- 12 -
Tác giả: Nguyễn Đắc Xuân
Nhiều người nói và viết về các bà vợ vua Việt Nam dưới triều Nguyễn, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào chính thức công bố cho biết các vua Nguyễn có bao nhiêu vợ, đẳng cấp phẩm tước như thế nào? Ở Trung Quốc, các đời đế vương thường lập sáu cung thành hai dãy: một cung ở phía trước, năm cung ở phía sau. Bà chính ở riêng một cung, ba bà phu nhân ở một cung, chín bà Tân ở một cung, hai mươi bảy bà Thế phụ ở một cung, tám mươi mốt người ở một cung, cả thảy 121 bà đều là vợ vua (Theo “Từ Dũ Hoàng Thái Hậu”, Nguyễn Liên Phong, 1913, trg 17).
Tại Việt Nam, từ triều Minh Mạng, các bà trong cung cũng được sắp xếp theo cửu giai giống như cửu phẩm trong ngạch quan lại.
Nhất giai Phi
Nhị giai Phi
Tam giai Tân
Tứ giai Tân
Ngũ giai Tiếp Dư
Lục giai Tiếp Dư
Thất giai Quý Nhân
Bát giai Mỹ Nhân
Cửu giai Tài Nhân
Dưới Tài Nhân là Tài Nhân vị nhập giai (những người đang chờ đợi được tuyển vào làm Tài Nhân), dưới nữa là cung nga, thể nữ (tức là kẻ hầu người hạ) gọi chung là cung nhân.
Đứng đầu các bà Phi là Hoàng Quý Phi (tức vợ chính của vua). Nhà Nguyễn (trừ triều Gia Long và Bảo Đại) không lập Hoàng Hậu, các bà phi chỉ được truy phong hoàng hậu lúc chết.
Cách xưng hô các bậc từ Tiếp Dư trở lên gọi bằng “bà”, từ Quý Nhân trở xuống chỉ được gọi bằng “chị”.
Chỗ ở của các bà vợ vua đều tập trung trong Tử-Cấm-Thành, các cung, viện của các bà thường được gọi chung là Tam Cung Lục Viện.
Theo cách trình bày ấy, những chỗ ở của các bà vợ các đời vua triều Nguyễn có một vài điểm hơi khác. Căn cứ trên thực tế, các cung, các viện dành cho các bà vợ vua trong Tử Cấm Thành, ta thấy có:
- Cung Khôn Thái là một cụm kiến trúc làm từ đầu triều Gia Long (1804), có điện Quang Minh Trung Chính ở phía sau điện Càn Thành (chỗ vua ở) cách một cái sân. Bà Hoàng Quý Phi ở đây.
- Bên phải cái sân nằm ngăn giữa điện Cần Chánh và điện Càn Thành có điện Trinh Minh xây năm 1810 (thời Gia Long) nơi ở của các bà nhất và nhị giai Phi; các bà Tân (tam và tứ giai Tân) ở viện Thuận Huy, tọa lạc phía tây của sân sau điện Càn Thành. Các bà Tiếp Dư (ngũ giai và lục giai Tiếp dư ở viện Đoan Huy) ngay phía tây điện Cao Minh Trung Chính của cung Khôn Thái. Viện này xây năm 1827 đời Minh Mạng. Các bà thuộc hạng Thất giai Quý Nhân, Bát giai Mỹ Nhân, Cửu giai Tài Nhân, các bà chưa nhập giai cùng tất cả các cung nhân chia nhau ở các viện còn lại: như Đoan Trang (phía sau và thẳng góc với điện Thuận Huy) xây năm 1827; viện Đoan Thuận, nằm phía sau và song song với viện Đoan Huy, làm năm 1830, viện Đoan Hòa, gồm hai dãy ở phía tây và song song với điện Kiến Trung sau này.
Đời Thành Thái xây dựng ở khu vực phía sau điện Võ Hiển và điện Trinh Minh một số kiến trúc có tên chung là Đông Kinh Các theo kiểu thức miền Bắc dành cho các Phi, Tần và Cung nữ.
Tất cả những di tích này đều đã mất.
Ngoài Tam Cung, Lục Viện Đông Kinh Các… còn đặt ra Lục thượng do các nữ quan coi sóc nhằm phục vụ các nhu cầu hàng ngày của vua. Lục thượng gồm có: Thượng Cung, Thượng Nghi, Thượng Phục, Thượng Thực, Thượng Tẩm, Thượng Công. Đứng đầu mỗi Thượng là các bà vợ vua có phẩm tước cao. Chẳng hạn, dưới thời Thiệu Trị bà Từ Dũ giữ chức Thượng Nghi kiêm cai quản các bà trong Lục Thượng.
Thâm cung triều Nguyễn gồm các bà mẹ vua, những người phục dịch vua và các bà vợ vua… tất cả tạo thành một xã hội nhỏ. Đặc điểm của xã hội này là, trừ các thái giám, chỉ có một người đàn ông là vua, số còn lại là đàn bà…