đã dặn con không được học võ nghệ, sao con dám cãi lời mẹ?
- Thưa mẫu hậu, hài nhi muốn có một vài ngón để thủ thân, mẫu hậu nỡ nào ngăn cấm hài nhi?
Dương hậu giận dữ quát:
- Con còn nói bướng nữa sao? Người ta vẫn nói sinh nghề tử nghiệp, dòng họ ta một thời hưng thịnh nhờ võ nghiệp để rồi bao nhiêu người phải gánh họa bất đắc kỳ tử cả con chẳng thấy sao? Từ nay mẹ cấm con dứt khoát không được học võ nữa, không được khoe tài trước công chúng, con có chịu nghe lời mẹ không thì nói?
Vệ vương thấy mẹ giận dữ thì làm thinh. Dương hậu bèn quay sang giáo sư Trương Bậc và bốn chàng võ sĩ:
- Còn các ngươi, ai là người dạy võ nghệ cho Vệ vương? Các ngươi nghĩ làm như thế là thương Vệ vương ư? Dạy võ cho Vệ vương chính là đẩy Vệ vương vào chỗ chết đấy các ngươi biết không? Ở đời có nhiều việc không phải đơn giản, ta thật khó giải thích! Nhưng ta hi vọng từ nay các ngươi sẽ dần hiểu ra. Nhất là ở đây còn có giáo sư Trương Bậc là kẻ lão đời, lẽ nào ông không truyền thụ được ít nhiều hiểu biết cho các ngươi chứ? Từ nay cấm ngặt các ngươi không được dạy võ nghệ cho Vệ vương và tuyệt đối không được đưa Vệ vương đến những nơi có chuyện tranh đua nữa! Ai trái lệnh, ta sẽ trừng phạt đích đáng!
Hai chàng vệ sĩ Tô Châu và Đặng Hòa cùng thưa:
- Bẩm hoàng hậu, chúng thần vì suy nghĩ nông cạn không thấu hiểu vấn đề nên đã lỡ mạo muội chỉ bảo cho Vệ vương ít đường võ. Xin hoàng hậu bỏ qua cho. Từ nay chúng thần nhất định tuân lời hoàng hậu, không bày vẽ thêm gì cho Vệ vương nữa!
Thấy chuyện đã lỡ xảy ra rồi, Dương hậu cũng không muốn làm mích lòng những người thật sự có nghĩa khí đang bảo vệ con mình. Bà dịu giọng:
- Vệ vương đang ở vào một hoàn cảnh khác hẳn mọi người, ta nói để các ngươi hiểu như vậy. Từ nay, mọi việc nhất nhất các ngươi phải nghe theo lời ta, như thế mới thật là thương ta và thương Vệ vương! Nếu hoàng thượng có hỏi, cứ nói là chính ta bảo các ngươi dạy cho Vệ vương vài đường để hộ thân.


*


Thái úy Phạm Cự Lượng sau khi tận mắt chứng kiến tài nghệ của Vệ vương, ông không khỏi giật mình. Hổ phụ sinh hổ tử! Thì ra Vệ vương vẫn bẩm thụ được khí chất của cha ông. Ông lo sợ nghĩ đến chuyện Vệ vương vẫn đang ngầm làm một cái gì đó. Họ Đinh có công dẹp yên loạn lạc, thống nhất đất nước, ơn đức ấy lòng người dân vẫn chưa quên hẳn. Trước đây ông với Thái sư Hồng Hiến, một văn một võ, đã chủ xướng mưu đồ lật đổ ngai vàng của Vệ vương để trao cho người khác. Điều đó Vệ vương làm sao không hận hai ông được? Bây giờ Vệ vương đã lớn, con sư tử con đã bắt đầu trổ móng vuốt! Thái sư Hồng Hiến, con người với bộ óc đầy mưu kế nay đã già cả và đang lâm bệnh nằm liệt giường. Chỉ còn một mình ông với một đám thuộc hạ xu thời kém cỏi và những đồng liêu ông không thể hiểu bụng dạ họ, ông rất lo ngại. Tiên hạ thủ vi cường, ông nhất định phải ra tay trước để tự toàn. Nhưng đâu có dễ dàng gì, sau lưng Vệ vương còn có Dương hoàng hậu đang được vua Đại Hành sủng ái! Nếu hành động không khéo, ông khó có thể thoát tội chết. Thế rồi ông quyết định xin gặp riêng vua Đại Hành. Ông thưa với nhà vua:
- Trong cuộc thi đấu vui xuân vừa qua, hạ thần nhận xét thấy có vài sự kiện đáng chú ý, xin trình lại để bệ hạ tường.
- Khanh thấy gì cứ nói!
- Điểm thứ nhất, từ bao nhiêu năm nay, chưa lần nào dân chúng Hoa Lư được ăn tết huy hoàng và vui nhộn như năm này. Đó là điểm son của một triều đại thịnh trị. Điểm thứ hai là sự biến đổi khác thường của Vệ vương. Qua vụ khuất phục được con ngựa chứng và vụ bắn cung tuyệt diệu của Vệ vương, chứng tỏ lâu nay Vệ vương vẫn âm thầm mài nanh giũa vuốt không ngừng. Biết đâu Vệ vương lại chẳng có một ý đồ nào đó? Vệ vương còn nhỏ tuổi mà tài nghệ đến thế thì những vị thầy của Vệ vương hẳn tài nghệ còn cao hơn nhiều. Nếu không quan tâm đề phòng gấp, hạ thần e rằng có ngày bệ hạ phải ân hận đó!
Vua Đại Hành cười:
- Những điều khanh nói thật chí lý. Vệ vương có thể chưa có ý đồ, nhưng chắc chắn bọn tay chân của hắn thì không thế. Hắn đã dám âm thầm mài nanh giũa vuốt tức hắn đã tự tìm con đường chết rồi. Nhưng Dương hậu còn đó, ta cũng nên nể tình hoãn hoãn cho hắn một thời gian. Trẫm đã trù liệu kế sách cả rồi. Phen này thì cứ gậy ông đập lưng ông sớm muộn thế nào cũng xong!
Phạm Cự Lượng chưa rõ ý của vua Đại Hành bèn hỏi lại:
- Bệ hạ nói gậy ông đập lưng ông nghĩa là làm sao?
Vua Đại Hành cười:
- Vệ vương đã để lộ dạng là một tay có bản lĩnh, từ nay hễ có đám giặc lớn nào ta cứ việc đẩy hắn đến tiễu trừ! Khanh thấy cách đó được chăng?
Cự Lượng cười vui vẻ:
- Bệ hạ tính như vậy thật là cao kiến! Có thể nay mai áp dụng được rồi!
- Đâu mà nhanh thế! Khanh muốn nói đến vụ Chiêm Thành ấy à? Người của ta có báo việc Quản giáp Dương Tiến Lộc ngầm sai người sang cầu vua Chiêm nhưng tin chưa được xác nhận. Trẫm nghĩ cái vụ Ngô Nhật Khánh đã làm người Chiêm ớn tới xương rồi, dẫu Tiến Lộc có làm thật, vua Chiêm đâu còn dám vọng động? Tuy nhiên, việc binh thì vẫn phải luôn luôn đề phòng. Trẫm sẽ cho đòi Dương Tiến Lộc về triều xem hắn đối đápï ra sao rồi liệu.
Sau đó vua Đại Hành cho người đi gọi Dương Tiến Lộc về. Nhưng Dương Tiến Lộc thác cớ ốm nặng đang phải chữa thuốc, xin khất lại một thời gian. Nhà vua nghe báo như vậy thì nổi giận:
- Rõ ràng Dương Tiến Lộc thật sự có ý định mưu phản nên mới không dám về!
Đêm ấy nhà vua thức khuya để duyệt kế hoạch ra quân tiễu phạt. Ngài định khởi binh càng sớm càng tốt. Không ngờ lúc gần sáng, vua Đại Hành thình lình phát bệnh. Toàn thân ngài bị co giật dữ dội từng hồi. Viên quan ngự y phải dùng thuật châm chích mới cứu ngài kịp. Tính mạng nhà vua được bảo toàn nhưng ngoại hình ngài bị biến dạng thật đáng buồn: cái miệng ngài nửa bên phải bị méo xệch trong khi con mắt bên trái của ngài bị teo lại. Ngự y khuyên ngài nằm điều trị một thời gian. Về sau bệnh tuy lành hẳn nhưng đôi mắt và cái miệng nhà vua vẫn còn chút dấu vết bệnh cũ, không trở lại nguyên dạng như xưa được.
Cũng vào dịp này, Thái sư Hồng Hiến qua đời, vua Đại Hành thương tiếc lắm. Thế là ngài đành tạm thời gác qua việc đi đánh Dương Tiến Lộc một thời gian nữa.
Ít lâu sau, vua Tống sai Hộ bộ viên ngoại lang Ngụy Tường và Trực sử quán Lý Độ mang chế sách sang gia phong cho vua Đại Hành thêm chức "Kiểm hiệu Thái úy". Thái úy Phạm Cự Lượng nhân đó mật tâu với vua:
- Vua Tống sai người sang gia phong cho bệ hạ chức Kiểm hiệu Thái úy nhưng biết đâu đó là một cái cớ để sang dò xét tình hình nước ta! Biết đâu họ đã chẳng ngầm liên lạc với Dương Tiến Lộc rồi? Thần e rằng trước sau triều đình cũng phải đi đánh Tiến Lộc để dứt hậu hoạn, vậy, ta cũng nên cẩn thận đề phòng Vệ vương. Xin bệ hạ hãy cho hai viên vệ sĩ của Vệ vương là Tô Châu và Đặng Hòa làm chức đề lĩnh rồi sai ra tăng cường ở biên giới phía bắc trước để tước dần vây cánh của Vệ vương đi!
Vua Đại Hành gật gù:
- Khanh tính vậy cũng hợp lý lắm!
Thế là hai tráng sĩ Tô Châu, Đặng Hòa được phong quan và đưa ra biên ải. Giáo sư Trương Bậc cũng được mời về làm quân sư cho Đông Thành vương Ngân Tích. Vệ vương không tìm được lý do gì để xin giữ họ lại. Trước khi ra đi, giáo sư Trương Bậc nói với Vệ vương:
- Đáng tiếc thầy trò ta không có duyên thủy chung. Ấy cũng là do ý trời cả. Lão đã bị cưỡng bách ra đi, từ nay xin vương gia nhớ cẩn thận giữ mình.
Vệ vương rơi nước mắt nói:
- Đệ tử vô phước không được gần thầy để được dạy bảo nữa. Xin chúc thầy lên đường bình an!
Sau đó giáo sư xin ra mắt Dương hậu và tâu:
- Rõ ràng nhà vua đã có ý nghi ngờ Vệ vương mới cắt tỉa vây cánh của người như thế này. Việc đã gấp, hoàng hậu nên tìm cách xin cho Vệ vương trả lại tước vị, chọn một nơi nào đó để sống một cuộc đời dân dã thì may ra thoát nạn!
Dương hậu buồn rầu:
- Cám ơn thầy đã chân thành chỉ dạy, ta nhất định nghe theo lời thầy.
Dương hậu càng thương con, càng hối hận về những việc làm nông nổi của mình trong thời son trẻ. Bà suy nghĩ đến phờ phạc cả người để tìm một lối thoát cho Vệ vương nhưng qua mấy ngày đêm vẫn vô hiệu.
Một lần, trong khi đang suy nghĩ miên man, Dương hậu bỗng giật nẩy mình thấy một kỵ sĩ mặc hoàng bào cưỡi ngựa phóng ngang trước mặt! Ai mà cả gan thế nhỉ? Bà càng ngạc nhiên khi thấy kỵ sĩ ấy dáng dấp y hệt như Đinh Tiên Hoàng. Kỵ sĩ lướt qua một đoạn rồi quay trở lại. Trời ơi! Đúng là Đinh Tiên Hoàng! Dương hậu kinh hãi vội chạy vào cung, kêu thị tì đóng cửa lại. "Phen này thì ta tới số mất rồi, ai ngờ ông ấy vẫn còn sống như thế!" - Dương hậu than thầm. Bà đang run rẩy thì một cung nữ thưa: "Hoàng hậu đừng sợ hãi nữa, hoàng thượng đã đi xa rồi!" Lúc ấy Dương hậu vẫn chưa hết run sợ, sai người mở hé cửa cung nhìn ra. Nhưng bà lại thót giật mình thấy Tiên Hoàng quay trở lại. Phía sau ngài còn có bọn Đinh Liễn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và lại có cả Hạng Lang nữa! Ô kìa! Sao người nào người nấy trông nét mặt buồn chảy thế kia! Dương hậu thấy lòng bồi hồi nhớ ra: "Trời ơi, những người này đều chết cả rồi, họ về để đòi mạng ta chăng? Không phải thế đâu, những người khác thì có thể, nhưng trong số ấy có cả Hạng Lang, lẽ nào Hạng Lang lại hại ta?" Dương hậu toan sai người đóng cửa cung thì những người kia biến đâu mất, chỉ còn trơ một mình Hạng Lang! Tình thương con bỗng dâng dạt dào trong lòng, Dương hậu vừa chạy ra vừa đưa tay vẫy Hạng Lang: "Hãy vào đây với mẹ con ơi!" Nhưng Hạng Lang xua tay: "Không! Bà không phải là mẹ ta! Chỉ vì chút tình nhục dục mà bà đành tâm tiêu diệt cả một dòng họ, giật sập cả một triều đình do cha ta dày công gây dựng, ta không thể có một người mẹ như thế!" Nói xong Hạng Lang quay người bỏ đi. Dương hậu vừa đau khổ vừa tủi thẹn gào khóc thảm thương: "Con hãy tha thứ cho mẹ đi con ơi! Hãy lại đây với mẹ, mẹ hối hận lắm rồi!..." Bà cố đuổi theo Hạng Lang nhưng chàng cứ chờn vờn như gần như xa bà không sao bắt kịp được...
- Hoàng hậu, hoàng hậu, hoàng hậu mơ gì mà kêu khóc dữ vậy?
Tiếng kêu của mấy ả thị tì làm Dương hậu tỉnh giấc. Toàn thân bà đẫm ướt mồ hôi, tay chân bà run rẩy liên hồi. Bà lại úp mặt vào gối mà khóc nức nở...
Từ đó vài ba đêm Dương hậu lại mơ thấy cha con Đinh Tiên Hoàng một lần. Bà lại gào khóc thảm thương. Chẳng bao lâu Dương hậu lâm một căn bệnh lạ, người lúc nào cũng mệt mỏi rã rời. Dung nhan bà ngày càng trở nên héo hắt...


*


Vua Đại Hành vừa bình phục sức khỏe thì có quân tế tác ở phía nam về báo tin Dương Tiến Lộc đã ra mặt làm phản. Thế là ngài quyết định cầm binh nam chinh.
Dương Tiến Lộc là cháu họ của hoàng hậu Dương Vân Nga. Trước kia thân phụ của Tiến Lộc là Dương Thà, Thứ sử Ái châu, đã từng theo Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền chống lại Lê Hoàn. Sau khi các ông Đinh Điền, Nguyễn Bặc bị giết, Dương Thà trốn lên mạn ngược rồi mất ở đó. Dương Tiến Lộc nhờ sự che chở của Dương hậu nên khỏi bị giết. Về sau, Tiến Lộc lại được vua Đại Hành phong chức Quản giáp. Nhân dịp được vua sai vào thu thuế ở hai châu Hoan, Ái, Tiến Lộc bèn ngầm kêu gọi dân hai châu này nổi loạn. Dân chúng nghe theo Tiến Lộc rất đông. Tiến Lộc lại cho người sang xin vua Chiêm cho hai châu này được phụ thuộc. Vua Chiêm Thành sợ thế lực của vua Đại Hành không dám nhận. Tiến Lộc thấy thế cũng hơi chùn, muốn thôi. Nhưng sau đó nghe tin vua Đại Hành lâm bệnh và Thái sư Hồng Hiến mất, Dương Tiến Lộc lại quyết định khởi sự. Trong lúc kêu gọi dân chúng, Dương Tiến Lộc cho người truyền rao rằng Lê Hoàn bội phản cướp ngôi nhà Đinh, gian dâm vợ người nên trời trừng phạt phải méo miệng, lé mắt. Nay Dương Tiến Lộc vâng mệnh trời dấy binh để kết liễu ngụy triều của Hoàn. Vua Đại Hành nghe được việc ấy thì giận lắm.
Năm Kỷ Sửu, vua Đại Hành sai Vệ vương Đinh Toàn làm tiền bộ tiên phong tiến quân vào hai châu Hoan, Ái. Vệ vương vô cùng phấn khởi được chính thức ra trận lần đầu. Với vóc người to lớn, lại võ nghệ cao cường, Vệ vương đi đầu đoàn quân chẳng khác gì một mũi thép cực bén. Quân của Dương Tiến Lộc quá ô hợp không sao chống nổi quân triều, thua chạy tan tác. Vệ vương tuổi trẻ lòng hăng thúc quân đuổi đánh ráo riết đến cùng. Quân giặc lớp bị bắt, lớp cùng đường phải đầu hàng đến hàng nghìn người. Dương Tiến Lộc cũng bị Vệ vương bắt được. Vệ vương mừng rỡ đưa số tù binh to lớn ấy về nộp dâng công.
Hầu hết bọn ra đầu hàng đều nghĩ mình chỉ là những kẻ a dua làm quấy, bất quá bị phạt lưu đày xa xứ là cùng. Không ngờ vua Đại Hành vì quá giận những lời tuyên truyền thóa mạ ngài, ngài ra lệnh giết sạch không phân biệt kẻ chủ mưu hay a tòng, đầu hàng hay bị bắt. Vụ tàn sát đẫm máu này đã làm chấn động toàn dân. Đến nỗi cả một thời gian khá lâu sau không có đám giặc nào dám khởi lên nữa.
Khi Vệ vương được cử làm tiền bộ tiên phong, Dương hậu rất lo sợ. Tới khi nghe tin vua Đại Hành giết sạch hàng ngàn tù hàng binh do Vệ vương bắt về, bà đâm ra sững sờ, thất vọng. Bà kêu lên với giọng bi thương:
- Không ngờ Vệ vương cũng mang nghiệp chướng nặng nề đến vậy!
Từ đó, người ta thấy Dương hậu lúc nào cũng có vẻ trầm lặng, nghĩ ngợi. Bà không còn sống năng nỗ, sôi nổi vui tươi như trước. Giữa vua Đại Hành với bà đã có một khoảng cách mỗi ngày mỗi lớn. Vua Đại Hành cũng dần ít lui tới với bà. Dương hậu bắt đầu sống thu mình lại... Thỉnh thoảng bà lại tham dự nghe những buổi thuyết giảng giáo lý của các nhà sư.


*


Từ năm Kỷ Sửu tới năm Ất Mùi, vua Đại Hành lần lượt phong cho mười một người con trai của mình làm phiên vương, đem binh ra trấn các nơi trọng yếu. Một người con nuôi của vua là Phù Đái vương cũng được cho ra trấn ở Phù Đái, Vĩnh Lại. Riêng Vệ vương Đinh Toàn nhà vua vẫn giữ riết ở Hoa Lư. Dương hậu thấy thế càng buồn rầu lo sợ cho Vệ vương.
Năm Ất Mùi, nhà Tống phong cho vua Đại Hành làm Giao Chỉ Quận Vương.
Năm Bính Thân, trong nước có vài đám giặc nhỏ. Lần nào vua Đại Hành cũng đem Vệ vương cùng đi đánh dẹp. Quân triều vẫn dập tắt được các mối loạn dễ dàng. Tuy thế, Dương hậu càng lấy làm lo sợ cho Vệ vương. Bà càng kém ăn kém ngủ, bệnh của bà dù được thầy thuốc chăm sóc tận tình vẫn không thuyên giảm bao nhiêu.
Tháng tư năm Đinh Dậu nhà Tống lại cho sứ sang cải phong vua Đại Hành làm Nam Bình Vương. Ở Đỗ Động Giang lại có giặc nhóm lên. Vua Đại Hành lại cùng Vệ vương Đinh Toàn đi đánh dẹp và cũng thu được thắng lợi. Thời gian này Dương hậu cứ ngày thêm hao gầy. Thân thể bà vẫn luôn ở trạng thái mệt mỏi rã rời. Có khi bà mất ngủ nhiều đêm trắng liên tiếp. Thầy thuốc tìm mãi vẫn chưa ra được bệnh.
Năm sau, Mậu Tuất, Đại Cồ Việt bị mất mùa, lại thêm bệnh dịch súc vật phát mạnh làm trâu bò ngựa heo chết rất nhiều. Dương hậu bèn xuất nhiều của riêng ra để bố thí cho dân. Vì thế, dân chúng nhiều nơi, nhất là ở vùng Hoa Lư rất mang ơn bà.
Năm Kỷ Hợi lại có giặc dấy lên ở Hà Động thuộc huyện Thạch Thành, Ái châu. Vua lại cùng Vệ vương đi đánh dẹp. Lúc này bệnh Dương hậu trở nặng. Trong khi Vệ vương đi trận, ở nhà Dương hậu lại cho xuất nhiều của riêng ra bố thí dân nghèo để cầu phước cho mình và Vệ vương. Lúc bấy giờ Lâm phu nhân ở Đông Lỗ nghe tin Dương hậu bị bệnh nặng, lại đang phát tâm bố thí, phu nhân cũng hưởng ứng, bỏ ra nhiều của cải giúp đỡ dân nghèo. Vì thế, dân chúng nhiều nơi không ngớt ca tụng thịnh đức của Dương hậu.
Trong chuyến ra trận dẹp giặc ở Thạch Thành, Vệ vương rất nóng ruột vì lo sợ cho mẹ mình. Cũng may quân triều lại thắng trận vẻ vang mà về. Tính ra từ lúc đi tới lúc về mất gần nửa năm. Hồi triều xong, Vệ vương vội vã vào điện Phong Lưu để thăm mẹ. Vừa thấy Vệ vương, một nữ tì lộ vẻ mừng rỡ:
- Bẩm Vệ vương, hoàng hậu trông đợi ngài lâu lắm rồi! Mấy hôm nay người cứ nhắc đến ngài mãi!
Vệ vương nôn nóng hỏi:
- Mẹ ta thế nào rồi?
- Thưa, hoàng hậu yếu lắm. Xin ngài đợi một chút, nô tì vào trình với người liền!
Một lát sau Vệ vương được gọi vào gặp mẹ. Bấy giờ Dương hậu nằm liệt giường không còn ngồi dậy được. Mẹ con nhìn nhau đều xúc động cùng ứa nước mắt. Vệ vương bước lại gần cầm lấy bàn tay lạnh ngắt của mẹ. Vương rùng mình có cảm tưởng như cầm bàn tay người chết. Nó nhẹ hẫng, lõng lẽo, tưởng như không còn một chút sinh khí. Vương vén tay áo mẹ, chỉ còn thấy cái ống tay khẳng khiu da bọc xương. Vương nhìn những ngón tay vốn thon dài hồng hào của mẹ bây giờ trở thành vêu vao như chân cua mà đau lòng hết sức. Bất giác vương cúi xuống ôm lấy cái thân mỏng như con mắm khô của mẹ mà khóc nấc lên:
- Trời ơi, mẹ ta sao đến nỗi này? Mà sao bệnh tàn phá nhanh đến thế?
Dương hậu thều thào:
- Con ngồi lại để nghe mẹ nói chuyện!
Một thị nữ đem chiếc ghế đến. Vệ vương kéo lại gần giường mẹ, ngồi xuống:
- Thái y cho mẹ uống thuốc gì? Sao lại chẳng thấy hiệu quả gì cả?
Một cung nữ thưa:
- Bẩm ngài, thái y tìm chưa ra bệnh, họ đã thử đổi thay nhiều loại thuốc nhưng vẫn chưa có loại thuốc nào thích hợp giúp bệnh thuyên giảm! Có người nói hoàng hậu mắc tâm bệnh, khó mà lành.
- Nghe từ khi mẹ ta lâm bệnh, thánh thượng ít khi lui tới lắm phải không?
- Bẩm, thời gian ấy thánh thượng bận rộn việc nước quá nên ngài chẳng mấy khi đến thăm hoàng hậu được!
Vệ vương hơi nhíu mày. Dương hậu khóc thút thít:
- Thôi, đừng nói chuyện đó nữa. Giờ hãy nghe mẹ dặn đây.
- Vâng, hài nhi đang lắng nghe mẹ nói.
- Ừ, được! Con có biết vì sao mẹ mắc chứng bệnh khó trị này không? Mẹ nghĩ mẹ đang bị trời hành đó con ạ. Thuở còn trẻ mẹ ỷ sắc, ỷ tài, ích kỷ, tham lam, làm nhiều việc nông nổi đã dẫn đến gây tội ác. Mẹ làm thì mẹ chịu xứng đáng rồi, không ngờ con cũng phải gánh chung gánh nợ của mẹ. Điều đó đã làm mẹ đau đớn và ân hận triền miên! Mẹ nói cho con biết, ngoài mẹ ra không ai tốt với con đâu! Người ta chỉ lợi dụng và chực làm hại con thôi! Bao nhiêu cạm bẫy đang giương ra chờ đợi con đó! Mỗi lần đi trận hoàng thượng đều cho con theo, nói để cho con lập công, chưa chắc vậy đâu! Đã bao nhiêu lần mẹ bị những cơn ác mộng về con dằn xé. Cái chết của cha con, cái chết của anh Hạng Lang con vẫn luôn ám ảnh mẹ. Bây giờ mẹ đã bị phế thải rồi, làm sao che chở cho con được nữa! Nếu con có đủ trí khôn, mẹ sẽ dạy con nên liệu gió mà phất cờ, nhưng con mẹ còn khờ khạo quá, mẹ lo sợ và ân hận lắm! Trong thời gian con đi trận vừa qua, mẹ cứ sợ dại không gặp lại con được nữa. Hôm nay còn gần gũi con thế này là trời còn thương đấy. Đây là những điều vô cùng quan trọng con cần nghe và làm theo ý mẹ: Sau khi mẹ mãn phần, con nên tìm mọi cách xin trả lại tước vị Vệ vương cho triều đình rồi tậu một trang trại nho nhỏ mà sống. Danh lợi là cái mồi hại người. Mẹ muốn con được sống thảnh thơi ngoài vòng danh lợi. Bà ngoại con vẫn còn, con cũng có thể về Đông Lỗ sống với bà ngoại nếu con muốn. Con phải hứa với mẹ con sẽ thực hiện việc đó mẹ mới yên lòng...
Có lẽ bà cố tập trung để nói được câu sau cùng nên nói xong bà lịm đi, chưa kịp nghe câu hứa thế nào của Vệ vương. Mấy tì nữ vội đến chăm sóc cho hoàng hậu, một cô nói với Vệ vương:
- Ngài chớ lo lắm, thỉnh thoảng hoàng hậu vẫn ngất đi như thế. Một lát tỉnh lại thôi.
Quả nhiên một lát sau hoàng hậu tỉnh lại. Vệ vương bèn thưa:
- Con xin hứa sẽ làm theo lời mẹ dặn! Nhưng còn nước còn tát, mẹ nên giữ gìn sức khỏe, gắng uống thuốc, trời không phụ người có lòng đâu mẹ!
- Được lắm, con hứa vậy thì mẹ cũng yên lòng!


*


Đầu năm Canh Tý, triều đình nhận được tin cấp báo việc bọn Trịnh Hàng, Trần Lệ, Đơn Trường Ôn dấy loạn ở châu Phong. Vua Đại Hành bèn triệu Vệ vương đến hỏi:
- Những lần đi dẹp loạn trước đây trẫm đều dùng khanh làm tướng tiên phong, việc chiến trận như thế khanh đã quen rồi. Nay lại có giặc Trịnh Hàng ở châu Phong, trẫm muốn khanh tự cầm quân đi đánh dẹp một phen, khanh liệu làm được không?
Vệ vương hăng hái thưa:
- Được bệ hạ tin tưởng mà giao phó trọng trách ấy, thần xin cố gắng hết sức mình để đáp ơn bệ hạ!
- Đám giặc đó cũng không lớn lắm. Khanh cần bao nhiêu quân và muốn cử ai làm phó tướng?
- Thần đem hai gia tướng của thần là Nguyễn Mỹ và Đinh Hoạt theo phụ tá cũng đủ. Xin bệ hạ cấp cho thần một nghìn quân với lương thực đầy đủ là xong. Nếu có trường hợp bất thường xảy ra ngoài khả năng của mình, thần sẽ cấp báo với bệ hạ!
- Được, trẫm tin khanh sẽ thành công!
Trước khi xuất quân, Vệ vương lại vào điện Phong Lưu thăm mẹ. Bấy giờ Dương hậu không còn nói năng được nữa. Bà chỉ biết đưa đôi mắt lạc thần lơ láo nhìn Vệ vương. Vệ vương đau lòng đứng nhìn mẹ một hồi, không cầm nổi xúc động, vương ứa nước mắt, bèn vái mẹ mấy vái mà lui.
Vệ vương đi thẳng đến chỗ tập trung quân để truyền lệnh. Nguyễn Mỹ hỏi:
- Vương gia thấy hoàng hậu có đỡ không?
- Không hi vọng gì nữa. Ta sợ lần hành quân này làm ta không thể gặp mẹ ta phút lâm chung.
- Vương gia có thể xin hoàng thượng sai tướng khác đi thay vương gia lần này được không?
- Quân lệnh như sơn, hoàng thượng đời nào chịu! Chỉ mong các ngươi cố gắng dẹp xong giặc thật sớm thì may ra ta còn gặp mẹ ta kịp.
Đinh Hoạt, Nguyễn Mỹ đều nói:
- Tội nghiệp cho hoàng hậu quá! Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình!


*


Vệ vương kéo quân đi được mấy ngày thì Dương hậu qua đời. Vua Đại Hành cho tổ chức tang lễ rất trọng thể. Lúc còn sống, trong giai đoạn đầu, Dương hậu có làm một số việc không hay, nhiều người không phục. Thế nhưng vào giai đoạn cuối đời, bà đã tu tâm sửa tánh, làm ơn làm phước với dân rất nhiều. Do đó khi bà mất, hầu hết dân chúng đều thương tiếc. Vài nơi quanh vùng Hoa Lư dân chúng đã tự động đóng góp nhau để lập đền thờ bà.
Khi Dương hậu mất, Vệ vương không hay biết gì cả. Triều đình không cho báo tin vì sợ Vệ vương bị xúc động gây ảnh hưởng bất lợi cho việc hành quân.
Trong khi đó, vì lòng nôn nóng, Vệ vương đã cho tiến quân thần tốc với khả năng vương có được. Nhờ tài ba và lòng hăng hái của những người chỉ huy, quân triều lại đại thắng. Bọn Trịnh Hàng, Trần Lệ phải chạy trốn vào vùng núi Tản Viên. Thế rồi Vệ vương vội vã rút quân về.
Nhưng khi Vệ vương về đến Hoa Lư thì biết mẹ không còn nữa. Mọi việc đã được triều đình lo chu tất cả rồi.
Vua Đại Hành ngợi khen và ban thưởng Vệ vương rất hậu. Nhà vua cũng ân cần an ủi, khuyên vương cố gắng vượt qua nỗi đau buồn.
Sau đó, các quan trong triều cũng lục tục đến phủ Vệ vương để chia buồn.
Vệ vương định cư tang cho mẹ một thời gian rồi sẽ thực hành ý muốn của mẹ: xin trả lại tước Vệ vương cho triều đình để trở về sống cuộc đời dân dã.


*


Khi nghe tin Vệ vương thắng trận trở về, Thái úy Phạm Cự Lượng liền tâu với vua Đại Hành:
- Vệ vương thật là một tướng có tài!
Vua Đại Hành hiểu ý Cự Lượng muốn nhắc nhở mình, ngài mỉm cười nói khích:
- Hổ phụ sinh hổ tử đâu có gì lạ!
Phạm Thái úy đi thẳng vào vấn đề:
- Xin thánh thượng chớ quên con hổ tử này vẫn là mối đe dọa cho triều Lê ta!
- Bây giờ khanh muốn trẫm xử trí như thế nào?
- Trước kia bệ hạ có nói Dương hoàng hậu còn đó, hãy hoãn hoãn việc đó đã. Bây giờ Dương hoàng hậu đã qua đời, bệ hạ không nên chần chờ nữa!
Vua Đại Hành lại cười:
- Khanh nói phải lắm. Phen này thì nhất định phải cho mẹ con họ đoàn tụ. Thật ra trẫm cũng đang nghĩ cách làm sao cho người ngoài không nhìn thấy được dụng tâm của mình. Khanh có nghĩ ra cách nào giúp trẫm không?
- Tâu, thần sẽ cố gắng suy nghĩ thử!







Chú thích: Năm Tân Tỵ: 981, Giáp Thân: 984, Kỷ Sửu: 989, Ất Mùi: 995, Bính Thân: 996, Đinh Dậu: 997, Kỷ Hợi: 999
*Tịch điền: Ruộng do vua chúa ngày xưa cày tượng trưng vào đầu vụ hàng năm để chứng tỏ sự quan tâm tới nông nghiệp của mình.
**Ngô Đức Thọ dịch
***Hà Văn Tấn dịch
Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm
Lời Tựa
CHƯƠNG MỘT
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHƯƠNG BỐN
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
CHƯƠNG MƯỜI
CHƯƠNG MƯỜI MỘT