CHƯƠNG MỘT
Tác giả: Ngô Viết Trọng
K hoảng đầu năm Giáp Dần, trên hữu ngạn sông Cầu Chày miệt Thiệu Yên thuộc châu Ái bỗng mọc lên một trang trại lớn. Chủ nhân trang trại chính là vị cựu vương từng cầm quyền một thời ở Cổ Loa đã bị truất phế. Đó là Chương Dương công Dương Tam Kha. Khu đất của trang trại khá mầu mỡ, Công đã chọn sẵn từ thời công còn giữ ngôi chí tôn thiên hạ với niên hiệu Bình vương. Công đặt tên là trang Đông Lỗ. Trang Đông Lỗ quần tụ được trên ba trăm nhân khẩu gồm những người trong gia tộc Dương công cùng với một số người giúp việc. Công việc chính ở trang trại là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.
Từ khi đến trang trại này, Dương công gần như không còn tiếp xúc với người bên ngoài. Việc làm ăn công hoàn toàn phó thác cho đám gia nhân. Để tìm niềm vui, công chỉ biết uống rượu một mình hoặc ngắm hoa, thưởng cảnh. Mang tâm trạng một kẻ có nguồn gốc thượng đẳng bị sa cơ thất thế, công thường ví mình như một vị tiên bị đày. Vì thế, công đã cho thiết lập một vườn cảnh riêng biệt để làm nơi vui chơi giải trí, đặt tên là Trích Tiên Viên. Công chọn một khu vườn cũ đã trồng sẵn nhiều loại cây sum sê rậm rạp, nhưng chỉ giữ lại một số cây thích hợp, còn bao nhiêu cho triệt hạ hết để trồng lại thành vườn cảnh. Khu vườn này đặc biệt có một dòng suối ngoằn ngoèo chạy ngang qua, tuy nhỏ hẹp nhưng lại có nước chảy quanh năm. Hai bên bờ suối có rất nhiều loại hoa luôn đua nhau phô sắc. Công đặt cho dòng suối một cái tên thơ mộng: suối Ngọc Chân. Ở trung tâm vườn, công cho dựng một ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi để làm nơi nghỉ lại. Gần đó, công lại cho dựng một gian nhà khác dành cho gia nhân và chứa đồ đạc. Công bỏ ra không biết bao nhiêu tiền bạc để người nhà đi khắp nơi tìm mua các loại hoa thơm cỏ lạ về tô điểm cho khu vườn. Công cũng cho tìm kiếm các loại chim, cá, thú vật về nuôi để làm tăng vẻ đẹp nơi di dưỡng tinh thần của mình. Có thể nói Trích Tiên Viên là một công trình tuyệt hảo đã làm tươi mát nhiều cho cõi lòng khô héo của Chương Dương công trong những ngày cuối đời.
Sau khi trang Đông Lỗ ra đời ít lâu thì đối diện bên kia sông Cầu Chày cũng mọc lên một trại lính. Nhiều người nghĩ rằng trại lính ấy được dựng lên ngoài việc giữ gìn an ninh địa phương còn nhắm mục đích kiểm soát những hoạt động của trang Đông Lỗ. Nghĩ như vậy cũng có lý. Sau cuộc đảo chánh của Nam Tấn vương, nể tình cậu cháu, Nam Tấn vương không giết Bình vương mà chỉ tước bỏ quyền lực và giáng xuống làm Chương Dương công. Nam Tấn vương lại cấp cho công thực ấp Chương Dương thuộc miệt Thường Tín để công lấy lộc sinh sống, coi như đó là một hình thức chỉ định cư trú. Thế nhưng một thời gian sau công tự động đem toàn bộ gia tộc về sống ở Đông Lỗ, gây dựng nên trang trại này. Vì sợ mẹ mình buồn, lại ngại tiếng thiên hạ thị phi, Nam Tấn vương làm ngơ không hỏi đến. Tuy thế, vương cũng phải ra mật chỉ cho chính quyền địa phương theo dõi đề phòng.
Cầu Chày là một dòng sông nhỏ, một phụ lưu chảy vào sông Mã. Nước sông Cầu Chày nổi tiếng rất độc, đến nỗi trong dân gian có câu "Qua sông Cầu Chày chó rụng đuôi". Tương truyền những con chó lội qua đấy đều bị bệnh rụng hết lông mà chết. Người dân địa phương không mấy ai dám uống nước và cũng không dám tắm trên sông. Khách phương xa không biết tình trạng ấy, mắc bệnh vì dòng sông này cũng nhiều. Dòng sông nổi tiếng độc dữ đến thế nên khi về đóng quân ở đây, những người chỉ huy đã cẩn thận sai đào giếng đủ nước cho mọi người dùng. Thế nhưng trong trại lính vẫn có nhiều người hay bị ốm, thỉnh thoảng lại có người chết. Điều đó làm cho viên đề lĩnh Lê Mật đâm ra suy nghĩ, lo lắng.
Vào một buổi trưa nhân đi công việc về, Lê Mật ngạc nhiên thấy một bọn lính khá đông đang tắm dưới sông. Thấy có một viên đội đứng trên bờ, ông kêu đến hỏi:
- Dòng sông này nước độc có tiếng sao ngươi lại cho chúng tắm? Thảo nào thời gian gần đây quân sĩ cứ mắc bệnh liên miên, thậm chí đã có người thiệt mạng! Việc này ngươi phải chịu trách nhiệm đấy!
Viên đội thưa:
- Bẩm, con đã khuyên bảo, giải thích nhiều về sự độc dữ của nước sông, về bệnh hoạn, chết chóc thế mà chúng không chịu nghe con biết làm sao? Khuyên bảo thôi chứ lệnh trên đâu có khoản nào nói đến việc cấm tắm sông?
Lê Mật nghiêm nghị nói:
- Dân địa phương nhiều người không đám dùng nước sông này để tưới cây nữa chứ đừng nói đến tắm! Thế mà sao chúng lại ngu ngốc quá! Hay tại giếng mình đào không đủ nước?
Viên đội vừa nhìn qua bên kia sông Cầu Chày vừa cố kiềm giữ cái giọng hài hước:
- Dạ bẩm, nước giếng không thiếu đâu, nhưng chúng thích tắm sông cho thoải mái mặc dù phải tắm thứ nước độc mạn ngược như thế mới chết chứ!
Lê Mật cảm nhận ra một điều gì bất ổn, tự hỏi:
- Hay có vấn đề gì chăng?
Ông đảo mắt nhìn sang bên kia bờ, chỉ thấy lũy tre che chắn cho trang Đông Lỗ rậm rạp xanh um. Phần bên ngoài từ lưng lũy cho tới mé nước thì lau sậy cùng những cây cối loại nhỏ mọc đầy. Ông chép miệng:
- Muốn quan sát sinh hoạt trong trang Đông Lỗ cũng khó lắm!
Bên dưới, bọn lính vẫn thản nhiên bơi lội. Bất đồ Lê Mật thấy có mấy bóng người lấp ló trong đám lau sậy và đám cây nhỏ bên kia bờ. Họ đang quan sát trại lính chăng? Ông chăm chú nhìn một lát rồi quay lại nói với viên đội:
- Hãy coi chừng! Bên kia hình như có bọn do thám đang theo dõi chúng ta đấy!
Viên đội cố nín cười, thưa:
- Bẩm quan đề lĩnh, không phải bọn do thám đâu! Đó chỉ là ba cô gái nhỏ rất nghịch ngợm cứ thấy bên này có lính xuống tắm lại rình xem. Chúng con đã theo dõi nhiều lần nhưng lần nào cũng chỉ thấy ba cô bé ấy thôi. Hình như mấy cô lén cha mẹ mà đến chơi ở đó. Cũng vì thế mà mấy thằng lính mình cứ tinh nghịch thích xuống chỗ này để tắm truồng bất chấp cả nguy hiểm!
Lê Mật chợt thấy mình đã bắt mạch ra vấn đề, hỏi:
- Con gái nhà ai ngươi có biết không?
- Dạ, một cô tên là Vân Nga, con của Chương Dương công, hai cô kia là người hầu.
Lê Mật nhướng mắt lên hỏi:
- Con gái của Chương Dương công à? Ngươi thấy Vân Nga lần nào chưa? Bao lớn?
- Dạ, nghe Vân Nga mới mười ba tuổi nhưng đẹp lắm. Hai cô người hầu lớn hơn cô chủ, cỡ chừng mười lăm mười sáu. Cả ba đều rất tinh nghịch. Ban đầu lính mình chỉ có vài anh sừng sỏ xuống sông tắm sau những buổi tập dượt. Tới khi phát giác ra có người nhìn lén lúc chúng tắm, chúng bèn kể cho nhau nghe. Việc đó xảy ra nhiều lần liên tiếp. Vì thế càng ngày bọn lính càng xuống sông tắm đông hơn. Khi biết chuyện, con nghi ngờ có kẻ đang dòm ngó trại mình, con thân hành dắt một tên lính lẻn sang bên kia tìm hiểu sự tình. Đến chỗ hay thấy bóng người lấp ló, chúng con nhận ra có một lối mòn nhỏ. Lần theo lối mòn mới biết nó phát xuất từ bên trong trang Đông Lỗ, xuyên lũy tre mà ra bờ sông. Chúng con ngỡ đó là cái lối mòn mà bọn gian tế sử dụng để do thám trại ta. Thế là chúng con lén đến núp sẵn ở đó chờ đợi. Khoảng thời điểm thường lệ mấy tên lính xuống sông tắm, chúng con bỗng nghe tiếng bước chân người từ bên trong tiến ra. Chúng con hồi hộp mừng rỡ vì cầm chắc phen này mình sẽ bắt được kẻ gian tế. Ngờ đâu bọn người xuất hiện lại là ba cô gái rất trẻ và rất đẹp. Chúng con đã lặng lẽ chờ xem các cô hành động thế nào, nhưng chỉ thấy các cô tiến thẳng tới chỗ họ vẫn đến mọi khi líu lo cười nói, chỉ trỏ rất tự nhiên. Cô trẻ nhất và đẹp nhất lại chính là cô ăn nói bạo miệng nhất. Sau này chúng con mới biết cô đó chính là nàng Dương Vân Nga. Các cô say sưa nhìn ngắm mấy tên lính tắm đến nỗi khi chúng con rút lui họ vẫn không hay biết gì hết. Vì tò mò, hôm sau chúng con lại sang do thám lần nữa, vẫn thấy tình trạng y như hôm trước...
Lê Mật ngắt lời viên đội:
- Thế là ngươi yên chí thả lỏng cho bọn lính tha hồ biểu dương lực lượng? Thảo nào, thì ra ngươi cũng đồng lõa với chúng!
Rồi ông thấp giọng:
- Con cái nhà quyền quí như thế ai mà ngờ được!
Viên đội hào hứng nói tiếp:
- Nhìn bọn lính nô đùa dưới nước, mấy cô cứ tỉnh bơ như chẳng có việc gì. Có lần một anh lính đưa tay vẫy mấy cô và nói: "Xuống đây tắm cho vui!". Quan đề lĩnh biết tiểu thư Dương Vân Nga phản ứng sao không? Cô bảo: "Bọn bây không được hỗn, mai kia bà làm hoàng hậu bà cho bêu đầu hết cả lũ đó!". Bọn lính cười rầm lên. Từ đó chúng cứ đùa gọi tiểu thư Vân Nga là "lệnh bà". Không ngờ tiểu thư cũng xưng mình là "lệnh bà" với chúng luôn.
Lê Mật thở dài:
- Cành vàng lá ngọc thứ thật đó! Nếu không có biến cố năm Canh Tuất thì bây giờ cô ta đường đường là một vị công chúa! Chúng mày làm hỗn với mấy cô ấy không chừng mất đầu như chơi đấy nhé!
- Đâu dám! Chúng con biết đó là trang trại của Chương Dương công mà!
- Con gái mà để luông tuồng như vậy làm sao nên người? Thế chúng quân làm trò khỉ ở cái bến này bao lâu rồi?
Viên đội thưa:
- Thật ra chúng nó cũng biết phận, không mấy khi ăn nói ngỗ ngáo chòng ghẹo tới mấy cô, chỉ nghịch ngầm đôi chút thôi! Đúng ra chúng tắm ở đây cũng gần nửa năm rồi, thưa đề lĩnh.
Lê Mật chắt lưỡi:
- Không xong! Tình trạng này thì sớm muộn cũng xảy ra chuyện lôi thôi! Ta với nhà này vốn có chút ân tình, không nên ngồi yên mà ngó.
*
Mấy ngày sau Lê Mật vào trang Đông Lỗ xin gặp Chương Dương công. Sau khi đưa danh thiếp cho người gác cổng trang vào trình với trang chủ, một cô gái trẻ ra cổng mời Lê Mật vào. Nhìn thấy cô gái khá xinh đẹp, Lê Mật đoán chừng đó là Vân Nga, bèn hỏi:
- Hình như cô là ái nữ của trang chủ?
- Dạ thưa không phải, cháu là Cẩm Hồng, chỉ là người hầu hạ tiểu thư Vân Nga. Tiểu thư đang ở trong phòng riêng.
- Nghe đồn Dương tiểu thư đẹp lắm nên thấy cô tôi mới tưởng là tiểu thư!
- Ồ, cháu mà ăn nhằm gì đối với Dương tiểu thư! Rồi quan ông sẽ thấy.
Lê Mật kinh ngạc khi thấy Cẩm Hồng xinh đẹp như thế mà lại nói không ăn nhằm gì đối với tiểu thư Vân Nga thì Vân Nga lại đẹp tới cỡ nào? Ông lại hỏi:
- Nhà Chương Dương công chắc hay có khách khứa lắm?
- Dạ thưa, Chương Dương công rất ít tiếp khách. Quan ông là người khách thứ hai từ khi Dương công tới Đông Lỗ...
Tì nữ Cẩm Hồng dẫn Lê Mật đến phòng khách. Chương Dương công vẻ mặt lạnh lùng đưa bàn tay ra hiệu mời khách ngồi và hỏi:
- Quí chức hạ cố đến tệ xá chắc có việc gì?
Lê Mật từ tốn nói:
- Xin công cứ yên lòng. Hạ quan đến đây thăm viếng chỉ vì chút tình nghĩa cố cựu chứ không có ý gì khác.
- Xin lỗi, tôi chưa rõ được ngụ ý của quí chức!
- Thưa, công không biết là phải. Hạ quan là Lê Mật, vốn là thị vệ của Dương Tiết-độ-sứ ngày trước. Khi tướng Kiểu Công Tiện thí chúa cướp quyền hạ quan đang lâm bệnh nằm nhà nên không ở cạnh Tiết-độ-sứ được. Chuyện không hay đã xảy ra, hạ quan buồn lắm nên nghỉ ở nhà làm ăn một thời gian khá lâu. Sau này thấy tình hình loạn lạc làm ăn không yên hạ quan mới đăng lính trở lại. Nay được cử tới giữ chức đề lĩnh ở đây, thuận dịp hạ quan tìm đến thăm viếng công cho thỏa tình.
Chương Dương công ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:
- Thì ra ông là người từng làm việc dưới trướng của thân phụ tôi! Xin lỗi thật tình tôi cũng có đôi chút nghi ngờ ông theo lệnh của Nam Tấn vương đến đây để dò xét. Nhưng tôi cũng chẳng lo ngại vì tôi có làm gì mờ ám hoặc giao tiếp với ai đâu! Hẳn ông cũng thấy như vậy chứ? Nay ông đã đến đây chỉ vì tình cố cựu thì quí lắm, sao chúng ta không uống một bữa cho vui?
Thế rồi Dương công truyền người nhà dọn rượu thịt ra. Hai người cụng ly, chúc nhau những lời tốt lành. Chỉ một chốc chuyện trò ấm lạnh hai người đã cảm thấy gần gũi nhau nhiều. Chương Dương công hỏi:
- Ông ở trong quân chắc biết rõ tình hình đất nước bây giờ như thế nào?
Lê Mật nói:
- Tình hình chung hiện cũng chưa được ổn định lắm. Nhiều lãnh chúa địa phương đang thừa dịp này để trỗi dậy thao túng quyền lực. Thiên Sách vương cũng như Nam Tấn vương đều đang rối đầu vì những chuyện đó.
- Ông liệu hai vương có khả năng chuyển loạn thành trị không?
- Thấy cũng khó đấy! Hình như hai vương cũng không hợp ý nhau lắm!
Chương Dương công mời Lê Mật cạn một chén nữa rồi thở dài nói:
- Già này coi như bỏ đi rồi chẳng nói làm gì, ông tương lai còn dài cũng nên liệu gió để phất cờ.
Lê Mật hơi lộ vẻ ngạc nhiên:
- Liệu gió để phất cờ? Công thương mến mà nói vậy thì hạ quan xin cám ơn. Nhưng thiết nghĩ trai ngay thì cứ hết lòng vì chúa chứ cần nghĩ ngợi suy tính gì cho nhọc?
Chương Dương công làm ra vẻ đã thấm rượu:
- Tục ngữ có câu "Chim khôn chọn cành mà đậu, người khôn chọn chúa mà thờ". Tục cũng có lời "Người trí biết xa nước loạn để tránh họa". Tôi vì thương ông mà nói vậy, nếu có quá lời xin ông bỏ qua cho!
Lê Mật xuề xòa:
- Xin công đừng nói vậy. Công với hạ quan là chỗ thân tình đâu có gì mà phải dè dặt? À, hạ quan xin phép tò mò một chút. Nghe nói lệnh ái ngoan lắm, chẳng hay năm nay đã được bao xuân xanh? Gá nghĩa với ai chưa?
Chương Dương công nói:
- Chẳng giấu chi ông, con bé mới mười ba, cũng có chút nhan sắc, lại khá thông minh nữa. Nhưng cháu bướng bỉnh lắm, tôi dạy bảo không chịu nghe. Việc gì cháu cũng ưa làm theo ý mình. Nó là con một, nhà tôi cưng chiều quá đã thành quen. Tôi mong cháu thêm vài tuổi nữa rồi tìm một chỗ xứng đáng để gởi gắm mới yên lòng.
Nhớ lại lời viên đội nói về Vân Nga, Lê Mật hỏi:
- Hình như cháu cũng có gì khác thường?
- Vâng, cháu sinh ở Cổ Loa, lúc cháu mới ra đời bị mang chứng khóc nhè liên miên không ai dỗ được. Về sau có một đạo sĩ ghé nhà bảo dỗ giúp cho. Đạo sĩ vừa vỗ vào lưng cháu vừa hát "Nín đi thôi, nín đi thôi, Một vai gánh vác cả đôi sơn hà". Không ngờ đạo sĩ vừa hát xong câu hát thì cháu nín luôn. Đạo sĩ cho biết cháu sẽ là một nữ nhân khác thường. Tuy vậy, tới giờ tôi vẫn chưa thấy gì ở cháu ngoài cái tính ngang bướng, có lẽ do nhà tôi quá cưng chiều mà sinh ra...
Lê Mật bỗng nghiêng người nói gì nho nhỏ với Chương Dương công. Công hơi nhíu mày hỏi lại:
- Thật thế sao? Đúng là chuyện động trời, tôi có biết gì đâu! Để rồi tôi sẽ tính.
Lê Mật gật đầu nói:
- Hạ quan nghe một thuộc hạ nói vậy nhưng xin công cứ thử hỏi lại cho chắc. Giờ thì cũng hơi chiều rồi, hạ quan xin cáo từ, sẽ có dịp hạ quan trở lại thăm công.
Chương Dương công đứng dậy tiễn đưa khách. Công ân cần cầm tay Lê Mật dặn dò:
- Cám ơn ông đã đến thăm và cho biết những điều quan trọng như vậy. Khi nào rảnh xin mời ông cứ lại chơi. Già này ở đây không có ai bầu bạn cũng buồn lắm!
- Thưa vâng, nếu công không chê, những lúc thuận tiện hạ quan sẽ đến thăm công.
*
Khách vừa ra khỏi nhà Chương Dương công liền cho mời phu nhân đến phòng mình. Tiếp đó công lại cho đi đòi Vân Nga và hai tì nữ Cẩm Hồng, Tuyết Linh đến gấp. Lâm phu nhân đến gặp chồng ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì mà trông tướng công có vẻ giận dữ vậy?
Chương Dương công tay đang cầm sẵn cây roi mây, vẻ mặt hằm hằm nói:
- Phu nhân nghĩ coi! Mình nuôi chúng để chăm sóc cho con mình, thế mà chúng dám dẫn dắt con mình vào con đường hư hỏng, thử hỏi mình có nên chấp chứa chúng nữa không?
Phu nhân chưa hiểu đầu đuôi ra sao thì hai cô gái trẻ khép nép bước vào:
- Bẩm tướng công, bẩm phu nhân, ngài đòi chúng con đến có gì dạy bảo?
Công giận dữ quát:
- Quì xuống! Thế tiểu thư chúng mày đi đâu không đến?
Hai cô gái răm rắp quì xuống và thưa:
- Dạ tiểu thư đang ngủ, tiểu thư khóa phòng lại không cho ai vào cả.
Công đấm tay xuống mặt bàn nghe một tiếng rầm, nạt lớn:
- Những buổi trưa bây hay dẫn tiểu thư đi chơi ở chỗ nào?
Hai cô gái tái mặt run lật bật, nói không ra tiếng:
- Dạ... dạ...
Công quất cây roi mây trong không khí nghe vun vút đến rợn người.
- Nếu không chịu nói thật tao sẽ giết hết chúng mày! Những buổi trưa chúng mày thường dẫn tiểu thư đi chơi chỗ nào?
Cẩm Hồng run đến lạc giọng, gắng gượng nói:
- Bẩm, tiểu thư tự ý đi trước và bắt chúng con phải đi theo chứ chúng con đâu dám!
Công quắc mắt nhìn sang Tuyết Linh:
- Còn mày nói sao?
Vừa hỏi công vừa quất một roi vào lưng làm cô gái oằn người xuống, run lật bật mà không dám khóc.
- Nói mau lên nếu mày không muốn chết!
Công thúc giục và lại giở cây roi lên. Lâm phu nhân lật đật can thiệp:
- Từ từ để chúng nói. Tướng công làm chúng khiếp quá như vậy làm sao chúng nói được? Tướng công hẳn biết tính con gái mình chứ! Nó chuyên nẩy ra những ý nghĩ nghịch ngợm và bắt người ta theo chứ nào chịu theo ai?
Vừa nói, Lâm phu nhân vừa dằn cái roi trên tay chồng. Xong, bà quay nhìn hai cô gái, nhỏ nhẹ:
- Chuyện gì đã xảy ra chúng mày cứ thành thật kể lại cho tướng công nghe. Tướng công đang giận lắm đó. Chúng mày chớ nên dối trá mà ăn đòn!
Thế là hai cô gái kể lại từ đầu chí cuối chuyện dắt nhau đi xem lén bọn lính tắm trên sông. Cả hai cô đều quả quyết chính tiểu thư dẫn đầu rồi bắt hai cô phải theo chứ không phải do hai cô xúi giục.
Dương công giận dữ bắt cả hai cô nằm sấp xuống, đánh mỗi cô năm roi rồi hét:
- Từ giờ phút này chúng mày không được hầu hạ tiểu thư nữa! Chúng mày phải đi đuổi chim đuổi chuột ở ruộng lúa nghe chưa! Đó là do chúng mày tự rước lấy khổ chứ không phải ta muốn thế. Hãy cút ngay cho khỏi bẩn mắt ta!
Hai cô gái mếu máo bước ra khỏi phòng. Dương công nói với phu nhân:
- Từ rày bà hãy lựa đứa khác hầu hạ Vân Nga!
Lâm phu nhân vừa về phòng mình thì Vân Nga nhảy sà vào, nước mắt ràn rụa:
- Tại sao cha lại đuổi Cẩm Hồng và Tuyết Linh? Con không chịu đâu!
Lâm phu nhân cau mày gắt:
- Tại sao mình là con giòng của giống mà con lại hành động bậy bạ dường ấy? Con có biết làm như vậy là thương tổn thanh danh gia đình lắm không? Cha con giận lắm đó! Bây giờ con còn muốn gì nữa?
- Con không cần biết! Cha mẹ phải trả Cẩm Hồng và Tuyết Linh lại cho con. Nếu không chịu nghe cha mẹ sẽ biết tay con!
Nói xong, Vân Nga giận dữ ngúng nguẩy bỏ đi. Lâm phu nhân thấy vậy vừa gọi vừa bước theo con nhưng Vân Nga không thèm nghe, bước nhanh vào phòng riêng đóng cửa lại. Lâm phu nhân chỉ còn biết lắc đầu.
*
Chiều hôm sau Lâm phu nhân tìm gặp Dương công, bà năn nỉ:
- Tướng công tính sao chứ con Vân Nga từ hôm qua tới giờ đóng cửa ở miết trong phòng không chịu ăn uống gì cả! Nó nhất định đòi trả Cẩm Hồng và Tuyết Linh lại cho được. Thiếp đã khô cả cổ mà không dỗ nó được. Hay tướng công tha cho chúng một lần đi!
Dương công nói với Lâm phu nhân:
- Lỗi ở bà mà ra cả! Bà cưng chiều nó quá giờ mới sinh ra nỗi này! Cũng còn may, chứ nếu đã xảy ra chuyện gì chúng ta còn cất mặt mà nhìn ai được? Bà hãy lo răn đe nó đừng để ta phải ra tay! Xảy ra chuyện một lần nữa ta nhất định không dung đâu! Nhất là bà phải lưu ý con Tuyết Linh, cái thứ con phường hát xướng giàu tưởng tượng hay nghĩ ra những trò quỉ quyệt lắt léo ấy!
Liền đó, công cho gọi Cẩm Hồng và Tuyết Linh đến. Công nạt:
- Chúng mày phải nhớ đây là lần cuối tao tha cho chúng mày. Sau này tiểu thư làm việc gì không đúng, chúng mày phải báo cho ta biết ngay. Nếu không chúng mày sẽ bị đòn nặng rồi mất việc luôn nghe rõ chưa?
Sau đó, Chương Dương công thân hành đi quan sát cả trong lẫn ngoài lũy tre phía mặt sông Cầu Chày của trang trại. Xong xuôi, công cho người rào bít hết tất cả những chỗ từ bên trong có thể thông lọt ra ngoài lũy.
Dĩ nhiên cũng từ đó, bọn lính ở trại bên tả ngạn sông Cầu Chày cũng không còn hứng thú biểu dương hình hài khi tắm sông nữa.
*
Chừng hai tháng sau Lê Mật lại đến thăm Chương Dương công. Công vui mừng lắm, lại bày rượu uống cùng khách. Sau một hồi thăm hỏi vẩn vơ, Dương công thấp giọng:
- Hỏi nhỏ ông việc này nhé. Nghe nói tình hình trong nước mỗi ngày mỗi rối rắm lắm, theo ông thấy, lời đồn ấy hư thực thế nào?
Lê Mật thành thật đáp:
- Sự thật cũng có vậy. Nhưng việc ấy ở ngoài tầm tay mình. Dám hỏi, công đã rũ áo hưởng nhàn rồi đâu cần quan tâm đến chuyện ấy cho mệt? Hạ quan cũng chỉ mong sao làm tròn chức phận mình để khỏi mang tiếng với đời là đủ.
Dương công thở dài:
- Lẽ thì như vậy, nhưng mình lại có cái tật hay xâm lo chuyện thiên hạ. À, còn một tháng nữa là đến ngày giỗ phụ thân tôi, hẳn ông cũng có vài kỷ niệm về người?
Lê Mật trầm ngâm một lát rồi nói chậm rãi:
- Hạ quan làm sao quên đức tiên công được! Người là ân nhân của gia đình hạ quan. Chính người đã giúp đỡ tác hợp sắt cầm cho vợ chồng hạ quan đấy. Tiện phụ vẫn thường nhắc nhở đến ân đức của người.
Dương công nói:
- Chính vì những điểm thân tình ấy, tôi xin có vài lời khuyên: Đường công danh của ông còn dài, ông phải biết liệu gió mà phất cờ. Ở đời không mấy ai thương mình đâu. Vả, trời đất luôn xoay vần. Mình phải biết tùy thời chứ đừng bảo thủ làm vật hi sinh cho người ta vô ích. Tôi nói vậy thôi, chứ còn tùy ông...
Lê Mật ngồi im lặng suy nghĩ. Dương công lại tiếp:
- Theo ông hiện giờ đám giặc nào coi bộ nguy hiểm nhất?
Lê Mật nói:
- Tôi nghe hình như có cả chục lãnh chúa khá mạnh tranh nhau xưng là sứ quân cát cứ mỗi người một phương. Riêng đám Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư là có vẻ sừng sỏ nhất.
- Phải, tôi cũng đã nghe danh Đinh Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh là một tay thủ lĩnh gan dạ, có nhiều mưu kế. Bộ hạ y vẫn quen gọi y là Động chủ Hoa Lư. Đó chính là tay anh kiệt đời này, có thể chuyển loạn thành trị. Nếu có dịp, ông nên liên kết với người này, đừng bỏ lỡ cơ hội lập công danh.
Lê Mật ngẫm nghĩ một lát lại nói:
- Cám ơn công đã có lời khuyên chân thành ấy. Nhưng tai vách mạch rừng ở đâu cũng có, xin công cẩn thận lời nói để tránh bớt sự phiền phức.
Dương công bỗng thở dài sườn sượt. Lê Mật ái ngại nhìn công. Ông chợt nhớ đến người chủ tướng cũ. Hình bóng Dương Tiết-độ-sứ lúc nào trông cũng lẫm liệt uy nghi. Chương Dương công ngày nay tuy gương mặt hao hao giống cha nhưng trông công chỉ thấy toàn vẻ mệt mỏi chán chường. Dương công lại nói:
- Tôi lo cho ông mới tâm sự vậy thôi. Ông thấy đấy, mọi người đều đã quay lưng với tôi. Những người đã từng chịu ơn huệ của tôi, những người đã từng được tôi coi như tâm phúc bây giờ đều lánh xa tôi hết. Chỉ có ông là người còn nghĩ đến tôi nên tôi quí ông lắm.
Lê Mật bùi ngùi nhìn người đối diện. Công chỉ nghĩ đến cái công mở nước của thân phụ mình mà trách đời, hận đời theo cách nhìn chủ quan của công. Công lầm mất rồi! Khi Kiểu Công Tiện giết Dương Tiết-độ-sứ thì công bất lực chạy trốn. Cơ nghiệp của Dương Tiết-độ-sứ lúc đó coi như đã thành mây khói. Ngô vương đã giết Kiểu Công Tiện trả thù cho cha vợ thì Ngô vương chính là người ơn của công, của gia đình công. Giang sơn nước Việt đã được Ngô vương giành lại trong tay nghịch Tiện và giặc Nam Hán chứ đâu phải giành của gia đình công? Rồi lúc lâm chung, Ngô vương vì quá tin tưởng công mà giao phó việc sau cho công, sao công lại nhẫn tâm giựt ngôi báu của con cháu Ngô vương? Chính việc cướp ngôi của công đã gián tiếp gây ra cái mầm loạn lạc hôm nay. Mọi hậu quả công đang gánh chịu đều do lòng tham của công mà ra. Ai còn dám o bế công làm gì khi công đã thất thế? Đó là lẽ tất nhiên. Nam Tấn vương nghĩ tình cậu cháu, đã dung tha công, không phải là người hữu đạo sao? Nếu gặp bất cứ kẻ nào khác liệu công có tồn tại đến hôm nay không? Sao giờ này công còn mê muội ngầm ý xúi giục ta nọ kia? Sao công lại suy nghĩ thiển cận, cố chấp đến thế? Thật đáng giận! Nếu không vì chút ơn tri ngộ của Dương Tiết-độ-sứ ta đến với công làm gì?
- Trời hơi muộn rồi, hạ quan xin phép cáo từ. Thế nào ngày húy của đức tiên công hạ quan cũng đến để thắp cho người một nén hương.
- Vâng, xin ông nhớ nhé!
Trên đường về, cơn giận của Lê Mật dần dịu lại. Không thể được! Ta phải gần Chương Dương công để tìm cách ngăn chận những sai lầm của ông ta. Ta không muốn con cháu Dương Tiết-độ-sứ phải mang tiếng xấu! Ta không muốn để Dương Tiết-độ-sứ phải mất nòi! Ta phải kéo ông ta ra khỏi cơn mê muội, tránh thoát tai họa mới khỏi phụ ơn chủ cũ! Nghĩ tới đây Lê Mật mới thấy lòng thanh thản một chút.
*
Tình hình trong nước mỗi ngày một rối ren thêm. Đề lĩnh Lê Mật hết sức bận rộn. Tuy thế, ông vẫn thỉnh thoảng dành ít nhiều thì giờ ghé trang Đông Lỗ thăm Dương công. Hình như Chương Dương công cũng tinh ý nhận ra được thái độ của Lê Mật, sau này công ít khi nhắc đến chuyện thời thế. Lê Mật thấy vậy cũng an tâm, bèn tìm cách an ủi làm cho công vui vẻ hơn.
Ngày kia Lê Mật lại đến thăm Dương công theo một lời hẹn trước. Nhưng khi Mật đến thì gặp công đang bị bệnh nặng. Lê Mật vào tận giường bệnh để thăm hỏi, an ủi công. Lúc ấy Lâm phu nhân cũng vừa cho công uống thuốc xong, vẫn còn ngồi cạnh đấy. Công nắm tay Lê Mật nói giọng tha thiết:
- Phen này tôi sợ không qua khỏi. Tôi sống bấy nhiêu lâu vinh nhục cũng nếm đủ cả rồi. Tôi không muốn vướng víu đến việc đời nữa. Tuy vậy, tôi vẫn còn một nguyện vọng e thực hiện không kịp.
Nghe công nói thế, Lê Mật ân cần hỏi:
- Nguyện vọng gì công có thể cho hạ quan biết được không? May ra hạ quan có thể giúp gì được công chăng?
Dương công hổn hển nói:
- Nếu ông thật tình chịu giúp đỡ thì nguyện vọng này chắc chắn thực hiện được. Tôi cũng chẳng giấu ông làm gì nữa. Nguyên trước kia tôi có giao ước với viên Thứ sử Hoan châu là Đinh Công Trứ sau này sẽ gả con cho nhau. Sau đó trải qua những cuộc dâu bể, hai gia đình không còn có cơ hội gần gũi nhau để thực hành ý nguyện. Bây giờ mặc dù ông Trứ đã qui tiên, nhưng tôi không muốn quên ước cũ. Nay nghe con ông Trứ là Đinh Bộ Lĩnh đang ở Hoa Lư, tôi muốn đem tiện nữ Vân Nga gởi gắm cho họ Đinh để giữ trọn lời đã hứa, như vậy mới đành lòng nhắm mắt!
Lê Mật giật mình:
- Việc này chắc hạ quan không giúp gì công được đâu! Bộ Lĩnh hiện là tên giặc đối đầu với triều đình, hạ quan làm sao dám liên lạc với y mà bảo giúp công?
Dương công lại nắm tay Lê Mật giải thích:
- Thiết nghĩ, nếu Bộ Lĩnh chịu lấy Vân Nga, giả như trời còn cho tôi sống, tôi hi vọng dùng lời ngay để khuyên Bộ Lĩnh quay về với triều đình như vậy không hay ư? Xưa nay mỹ nhân vẫn buộc được chân anh hùng. Ông giúp được việc đó không những gia đình tôi nhớ ơn ông mà đất nước cũng có thể giảm được phần nào nạn đao binh.
Một mối thắc mắc chớm lên trong đầu Lê Mật: Mấy lần trước Dương công đã từng nhắc tới Đinh Bộ Lĩnh với mình sao không nói đến chuyện quen biết hứa hôn này mà bây giờ mới nói? Lê Mật đang trầm ngâm suy nghĩ thì Dương công kéo tay Mật nài nỉ khẩn thiết:
- Ông là người thân tín của gia đình tôi, chẳng lẽ một ước nguyện nhỏ mọn của người sắp chết ông không khứng giúp sao? Nếu ông ngại, tôi xin viết một bức thư, nhờ ông cho người chuyển đến Bộ Lĩnh là đủ. Sau đó tôi không dám phiền tới ông nữa.
Nhìn dáng dấp tiều tụy, ánh mắt khẩn thiết của Dương công, Lê Mật không đành lòng. Giúp Dương công ư? Có thể gặp rắc rối đấy! Hay ta nhân cơ hội này để thăm dò thực lực của Bộ Lĩnh một phen cũng tốt chán đi chứ! Ông suy nghĩ lại chốc lát rồi nói:
- Vâng, hạ quan sẽ gắng giúp công một lần này và cũng xin lỗi trước, đừng đòi hỏi hạ quan phải làm thêm việc gì khác dính dáng tới chuyện này nữa.
Mắt Dương công bỗng sáng lên, hơi thở dồn dập:
- Cám ơn! Cám ơn! Già chỉ phiền ông một lần thôi, không dám phiền lần thứ hai!
Rồi công rút một phong thư đã viết sẵn để dưới gối, mở ra trước mặt Lê Mật:
- Ông cứ coi đi. Không có gì bí mật đáng ngại cả!
Chương Dương công Tam Kha gởi Đinh hiền điệt,
Đã lâu lắm không gặp mặt, không biết hiền điệt bây giờ ra sao. Nguyên ngày xưa già này với tiên công có mối giao tình khá mặn nồng. Hai bên từng ước hẹn nếu bên này có con trai bên kia có con gái sẽ gả cho nhau. Không ngờ thế cuộc bể dâu đã làm đôi bên cách trở. Sau này biết được tiên công mọn mảy chỉ có hiền diệt trong khi già lại chỉ có một mụn con gái là Vân Nga. Dù tiên công đã khuất núi, với già lời ước cũ vẫn canh cánh bên lòng. Nay già cứ rày đau mai ốm, không biết ngày nào về với tổ tiên, ước xưa chưa thỏa nên lòng vẫn áy náy không yên. Hiện tiện nữ Vân Nga đã được mười bốn xuân xanh, nhan sắc cũng khá mặn mà. Già không dám để trì trệ nên mượn giấy bút gởi mấy lời để tùy hiền điệt quyết định.
Mong thay!
Lê Mật xem xong phong kín bức thư lại rồi đút vào túi mình. Ông nói:
- Làm việc này dễ bị hiểu lầm là liên lạc với giặc lắm. Nhưng đã hứa, hạ quan gắng giúp công một lần. Về sau thì xin thôi.
*
Lâm phu nhân chứng kiến từ đầu chí cuối cuộc nói chuyện giữa Dương công và viên đề lĩnh Lê Mật. Càng lúc bà càng thêm ngạc nhiên. Những sự liên lạc, hứa hôn giữa Dương công và Thứ sử Đinh Công Trứ thật tình bà không hay biết gì cả. Tới giờ này, việc chuẩn bị thực hiện hôn ước với Đinh Bộ Lĩnh, công cũng chẳng hề bàn với bà một lời...
Sau khi đề lĩnh Lê Mật ra về, Dương công bỗng ngồi bật dậy. Lúc ấy trong phòng chỉ còn hai vợ chồng. Với vẻ mặt tươi rói, công nói với giọng phấn khởi:
- Phen này thì cầm chắc việc thành, phu nhân hãy cho gọi con Vân Nga vào đây. Chỉ một mình nó thôi!
Lâm phu nhân cảm thấy bất bình lắm, nước mắt bà cứ muốn trào ra. Từ bao lâu nay Dương công vẫn quen nề một mình quyết định mọi chuyện trong gia đình. Việc bán gả đứa con gái yêu quí của mình sao mình không hề được hỏi đến một tiếng? Ấp úng một hồi bà mới mở miệng ra được:
- Cái vụ đính ước hôn nhân với Đinh Công Trứ xảy ra hồi nào sao thiếp lại không hề hay biết gì cả? Lâu nay tướng công có hề nói đến chuyện đó đâu?
Chương Dương công trở lại nghiêm nghị:
- Đó là chuyện của ta! Thật ra thì chẳng có đính ước gì cả. Ta sở dĩ đặt ra chuyện như thế cũng chỉ có mục đích để gả Vân Nga cho Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Công Trứ không còn trên đời thì ta nói sao mà chẳng được?
Lâm phu nhân hỏi lại:
- Nhưng tại sao lại phải gả Vân Nga cho Đinh Bộ Lĩnh chứ?
- Ta nghe Đinh Bộ Lĩnh là tay kiệt hiệt hơn người, hắn đủ khả năng diệt họ Ngô để trả thù cho gia đình ta!
Thì ra thế, lại chuyện hận thù, một mối hận thù không chính đáng! Lâm phu nhân đã vô cùng chán ngán phải nghe mãi cái điệp khúc này. Bà càng đau đớn hơn khi chồng mình nhẫn tâm đem đứa con gái duy nhất của mình ra làm vũ khí để trả hận! Nhưng đã vụ chữ tam tòng, biết làm sao hơn? Bà lại hỏi chồng:
- Tướng công liệu Đinh Bộ Lĩnh có tin lời ta để cưới Vân Nga không?
- Bà sao lẩm cẩm thế? Dù trong lòng không tin chuyện đó, Bộ Lĩnh vẫn giả vờ tin để cưới con mình. Thằng đàn ông nào lại ngu đần từ chối lấy một cô vợ trẻ đẹp bao giờ?
Phu nhân phản ứng yếu ớt:
- Nhưng họ Ngô đâu có xử ác với mình? Việc xảy ra trước đây mình cũng có lỗi chứ đâu phải chỉ lỗi ở họ Ngô?
Chương Dương công ho một tràng dài, đôi mắt đỏ kè, gầm lên:
- Bà dám bênh kẻ thù nữa sao? Bà không nhớ cảnh nhục nhã mà tôi phải chịu đựng sao? Xương Văn chỉ là thằng cháu, thằng con nuôi của tôi, thế mà nó dám bắt tôi quì lạy nó trước mặt bá quan để xin được sống, cái hận ấy ngàn đời tôi cũng không quên đâu! Bà hãy mau gọi con Vân Nga vào cho tôi dạy bảo.
Lâm phu nhân thấy chồng lại giận dữ như vậy bèn lẳng lặng bước ra ngoài. Lát sau, bà trở lại với tiểu thư Vân Nga. Nhìn đứa con gái của mình đẹp lộng lẫy như một nàng tiên, lòng công rộn lên bao nỗi tự hào. Tây Thi, Bao Tự, Điêu Thuyền... ngày xưa có lẽ cũng đẹp đến thế là cùng. Vân Nga không đợi cha nói, tự động ngồi xuống chiếc ghế ngay trước mặt cha.
- Con có biết cha gọi con đến đây có việc gì không?
Vân Nga nhanh nhẹn nói:
- Cha muốn nói gì cứ nói liền đi, "lệnh bà" còn có công chuyện nữa đó!
Dương công cau mặt nạt:
- Câm ngay! Không phải lúc nào cũng đùa được! Công chuyện gì cũng dẹp hết! Việc này rất quan trọng, con phải nghiêm chỉnh để nghe! Lơ là không được đâu!
Lâm phu nhân nhìn con. Vân Nga kinh ngạc ngồi im lặng. Dương công tiếp:
- Năm nay con đã mười bốn tuổi. Lớn rồi, con phải đi lấy chồng. Ngày xưa bố đã hứa gả con cho chàng Đinh Bộ Lĩnh, có thể nay mai chàng sẽ cho người đến rước con. Từ giờ phút này con phải biết tự răn mình, sửa đổi tính nết để khi về ăn ở với nhà chồng khỏi bị người ta chê trách bố mẹ không biết dạy con...
Vân Nga quay lại hỏi mẹ:
- Ủa! Chàng Đinh Bộ Lĩnh nào thế? Ở đâu?
Lâm phu nhân đưa mắt nhìn Dương công. Công nói:
- Cha chàng ta là bạn của cha. Chàng là một viên tướng đánh giặc rất giỏi.
Vân Nga giẫy nẩy:
- Một ông già à? Con không chịu lấy ông già đâu!
Dương công nghiêm giọng:
- Già gì mà già! Tương lai hắn làm vua đấy! Nếu không lấy hắn làm sao con có hi vọng trở thành "lệnh bà"?
Rồi công quay sang Lâm phu nhân:
- Từ nay phu nhân hãy cho người dạy dỗ Vân Nga kỹ hơn. Đừng để nó tiêu phí thì giờ vào những trò chơi vô ích. Con hư tại mẹ, bà phải chịu trách nhiệm về nó!
*
Gần một tháng sau Lê Mật lại ghé trang Đông Lỗ. Chương Dương công vừa nghe báo tin đã vồn vã ra tận ngõ đón tiếp:
- Ông về rồi đấy à? Chuyện tôi nhờ cậy ông làm có thành tựu không?
Lê Mật đáp:
- Mọi sự đều tốt lành! Nhưng Đinh tướng quân nói đang bận việc quân quá nên chưa thể đến bái yết Dương công!
Khách theo Dương công vào nhà. Công mời khách ngồi và gọi người nhà dâng trà. Lê Mật để ý thấy Dương công đã có vẻ khỏe mạnh, da dẻ trông hồng hào hơn trước nhiều. Ông nói:
- Hạ quan xin chúc mừng Dương công sức khỏe đã bình phục!
Chương Dương công tươi cười:
- Chính nhờ ơn ông cả đấy! Việc ông nhận lời liên lạc với Đinh Bộ Lĩnh đã làm cho tôi phấn chấn tinh thần để vượt qua cơn bệnh!
Lê Mật vẻ mặt không vui:
- Xin công đừng nói thế! Hạ quan vì muốn đáp ơn chủ cũ đã liều phạm phép nước một lần. Từ đây việc làm của công hạ quan sẽ không dự đến!
Nói rồi Lê Mật rút trong mình ra một phong thư trao cho Dương công. Công vội vàng mở ra đọc:
"Tiểu điệt Đinh Bộ Lĩnh kính lời trình bá bá cùng bá mẫu!
Trước đây tiểu điệt có nghe tiên phụ nói đến chuyện giao kết giữa hai nhà Dương Đinh. Tiểu diệt cũng mong sớm được bái kiến bá bá cùng bá mẫu để được nghe lời vàng ngọc dạy bảo. Nào ngờ tiên phụ đột ngột về trời không kịp di lại dấu tích gì nên đường dây liên lạc bị cắt. Xét phận mình, tiểu điệt không dám tự tiện đường đột làm phiền bá bá cùng bá mẫu. Nay được bá bá cùng bá mẫu bao dung không quên ước cũ, đoái nghĩ tới phận hèn, thật là may cho tiểu điệt biết chừng nào! Tiểu diệt đâu dám phụ lòng tri ngộ của bá bá cùng bá mẫu! Tuy nhiên, hiện việc quân gấp rút không thể coi thường, tiểu điệt xin thư thả một thời gian, sẽ cố gắng tối đa để được bái yết bá bá cùng bá mẫu, chậm nhất là vào đầu năm tới. Thư không cạn lời.
Kính bái".
Đọc xong thư, Dương công liền gọi Lâm phu nhân tới. Công trao bức thư cho phu nhân, cười đắc chí:
- Phu nhân thấy chưa? Ta biết là Bộ Lĩnh không phụ ước mà!
Lê Mật đứng dậy nói:
- Việc công nhờ cậy hạ quan đã hoàn tất, giờ xin cáo từ!
Chương Dương công như sực tỉnh ra:
- Ấy, ấy, xin đề lĩnh hượm đã, lão hồ đồ thật! Người nhà đâu hãy mau dọn rượu thịt để ta mời quan đề lĩnh giải lao!
Nhưng Lê Mật chắp tay nói:
- Cám ơn thịnh tình của Dương công, nhưng xin để dịp khác, gấp gì. Giờ hạ quan đang cần về lo chuyện đồn trại.
- Nếu đề lĩnh quá bận thì đành lần khác vậy. Thế nào lão cũng sẽ mời đề lĩnh lên vườn Trích Tiên chơi một chuyến.
Chú thích: Năm Canh Tuất: 950 sau TL, Giáp Dần: 954 sau TL.